Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc
Đăng vào: 9 tháng trước
Lại nói, khi nghe phụ thân bảo đã chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn cho quân Chiêm, Phạm Thế Căng rất hiếu kỳ, nhưng dù có dò hỏi thế nào thì cũng vô ích, chỉ đành chờ xem. Lát sau, Phạm Đống Cao cũng đến, hào hứng nói :
- Trưởng lão ơi. Chúng ta tấn công chứ ạ ? Người của chúng ta đông gấp ba chúng, thắng chắc.
Trưởng lão Phạm Thế Hưng trừng mắt nhìn gã, nói :
- Tấn công. Chỉ biết tấn công. Quân Chiêm toàn là tinh nhuệ thiện chiến. Chúng ta tấn công sẽ thương vong rất nặng đó.
Phạm Đống Cao tiu nghỉu hỏi :
- Vậy chúng ta phải làm sao ? Cứ bao vây mãi như thế thôi ư ?
Trưởng lão Phạm Thế Hưng nói :
- Chờ chút đi. Bọn nhỏ chuẩn bị cũng sắp xong rồi.
Không sao được, cả hai chỉ đành chờ đợi.
Lát sau …
Đột nhiên, giữa đêm tối, giữa cảnh khẩn trương, từ trong doanh trại quân Chiêm chợt vọng ra những tiếng rú nghe cực kỳ thê thảm. Rồi tiếp đó là những tiếng kêu gào thảm thiết. Chúng nhân liền kéo đến gần, xem thử tình hình.
Lúc này, trong doanh trại quân Chiêm đèn đuốc sáng rực, những tiếng kêu “Rắn độc”, “Rết kìa”, “Coi chừng”, “Giết nó” … vang lên không ngớt, xen lẫn với tiếng kêu gào rên rỉ, vô cùng hỗn loạn. Hóa ra người của Đông Giang tộc chỉ bao vây mà không tấn công, lại từ bên ngoài ném vào trong doanh trại đủ thứ độc vật : rắn, rết, bọ cạp, … Thậm chí còn có nơi bị ném vào nguyên cả một tổ ong lớn. Chính lũ ong và độc vật đã khiến cho doanh trại của quân Chiêm hỗn loạn. Rất nhiều quân Chiêm bị ong độc chích, bị rắn rết cắn và trở thành thương binh. ‘Vũ khí sinh học kiểu nguyên thủy’ này xem ra cũng rất lợi hại a.
Trong lúc Chiêm tướng định lệnh cho thủ hạ lo trừ diệt độc vật, xua đuổi ong độc, thì Phạm Thế Căng thừa cơ chỉ huy dân binh phát động tấn công. Chỉ có điều để giảm bớt thương vong, dân binh chỉ đứng từ xa dùng cung tên tấn công, khiến cho quân Chiêm phải chọn lựa giữa việc chống nhau với người hay với độc vật. Và vì lưỡng diện thọ địch, quân Chiêm thảm bại nhanh chóng, số thương binh càng lúc càng tăng lên, nếu không bị tên bắn trúng thì cũng bị ong chích hay rắn rết cắn.
Trước tình hình đó, Chiêm tướng đành gom góp tàn binh tổ chức phá vòng vây. Quân Chiêm chỉ còn lại hơn 500 người theo sau Chiêm tướng, mà phần lớn cũng đều không lành lặn, thương tích không ít thì nhiều. Thấy quân Chiêm khí thế hung hãn, liều mạng đột phá vòng vây, Phạm Thế Căng không cho dân binh trực tiếp ngăn chặn, mà cố ý nới lỏng vòng vây, để lộ ra một khoảng trống cho quân Chiêm thoát thân. Sau đó y mới xua quân truy đuổi, chém giết những kẻ chậm chân. Trong vùng rừng núi này, quân Chiêm không thể nào thông thạo địa hình bằng người Đông Giang tộc. Cơ hội chạy thoát của bọn chúng không cao.
Trong khi đó, Trưởng lão Phạm Thế Hưng ở lại thu thập chiến quả, xử lý tù binh. Sau trận này, quân Chiêm vẫn còn lại hơn nghìn người, dù đều thọ thương, nhưng chưa tử vong. Trưởng lão cho người xử lý thương thế bọn chúng, rồi áp giải về động.
Sau trận đại thắng quân Chiêm, toàn thể dân chúng các động đều hân hoan phấn khởi, tổ chức ca múa ăn mừng. Đây là lần đầu tiên dân binh Đông Giang tộc độc lập tác chiến với quân Chiêm Thành, và đã thắng lợi vẻ vang, nên rất đáng kỷ niệm.
Ở nhà Trưởng lão, Giang Phong nghe bọn Phạm Thế Hưng báo cáo chiến quả xong, khẽ gật đầu, bảo Phạm Đống Cao :
- Chỉnh bị dân binh, chờ khi hồi phục sức lực xong lập tức xuất chinh.
Phạm Đống Cao ngạc nhiên hỏi :
- Đại nhân. Giờ đánh ai nữa ạ ?
Giang Phong nói :
- Chẳng phải trong vùng vẫn có một số tộc có ý theo Chiêm Thành đó sao ? Nhân đà thắng lợi, nên giải quyết bọn họ luôn cho tuyệt hậu hoạn.
Trưởng lão Phạm Thế Hưng ánh mắt sáng lên, nói :
- Phải đó. Cần giải quyết luôn cho tuyệt hậu hoạn.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Đống Cao lo chinh chiến, Thế Hưng lo xử lý chiến quả. Chủ yếu trị tội những kẻ cầm đầu mà thôi. Dân chúng không có tội. Hơn nữa, người của Đông Hưng tộc vẫn còn ít quá.
Trưởng lão Phạm Thế Hưng gật đầu lia lịa, nói :
- Phải đó. Người của bản tộc vẫn còn ít quá.
Thế là cả hai lại đi chỉnh bị dân binh, chuẩn bị xuất chinh. Phạm Đống Cao sẽ thống lĩnh 1.000 dân binh đi trước, Trưởng lão suất lĩnh 1.000 ‘dự bị dân binh’ đi sau tiếp ứng. Nhân đó, Giang Phong còn thảo một đạo hịch văn để giành lấy chính nghĩa. Hịch rằng :
“Nay Chiêm vương La Khải, là kẻ phản nghịch, nguyên vô tài đức, chiếm lấy vương vị, thật là ngụy triều. Trong tàn hại dân chúng, ngoài quấy nhiễu lân bang, thường viễn chinh làm dân khốn khổ. Yêu thanh tương kế, xuất quân phạm Việt. Các ngươi muốn hồn thủy mạc ngư, theo về Chiêm Thành, tội đáng muôn thác. Vì vinh hoa phú quý, dẫn giặc vào trong bờ cõi. Quân giặc quá xứ, dân bất liêu sinh. May nhờ thần thánh hiển linh, quân ta xuất chiến, Chiêm quân đại bại, Chiêm tướng thụ thủ. Các ngươi lại không biết tội mình, nhất tâm theo giặc, ngoan cố kháng cự, làm hại dân chúng, khổ cực trăm bề. Ô hô thương thay ! Đại Việt chúng dân, đau đớn muôn phần. Các ngươi xem tổ tiên như không có, giả danh yêu quái, ngộ đạo lê dân, làm nhơ đạo thánh, làm hại quốc thống. Đại Việt xã tắc, nếu mất về Chiêm, bốn phương hỗn loạn, yêu đồ hoành hành. Phàm là dân Đại Việt ta, cần nên hợp nhau đánh giặc, đồng sức đồng lòng, tiêu diệt nghịch tặc, chỉ trong lần này. Nay truyền hịch văn, chúng dân cẩn ký.”
Trưởng lão Phạm Thế Hưng lập tức cho người sao hịch văn thành nhiều bản, truyền đi các nơi. Thậm chí những nơi đông dân cư trong vùng lão còn phái người đến tuyên đọc cho nhiều người cùng biết (bởi phần lớn dân chúng không biết chữ), cố ý tạo ra thanh thế thật lớn. Đương nhiên đó là việc sau này. Khi hịch văn được truyền đi các nơi, thì có khi mọi việc đã được giải quyết xong hết rồi.
Hai ngày sau, Phạm Thế Căng dẫn quân trở về, ngoài hơn trăm hàng binh còn có thêm thủ cấp của gã Chiêm tướng. Y nghe nói đến hành động của bọn Phạm Đống Cao, lập tức dẫn quân đi tiếp ứng. Thật ra y chỉ muốn an toàn tuyệt đối, chứ thật ra một động có hơn nghìn dân như động Lễ Dương đã là một động lớn hiếm hoi trong vùng rồi. Quân của Đông Giang tộc sĩ khí cao ngang (mới chiến thắng quân Chiêm), nhân số đông đảo (2.000 người), trang bị tinh lương (cướp được của quân Chiêm), đối phó một động hơn nghìn dân không thành vấn đề. Nếu như đối phương hay tin, triệu tập tộc nhân từ các động khác về co cụm phòng thủ thì cũng có thể để lại đó, chờ giải quyết sau. Huống chi cũng có thể thượng báo triều đình về hành vi ‘tạo phản’ của đối phương – dù sao thì theo Chiêm Thành cũng đồng nghĩa với tạo phản rồi. Mà vua chúa nào cũng đều rất nhạy cảm với hành vi tạo phản.
Hơn mười ngày sau, bọn Phạm Thế Hưng, Phạm Thế Căng, Phạm Đống Cao lục tục trở về, mang theo rất nhiều tài vật cướp được. Trong lần xuất quân này, bọn họ chiếm được gần 10 động ‘phản nghịch’, có gần 20 động nhỏ phụ cận ‘xin’ được quy phục, mở rộng vùng kiểm soát ra hơn 30 động, dân cư ước hai vạn người, hiển nhiên trở thành một thế lực lớn mạnh nhất vùng, đứng trên cả các tộc Quỳ, Cầm, Xa, Lạc.
Trước chiến quả huy hoàng đó, các đạo quân chỉ tổn thất hơn trăm người không hề làm cho mọi người giảm đi sự hưng phấn. Chiến tranh bao giờ mà không có thương vong mất mát. Thật ra với các chiến dịch như vừa rồi, chỉ thương vong trăm người đã là một thành quả đáng tự hào rồi.
Không chỉ Đông Giang tộc có lợi, ngay cả Giang Phong cũng có được rất nhiều lợi ích. Trước tiên, Giang Phong đã chân chính trở thành Phúc thần của toàn tộc (Giang Phong chỉ mới đến một thời gian mà bọn họ đã phát triển nhanh chóng như thế rồi). Ngoài ra, không ít bảo vật chiến lợi phẩm được tuyển chọn ‘cung phụng’ cho Giang Phong. Thật ra Giang Phong cũng rất hài lòng với địa vị thần linh của mình, bởi vì như thế sẽ không xung đột với quyền lợi của nhà họ Phạm. Từ xưa đã có quan niệm : ‘Thần bất thực nhân gian yên hỏa’. Thần linh là để mọi người cung phụng, tôn thờ và cầu khấn mỗi khi gặp khó khăn. Phàm nhân chẳng ai lại lo thần linh sẽ giành quyền lực với mình. Tuy hiện tại nhà họ Phạm đối Giang Phong rất cung kính, nhưng nếu như Giang Phong trực tiếp can thiệp vào quyền lực của Đông Giang tộc, không thể đảm bảo đến một lúc nào đó, vì quyền lợi thế tục, bọn họ sẽ cùng Giang Phong trở mặt thành thù. Hiện tại Giang Phong sức yếu thế cô, chỉ muốn được yên ổn phát triển. Hơn nữa, thân phận thần linh có thể củng cố địa vị ‘lĩnh tụ đương nhiên’ của Giang Phong. Người xưa muốn làm đại sự, mượn chuyện thần linh cũng là thường sự. Ở bên Tàu có Lưu Bang chém rắn trắng khởi nghĩa; nhà Đường tuyên xưng Lão Tử là tổ tiên của mình, và tôn làm Thái Thượng Lão Quân (trước thời nhà Đường chưa có danh xưng Thái Thượng Lão Quân). Ở Việt Nam cũng có nhà Đinh, nhà Lý, nhà Trần đều được trời cho long mạch mà thành thiên tử.