Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc
Đăng vào: 12 tháng trước
Lại nói, trên đường rút chạy, quân Minh bị phục kích ở Vạn Kiếp, thiệt hại thảm trọng. Đến Nội Bàng, quân Minh chỉ còn lại chưa đến 2.000 người, tất cả đều mệt mỏi rã rời, chỉ vì sự sống còn nên mới miễn cưỡng cầm cự mà tiếp tục bước đào bôn.
Nội Bàng vốn là một quan ải, đồi núi hiểm trở. Khi quân Minh đi qua đó, lập tức từ trên núi có đạn pháo và cung tên bắn xuống, đồng thời còn có phục binh đổ ra đánh. Các tướng Minh hết sức chống trả, cướp đường mà chạy. Phương Chính suất lĩnh 1.000 quân đoạn hậu, bị chết trong đám loạn quân.
Chạy đến Lộc Châu, quân Minh lại gặp phục binh từ hai bên sườn núi bắn tên tẩm độc xuống như mưa. Các tướng Minh liều chết bảo hộ Trương Phụ chạy thoát, Mộc Thạnh tử trận. Qua khỏi Lộc Châu, quân Minh chỉ còn lại vài trăm người. Ai nấy thần tình ảo não. Trương Phụ không dám đi đường lớn nữa, dẫn quân lẻn theo đường tắt đi về phía châu Tư Minh.
Đến được châu Tư Minh là đã vào đất Quảng Tây rồi. Bọn Trương Phụ đều thở phào nhẹ nhõm. Nào ngờ, vừa đến gần quan ải thì từ bốn phía có đại quân đổ ra bao vây. Rồi từ trên quan ải có người nói vọng xuống :
- Trương tướng quân. Ta là Phạm Thế Căng, ở đây chờ tướng quân đã lâu.
Vừa nói xong, không để cho đối phương có thời gian phản ứng, Phạm Thế Căng truyền quân xông vào vây đánh. Ba nghìn quân trang bị tinh lương đối phó vài trăm người mỏi mệt rã rời, kết quả không cần nói cũng đủ biết. Bởi vì khi sang đánh Đại Việt, bọn Trương Phụ đối xử với dân Việt tàn nhẫn vô cùng, làm lắm điều tàn bạo gớm ghê, như là : xếp người thành núi, hoặc rút ruột người treo lên cây, hoặc nấu thịt người để lấy dầu, còn những người Việt ai theo quân Minh mà giết được nhiều người bản quốc thì được thưởng cho làm quan. Do đó mà Phạm Thế Căng đã không bắt tù binh, sát tử tất cả.
Bọn Trương Phụ không thể chạy thoát được là do quan niệm thâm căn cố đế đã làm hại bọn họ. Sơn xuyên Đại Việt, bọn họ không thể nào thông thạo bằng bọn Phạm Thế Căng. Sau khi giải phóng Đại Việt, vây thành Thăng Long, Phạm Thế Căng danh tiếng lừng lẫy, dân Việt đều ủng hộ, sẵn sàng thông phong báo tín, báo tin về tung tích của quân Minh. Khi quân Minh còn ở trong thành Thăng Long, Phạm Thế Căng còn chưa nắm được rõ ràng. Nhưng từ khi quân Minh bỏ thành rút chạy thì chẳng bao lâu sau Phạm Thế Căng đã biết tin, bố trí phục kích. Bọn Trương Phụ cứ nghĩ rằng nơi đây cũng là đất Minh triều (quan niệm thâm căn cố đế rồi), cũng giống như bên Trung Nguyên, thành ra quên mất những vấn đề trên, dẫn đến toàn quân tận diệt.
Đế quốc có lực lượng Hải quân hùng hậu. Phạm Thế Căng ngay khi biết tin đã nhờ Hải quân vận chuyển 2 sư của Bảo Tiệp quân đến Vạn Kiếp, đồng thời lấy thêm dân ở đó giả làm quân đội để tăng thanh thế. Khi quân Minh đang chuẩn bị ăn cơm, mấy vạn đại quân kéo ra tấn công thì chỉ có 2 vạn quân ở phía trước là chính quy quân, còn phía sau đều là dân chúng giả trang. Khi quân Minh chạy được qua bên kia sông thì chỉ có 1 sư vượt sông đuổi theo, còn 1 sư theo đường biển sang đánh châu Tư Minh.
Tiêu diệt được bọn Trương Phụ rồi, Phạm Thế Căng thông tri cho Phạm Đống Cao ở Nghệ An ra trấn thủ Thăng Long, giao việc ổn định Thăng Long cho dân binh Mường của Phạm Đống Cao, rồi suất lĩnh Bảo Tiệp quân, Linh Tiệp quân tiến vào đất Quảng Tây. Khi Phạm Thế Căng đặt chân lên đất Quảng Tây thì 2 đạo quân Trấn Ninh, Trấn Phong đang công chiếm Giang Tây cũng giao cho Phạm Thế Căng thống lĩnh.
Mùa thu tháng 7, quân của Phạm Thế Căng và quân của Lý Ngân từ Vân Nam sang cùng hội họp dưới chân thành Quế Lâm. Sau khi Vân Nam, Quảng Đông, nam Giang Tây bị Đế quốc quân đội chiếm lĩnh, Quảng Tây đã trở thành một ốc đảo, bị bao vây tứ phía. Quân Minh ở đây không còn chút ý chí chiến đấu, đào binh vô số. Mà nguyên bản ở đây đã không có bao nhiêu quân đội, thành ra các phủ huyện nhanh chóng thất thủ, rơi vào tay Đế quốc.
Khi trước, để chuẩn bị lực lượng đánh nhà Hồ, Vĩnh Lạc đế đã cho điều động lực lượng từ Nam Kinh, theo đường thủy xuống hội binh với các lực lượng đang tập trung tại Quảng Tây, gồm 9,5 vạn quân từ các tỉnh Chiết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Quảng (gồm Hồ Nam và Hồ Bắc ngày nay), cộng với 1 vạn kỵ binh và bộ binh lấy từ Cấm quân, 3 vạn thổ binh từ Quảng Tây. Minh triều cũng huy động chuẩn bị tác chiến 7,5 vạn kỵ binh và bộ binh từ Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên. Các xứ Vân Nam và Quảng Tây được lệnh mỗi xứ phải chuẩn bị 20 vạn thạch lương (mỗi thạch 100 cân, mỗi cân 0,6 kilôgam) cung ứng cho quân đội. Vân Nam cũng được lệnh huy động 1 vạn quân tiếp viện. Trận chiến này đã điều động đến 22 vạn quân ở phía nam (khi sang đánh, quân Minh nói thăng lên là 80 vạn để hư trương thanh thế), sau khi chiếm được đất Đại Việt thì thiệt hại cũng không ít.
Đến khi Giản Định đế và Trùng Quang đế nổi lên, quân Minh đánh thua nhiều trận, thiệt hại không ít, phải rút về giữ Thăng Long và dâng biểu cáo cấp về Minh triều xin viện binh. Mộc Thạnh được lệnh mang 4 vạn quân Vân Nam sang cứu, nhưng lại bại trận, phải về giữ thành Cổ Lộng. Minh triều lại phải phái Trương Phụ dẫn quân sang cứu viện. Lần này Trương Phụ tuy bắt được Giản Định đế và Trùng Quang đế, nhưng chưa kịp ban sư hồi triều thì gặp phải Phạm Thế Căng suất quân bắc phạt, sau nhiều trận chiến đã tử trận tại châu Tư Minh, đại quân toàn diệt.
Sau mấy trận chiến liên tục đó, quân đội ở các tỉnh phương nam của Minh triều hầu như bị điều sang Đại Việt gần hết. Thành ra khi quân đội Đế quốc tiến sang, gần như tiến vào chỗ không người. Quảng Tây cùng với Vân Nam là hai nơi quân đội bị điều đi nhiều nhất. Vì thế mà Phạm Thế Căng tiến sang đã công chiếm các phủ huyện rất dễ dàng, chỉ chưa đầy 1 tháng đã tiến quân đến dưới chân thành Quế Lâm.
Trong thành Quế Lâm lúc này chỉ còn lại chưa đầy 2.000 quân. Đối diện với hơn chục vạn quân ngoài thành, thủ quân không còn ý chí kháng cự, liền giết chết tướng lĩnh chỉ huy, mở cửa thành đầu hàng. Chiếm lĩnh đại bộ phận Quảng Tây, Phạm Thế Căng để lại 1 sư của Bảo Tiệp quân tiếp tục bình định xứ này, rồi đại quân chuyển hướng sang đất Quảng Đông. Nhiệm vụ của Phạm Thế Căng lúc này là thống lĩnh 4 đạo quân Bảo Tiệp, Linh Tiệp, Trấn Phong, Trấn Ninh công chiếm Giang Tây và vùng nam Hồ Quảng (tức Hồ Nam). Còn Lý Ngân thống lĩnh 4 đạo quân Uy Vũ, Uy Nghĩa, Uy Đức, Trấn Biên tấn công Quý Châu và cướp phá Tứ Xuyên.
Vĩnh Lạc đế là kẻ tàn nhẫn và đa nghi. Sau khi dời lên Bắc Kinh đánh nhau với quân Mông Cổ, Vĩnh Lạc đế đã mang hai phần ba quân đội lên phương bắc, chỉ để lại phương nam một phần ba quân đội giao cho Thái tử Giám quốc thống lĩnh. Lúc này, các tỉnh phương bắc của Minh triều dày đặc quân đội. Sơn Đông 20 vạn (Sơn Đông, Liêu Đông), Bắc trực lệ 30 vạn (Hà Bắc, Bắc Kinh, Sơn Hải quan), Sơn Tây 10 vạn (Nhạn Môn quan), Thiểm Tây 20 vạn (Trường An, Gia Dụ quan – Cam Túc). Trong khi đó các tỉnh phương nam ngoài Nam trực lệ (Nam Kinh) có 10 vạn quân, còn lại gần 30 vạn, phần lớn dốc vào chiến tranh ở Đại Việt, ở các tỉnh chẳng có bao nhiêu quân đội. Hậu quả của việc này là các tỉnh phương nam nhanh chóng thất thủ, dân chúng bị đuổi chạy về phương bắc, trở thành lưu dân ‘tam không’ (không nhà cửa, không tài sản, không lương thực), gây hỗn loạn ở vùng Giang Bắc.
Nói về Phạm Thế Căng, chỉ để lại Quảng Tây 1 sư của Bảo Tiệp quân phối hợp với dân binh Thái - Lào điều từ Vân Nam sang cùng bình định xứ này, sau đó suất lĩnh 2 sư của Bảo Tiệp quân, tiến vào đất Giang Tây hội họp cùng Trấn Phong quân và Trấn Ninh quân. Còn đạo Linh Tiệp quân tiến sang công chiếm vùng nam Hồ Quảng.
Trên đất Giang Tây, lấy vùng phía nam mới chiếm được làm bàn đạp, Phạm Thế Căng xua quân tràn lên phía bắc, công thành bạt trại, thế như phá trúc. Đại quân đi trước, dân binh Lã Tống, Mã Lai và Java điều từ Quảng Đông sang đi phía sau, phụ trách phòng thủ những phủ huyện mà bọn Phạm Thế Căng chiếm được. Đại quân men theo Cống thủy, tiến chiếm Cống Châu phủ, một vị trí trọng yếu nằm cạnh hợp lưu của Cống thủy và Chương thủy. Sau đó đại quân tiến thẳng về Nam Xương, thủ phủ của Giang Tây. Sau ba ngày công thành, dù thủ quân chiến đấu kiên cường, nhưng quân số quá ít, chỉ hơn 3.000 người, nên chỉ giữ được đến ngày thứ ba thì thành phá.
Vì trận này công thành chiến kéo dài, chiến sự khốc liệt, quân đội Đế quốc thiệt hại hơn 1.000 người (lấy 8 vạn quân tấn công một tòa thành chỉ có 3.000 thủ quân, thiệt hại như thế là nặng), Phạm Thế Căng nổi giận xung thiên, ra lệnh bắt giữ toàn bộ quan lại tướng lĩnh của Minh triều trong thành, trảm toàn gia. Toàn bộ sĩ tốt trong quân đội Minh triều, dù phủ binh hay dân binh đều bị trảm. Số người bị giết lên đến mấy vạn. Toàn bộ dân chúng bị xua về phía nam sung vào lực lượng khổ công. Nam Xương Thành không còn lại một bóng người. Vì việc này, Phạm Thế Căng phải điều 1 sư của Bảo Tiệp quân đi theo áp giải. Họ Phạm làm thế là muốn cảnh cáo những phủ huyện khác phải suy tính hậu quả nếu như chống lại đại quân.
(chú : trong lịch sử, Trương Phụ chết khi đi theo Minh Anh Tông đánh quân Ngõa Thích ở Thổ Mộc Bảo. Trận đó 50 vạn quân Minh đại bại, Minh Anh Tông bị bắt sống, Trương Phụ tử trận. Giờ đây gặp phải Phạm Thế Căng nên Trương Phụ chết sớm hơn).