Chương 69: Đánh Hồi Bộ Cướp Huơng Phi

Thanh Cung Mười Ba Triều

Đăng vào: 10 tháng trước

.



Lại nói sau khi Ung Chính hoàng đế bị bọn Lã Tứ Nương, Ngư Nhương hạ thủ, Bảo Thân vương tức thì đăng vị kế nghiệp.

Việc đầu tiên mà ngài nhớ đến là cô chị vợ tên Đổng Ngạch.

Ngài sợ Phó Hằng, chồng nàng Đổng Ngạch, gây điều trở ngại cho cuộc tình duyên vụng trộm của mình bèn nên ngài hạ một đạo thánh chỉ, thăng Hằng lên chức Thượng thư bộ Lễ.
Phó Hằng vốn là một viên quan nhỏ, hiện giữ chức Tiểu kinh quan, thế mà được hoàng thượng sủng ái bỗng vọt lên chức thượng thư, thử hỏi làm sao Hằng không cảm kích được.

Hằng chỉ còn có mỗi ước nguyện là làm vừa lòng hoàng đế.
Càn Long thấy mình đã "mua" được Phó Hằng rồi, bèn thác cớ hoàng hậu thường nhớ tới bà chị Đổng Ngạch, liên tục triệu nàng vào cung.

Và trước khi gặp cô em, bao giờ bà chị cũng phải qua hú hi với chồng cô em trước đã.
Hoàng hậu Phú Sát y như người nằm trong trống, không hay biết gì hết, lại cứ thúc chồng triệu bà chị vào cung cho mình.

Thật tức cười.
Còn nàng Đổng Ngạch, từ khi gian dâm với hoàng đế, bèn tự cho mình là cao quý lắm, chẳng thèm ngủ với chồng nữa.

Anh chồng bị cắm sừng Phó Hằng đã nhiều lần mò vào buồng vợ nhưng lần nào cũng bị nàng đuổi ra ngoài, đành chỉ biết chung chạ với bọn hầu thiếp mà thôi.

Hằng có đến bốn nàng hầu, song không ai đẹp bằng Đổng Ngạch.

Nằm với bọn thiếp mà Hằng toàn nhắm mắt tơ tưởng tới vợ mình.
Thời giờ thấm thoắt thoi đưa.

Càn Long hoàng đế cùng Đổng Ngạch tư tình tính đã hai năm.

Năm đó, vào một ngày xuân, Đổng Ngạch bỗng thấy mình có bầu.

Chuyện động trời này nhất định không thể bịp được, dù gã chồng có ngốc tới đâu chăng nữa.

Đã hai năm qua, Phó Hằng đâu có được vào buồng nàng.

Thế rồi bỗng cái bầu chình ình ra thì thử hỏi Hằng không nổi máu ghen sao được.

Nàng quả có sợ, bèn vội vào cung bàn tính với hoàng đế.

Rồi nàng trở về nhà, dọn một bữa tiệc ngay trong phòng ngủ của mình và cho mời Phó Hằng tới.

Đã quá lâu không được gần vợ, nay được gọi vào ăn nhậu rồi có lẽ còn nhiều chuyện tốt đẹp khác, Hằng sướng tưởng như điên lên được.

Tối hôm đó, đích thân Đổng Ngạch ân cần ngồi hầu rượu, lại càng khiến cho anh chồng thêm khát khao chuyện gối chăn.

Rượu cạn tiệc tan Hằng quả nhiên được giữ ngủ lại, sung sướng không bút nào tả xiết.
Cách ít hôm, nàng Đổng Ngạch bảo với Phó Hằng mình đã mang bầu.

Thật đúng là "Song hỷ lâm môn", Hằng vừa nghe đã mừng quýnh, thét bầy đặt tiệc luôn.

Hằng tuy đã có ba con trai, nhưng đều là con của các hầu thiếp.

Còn chính thất Đổng Ngạch chưa từng sinh nở, thử hỏi Hằng không vui sao được!
Đổng Ngạch sinh con trai, nom kháu quá.

Hằng bấm đốt tay tính nhẩm, thì ra thằng con cưng của mình ở trong bụng mẹ mới có tám tháng mà đã vội vàng chui ra: Hằng vội hỏi vợ sao lại có chuyện kỳ quặc đó.

Nàng Đổng Ngạch thấy chồng thắc mắc bụng đã lo nhưng vốn xảo trá, nàng vội nói gạt đi, bảo vì mình thể chất ốm yếu không dưỡng được thai nên đã sinh thiếu tháng và đứa con cũng cần phải nuôi dưỡng hết sức cẩn thận mới mong thành người được.

Nghe vợ nói, Hằng tin ngay là thật và cũng từ đó, đem hết tâm lực nuôi nấng thằng bé.
Sự thực thì thằng bé đẻ ra khỏe mạnh, tiếng khóc sang sảng như tiếng chuông.

Sau khi đầy tháng, nó được mẹ bế vào cung triều kiến.

Hoàng đế thấy thằng bé giống mình như đúc nom cũng khôi ngô tuấn tú, trong lòng lấy làm mừng rỡ.

Ngài đặt cho thằng bé cái tên Phúc Khang An - có ý mong cho nó luôn luôn được bình an tráng kiện, lắm phúc nhiều đức Sau đó, hoàng đế cũng như hoàng hậu còn thưởng cho thằng bé rất nhiều châu báu và đồ chơi đủ thứ.

Ngài còn sợ bọn nhũ mẫu bên ngoài nuôi thằng bé không được sạch sẽ, cho nên, nhân lúc hoàng hậu Phú Sát cũng sinh hạ một ông hoàng con, có đến bốn mười người nhũ mẫu, ngài bèn chia đôi số đó ra, đưa hai mươi người đến nhà Phó Hằng để bú mớm cho Phúc Khang An, Ngài còn thác cớ bảo hoàng hậu rất yêu quý thằng bé, nên một tháng đôi kỳ sóc vọng (mồng một và rằm) phải đưa thằng bé vào cung gặp mặt người.
Đến khi Phúc Khang An lên năm tuổi, hoàng đế cho triệu vào cung để cùng học tập chung thư phòng, chung thầy với hoàng tử.

Hồi này, Đổng Ngạch đã có phần giảm sút nhan sắc nên Càn Long hoàng đế đã đem lòng sủng ái người khác.

Mối giao tình giữa hai người cùng càng ngày càng nhạt theo.
Dù vậy Phó Hằng vẫn một ngày một thăng quan tiến chức; thăng riết một hồi, Hằng leo lên tới chức Văn hoa điện đại học sĩ.
Hằng có ba đứa trai, đứa nhỏ nhất cũng đã mười bốn tuổi.

Hoàng đế hạ chỉ kén cả ba một lượt, làm phò mã hết.

Ngài đem ba cô công chúa gả cho ba đứa con Hằng.

Duy chỉ còn Phúc Khang An là không được ngài ban ơn đặc biệt đó mà thôi.

Tuy nhiên, nói đến ân tình của hoàng đế thì Phúc Khang An, có thể nói là người số một được đặc hưởng.
Năm đó An mười hai tuổi.

Càn Long hoàng đế phong cho làm bối tử, lại đem cả toàn đội quân ngự lâm giao cho An chỉ huy.

Ngài còn ngầm tuyển rất nhiều những danh tướng võ sĩ để bảo vệ cho An.

Bọn võ tướng này biết thâm ý hoàng đế nên mỗi khi xuất quân đều nhường công đầu lại cho An hoặc mỗi lần giao chiến với địch bèn cố ý giả thua để nhường chỗ cho An tấn công rồi đứng ngoài giúp ngầm tới thắng lợi, khiến bao nhiêu công lao tại trận tiền đều quy về tay An cả.
Nhờ đó, An xuất quân lần nào cũng thắng trận.

Mỗi lần khải hoàn trở về, An đểu được hoàng đế triệu vào thưởng yến ban đồ.

Trong nhà An, chỉ riêng đồ hoàng đế ban thưởng cũng đã chất ngập cả, không còn thừa một chỗ nào.


Kịp đến khi Hồi bộ có Đại, Tiểu Hoà Trác Mộc cử binh mưu phản, Càn Long hoàng đế muốn khoe với thiên hạ cái bản lĩnh kinh khiếp của Phúc Khang An, bèn hạ chỉ sai An thống lĩnh đại binh, hội với Y Lê tướng quân là Triệu Huệ, xuất sư tấn công Hồi bộ.
Lúc lâm hành, Triệu Huệ thỉnh huấn Càn Long hoàng đế.

Ngài rỉ tai Huệ dặn dò săn sóc Phúc Khang An.

Ngài còn dặn riêng Huệ:
- Đã từ lâu, trẫm nghe nói Đại Trắc Mộc có một nàng hầu tên gọi Hương Phi.

Chẳng những nàng có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà còn có một tấm thân ngà ngọc, lúc nào cũng tiết ra một mùi hương rất lạ.

Tướng quân đi chuyến này nên đặc biệt lưu ý tới điều trẫm dặn và cố mang về nàng Hương phi cho trẫm.
Tướng quân Triệu Huệ nghe xong, đã đoán rõ tâm sự của hoàng đế, liền dạ dạ liên thành rồi cáo lui.

Huệ hợp binh với An rồi rầm rầm rộ rộ kéo thốc tới Hồi hộ (bộ lạc này theo bối giáo ở mãỉ Tân Cương, gần Tây Tạng).
Hồi đó Phúc Khang An mới mười tám tuổi.

An ăn mặc bảnh bao, hằng ngày thường cưỡi ngựa, đem theo một đội vệ binh ra những vùng lân cận đại doanh có rừng cây rậm rạp để săn bắn.

Tuy An chịu mệnh của hoàng đế làm tới chức đốc sư nhưng lại chỉ đóng doanh trại tại một nơi biên địa nhỏ hẹp, chẳng hề xuất trận đánh nhau bao giờ.

Lại có một danh sĩ cả ngày hầu cờ tiếp rượu cho An, chủ khách mặc sức chén tạc chén thủ, bỏ mặc việc chiến chinh cho tướng quân Triệu Huệ.
Tướng Huệ đem mười vạn đại binh theo đường Ô Thập đánh thốc vào Khách Thập Cát Nhĩ.

Đô thống Phú Đức lại do đường Hoà Chân tiến thẳng tới Diệp Nhĩ Hương.

Anh em Hoà Trác Mộc liên tiếp bại trận phải bỏ qua núi Thông Lĩnh chạy trốn.

Triệu Huệ sai một cánh quân truy đuổi Phó La Ni Đô tới núi A Sở Nhĩ, giết chết vài vạn quân Hồi.

Huệ thấy quân mình đại thắng, bèn huy động toàn lực, đánh vào mãi tận miền núi Ba Đạt Khắc, bên bờ sông Y Tây Hỗn Hà.

Hai anh em Đại, Tiểu Trắc Mộc chạy trốn qua sông, sau đó bị tên tù trưởng vùng núi Ba Đạt Khắc bắt được, chặt đầu, đem dâng cho Huệ.
Tướng quân Triệu Huệ gan trời mà dám nhận công, vội sai đem hai thủ cấp bỏ vào hộp đóng kín, gởi qua dinh Đốc sư Phúc Khang An.

An được chiến báo của Huệ bèn sửa soạn tấu chương gửi về triều.

Thánh chỉ hạ xuống, phong Phúc Khang An làm Tĩnh An Bá, cho phép dùng nghi trương bậc Thân Vương.Càn Long hoàng đế còn đem Hồi bộ đổi tên ra Tân Cương, chia làm bốn trấn: Y Lê Tháp Nhĩ, Ba Cáp Đài, O Lô Mộc Tề, Khách Thập Cáp Nhĩ; đồng thời thăng Triệu Huệ lên chức Tân Cương tướng quân kiêm chức Biện sự đại thần, Phú Đức lên chức Tham tán đại thần.

Cuối cùng, ngài truyền lệnh cho An ban sư hồi kinh.
Đối với tướng Triệu Huệ, còn có một việc vô cùng hệ trọng khiến ông luôn luôn tâm niệm trong lòng, không bao giờ dám lơ là.

Đó là việc tìm kiếm Hương phi.

Điều đáng lo cho Huệ là sau khi Đại Trác Mộc bị tù trưởng núi Ba Đạt Khắc giết rồi thì chẳng biết Hương phi phiêu bạt nơi nào.

Mà cái ngày ban sư của Đốc sư Phúc Khang An lại mỗi lúc một tới gần.

Huệ hết sức lo lắng, vội sai thủ hạ đi khắp nơi dò la, nhưng đều chẳng tìm ra tung tích Hương phi.

Huệ lúc này không thể nói lo nữa, mà đã là sợ, sợ bởi chuyến này không tìm được Hương phi đem về kinh thì bao nhiêu công lao của mình e rằng cũng bằng không.
Tham tán đại thần Phú Đức bàn với Huệ:
- Đại Trác Mộc bị tên tù trưởng núi Ba Đạt Khắc giết chết.

Vậy thì Hương phi nhất định phải lưu tới nơi này.

Chi bằng bọn ta cứ truy tên tù trưởng thì thế nào cũng ra.
Lời của Đức làm cho Huệ tỉnh ngộ.

Tên tù trưởng Ba Đạt Khắc chỉ vì mê mẩn Hương phi nên mới giết chết Đại Trác Mộc, chủ đích thừa hưởng cái diễm phúc kề cận người đẹp có thứ hương thơm kỳ lạ.

Không ngờ Hương phi thấy chồng bị giết trong trong lòng căm thù đến cùng độ, dù cho tên tù trưởng có lừa bịp, bức bách cách nào cũng cương quyết chống lại, thề chẳng bao giờ chịu thất tiết.

Đôi lần, bị bức bách quá, nàng gào thét và tìm đủ cách để tự tử chứ quyết không cho tên tù trưởng thoả mãn thú tính của y.
Tên tù trưởng Ba Đạt Khác thấy miếng thịt dê quá béo, quá thơm đã kề tới miệng mà không được nuốt, nghĩ càng tức càng thèm.

Giữa lúc hắn tiến thoái lưỡng nan, bỗng tướng quân Triệu Huệ cho người tới đòi Hương phi gấp, bảo nàng là vợ của tướng giặc, một đồng trọng phạm cần giải về kinh để triều đình nghị tội.
Tên tù trưởng Ba Đạt Khắc được lệnh này mừng quá vì được dịp gỡ gạc chút lợi lộc và chút công lao đối với Thanh triều.

Hơn nữa, Hương phi lại chẳng ưng chịu thì có để lại cũng vô ích.

Bởi vậy, hắn bèn lên giọng yêu sách:
- Hương phi vốn là người đẹp có một không hai của Hồi bộ, chiếm được đâu có phải dễ.

Hơn nữa, việc cung dưỡng hương hoa, giữ gìn nhan sắc còn là việc thật hết sức công phu.

Nếu triều đình muốn lấy nàng thì cần phải có mươi đôi bạch bích của Hoà Chân mới đổi được.
Tướng Triệu Huệ lúc đó chỉ miễn sao được lòng hoàng đế, mười cặp bạch bích Hoà Chân có đáng kể gì! Thế là cuộc "mua, bán" xong xuôi.
Tướng quân Triệu Huệ đội mũ đi hia, trịnh trọng trong bộ áo trào phục, ra tận ngoài nha môn để đón rước Hương phi.

Thoạt trông thầy nàng, Huệ cũng phải giật mình kinh sợ bởi cái sắc đẹp tuyệt trần kia.

Mặt nàng quả đẹp như hoa, da nàng trắng như tuyết, dáng điệu yêu liều của nàng quả thật quyến rũ, bất cứ ai cũng phải mê say.

Huệ lên tiếng:
- Hoàng thượng hết sức sủng ái nàng.

Từ đây, nàng sẽ được tận hưởng cảnh vinh hoa phú quý.

Chỉ mong nàng đừng quên tên bầy tôi nơi biên viễn này đã có công tiến cử.
Nàng Hương phi nghe Huệ nói xong chỉ mỉm cười tỏ ý như cám ơn, không nói gì.

Huệ lại hỏi:
- Lần này về kinh xa xôi vạn dặm, nàng có cần đem theo gì không?
Hương phi thong thả đáp:
- Chẳng có gì mang theo! Duy chỉ có hai con a hoàn tâm phúc lúc trước, bỏ chúng không đành nên cầu xỉn quý tướng quân cho chúng cùng đi mà thôi!
Hai con a hoàn được gọi tới, Huệ dặn chúng phải mang theo tất cả những gì mà lúc bình nhật Hương phi thường dùng tới.

Dù to dù nhỏ, không được thiếu món nào.

Suốt dọc đường từ Tân Cương về tới Bắc Kinh, Huệ cho dựng nhiều quán khách, trong quán trần thiết màn gấm trướng hoa hết sức lộng lẫy.
Huệ còn sợ lúc đi đường nàng chịu cảnh phong sương không thấu mà giảm sút nhan sắc đi chăng, cho nên còn bắt đóng một cỗ xe bồ luân (xe có bánh quấn cỏ bồ đi cho êm), chung quanh có màn gấm che phủ để nàng nằm trong đó cho êm, cho kín đáo.

Mỗi lần tới một quán khách nào, ngoài hai con a hoàn tâm phúc của nàng ra, Huệ còn phải thêm hai mươi đứa xử nữ, hai mươi tên sai quan, túc trực tại chỗ để chạy đi chạy lại cung dưỡng những thứ cần thiết cho nàng.

Phía ngoài quán, còn có quân đội của Đốc sử Phúc Khang An đồn trú để bảo vệ.

Mỗi ngày, Huệ đều chuẩn bị đầy đủ nào sữa dê, sữa bò, nào hoa tươi hương lạ để cho nàng tắm rửa.
Theo lời mấy con a hoàn, Hương phi hằng ngày tắm bằng sữa bò, sữa dê khiến da nàng ngày càng trắng, càng mịn thêm lên, cứ mỗi lẩn tắm xong, nàng lại xức đủ loại hương lạ có hương vị thơm phức rồi dùng trà thơm súc miệng.

Bởi thế nàng có cái tên Hương..