Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc
Đăng vào: 12 tháng trước
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.516 (Giáp Ngọ, 1414), mùa thu tháng 7.
Lúc này, khi vùng Quảng Đông, Phúc Kiến lần lượt bị chiếm lĩnh thì vùng Chiết Giang và phía đông của Nam trực lệ (Tô Châu) đã phải gánh chịu hoàn cảnh chiến hỏa khủng khiếp nhất từ xưa đến giờ. Vì nơi đây rất gần Kim Lăng, trọng địa của Minh triều, Đế quốc chưa định chiếm lĩnh, nên đã tiến hành cướp phá triệt để. Toàn bộ tài sản, lương thực của quan phủ và dân chúng đều bị tịch thu (trừ số dân chúng chịu quy thuận Đế quốc và di cư về phương nam sinh sống). Ruộng vườn đều bị đốt sạch, nhà cửa thành trì đều bị san bằng. Hơn thế nữa, toàn bộ dân chúng đều bị cưỡng chế di cư về vùng Giang Bắc, ai trái lệnh xử trảm, khiến cho các xứ Giang Nam giờ đây bốn phía quạnh hiu, không một bóng người. Vùng Giang Nam là vựa lúa chính của Minh triều, chỉ cần phá sạch vùng này, tình cảnh của Minh triều sẽ càng thêm nguy ngập.
Trong lúc vùng Giang Nam vắng vẻ hoang tàn thì vùng Giang Bắc hoàn toàn ngược lại – quá đông người. Hàng trăm vạn dân chúng từ Giang Nam dắt dìu nhau tìm phương sinh kế. Không chút tài sản, không chút lương thực, để có thể sống qua ngày, bọn họ phải vào rừng hái rau, xuống sông bắt cá, tìm kiếm tất cả những thứ gì có thể ăn được. Chỉ sau vài ngày, rau không còn, cá cũng hết, bọn họ cùng quẫn đến mức tìm bắt cả sâu bọ, lột cả vỏ cây để ăn. Tình cảnh bọn họ có khi còn thảm hơn lưu dân lúc Hoàng Cân khởi nghĩa thời Hán mạt - Tam Quốc.
Lưu dân đã khổ, quan lại Minh triều cũng khổ không kém. Lưu dân đói khổ, quan lại tâm khổ. Bất ngờ có quá nhiều lưu dân đói khổ kéo đến, các quan lại Minh triều phải vò đầu bức tóc, lao tâm lao lực tìm cách xử trí. Trước tình cảnh này, nếu không an bài thỏa đáng, rất có thể gây ra đại loạn. Nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng cướp bóc nhà phú hộ, hoặc phá kho lương của quan phủ. Đói khổ quá rồi, nếu không tìm được thức ăn thì sẽ chết đói, dù sao cũng chết, nếu liều mạng biết đâu còn có cơ hội sinh tồn. Chính vì thế mà cũng đã có không ít lưu dân đã biến thành bạo dân, loạn dân, khiến cho tình trạng trị an trong vùng trở nên vô cùng tồi tệ. Một số huyện thành còn bị loạn dân chiếm lĩnh, quan lại bị giết, phủ khố và phú hộ bị cướp phá.
Đó chính là mục đích của Đế quốc, nhiễu loạn hậu phương của Minh triều.
Cũng cùng lúc này, các vùng Sơn Đông, Hà Bắc cũng gặp phải chiến loạn. Các phiên chủ ở Đông Doanh thấy quân đội Đế quốc cướp phá thuận lợi quá, chiến lợi phẩm nhiều vô số, nên cũng phái quân sang cướp bóc vùng duyên hải Sơn Đông. Mông Cổ chư tộc thấy Trung Nguyên đại loạn, cũng phái chiến sĩ đánh xuống phía nam, cướp phá báo thù. Khắp lãnh thổ Minh triều, từ nam chí bắc đều bị chiến hỏa thiêu đốt, sinh linh đồ thán.
Đến cuối tháng 7, ngoài 2 đạo quân Trấn Phong, Trấn Ninh tiến công Giang Tây, cả 6 đạo quân còn lại đều đã tề tụ ở vùng nam ngạn Trường Giang, áp sát Kim Lăng Thành. Bắc Dương Hạm đội đã phong tỏa Trường Giang và Đại Vận Hà, lương thực từ phía nam không thể vận chuyển lên phía bắc được nữa.
Triệu Phong chuyển đại bản doanh lên Sùng Minh đảo, trực tiếp chỉ huy cuộc bao vây Kim Lăng.
Sùng Minh đảo nằm ngay Trường Giang nhập hải khẩu, còn được gọi là ‘Trường Giang môn hộ, Đông hải Doanh châu’. Toàn đảo 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, tổng diện tích ước 1.225 kilômét vuông, đông tây dài 80 kilômét, bắc nam rộng từ 13 đến 18 kilômét. Trên đảo bằng phẳng, không đồi núi. Sùng Minh đảo hình thành vào khoảng Đường Vũ Đức nguyên niên (Tây Lịch 618), có cư dân ở Đan Dương, Cư Dung di cư đến sinh sống, lập thành thôn trấn.
Triệu Phong đến Sùng Minh đảo, ngay lập tức, một căn cứ hải quân và một tòa tiểu thành cũng nhanh chóng được xây dựng, làm căn cứ bổ cấp vật tư lương thực cho các đạo quân. Đế quốc đã chuẩn bị tiến hành chiến tranh lâu dài. Minh triều dù sao cũng là nước lớn, lãnh thổ rộng, dân cư đông, không thể đánh nhanh thắng nhanh được.
Lúc này, nhận được tin Minh triều đã tụ tập quân đội về phòng thủ Kim Lăng Thành, Triệu Phong rất hoan hỉ. Đó là một tin rất tốt lành. Dù sao quân bộ cũng chỉ quyết định bao vây Kim Lăng, không tiến hành công thành chiến. Quân Minh bỏ các phủ huyện kéo về Kim Lăng, đối với việc công chiếm các phủ huyện càng dễ dàng hơn. Do đó, Triệu Phong đã phái Thần Vũ quân tiến công cướp phá các phủ huyện vùng Nam trực lệ, lại phái Thần Uy quân men theo Trường Giang, dưới sự hỗ trợ của Bắc Dương Hạm đội, tiến công cướp phá vùng Hồ Quảng (vùng Hồ Nam, Hồ Bắc). Dân chúng các xứ này cũng bị tịch thu tài sản và cưỡng chế di cư sang Giang Bắc. Hơn 200 hạm thuyền của Bắc Dương Hạm đội phong tỏa hoàn toàn Trường Giang, không một chiếc thuyền nào của Minh triều có thể rời Giang Bắc đi xuống phía nam, Vĩnh Lạc đế có muốn điều binh ở Hà Bắc, Sơn Đông xuống tăng viện cho Kim Lăng cũng không thể thực hiện được. Hơn nữa, quân Hà Bắc còn phải phòng ngự quân Mông Cổ, quân Sơn Đông lại phải chống uy khấu (cách Minh triều gọi hải tặc Đông Doanh).
Triệu Phong đích thân chỉ huy 4 đạo quân Thần Long, Uy Tiệp, Long Tiệp, Định Hải bao vây Kim Lăng Thành. Xung quanh Kim Lăng Thành có nhiều đồi núi, thích hợp bố trí thần công đại pháo oanh kích vào thành, thậm chí có nơi còn có thể trực tiếp bắn pháo đến tận Hoàng cung Đại nội. Cũng chính vì nguyên nhân này, khi được triều thần chỉ cho thấy điều đó, Vĩnh Lạc đế mới quyết định dời đô lên Bắc Kinh. Đương nhiên quân đội Đế quốc không thể bỏ qua ưu thế đó mà không tận dụng. Toàn bộ 2.400 khẩu thần công đại pháo của 4 đạo quân đều được kéo lên các ngọn đồi đó (theo quân chế, mỗi đạo quân 3 vạn người được phối thuộc 600 khẩu thần công). Sau đó mỗi ngày đều luân phiên oanh kích vào thành, đêm ngày không nghỉ. Xạ thủ cứ nhắm vào những nơi tập trung nhiều kiến trúc, đặc biệt là Hoàng cung, mà oanh kích. Quân dân Minh triều trong thành khổ không sao kể siết. Tuy quân Minh trong thành có đến 15 vạn quân, nhưng đối phương cũng có 12 vạn, cùng với thần công đại pháo oai hiếp, quân Minh không có chút ưu thế nào. Hơn nữa, Kim Lăng hiện tại vẫn là kinh đô của Minh triều, không thể tùy tiện bỏ được (theo lịch sử, đến năm 1420 Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh mới xây dựng xong, đến năm 1421 Vĩnh Lạc đế mới chính thức dời đô từ Kim Lăng lên Bắc Kinh). Đối với Hán tộc mà nói, triều đình bỏ kinh đô mà chạy, uy tín của triều đình và sĩ khí của quân đội sẽ tổn thất rất nặng nề.
Kim Lăng thành cao hào sâu, quân đội đông đảo, Triệu Phong chỉ vây thành và đêm ngày oanh kích. Chiến sự chủ yếu chuyển sang các phủ huyện lân cận.
Dương Châu phủ.
Dương Châu là một phủ trực thuộc Nam trực lệ, nằm bên bờ bắc Trường Giang. Từ xưa Dương Châu đã là một thành thị lớn, kinh tế phát triển, cư dân đông đúc. Từ thời Đường đã nổi tiếng là ‘Phú giáp thiên hạ’, ‘Dương nhất Ích nhị’ (chỉ Dương Châu và Ích Châu, tức Thành Đô). Khi vùng phía nam của Nam trực lệ không còn chỗ để cướp phá nữa, Thần Vũ quân liền nhắm đến Dương Châu ở Giang Bắc. Một tiểu phân hạm đội gồm 20 chiến thuyền của Bắc Dương Hạm đội theo dòng Đại Vận Hà tiến về sát thành Dương Châu. Chiến hạm quá lớn, không thể vào Đại Vận Hà được thì dàn ra dọc theo bờ bắc Trường Giang. Cùng lúc đó còn có Thần Vũ quân đệ nhị sư cũng tiến về Dương Châu Thành.
Dương Châu ở về phía đông bắc Kim Lăng Thành. Do bị cách trở bởi Trường Giang, Dương Châu vệ không thể tăng viện cho Kim Lăng được, nên giờ đây trong thành vẫn còn lại khoảng 4.000 quân Minh.
Dương Châu Thành. Tri phủ nha môn.
Các quan viên văn võ của Dương Châu phủ tụ tập trong đại đường bàn việc chống giặc. Người bảo công, người bảo thủ, mỗi người một ý, tranh cãi kịch liệt. Dương Châu vệ chỉ huy sứ Trương Hạo Kiên đỏ mặt tía tai nói :
- Tri phủ đại nhân. Ngài quyết ý xuất quân sát tặc ?
Tri phủ Dương Châu Đổng Chương chậm rãi vuốt râu nói :
- Tặc quân đại pháo lợi hại, các vị chắc cũng nghe nói rồi. Nếu chúng ta cứ cố thủ trong thành, hậu quả … e rằng sẽ không khác gì Tô Châu đâu. Thà rằng chúng ta xuất thành nghênh chiến, dĩ dật đãi lao, may ra còn có cơ hội thắng lợi.
Trương Hạo Kiên nói :
- Không ổn. Tặc quân đông hơn chúng ta, xuất thành nghênh chiến, thua nhiều hơn thắng.
Đổng Chương cãi :
- Cố thủ trong thành, chút cơ hội thắng lợi cũng không có. Tặc quân hành quân đến đây, tất phải nhọc mệt. Chúng ta nhân lúc bọn chúng chưa kịp nghỉ ngơi dưỡng sức, nhất cổ tác khí tấn công, chỉ cần quan quân một lòng, tất có cơ hội thắng lợi. Chứ để tặc quân có thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức, chúng ta không còn cơ hội nào nữa.
Trương Hạo Kiên và các tướng lĩnh của Dương Châu vệ lại nhất trí thủ thành, không chịu xuất thành nghênh chiến. Cuối cùng, Đổng Chương đành nói :
- Chư vị muốn thủ thành thì bản phủ không nài ép nữa. Vậy hãy chia cho bản phủ 3.000 quân, bản phủ xuất thành chống giặc. Chư vị còn lại 1.000 quân, có thể điều tập thêm dân chúng hỗ trợ thủ thành.
Trương Hạo Kiên và các tướng lĩnh bàn bạc một lúc, rồi chấp nhận đề nghị của Đổng Chương. Mọi người ai nấy đều ngạc nhiên vì sự dũng cảm của ông ta. Tri phủ vốn là văn quan, mà lại hăng hái suất quân đánh giặc, quả là trung thần hiếm có trên đời.