Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc
Đăng vào: 12 tháng trước
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Mùa đông, tháng 10. Thành phố cảng Genoa.
Sau cuộc chiến, không chỉ thành phố cảng Genoa, toàn lĩnh thổ của nước cộng hòa Genoa không còn lại một người dân nào. Tất cả dân chúng đều đã bị đưa sang Tripoli khai phá mở mang các vùng đất mới. Ở Genoa chỉ có 1.000 dân binh của vương quốc Latium tạm thời trú đóng, chờ điều tân di dân sang đây. Nơi đây có vị trí trọng yếu, lại nằm ngay bên cạnh Provence, nên Long nhi và Đinh An Bình đều nhất trí là phải bố trí những cư dân đáng tin cậy đến sinh sống. Có điều, giờ đây trong thành Genoa còn có 1 vạn quân của Chiêu Đức quân Đệ nhất sư trú thủ, bởi sự hiện diện của Long nhi và Đinh An Bình trong thành phố. Bộ chỉ huy chiến dịch Milano đặt tại đây. Đinh An Bình đến đây để đích thân chỉ huy Pavia đại hội chiến. Còn Long nhi đến để gặp Réne de Anjou. Genoa nằm ngay bên cạnh Provence, mà lúc này Réne de Anjou lại đang ở Provence.
Do cuộc chiến tranh tại Pháp Lan Tây diễn ra rất gần các công quốc Anjou và Maine, nên nhà Anjou đã tạm thời di chuyển đến Provence, đại hậu phương của họ, chỉ có Louis II de Anjou là ở lại Anjou để chủ trì đại cuộc. Louis II de Anjou sinh năm 1377, năm nay mới 40 tuổi, chính là đang tuổi tráng niên. Theo đúng lịch sử, nếu không có sự xuất hiện của Thần Thánh Đế quốc thì sang năm Louis II de Anjou sẽ vì ưu uất mà qua đời, trao lại quyền vị và sự kỳ vọng phục quốc cho Louis III de Anjou khi đó mới 14 tuổi. Nhưng lúc này, quân Anjou đang trên đà thắng thế, Louis II de Anjou đang hứng khởi chỉ huy đại quân đông chinh bắc phạt, nên chuyện đó chắc sẽ không diễn ra. Nói tóm lại, nhà Anjou lúc này đang rất huy hoàng.
Trong lúc Đinh An Bình đã sang Pavia chỉ huy cuộc chiến, Long nhi ở lại Genoa tiếp đón các em của mình sang thăm. Lần này sang Genoa không chỉ có Réne de Anjou - 7 tuổi, mà còn có cả các em trai, em gái khác : Marie de Anjou – 12 tuổi, Yolande de Anjou – 4 tuổi và Charles de Le Maine – 2 tuổi. Long nhi có tất cả 2 em trai và 2 em gái ở nhà Anjou. Đương nhiên, lúc này Long nhi không thể được tính là người của nhà Anjou, và tên ở Âu châu của Long nhi là Louis de Latium. Công tước phu nhân Yolande de Aragon vì tế nhị nên không sang. Chỉ có lão quản gia Ferdinand Caracciolo, giờ là Bá tước Ferdinand de Artois, phụ trách hộ tống các vị thiếu chủ.
Nhìn thấy các em, Long nhi hoan hỉ bế người em trai nhỏ nhất, Charles de Le Maine, lên nựng nịu một hồi, rồi xoa đầu hỏi han từng người em khác. Dù Long nhi chỉ mới 13 tuổi, nhưng đã có phong thái của một đại nhân vật. Long nhi đã chuẩn bị rất nhiều quà, là những đồ chơi không có ở Âu châu, để tặng cho các em. Nhà Anjou quyền quý bậc nhất Pháp Lan Tây, không thiếu gì vàng bạc châu báu, do đó Long nhi chỉ tặng các em đồ chơi. Những thứ mới lạ từ đông phương khiến ai nấy đều rất thích. Yolande de Anjou hồn nhiên hỏi :
- Sao anh có nhiều đồ chơi quá vậy ?
Long nhi mỉm cười xoa đầu Yolande de Anjou, bảo :
- Anh giờ là quốc vương của Latium kia mà.
Yolande de Anjou vỗ tay nói :
- Anh là quốc vương đó nha. Vậy là anh ngang hàng với quốc vương Pháp Lan Tây rồi. Hôm nào anh cho em đến vương cung của anh chơi với nha.
Long nhi mỉm cười nói :
- Đương nhiên rồi. Vương cung hiện đang xây dựng. Khi nào xong anh sẽ dẫn các em đến đó chơi.
Vương cung ở Syracuse thực ra được thiết kế với quy cách Hoàng cung, bởi Long nhi được chuẩn bị để làm Hoàng đế chứ không phải quốc vương. Dù toàn bộ quần thể kiến trúc phải mất mấy năm mới có thể hoàn thiện, nhưng các kiến trúc chính chỉ sang năm là xong, và đến lúc đó cung đình sẽ có thể chính thường hoạt động.
Long nhi gọi người hầu sắp bày yến tiệc khoản đãi các em. Long nhi không chỉ là quốc vương của Latium, mà còn là Hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc, nên việc ăn uống được phục vụ theo tiêu chuẩn cao nhất. Cả Long nhi và Đinh An Bình đều là những đại nhân vật của Thần Thánh Đế quốc, nên đầu bếp đều là cung đình ngự trù, tay nghề khỏi phải nói. Ngay đến Charles de Le Maine mới có 2 tuổi cũng có phần thức ăn riêng phù hợp với mình. Nhìn mọi người ăn uống vui vẻ, Long nhi mỉm cười, tự tay đút thức ăn cho Charles.
Sau bữa ăn, trong lúc trò chuyện, Marie de Anjou chợt hỏi :
- Anh ơi. Nghe nói ở Jerusalem có học viện dành cho quý tộc phải không ạ ?
Long nhi gật đầu :
- Đúng thế. Em định đến đó học ư ?
Marie nói :
- Vâng ạ. Papa và mama đều bảo rằng em đã đến tuổi đi học rồi.
Long nhi suy nghĩ giây lát, rồi mỉm cười nói :
- Cũng tốt. Em đến đó học, anh vẫn có thể chiếu cố được cho em, không sao cả.
Ở Jerusalem, Thần Thánh Đế quốc có mở một học viện để dạy cho con em của quý tộc các xứ A Lạp Bá và vùng lân cận Địa Trung Hải về các kiến thức và nghi lễ của Đế quốc. Con em quý tộc thường được phụ huynh mời gia sư về dạy tại nhà, nhưng khi học viện khai giảng, đại đa số quý tộc đều gửi con em của mình đến đó nhập học, với hy vọng con em họ có thể nhanh chóng hòa nhập với Đế quốc. Hơn nữa, đến học tại đó còn có cơ hội kết bạn với những con em quý tộc khác, sẽ rất có lợi để sau này kế thừa gia nghiệp. Giao tế quan hệ, đối với giới quý tộc rất quan trọng, thân phận địa vị càng cao thì lại càng quan trọng
Réne de Anjou chợt nói :
- Anh ơi. Hạm đội Angers mà anh tặng cho em lợi hại quá hà. Em muốn có thêm một Hạm đội nữa. Em muốn đánh sang Anh Cách Lan.
Long nhi khẽ cau mày, quay nhìn lão quản gia nhà Anjou, Bá tước Ferdinand de Artois. Lão vội giải thích :
- Quân ta đã chiếm lại được toàn bộ Pháp Lan Tây. Hiện Hạm đội Angers đang đánh nhau với Hải quân Anh Cách Lan ở vùng biển Manche. Sau 80 năm chiến tranh, cả nước bị tàn phá nặng nề, nên lúc này toàn thể quân dân Pháp Lan Tây đều muốn chuyển chiến trường sang đất Anh Cách Lan. Có điều, dù Hạm đội Angers chiếm ưu thế tuyệt đối trên biển, nhưng cũng không thể khống chế hoàn toàn vùng biển Manche, và cũng chưa đủ điều kiện để đưa quân đội đổ bộ sang đất Anh Cách Lan.
Kể từ khi chiến tranh bùng nổ năm 1337, đến nay (năm 1416) vừa tròn 80 năm, chiến tranh rất ác liệt, nhưng đều diễn ra trên đất Pháp Lan Tây, khiến cho Pháp Lan Tây phải chịu thiệt hại rất nặng nề. Cũng từ cuộc chiến này mà thù hận giữa 2 nước mới kéo dài dai dẳng đến tận thời hiện đại. Do đó, khi giành được thắng lợi với ưu thế vượt trội, người Pháp muốn báo thù rửa hận cũng không có gì là lạ. Nhưng việc Hạm đội Long nhi không thể quyết định được. Suy nghĩ giây lát, Long nhi mới nói :
- Anh không quyết định được chuyện đó. Nhưng anh sẽ nói với Chiêu Đức Vương xem sao. Chiêu Đức Vương là bộ trưởng Hải quân bộ, đối với các loại vũ trang thương thuyền chắc có quyền quyết định.
Nghe nhắc đến thuyền, Charles đang được Long nhi bế trong lòng chợt lên tiếng :
- Anh ơi. Thuyền. Xem thuyền.
Long nhi mỉm cười, xoa đầu Charles, bảo :
- Được rồi. Chúng ta ra biển chơi một chút. Em sẽ được xem thuyền.
Yolande de Anjou hỏi :
- Anh ơi. Em nghe nói thuyền của Thần Thánh Đế quốc lớn lắm phải không ạ ?
Long nhi mỉm cười đáp :
- Thuyền không lớn. Chỉ có hạm mới lớn thôi.
Charles lại nói :
- Anh ơi. Hạm. Xem hạm.
Long nhi liền truyền lệnh chuẩn bị hạm thuyền để mọi người ra biển chơi. Dưới bến cảng có rất nhiều thuyền hạm của Hắc Long Hạm đội, và bọn Long nhi đi trên chiến hạm lớn nhất - một trong hai chiếc Lục Tinh cấp chiến hạm. Mỗi khi Long nhi và Đinh An Bình đi đâu đều sử dụng Lục Tinh cấp chiến hạm, danh nghĩa là vì để phù hợp thân phận địa vị, nhưng thực chất là vì an toàn.
Lên trên chiến hạm, Charles tròn xoe mắt, nói :
- Anh ơi. Lớn quá. Lớn quá.
Bọn Réne de Anjou đứng trên boong thuyền, nhìn xuống những chiến thuyền Genoa nhỏ bé đậu trong cảng, tấm tắc xuýt xoa không ngớt. Réne de Anjou còn nói :
- Phải chi chúng ta có một chiến hạm kiểu này nhỉ ?
Long nhi khẽ thở dài, nói :
- Không thể nào được đâu. Đóng được một chiến hạm kiểu này mất rất nhiều thời gian, ở Đế quốc còn không đủ sử dụng, mỗi Hạm đội chỉ được phối cấp có 2, 3 chiếc, làm gì còn truyền ra ngoài.
Lão quản gia Bá tước Ferdinand de Artois gật gù nói :
- Bệ hạ nói phải đó. Chiến hạm kiểu này, không nước nào chấp nhận truyền ra ngoài đâu, trừ khi họ có chiến hạm khác còn lợi hại hơn.
Long nhi đã là quốc vương của Latium, Hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc, nên lão không thể gọi là thiếu chủ như lúc trước. Long nhi nghe lão nói thế, bảo :
- Đế quốc đã có Ngũ Tinh cấp chiến hạm, nhưng cũng không có nghĩa là những chiến hạm đẳng cấp thấp hơn có thể cung cấp cho nước khác. Các Hạm đội của Hải quân Đế quốc đều đang cần bổ sung chiến hạm.
Lão quản gia Ferdinand de Artois nghe thế, giật mình hỏi :
- Còn chiến hạm lớn hơn cả chiếc này ?
Long nhi lắc đầu bảo :
- Không. Chỉ tương đương chiếc này, nhưng tốc độ nhanh hơn, nhiều thần công đại pháo hơn, khả năng tấn công và phòng ngự cao hơn.
Biết nhà Anjou đang mong mỏi tăng cường lực lượng Hải quân, Long nhi chỉ khẽ lắc đầu. Đừng nói chiến hạm kiểu này, ngay cả loại chiến hạm nhỏ nhất, tuần dương hạm, cũng chưa chắc có được. Nhưng Long nhi cũng thông cảm, bởi trước giờ Hải quân Anh Cách Lan vẫn luôn vượt trội hơn, nay có cơ hội, bọn họ không muốn bỏ lỡ. Chỉ đành hy vọng ở sự thông cảm của Đinh An Bình.
Có thể bà con chưa biết :
Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 6)
10. Na Uy
Nhóm 1 :
Konge/Dronning - quốc vương / nữ vương
Kronprins - Thái tử
Furst - thân vương
Nhóm 2 :
Hertug - công tước
Marki - hầu tước
Greve - bá tước
Visegreve - tử tước
Baron - nam tước
Nhóm 3 :
Ridder - Hiệp sĩ
Na uy sau khi độc lập vào năm 1905 đã bãi bỏ chế độ "công thần thế tước". Trước đó Na Uy luân phiên là thuộc địa của Đan Mạch và Thụy Điển. Quốc vương Na Uy do quốc vương của tôn chủ quốc kiêm nhiệm, nên tước hiệu giống 2 nước đó.
11. Phần Lan
Nhóm 1 :
Keisari - hoàng đế
Prinssi - Hoàng thân
Arkkiherttua - đại công
Nhóm 2 :
Herttua - công tước
Markiisi - hầu tước
Jaarli - bá tước
Varakreivi - nam tước
Nhóm 3 :
Ritari - Hiệp sĩ
Phần Lan không có Tử tước.
Quý tộc chế độ của Phần Lan phụ thuộc vào quý tộc chế độ của Thụy Điển. Đến năm 1809, nước nga chiếm đóng Phần Lan, thì Phần Lan đại công quốc mới kiến lập tương đối độc lập quý tộc tước vị đẳng cấp chế độ, Phần Lan đại công do Nga quốc Sa hoàng kiêm nhiệm, chỉ sắc phong hai loại tước vị là Bá tước và Nam tước. Các tước vị cao hơn là từ nước Nga. Năm 1918, Phần Lan thành lập nền cộng hòa đã bãi bỏ quý tộc chế độ.
Ở Âu châu ngày trước, chỉ có Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức, Nga quốc và Ottoman là có Hoàng Đế. Sa Hoàng của Nga tự nhận thừa kế từ Đế quốc Byzantine, do cưới vị công chúa của Hoàng đế cuối cùng của Byzantine. Ottoman diệt Byzantine, nên cũng xem mình là Đế quốc. Còn Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức là nối tiếp từ Đế quốc Tây La Mã và Đế quốc La Mã Thần Thánh (của Charlesmagne, người Đức gọi là Karl der Große, vua Pháp, Đức, Ý, và cả Tây Âu).
Kỳ sau : Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha