Đăng vào: 12 tháng trước
Viên thái giám này, nhà vốn ở cách Quỳnh đảo rất gần.
Nhất cử nhất động của Đổng thị y đều biết cả.
y bảo Vương Sâm.
- Từ khi vợ ngươi vào cung, hoàng thượng rất yêu kính nàng.
Hằng ngày, ngài ngồi nhìn nàng nặn đắp Tây Hồ thập cảnh.
Ngài thường khen nàng tuyệt kỹ.
Cứ mỗi lần nàng làm xong công việc, hoàng thượng đều có đồ thưởng tứ: khi thì châu báu, khi thì y phục.
Nàng cũng bầu bạn với hoàng thượng, lúc thì đánh vài ván cờ, lúc thì dạo vài bản nhạc.
Hai người tuy thân mật hết sức, nhưng tuyệt nhiên không có chuyên sa ngã lỗi lầm.
Mấy hôm vừa đây, chỉ vì hoàng thượng bị Oanh Tần giữ rịt lấy nên không thể tới Quỳnh đảo.
Đổng thị một mình làm việc trong nhà.
Tối hôm đó, bỗng xảy ra chuyện rùng rợn…
Viên thái giám nói tới đây, Vương Sâm bỗng tái mặt.
Hắn vội khuyên Sâm chớ có huỷ hoại thân thể rồi lại tiếp.
- Tối qua, bọn lính gác đã điểm canh ba.
Bỗng tôi thấy có tiếng động mở cửa cung, nhưng vì ở xa, nghe chẳng được rõ, nhất là lúc đó đang mê ngủ.
Một lát sau, tôi lại thiếp đi.
Nhưng rồi tôi giật bắn mình lên, chỉ vì tai nghe đánh rầm một cái ở phía cửa sổ.
Thế là trông Quỳnh đảo trở thành náo loạn.
Sau đó là tiếng một người con gái kêu la ầm ĩ.
Tôi không còn có thể ngủ được nữa, bèn nhỏm dậy mặc áo, gọi mấy người đồng bạn chạy vội tới Quỳnh đảo.
Nhìn vào phòng Đổng thị, bọn tôi thấy cửa sổ mở toang.
Chạy hẳn vào bên trong, bọn tôi thấy chăn gối trên giường Đồng thị bị đạp xéo nhàu nát ngổn ngang.
Hoa vàng rơi rải rác đó đây.
Ngay bên cửa sổ, bên cạnh bao lơn, cũng còn thấy một chiếc trâm ngọc rơi nằm đó, nhưng đã gãy nát.
Đó chính là chiếc trâm nàng thường gài hằng ngày.
Chẳng biết nàng đã đi đâu mất dạng… Hôm nay, bọn tôi đã tới tâu rõ cho hoàng thượng hay.
Ngài sai người đi khắp nơi tìm kiếm.
Thấy có chiếc áo hồng lót mình nổi trên mặt hồ Thái Dịch, xem kỹ mới biết là áo của Đổng thị.
Hoàng thượng vội sai các tay bơi lội nhảy xuống hồ tìm kiếm, nhưng chẳng thấy tông tích…
Vương Sâm từ nãy đến giờ theo dõi từng lời kể một, và chỉ hy vọng có một cứu tinh nào đó giải cứu vợ mình.
Nhưng khi nghe tới đây, xem ra không còn có cứu tinh nào nữa, thì lòng đã như chết hẳn.
Nhè lúc viên thái giám không để ý, Sâm la lên mấy tiếng: "Đau khổ quá, mình ơi" rồi nhảy phóc ra cửa sổ phía sau lầu.
Viên thái giám vội chạy theo níu lại nhưng không còn kịp nữa.
Chiếc lầu này cao vượt trên mặt hồ có tới năm, sáu trượng.
Sâm nhảy vụt ra ngoài rơi tõm mãi xuống đáy hồ.
Chiếc hồ này lại rộng mà sâu, nên mọi người đành chịu, chẳng có cách gì cứu được Sâm.
Thật đáng thương thay cho đôi vợ chồng Sâm chỉ vì có tuyệt nghệ mà chết cả đôi!
Gia Khánh hoàng đế trước đây thấy Đổng thị đã đẹp lại trinh thục, hằng ngày tới nhìn ngắm một lúc thì lòng cũng yên ả.
Nhưng nay người đẹp đã qua đời, ngài cảm thấy chua xót, não nề, đau đớn khôn nguôi.
Năm đó, ngài đã sáu mươi tuổi.
Tinh thần ngài đã suy, lòng lại có điều đau khổ não nề, cho nên ngài chẳng thiết gì việc triều chính nữa.
Nhất thiết mọi việc quốc sự từ nhỏ tới lớn, đều giao cho vị tướng quốc người Mãn tên gọi Mục Chương A.
A vốn là một tên gian tham chuyên ăn hối lộ, bậy bạ chẳng kém gì Hoà Khôn.
Mấy tinh miền Đông bắc, các giáo đồ phá quấy.
Mấy tỉnh miền Đông nam: bọn cướp bể hoành hành.
Ở Tân Cương, Tây Tạng, tín đồ Hồi giáo cũng nổi lên chống lại triều đình.
Tại Quảng Đông lại xảy ra vụ thuốc phiện, mối bang giao giữa Anh và Tàu càng ngày càng căng thẳng.
Cả nước sôi lên sùng sục dân chúng không một ai là không oán hận.
Bọn quan Ngự Sử dâng sớ hạch tội A như bươm bướm, nhưng những bản sớ này đều bị A sai người ngăn chặn lại ngay trước khi tới tay hoàng đế.
Hồi đó Trí thân vương là Mân Ninh cũng tới lui trong cung nhưng lại là người chí hiếu không dám nói gì.
Gia Khánh hoàng đế tưởng nhớ Đổng thị càng ngày càng khắc khoải hơn.
Oanh Tần lại thường đánh ghen ầm ĩ với các phi tử khác trước mặt ngài.
Đã già lại buồn bã đau khổ, ngài bỗng nhuốm bệnh.
Chẳng bao ngày, bệnh ngài trở nên nặng.
Trí thân vương hằng ngày hầu hạ ngài, trong cung không dám cởi dây lưng.
Gia Khánh hoàng đế đau luôn một hơi sáu, bảy chục ngày trời.
Mọi việc triều chính, ngài đều phó mặc Tướng quốc Mạc Chương A.
Ba tháng trọng bệnh, ngài tự biết mình gần đất xa trời rồi, bèn triệu tập Ngự triều đại thần Mạc Chương A, Quân cồ đại thần Đái Quân Nguyên và Thác Luật, củng một số lão thần quây quanh giường bệnh của ngài.
Di chiếu được viết, đại lược nói:
"Trẫm chiếu theo phép nhà đã viết nhị hoàng tử Mân Ninh cất kín tại sau biển của điện Chính Đại Quang Minh từ năm thứ tư niên biểu Gia Khánh.
Khi trẫm băng hà, ngôi báu sẽ truyền lại cho nhị hoàng tử Trí thân vương Mân Ninh.
Các người đều chịu ơn sâu phải nên phải hết lòng phò tả hoàng tử nhất là phải cần, kiệm, nhân, hiếu, chớ có sửa đổi phép tắc của tổ tông.
Khâm thử".
Đạo di chiếu này xuống xong thì hôm sau Gia Khánh đế mất.
Trí Thân vương thương cha khóc lên khóc xuống suốt ngày đêm.
Các đại thần đưa Trí Thân vương về kinh, lên ngồi tại điện Thái Hoà, chịu trăm quan triều hạ, cải niên hiệu là Đạo Quang nguyên niên.
Điều kỳ quặc nhất của Đạo Quang hoàng đế là lúc còn trẻ ngài tỏ ra rất dũng cảm, tính tình lại hào sảng.
Thế mà sau khi cưới vợ, ngài bỗng đổi tính thay nết, đâm ra keo kiệt hết sức, nghĩa là về vấn đề tiền tài, ngài tiêu xài cực kỳ dè xẻn chứ không phung phí như các đời vua trước.
Sau khi Gia Khánh hoàng đế tịch thu hết gia sản của Hoà Khôn thì ngân khố của hoàng gia trở thành giàu có khôn xiết kể, ấy thế mà Đạo Quang hoàng đế vẫn kêu là nghèo mạt rồi bắt mọi người dè xẻn, cứ thấy bọn đại thần là ngài liền khuyên họ chớ xài phí nhiều.
Bọn đại thần vốn khéo chiều ý kẻ bề trên, nghe hoàng thượng nói vậy, anh nào anh nấy cố ý làm ra vẻ cùng kiệt, nghèo khổ: Kẻ điêu xảo nhất trong bọn là Mục tướng quốc.
Mỗi khi vào chầu, Mục tướng quốc chuyên mặc áo khoác rách.
Đạo Quang hoàng đế thấy thế khen ầm lên, cho ông ta là một vị đại thần gương mẫu bậc nhất.
Ngài đâu có biết ông ta ở bên ngoài tham lam, hối lộ, xa xỉ đến cực độ.
Thế là khắp triều văn võ đều bắt chước lối đó, anh nào anh náy cũng đều mặc quần áo rách.
Đứng trên điện nhìn xuống chẳng khác gì hai hàng ăn mày đứng chực xin của bố thí, mà hoàng đế chính là lão cái bang vậy.
Và cũng từ đó, bọn quan lại khắp nơi cũng không dám ăn mặc quần lành áo tốt nữa.
Trong kinh thành, các tiệm bán quần áo cũ thoáng cái đã hết nhẵn, giá đồ cũ đắt chẳng thua gì giá đồ mới.
Có nhiều gia đình quan lại nghĩ cách đem quần áo lành đi đổi quần áo cũ rách để mặc.
Về sau, quần áo cũ đã bán gần hết thì giá lại càng cao, có khi một bộ cũ còn đắt hơn hai bộ mới nữa.
Cũng có vị quan nghĩ ra kế khâu mấy miếng vá vào tay áo hoặc vào lưng vào ngực áo để cho có vẻ rách rưới cũ kỹ.
Hoàng đế thấy vậy, mới yên chí không khuyên nhủ gì về việc ăn mặc nữa.
Trời đã sang đông thời, tiết trời lạnh.
Bọn quan lại trước đây ai chả có năm, ba cái áo da hoặc áo lông ngự hàn.
Nhưng năm nay, có vị nào dám đem ra đâu! Vì sợ hoàng đế ngài quở trách thế là cả bọn đành chịu rét, rét cóng cả chân tay mà chẳng anh nào dám mặc.
Câu chuyện thú vị nhất về việc này phải kể chuyện Đại học sĩ Tào Chấn Dung tại điện Võ Anh.
Bản tính của Dung rất keo kiệt.
Dung với Đạo Quang hoàng đế có thể nói là một cặp tri kỷ về điểm này.
Bởi thế bộ đôi này nói chuyện với nhau thật hết sức tương đắc.
Hằng ngày Đạo Quang hoàng đế triệu Tào học sĩ vào cung bàn soạn.
Bọn thái giám từ lâu cứ tưởng hai người luận bàn về quốc gia đại sự, ai ngờ khi nghe kỹ mới biết chỉ nói những chuyện vụn vặt đâu đâu.
Có một hôm, Tào học sĩ mặc một cái quần ống rách toác, có hai miếng vá bự bằng bàn tay ngay tại trên đầu gối, Đạo Quang hoàng đế thấy thế bèn hỏi:
- Ngươi vá hai miếng bự ấy hết bao tiền?
Tào học sĩ liền tâu:
- Chỉ hết có ba tiền.
Hoàng đế nghe xong giật mình, lấy làm lạ:
- Trẫm cũng có hai miếng vá như vậy, thế mà Nội vụ phủ tính những năm lạng bạc là tại sao?
Nói soạn, ngài liền kéo áo long bào lên cho xem.
Tào học sĩ chẳng biết nói gì hơn, đành phải nhận rằng miếng vá của ngài đắt hơn miếng vá của ông quá xá.
Đạo Quang hoàng đế thở dài đánh sượt một cái, tỏ vẻ tiếc tiền mà không dám nói rõ ra.
Nhưng từ đó, Đạo Quang bắt buộc bọn cung nữ cũng như hoàng hậu, phi tần đều phải học vả may thêu thùa, rồi cứ hễ có quần áo rách, ngài liền bắt đám này sửa chữa lại ngay cấp kỳ.
Do đó, Nội vụ phủ chẳng còn xơ múi gì nữa để mà khai man, đến nỗi các quan đương ty đói rách quá, khó bề sống nổi.
Đạo Quang hoàng đế còn bảo trong cung chỉ tiêu quá tốn, rồi ngài cho bọn cung nữ và thái giám ra ngoài tự ý làm ăn lấy mà sống, khiến cả một toà đại nội rộng lớn như vậy trở thành hoang vắng tiêu điều.
Rất nhiều đình viện bị đóng cửa và niêm phong.
Hoàng đế cũng chẳng thiết dạo chơi đó đây nữa mà cả ngày chỉ ở lỳ trong cung lo những chi phí chuyện gạo muối củi lửa… tính toán kỹ lưỡng lại rồi hạ một đạo thánh chỉ như sau: các khoản chi dụng tại nội đình từ nay mỗi năm không được quá hai mươi vạn lạng bạc, bọn phi tần cả năm không được may thêu áo mới, tất cả đều phải mặc quần áo cũ rách.
Ngay cả trong cung của hoàng hậu cũng phải bày các bàn ghế cũ kỹ, mục nát.
Đạo Quang hoàng đế cùng với Tào học sĩ ngày ngày còn bàn tính sao cho rõ ràng và kỹ lưỡng hơn nữa.
Hằng ngày muốn tiêu một món tiền gì Tào học sĩ lại phải đổ một con toán.
Trong nhà ông có một cỗ xe lừa cũ kỹ, long càng bể ván nhiều nơi, do một tên nhà bếp đánh xe cho ông.
Ngày nào cũng vậy, cứ mỗi phiên chầu sớm trở về thế nào ông cũng cho xe qua chợ, rồi cởi áo bào khoác ngoài, lấy cái giỏ mây trong thùng xe ra, đích thân đi mua rau cỏ đồ ăn thức uống, cùng với bọn buôn thúng bán bưng mặc cả đôi co rầm cả chợ.
Nhiều lần hai bên không vừa lòng nhau về giá cả đến nỗi cáu giận, quai mồm ỉa mà chửi bới nhau.
Cuối cùng Tào học sĩ không biết làm thế nào, đành phải rút thẻ bài Đại học sĩ từ trong bọc ra làm áp lực, rồi đưa tên bán rau vào nha môn để nhờ xử giùm.
Tên bán rau nghe nói ông là Đại học sĩ thì hoảng sợ đến són đái ra quần vội bò sát xuống đất, đập đầu xin tha tội và xin vui lòng tính giá rẻ mạt theo ý ông.
Tào học sĩ lúc đó ăn thua hơn kém được một vài cắc bạc, lấy làm đắc ý lắm, vênh vênh váo váo bước đi.
Ông thường ra ngoài phô, vào trong các tiệm ăn quán nhậu hỏi giá hết thứ này đến thứ kia; hỏi giá nhưng không phải để vào ăn nhậu, mà là để bẩm báo với hoàng đế.
Khi nghe biết được giá cả rồi hoàng đế liền bảo nhà bếp làm ngay các món ăn đó, cho ngài xơi.
Chỉ tại rau cỏ trong cung quá đắt, nên ngài hết sức tính toán giảm chi đến mức tối đa.
Chiếu lệ thì môi bữa cơm của nhà vua tính trung bình mất tám trăm lạng bạc.
Đạo Quang hoàng đế thấy quá tốn, bèn giảm hết những món ăn cao quý, chỉ còn có rau dưa, mỗi bữa chỉ tốn một trăm bốn mươi lạng mà thôi.
Nếu ngài muốn ăn thêm một món khoái khẩu nào đó, bất luận món gì cũng đều phải tốn thêm sáu, bảy chục lạng.
Muốn ăn một cái hột gà, ngài phải bỏ ra năm lạng bạc mới được.
Có một hôm Đạo Quang hoàng đế ngồi bàn chuyện với Tào Chấn Dung, nhân hỏi Dung ở nhà có ăn hột gà không thì Dung trả lời:
- Hột gà là một món ăn rất bổ… Mỗi buổi sáng thần đều ăn luôn bốn chiếc trụng nước sôi.
Nghe vừa xong câu nói, Hoàng đế giật mình đánh thót một cái, vội nói:
- Hột gà giá mỗi cái năm lạng bạc, mỗi ngày ngươi ăn bốn cái, vị chi là tốn hai chục lạng bạc phải không?
Tào học sĩ vội tâu:
- Trong nhà thần, vốn có nuôi gà mái đẻ.
Hột gà mà thần ăn đó đều là hột gà của nhà, chính những con gà mái này đẻ ra cả.
Đạo Quang hoàng đế nghe xong cười nói:
- Nuôi mấy ổ gà mái mẹ kể ra cũng đỡ tốn kém đấy!
Thế là ngày hôm sau, ngài hạ chỉ cho nội vụ phủ phải đi mua gà mái đẻ đem vào cung nuôi lấy trứng cho ngài.
Nhưng khi được biết giá mỗi đầu gà phải mua tới hai mươi bốn lạng bạc thì ngài chỉ còn có nước thở dài mà thôi..