Chương 16: Mộng Uyên Ương Hồ Điệp

Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện

Đăng vào: 12 tháng trước

.



Bến không em, tiếng đàn kìm ảo não
Sợi đàn ngân sắc sảo cứa tơ lòng
Yêu đương chi trắc trở nhớ chờ mong
Hồn hoang dại phút tương phùng tao ngộ
Sau khi Cửu Dương chia tay các trưởng bối ở Thanh Tịnh tự, trên đường trở về Hắc Viện, chàng cất bước đều đều trên bờ hồ nhìn gió thu đang quét lá rơi.

Trời sầm xuống như muốn mưa.

Bấy giờ là mùa thu nên chim chóc kéo nhau bay về phương khác tránh lạnh.

Có hai chú chim vô tình lạc bầy bay đến, vẫy vẫy đôi cánh nhỏ, mổ lên dăm hạt mầm xanh.

Chàng đi dạo một lát rồi dừng chân trên cây cầu Trường.

Khi này lồng đèn được thắp lên và treo lên những cành cây quanh hồ làm cho không gian nơi đây thêm lung linh.

Ở mỗi chiếc lồng cứ như đều có một đôi mắt to của một người con gái bồng bềnh ẩn hiện trong trí chàng.

Mỗi chiếc lồng đều có thể nhắc chàng nhớ đến một sự việc trong dĩ vãng…
Trong đôi mắt to đó lúc nào cũng ánh lên vẻ hâm mộ, thán phục chàng.

Cửu Dương nhớ.

Nàng thán phục khi nghe chàng nói, nghe chàng ca, nghe chàng thổi tiêu…  Nàng nhìn chàng đến là thích thú, đến say mê lạ.

Nàng đã từng nói trên đời này không ai có thể so sánh với chàng được!  Tiếng tiêu là thế, thủ công cũng là tay đệ nhất, những hình gỗ chàng đã khắc cho nàng đẹp hơn gấp mấy lần mua, những hình thú, hình người mà chàng tạo ra trông y như thật vậy.

Cái gì chàng cũng biết, cái gì chàng cũng tài, cái gì chàng cũng khéo, chàng là thượng đế của nàng, là chủ nhân của nàng!
Cửu Dương nhìn xuống dòng nước dưới chân cầu.

Bảy tuổi, nàng theo chàng ra bờ hồ này chơi, gốc cây này, đã trở thành bạn thân của hai người, đã nhìn hai người chơi cút bắt, trông hai người lớn lên, từng tí, từng tí!   Mùa hè nọ, mặt trời gay gắt, nắng như thiêu như đốt, chàng và nàng dang nắng đến mặt đỏ hồng, mồ hôi trên trán nhễ nhại.

Chàng ngồi dưới gốc cây phì phò bảo:
- Nóng quá, huynh muốn xuống hồ bơi cho mát!
- Huynh đi đi, muội trông chừng áo quần cho.

Nàng đã nói.

Đương nhiên kỹ thuật bơi lội của chàng cũng là ăn đứt trên đời.

Chàng cởi áo quần và giày vớ, chỉ còn chiếc quần đùi, đi đến bờ hồ, nhảy ùm xuống nước, bơi lặn thỏa thích.

Trong nước, chàng bơi xuôi bơi ngược, tung tăng như một con cá nhỏ.

Nàng say sưa nhìn chàng, hết sức sùng bái, nể phục, chàng lắm tài!  Chàng lắm dũng cảm!
- Thật là dễ chịu! - Từ trong nước chàng ngoi đầu lên nói với nàng - Mát quá!  Muội cũng xuống đi!
Nàng có hơi do dự:
- Muội đâu có biết bơi.

- Thì huynh dạy cho!  Mau xuống đi!
- Có dễ học không?
- Sợ nỗi gì?  Có huynh đây!
Chàng ưỡn ngực nói, rồi lật người lộn nhào, bắn đi trong nước một cách lẹ làng.

Nàng nhìn chàng một chút rồi cởi giày, vớ và chiếc váy đang mặc, cũng chỉ mặc chiếc quần ngắn và áo, nói:
- Muội xuống đây!
"Ùm" một tiếng, nàng đã ngụp vào trong nước, và không còn biết trời đất là gì, nước dìm nàng chìm lỉm.

Một luồng nước tràn nghẹt lỗ mũi, nàng hết thở, hết thấy, hết kêu la.

Cái lạnh của nước hồ luồn thấm vào phế phủ, và mau lẹ trùm phủ nàng.

Nàng há họng, nước từ trong miệng nàng ừng ực chảy tuốt vào trong bụng, nàng mặc tình mà uống, sự nghẹt thở khiến đầu óc nàng tối tăm, ý thức mờ mịt.

Song, khi chàng đưa nàng trở lên bờ nàng nói nàng không sợ, nàng chẳng mảy may biết sợ là gì, trong lòng nàng còn đang nghĩ: “Sợ nỗi gì?  Có chàng kia mà!”
Cửu Dương tiếp tục suy nghĩ mông lung, gió đêm lay động bộ y phục màu trắng của chàng, thổi vạt áo sau lưng chàng bay lên.

- Sức khỏe của huynh còn chưa hoàn toàn bình phục, đứng ở đây hứng gió lâu không tốt đâu.

Bất chợt có giọng nói trong trẻo như tiếng ngọc chạm vào nhau vang lên từ bên kia cầu Trường.

Cửu Dương ngoảnh đầu nhìn sang thấy nữ thần y đứng bên kia bờ hồ, chớp chớp mắt nhìn chàng.

Mắt Cửu Dương ánh lên tia tán thưởng.

Nàng vẫn như mọi hôm phục trang một bộ váy lụa mềm mỏng màu hồng phấn.

Tóc nữ thần y vắt qua một bên vai nàng, để lộ chiếc cổ trắng ngần.

Dáng hình nàng nóng bỏng quyến rũ với vòng ngực và hông to lớn hơn những người con gái cùng trang lứa, nhưng eo lại thon nhỏ, mỗi lần nàng di chuyển bước chân rất khẽ, như liễu đung đưa trước gió khiến nam nhân nảy sinh cảm giác muốn bao bọc che chở.

Cửu Dương lại nhớ tới ngày hôm kia, chuyện ngự biển khâm thứ, chỉ có nàng là người duy nhất tin tưởng ở chàng.


Khi đó chàng cảm động biết dường nào, nàng hiểu chàng đến từng chân tơ kẽ tóc không cần dùng đến lời nói chỉ nhìn vào ánh mắt là đã biết đối phương nghĩ gì.

Tây hồ vắng vẻ chỉ có hai người.

Cửu Dương đi về hướng nữ thần y, nhìn diện mạo thanh nhã của nàng đến thẫn thờ.

Tối nay, nữ thần y không giắt lược cài trâm, trông nàng đơn giản tao nhã, nhưng vẫn xinh đẹp như một nàng tiên nữ hư ảo không nhiễm bụi hồng trần.

- Chuyện tấm ngự biển, cảm ơn muội, nữ thần y.

Cửu Dương nói.

Nữ thần y mỉm cười nhẹ nhàng.

Cửu Dương lại một lần nữa ngẩn mặt nhìn nàng, bảo với lòng nàng cười đẹp quá!  Bên Tây hồ gió rít, nụ cười ấy, sao chàng thấy tim ấm lạ!
- Từ nhỏ tới lớn - Nữ thần y nói - Muội rất thích đọc thơ của huynh, nhất là bài Kiếm Khách Hành.

Nữ thần y khẽ cụp đôi mắt xuống, lẩm bẩm:
- Tạo kiếm Hoa Sơn điêu
Thôi kiếm thục giang thụy
Tinh linh bích xáo trung
Phấn đại hồng lưu lý
Lợi khí hữu thần nhân hữu thuật
Lưỡng giả vô hình luyện thành nhất
Thù thù tâm chi thất phu mưu
Sinh sát bất do thiên tử xuất
- Bây giờ thất phu đang bất mưu – Nữ thần y nói - Thù thù sinh sát toàn là do hoàng đế Mãn Thanh gây ra cả, cho nên chúng ta càng cần phải trở thành lưỡng giả vô hình, mọi việc cần thận trọng ẩn nhẫn, lên Hoa Sơn luyện kiếm, mới lập thành đại nghiệp.

Muội luôn nhớ những lời này của huynh.

Nữ thần y nói xong lại cười, nụ cười còn mềm dịu và trong sáng hơn cả đóa sen trong hồ.

Cửu Dương bước thêm một bước đứng sát vào nữ thần y, định nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của nàng nhưng nữ thần y lui một bước nói:
- Huynh đừng đứng quá gần muội người ta nhìn thấy sẽ nói đấy.

Cửu Dương nghe nàng bảo giữa hai người phải giữ khoảng cách một chút, tự nhiên không còn rõ chàng ở trong lòng nàng chứa đựng cảm xúc gì?  Có lẽ là năm nay nàng đã lớn rồi, đúng là nàng đã qua lần sinh nhật thứ mười sáu rồi.

Cửu Dương gật đầu tỏ vẻ thông hiểu, nói:

- Thời này những cô gái trạc tuổi mười lăm mười sáu như muội đã sớm yên bề gia thất.

Tố Đình và nhị ca cũng sắp sửa tới ngày thành thân.

Nửa năm trước, tổng đà chủ đã chuẩn bị cho hai người họ chính thức thành vợ thành chồng.

Nữ thần y im lặng.

Cửu Dương tiếp:
- Hôm trước Nghị Chánh gặp Tố Đình liền hô lớn "viên phòng, viên phòng,” nhưng ngờ đâu Tố Đình muội ấy chẳng còn là một cô bé làm mặt tỉnh, thách thức Nghị Chánh trêu chọc mình nữa, mà muội ấy đỏ mặt ngượng nghịu, rồi bỏ chạy đấy.

Nữ thần y vẫn giữ im lặng.

Cửu Dương dứt lời, càng cảm giác dường như chàng vẫn chưa hiểu hết về nàng.

Lúc nãy nàng nghe nói về việc người chị em thân thiết của nàng sắp lấy chồng, nàng không tỏ vẻ vui mừng cho Lâm Tố Đình.

Lại nữa không hiểu sao dạo gần đây nàng xa lạ với chàng, vẻ như không được thân thiết với chàng nữa?  Hồi trước cái gì nàng cũng kể cho chàng nghe cả đấy!
Hồi còn bé hai người đặc biệt thân với nhau, và cũng thân với Nghị Chánh và Lâm Tố Đình.

Hễ rỗi một chút, những khi bốn người không cần học võ, học bài trong Hắc Viện, hay nữ thần y không phải học y thuật là bốn người kéo nhau đi chợ, đi chọi dế, thả lồng đèn, thả diều, xem cá vàng, cho chim ăn.

Nhưng suốt ngày Nghị Chánh và Lâm Tố Đình cứ gây nhau.

Lâm Tố Đình nhỏ hơn Nghị Chánh nhưng không bao giờ nể chàng một chút nào.

Có hôm, Nghị Chánh một tay bê ống dế to, tay kia cầm cây cỏ bông lau để đuổi dế.

Chàng mặc một tấm áo dài trắng với vạt áo bị túm vào nhét ở thắt lưng quần làm lộ ra cái quần màu đen, tất cả đều dính đầy những bụi.

Trên lông mày chàng có một vết nhọ kéo dài xuống tận mũi, trên má thì mồ hôi lẫn đất cát làm cho lấm lem hết cả.

Những thứ đó cộng với đôi mắt tròn đen đảo lia lịa như mắt chim tạo ra một vẻ khôi hài, buồn cười đến chết.

Nghị Chánh đi ngang qua chỗ Lâm Tố Đình đang ngồi đánh đu.

Lâm Tố Đình nhìn Nghị Chánh.

Lâm Tố Đình nhíu mày nhăn mũi ra dáng suy nghĩ rất ghê, một lúc sau đột nhiên giơ tay ngoắt gọi Nghị Chánh lại gần nói:
- Hay quá rồi, Lữ đệ ơi, đi ngang qua mà không thèm đến chào tỉ nha!  Xem này, tôi chính là Lâm tỉ của cậu đấy, lại chào tỉ một tiếng đi, không thôi bị đòn đó nghen!
Chả là Lâm Vĩ và Lữ Lưu Lương kết làm huynh đệ với nhau, Lữ Lưu Lương gọi Lâm Vĩ là đại ca.

Nghị Chánh ngoảy người một cái, không chịu chào, miệng lầu bầu những gì không rõ, một lúc lâu sau tự nhiên chu miệng nói:
- Còn khuya đi!  Tướng của muội vừa lùn vừa yếu như sên, đến con dế của huynh còn đá thắng muội nữa chứ nói gì huynh!
Nghị Chánh đáp xong một câu bỏ chạy, Lâm Tố Đình bèn rượt theo chàng.

Hai người rượt bắt nhau một lúc Nghị Chánh đâm sầm vô nữ thần y đang đi hướng ngược lại khiến cho nữ thần y ngã sõng soài.

Thế là Lâm Tố Đình cùng Nghị Chánh hai người ra sức dỗ dành, cho kẹo, cho bánh! nhưng nữ thần y vẫn không hề ngừng khóc.

Cửu Dương nghe tiếng khóc vội chạy đến hỏi.

- Không biết được – Nghị Chánh và Lâm Tố Đình rụt cổ lại nói - Huynh thử dỗ nín đi được không?
Cửu Dương thấy nữ thần y vừa ngồi dưới đất mặt mày nhăn nhó vừa lấy tay đè chặt đầu gối, liền đỡ nàng dậy, vạch cái váy của nàng lên, ở trong còn chiếc quần hồng phấn bằng vải thô đã bị toạc ra một miếng to, chiếc đầu gối nhỏ đã rịn máu ra.

Cửu Dương bế nàng để ngồi trên phiến đá an ủi:
- Đừng sợ!
Rồi chàng quì xuống mút bỏ máu dơ ở vết thương của nàng, xong ngẩng lên nhìn vào mặt của nàng hỏi:
- Còn đau không?
Nữ thần y lắc đầu.

Cửu Dương xoa đầu nàng, cười một cách cởi mở, động viên nàng:
- Muội anh dũng lắm đấy, gặp huynh là trào nước mắt rồi nằm liệt giường liệt chiếu hai ngày hai đêm rồi.

Bây giờ đã không sao, huynh dẫn muội đi coi lồng đèn chịu không?
Nụ cười của Cửu Dương nhìn nữ thần y dịu dàng và giọng nói ấm áp của chàng đã khiến nàng quên đau ngay.

Hôm đó hai người thả đèn trời, nàng đã viết lên thân đèn ước nguyện được làm người thân thiết nhất trong đời chàng.

Nữ thần y không thích học võ công, Cửu Dương nhớ nàng đã đem việc này tâm sự với chàng, chàng bèn bày cho nàng cách trả lời Cửu Nạn khi Cửu Nạn dạy nàng võ công.

Lúc đầu Cửu Nạn muốn các thành viên Thiên Địa hội phải biết vài món võ phòng thân, nên những lúc nữ thần y không theo Bảo Chi Lâm học y thuật Cửu Nạn đưa nàng đến phía sau chùa Thanh Tịnh, bảo nàng tùy ý lựa chọn, kiếm, côn, đao, thương, nhưng do nữ thần y không thích nên làm theo lời Cửu Dương cố tình làm mất mấy loại binh khí đó.

Có hôm Cửu Nạn giận quá, mới phạt nàng quỳ gối một canh giờ.

Đằng sau Thanh Tịnh tự là rừng cây rậm rạp.

Lúc đó đã là cuối thu, chỉ trừ những bụi tre bụi trúc vẫn xanh biếc, còn khắp núi đều phủ sắc đỏ vàng của lá.

Cửu Nạn trách phạt nàng một hồi hỏi nàng rằng:
- Nữ thần y à, con có biết binh khí là vật bất khả li thân của một người lính không?  Nếu như một người lính khi ra trận mà không có vũ khí sẽ làm được gì?
- Dạ thưa tổng đà chủ – Nữ thần y nhớ lời Cửu Dương bảo nàng, đáp - Làm chỉ huy ạ.

Nữ thần y buông câu đó khiến Cửu Nạn chết điếng.

Bài giáo huấn đầy hình ảnh bóng bẩy của bà bỗng chốc bị con oắt con làm cho sụp đổ tan tành.

Cách đó một quãng, Lâm Tố Đình, Nghị Chánh nấp đằng sau bụi tre cũng bất ngờ không kém.

Lâm Tố Đình phá lên cười, xòe ngón tay cái ra nhìn Cửu Dương nói:
- Thất ca huynh dạy muội ấy trả lời được đấy!
Nghị Chánh cũng nghênh đầu lên trời cười sặc sụa.

(còn tiếp).