Chương 4: 4: Thi Hội

Trường An Thái Bình

Đăng vào: 11 tháng trước

.


Đáp xong bài sách luận[1] cuối cùng, Tô Sầm nộp bài sớm như mọi lần rồi ra khỏi phòng thi, cậu cúi người với mấy Hàn lâm Học sĩ gác thi, ưỡn lưng nghênh ngang mà đi.
[1] Bài văn nghị luận về vấn đề chính trị đương thời, đưa ra sách lược cho triều đình.
Người này không phải mới nộp bài sớm lần đầu, sau mấy hôm, Trương hàn lâm cũng để mắt tới cậu, bài viết người khác cần đến ba ngày mới xong mà lần nào cậu cũng chỉ viết trong một ngày là cùng, cầm bài thi đã được dán tên lên xem thử, ông giật nảy cả người.

Ý bài cuồn cuộn, từng hàng chữ như nước chảy mây trôi, từng nét phẩy, dấu chấm đều bộc lộ tài hoa thấu triệt, cũng chẳng giấu được khí phách thiếu niên.

Đọc tiếp nội dung, tay Trương hàn lâm run lên, ba bài văn lớn chỉ thẳng tác hại của chuyện phân tranh chia bè cắt phái trong triều, vạch rõ sai lầm một cách rõ ràng rành mạch, hoàn toàn không giống kiến thức của một thiếu niên.
Từng câu từng chữ thấm đẫm phong thái của người kia.
Ông vội ngẩng đầu nhìn theo bóng lưng đã đi xa, cậu đi qua từng phòng thi, ngẩng cao đầu bước về phía cổng, nắng tháng Hai rọi xuống lưng khiến người ta không mở nổi mắt, nhìn dáng người ngạo nghễ kia biến mất ngoài cửa, Trương hàn lâm cúi đầu day ấn đường.

Kỳ tài chính trị, chỉ cần không bị cố ý chôn vùi thì ắt có ngày trở thành lưỡi dao sắc bén tung hành trên triều đường, vạch ra ánh sáng cho triều cục hỗn mang.
Tô Sầm ra khỏi cống viện thì ngó nghiêng trái phải, thấy tiệm chè vẫn còn đó, đúng lúc nắng to, Tô Sầm bèn đi qua gọi một bát chè tu cạn, sau đó gọi thêm bát nữa mới ngồi xuống ăn từ từ.
Ông lão bán chè vẫn nhận ra cậu, đúng lúc không có khách, ông bèn lại gần hỏi chuyện, hỏi cậu lại nộp bài sớm à?
Tô Sầm cũng không ra vẻ khiêm tốn, cười đáp: "Hôm nay làm bài suôn sẻ, có ý tưởng nên viết cho xong rồi nộp luôn."
"Hậu sinh khả úy." Ông lão cười bảo: "Mười mấy năm trước cũng có một người trẻ tuổi nộp bài sớm một ngày, giờ đã lên đến Trung thư lệnh[2] rồi đấy.

Ta thấy sau này chắc chắn cậu sẽ làm nên chuyện lớn."
[2] Nhà Tùy định ra Tam tỉnh chế, các chức quan đứng đầu tam tỉnh bao gồm: Nội sử lệnh, Nạp ngôn, Thượng thư lệnh.

Đến nhà Đường thì sửa thành Trung thư lệnh, Thị trung và Trung thư tỉnh; ba chức quan san sẻ quyền lực, đều được liệt vào hàng Tể tướng.

Tô Sầm mỉm cười, biết người ông lão nhắc đến là hữu tương đương triều Liễu Trình, cốt cán trong phe Thái hậu.

Vị Liễu tướng này là Trạng Nguyên năm Vĩnh Long thứ hai mươi hai, cũng là kỳ khoa cử cuối cùng được cử hành khi Thái tông Hoàng đế tại vị.

Chẳng qua thành công của vị hữu tướng này không ai có thể bắt chước được, trong cuộc chiến đoạt ngôi của Tiên Đế và Ninh Vương vào những năm Vĩnh Long, vị Liễu tướng này chọn đúng vị trí, được Tiên Đế nâng đỡ, thăng quan liên tục.

Năm Thiên Thú thứ tám, Tiên Đế đột ngột băng hà, Thiên tử mới sáu tuổi đăng cơ, Ninh Vương nắm binh quyền vào triều, vị Liễu tướng này lại đứng về phe Thái hậu.

Có Sở Thái hậu đề bạt, hắn giẫm lên con đường trải đầy thi thể của kẻ khác, trèo lên đ ỉnh cao quyền lực trong cuộc chiến lặng thầm chốn triều nghi, mới ngoài bốn mươi đã phong hầu nhập tướng, là vinh quang khó lòng với tới trong mắt người khác.
Lúc này thế cục trong triều đã ổn định, hai phe vững vàng, muốn vươn lên như vậy không phải chuyện dễ dàng.
Vậy nên Tô Sầm cũng chỉ cười xòa cho qua, huống chi xoay sở vun vén giữa cuộc chiến đảng phái không phải mong muốn của cậu, chẳng thà về địa phương làm gì có ích cho muôn dân trăm họ.
"Tiệm chè của bá đã lâu năm rồi nhỉ?" Tô Sầm hỏi.
"Phải, hơn mười năm rồi." Ông lão nheo mắt nhìn cổng viện đóng chặt: "Ta từng thấy rất nhiều người đi vào cánh cửa kia như cậu, cũng thấy rất nhiều người đi ra từ trong đó, có người thăng quan tiến chức, cũng có kẻ khóc ướt mặt mày, có đứa trẻ chỉ mới mười mấy, cũng có người già đã gần sáu mươi, rất nhiều người trong số họ đều từng ăn chè ở đây rồi mới vào thi."
Tô Sầm cười bảo: "Vậy tức là chè nhà bá lợi hại lắm đấy, người từng ăn ít nhất đều là Cử nhân đổ lên, đặt tên tiệm chè Điền Ký làm gì nữa, đổi sang tiệm chè Trạng Nguyên đi."
Ông lão nhìn lá cờ phấp phới, mưa gió lâu năm khiến chữ viết trên cờ đã mờ đi, không rực rỡ mới mẻ như những tấm biển mới, nhưng ông vẫn lắc đầu: "Làm người, không thể quên gốc..."
Năm hôm sau yết bảng, A Phúc phí sức chín trâu hai hổ mới chen được vào đám người.

Cậu ta không biết chữ, nhưng lại nhớ rất rõ chữ "Tô" treo trước cửa nhà mình, nhìn hơn ba trăm tên Cống sĩ từ dưới lên, càng nhìn càng thấy lạnh lòng.

Sáng nay nhị thiếu gia vẫn ngủ dậy muộn như mọi ngày, đến ngày yết bảng, đến cậu ta còn hơi lo lắng, vậy mà nhị thiếu gia lại làm như chuyện không liên quan đến mình, ngủ dậy rồi thong dong tưới nước cho hoa, sau đó lấy một cuốn sách tiêu khiển ra đọc đến là vui.

Cuối cùng cậu ta không bình tĩnh được nữa, vội vàng chạy đi xem.
Biết ngay không đỗ mà.
A Phúc bất mãn bị đám đông đẩy ra, vừa định nghĩ xem nên về an ủi thiếu gia nhà mình thế nào thì thấy một đoàn người cưỡi ngựa phi đến, mấy tên thị vệ tách đám đông ra, quan viên Hồng Lư tự[3] thì dán tờ bảng hạnh[4] cuối cùng lên bảng thông báo.
[3] Hồng Lư tự là một trong chín "tự", là cơ quan phụ thuộc bộ Lễ trách lễ nghi triều đình, tiếp đón khách nước ngoài, lo việc đám tang và xướng danh các sĩ tử đỗ đạt.

[4] Thi Hội tổ chức vào mùa hoa hạnh nên được người xưa gọi là "bảng hạnh", thi Hội yết bảng cũng tức là "đề tên bảng hạnh".

"Sao năm nay có muộn thế?" Có người nhỏ giọng bàn tán.
"Hình như có tranh cãi chuyện chọn Hội nguyên, nghe đâu Hàn Lâm viện với bộ Lễ suýt đánh nhau vì chuyện này đấy."
"Thế cuối cùng bên nào thắng?"
"Bên nào thắng thì không biết, nhưng chắc chắn người có tên trên bảng thắng."
Đợi quan viên của Hồng Lư tự và thị vệ rời đi, mọi người mới ào lên.
Người bên trong gào lên: "Hội nguyên là người Tô Châu."

Người bên ngoài hét vào: "Tên là gì?"
Chỉ nghe bên trong có tiếng: "Tô Sầm! Là Tô Sầm!"
Hai chân A Phúc nhũn ra, suýt nữa quỳ rạp xuống đất.
Cậu ta chạy thẳng từ cống viện về nhà, vừa lao vào phòng thì thấy đương sự đang nằm trên sập, một tay cầm sách một tay cầm bánh xốp, vụn bánh rơi đầy người mà chẳng mảy may nhận ra.
Không trọng tiểu tiết, đúng là phong thái của bậc vĩ nhân!
"Đỗ rồi! Nhị thiếu gia đỗ rồi!" A Phúc mừng rỡ nói.
"Ồ?" Tô Sầm nhướng mày: "Hội nguyên?"
A Phúc sững sờ: "Nhị thiếu gia biết rồi ạ?"
Tô Sầm đứng dậy phủi vụn bánh trên người: "Với bài văn đó của ta, một là người người kinh ngạc, hai là chết không chỗ chôn, không có kết quả thứ ba."
"Hai lần đầu bảng, nhị thiếu gia giỏi quá đi mất!" A Phúc đi vòng quanh cậu, trước đây cậu ta luôn nghĩ Tô Sầm là công tử nhà giàu tầm thường bị chiều hư, tuy không nói ra, cũng không lơ là chuyện hầu hạ, nhưng trong lòng lại suy nghĩ khác.

Nhưng trên đường đi cùng thiếu gia, càng lúc cậu ta càng thấy thiếu gia nhà mình không lông bông như vẻ bề ngoài, những lúc nhạy bén thì tư duy tỉ mẩn vô cùng, tri thức cũng là hàng thật giá thật.

Không biết biểu đạt lòng sùng kính thế nào, cậu ta chỉ có thể lặp đi lặp lại câu "giỏi quá đi mất".

"Mấy hôm nữa là thi Đình rồi, tới lúc đó giành cả Trạng nguyên nữa, ba lần đầu bảng, mộ phần nhà họ Tô chúng ta bốc khói xanh chắc rồi." A Phúc vòng từ bên trái sang bên phải: "Tham gia thi Đình là có thể gặp được Thiên tử rồi, sau này nhị thiếu gia làm quan lớn rồi, có khi em lại được theo chân vào Hoàng Thành xem thử.

Nhị thiếu gia giỏi quá đi mất, giỏi quá!"
"A Phúc, A Phúc," Tô Sầm giữ người lại, người này cứ nhảy qua nhảy lại trước mắt cậu hệt con dế, làm cậu đau cả đầu.

Tô Sầm cầm một chiếc bánh trên bàn lên nhét cho cậu ta: "Ăn bánh này."
"Em không ăn đâu nhị thiếu gia," A Phúc kích động đẩy lại: "Cậu thật sự rất..."
"Ta rất giỏi, ta biết rồi." Tô Sầm kịp thời ngắt lời, lấy lại chiếc bánh cắn một miếng, nhíu mày: "Thật ra ta cũng không muốn ăn đâu, ta muốn ăn cháo hơn."
Mới sáng sớm người này đã ra ngoài xem kết quả, còn chưa cả nấu cơm cho cậu, bất đắc dĩ Tô Sầm mới phải ra đầu ngõ mua mấy cái bánh nhân đường đỏ, chưa cắn đến đường đỏ mà vụn bánh đã rơi đầy phòng.
A Phúc sững người, ngại ngùng gãi đầu: "Em đi nấu ngay đây."
Nhìn người kia phấn khởi chạy đi, Tô Sầm mỉm cười ngồi xuống.

Nói cậu không căng thẳng thì là giả, cả đêm qua cậu cũng ngủ không ngon.

Bài văn đó của cậu thật sự rất cực đoan, rất có thể sẽ chạm tới thể diện của một vài người, khiến họ ra tay cho cậu không thể trở mình.

Ban đầu lão Lâm nói lệ khí của cậu nặng quá, không biết che bớt sự sắc sảo.

Lúc đó cậu chỉ cười, lòng không nghĩ vậy mà mỉa lại: "Thầy vừa tức lên đã từ quan về quê được, con thế này đã là gì?".

Cậu nhớ lúc đó thầy chỉ vuốt mấy sợi râu dê của mình, thở dài bảo: "Cây cao giữa rừng ắt bị gió quật, đồi cao giữa bãi ắt bị xói mòn, đức hạnh cao muôn người khiển trách.

Con đừng học theo ta."
Lúc đó cậu tỏ ra cung kính, nhưng lại thầm nghĩ gió quật ngã vì cành dễ vỡ, nước xói mòn vì đá quá mềm, cậu tin rằng muôn tôi thành thép, tất nhiên không sợ trắc trở gian nan.
Vậy nên ngay khi nhấc bút, cậu đã nghĩ thế nào viết ra thế ấy, quyết không làm trái bản tâm.

Giờ đây có tên trên bảng, cũng tức là trong triều vẫn còn người tỉnh táo, không uổng công cậu lặn lội ngàn dặm tới đây..