Chương 5: Bà Cô Thầy Bói

Tiếng Khóc Âm Hồn

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Cô Quỳnh đưa mẹ vào trong nhà, lát sau cô đi ra, lúc này mọi người cũng đã bình tĩnh trở lại, chú Nghị thở hắt ra một hơi dài thượt rồi khẽ nói:

— Thằng bé khôi ngô, học giỏi lắm, thi đỗ vào đại học điểm chỉ kém mỗi thủ khoa, nếu còn sống thì năm nay nó cũng 21 tuổi rồi. Nó là niềm tự hào của gia đình chú, nhất là bà nội, bà chăm sóc nó từ nhỏ, nó ở với bà còn nhiều hơn ở với bố mẹ vì cô chú sau này còn bận công việc. Ấy vậy mà ông trời không có mắt, thằng bé có làm gì nên tội đâu mà lại bắt nó chết một cách tức tưởi như vậy.

Một người đàn ông như chú Nghị nói đến đây cũng không thể cầm được nước mắt, cô Quỳnh sụt sùi:

— Con trai cô chết vì tai nạn, nếu như nó là đứa ngổ ngáo, đi đứng không ra sao thì vợ chồng cô cũng còn có lý do để mà đổ tại. Đằng này, nó dừng đèn đỏ rồi bị một chiếc xe điên đâm thẳng, nó chết ngay tại chỗ. Tay lái xe cũng chết sau khi được đưa vào bệnh viện, tội thằng bé đoản mệnh. Mẹ chồng cô cho tới bây giờ vẫn không tin cháu của mình đã chết. Con cô mất được nửa năm thì bà cũng đổ bệnh, thần trí cũng không được tỉnh táo như trước nữa, có thể do bà đã già nhưng chỉ nửa năm trở lại đây bà mới như vậy. Nỗi đau mất cháu đối với bà như một cú sốc lớn.

Phú nói:

— Có phải bạn ấy tên là Khang không ạ…?

Vợ chồng cô Quỳnh ngạc nhiên hỏi lại:

— Sao…sao cháu biết…?

Phú đáp:

— Lúc chiều, khi đi sang nhà, bà thấy cháu rồi gọi là Khang, giờ nghe chuyện của cô chú cháu đã hiểu phần nào tại sao bà lại gọi cháu như vậy. Xin lỗi cô chú vì đã khơi dậy chuyện buồn của gia đình.

Chú Nghị nói:

— Không sao đâu, thực ra suốt thời gian qua cô chú lúc nào cũng đau buồn vì thương nhớ con. Nhất là mỗi lần nhìn thấy bà ngồi đó cầm di ảnh của cháu rồi mắt nhìn xa xăm. Trong hơn 1 năm qua thì hôm nay là ngày mà cô chú vui nhất. Xin lỗi cháu, nhưng nhìn cháu, cả chú lẫn cô đều như được nhìn thấy con trai của mình. Sau này cháu ở gần đây, nếu không ngại cứ sang bên này ăn cơm với cô chú, cảm ơn cháu đã cho cô chú cảm nhận lại được không khí vui vẻ lúc thằng Khang vẫn còn sống.

Phú hiểu nỗi lòng cũng như tâm tư của họ, trong cuộc sống này, thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất chính là tình thương của cha mẹ dành cho con cái. Hai người họ chắc hẳn đã phải trải qua một sự đau đớn đến tột cùng, chẳng trách ngay khi nhìn thấy Phú, cả cô Quỳnh lẫn chú Nghị đều vui vẻ, hồ hởi như vậy. Đó là vì họ nhìn thấy đâu đó chút hình ảnh của con trai họ từ cậu thanh niên mới xuất hiện.

Phú gật đầu nói:

— Dạ, cháu cảm ơn hai cô chú. Chúng ta giờ cũng là hàng xóm rồi, cháu cũng được cô chú giúp đỡ. Nếu có việc gì cần cứ gọi cháu. Giờ cũng đã gần 9h, có lẽ cháu xin phép cô chú cháu về.

Chú Nghị nói:

— Hay là ngủ lại bên này, nhà bên đó cũng đã có điện đóm gì đâu, trời đang thu nhưng vẫn còn nóng lắm, không quạt liệu có ngủ được không…? Nhà chú rộng, trên tầng 2 vẫn còn dư phòng, để chú bảo cô lên dọn qua một chút là ở được luôn. Có chăn gối, điều hòa đầy đủ.

Phú cười rồi từ chối khéo:

— Không cần đâu ạ, chỉ là ngủ 1 đêm thôi nên không sao đâu chú. Ôi thôi chết, cháu quên béng mất một chuyện quan trọng, cháu vẫn chưa gọi sang cho bố mẹ, thôi cháu về luôn đây ạ.

( Lý do thế thôi chứ nghe xong chuyện kia mà bảo lên tầng ở thì mình cũng chịu nói gì anh Phú).

Trở về ngôi nhà tối om, Phú lấy điện thoại ra xem, nãy Phú nói chưa gọi cho bố mẹ chỉ là cái cớ. Thực ra lúc chập tối Phú trong lúc lau dọn Phú cũng đã gọi nói chuyện với mẹ để thông báo tình hình bên này rồi. Phú cũng có kể đến sự giúp đỡ của cô Quỳnh hàng xóm. Thấy con vẫn bình an, lại đang rất háo hức một cuộc sống mới, bà Thảo cũng phần nào yên tâm.

Cả ngày nay đã khá mệt, khác biệt múi giờ khiến Phú lúc này rất buồn ngủ, vẫn cố lướt facebook một chút, Phú thấy có người gửi lời mời kết bạn. Ấn vào xem, Phú nhận ra đó chính là tài khoản facebook của Yến, cô gái ngồi cạnh Phú trên chuyến bay ngày hôm nay. Lúc còn ở sân bay, cả hai đã xảy ra một số chuyện, những tưởng Yến sẽ không quan tâm gì đến Phú bởi cô chị dữ dằn của mình thì thật bất ngờ, Yến vẫn gửi lời mời kết bạn.

Chấp nhận đồng ý, Phú tắt điện thoại rồi ngả lưng trên bộ sofa nhắm mắt khẽ thiếp đi. Sau 5 năm, đêm đầu tiên ngủ tại chính ngôi nhà của mình, tưởng chừng như đó sẽ là một giấc ngủ ngon sau cả một ngày dài mệt nhọc….Nhưng không, đó lại là một đêm dài, một đêm của khởi nguồn toàn bộ những chuỗi ngày kinh hoàng, ám ảnh trong cuộc sống của Phú.

5 năm trước, cả gia đình Phú đã vội vàng bỏ sang nước ngoài định cư vì sự sống còn của Phú……Ai cũng nghĩ sau chuyện đó Phú trở nên bất ổn, tinh thần bị ảnh hưởng, thậm chí là bị điều gì đó ám ảnh. Tuy nhiên, ngôi nhà này không phải nơi khởi nguồn của câu chuyện, chẳng ai nghĩ tại đây có tồn tại một vấn đề……..Nhưng thật không may, vấn đề đó lại có tồn tại.

“ Hiu….hiu….hiu….”

Vì không có điện nên Phú mở hé cánh cửa sổ cho mát, trời đang chuyển dần về đêm, gió mùa thu đang khẽ lùa vào bên trong nhà qua khung cửa sổ. Tiếng gió hiu hiu như hơi thở khẽ khàng của một ai đó vô hình, vô định. Một làn hơi lạnh từ đâu thổi tới, nằm trên ghế sofa, Phú đã ngủ từ lúc nào, có lẽ vì đã ngủ say mà Phú không hay biết rằng, từ trên bậc cầu thang vẫn đang phủ bụi, đâu đó đang xuất hiện vết chân hằn lên lớp bụi lâu năm. Những vết chân nhỏ xíu cứ như đang chạy nhảy lên xuống trên những bậc cầu thang.

Kèm theo đó là tiếng cười khúc khích đầy ghê rợn:

“ Hi…hi…hi…..Hi…hi…hi…”

“ Hi…hi…hi…….hi…hi…hi..”

“ Lại….tìm….thấy….rồi….nhé….”

Màn hình điện thoại của Phú bật sáng, không tin nhắn, không thông báo, nó bật sáng chỉ để hiện lên con số 00:00. Lúc này đã là nửa đêm.

[……..]

Sớm hơn một chút, tại Hải Phòng, khoảng 9h30 phút tối.

“ Kính…Coong…..Kính….Coong “

Tiếng chuông cổng vang lên, sau hồi chuông, từ bên trong ngôi nhà 2 tầng mái thái, một người phụ nữ khoảng độ 50 tuổi bước vội ra mở cửa.

Cánh cổng được mở ra, Yến đứng bên ngoài, trên tay cầm một túi quà, nở một nụ cười Yến hỏi:

— Dạ, cháu chào bác….Cháu đến để gặp cô Lài.

Người phụ nữ kia nhăn mặt hỏi:

— Có hẹn trước không mà đến giờ này…? Giờ này người ta cần nghỉ ngơi thì lại đến.

Yến định nói gì đó thì ngay phía sau trụ cổng có gắn một thiết bị phát âm thanh, giọng cô Lài vang lên từ đó:

— Để con bé vào đi, nó là người quen của tôi đấy.

Nghe thấy vậy, người phụ nữ trung niên vội thay đổi thái độ, mở to cổng, bà ta cúi đầu chào Yến, đưa tay mời vào trong rồi khẽ nói:

— Dạ, mời cô vào, tôi sẽ dẫn đường.

Đi theo người phụ nữ kia, Yến được dẫn lên trên tầng 2, ngôi nhà khá rộng, tầng 1 được chia làm nhiều phòng, bao gồm phòng khách, 3 phòng ngủ, và một không gian bếp rộng. Tuy nhiên bên trên tầng 2 thì được thiết kế như một điện thờ, toàn bộ không gian của tầng 2 được dùng cho việc thờ cúng. Trước khi đi du học, Yến cũng có cơ hội được đến đây vài lần, nhưng đây mới chỉ là lần thứ 2 Yến được đi lên tầng 2. Mở cánh cửa gỗ có màu vàng óng, người phụ nữ trung niên đứng bên ngoài mép cửa rồi đưa tay ra hiệu cho Yến đi vào.

Bước vào trong căn phòng rộng thênh thang, tất cả đều được làm bằng gỗ, từ sàn nhà, cho tới các ban bệ, các bức tượng lớn nhỏ được sắp xếp theo một trình tự từ nhỏ đến lớn bắt đầu từ cánh cửa ra vào cho tới chính điện nơi bức tượng phật bà nghìn mắt, nghìn tay được đặt trang nghiêm ở chính giữa. Bức tượng phải cao hơn 2m, sơn son thiếp vàng. Bản tính có phần nhút nhát nên đứng giữa một điện thờ trang hoàng thế này khiến Yến có chút bối rối.

Vừa thắp xong cây nhang lớn ở lư đồng bên dưới chân bức tượng phật bà, người phụ nữ chừng 40 tuổi ăn mặc giản dị với bộ quần áo nâu sòng, mái tóc đen nhánh được bối cao lên gọn gàng, ánh mắt của bà ta khá sắc, nhưng không phải ánh nhìn của người thâm độc nham hiểm, bởi bà ta có một gương mặt phúc hậu, đó chính là cô Lài, chủ nhân của ngôi nhà này, cũng là một người có tiếng trong lĩnh vực xem bói, làm bùa và cúng kiếng.

Cô Lài nhìn Yến khẽ mỉm cười:

— Không cần căng thẳng vậy đâu, cứ thoải mái tự nhiên. Mẹ cháu cũng gọi điện trước cho cô rồi. Chà, mới có 2 năm không gặp mà thay đổi nhiều quá, xinh đẹp hơn nhiều so với cái năm đến đây gặp cô trước khi đi.

Yến ngượng ngùng đáp:

— Xin lỗi vì đã làm phiền cô vào giờ này, cháu đi xa về, có chút quà mang tới biếu cô ạ. Cũng là để cảm ơn cô, nhờ có cô mà chuyện của cháu mới thành.

Cô Lài nói:

— Lại là bố mẹ cháu bảo đến đây phải không…? Khổ thân, cô đã nói người trong nhà không cần phải bày vẽ. Chuyện nhỏ nhặt đó có gì đâu, mà thôi, ở đây nói chuyện không tiện, cô cháu mình sang phòng nhỏ bên cạnh nói chuyện. Nhìn mặt là biết mệt rồi, để cô pha cho một ấm trà thảo dược, đây là loại trà ủ trên cao nguyên Shangri la, Tây Tạng. Cô được một người bạn biếu, uống vào cháu sẽ thấy tinh thần thoải mái, mệt mỏi cũng dịu bớt đi ngay. Đi theo cô, đúng là càng lớn lại càng xinh.

Theo cô Lài, Yến bước vào căn phòng nhỏ được thiết kế để thưởng trà, sau một vài công đoạn khá là cầu kỳ, cuối cùng ấm trà mà cô Lài nói cũng đã bắt đầu tỏa hương, lời giới thiệu của cô Lài không sai, mới chỉ ngửi mùi thơm từ trong làn khói phảng phất nơi ấm trà, Yến đã thấy tinh thần nhẹ nhàng đi hẳn, mùi thơm của những loại thảo dược vô cùng dễ chịu.

Rót chà ra hai chiếc chén nhỏ, cô Lài nói:

— Nhấp một ngụm đi cháu, tự mình cảm nhận xem điều cô nói có đúng không nhé.

Khẽ đưa môi nhấp một ngụm trà, ban đầu khi chạm vào lưỡi có vị đắng nhẹ, nhưng dần dần vị đắng đó chuyển sang vị ngọt, và cực kỳ thơm. Uống xong chén trà, Yến mở tròn mắt, lúc trên đường tới đây Yến đã rất buồn ngủ vì chuyến bay dài, vậy mà chẳng hiểu sao, giờ đây mọi mệt mỏi cứ như tan biến.

Yến trầm trồ:

— Thực sự có loại trà tốt đến như vậy sao….?

Cô Yến khẽ cười:

— Cô không lừa cháu phải không…? Đây chính là phương thuốc quý của cô sau mỗi ngày bận rộn đấy. Mà sao mệt mỏi như thế không để mai hãy đến, hay là cháu đến tìm cô hôm nay là còn một việc nào khác….?

Người ta thường bảo, những ông thầy, bà bói, hình như họ đều có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác. Vẫn biết cô Lài là người rất giỏi trong việc bói toán, bằng chứng là hàng ngày, người đến đây xem bói, đặt lễ đều rất đông. Có những người còn phải xếp lịch trước cả tuần, thậm chí là cả tháng. Đó là lý do vì sao ban nãy người phụ nữ trung niên kia lại hỏi Yến với một thái độ như vậy.

Và cô Lài đã đúng, Yến đến tìm cô Lài không chỉ vì bởi bố mẹ Yến bảo đến tặng quà cảm ơn cô, mà còn có một chuyện khác.

Yến ấp úng:

— Dạ…..dạ….đúng là cháu….có một việc muốn nhờ…cô xem giùm….