Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc
Đăng vào: 12 tháng trước
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.514 (Nhâm Thìn, 1412), mùa hạ tháng 6.
Tiểu quốc Aryacakravarti vốn là một bộ phận của Vương triều Vijayanagara ở nam Ấn Độ, nên khi bị bao vây phong tỏa đã gửi sứ giả đi cầu viện. Đầu tháng 6, thủy quân Vijayanagara (gọi là thủy quân bởi không có chiến hạm theo tiêu chuẩn Thần Thánh Đế quốc, không thể gọi là Hạm đội) chở viện quân sang Tích Lan gặp phải các chiến hạm của Tây Dương Hạm đội gần đảo Punkudutivu, ngoài khơi Jaffna. Trận hải chiến nổ ra rất nhanh và cũng kết thúc rất nhanh. Trận hải chiến diễn ra hoàn toàn ngoài sự tưởng tượng của thủy quân Vijayanagara. Thông thường, thủy chiến hay hải chiến thì chiến thuyền song phương tiến lại gần nhau. Cung thủ song phương dùng cung tên, nỏ, máy bắn đá tấn công. Sau đó các chiến thuyền áp sát vào nhau và thủy quân hỗn chiến.
Nhưng Hải quân của Thần Thánh Đế quốc được huấn luyện chiến thuật khác hẳn. Ngay từ khi mới thành lập, do thiếu quân, Giang Phong đã cấm chỉ hỗn chiến, bởi kết quả của hỗn chiến luôn là hao binh tổn tướng, ‘sát địch nhất thiên tự tổn bát bách’, dù thắng hay bại đều thiệt hại nặng nề.
Các chiến hạm, chiến thuyền của Tây Dương Hạm đội khi phát hiện địch thuyền đều chạy ra xa ngoài mấy dặm, sau đó mới quay đầu và … khai pháo. Ở cự ly đó, cung tên, nỏ hay máy bắn đá đều vô dụng. Các loại hỏa khí đơn giản cũng kém hiệu quả. Chỉ có thần công đại pháo là còn duy trì được oai lực.
Hải quân của Đế quốc đã thành lập hơn 10 năm, đã trải qua vô số trận chiến đấu lớn nhỏ, kinh nghiệm phong phú, kỹ thuật thuần thục. Sau hơn 10 lượt oanh kích, quá nửa số chiến thuyền của thủy quân Vijayanagara bị đánh chìm. Trên mặt biển trôi bồng bềnh hàng vạn sĩ binh Vijayanagara, vốn là viện quân cho Jaffna. Số chiến thuyền còn lại khiếp quá, vội vã giương cờ trắng đầu hàng.
Đến lúc này, các thủy thủ của Tây Dương Hạm đội mới thấy khổ. Lúc oanh kích địch thuyền thì sướng khoái vô cùng. Nhưng đến khi cứu những tù binh đang trôi trên biển thì thật hao công tốn sức. Trận này, Tây Dương Hạm đội bắt sống gần 10 vạn tù binh (bị trúng đạn hoặc chết đuối hơn nghìn người), thu được hơn 400 ‘tiểu’ chiến thuyền (tính theo tiêu chuẩn của Đế quốc, những thuyền nào ngắn hơn 16 trượng, tức 64 mét, đều là ‘tiểu’).
Sau khi tiêu diệt thủy quân Vijayanagara, Đinh An Bình cho các khẩu pháo trên chiến hạm cùng thần công đại pháo của lục quân tập trung lại liên tục oanh kích Jaffna, đồng thời không quên bắt loa gọi dân trong thành đầu hàng. Dù vậy, thủ quân vẫn kiên cường chống trả. Đại pháo thời này còn quá sơ khai, oai lực không cao nên mới oanh kích suốt gần một tháng mà chưa công phá được thành. Cũng có thể vì thành này quá kiên cố, thủ quân quá kiên cường.
Đến giữa tháng 6, không còn kiên nhẫn được nữa, Soái hạm chuyển đến Jaffna, Đinh An Bình quyết định đích thân chỉ huy công thành. Đầu tiên, binh sĩ được lệnh đào đất đắp thành những ngọn đồi cao bên ngoài thành, cách tường thành khoảng 1 dặm (400 mét). Sau đó, những khẩu thần công cỡ nhỏ của lục quân được kéo lên đồi. Khai hoa đạn được cho vào nòng pháo, rồi Đinh An Bình truyền lệnh phát xạ, xạ thủ châm ngòi, rải đạn vào trong thành.
Ban đầu vì định chiếm lĩnh Jaffna nên xạ thủ được lệnh chỉ sử dụng loại đạn pháo thông thường, không sử dụng Khai hoa đạn, sợ làm dân chúng trong thành thiệt mạng với số lượng lớn. Nhưng giờ đây, khi thấy dân trong thành giúp đỡ thủ quân phòng thủ, Đinh An Bình đánh giá dân trong thành toàn là nghịch dân, mà lại là loại cực kỳ ngoan cố, do đó đã cho sử dụng đến Khai hoa đạn.
Đạn pháo rải vào trong thành, lập tức tạo nên vô số tiếng gào thét thê lương, kêu la thảm thiết. Trong phạm vi 1 dặm kể từ tường thành trở vào, khói lửa ngút trời, người thọ thương vô số, tiếng khóc lóc kêu gào vang dội khắp nơi. Hàng trăm khẩu pháo đồng loạt phát xạ, mỗi viên Khai hoa đạn khi phát nổ lại bắn ra hàng trăm mảnh sắt bén nhọn. Thành ra mỗi lượt pháo kích có đến hơn chục vạn mảnh sắt rải xuống đầu quân dân trong thành. Quang cảnh vô cùng khủng bố.
Đại pháo phát xạ đồng thời cũng dọn sạch thủ quân đang phòng ngự trên tường thành. Ngay lúc đó, một số khẩu đại pháo khác cũng nhả đạn vào cổng thành. Sử dụng đại pháo phá thành nhanh hơn là sử dụng Xung xa, Công thành xa. Sau một lúc, cổng thành bằng sắt bị bắn vỡ. Đại pháo ngừng phát xạ. Đại quân tràn vào trong thành.
Quân Jaffna chống cự rất ngoan cường. Nhưng đến khi thấy đối phương dọn đường dẫn đại pháo vào thành, thì thủ quân lại nghĩ đến thảm cảnh khi nãy, ý chí chiến đấu giảm dần, và cũng đã có một số bắt đầu đào ngũ.
Do đã xác định dân trong thành là nghịch dân loại ngoan cố nhất, Đinh An Bình không ngại gì cả, truyền lệnh đại pháo nhắm vào nơi nào có nhiều địch quân mà oanh kích. Chỉ sau vài lượt phát xạ, quân Jaffna đua nhau tháo chạy, thành Jaffna thất thủ. Đinh An Bình một mặt kiểm soát toàn thành, một mặt phái quân truy sát bại binh.
Bán đảo Jaffna đã bị Tây Dương Hạm đội phong tỏa mấy tháng nay, bại binh có thể chạy đi đâu được. Kết quả chỉ sau hơn nửa tháng truy quét, tất cả đều bị bắt. Tiểu vương Aryacakravarti chết trong đám loạn quân.
Tù binh theo như thông lệ, được đưa hết đến Sumatra. Dân trên bán đảo được chia thành 2 loại : dân ngoài thành được xem là lương dân, dân trong thành bị xem là nghịch dân, chiếu theo chế độ của Đế quốc mà xử lý.
Chiếm xong Jaffna, Đinh An Bình phái Trấn Phong quân, Thần Vũ quân chia nhau đi bình định các xứ thuộc tiểu quốc Aryacakravarti; để lại 3.000 quân trấn thủ Jaffna, còn lại Định Hải quân và 7.000 quân thuộc Thần Sách quân đi theo Hạm đội tác chiến. Sau đó, Đinh An Bình đích thân đưa các chiến hạm của Tây Dương Hạm đội tiến về phía tây. Thế là các thành trấn dọc theo bờ biển phía bên kia lập tức tao ương. Tây Dương Hạm đội lập lại chiến thuật đã sử dụng ở Java, tấn công tất cả những thành trấn nằm dọc theo bờ biển và có tường thành. Những khu dân cư nào không có tường thành thì được bỏ qua. Bọn họ thấy nơi nào thủ quân đông, thành trì kiên cố thì quấy nhiễu; thấy nơi nào thủ quân ít, thành trì sơ sài thì tấn công cướp phá.
(chú : thời xưa, Hải quân đồng thời cũng là Hải tặc, thậm chí các thương thuyền cũng có thể biến thành Hải tặc, đó là chuyện rất bình thường. Không chỉ có thế, có thời kỳ các triều đình ở châu Âu còn cho phép thương thuyền nước mình tự vũ trang, cướp phá các thương thuyền hay thành trấn của địch quốc, không chỉ chiến lợi phẩm tự xử lý mà còn có quân công).
Không phải Đinh An Bình không muốn chiếm lĩnh các xứ này, nhưng theo tin tức thu được, quân đội của Vương triều Vijayanagara đông đến 110 vạn, chỉ riêng đội thân binh của Quốc vương ở Vijayanagara trên cao nguyên Deccan cũng đông đến 10 vạn bộ binh, 2 vạn kỵ binh (cavalrymen) cùng với 900 con voi. Trước một lực lượng hùng hậu như thế, Giang Phong không có ý định trực diện đối địch. Hòa hảo là tốt nhất.
Trước sự quấy nhiễu và cướp phá của Tây Dương Hạm đội, Vương triều Vijayanagara thiệt hại nặng nề. Bọn họ cũng đã từng tập trung binh lực định vây đánh quân đội Đế quốc. Nhưng Đinh An Bình đâu để bọn họ toại nguyện. Gã không bao giờ cho quân đi xa bờ biển, và thấy có vấn đề gì là lập tức lên thuyền chuyển đi nơi khác ngay. Thành ra quân đội của Vương triều Vijayanagara mải lo ứng phó chỗ này thì lửa đã cháy ở chỗ kia, phản ứng không kịp. Cuối cùng quốc vương của Vijayanagara quyết định cầu hòa.
Sau gần 3 tháng cướp phá, thấy không còn chỗ nào có thể tiếp tục nữa, Đinh An Bình cũng quyết định chấp nhận đề nghị giảng hòa của Vương triều Vijayanagara. Được sự chấp thuận của Giang Phong, bọn Đinh An Bình đã cùng sứ giả của Vương triều Vijayanagara ký kết Jaffna điều ước. Song phương thỏa thuận :
1. Hai nước hòa hảo, thân thiện.
2. Quân đội của Thần Thánh Đế quốc không được đặt chân lên lãnh thổ của Vương triều Vijayanagara nếu không được triều đình Vijayanagara đồng ý.
3. Vương triều Vijayanagara công nhận Tích Lan và các hải đảo ngoài biển thuộc về Thần Thánh Đế quốc.
4. Vương triều Vijayanagara “tặng” cho Thần Thánh Đế quốc 10 vạn cân vàng.
5. Thần thánh Đế quốc “tặng” cho Vương triều Vijayanagara 100 khẩu thần công đại pháo.
(chú : 10 vạn cân chỉ tương đương 160 vạn lượng, đối với các vương triều Ấn Độ là không nhiều. Ngày trước khi quân Anh chiếm Ấn Độ, lượng vàng trong kho của các tiểu vương là ‘vô số’, ‘không thể thống kê được’, mà ở Ấn Độ có đến hàng trăm tiểu vương. Kho tàng của các Vương triều càng khủng bố hơn).
Giải quyết xong vấn đề với Vương triều Vijayanagara, các xứ ở Tích Lan cũng đã bình định xong, Đinh An Bình chỉ để lại Thần Sách quân trấn thủ Tích Lan, sau đó dẫn quân về Gia Định. Tỉnh Tích Lan được thành lập, gồm 7 quận : Nam Lan, Thúy Lan, Bảo Lan, Trung Lan, Bắc Lan (Jaffna), Đông Lan (Gokanna), Tây Lan (Maha Theta); thủ phủ đóng ở Bảo Lan để kiểm soát các mỏ đá quý tại đó. Các thành trấn có sẵn của các tiểu quốc ở đây được cải thành huyện, quan viên chọn trong số những người bản địa. Ở Tích Lan còn nổi tiếng với ngọc trai và ngà voi, nên Giang Phong đặc biệt coi trọng, cho một phân hạm đội của Tây Dương Hạm đội đóng ở đấy.