Đăng vào: 12 tháng trước
Hạn kỳ nán lại kinh đô đã mãn, đại tướng quân Miên Canh Nghiêu bèn từ biệt hoàng thượng, phó nhiệm Thiểm Cam tổng đốc.
Dọc đường có quan địa phương đón tiếp đầy đủ.
Trong đoàn còn có mấy tay thám tử của hoàng đế trà trộn vào và sau này nhất cử nhất động của Miên đại tướng, chúng đều báo mật về kinh cả.
Thế mà Miên chẳng biết gì, cứ y như người nằm ngủ trong trống.
Miên đại tướng cậy mình là một vị công thần trụ cột, hơn nữa lại vừa mới bình định được Thanh Hải, Tây Tạng, cho nên trời thì cao, hoàng đế thì xa Nghiêu đâm ra ỷ thế làm càn.
Trước đây đã có nói qua tinh lực của Nghiêu quả thật hơn người.
Cứ mỗi tối, trước khi ngủ, thế nào Nghiêu cũng phải có năm, bảy cô gái vạm vỡ, lực lưỡng thay phiên nhau hầu hạ.
Vô phúc đêm nào mà không có gái đô vật thì đêm đó đừng hòng Nghiêu ngủ được.
Thực ra, thì Nghiêu cũng có năm thê, bảy thiếp, bà nào, cô nào cũng mắt phượng mày ngài, phấn điểm son tô, nhưng trước mắt Nghiêu, đó chỉ là những bức tranh để ngắm, để khen, để ve vuốt tí tẹo cho vui vậy thôi.
Đến năm Miên đại tướng làm Thiểm Cam tổng đốc thì đã nhiều tuổi, tinh lực xem đã suy giảm đáng kể.
Bởi vậy Miên đã có phần thua sút trong những cuộc chinh chiến trên giường.
Hơn nữa, bọn gái đô vật của Nghiêu cũng đã trên dưới ba mươi cả, Nghiêu thấy hết khoái nên đâm ra chán ghét, bèn đem phân phát hết cho bọn đàn em dưới trướng rồi cho người đi lùng khắp miền Thanh Hải, Tây Tạng bắt bọn gái Hồi trẻ măng về thay thế.
Chưa đầy nửa năm mà Nghiêu đã vét về được hơn mười cô vừa trẻ vừa khỏe hết chỗ nói.
Từ đó Nghiêu suốt ngày nọ sang đêm kia hú hí với bọn gái Hồi.
Qua năm thứ ba, Miên đem đại đội người ngựa xuất tuần các miền Thiểm, Canh, Thanh, Tạng.
Khi tới miền Tây Ninh, có một vị tạng cổ bối lặc tên gọi Thất Tín ra đón rước: Nghiêu có cái tính tệ nhất là môi khi tới địa phương nào, y thường bắt không những chức sắc mà còn cả quyến thuộc của bọn này ra tiếp rước, rồi thấy có bà có cô nào trông vừa mắt là y chọc ghẹo, làm nhiều điều thương luân bại lý, mất cả thể thống.
Bọn quan lại địa phương tự nghĩ thân hèn phận mọn đành nhẫn nhục chịu đựng, dám giận mà chẳng dám nói năng, hành động gì.
Lần này Nghiêu đại tướng tới Tây Ninh.
Tất nhiên, bọn chức sắc địa phương lại phải đem đủ vợ con thân thích ra đón rước.
Đám phụ nữ vùng này chẳng có mống nào ra hồn, song lại có con gái của Thất Tín tên gọi là Giai Đặc cách cách đẹp như tiên nga giáng thế.
Giai Đặc cách cách vừa duyên dáng, quyến rũ lại vừa quý phái đài các, khiến Miên mới trông thấy đã mê tơi.
Đêm hôm đó Nghiêu đặt giường ngủ trong phủ của Thất Tín.
Nửa đêm Nghiêu thức giấc dậy, ao ước tới người đẹp Giai Đặc như muốn điên lên được.
Nghiêu bèn gọi tên tiểu đồng tâm phúc, giao chiếc quân lệnh cho hắn, bảo vào nhà trong truyền gọi Giai Đặc cách cách ra thị tẩm (hầu hạ để giúp giấc ngủ được yên ổn).
Giai Đặc cách cách nhìn thấy quân lệnh, phần sợ hãi, phần thì cũng ưa thích cái oai danh của vị đại tướng quân, nên nàng theo đứa tiểu đồng lẻn ra nhà ngoài bầu bạn với Nghiêu đại tướng một đêm cho biết mùi phong lưu của cuộc đời.
Không ngờ chỉ một đêm đó thôi mà hai người đâm ra cảm nhau, gần như không muốn rời nhau ra nữa.
Qua ngày hôm sau, Thất Tín bối lặc biết chuyện thì ván đã đóng thuyền, hơn nữa ông cũng sợ cái thế lực ghê gớm của quan đại tướng quân nên đành giao viên ngọc minh châu của mình cho Miên Canh Nghiêu.
Nghiêu được người đẹp Giai Đặc, mười phần sủng ái.
Suốt dọc đường tuần tiễu biên cương, Nghiêu đem người đẹp theo ở lỳ trong trướng, quên phứt luôn bọn gái Hồi cướp vét về từ mấy năm trước.
Nghiêu muốn làm đẹp lòng người đẹp bằng cách phô trương cái thế lực khủng khiếp của mình, bèn truyền lệnh bắt quân môn đề đốc là Phú Ngọc Sơn phải canh cửa thổi tù và phía ngoài để giữ yên cho hai vợ chồng y vui giấc điệp.
Đường đường một vị đề đốc mà nay phải thổi còi canh đêm thì còn gì là thể diện của quan triều đình nữa chứ? Vậy mà Sơn cung phải vâng lệnh.
Bên ngoài quân môn đề đốc Phú Ngọc Sơn thổi tù và gác cổng vất vả chừng nào thì bên trong, Nghiêu đại tướng ôm người đẹp Giai Đặc hú hí thú vị chừng nấy.
Nghiêu cùng người đẹp nằm trong trướng, đêm đêm nghe tiếng tù và "á um, á um" lúc cao lúc thấp, lúc xa lúc gần, lòng lấy làm sung sướng lắm.
Giai Đặc cách cách nghe tiếng tù và, bèn hỏi ai thổi ở bên ngoài.
Nghiêu sướng đến phát điên, ôm ghì người đẹp vào lòng rồi cười nói:
- Chỉ có cưng của ta ngủ trong này mà ta phải bắt quân môn đề đốc đứng ngoài giữ cửa đấy!
Giai đặc cách cách không tin, giẩu mỏ bảo:
- Thiếp chẳng tin đâu! Có ai làm tới đề đốc đại nhân mà lại chịu đi canh cửa cho tướng quân bao giờ?
Nghe câu nói như chế giễu mình, Nghiêu bực mình bảo nàng:
- Nàng không tin ư? Để ta cho gọi vào cho nàng xem.
Nói đoạn Nghiêu bảo tên tiểu đồng ra gọi Phú đề đốc vào trình diện.
Tên tiểu đồng ra ngoài một lát rồi đưa vào một người.
Nghêu nhìn xem thì không phải đề đốc Phú Ngọc Sơn mà chỉ là một tên tham tướng thủ hạ của Sơn thôi.
Nghiêu hỏi Phú đề đốc đi đâu, tên tham tướng biết nguy rồi, vội quỳ nói:
- Phú đề đốc có chút việc gấp phải về trướng một lát.
Bởi vậy ông cho gọi tiểu chức gác thế.
Miên Canh Nghiêu nghe đoạn cười nhạt một tiếng quát lớn:
- Tên Phú Ngọc Sơn này quả to gan thật.
Hắn lại dám trái quân lệnh, bắt chém cả cho ta!
Lời nói còn chưa dứt, đao phủ thủ đã xông vào, bắt ngay tên tham tướng kéo ra khỏi dinh.
Một lát sau, đã thấy đưa vào hai cái đầu vừa bị cắt, máu còn chảy tong tong, một cái của viên đề đốc, còn cái kia của viên tham tướng.
Nghiêu hạ lệnh cho đem đi…
Từ khi giết viên đề đốc Phú Ngọc Sơn thì các tay thủ hạ của Nghiêu xem ra có phần bất phục.
Song Nghiêu vẫn như người nằm trong trống chẳng hiểu gì, cứ điềm nhiên giữ cái thói tác oai tác quái như cũ.
Hôm đó, Nghiêu đi tuần biên cảnh trở về, ở trong nha môn quan tổng đốc.
Con trai cả của Nghiêu tên Miên Bân đã được phong tử tước, đứa thứ nhì tên Miên Phú được phong đệ nhất đẳng nam tước.
Cả hai cậu trai này đều có quân sĩ trong tay, đóng quân ở bên ngoài.
Miên Bân được tin cha giết Phú đề đốc, gây nhiều hờn oán, bèn tự ý quay về dinh xin bái kiến Nghiêu:
- Cha con chúng ta hoàn toàn trông vào lòng quân: Lòng quân mà tan thì nguy hiểm muôn phần.
Nay cha giết mất Phú đề đốc là người vô tội, lòng quân thực đã có nhiều kinh hãi.
Bân nói chưa xong Nghiêu đã đùng đùng nổi giận, quát lên như sấm:
- Nghiệt súc! Mi dám đổ dầu vào lửa, xúi giục bộ hạ mưu hại cha mi à? Ta phải giết mi trước đã.
Tiếp đó là tiếng gầm "Trói lại" vang dậy, làm tung cả mấy cánh rèm che ngoài cửa sổ.
Bốn, năm tên gia tướng dữ như cọp hung hăng như sói, ùa vào trói gô lấy Bân.
Vợ Bân là Vu phu nhân lúc đó nấp đằng sau tấm bình phong nghe trộm, thấy Miên làm dữ tính giết chồng mình, hoảng hồn bạt vía, chạy như điên vào nhà trong, quỳ xuống trước mặt mẹ chồng kêu khóc van cầu bà cứu mạng chồng.
Trần thị chỉ sinh hạ có mỗi mình Bân, nghe chuyện cuống lên.
Phiền cho bà là đã từ lâu hai vợ chồng gần như tuyệt sạch ân tình, tự đi van xin, bà cho rằng ăn thua gì, liền nghĩ ngay tới vị giáo sư ở trong nhà là Vương Hàm Xuân tiên sinh, vì bà biết Nghiêu chỉ kính trọng có vị tiên sinh này mà thôi.
Tiên sinh họ Vương nói gì là Nghiêu nghe ngay, không hề từ chối.
Cho là đắc sách, hai mẹ chồng nàng dâu Trần thị vội đứng dậy, có bọn a hoàn nâng dắt, hối hả chạy ra phía sau đại sánh, quanh về ngả thư phòng.
Lúc đó, ông giáo Vương Hàm Xuân đang dạy học cho đứa con út của Nghiêu là Miên Thành, bỗng thấy hai mẹ con Trần thị mặt mày rũ rượi, lệ tràn đôi mi, hối hả chạy vào rồi cùng quỳ xuống, van nài ông đi cứu mạng cho Miên Bân.
Vương tiên sinh vò đầu bứt tóc, thoạt tiên chẳng hiểu chuyện gì, sau khi nghe Vu phu nhân, vợ Bân, lược thuật câu chuyện, mới ba chân bốn cẳng chạy vội lên đại sảnh.
Ông bước vào cửa sảnh thì thấy đại công tử Miên Bân đang bị bốn tên gia tướng trói điệu ra ngoài, mặt mày ủ dột, cúi gầm như không muốn nhìn ai nữa.
Vương Hàm Xuân vội cản lại, rồi chạy vội vào đại sảnh.
Ông thấy Nghiêu mặt hầm hầm, đang ngồi sau án thư.
Nhưng lạ một nỗi là đang giận dữ như vậy mà vừa thấy ông, Nghiêu lại vui vẻ, đứng lên để rước ông vào.
Vương Hàm Xuân ngồi xuống, trước hết nói vài câu thăm hỏi rồi mới dần dần đưa tới câu chuyện của Miên Bân, dùng lời lẽ hết sức ôn tồn, khuyên giải một hồi, rồi thêm:
- Đại công tử vốn là người con hiếu thảo.
Hắn sợ kẻ bộ hạ âm mưu ám toán đại tướng quân nên mới dám nói thẳng để can gián ngài đó thôi.
Bình nhật Miên Canh Nghiêu rất tin và nghe Vương tiên sinh.
Giờ cũng vậy, sau khi nghe lời can gián của ông, Nghiêu bất giác giật mình tỉnh ngộ, vội truyền lệnh tha ngay.
Miên Bân khỏi chết vội vào tạ ơn cha và ông giáo họ Vương rồi ra sau viện bái kiến mẫu thân.
Trên đại sảnh, Miên Canh Nghiêu sai bày tiệc khoản đãi Vương.
Số là cha của Nghiêu tên Miên Hà Linh, vốn giàu cỏ, gia tài bạc triệu, thế mà vào hồi ba mươi tuổi chỉ sinh có một đứa con trai tên gọi Miên Hi Nghiêu rồi thôi.
Đằng đẵng mười năm sau, ông đã tứ tuần mà bà nhà vẫn đực ra đấy, chẳng đẻ đái thêm gì nữa.
Ông buồn lắm.
Nào ngờ qua năm sau, bà bỗng có bầu và sinh hạ Miên Canh Nghiêu.ỏng sướng hết chỗ nói, cưng Nghiêu hết mức.
Nghiêu lên tám vẫn chưa đi học, ông bèn mời một ông giáo bụng đầy ắp chữ nghĩa cho Nghiêu nhập môn.
Nào ngờ, Nghiêu vốn được cưng chiều đâm ra lếu láo, vừa hung dữ vừa thô lỗ, chẳng thèm học, chẳng thèm đọc sách, hễ thấy ông thầy là mở mồm chửi.
Ông thầy tức quá bỏ đi.
Một hơi sáu bảy ông thầy khác được mời về nhà đều chịu chung cảnh ngộ.
Ngày tháng qua mau, Nghiêu càng ngày càng lớn, trời sinh lại được cái xương rắn như đồng, gân bền như thép, thành thử về sau gặp thầy chẳng thèm chửi nữa mà đánh thẳng tay.
Nhiều ông thầy bị thoi vào mặt, bị đá vào hông đến vỡ mày vẹo háng, tức quá chỉ còn biết chửi rầm lên rồi xách khăn gói ra đi.
Từ đó về sau, chẳng còn có thầy nào dám bén mảng tới nhà Nghiêu để dạy học nữa.
Thế là Miên Canh Nghiêu tha hồ chạy nhảy rong chơi, làm cho cả cái trang viên lớn rộng của gia đình náo loạn cả lên.
Tường Nghiêu cũng phá.
Nhà Nghiêu cũng đập.
Cây cối Nghiêu cũng chém, chặt sạch tiêu.
Bất cứ cái gì Nghiêu thấy thích là làm, bất chấp ngay cả bố mẹ.
Nghiêu đã mười hai tuổi mà chữ nhật là một vẫn chưa biết, chữ đại là lớn vẫn không hay.
Ông già Miên Hà Linh thấy con như vậy lấy làm chán nản, buồn bã vô cùng.
Một hôm, ông Linh đem con ra ngoài cổng dạo mát, bỗng thấy một thầy tướng tay lắc xâu chuông, từ xa tiến lại.
Khi tới gần, thầy tướng bỗng ngừng bước, nhìn vào mặt Miên Canh Nghiêu xem kỹ một lát rồi bảo:
- Chà! Quả thực là một vị đại tướng quân!.