Chương 82: Khuyên đất phi châu - cải tổ hải quân

Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Đăng vào: 12 tháng trước

.







Khi Giang Phong quyết định tạm thời chưa triệu kiến George Đệ Nhất và Louis Đệ Tam, Quảng Tế Pháp sư để chuyện đó sang một bên, lại tâu :



- Khải tấu Thánh hoàng, Tây Dương Hạm đội tiến hành khuyên đất ở Phi châu đã gần thành công. Các chiến hạm tiền tiêu đã đến được cửa vào Địa Trung Hải. Các khu dân cư đã mở đến khoảng giữa bờ tây. Các thuyền vẽ bản đồ cũng đã vẽ đến khu vực phía nam.



Tên gọi Phi châu có nguồn gốc từ thời cổ đại, khi người La Mã gọi vùng Bắc Phi là Africa terra. Sau đó từ Africa được dùng để chỉ toàn bộ Phi châu cho đến tận ngày nay, khi phiên sang âm Hán Việt sẽ thành ‘A Phi Lợi Gia’, gọi tắt là Phi (cũng giống như America phiên sang âm Hán Việt thành ‘A Mỹ Lợi Gia’, gọi tắt là Mỹ). Phi châu lúc này vẫn còn là vùng đất hoang sơ với hàng vạn bộ lạc chiếm cứ lãnh thổ rộng mênh mông. Trừ vùng ven Địa Trung Hải có xuất hiện các quốc gia thống nhất, thì vùng còn lại vẫn theo chế độ bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc một cách lỏng lẻo. Chính vì nguyên nhân đó mà người Âu châu đã chiếm Phi châu làm thuộc địa một cách tương đối đơn giản. Nhớ đến việc đó, Giang Phong cũng rất muốn học theo, nhưng với tình trạng của Đế quốc hiện tại, chiếm lĩnh hoàn toàn Phi châu là một việc không hề dễ dàng. Đế quốc không đủ quân đội để đóng giữ các nơi. Vì vậy chúng triều thần mới đề ra sách lược khuyên đất chiếm địa bàn. Tức là Hải quân của Đế quốc sẽ mở mang, xây dựng các khu dân cư dọc vùng duyên hải, củng cố địa bàn, dần dần mở rộng ra kiểm soát toàn bộ vùng duyên hải. Lực lượng Hải quân của Đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ, hoàn toàn đủ năng lực làm việc đó. Sau khi khuyên địa thành công thì có thể ngăn cản người Âu châu xâm chiếm Phi châu.



Thế là, các chiến hạm của Tây Dương Hạm đội bắt đầu từ Somali đi lần về phía nam, chở theo người và vật tư, cứ cách khoảng 500 dặm (200 kilômét) thì xây dựng một khu dân cư bên bờ biển, với chỉ khoảng hơn trăm hộ dân, vài công xưởng, làm đầu cầu giao thương với các bộ lạc trong vùng, mua đặc sản của bọn họ, và bán lại cho bọn họ những hàng hóa của Đế quốc. Giang Phong chỉ ra lệnh chiếm lĩnh phần đất cực nam của Phi châu, vì nơi đó có nhiều vàng. Bọn Quảng Tế Pháp sư đã chuẩn bị 3 vạn hộ đưa đến đó định cư.



Ngoài các Hạm đội của Hải quân, Đế quốc còn có hai Hạm đội bán quân sự : một gọi là các thuyền khảo sát, có nhiệm vụ đi tìm các tuyến hàng hải tốt nhất; và một gọi là các thuyền vẽ bản đồ, có nhiệm vụ đi dọc theo các bờ biển, hiệu chỉnh bản đồ cho hoàn thiện hơn. Bản đồ đầu tiên do Giang Phong vẽ ra chỉ có hình dạng đại khái, không hề chính xác về tỉ lệ. Các thuyền vẽ bản đồ sẽ đi dọc theo bờ biển, khảo sát địa hình phương vật, ước tính khoảng cách, rồi vẽ lại bản đồ cho chính xác hơn.



Giang Phong lại hỏi :



- Thế khu vực phía đông thế nào rồi ?



Quảng Tế Pháp sư tâu :



- Khải tấu Thánh hoàng. Các thuyền khảo sát đã tiếp cận bờ biển nam Mỹ châu, nhưng chưa tìm ra được tuyến hàng hải tốt nhất. Ngoài ra bọn họ cũng đã khảo sát xong Đông Minh Châu đảo, hòn đảo lớn ở phía đông Minh Châu. Một số khu dân cư đầu tiên cũng đã được xây dựng ở đấy. Dân bản địa ở đấy không đông lắm.



Giang Phong suy nghĩ giây lát, đoạn hỏi :



- Hải quân hiện tại có bao nhiêu chiến hạm ? Lĩnh hải của bản triều đã rất rộng lớn, có lẽ cần tổ chức lại các Hạm đội.



Quảng Tế Pháp sư tìm trong các sổ sách một hồi lâu, rồi tâu :



- Khải tấu Thánh hoàng. Hiện tại Hải quân có 18 chiếc Lục Tinh cấp chiến hạm, 42 chiếc Thất Tinh cấp chiến hạm, 120 chiếc Tuần dương hạm, 122 đại hình chiến thuyền, 80 trung hình chiến thuyền và 90 tiểu hình chiến thuyền. Trong số đó có khoảng một nửa đang phục vụ cho chiến trường phương bắc.



Giang Phong nói :




- Trung tiểu hình chiến thuyền hãy chuyển sang dân sự, cũng có thể bán lại cho thương nhân sử dụng làm thương thuyền. Số hạm thuyền còn lại tổ chức thành 6 Hạm đội : Lam Long Hạm đội, Thanh Long Hạm đội, Hồng Long Hạm đội, Hắc Long Hạm đội, Bạch Long Hạm đội và Hoàng Long Hạm đội. Lam Long và Thanh Long Hạm đội sẽ đóng đại bản doanh ở Sùng Minh đảo và Đài Loan đảo, phụ trách khu vực Bắc Hải. Hồng Long Hạm đội đóng đại bản doanh ở Tích Lan, phụ trách khu vực Nam Thiên Trúc Hải. Hắc Long Hạm đội sau khi tiến trú Địa Trung Hải sẽ đóng đại bản doanh ở mũi đất phía nam cửa vào của Địa Trung Hải, trên vùng đất của người Moors. Bạch Long Hạm đội đóng đại bản doanh ở Long Sơn, phụ trách khu vực Nam Hải. Còn Hoàng Long Hạm đội tạm thời đóng đại bản doanh ở Minh Châu, bảo vệ tuyến hàng hải sang Mỹ Châu. Việc cải tổ Hải quân, cố gắng trong 1 năm phải xong. Ngoài ra cần chú ý, Long của bản triều không giống Long của Hán tộc, đừng lấy Long của Hán tộc làm kỳ hiệu.



Quảng Tế Pháp sư cung kính vâng dạ, ghi vào sổ cho nhớ. Rồng Việt Nam luôn có những đặc trưng rõ ràng :



Thân rồng uốn hình sin 12 khúc, đại diện cho 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước.



Thân rồng mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con rồng cai quản thời tiết, mùa màng; trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn.



Đầu rồng là phần rất đặc biệt, hoàn toàn khác rồng Trung Hoa : nó có bờm dài, râu cằm, không sừng, mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngắt lên, đây là điểm hoàn toàn khác với các con rồng khác của các nước, đặc biệt là cái mào ở mũi, sun sóng đều đặn (có người gọi là mào lửa) chứ không phải là cái mũi thú như rồng Trung Hoa, Lưỡi rồng mảnh và rất dài. Miệng rồng luôn ngậm viên châu (ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Hoa thì rồng hay cầm viên ngọc bằng chân trước). Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đầu rồng luôn hướng lên đớp lấy viên châu, thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng.



Những điều ấy được đặt lên trên tất cả các giá trị khác kể cả sức mạnh và sự thống trị thường thấy của một con rồng phương Đông. Toàn thân rồng toát lên nét uyển chuyển và một sức căng rất lớn từ cái vươn chân dài, đầu ngẩng cao, dáng đầu rực lửa thể hiện cho khí thế hừng hực muốn tiến lên chinh phục các giá trị văn minh nhất của phương Đông cổ đại. Rồng của Việt Nam tượng trưng cho trí tuệ nhiều hơn là sức mạnh. Tiếc rằng hình tượng rồng của Việt Nam đã bị vùi lấp bởi sự sùng bái văn hóa Hán của các triều đại phong kiến cuối cùng là triều Lê và triều Nguyễn. Con rồng của Việt Nam đã bị Hán hóa (Hanization) kể từ triều Lê.



Quảng Tế Pháp sư lại hỏi :



- Thánh hoàng. Bản triều cương thổ mở rộng rất nhiều, có cần tăng quân không ạ ?



Giang Phong hỏi :



- Các khanh thấy thế nào ?



Quảng Tế Pháp sư tâu :



- Dạ. Chúng thần thấy rằng nên tăng thêm lục quân. Bản triều cương thổ quá lớn mà lục quân chỉ có 57 vạn là quá ít đấy ạ. Nam Thiên Trúc còn có 110 vạn, Minh triều khi trước cũng có đến 120 vạn. Ngay cả bọn Hồ Quý Ly khi trước cũng có đến 50 vạn quân.



Giang Phong suy nghĩ một lúc, rồi phán :



- Tuyển thêm 5 đạo quân nữa, cứ gọi là Uy Viễn, Chiêu Đức, Chiêu Hòa, Chiêu Viễn, Chiêu Tín. Chiếu theo lệ cũ, đưa sang tây phương luyện quân.



Sau khi tấu trình xong mọi việc, Quảng Tế Pháp sư liền lui ra, chỉ đạo việc hội đàm với bọn Louis Đệ Tam và George Đệ Nhất. Chỉ đạo chứ không chủ trì, vì Quảng Tế Pháp sư là đệ nhất trọng thần của Thần Thánh Đế quốc, vì tự trọng thân phận cũng như quốc thể mà không thể bình đẳng tiếp xúc với sứ đoàn, còn nếu như lấy tư cách kẻ trên người dưới thì cũng không hay lắm, vì bọn Louis Đệ Tam không phải là thần dân của Đế quốc. Nếu như bọn họ không chịu cúi đầu thì sự việc sẽ càng phức tạp hơn.



Louis Đệ Tam tiếp xúc với Đế quốc, mang theo đề nghị liên minh cùng chống lại vương quốc Anh Cách Lan (England). Nhưng đề nghị này chỉ mang lại một sự mỉm cười nhã nhặn từ Ngoại vụ ty Phó sứ. Đế quốc muốn đánh nhau với Anh Cách Lan thì cần gì liên minh với ai. Hơn nữa, trong mắt mọi thần dân của Đế quốc, từ quan viên quý tộc cho đến bình dân bách tính, đều không xem vương quốc Pháp Lan Tây (France) ngang hàng với Đế quốc, tối đa chỉ ngang một tỉnh của Đế quốc mà thôi.



Đề nghị không được chấp nhận, bọn Louis Đệ Tam đưa ra đề nghị thứ hai, Đế quốc xuất quân tấn công quân Anh, nước Pháp sẽ trả tiền cho Đế quốc, quan hệ này ở Âu châu thường sử dụng, gọi là cố dụng quân. Nhà Louis mấy lần dẫn quân chiếm lại Napoli cũng đều có sử dụng cố dụng quân. Thế nhưng, đề nghị thứ hai này cũng không được chấp thuận. Đế quốc không thiếu tiền để mang tính mạng binh sĩ đi trao đổi. Hơn nữa, nếu cần thì Đế quốc tự tuyên chiến, rồi tự chiếm lấy chiến lợi phẩm vẫn hơn. Văn thần võ tướng của Đế quốc không ai cho rằng Đế quốc đánh không lại quân Anh.