Post on: 11 tháng ago
Một người nói thấy ma thì có thể là hoa mắt hoặc nói quá, nhưng hai người đều từng thấy rồi thì hẳn là có thứ gì đó thật.
Tô Sầm hỏi: “Các ngươi thấy bóng ma đó ở chỗ nào?”
“Bên cửa sổ phòng lão gia ấy.” A hoàn kia nói chắc nịch: “Chúng tôi ở ngay dãy đảo tọa[1] đối diện lão gia, hôm qua thức dậy giữa đêm, vừa mở cửa ra đã thấy phòng lão gia có ánh sáng lờ mờ, cứ như là có ai đứng cạnh cửa sổ nhìn tôi ấy. Ban đầu tôi còn tưởng lão gia về nữa mà. Nhưng nhìn lại lại thấy cửa sân sau vẫn đóng, chưa có ai động vào, lúc đó tôi sợ gần chết, vội vàng trùm chăn không dám cử động cả đêm.”
[1] Dãy nhà ở phía nam, quay mặt vào nhà chính.
“Cô nói sai rồi.” Tên hầu kia cắt ngang: “Rõ là bóng ma đó ngồi trước bàn lão gia mà, đêm hôm đó bà cả sai tôi bưng chè sang cho lão gia, không ngờ lão gia ngủ mất rồi. Tôi vừa đẩy cửa ra đã đối mặt với bóng ma kia, làm tôi sợ rơi cả bát.”
Câu chuyện này khiến mọi người đều im lặng, mặt trắng toát, có mấy kẻ nhát gan còn bắt đầu run rẩy rồi. Nói vậy thì chẳng những bóng ma này biết di chuyển, đã thế sau khi giết Từ Hữu Hoài rồi vẫn không chịu rời khỏi nhà họ Từ, không biết tiếp theo là đến lượt ai.
Tô Sầm nhíu mày, hỏi: “Ngươi đụng mặt bóng ma kia rồi, trông nó thế nào?”
Tên hầu run rẩy nhìn Tô Sầm, nhíu mày nghĩ mãi mới trả lời: “Gần như Tiểu Quyên nói đấy, xanh lè, nằm bò trên bàn lão gia, tôi cũng không dám nhìn nhiều, chỉ hét lên rồi lùi ra ngoài.”
“Sau đó thì sao?” Tô Sầm hỏi.
“Sau đó…” Tên hầu ngẫm nghĩ, đáp: “Sau đó lão gia thức dậy, thắp đèn, cái bóng kia cũng biến mất luôn.”
“Lão gia nhà ngươi không biết chuyện này à?”
“Lúc đó tôi đã nói với lão gia rồi.” Tên hầu kia khó hiểu nhíu mày: “Nhưng lão gia bảo tôi giả thần giả quỷ mắng cho một trận, còn không cho tôi nói ra ngoài.”
Tên hầu thở dài lắc đầu: “Không ngờ mới vậy lão gia đã bị bóng ma kia hại chết rồi.”
Tô Sầm đứng dậy sắp xếp lại manh mối. Họ nói vậy tức là Từ Hữu Hoài biết nhà mình có chuyện ma quỷ, còn dặn người ở không được nói ra ngoài. Sao hắn ta lại làm vậy? Chẳng lẽ là âm thầm nuôi một cô vợ ma hay sao?
Nha dịch bước lên hỏi: “Đại nhân, giờ phải làm sao?”
Tô Sầm trầm tư nhìn ra hậu viện, nói: “Đợi đến tối, ta cũng muốn xem con ma này mặt mũi thế nào.”
…
Tô Sầm ngồi trong sảnh chính, ngẩn người nhìn linh đường mới bố trí một nửa của Từ Hữu Hoài. Bà hai bà ba với đám hạ nhân trong nhà nhìn nhau, cuối cùng vẫn để a hoàn bắt chuyện với Tô Sầm lúc đầu bước lên, hỏi: “Đại nhân, chúng tôi thì sao?”
“Hả?” Tô Sầm hoàn hồn, nói: “Ai phải làm gì thì làm đi.”
Mọi người nhìn nhau, đại nhân đã có lệnh họ không dám không nghe, thế là không biết ai quỳ trước tiên, gào lên: “Lão gia, người chết thảm quá đi…”
Những người khác cũng theo sau, bắt đầu gân cổ gào khóc.
Tô Sầm đang ngồi trong linh đường: “…”
Tô Sầm khâm phục nhìn điệu bộ khóc lóc om sòm nhưng không rơi lấy một giọt nước mắt của họ, bỗng cảm thấy nếu người nằm trong quan tài trống này là mình chắc họ cũng khóc được như thế.
Tô Sầm hậm hực đứng dậy, quyết định không làm phiền người ta làm “chính sự” nữa.
Vừa bước khỏi linh đường Tô Sầm lại nhớ ra chuyện gì đó, quay lại hỏi: “Trước khi gặp chuyện lão gia nhà các ngươi có ăn tỏi không?”
Đám người hầu không hiểu chuyện gì, mấy đầu bếp thì nhìn nhau, sau đó lắc đầu.
…
Ra khỏi nhà họ Từ, Tô Sầm nhớ tới chợ Tây cách đây không xa bèn xua nha dịch đi, một mình đến hiệu đồ cổ của Từ Hữu Hoài.
Chợ Tây khác với chợ Đông, vì người ở xung quanh phần nhiều là thương nhân bình thường, lại không có nhiều quy củ như chợ Đông nên tụ tập rất nhiều tiểu thương, hàng rong, vật phẩm bày bán cũng đa số là đồ dùng hằng ngày như giấm tương dầu muối. Đã vậy chợ Tây cũng gần cổng Kim Quang phía Tây thành, con buôn Hồ, Dương từ phía Tây tới đều vào từ đây, bởi vậy mà trong chợ cũng có nhiều món đồ hiếm thấy từ vùng khác. Có câu thơ “Chàng trẻ Ngũ Lăng Đông chợ Kim; Miệng cười chân bước rượu giai nhân”, là để chỉ quang cảnh ở chợ Tây này.
Tụy Tập Hiên của Từ Hữu Hoài chìm giữa những hàng quán này, bên trái là một tiệm son phấn, bao người bên trong đang tíu tít bàn luận về một món hàng mới nổi trong đám nữ quyến nhà quan dạo này. Bên phải là một quán trà, ông lão đang kể câu chuyện thần lửa tế trời mới ra lò, gì mà Thần Lửa Chúc Dung hạ xuống trừng phạt vì có kẻ làm điều ngang ngược, chuyên quyền độc đoán. Tô Sầm thở dài, sao chuyện gì cũng gán vào người kia được vậy?
Mà Tụy Tập Hiên này ở giữa lại thành ra kỳ lạ vô cùng, hai bên trái phải rộn ràng náo nhiệt, riêng mình nó vắng vẻ đìu hiu.
Có lẽ là muốn lấy cái ý cảnh lặng giữa chốn vui, tiếc là chẳng lặng được mà vui cũng chẳng xong.
Mà khiến Tô Sầm bất ngờ hơn cả là hôm qua Từ Hữu Hoài mới chết, hôm nay cửa hiệu vẫn mở cửa.
Tô Sầm thong thả bước vào cửa hàng, chắc hẳn người bán ngồi trông hàng đã quen với cửa tiệm vắng vẻ, chỉ ngước mắt lên nhìn rồi nói “quý khách tự nhiên”, sau đó mặc kệ.
Tô Sầm nhìn quanh đồ đạc trong cửa hiệu, đúng như lời thư lại nói, đa số đồ đạc bày trong đây đều là thứ không đáng tiền, đến Tô Sầm nhìn thoáng qua cũng biết ngay thật giả, nếu chỉ dựa vào những thứ này thì Từ Hữu Hoài không thể nuôi được cả gia đình thế kia.
Tô Sầm đến thẳng trước quầy, gõ bàn, hỏi: “Chưởng quỹ nhà ngươi đâu?”
“Chết rồi.” Người bán hàng ngẩng đầu, thấy Tô Sầm không có vẻ định mua thứ gì bèn nói thẳng: “Người chết cháy hôm qua là chưởng quỹ nhà tôi đấy, nếu có gì muốn trả hay đổi thì tôi không quyết định được đâu, mà giờ cũng chẳng có ai quyết được nữa, thôi thì ngài coi như ngậm bồ hòn nhận tạm đi.”
Xem ra người này cũng biết rõ đức hạnh của cửa hiệu nhà mình, đã chẳng còn lạ lẫm gì với trường hợp này nữa, Tô Sầm bật cười: “Chưởng quỹ nhà ngươi chết rồi ngươi còn ở đây làm gì? Ai trả tiền công cho ngươi?”
Người kia cúi đầu gảy bàn tính tanh tách: “Không còn chưởng quỹ thì vẫn còn chủ mà, nhưng ngài cũng đừng hòng trả hàng, ông chủ nhà tôi cả nửa năm một năm mới qua đây một lần, không gặp được đâu.”
“Ông chủ?” Tô Sầm nhướng mày: “Cửa hiệu này không phải của Từ Hữu Hoài sao?”
“Phải.” Người bán hàng không ậm ờ chút nào, hắn nói tiếp: “Nhưng bên trên còn hai chủ nữa, chẳng qua bình thường không gặp được đâu.”
Tô Sầm hỏi: “Hai ông chủ này là ai? Tướng tá thế nào?”
“Này, ngài mua phải thứ gì táng gia bại sản ở đây hả?” Người bán hàng ngẩng đầu quan sát Tô Sầm: “Nhưng tôi thấy ngài có quen chút nào đâu? Không nhớ ngài từng mua gì ở đây hết…”
Tô Sầm lười nhiều lời với người này, cậu rút lệnh bài bên hông ra: “Đại Lý Tự điều tra án, hỏi gì thì trả lời đi.”
Người bán hàng sững người, sau đó lập tức xun xoe với Tô Sầm: “Hóa ra là quan trên đấy ạ. Vừa rồi tôi chỉ nói bừa vậy thôi, ngài đừng cho là thật, không phải ngày nào cũng có khách đến tiệm đòi trả hàng đâu, đồ chúng tôi bán toàn là hàng thật giá thật cả, không lừa dối ai…”
Tô Sầm: “Ông chủ.”
“À, ông chủ…” Người làm kia đon đả nói: “Ông chủ chỗ chúng tôi ấy à… tôi cũng chưa gặp nữa.”
“…” Tô Sầm nén giận: “Ngươi có biết lừa dối mệnh quan triều đình đáng tội gì không?”
“Đại nhân, đại nhân…” Người làm vội vàng ra khỏi quầy, quỳ phịch xuống đất, trông vẻ cũng sắp ôm đùi Tô Sầm. Tô Sầm vội vàng lùi lại, người kia vồ hụt, vội nói: “Những gì tiểu nhân nói đều là thật hết, đúng là bên trên còn hai chủ nữa, nhưng lần nào ông chủ đến đây chưởng quỹ cũng bảo chúng tôi đi chỗ khác. Tôi thật sự chưa thấy mặt mũi ông chủ bao giờ.”
Thấy người này không có vẻ đang nói dối, Tô Sầm đành phải khoát tay cho hắn đứng dậy, sau đó lại dặn nếu hai ông chủ kia có đến cửa hiệu thì phải tới Đại Lý Tự báo quan ngay.
Một cửa hiệu chẳng có lấy thứ gì nghiêm chỉnh thế này lại có hai ông chủ thần bí, Tô Sầm không khỏi sinh nghi, không biết hai ông chủ này là chủ của Tụy Tập Hiên hay là của kho hàng trong nhà Từ Hữu Hoài?
…
Tạm xong chuyện bên này, bấy giờ Tô Sầm mới nghe thấy có tiếng người xôn xao ngoài cửa, nghe như đang cãi nhau.
Tô Sầm ra ngoài cửa nhìn, quả nhiên thấy được một đám người quây nhau ngoài cửa. Giữa đám đông, một người trông như người hầu đang kéo tay áo một nữ tử, ra sức tranh luận chuyện gì đó.
Sau lưng người hầu kia là một thanh niên, y quấn chặt mình trong chiếc áo lông trắng muốt, sắc mặt trắng bệch song khuôn mày thanh tú, chẳng thua kém gì Khúc Linh Nhi.
Thanh niên kia vươn bàn tay trắng nõn ra kéo tay người hầu lại, nhíu mày khuyên nhủ: “Đan Thanh, thôi vậy.”
“Sao mà thôi được chứ?!” Người được gọi là Đan Thanh kia như sắp khóc tới nơi: “Đây là tranh công tử vất vả vẽ ra cơ mà, sao bảo thôi mà thôi được chứ?”
Nữ tử bị kéo lại kia cũng bất đắc dĩ, nói: “Nếu đã là tranh thì có đáng giá bao nhiêu đâu, bảo công tử nhà cậu vẽ lại là được mà.”
“Sao lại không đáng giá bao nhiêu? Công tử nhà tôi vẽ bức này suốt cả tháng trời, thức bao nhiêu đêm, suýt nữa còn mắc phong hàn.” Đan Thanh nhất quyết không buông: “Tôi không cần biết, bà phải đền tranh cho công tử nhà tôi!”
“Đền? Đền kiểu gì hả? Vẽ lại cho các người bức khác à?” Nữ tử kia giật tay áo lại: “Tôi thấy mấy người muốn ăn vạ nên cầm bức tranh rách đụng vào tôi thì có, tôi còn chưa bắt đền son đâu đấy!”
Tô Sầm nhìn cuộn tranh trong tay Đan Thanh, đúng là trên đó có một vệt đỏ tươi khác hẳn với màu giấy trắng mực đen.
Tô Sầm không phải người thích lo chuyện bao đồng, thấy trời đã dần tối, cậu định đi vòng qua đám người về lại nhà họ Từ, nhưng vừa bước hai bước đã nghe thanh niên kia cất tiếng: “Đúng là không phải thứ đáng tiền, là chúng tôi mạo phạm cô nương, đắc tội rồi. Đan Thanh, đi thôi.”
Giọng nói trong veo, rất tương xứng với tướng mạo của y, giọng điệu chân thành không pha tạp chút oán hận nào.
Đan Thanh hậm hực buông tay, nữ tử kia vung tay hất cằm bỏ đi, đám đông xung quanh thấy hết chuyện vui cũng không ở lại nữa.
Thanh niên muốn lấy bức tranh trên tay Đan Thanh: “Vứt đi.”
“Công tử…” Đan Thanh nhíu mày than vãn, cậu ta ôm chặt bức tranh, không nỡ vứt đi.
Thanh niên lại thở dài: “Đã là thứ vô dụng còn giữ lại làm gì?”
Tô Sầm dừng bước, cõi lòng lay động, người ngoài xem tranh chỉ biết nó là một bức tranh, chỉ riêng người vẽ nó mới biết ban đầu đã trút bao nhiêu tâm huyết vào trong đó. Thanh niên này bảo vứt đi, nhưng e là trong lòng cũng đang rối ren lắm.
Nhưng tranh cũng đã bẩn rồi, là người vẽ tranh càng không thể chấp nhận bức tranh của mình có chút khuyết điểm nào, nếu là cậu e là cũng sẽ vứt.
Cậu không khỏi nhớ đến mức tranh mặc trúc của mình năm xưa, nếu không phải sau đó có người mua lại, hẳn là cậu thà xé cũng không bán cho người trả mười lượng kia.
Tô Sầm quay lại nói với gã hầu: “Cho ta xem tranh.”
Đan Thanh sửng sốt, cậu ta nhìn sang hỏi ý công tử nhà mình, thanh niên kia cũng ngẩng đầu nhìn Tô Sầm, lát sau mới gật đầu.
Tranh vẫn chưa được bồi, chỉ có một lớp giấy mỏng. Tô Sầm chắn gió từ từ mở ra, nhìn xong rồi không khỏi sững người: “Sơ Hà Sa Điểu Đồ? Là tranh huynh vẽ sao?”
Trên bức tranh là một lá sen tàn, đài hoa hé mở, một con chim cát đậu trên cành ngước nhìn con sâu phía trên. Bút pháp tinh vi, đốm nhỏ và gân lá trên lá sen khô đều hiển lộ, nếu Tô Sầm nhớ không nhầm thì đây chính là “Sơ Hà Sa Điểu Đồ” của Mã Công – họa thánh tiền triều với bút pháp tinh vi.
Chẳng qua lúc này bị vệt son dính vào, trái ngược hẳn vẻ thanh lịch vốn có của bức tranh.
Thanh niên kia chắp tay với Tô Sầm: “Kẻ hèn bất tài, tranh vẽ không sánh được chữ nhã, cản trở công tử thưởng thức.”
“Tôi không có ý đó.” Tô Sầm lắc đầu: “Nếu không phải tranh của huynh chưa bồi, tôi còn tưởng đây là tranh gốc ấy.”
“Không đâu, tôi có đánh dấu rồi.” Thanh niên kia bước lên, chỉ vào một nét bên dưới cành sen: “Sợ có người lấy tranh làm gì nên tôi có để lại dấu hiệu ở đây.”
Tô Sầm nhìn kĩ lại, bên dưới những nét rạn nứt là hai chữ “Vu Quy” lờ mờ.
Đan Thanh tự hào hất cằm: “Công tử nhà tôi giỏi lắm đấy, bao nhiêu người đến nhà xin tranh kìa, nếu không phải công tử nhà tôi không khỏe thì có khi lại thành họa thánh thời nay ấy chứ!”
“Đan Thanh.” Thanh niên nhíu mày quát nhỏ, sau đó y quay lại ngại ngùng cười với Tô Sầm: “Công tử chê cười rồi, chẳng qua tôi thạo việc phỏng tranh, thỉnh thoảng có người muốn tôi vẽ lại tranh của người xưa mà thôi. Chẳng qua tôi cũng sợ có người dùng vào mục đích khác, nên mỗi bức tranh tôi đều có đánh dấu lại.”
“Vu Quy?” Tô Sầm hỏi.
“Kẻ hèn họ Lý, Lý Vân Khê, Vu Quy là tự của tôi.”
“Tô Sầm, Tô Tử Húc.” Tô Sầm đáp lễ, sau đó cuộn tranh trả lại: “Huynh vẽ bức tranh này để làm gì thế?”
Lý Vân Khê chỉ vào một cửa hiệu đầu đường: “Bức tranh này là họa trai kia đặt, hôm nay tôi định đưa qua đó, mà giờ e là phải khất thêm mấy ngày.”
“Đưa đến đó rồi họ cũng sẽ bán thôi.” Tô Sầm cười: “Nếu không ngại thì bán bức tranh này cho tôi đi.”
“Huynh muốn lấy bức tranh này sao?” Lý Vân Khê kinh ngạc ngẩng đầu, sau đó lại có vẻ hụt hẫng: “Nhưng tranh đã bẩn rồi.”
“Thứ tôi muốn không phải bức Sơ Hà Sa Điểu Đồ này.” Tô Sầm lắc đầu, nhìn y nói: “Tôi muốn Sơ Hà Sa Điểu Đồ của huynh. Trong bức tranh này toàn là thứ của người khác, ta muốn xem tranh của huynh, vị trí của vết son này cũng vừa hay, tôi muốn nhờ huynh mượn đó vẽ thêm một cành sen nữa, có được không?”
“Hoa sen sao?” Lý Vân Khê nghiêng đầu nhìn Tô Sầm, y nhíu mày như vẫn còn do dự: “Nhưng bức tranh này là sen tàn mùa thu, lấy đâu ra hoa nữa?”
“Tranh của Mã Công đúng là sen tàn, nhưng đây là tranh của huynh, huynh bảo nó là thu thì nó là thu, huynh muốn nó là hè thì nó là hè. Tôi nói muốn tranh của huynh, huynh không cần câu nệ thứ của người khác.”
Lý Vân Khê cắn môi suy nghĩ, sau đó chợt hiểu, y cười với Tô Sầm, cuộn tranh lại bảo Đan Thanh giữ kĩ: “Huynh nói phải, tranh của tôi thì do tôi quyết định, khi nào vẽ xong tôi sẽ đưa lại cho huynh.”
“Tôi bảo rồi, là tôi mua tranh của huynh.” Tô Sầm nhấn mạnh chữ “mua”, sau đó lấy một nén bạc ra đưa Lý Vân Khê: “Chỗ này là tiền cọc, lúc nào tôi nhận được tranh sẽ trả nốt.”
“Không cần…” Ngón tay mảnh khảnh của Lý Vân Khê cầm nén bạc đã cóng đến đỏ bừng mà Tô Sầm vẫn nhất quyết không nhận lại, không biết làm gì, mặt y cũng đỏ lên, y nói nhỏ: “Vậy thì cũng không cần nhiều đến thế.”
“Sao huynh lại thiếu tự tin với tranh của mình vậy chứ?” Tô Sầm để lại địa chỉ, bảo Lý Vân Khê vẽ xong thì mang đến. Xong xuôi cậu mới cáo từ, quay người đi về phía nhà họ Từ.
Đến khi bóng lưng Tô Sầm biến mất giữa nắng chiều trầm lặng, Lý Vân Khê mới rời mắt, cơ thể lạnh cóng vì đứng quá lâu, y cúi đầu ho sù sụ.
“Trời lạnh rồi, công tử về thôi.” Đan Thanh vội vàng vuốt lưng cho Lý Vân Khê, thấy y ho xong rồi mới dừng lại.
Lý Vân Khê lại nhìn theo hướng Tô Sầm rời đi, khẽ than một câu “Thiên chi kiêu tử”, niềm ao ước rõ mồn một trong mắt. Sau đó y mới kéo áo bước đi, mà đích đến không đâu khác, chính là họa trai ở góc phố.