Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc
Đăng vào: 12 tháng trước
Năm Vĩnh Lạc thứ 13 quả là một năm đại hạn đối với Minh triều. Năm ngoái tuy Giang Nam toàn thất, nhưng Minh triều vẫn còn giữ được vùng Giang Bắc, kể từ Trường Giang cho đến Trường Thành, và quân đội cũng còn được 80 vạn tinh nhuệ. Thế nhưng sang năm nay, chỉ mới 3 tháng đầu năm, từ ban đầu có 80 vạn tinh nhuệ, 70 vạn tân binh, tổng cộng 150 vạn; mà giờ đây chỉ còn lại 30 vạn tàn binh (20 vạn ở Bắc Kinh, Hà Bắc và 10 vạn ở Tế Nam). Đại Minh quốc lực suy kiệt, quốc thế chông chênh, quốc thống có cơ đứt đoạn.
Tế Nam Thành.
Sau khi thất trận ở Hoài Thủy, dẫn tàn binh chạy về Tế Nam, Vĩnh Lạc đế ở tại hành cung, ngày ngày nổi giận, hết đập phá rồi lại sát nhân. Vô số bảo vật trong hành cung đã bị hủy hoại bởi cơn giận của Vĩnh Lạc đế. Không ít cung nhân và đại thần cũng bị liên lụy, gia phá thân vong. Giờ đây, các đại thần nhân tâm hoảng hốt, ai nấy đều sợ nhập cung diện thánh, vì sợ gặp phải cơn giận bất thường của đấng quân vương.
Nếu Vĩnh Lạc đế loạn phát oai mà quốc thế được cứu vãn thì cũng tốt. Đằng này tin xấu cứ liên tục truyền về. Đúng là phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí.
Vùng Sơn Đông hoàn toàn hỗn loạn, một phần vì tin bại trận khiến cho dân tâm hoảng hốt, một phần vì ‘Uy khấu’ ngông cuồng cướp phá khắp nơi. Trước đây ‘Uy khấu’ chỉ cướp phá dọc theo vùng duyên hải. Nhưng giờ đây bất kể sông hồ, hễ nơi nào thuyền đến được là có mặt ‘Uy khấu’, quan quân không thể nào đánh dẹp nổi. ‘Uy khấu’ rất xảo quyệt. Hễ thấy đại đội quan quân thì lên thuyền rút chạy, còn nếu như thấy một toán nhỏ quan quân thì bọn họ sẵn sàng tấn công. Thậm chí có nhiều toán ‘Uy khấu’ tập hợp lại thành một lực lượng hùng mạnh, công chiếm các huyện thành. Sơn Đông đại loạn, dân bất liêu sinh.
Không chỉ có thế, do vùng Sơn Đông trở nên điêu tàn, những nơi có thể cướp phá ít đi, nhiều toán ‘Uy khấu’ bắt đầu chuyển hướng sang vùng Hà Bắc. Trên các sông hồ ở Hà Bắc gần đây đã thấy xuất hiện bóng dáng ‘Uy khấu’.
Nếu như ‘Uy khấu’ chỉ có thể làm tổn thương Minh triều, không nghiêm trọng đến nỗi vong quốc diệt tộc, thì giờ đây Minh triều đã phải đối diện với một nguy cơ lớn hơn nhiều. Cuối tháng 3, thám mã khẩn cấp đưa tin cáo cấp từ Bắc Kinh : Sơn Hải Quan thất thủ, Mông Cổ nhập quan. Trước đây người Mông Cổ chỉ có những toán nhỏ tiến vào lãnh thổ Minh triều cướp phá. Nhưng vào khoảng tháng 2, người Mông Cổ đi vòng theo đường biển, vượt qua Bột Hải, xâm nhập Liêu Tây, Hữu Bắc Bình (phía nam Trường Thành), bao vây Sơn Hải Quan. Đến giữa tháng 3, Sơn Hải Quan thất thủ, và đại đội kỵ binh Mông Cổ nam tiến. Các bộ tộc Mông Cổ đều đã biết tin quân Minh thảm bại, tổn thất 120 vạn đại quân, quốc lực suy kiệt, nên nhân cơ hội này kéo nhau tấn công Minh triều báo thù việc Vĩnh Lạc đế đánh Mông Cổ 5 năm trước. Do ảnh hưởng của Thần Thánh Đế quốc, sự kiện quân Mông Cổ tấn công Bắc Kinh xảy ra sớm hơn 34 năm.
Tin cáo cấp của Bắc Kinh khiến Vĩnh Lạc đế hoảng hốt. Bắc Kinh là nơi căn bản của Vĩnh Lạc đế, phần lớn thân tộc hoàng thất còn lại hiện đang tập trung ở đấy (số ở Nam Kinh nếu không tự sát thì đã trở thành tù binh rồi). Lúc này không còn sức chống giữ phương nam, chỉ còn cách tập trung những lực lượng còn lại phòng thủ Bắc Kinh. Thế là, theo đề nghị của quần thần, Vĩnh Lạc đế dẫn quân về Bắc Kinh. Cẩm Y Vệ đô chỉ huy thiêm sự Kỷ Cương lại được phái đi làm công việc quen thuộc : chinh binh, mà lần này là cưỡng chinh (cưỡng chế chinh binh).
Sau khi Vĩnh Lạc đế về đến Bắc Kinh, tình hình Hà Bắc tạm ổn định. Quân Mông Cổ dựa vào ưu thế kỵ binh, liên tục di động cướp phá các nơi, nhưng không còn năng lực công chiếm các phủ thành nữa. Mà quân Minh cũng không đủ năng lực đánh đuổi quân Mông Cổ về thảo nguyên phương bắc. Minh triều chỉ còn cách giữ vững các nơi yếu địa, đồng thời chờ Kỷ Cương chinh binh.
Trong lúc bận lo đối phó với quân Mông Cổ, Minh triều đành bỏ mặc hai tin cáo cấp khác : Liêu Đông thất thủ và Triều Tiên cầu viện. Minh triều hiện tại đang phải cố gắng phòng thủ Bắc Kinh, tự lo thân còn chưa xong, làm sao đủ sức lo chuyện khác được.
Minh triều nguyên bản kiểm soát được một eo đất hẹp tại bán đảo Liêu Đông (đối diện với Sơn Đông qua Bột Hải). Điều này không có nghĩa là Minh triều kiểm soát được vùng phía bắc Sơn Hải Quan (bên ngoài Trường Thành), bằng chứng rõ nhất là Liêu Đông thuộc sự cai quản của Sơn Đông hành tỉnh. Giờ đây Sơn Hải Quan đã rơi vào tay quân Mông Cổ. Vùng biển đã bị các chiến hạm của Thần Thánh Đế quốc kiểm soát, Minh triều dù có muốn chiếm lại Liêu Đông cũng hữu tâm vô lực. Sau khi quân đội ở Liêu Đông bị Vĩnh Lạc đế rút về tham gia đội quân nam chinh, Phạm Thế Căng suất lĩnh đạo quân Định Hải đã dễ dàng chiếm lĩnh Liêu Đông mà không gặp phải sự phản kháng đáng kể nào. Cũng bắt đầu từ lúc này, các bộ lạc Mông Cổ đã có thể nhận viện trợ hoặc giao dịch trực tiếp với Thần Thánh Đế quốc từ Liêu Đông. Người Mông Cổ sử dụng chiến mã để đổi lấy lương thực, vũ khí trang bị cho lực lượng kỵ binh đi cướp phá Minh triều; sau đó lại sử dụng kim ngân tài bảo cướp được đổi thành lương thực, vũ khí, rồi tiếp tục cướp phá. Nhờ đó, lực lượng của bọn họ càng lúc càng mạnh hơn.
Còn xứ Triều Tiên, lúc này do nhà Triều Tiên cai trị, nên còn có quốc hiệu là ‘Đại Triều Tiên quốc’. Nhà Triều Tiên (1392 – 1910), tiếng Hàn là Joseon, hay còn gọi là nhà Lý, là một triều đại được thành lập bởi Triều Tiên Thái Tổ Lý Thành Quế (I Songgye) và tồn tại hơn 5 thế kỷ. Triều đại này được thành lập sau khi Lý Thành Quế lật đổ nhà Cao Ly (Koryo) tại Khai Thành (Kaesong), rồi dời kinh đô về Hán Thành (tức Seoul ngày nay). Lý Thành Quế là người thân Minh ngay từ khi còn là tướng lĩnh của nhà Cao Ly. Khi xin Minh triều sắc phong vào năm 1393, Lý Thành Quế e nhà Minh phản đối việc Lý Thành Quế quyết tâm chọn quốc hiệu là Triều Tiên, nên đề xuất thêm một tên gọi khác là Hòa Ninh (lấy từ tên trang ấp của cha mình là Lý Tử Xuân). Hồng Vũ đế Chu Nguyên Chương sau khi biết tên Triều Tiên có nguồn gốc từ chữ ‘Triều Nhật Tiên Minh’ (nghĩa là ‘buổi sáng trong lành’) liền quyết định chọn tên Triều Tiên, nhưng chỉ phong cho Lý Thành Quế làm Quyền Tri Triều Tiên Quốc Sự. Mãi đến năm 1401, Minh triều mới phong cho Triều Tiên Thái Tông Lý Phương Viễn (lên ngôi từ năm 1400) làm Triều Tiên Quốc Vương. Sau khi qua đời, Lý Phương Viễn được vị vua kế tiếp đặt cho thụy hiệu là ‘Cung định Thánh đức Thần công Kiến thiên Thể cực Đại chính Khải hữu Văn vũ Duệ triết Thành liệt Quang hiếu Đại vương’.
(chú : Vương triều này được người Hán gọi là ‘Lý thị Triều Tiên vương triều’, gọi tắt là ‘Lý Triều’; nhưng người Hàn Quốc không sử dụng cách gọi này, bởi cho rằng nó mang tính chất nhục nhã, gợi cho họ nhớ đến giai đoạn bị Nhật Bản xâm chiếm, Triều Tiên Hoàng đế bị giáng xuống thành Lý vương, phiên vương của Nhật Bản, khiến người Hàn Quốc nhớ đến giai đoạn khổ nhục đó, do vậy vẫn gọi là ‘Triều Tiên vương triều’).
Khi chiến tranh bùng nổ, Đại Vận Hà bị phong tỏa, Minh triều lâm vào cảnh thiếu lương thực, Triều Tiên quốc có phái một đoàn thuyền chở lương thực sang hỗ trợ cho Minh triều. Giang Phong đã phái sứ giả đến trách hỏi, nhưng vua quan Triều Tiên không lý gì đến. Trong mắt bọn họ, Minh triều vẫn là Thiên triều thượng quốc, còn Thần Thánh Đế quốc chỉ là phiên bang tiểu quốc. Vì vậy, Giang Phong đã phái một đội chiến hạm của Nam Dương Hạm đội tiến vào vùng biển Triều Tiên, phong tỏa toàn vùng. Giờ đây, vùng biển Triều Tiên hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Thần Thánh Đế quốc. Thuyền bè của Đông Doanh được tự do đi lại trên biển, trong khi thuyền bè của Triều Tiên hễ ra khơi là bị tiêu diệt ngay. Điều này đã tạo cơ hội cho cướp biển Đông Doanh cướp phá Triều Tiên, hành động còn ngông cuồng hơn cả ở vùng Sơn Đông, Hà Bắc (dù sao thì quốc lực của Triều Tiên cũng không thể sánh được với Đại Minh). Chỉ trong mấy tháng, Triều Tiên không còn giữ được các đạo phía nam, mất đi 3 trong số 8 đạo hành chính của cả nước, vì thế mới dâng biểu sang Minh triều cáo cấp. Có điều lúc này Minh triều muốn cứu viện Triều Tiên, chỉ có 2 đường : đường bộ, thì phải vượt qua Sơn Hải Quan do quân Mông Cổ trấn giữ và Liêu Đông do Định Hải quân của Phạm Thế Căng trú đóng; hoặc đường biển thì phải vượt qua sự phong tỏa của Bắc Dương Hạm đội ở Bột Hải và Nam Dương Hạm đội ở vùng biển Triều Tiên; mà trong lúc này, với Minh triều là điều không thể. Không có được viện binh, thế lực của Triều Tiên vương triều ngày càng suy yếu.