Nhớ Mãi Không Quên - Thiên Tại Thủy
Đăng vào: 12 tháng trước
Tống Nhĩ Giai lang thang đến một con phố thương mại gần bệnh viện.
Nơi này hẻo lánh và yên tĩnh, không phồn hoa như trung tâm thành phố. Khu phố thương mại cũng không có nhà cao tầng, chỉ có những cửa hàng nhỏ bình thường trên phố.
Vì gần biển nên có rất nhiều hàng quán bán hải sản, đồ nướng, nước trái cây.
Tống Nhĩ Giai nhìn thấy một cửa hàng nước trái cây mới mở. Nàng bước vào, gọi một ly nước chanh, uống vài ngụm, cảm thấy ngọt ngào, sảng khoái, hương vị rất ngon, còn đặc biệt gọi một ly mang về rồi mang đến bệnh viện, mời Nguyễn Trinh uống.
Thông tin của bác sĩ chạy trên màn hình điện tử ở sảnh khu khám ngoại trú. Tống Nhĩ Giai ngẩng đầu nhìn một lúc lâu mới có thể tìm được phòng khám của Nguyễn Trinh, phòng 302.
Cửa phòng tư vấn 302 đang đóng, Tống Nhĩ Giai ngoan ngoãn ngồi đợi ở bên ngoài.
Khi bệnh nhân bên trong đi ra, sẽ có người tiếp theo bước vào. Nàng lén lút nhìn về phía cô.
Nàng đợi đến chán nản, bèn nhìn về phía một số bảng quảng cáo tuyển dụng thử nghiệm lâm sàng trong phòng chờ.
Tống Nhĩ Giai có chút hứng thú với việc tuyển dụng các thử nghiệm lâm sàng cho những người bị trầm cảm và mất ngủ. Nàng đọc từng chữ từng chữ một.
Cần phải điền vào nhật ký giấc ngủ, bảng câu hỏi, thang điểm, theo dõi giấc ngủ trong 3 đêm, liệu pháp hành vi cho chứng mất ngủ trong 4 tuần...
Tiếc là nàng không phải là bệnh nhân trầm cảm. Ngược lại, với tình trạng khó đi vào giấc ngủ của bản thân, có lẽ nàng có thể thử xem sao.
Bên cạnh việc tuyển người mất ngủ, còn có bảng tuyển dụng thử nghiệm cho chứng rối loạn lo âu tổng quát.
Tống Nhĩ Giai nhớ rằng đây là một trong những hướng nghiên cứu của Nguyễn Trinh, nàng xem xét nó cẩn thận hơn—
【Rối loạn lo âu tổng quát (GAD) là một chứng rối loạn lo âu mãn tính đặc trưng bởi sự lo lắng và lo lắng lan rộng và dai dẳng, kèm theo một dạng căng thẳng cơ mãn tính và chứng tăng động tự chủ.
Có thể biểu hiện thành một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:
Các triệu chứng cơ thể: Căng cơ, nhức đầu, đau lưng, đau ngực, tức ngực, bồn chồn, mất ngủ, đổ mồ hôi, chóng mặt, khó thở.
Nhận thức cảm xúc: Căng thẳng và lo lắng, không thể thư giãn, không thể tập trung, lo lắng về những điều tồi tệ xảy ra với bản thân hoặc gia đình, suy nghĩ miên man...
Các triệu chứng về hành vi: Đi lại, bồn chồn, dễ nổi nóng... 】[1]
Trong phòng khám, Nguyễn Trinh nhìn vào thang điểm tự đánh giá mức độ lo lắng và thang điểm rối loạn lo âu tổng quát mà người thanh niên đã điền, rồi hỏi chi tiết về gia đình, học tập và công việc của cậu ta.
Vì đã có kinh nghiệm tiếp xúc với nhau lúc cấp 3 nên chàng trai đã tin tưởng cô và kể cho cô nghe mọi chuyện về hoàn cảnh của mình.
Có hỏi có đáp, trông giống như đang nói chuyện phiếm, nhưng thực chất cô đang đánh giá sự phát triển của bệnh tình.
Người thanh niên đã kiểm tra nhiều hạng mục ở bệnh viện khác. Nguyễn Trinh đăng nhập vào trang web liên quan để kiểm tra.
Các bệnh viện cấp ba lớn ở Giang Châu triển khai hệ thống kiểm tra các kết quả xét nghiệm lẫn nhau để ngăn bệnh nhân chuyển sang bệnh viện khác và làm lại những xét nghiệm đó nữa.
Nguyễn Trinh mở điện não đồ, điện tâm đồ, quy trình xét nghiệm máu và các kết quả xét nghiệm khác của cậu ta trong tuần qua, xem xét từng cái một.
Người đàn ông trẻ tuổi nhìn Nguyễn Trinh một cách thận trọng và nói:" Bác sĩ... em...có phải não em có vấn đề không? Bệnh tâm thần? Tâm thần phân liệt? Hoang tưởng? Nhưng mà...em thực sự cảm thấy khó chịu trong người, cổ như bị kim châm, không thở được. Nhưng bọn họ...bọn họ đều không tin em..."
"Tôi tin em." Nguyễn Trinh nhẹ nhàng nói:" Tôi tin rằng em thực sự cảm thấy không thoải mái về thể chất. Hơn nữa, em còn suy nghĩ về một số điều tồi tệ, hoặc một số hình ảnh xấu trong đầu, phải không?"
Thanh niên liên tục gật gật đầu: "Đúng đúng đúng."
"Đừng lo lắng, đây không phải là tâm thần phân liệt và hoang tưởng, em chỉ lo âu quá mức thôi."
"Lo âu?"
"Đúng vậy, có thể phía công ty em thực tập đã khiến em cảm thấy áp lực, từ đó hình thành chứng rối loạn lo âu." Nguyễn Trinh chậm rãi giải thích cho cậu ta:" Em đừng sợ hãi, mà hãy nhìn nhận nó một cách đúng đắn. Lo âu thực ra là một cảm xúc rất bình thường, nó khiến chúng ta căng thẳng và ưu tư, cũng như một số thay đổi s.inh lý, chẳng hạn như tăng nhịp tim và tăng huyết áp.
Không chỉ là điều bình thường, mà từ góc độ sinh tồn sinh học, việc nhạy cảm với môi trường xung quanh và sinh ra lo lắng sẽ có lợi cho con người chúng ta, để sẵn sàng đối mặt với rủi ro hoặc tránh né.
Nhưng nếu căng thẳng và lo âu quá mức sẽ khiến em rơi vào trạng thái thường xuyên lo lắng và sợ hãi. Chúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và cản trở cuộc sống hàng ngày của em. Cũng giống như chứng mất ngủ phổ biến vậy, việc mất ngủ kéo dài, thiếu ngủ chắc chắn sẽ gây hại cho cơ thể con người chúng ta."
"Em... tình trạng của em có nghiêm trọng không?"
Nguyễn Trinh nói:" Nếu em đã đến bệnh viện chúng tôi điều trị, có nghĩa là em không kháng cự việc trị liệu. Em tuân thủ việc điều trị rất tốt, có rất nhiều người bị rối loạn lo âu giống như em, nhưng họ ngại đến gặp chúng tôi để khám và họ không sẵn sàng thừa nhận rằng tình trạng tinh thần và tâm lý của họ có vấn đề. Tôi sẽ kê cho em một ít thuốc, em nhớ uống thuốc đúng giờ và tái khám định kỳ."
Cô vừa nói vừa viết bệnh án ngoại trú trên máy tính. Sau khi viết xong, cô in ra và đưa cho nam thanh niên:" Hiệu thuốc nằm ở tầng 1, em có thể đến thẳng đấy bằng thang máy ở sảnh khu khám ngoại trú."
"Vâng, cám ơn bác sĩ..." Người thanh niên cầm lấy bệnh án, cẩn thận nhìn Nguyễn Trinh rồi cúi đầu, gãi gãi sau gáy.
"Còn vấn đề gì không?" Nguyễn Trinh thu lại thái độ hòa nhã khi khám bệnh, chuẩn bị gọi bệnh nhân tiếp theo.
Bác sĩ tâm thần khác với bác sĩ tâm lý trong việc xác định, chẩn đoán và kê đơn thuốc. Cùng lắm họ sẽ tốn một vài phút, nhưng sẽ không lãng phí quá mười phút cho một bệnh nhân.
"Không... Không có..." Người thanh niên quay lưng rời đi. Khi bước đến cửa, cậu ta quay người lại, hít một hơi thật sâu, lấy hết can đảm để hỏi Nguyễn Trinh:" Bác sĩ Nguyễn... Em sắp tốt nghiệp, cũng sắp làm việc chính thức ở một công ty tốt...Xin hỏi, em...hiện tại em...có thể theo đuổi em gái của chị được không?"
Nguyễn Trinh cầm chuột, do dự một giây rồi nói:" Giai đoạn này, tôi vẫn khuyên em không nên yêu. Nó có thể ảnh hưởng lớn đến cảm xúc và tâm lý của em, em cứ cân nhắc cho kỹ đi."
Người thanh niên li.ếm môi dưới, thấp giọng nói: "Được rồi... em hiểu rồi... em sẽ uống thuốc và cố gắng hồi phục thật nhanh..."
Hắn đẩy cửa bước ra ngoài.
Tống Nhĩ Giai đứng dậy, vọt vào phòng tư vấn, đặt nước trái cây lên bàn của Nguyễn Trinh:" Cúc cu, bác sĩ Nguyễn, cơm hộp của cô đây, chúc cô dùng bữa ngon miệng."
Vì sợ làm phiền công việc của Nguyễn Trinh và bị cô trách cứ, Tống Nhĩ Giai không đợi cô mở miệng, đã xoay người nhanh chóng rời đi.
Bệnh nhân khác bước vào, cô lại nhìn thoáng qua Tống Nhĩ Giai.
Nguyễn Trinh ngước nhìn Tống Nhĩ Giai, sau đó nhìn về phía bạn học nam của Tống Nhĩ Giai.
"Nhĩ Giai!" Đôi mắt của bạn học nam sáng rực, nhanh nhẹn nói:" Trùng hợp thật đấy! Tôi có thể gặp cậu ở chỗ này!"
Nguyễn Trinh nhìn đi nơi khác, cầm lấy thẻ y tế của bệnh nhân tiếp theo rồi tiếp tục khám bệnh.
*
Tống Nhĩ Giai bị bạn học cũ lôi kéo xuống sảnh khám ngoại trú, kể về cuộc sống của cậu ta trong mấy năm nay.
Gương mặt của nhiều bạn học thời phổ thông dần phai mờ theo năm tháng. Nàng phải mất một khoảng thời gian dài mới có thể kết nối chàng trai trước mặt với người bạn nam cao gầy năm nào.
"Tiểu tử, cậu càng ngày càng đẹp trai ra đấy!" Nàng tự hào vỗ vỗ vai cậu ta. Giống như trước đây vậy, nàng hòa thuận với cậu ta như người em trai.
"Nhĩ Giai, cậu cũng rất đẹp. Trước kia đã đẹp rồi, hiện tại còn đẹp hơn..." Hai người đối diện nhau. Chàng trai nhìn Tống Nhĩ Giai rồi nở nụ cười ngượng ngùng trên khuôn mặt điển trai.
Tống Nhĩ Giai sờ sờ mũi, không quen với việc tán thưởng lẫn nhau đầy giả tạo này.
Nàng hỏi bạn học cũ tại sao lại đến bệnh viện. Bạn học cũ ngượng ngùng một lúc, nhưng vẫn nói thật với nàng, còn đưa hồ sơ bệnh án của mình cho nàng xem.
Khi Tống Nhĩ Giai nhìn thấy tên trên bệnh án, nàng mới hoàn toàn nhớ ra người bạn thời phổ thông này, Hứa Trường Phong.
Hứa Trường Phong mời nàng đến quán cà phê đối diện bệnh viện.
Tống Nhĩ Giai nói: "Tôi không uống cà phê, cứ đi loanh quanh dưới sảnh bệnh viện là được rồi."
Hai người dạo bước dưới bóng cây, vừa đi vừa tán gẫu vài chuyện xưa.
Thời trung học, nàng không hòa đồng với hầu hết các bạn cùng lớp. Sau khi tốt nghiệp, nàng cũng ít tiếp xúc với các bạn cùng lớp thời phổ thông.
Trường cấp ba của nàng là một ngôi trường trọng điểm nổi tiếng. Hầu hết các bạn cùng lớp đều thi vào trường với số điểm cao ngất. Cũng có một số ít người giống như nàng, do bố mẹ tài trợ tiền nên mới có thể tiến vào trường.
Thành tích học tập của những người được "đưa" vào trường không tốt lắm. Cộng thêm việc nàng là một đứa trẻ hay trốn học, nhuộm tóc, thường xuyên lui tới quán Internet, khu trò chơi và kết bạn với những thanh niên lưu manh trong xã hội. Hình tượng của nàng toàn những chuyện xấu, hầu như không có học sinh ngoan nào muốn đến gần nàng, chỉ có những học sinh ở hàng ghế sau mới chịu chơi với nàng.
Trong cùng một lớp học, nàng và họ giống như những người sống ở hai thế giới khác nhau.
Năm đó, nếu không có Nguyễn Trinh cứu rỗi cuộc đời nàng, không biết bây giờ nàng đang sống trong hoàn cảnh như thế nào?
Người bạn học cũ Hứa Trường Phong cứ luyên thuyên về các bạn học thời cấp ba bên tai Tống Nhĩ Giai, nhưng tâm trí của nàng lại hướng về Nguyễn Trinh.
Không biết Nguyễn Trinh có thích ly nước trái cây kia không?
"Nhĩ Giai? Nhĩ Giai?" Nhận thức được Tống Nhĩ Giai đang phân tâm, Hứa Trường Phong liền duỗi tay quơ quơ trước mặt nàng:" "Cậu... cậu đang nghĩ gì thế? Ngẩn người đến như vậy? À, cậu đang nghĩ về mẹ mình sao?"
Nghe thấy từ "mẹ", ánh mắt thất thần của Tống Nhĩ Giai đột nhiên tụ lại, nhìn về phía Hứa Trường Phong.
Hứa Trường Phong gãi gãi đầu:" Tôi nhớ... mẹ của cậu từng làm việc ở đây, vì vậy khi vị bác sĩ kia giới thiệu tôi đến đây, tôi đã đến ngay..."
Tống Nhĩ Giai ừ một tiếng, mỉm cười an ủi:" Yên tâm, cứ uống thuốc đều đặn, cậu sẽ sớm kiểm soát được bệnh tật thôi."
Hứa Trường Phong nói:" Tôi...mấy tháng nay tôi đã gặp nhiều chuyện không vui. Nhưng hôm nay, khi được gặp lại cậu, tôi cảm thấy rất vui, chưa bao giờ tôi lại vui vẻ đến như vậy..."
Tống Nhĩ Giai có chút lơ đễnh:" Thế à? Tôi rất hân hạnh khi có thể làm cậu vui. Sau này, cậu nên ra ngoài tán gẫu cùng bạn bè của mình nhiều hơn đi."
Cuối cùng, hai người lịch sự trao đổi thông tin liên lạc. Sau khi Tống Nhĩ Giai tiễn cậu ta đến lối vào tàu điện ngầm, nàng quay lại bệnh viện, thất thần ngồi trên băng ghế bên cạnh đài phun nước.
Lồng ngực ngột ngạt, như có một cảm xúc nào đó đang mắc kẹt trong tim, không cách nào diễn tả được.
Nàng chỉ ngồi trên băng ghế, vô cảm nhìn dòng người ra vào bệnh viện.
Sau một lúc lâu, Nguyễn Trinh bước ra với hộp cơm đã đóng gói từ căng tin và đi đến chỗ Tống Nhĩ Giai.
"Ăn đi." Cô đưa hộp cơm cho Tống Nhĩ Giai.
Tống Nhĩ Giai ngơ ngác: "Không phải nói mời em ăn cá à?"
Nguyễn Trinh ngồi xuống bên cạnh nàng: " Mặt em viết đầy tâm sự, có ăn cũng không ngon miệng, không nên ăn thì tốt hơn."
Tống Nhĩ Giai mở hộp cơm ra: " Chị có thuật đọc tâm à?"
Nguyễn Trinh khẽ mỉm cười: "Không phải người ngoài ngành lúc nào cũng cho rằng bọn chị có thuật đọc tâm sao?"
Tống Nhĩ Giai nói:" Em được mẹ đưa đến chơi trong bệnh viện từ khi còn nhỏ. Mưa dầm thấm đất, cũng không được xem là người ngoài ngành."
Nguyễn Trinh ừ một tiếng rồi nói:" Cho nên, em đang nghĩ về mẹ của mình phải không?"
- -------
[1] "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rối loạn tâm thần" (Ấn bản năm 2020)