Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc
Đăng vào: 12 tháng trước
Lại nói, sau khi nghe thân đệ phân giải, Triệu Phong tung hô vạn tuế và tiếp chỉ, chính thức thụ phong vương tước. Triệu Anh còn mang theo cổn miện may sẵn cho Triệu Phong. Thấy đại ca vẫn còn lo lắng, Triệu Anh nói thêm :
- Đại ca. Không chỉ có đại ca được phong vương và gia cửu tích thôi đâu ! Cả Phạm tướng quân, Lý tướng quân, Mã đại đô đốc, Đinh đại nhân đều được phong vương và gia cửu tích. Cả đệ nữa. Đệ nhờ được hưởng phúc của đại ca mà cũng được phong thưởng. Đối với Thánh hoàng, Thiên tử cũng chỉ là một danh hiệu của nhân gian mà thôi. Thánh hoàng là Thiên, nếu chúng ta được làm Thiên tử thì cũng như trở thành con cháu của Thánh hoàng mà thôi.
Triệu Phong gật đầu khen phải. Trải qua hơn chục năm tuyên truyền, quan niệm Giang Phong là ‘Thiên’ đã thâm nhập nhân tâm, nhất là những người thân cận với Giang Phong lại càng tin tưởng. Giang Phong là ‘Thiên’, địa vị đương nhiên cao hơn những vị Hoàng đế vốn tự xưng mình là ‘Thiên tử’. Và như vậy thì bọn Triệu Phong có được sử dụng nghi vệ Thiên tử cũng không có vấn đề gì cả. Sau đó, hai huynh đệ họ Triệu hàn huyên trò chuyện, hỏi thăm việc nhà việc nước. Triệu Phong vốn rất yêu quý vị thân đệ này của mình, nghe nói gã cũng được phong vương, lòng rất cao hứng. Nói chuyện hồi lâu, Triệu Anh như chợt nhớ ra, mới nói :
- Đại ca. Đệ đến đây là còn có chuyện muốn nhờ đại ca đó nha !
Triệu Phong hỏi :
- Chuyện gì thế ?
Triệu Anh nói :
- Thánh hoàng phong cho đệ làm Tống Mẫn Vương, phái đệ đến Khai Phong thành lập nước Tống. Thánh hoàng bảo đệ đến đây nhờ đại ca thu xếp cho.
Triệu Phong ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi nói :
- Không thành vấn đề. Hiện tại trong thành Kim Lăng có gần 4 vạn hàng binh, ta sẽ chiêu mộ thêm cho đủ 10 vạn, rồi đệ dẫn quân chiếm lĩnh vùng Sơn Đông, sau đó tiến chiếm Khai Phong. Ta sẽ lấy 2 vạn Thần Long quân và 2 vạn Định Hải quân hỗ trợ đệ. Đồng thời sẽ thông tri cho Bắc Dương Hạm đội phong tỏa Hoàng Hà.
Thế là Triệu Phong tập họp hàng binh, rồi lấy thêm dân binh người Hán từ các tỉnh (dân binh theo khái niệm của Thần Thánh Đế quốc, không phải dân binh mới chiêu mộ của Minh triều), sau đó chiêu mộ thêm cho đủ 10 vạn, toàn là người Hán, giao cho Triệu Anh thống lĩnh. Bọn Triệu Phong lúc này mới tuyên dương thân phận của mình cho dân chúng biết, rằng bọn họ là dòng dõi hoàng tộc Đại Tống, khi bị nhà Nguyên tiêu diệt thì tổ tiên là Triệu Trung đã chạy sang Đại Việt, có giúp người Đại Việt chống lại nhà Nguyên. Nay Triệu Anh trở về Khai Phong khôi phục Đại Tống triều đình.
Sau khi chuẩn bị hoàn tất, Triệu Anh suất lĩnh 10 vạn quân đổ bộ vào bán đảo Sơn Đông. Triệu Phong cũng đích thân suất lĩnh 4 vạn quân theo hỗ trợ thân đệ. Chỉ trong mấy ngày, bọn họ đã bao vây Tế Nam Thành. Đừng nói Tế Nam, cả Sơn Đông hành tỉnh cũng chẳng còn bao nhiêu binh mã, Kỷ Cương chống cự không nổi, phải bỏ Tế Nam mà chạy về Hà Bắc. Tiếp đó, Triệu Phong suất quân chiếm lĩnh các châu phủ, rồi giao lại cho quân của Triệu Anh tiếp quản. Chỉ sau 2 tháng đánh dẹp, toàn bộ 21 châu phủ, 89 huyện vùng Sơn Đông, cùng với 3 châu phủ, 24 huyện vùng Khai Phong đã tận thu trong tay. Ngày 20 tháng 10, Triệu Anh đăng cơ xưng đế, xưng hiệu Mẫn đế, quốc hiệu Đại Tống, đóng đô ở Khai Phong. Được sự cho phép của Giang Phong, Triệu Anh tuy chỉ là vương tước của Thần Thánh đế quốc, nhưng lại là hoàng đế đối với các nước khác. Cũng giống như các tiểu vương Hồi giáo ở các xứ A Lạp Bá, lại chỉ là hầu tước của Thần Thánh Đế quốc. Tước vị được Giang Phong ban cho phải tôn quý hơn.
Hệ thống tước vị ở Thần Thánh Đế quốc được chia thành 3 bậc. Cao nhất, tôn quý nhất là tước vị phong cho văn thần võ tướng của Đế quốc. Những người này chỉ được phong tước, không được phong đất, nhưng giữ các yếu chức ở triều đình Đế quốc, do vậy mà thân phận tôn quý. Chỉ vì triều đình thực hiện chế độ trung ương tập quyền, không có cắt đất phân phong, nên mới không được phong đất. Ở vị trí thứ hai là tước vị của các chư hầu, tuy cũng được Đế quốc phong tước cho, nhưng có địa vị thấp hơn. Ví dụ như cũng đồng là vương tước, nhưng Triệu Anh có thân phận địa vị thấp hơn Triệu Phong, dù rằng Triệu Anh có lãnh thổ, có triều đình riêng. Thấp nhất là tước vị của người ngoại quốc, không phải được Đế quốc phong cho. Thường thì Đế quốc cũng công nhận tước vị của bọn họ, nhưng bị giảm đi 2 cấp. Ví dụ như đế thì ngang công, vương thì ngang hầu, công tước thì ngang bá tước, … (hệ thống tước vị lần lượt là : đế, vương, công, hầu, bá, tử, nam; cả phương đông và phương tây đều giống nhau. Ở Âu châu chỉ có Đế quốc La Mã Thần Thánh là có hoàng đế; còn lại như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, … đều chỉ có quốc vương, gọi là vương quốc; các nước nhỏ hơn thì chỉ có công tước, gọi là công quốc).
Tóm lại, đến tháng 10, vùng Trung Nguyên đã xuất hiện 6 nước lớn tương đương nhau và 1 nước nhỏ ở khu vực Cam Túc. Tình trạng này gần giống với thời Ngũ Đại Thập quốc, một nửa đất nước bị người không phải Hán tộc chiếm giữ (thời kỳ đó là người Sa Đà). Phần còn lại hình thành hàng loạt các nước nhỏ khác. Điểm đặc biệt là thời kỳ đó, các nước lớn do người không phải Hán tộc thành lập lại được xem là chính thống, tôn chủ; còn các nước nhỏ của người Hán do lãnh thổ nhỏ bé, nên chỉ được xem là các tiểu quốc chư hầu. Giờ đây tình trạng cũng tương tự.
Đại Tống – Tống Mẫn đế Triệu Anh, chiếm lĩnh 24 châu phủ, 113 huyện ở vùng Sơn Đông và Khai Phong, đóng đô ở Khai Phong, quân đội có 10 vạn và đang được chiêu mộ thêm, được sự hỗ trợ trực tiếp của Triệu Phong nên tiền lương, vũ khí đều sung túc, thực lực hùng hậu.
Đại Hán – Hán Uy Vũ đế Lưu Khánh, chiếm lĩnh 17 châu phủ, 72 huyện ở vùng Hà Nam, đóng đô ở Lạc Dương, quân đội có 30 vạn, có nhận viện trợ từ phương nam, quốc lực hùng hậu. Trong nước tình hình tương đối ổn định, không chịu ảnh hưởng nhiều của chiến tranh loạn lạc.
Đại Đường – Đường Thánh Đức đế Lý Thiếu Hoa, chiếm lĩnh 18 châu phủ, 68 huyện ở trung bộ Thiểm Tây hành tỉnh, đóng đô ở Trường An, quân đội có 20 vạn, quốc lực trung bình. Trong nước tình hình ổn định, dân chúng an cư lạc nghiệp, không bị ảnh hưởng nhiều của chiến tranh loạn lạc.
Hạ - Hạ Đức Vương Minh Ngọc Toàn, chiếm lĩnh 39 châu phủ, 122 huyện ở vùng Tứ Xuyên và Hán Trung, đóng đô ở Thành Đô, quân đội 20 vạn, quốc lực yếu, nhưng địa hình hiểm trở, dễ thủ khó công, tách biệt hẳn với vùng Trung Nguyên, hoàn toàn không bị ảnh hưởng của chiến tranh loạn lạc.
Tấn – Tấn Long Khánh đế Tiền Khải, chiếm lĩnh 23 châu phủ, 79 huyện ở đất Sơn Tây, đóng đô ở Thái Nguyên, quân đội 30 vạn, quốc lực hùng hậu, nhưng phải chịu sự uy hiếp của Đại Minh ở phía đông và Mông Cổ ở phía bắc.
Lương – Lương Vương Oyiradai, chiếm lĩnh 8 châu phủ và 16 huyện ở vùng Cam Túc, đóng đô ở Lan Châu, quân đội có 5 vạn kỵ binh Mông Cổ, quốc lực yếu, nhưng cách xa Trung Nguyên, gần Mông Cổ, dễ nhận được viện trợ từ các bộ lạc Mông Cổ. Oyiradai vốn là một Hãn (Khan) của Bắc Nguyên, nhưng đang tìm cách hướng Thần Thánh Đế quốc cầu phong.
Đại Minh – Minh Vĩnh Lạc đế Chu Lệ, chiếm lĩnh 27 châu phủ, 116 huyện ở vùng Bắc trực lệ (tức vùng Hà Bắc), đóng đô ở Bắc Kinh, quân đội có 50 vạn (gồm 30 vạn quân tinh nhuệ và 20 vạn tân binh mới chiêu mộ), thực lực mạnh nhất, nhưng đang phải đánh nhau với các bộ lạc Mông Cổ. Lãnh thổ phía bắc của Đại Minh thường xuyên bị quân Mông Cổ cướp phá. Vùng Liêu Tây, Hữu Bắc Bình và lân cận Sơn Hải Quan vẫn đang do người Mông Cổ kiểm soát. Và vùng duyên hải cùng các nơi lân cận sông hồ vẫn tiếp tục bị ‘Uy khấu’ cướp bóc. Đại Minh quốc cũng là nơi hỗn loạn nhất, dân tình khốn khổ nhất. Người dân truyền tụng nhau bài thơ cổ ‘Hà Bắc dân’ để bày giải nỗi lòng mình :
“Hà Bắc dân,
Sinh cận nhị biên trường khổ tân,
Gia gia dưỡng tử học canh chức,
Thâu dữ quan gia sự di địch.
Kim niên đại hạn thiên lý xích,
Châu huyện nhưng thôi cấp hà dịch,
Lão tiểu tương y lai tựu nam,
Nam nhân phong niên tự vô thực.
Bi sầu thiên địa bạch nhật hôn,
Lộ bàng quá giả vô nhan sắc,
Nhữ sinh bất cập Trinh Quán trung,
Đẩu túc sổ tiền vô binh nhung.”
Tạm dịch :
“Dân Hà Bắc,
Giữa hai biên giới sống khổ cực,
Sinh con ai chẳng dạy nông tang,
Nộp hết cho quan để biếu giặc.
Năm nay đại hạn nghìn dặm khô,
Phu đi làm sông huyện vẫn bắt,
Trẻ già dắt díu xuống miền nam,
Nam tuy được mùa vẫn đói rạc.
Trời thảm đất sầu ngày tối sầm,
Bao khách qua đường mặt nhợt nhạt,
Tiếc sinh chẳng nhằm đời Trinh Quán,
Vài đồng đấu gạo không loạn lạc.”
Qua đó cũng đủ thấy tình cảnh của dân chúng Đại Minh quốc khốn khổ đến thế nào. Làm ra bao nhiêu lương thực, phải nộp cho triều đình phần lớn làm quân lương (để dùng cho việc chiến tranh), phần nhỏ giữ lại cũng chẳng yên, phía bắc thì có quân Mông Cổ cướp phá, phía nam thì có ‘Uy khấu’ cướp bóc. Người chết đói còn nhiều hơn người chết vì chiến tranh. Không ít người bỏ xứ tha hương, dắt dìu nhau vượt Thái Hành Sơn sang Sơn Tây, hoặc vượt Hoàng Hà xuống Sơn Đông, Hà Nam tỵ nạn. Sự xuất hiện của dân tỵ nạn đến từ Hà Bắc tuy có khiến triều đình các nước phải lo nhiều hơn về việc trị an và bố trí nạn dân, nhưng cũng làm cho lòng dân không còn hướng về Đại Minh nữa. Dân chúng suy nghĩ rất đơn giản, và chỉ hướng về sung túc an định chứ chẳng bao giờ hướng về khốn khó cơ hàn. Chẳng mấy ai muốn phải chịu cảnh giống như dân Hà Bắc cả.