Chương 153: Hồi 5: thủy thể

Mê Tông Chi Quốc

Đăng vào: 12 tháng trước

.



Tư Mã Khôi thấy chuyện này thật khó tin, anh thắc mắc: “Vành đai 30° vĩ Bắc tồn tại một vòng tròn ma quái, mà lúc chúng ta rơi xuống huyệt động Biển Âm Dụ lại ngẫu nhiên lọt đúng vào cái vòng tròn không ngừng tuần hoàn lặp đi lặp lại ấy sao?” Thắng Hương Lân nói: “Tôi thấy bè gỗ đi mãi vễ hướng tây, còn thời gian và phương hướng gần như mất đi giá trị, nên mới nảy ra suy đoán ấy, nhưng tôi không dám chắc và cũng chưa có bằng chứng cụ thể”.



Nhị Học Sinh đang nằm bẹp trên bè gỗ, nghe Tư Mã Khôi và Thắng Hương Lân bàn bạc, lập tức bò dậy ôm lấy gạc cây, kích động nói: “Khả năng này rất lớn, có thể đáp án của ẩn số 30° vĩ Bắc chính là vòng tròn ma quái đó”. Khu vực 30° vĩ Bắc và khu vực lệch 5° xung quanh đó, thường xuyên tồn tại hàng loạt hiện tượng kì quái.



Nó dường như được thay thế bằng cụm danh từ: khu vực “thần bí”, khu vực “bị mất tích”, đồng thời lưu giữ vô số di tích lịch sử nổi tiếng. Nhiều bậc nhân sĩ thuộc các lĩnh vực như lịch sử, khoa học, địa lý đều cho rằng: phía sau hàng loạt những sự việc quái dị tập trung ở vĩ độ này, có ẩn chứa một mối liên kết nội tại nào đó, nhưng từ trước tới giờ chưa ai tìm thấy đáp án, mà tất cả đều chỉ dừng lại ở giai đoạn phỏng đoán và giả thiết.



Có điều, khi mọi người thâm nhập Biển Âm Dụ, thì phát hiện thấy vùng thủy thể rộng vô biên và sâu hun hút, trên cao mây sương vần vũ che phủ, “phù sai” tựa hồ lạc trong biển u minh vĩnh viễn không có điểm tận cùng. Bao nhiêu ngày đã trôi qua, nói không chừng bè gỗ đã trôi hàng vạn dặm, nhưng ngay cả một chút dấu hiệu có thể nhìn thấy đất liền cũng vẫn không xuất hiện.



Tuy phỏng đoán của Thắng Hương Lân rất táo bạo, nhưng mọi người không thể tìm được sự giải thích hợp lý hơn thế. Dưới vành đai 30° vĩ Bắc, chắc chắn là vật thể hình vòng tròn không đầu không cuối. Hải ngọng lớ ngớ chưa hiểu, hỏi lại: “Chúng ta rơi vào vòng tròn ma quái dưới vòng đất… thế nghĩa là thế nào?” Tư Mã Khôi nói: “Nghĩa là chúng ta cần một tấm bản đồ thế giới chứ sao.” Lúc này, Cao Tư Dương sợ Nhị Học Sinh hướng mọi người đi nhầm đường, cô nói: “Anh cũng chỉ đưa ra phỏng đoán dựa vào hướng trôi của bè gỗ.



Trước khi có được bằng chứng xác thực, chớ đưa ra kết luận lung tung”. Nhị Học Sinh tỏ ra rất tự tin: “Những điều này tuyệt đối không phải phát hiện kinh thiên động địa gì, vì từ cổ chí kim đã xảy ra hàng loạt sự việc li kì xung quanh khu vực 30° vĩ Bắc, mà phần lớn đều rất phức tạp và không thể giải thích.



Thêm vào đó, mọi người trên khắp thế giới cứ bàn luận đồn thổi, khiến những sự việc đó như được trùm thêm tấm màn bí ẩn. Thậm chí, con người còn cho rằng: đó là do ma quỷ lộng hành, nhưng giờ chúng ta đích thân rơi vào cảnh ngộ đó, với tiền đề xác định lòng đất tồn tại vòng tròn ma quái, rồi sau đó tiếp tục đi tìm đáp án, thì có lẽ vấn đề sẽ được nhanh chóng hóa giải hơn.” Thắng Hương Lân ngẫm nghĩ hồi lâu, cũng cảm thấy phán đoán của mình không sai: “Vành đai 30° vĩ Bắc là khu vực tập trung các hoạt động giải phóng địa từ và địa áp một cách liên tục nhất, dưới lòng đất tích tụ lượng lớn mây từ, khiến thủy thể tuần hoàn xuyên suốt, không ngừng lặp đi lặp lại.



Ví dụ như khe Hắc Trúc ở nội địa Tứ Xuyên và rừng nguyên sinh Đại Thần Nông Giá ở phía tây Hồ Bắc, những khu vực cùng chung vĩ độ này đều xuất hiện mây từ và sương đen. Khu vực nằm trong vành đai 30° vĩ Bắc, quy tụ rất nhiều địa điểm được mệnh danh là tam giác quỷ, cạm bẫy tử thần, hắc động địa cầu.



Bây giờ nghĩ lại, chẳng phải tất cả những nơi đó đều đã bị nhiễu loạn bởi một năng lượng bí ẩn và vô hình nào đó hay sao? Mà thực ra, nguồn gốc của nó chính là ‘vòng tròn ma quái’ nằm trong lòng đất sâu.” Cao Tư Dương nói: “Tình hình chúng ta bây giờ là lương thực thì đã cạn kiệt, không thể bó tay chịu nhốt trên cái bè gỗ và để mặc nó trôi mãi được.



Giờ đã xác định hoàn cảnh trước mắt, chúng ta phải suy nghĩ xem, rốt cuộc phải làm thế nào mới thoát khỏi vòng tròn quái dị này”. Nhị Học Sinh nói với Cao Tư Dương: “Đội trưởng vẫn chưa hiểu ý chúng tôi, cô có biết thế nào là hắc động địa cầu không? Những tàu thuyền, máy bay, con người bị mất tích ở những nơi khác, ngoại trừ những người may mắn sống sót ra, thì phần lớn di hài và tàn tích thực thể sẽ được tìm thấy, cho dù thời điểm tìm thấy đôi khi cách thời điểm xảy ra tai nạn đến mấy chục hoặc thậm chí mấy trăm năm.



Thế nhưng, nếu mất tích ở vành đai 30° vĩ Bắc, thì trên thực tế có nghĩa là biến mất hoàn toàn, vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện lại nữa, bởi vì vòng tròn ma quái đỏ có thể nuốt chửng tất cả sự vật, nó giống như vòng tròn Ouroboros kinh dị trong truyền thuyết Bắc u ấy”. Thắng Hương Lân nghe đến đây cũng gật gật đầu, miệng lẩm bẩm: “Vòng tròn Ouroboros, đúng là sự so sánh giàu hình tượng nhất về hắc động dưới lòng đất”.



Cao Tư Dương chưa bao giờ nghe đến chuyện này, liền hỏi: “Vòng tròn Ouroboros là gì vậy?” Tư Mã Khôi nói: “Tôi thấy nghe cũng hơi quen quen, hình như vòng tròn đó vẽ một phù hiệu cổ xưa và thần bí, là hình “rắn ngậm đuôi rắn”, để ám chỉ ý tuần hoàn thì phải. Trước đây, khi còn ở trong thành Nhện Vàng của vương triều Chăm Pa, tôi đã từng nhìn thấy bích họa vua Anagaya cưỡi mãng xà vượt đại dương, con bạch xà đó tự mình nuốt đuôi mình.



Sau đó, tôi có kể với giáo sư Nông Địa Cầu chuyện này, thì mới biết phù hiệu cổ quái này đã có từ rất lâu đời. Nghe nói, trong truyền thuyết thần thoại Bắc u có một con rắn lớn tự mình cắn đuôi mình, nó quanh quẩn ở vùng ven Trái đất, và được gọi là ‘trần thế cự mãng’, hình ảnh mãng xà tượng trưng cho sự luân hồi và hỗn độn của vạn vật, đại diện cho hiện tượng thế giới tự nhiên liên tục luân chuyển để quay về điểm xuất phát ban đầu, nên kết thúc chính là sự bắt đầu, và bắt đầu cũng có nghĩa là sắp kết thúc.



Thủy thể khổng lồ nằm ở nơi sâu dưới lòng đất vành đai 30° vĩ Bắc, đúng là rất giống với ‘con rắn ngậm duôi’ ngầm dự liệu về sự không đầu không cuối, chẳng lẽ nguyên hình của ‘vòng tròn Ouroboros’ chính là ở chỗ này?” Thắng Hương Lân nói: “Ngay từ trước thời n Thương, đã xuất hiện phù hiệu rồng cuộn mình thành hình tròn, nó cũng thuộc loại phù hiệu thần bí này.




Trước đây chưa ai biết chúng có hàm ý đặc biệt gì, nhưng bây giờ xem ra nó có vẻ liên quan đến ẩn số 30° vĩ Bắc, từ đó cũng có thể chứng minh phán đoán của chúng ta là đúng. Chỉ có điều, mây từ dưới lòng đất dày đặc, mịt mù, hạn chế sự chính xác của các thiết bị đo đạc thám trắc, khiến con người ngày nay cũng không thể biết nhiều thông tin về nó hơn thế hệ mười năm trước là bao”.



Mọi người đi sâu vào phân tích hoàn cảnh khốn cùng mà cả hội phải đối mặt: “Nếu mô tả vùng thủy thể đen ngòm vô biên này là: “rắn ngậm đuôi” dưới khu vực lệch 5° xung quanh vành đai 30° vĩ Bắc, thì bây giờ chúng ta như thể đang rơi vào bụng con quái xà. Lớp vỏ Trái đất chịu tác động của áp lực và vận động dãn nở khuếch trương, nên đã nảy sinh ra những vết nứt hình tròn, hình thành nên hình thái nguyên thủy của đại dương trong đó, và thủy thể cuộn trào tuần hoàn dưới ảnh hưởng của từ trường.



Hắc động giống như một con mãng xà khổng lồ, cũng bị che kín bởi màn sương dày do địa trường sinh ra. Phía trên nó nằm ở khu vực mạch núi và đại dương, và khu vực này nối liền với những khu vực kết cấu địa tầng mỏng yếu khác, có lẽ vì thế nên ở đó thường xảy ra những hiện tượng quái dị.



Đó là do mây từ ùn lên từ lòng đất, gây ra địa chấn và đất lún, thậm chí ảnh hưởng còn khiến mực nước sông ngòi biển hồ lên xuống bất thường; tàu thuyền hoặc máy bay qua lại nơi đây thường bị mất tích. Phần lớn các vụ tai nạn đều liên quan đến điều này, chính bởi vậy nên số lượng tai nạn đến giờ vẫn không thể thống kê đầy đủ.” Từ đây có thể suy đoán, rất nhiều địa điểm khác thường như ánh lửa ma trơi ở hồ Phiên Dương, dòng nước cụt ở Trường Giang, khe núi tử thần, sương mù yêu dị ở khe Hắc Trúc hay tam giác quỷ Bermuda v.



v… khả năng đều liên quan đến vòng tròn “rắn ngậm đuôi rắn” ẩn chứa trong vành đai vĩ độ này, mà huyệt động dưới rừng rậm nguyên sinh Biển Âm Dụ Đại Thần Nông Giá lại là một trong những nơi thông với thủy thể. Pho tượng thần thú “tải” chặn ngay cửa động có tác dụng ngăn cản sương từ, nên lúc mọi người rơi xuống đây mới may mắn thoát chết, còn về thứ quỷ quái xuất hiện trong đám sương, cho đến tận giờ vẫn còn là một ẩn số, giờ ngồi nghĩ lại chuyện lúc trước mới thấy sởn gai ốc, cả hội quá liều lĩnh xông vào đây khác gì tự đâm đầu vào cõi chết.



Có lẽ, khoảng cách hắc động bao quanh khu vực 30° vĩ Bắc, ít nhất cũng tầm 30 ngàn đến 40 ngàn cây số, huống hồ cả hội lại đang ngồi trên bè gỗ mất phương hướng, không biết đã trải qua bao ngày đêm, và cũng không ai biết vị trí cụ thể hiện giờ trong vòng tròn ma quái. Đối với hội Tư Mã Khôi mà nói, trên đầu lúc này là biển cây bạt ngàn của rừng nguyên sinh Đại Thần Nông Giá, hay là mạch núi Hymalaya của tận cùng cao nguyên, thì cũng không còn khác biệt rõ rệt nữa.



Chiếc bè gỗ mà mọi người nương tựa, chỉ là một thân cây cổ đại đã khô queo, tuy nó khá to và rắn chắc, chất gỗ cũng tương đối tốt, nhưng chỉ e không trụ nổi trước gió to sóng cả. Tư Mã Khôi từng nhiều lần lâm vào vòng nguy hiểm, từng thâm nhập kính viễn vọng Lopnor sâu cách bề mặt Trái đất hơn mười ngàn mét, nhưng vẫn không đáng sợ bằng lần rơi vào vòng tròn ma quái này, bởi nó không có điểm tận cùng, cũng không có điểm khởi đầu, dẫu có mọc cánh cũng không bay đi đâu được.



Cao Tư Dương hiểu, hoàn cảnh hiện tại vô cùng hung hiểm, nhưng cô lại cho rằng: dù hắc động có là vòng tròn ma quỷ không đầu không cuối, thì nó vẫn phải có đường biên nhất định, chúng ta có thể thử tiếp cận vách động ở hai bên, chắc chắn nó phải có khe nứt nào đó; mà chỉ cần tìm thấy một khe hở đủ cho người chui lọt, là chúng ta sẽ thoát khỏi vòng tròn ma quái.



Thắng Hương Lân cũng từng nghĩ đến con đường này, nhưng lại thấy không khả thi, vì cho dù bạn có thể thể đến gần đường biên của thủy thể, thì vị trí hiện tại vẫn nằm ở tầng đáy của lớp vỏ, nên chưa hẳn đã tìm thấy đường sống, không những thế, ở nơi sâu hút như vậy sẽ không có ôxy để thở, thì đi chưa được bao xa đã ngạt thở mà chết.



Tư Mã Khôi thấy bè gỗ vẫn trôi trên biển, nhấp nhô theo luồng sóng cuồn cuộn, thế nước phía trước càng lúc càng xiết. Anh nói với những người còn lại: “Có câu ‘Nhân định thắng thiên’, nhiều người cho rằng, câu này ám chỉ con người có thể chiến thắng thế giới tự nhiên, riêng tôi thấy nếu hiểu thế thì ôm đồm quá, mà thực ra câu này nên nói là ‘Nhân định sẽ thắng thiên’, ‘thiên’ ở đây chỉ số phận hoặc khó khăn, chỉ khi con người bình tĩnh, ổn định, đoàn kết, quyết tâm, thì mới có cơ hội khắc phục khó khăn.



Đương nhiên, không phải người nào cũng có thể xoay chuyển được vận mệnh, thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng nếu không làm vậy, thì nửa cơ hội cũng không tồn tại. Đội thám hiệm chúng ta giờ đang bị nhốt trên bè gỗ, không nghĩ ra cách gì khả dĩ, nhưng chúng ta tuyệt đối không được từ bỏ hi vọng, ngồi đây chờ chết.



Việc cần làm trước mắt là: gắng hết sức để sinh tồn, sống thêm một ngày là thêm một ngày hi vọng. Nếu số mệnh của chúng ta quả thực đã bị nguyền rủa, thì chỉ còn cách tiếp tục kiên trì lặng lẽ tiến về bóng tối phía trước, đó mới là phương thức duy nhất cứu rỗi vận mệnh bi kịch của chính mình.” Mọi người cũng chung suy nghĩ như vậy, vì rốt cuộc ngay từ thời Thần Nông gá gỗ làm tổ, người cổ đại đã mang cỗ di hài dưới lòng đất lên đây, điều đó cũng cho thấy trong hắc động phía dưới vành đai 30° vĩ Bắc, không hẳn là chốn hồng hoang mênh mang vô tận, chỉ có điều, rất nhiều bí mật đã bị nó nuốt chửng, nên điều đội thám hiểm đang cần bây giờ là một cơ hội, gần như là điều thần kì xảy ra.



Lúc này, trong lòng mọi người đã le lói tia hi vọng, đồng thời tâm lý bi quan tuyệt vọng cũng dần vợi bớt. Cả hội lấy lại tinh thần, họ kiểm đếm số lượng đèn cácbua còn sót lại. Bè gỗ trôi trên dòng nước dưới lòng đất chủ yếu phải dựa vào đèn cácbua chiếu sáng, nếu không có nguồn sáng, ngọn lửa của sinh mệnh sẽ hoàn toàn tắt lịm, bởi vậy đèn cácbua và đuốc là hai thứ vô cùng quý giá.



Lúc này, trên cao có lằn sét sượt qua, tựa hồ sấm dội xuất hiện trong đám mây điện từ; khí áp xuống thấp đến mức khiến người ta cảm thấy khó thở; sóng cũng vỗ dữ dội hơn, bè gỗ chòng chành lắc lư như muốn lật. Mọi người sợ sóng to gió lớn sẽ đánh nát chiếc bè, sau khi chỉnh đốn giây lát, cả hội lại vội vàng dùng dây thừng cố định bè gỗ lại.



Tuy Nhị Học Sinh không chịu được sự giày vò do chiếc bè gỗ liên tục lắc lư điên đảo, anh chàng nôn ồng ộc, người sọp đi trông thấy, nhưng cuối cùng thấy cả hội dường như phát hiện lời giải của ẩn số vành đai 300 vĩ Bắc, thì Nhị Học Sinh lại hưng phấn, lớn giọng khẩu hiệu “chiến thiên đấu hải” rồi giúp mọi người lấy túi chống thấm bọc lại những vật dễ bị ngấm nước.



Hải ngọng cho rằng tình hình của Nhị Học Sinh không được lạc quan lắm, anh chép miệng than: “Học người ta cái gì hay ho không học, lại đi học cái bài ‘cáo bắt trộm gà’, bám đít thằng Khôi, ngoài tinh thần chủ nghĩa lạc quan mù quáng ra, thì còn thứ gì ra hồn nữa hả? Anh thấy chú mày sắp hỏng hẳn rồi, anh đây dày công giấu được một lon thịt bò hộp, định để dành đến lúc bí quá mới mang ra dùng, thôi thì bây giờ biếu không cho chú mày vậy” – nói đoạn anh thọc tay vào ba lô bới tung cả lên.



Nhị Học Sinh thấy Hải ngọng bới tung ba lô lên, bên trong lộ ra một chiếc ống nhòm quân dụng Falcon độ phân giải 8×40, thì mắt anh chàng sáng rực lên, anh chàng liền mượn Hải ngọng rồi hí ngoáy thao tác, nhân lúc ánh chớp lập lòe phía đằng xa, Nhị Học Sinh giơ ống nhòm lên mắt, đột nhiên qua ống nhòm, anh ta quan sát thấy giữa đại dương mênh mông có một chấm đen nổi lềnh bềnh.