Đăng vào: 12 tháng trước
Ông Giác Xương An cho mời Ni Kham Ngoại Lan vào.
Không đợi cho Ngoại Lan cất tiếng, ông đã phủ đầu:
- Bộ lạc Tô Khắc Tô Hữ Hà của ngươi đã đầu hàng ta và chịu dưới quyền chỉ huy của ta đã lâu.
Thế mà ngày nay các ngươi lại phản ta, giúp Minh triều đánh lại người mình.
Vậy ngươi còn có gì đáng nói nữa không?
Ni Kham Ngoại Lan nghe bản án kết tội của ông An, giật mình kinh hãi, luôn miệng kêu oan:
- Nô tài nhờ đô đốc đề bạt nên được cái chức Đồ Luân thành chủ.
Công ơn ấy, nô tài đời nào dám quên.
Phiền một nỗi lần này Vương Cảo đắc tội với triều đình nhà Minh nên Minh triều dùng kế "Chém cỏ nhổ gốc", muốn bắt con trai Cảo là Chương Kinh A Thái.
Họ bức bách nô tài phải dẫn đường.
Nô tài e rằng nếu chống lệnh, họ sẽ đem quân tướng mạnh đến tấn công thì nô tài biết làm cách nào để chống cự, trong khi đô đốc ở xa mãi Kiến Châu, nhất thời không biết nhờ quân cứu viện nơi đâu.
Hơn nữa, nô tài còn sợ rằng họ gọi một kẻ khác dẫn đường thì toà thành này ắt còn bị tàn phá mau hơn.
Bởi vậy nô tài một mặt giả bộ đầu hàng Minh triều giúp họ đánh thành, một mặt chờ đô đốc tới đây để cùng thảo luận diệu kế thoái binh.
An nghe xong liền hỏi thêm:
- Ngươi có biết Cổ Liệt thành chủ Chương Kinh A Thái đối với ta là người thế nào không?
Ngoại Lan lắc đầu đáp:
- Thực không biết rõ.
Tháp Khắc Thế ngồi cạnh Giác Xương An, lúc đó mới lên tiếng:
- Chương Kinh A Thái vốn là cháu rể, gọi ta bằng cậu và gọi cha ta bằng ông ngoại.
Thằng cháu rể này, cha ta rất cưng quý đấy!
Ngoại Lan nghe xong lời giải thích, giật mình hoảng sợ, vội bò xuống đất, đập đầu lia lịa, lắp bắp nói:
- Nô tài tội đáng chết! Nô tài quả không hề biết điều đó.
Nay nếu Chương Kinh A Thái đã là cháu rể của đô đốc, nô tài sẽ xin nói với Ninh Viễn Bá là đô đốc nguyện ý tự mình đến thuyết phục người cháu rể, khuyên nên nể tình thân thích ông cháu mà nhường thành Cổ Liệt lại cho Minh trong triều, đồng thời khuyên Ninh Viễn Bá hạ lệnh cho các lộ binh mã lui lại năm dặm đóng trại, mở đường cho đô đốc vào thành gặp A Thái.
Tương kế tựu kế, đôi bên quân ta sẽ nội ứng ngoại hợp để tiêu diệt quân Minh.
Lúc đó đô đốc hợp lực với quân Cổ Liệt đánh thốc từ trong ra, còn nô tài sẽ đem binh mã đánh rốc từ ngoài vào.
Xuất kỳ, bất ý thì quân Minh ắt bị tan tành.
Thắng trận rồi, giảng hoà với Minh triều, buộc họ phải tấn phong cho ta, như thế có phải hay không?
Đô đốc Giác Xương An lúc đó chỉ mong gặp cô cháu cưng, trong lòng nóng như lửa đất, nên khi nghe Ni Kham Ngoại Lan trình bày kế sánh, ông chẳng suy xét kỹ lưỡng, thỉnh thoảng gật đầu, luôn miệng bảo hay lắm, hay lắm!
Ngoại Lan từ biệt ra về.
Lúc lên đường, Lan dặn thêm Giác Xương An nên đem quân mã theo phía chính đông mà vào thành.
Mặt trời đã gác núi từ lâu, bóng tối dày đặc, gần sát mặt nhau mà không trông thấy người, Giác Xương An hạ lệnh nhổ trại lên đường.
Khi gần tới bờ thành Cố Liệt, quả nhiên ông thấy quân Minh vây thành đã rút sạch.
Mé chính đông, quân của Ni Kham Ngoại Lan thấy quân Kiến Châu kéo tới, liền mở một đường lớn để cho qua.
Ngoại Lan ngồi trên mình ngựa thấy Giác Xương An và Tháp Khắc Thế chạy tới gần bên, bèn ghé miệng thì thầm:
- Xin đô đốc lưu tâm cho việc này, sáng sớm tinh sương ngây mai nếu nghe tiếng pháo nổ ngoài thành, xin đô đốc kéo binh trong thành đánh ra tiếp ứng cho.
Giác Xương An nghe nói gật đầu, tỏ vẻ tin tưởng.
Khi đại binh kéo tới bên hào, A Thái ở trên nhận ra hiệu cờ của Kiến Châu, vội mở cửa thành đón vào phủ Chương Kinh.
Cô cháu gái vừa thấy ông nội tới, liền lăn mình vào lòng ông, tấm tức khóc mãi không thôi.
Giác Xương An một mặt an ủi cô cháu gái, một mặt kể lại cặn kẽ kế hoạch của Ni Kham Ngoại Lan cho cháu rể nghe.
Chương Kinh A Thái tỏ ý hết sức mừng rỡ, không một chút nào nghi ngờ cả.
Đêm đó trong phủ Chương Kinh mở tiệc lớn.
Các binh sĩ ngoài trại cũng có rượu thịt tha hồ ăn uống no say.
Tiệc tàn, quân sĩ được lệnh đi nghỉ để canh năm thức dây thổi cơm và sửa soạn tấn công.
Đêm về khuya, mọi người đều đã ngủ kỹ.
Duy chỉ có hai vợ chồng A Thái, hai cha con Giác Xương An vì thân tình cốt nhục lại xa cách lâu ngày nay mới được trùng phùng nên có rất nhiều chuyện muốn nói, hàn huyên mãi tới canh tư gà gáy mới chia tay về phòng an nghỉ.
Toàn thành quân sĩ bấy lâu vất vả mệt mỏi, nay được một hôm nghỉ ngơi thoải mái ai cũng ngủ say như chết, chẳng còn biết trời đất gì nữa.
Giữa lúc còn mơ màng giấc điệp, mọi người bỗng nghe một tiếng gầm long trời lở đất.
Tháp Khắc Thế giật mình tỉnh dậy.
Nhìn ra cổng, thấy trong ánh lửa sáng ngời, một đoàn quân vừa phá xong cửa lớn, hung hăng xông thẳng vào dinh, Thế biết tình thế nguy cấp, vội giấu cha xuống giường rồi cùng chạy ra phía sau và quay lại đóng chặt cửa sau viện lại.
Giác Xương An lúc đó sực nhớ tới cô cháu gái cưng, liền bảo Thế chẹn cửa trước chống địch, còn mình vội quay vào nhà sau.
Cô cháu gái lúc đó đã tỉnh dậy, hoảng hốt tìm đường chạy, với ba, bốn đứa thị nữ, đầu tóc rối bù, áo quần xốc xếch, chân không kịp mang giày.
Nàng vừa thấy ông nội chạy vào liền cầm lấy tay ông, vừa khóc vừa nói:
- Ông nội ơi! ông nội cứu cháu với!
Giác Xương An một mặt an ủi cháu, một mặt hỏi A Thái đâu, mới biết A Thái đã mang mấy tên vệ binh chạy ra trước cổng viện đánh nhau với địch.
Giữa lúc đó, bỗng một tiếng gầm vang như trời long đất lở, tiếp theo một tiếng hô dữ dội, rồi một ngọn lửa bốc cao lên tận mây xanh.
Một tên thị vệ thở hổn hển, chạy từ ngoài vào nói với An:
- Cổng lớn đã bị phá.
Một số địch quân đã xông vào thành, đang đi đốt phá.
Đô đốc chạy trốn mau đi.
Nếu chậm, e khó giữ được tính mạng.
Ông An nghe báo kêu lên một tiếng "trời" rồi vội lấy cái khăn gấm quấn chặt cô cháu gái vào trong, cướp cửa chạy ra.
Lúc đó, Tháp Khắc Thế dốc lực chiến đấu với bọn giặc, vừa đánh vừa lùi.
Bọn chúng bị Thế chém chết ngã gục dưới đất ngổn ngang không ít.
Thế cũng bị thương khắp mình, trào cả máu ra ngoài miệng.
Tuy vậy, Thế vẫn vừa chửi bới vừa đâm chém túi bụi, Thế quay đầu lại nhìn, thấy cha bế cô cháu gái chạy ra, tinh thần thêm phấn chấn, miệng hô lớn:
- Phụ thân mau chạy trước đi.
Vừa nói, Thế vừa múa đao xông lên, mở một đường máu cho cha tiến lên phía trước.
Một cái cửa ngách bỗng xuất hiện bên mé phải, Giác Xương An chẳng còn đủ thời giờ để lưu ý tới con nữa, vội dùng một tay vác bổng cô cháu gái lên vai, còn tay kia xô tung cánh cửa ngách để thoát ra.
Ông quay đầu lại lần chót thấy một tên cường đồ tay cầm khoái đao nhọn hoắt nhè giữa lưng Thế mà đâm tới.
Thế trúng mũi đao sắc, la một tiếng, ngã gục xuống vũng máu chết ngay.
An chỉ còn thốt lên được một tiếng "đáng thương" rồi vội lấy vạt áo che kín mặt cất cao chân phóng thẳng ra.
Nào ngờ vừa ra khỏi cửa, ông đã thấy thây người cháu rể là A Thái chết nằm gục đó, không biết từ lúc nào, trên mình còn rõ mồn một đến sáu, bảy vết đâm, loét to như cái chén, máu đang ri rỉ chảy.
Cô cháu gái lúc đó cũng đã thấy chồng nằm chết gục, thét lên một tiếng lớn, rồi nhào xuống đất.
Nàng chạy tới vài bước, quỳ xuống ôm lấy thây chồng, mê đi không còn biết gì nữa.
Bọn cường đồ đến năm, bảy đứa trông thấy nàng bèn ùa lại bế xốc nàng lên, y như cọp bắt dê.
Ông An vội tuốt bội đao nhảy tới tính cướp lại.
Nhưng trong lúc không đề phòng, ông đã bị một ngọn đao cắt hằn mất ót phía sau, lẹ làng như một làn gió thoảng.
Cuộc ác chiến diễn ra khủng khiếp mái tới sáng sớm hôm sau mới chấm dứt, Ni Kham Ngoại Lan nghênh ngang đến trước phủ Chương Kinh, thong thả xuống ngựa.
Lan hạ lệnh cho quân sĩ thu dẹp xác chết, quét dọn sảnh đường để sửa soạn tiếp giá, mặt khác ra bảng yên dân.
Thì ra kế hoạch cướp Cổ Liệt thành hoàn toàn do Ni Kham Ngoại Lan âm mưu trù tính từ lâu.
Chỉ đáng thương cho hai cha con Giác Xương An nhất thời nóng lòng cứu cô cháu gái mà đến nỗi trúng phải độc kế, chết uổng mạng mất cả bốn người.
Trưa hôm đó, Ninh Viễn Bá huy động quân mã tiến vào thành, bên tả Ni Kham Ngoại Lan, bên hữu có Vương Thái.
Cả ba ngồi trên sảnh đường, khao thưởng ba quân.
Đám binh lính được một tiệc rượu no say.
Tiệc kéo dài mãi tới đầu canh tư mới tàn.
Ngày hôm sau, Ni Kham Ngoại Lan cùng Vương Thái vào yết kiến Ninh Viễn Bá Lý Thành Lương.
Lương sai người đem mọi việc tấu về triều, đồng thời giao quyền chỉ huy Cổ Liệt thành lại cho Lan và Thái.
Lương còn bàn với Thái:
- Hai cha con Giác Xương An tuy đã chết nhưng miền Kiến Châu còn có nhiều bối lặc và con trai Tháp Khắc Thế hiện chưa hàng phục, nhiều thành trì cũng chưa đánh chiếm được Bởi vậy tại hạ phiền nhị vị đem bản bộ binh mã chiêu an bọn họ!
Ni Kham Ngoại Lan nhận đem quân thẳng tới Kiến Châu.
Vương Thái cũng xin đem quân đi thu phục các thành trì thuộc quyền Kiến Châu lúc trước.
Ba người cáo biệt chia tay nhau.
Hai vị bộ chủ Lan và Thái rời khỏi thành Cổ Liệt, theo hướng đông mà đi.
Được mấy hôm, Lan đã tới chân thành Kiến Châu.
Dân chúng thành này được tin cấp báo, ai nấy hoảng hốt chuẩn bị, dốc tận dân làm lính.
Họ lại được thêm tin hai cha con đô đốc Giác Xương An, hai vợ chồng A Thái đều chết theo thành, thôi thì từ đứa bé con ba tuổi đến ông già chín chục, không một ai là không khóc rơi lệ.
Khóc đến ngất đi là bà phi tử, vợ Giác Xương An.
Bối lặc Lễ Đôn nghe tin cha, rồi em, rồi con gái cùng con rể đều chết một cách thê thảm, uất quá, chỉ kịp oà lên một tiếng thế là máu tươi cứ hộc mãi ra, cuối cùng mê đi không biết gì nữa.
Bà đại phúc tấn nằm phục bên cạnh chồng, mặc sức kêu khóc, gào la, cũng chẳng có ai tới giúp đỡ gì cả.
Bọn bối lặc lâu nay đặc hưởng phú quý, đến lúc nguy cấp này không một kẻ nào dám ra chiến đấu cứ lùi lũi bế con dắt vợ vội vã chạy ra khỏi thành, rút cuộc lại, chỉ còn thấy duy có một mình Nỗ Nhĩ Cáp Tề, chàng vội chạy tới vừa giúp đỡ bà bác, vừa nâng ông bác dậy, đặt nằm trên giường.
Lát sau, Lễ Đôn tỉnh lại, hỏi ra mới biết anh em chú bác trong phủ đều đã trốn biệt, chỉ thấy có người em là Ngạch Nhĩ Cổn còn ở lại trong phủ, bèn cho gọi Cổn, giao tất cả mọi việc cho Cổn rồi nói:
- Đây là tất cả công việc mà cha và tứ đệ Tháp Khắc Thế giao cho anh.
Nay anh giao lại cho em.
Em nên tận tâm kiệt lực bảo vệ sự nghiệp của dòng họ Ái Thân Giác La chúng ta.
Nói đến đây, ông quay lại bảo Nỗ Nhĩ Cáp Tề, giọng mệt nhọc yếu ớt:
- Cháu khá lắm! Con trai như thế mới xứng đáng! Nếu cháu muốn đồ vương đồ bá, hãy theo bác cháu đây.
Cháu không được bao giờ quên cái thù giết ông, giết cha này, nghe chưa?
Nói đến đây, ông Lễ Đôn ho lên mấy tiếng, rồi lại phun máu ra lênh láng.
Ông mê đi, tứ chi buông xuôi, không động cựa nữa.
Ngạch Nhĩ Cổn thấy tình thế nguy ngập mà ông anh cả chắc chẳng hồi tỉnh được, bèn nắm tay Nỗ Nhĩ Cáp Tề kéo ra ngoài, ghé vào tai thì thầm:
- Ông chú, bà bác của cháu đều chạy trốn cả rồi.
Bác và cháu xem chừng cũng khó sống.
Hôm nay, tất cả toà thành này vẻn vẹn chỉ còn nhờ cậy vào một mình bác cháu ta thôi.
Bác e rằng khó mà địch lại được đại quân của Thiên triều.
Bởi vậy, theo ý bác, tốt hơn ta nên đầu hàng quách.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề không nghe thì chớ, chứ khi vừa nghe xong lời Ngạch Nhĩ Cổn chàng bỗng nổi giận, lửa hận bốc lên, mặt tái đi, răng nghiến kèn kẹt.
Chàng toan mở miệng để phản đối, bỗng nghe một hồi còi dài vang động, rồi từ bên ngoài thị vệ chạy như bay vào báo cho chàng biết Ni Kham Ngoại Lan đã tiến lại gần thành.
Cổn lại càng hoảng, vội giục Nỗ đầu hàng.
Trong sảnh phủ lúc đó còn đứng đầy binh tướng.
Vừa nghe bác nói xong, chàng vội ném hẳn người xuống đất, quỳ trước mặt bọn bỉnh tướng, đôi mắt nhỏ lệ, vừa đập đầu binh binh trên nền gạch vừa nói:
- Chư vị tướng quân! Xin chư vị nhìn tới thể diện của cha và ông nội tôi mà đừng quên cái thù chẳng đội trời chung này.
Các vị hãy tiếp tay giúp tôi…
Câu nói còn chưa hết, đã thấy thị nữ chạy từ trong nhà ra báo Đại bối lặc đã mất rồi.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề cùng Ngạch Nhĩ Cổn được tin giật mình, vội theo thị nữ chạy vào, chỉ thấy Lễ Đôn, đôi mắt mở to, tay chỉ ra bên ngoài viện, hơi thở đã tắt từ lúc nào.
Bà đại phúc tấn phục bên cạnh ông, khóc ngất đi không biết bao lần.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề càng mười phần thê thảm.
Cả nhà không một ai không nhỏ lệ.
Ngạch Nhĩ Cổn bảo Nỗ Nhĩ ở lại lo việc ma chay, còn mình thì chạy ra bên ngoài trù liệu việc quân binh….