Chương 6: Can thiệp khủng hoảng (2)

Nhớ Mãi Không Quên - Thiên Tại Thủy

Đăng vào: 5 tháng trước

.

"...Em thử nói chuyện với chị trong hai phút đi, chỉ hai phút thôi, có được không?"

Vào lúc này, nếu đưa ra những yêu cầu khác, chẳng hạn những lời nói linh tinh như đừng nghĩ quẩn trong lòng hoặc đừng tự tử, nhất định cô gái này sẽ không nghe theo. Chi bằng dùng cách hạ thấp ngưỡng và đưa ra một yêu cầu nhỏ, như vậy sẽ có nhiều khả năng nhận được sự đồng ý của đối phương hơn.

"Nào, lau nước mắt trên mặt đi." Nguyễn Trinh lại đưa khăn giấy ra.

Vẻ mặt cô gái thả lỏng hơn rất nhiều, cô ấy nhận lấy khăn giấy, cúi đầu im lặng một lúc, sau đó nâng tay lên lau nước mắt và nước mũi.

Cô ấy vẫn không nói, chỉ tiếp tục khóc thút thít.

Thời gian trôi qua từng phút từng giây, Nguyễn Trinh không bỏ cuộc, tiếp tục nói, cố gắng chuyển hướng sự chú ý của cô gái, nhân tiện kéo gần khoảng cách với cô ấy, trì hoãn thời gian và đợi sự xuất hiện của đội cứu hộ chuyên nghiệp.

Cuối cùng, vào khoảnh khắc Nguyễn Trinh nghe thấy tiếng còi xe cảnh sát, cô gái trên ban công đã chịu mở miệng, bắt đầu nói ngắt quãng——

"Bố em đã không hài lòng với em từ khi còn nhỏ, lúc nào cũng mắng em..."

"Dù cho điểm của em có tốt đến mức nào đi chăng nữa, ông ấy vẫn nghĩ em làm chưa đủ tốt..."

"Hiện tại em sắp ra trường nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Em không muốn nghe lời ông ấy trở về quê thi công chức, ông ấy liền mắng em là phế vật, còn chửi em học nhiều năm như vậy cũng vô dụng..."

"Hôm qua em nói em muốn chết, ông ấy còn bảo em chết quách đi, coi như ông ấy chưa từng sinh ra em!"

"Em cũng cảm thấy mình thật vô dụng, không xinh đẹp, không ai thích, cũng không thông minh, không tìm được việc làm và không biết cách kết bạn. Sự tồn tại của em thật sự rất nhàm chán, không bằng em chết đi cho xong..."

Thực hành tư vấn tâm lý và trị liệu tâm lý là một quá trình lâu dài và chậm rãi. Trong nhiều trường hợp có thể yêu cầu bệnh nhân tái khám nhiều lần. Chỉ sau nhiều lần trò chuyện, họ mới có thể tạo dựng niềm tin với bác sĩ và thiết lập mối liên hệ tình cảm, từ đó mở lòng để tiến hành trị liệu.

Trong quá trình can thiệp khủng hoảng, rõ ràng không thể giải quyết triệt để vấn đề tâm lý của người tự tử. Nguyễn Trinh chỉ có thể tập trung nghe ngóng mâu thuẫn giữa cô gái và bố cô ấy, không ngắt lời, không an ủi, chỉ thỉnh thoảng gật đầu ừ một tiếng.

Khi cô ấy nói xong, Nguyễn Trinh hỏi: "Mẹ của em đâu? Hình như chị không nghe em nhắc đến bà ấy?"

Cô gái sụt sịt, im lặng một lúc lâu rồi mới tiếp tục mở miệng: "Tiền học đại học là do mẹ em cho..."

" Khi bà ấy còn nhỏ, vì nhà nghèo nên bà ấy đã nhường cơ hội đến trường cho em trai. Bà ấy chưa bao được đi học, nhưng bà ấy luôn dạy bảo em phải học hành chăm chỉ, nói rằng con gái cần phải học nhiều mới có tương lai, mới có thể tìm một công việc đứng đắn, có như thế mới không giống như bà ấy, chỉ có thể làm những công việc lao động chân tay...Em vô dụng quá... Thực xin lỗi bà ấy..."

Cô gái nghẹn ngào nói xong câu cuối rồi lại khóc òa lên.

Nguyễn Trinh lại gần một chút, nhẹ nhàng thuyết phục: "Chị có thể hiểu được cảm nhận của em, không chỉ riêng một mình em, có rất nhiều người đều đã trải qua những chuyện này."

"Ví dụ như chị đây, chị thường bị bố phủ nhận, ông ấy cho rằng chị có chỗ này không tốt, chỗ kia không tốt. Em biết không, có một số thế hệ gia trưởng thờ phụng cách giáo dục gậy gộc và giáo dục theo kiểu tiêu cực. Có thể họ cảm thấy hận rèn sắt không thành thép, không đánh không mắng sẽ không thành tài, thậm chí họ còn không coi trọng cảm xúc của chúng ta. Thực ra, là do phương pháp giáo dục của họ chưa đủ tốt, không phải em đã làm sai điều gì hay không phải do em làm chưa tốt đâu."

"Em thử nghĩ xem, nếu em thực sự tự tử, mẹ em sẽ đau lòng như thế nào? Các gia đình bình thường và những người bình thường như chúng ta đều mong đợi ở con cái của mình. Bọn họ thực sự không muốn em trở nên giàu có hay sung túc, điều bọn họ mong muốn nhất chính là em được bình an vô sự."

Trước khi người tự sát chọn cách tự tử, họ sẽ có một khoảng thời gian do dự, vì vậy người tự sát không tự sát ngay lập tức, yếu tố tạo ra sự chần chừ và do dự chính là biến số bảo hộ họ.

Có người sợ đau, có người sợ quá trình của cái chết, cũng có người nhất định phải buông tay...

Và mẹ của cô gái này là nhân tố bảo vệ cô ấy.

Nguyễn Trinh hướng sự khuyên nhủ về mẹ của cô ấy, liên tục dẫn dắt cô ấy nghĩ về cảm xúc của mẹ mình.

110 và 119 đã nhanh chóng đến hiện trường, một vài người trong số họ ở tầng dưới để thuyết phục những người xem rời đi, một số đặt đệm cứu sinh trên mặt đất.

Tống Nhĩ Giai thông báo cho người phụ trách tình hình cụ thể và cho họ biết danh tính và chuyên ngành của Nguyễn Trinh.

Nguyễn Trinh tiếp tục thuyết phục cô gái trên tầng 5 và tìm cơ hội đến gần cô ấy:" Luôn có nhiều giải pháp hơn khó khăn. Em vẫn còn rất trẻ, vừa mới bước chân ra khỏi vườn trường, đặt chân vào xã hội. Cuộc sống thực của em chỉ vừa mới bắt đầu và tương lai của em là vô hạn. Nếu em cần, sẽ có rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ em. Trước tiên em bước xuống đi, chúng ta sẽ từ từ tìm ra giải pháp, có được không?"

Nét mặt của cô gái dịu đi, hai viên cảnh sát theo sau nhìn cô gái, rồi nhìn Nguyễn Trinh.

Nguyễn Trinh nháy mắt với họ, sau đó nhanh chóng tiến lại gần một bước, ôm lấy eo cô gái, kéo cô ấy ra khỏi cửa sổ.

Cô gái ngồi bệt xuống đất gào khóc thảm thiết. Hai cảnh sát bước tới, ngồi xổm xuống, một trái một phải bầu bạn bên cạnh cô ấy, tránh cho cô ấy lại nghĩ quẩn.

Sau khi Nguyễn Trinh kéo cô gái xuống, cô thở phào nhẹ nhõm rồi đứng dậy, đóng cửa sổ lại và nói: "Trước tiên hãy đưa em ấy về đồn cảnh sát đi."

Cô chỉ có thể làm được đến đây, những việc còn lại, tỷ dụ như liên hệ với nhà trường, liên hệ với phụ huynh, hỗ trợ tâm lý đều cần đến cơ quan cảnh sát xử lý.

Hai cảnh sát nhẹ giọng thuyết phục cô gái đến đồn cảnh sát để nghỉ ngơi cùng họ. Nguyễn Trinh lấy chiếc khẩu trang chưa mở bao bì từ túi xách ra rồi đưa cho cô gái:" Hôm nay sương mù khá dày, em mang vào đi."

Hôm nay bầu trời quang đãng, không có mây mù, nhưng đám đông người xem phía dưới vẫn chưa giải tán, thậm chí có nhiều người còn lấy điện thoại di động ra chụp ảnh và quay phim.

Nguyễn Trinh lo rằng cô gái sẽ cảm thấy phiền khi bị người khác nhìn vào và bị chụp ảnh chính diện, vì vậy cô đã đưa cho cô ấy một chiếc khẩu trang.

Cô gái theo cảnh sát trở về đồn dưới sự thuyết phục của họ.

Đám đông người xem cũng dần giải tán.

Nguyễn Trinh xuống lầu, tìm kiếm bóng hình Tống Nhĩ Giai trong đám đông.

Không biết từ khi nào, Tống Nhĩ Giai đã làm quen với chủ tiệm bánh bao ven đường, cả hai trò chuyện rất sôi nổi.

Bà chủ khen nàng là cô bé xinh xắn, còn nàng lại khen bà chủ thật niềm nở, bánh bao ở tiệm cũng rất ngon, lâu rồi nàng chưa được ăn bánh bao ngon đến như vậy, chắc chắn ngày mai nàng sẽ ghé mua tiếp.

Đi đến đâu cũng dễ kết thân với người khác, đó chính là thiên phú của nàng.

Tống Nhĩ Giai thấy Nguyễn Trinh bước đến, liền kéo cô ngồi xuống tiệm bánh bao và đưa cho cô một cốc sữa đậu nành nóng, cười nói:" Chị giáo Nguyễn, vất vả rồi."

Nguyễn Trinh nhận lấy, im lặng nhấp một ngụm để làm ẩm cổ họng.

Mọi người xung quanh tìm đến cô để hỏi nguyên nhân vì sao cô gái kia lại tự tử. Nguyễn Trinh chỉ cười trừ, không tiết lộ bất cứ thông tin gì.

"Cô ấy không có chuyện gì là tốt rồi, mọi người trở về làm việc của mình đi." Tống Nhĩ Giai giải tán đám đông, kéo Nguyễn Trinh đứng dậy, bước ra khỏi quán.

Tống Nhĩ Giai không quan tâm lắm đến lý do cô gái tự tử, chỉ cần cô ấy được cứu, đã là kết quả rất tốt rồi.

Mẹ nàng là bác sĩ tâm lý, nàng cũng đã nghe kể về nhiều bệnh nhân trong bệnh viện kể từ khi còn là một đứa trẻ.

Mọi người đều ít nhiều có ý định tự tử, vì lý do gia đình, học tập, hoặc tình cảm...

Nhưng có thực sự là muốn tự tử không?

Không, chỉ là ngay lúc đó họ cảm thấy mình không còn sự lựa chọn nào khác, cảm thấy vô cùng đau đớn và muốn kết thúc mọi chuyện.

Nhưng kết thúc hết thảy, cũng đồng nghĩa với việc cắt đứt mọi tia hy vọng.

Cuộc sống là trở ngại này đến rào cản khác và cuộc sống là vấn đề của những vấn đề chồng chéo lên nhau. Để nhận ra điều này, thật sự không khó lắm đâu.

Sức mạnh tinh thần của con người mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều.

Đừng bỏ cuộc một cách dễ dàng như thế.

"Chị trễ làm rồi đúng không?" Tống Nhĩ Giai hỏi Nguyễn Trinh.

Trước sau gì cũng đã trễ hơn một giờ.

Nguyễn Trinh cầm sữa đậu nành đi trên phố như đi dạo trong sân: "Chị vừa xin phía bệnh viện cho nghỉ rồi."

Tống Nhĩ Giai cười và hỏi: "Chị đã nói với lãnh đạo như thế nào? Chị nói... chị thấy việc nghĩa nên hăng hái giúp đỡ sao?"

Nguyễn Trinh gật gật đầu, khẽ cười.

Tống Nhĩ Giai nhìn nụ cười trên khóe môi cô, híp híp mắt, nhếch môi lên, sau đó cũng nở một nụ cười.

Cảm xúc của Nguyễn Trinh luôn lặng lẽ và bình đạm, không có nhiều niềm vui, sự tức giận, nỗi buồn và đôi khi thậm chí không thể phân biệt được cô có thực sự hạnh phúc hay chỉ nở một nụ cười dịu dàng để xoa dịu cảm xúc của người khác?

Nhưng vào lúc này, Tống Nhĩ Giai hiểu rất rõ, nụ cười này của Nguyễn Trinh là nụ cười vui vẻ thực sự.

Là niềm vui khi kéo một người sống sót trở về từ vực thẳm.

Không có gì sánh bằng cảm giác thành tựu này.

Giống như rạch ra một tầng ánh sáng trong bóng đêm vô tận.

- ----

Tác giả có lời muốn nói:

Nói thế nào nhỉ, ở lứa tuổi 20, 30 nhìn lại những nỗi đau, nỗi buồn của năm mười mấy tuổi, tôi chợt thấy vấn đề lúc đó thật nhỏ bé. Vì vậy, con người chúng ta phải luôn nhìn về phía trước. Sau một thời gian dài, nhiều chuyện rồi cũng sẽ qua đi. Ví dụ như hôm qua tôi thất tình, ví dụ như hôm qua tôi bị bỏng tay phải, thì tôi phải làm gì bây giờ? Ổn định lại cảm xúc của mình, tập thể hình, viết lách và học tập, tiếp tục tiến về phía trước thôi.

- -------

Lời editor: Các bạn đọc xong vui lòng ủng hộ mình bằng nút VOTE, xin chân thành cảm ơn các bạn rất nhiều.