Chương 76: Hồi chín: mũ bắc pith helmet

Mê Tông Chi Quốc

Đăng vào: 12 tháng trước

.



Mặc dù Tư Mã Khôi là người khá cứng bóng vía nhưng bây giờ cũng không khỏi phát hoảng, bởi vì anh phát hiện kẻ ngồi trước cửa Hắc Môn đó trên mình mặc chiếc áo khoác da dê rách nát, lông rụng tơi tả, nhìn thân hình và tướng mạo đều giống y đúc Triệu Lão Biệt mà anh từng gặp trước đây.



Năm đó, vì muốn lấy viên Lôi Công Mặc, nên lão ta đã bị thương nặng dưới huyệt lửa ở vùng ngoại ô Trường Sa, gương mặt bị thiêu cháy quá nửa. Khi ấy chính Tư Mã Khôi và Hải ngọng đã tận mắt chứng kiến lão thiệt mạng, đồng thời tự tay chôn lão xuống nấm mộ nông trong nghĩa địa. Chuyện này đến giờ đã qua sáu năm, có lẽ da thịt cũng rữa nát hết rồi, sao người lại xuất hiện tại Tân Cương được nhỉ?



Tư Mã Khôi và Hải ngọng vô cùng kinh ngạc, chính hạ mây đen che khuất ánh trăng, quầng đom đóm dưới chân cầu La Sư biến hóa thành tòa thành ma quỷ, tiếng ếch ộp, dế mèn kêu thê lương giữa không gian nghĩa địa hoang vắng im lìm, và cả những lời trăng trối cuối cùng trước lúc chết đầy quái dị của Triệu Lão Biệt, tất cả đều bập bềnh hiện về trong đầu Tư Mã Khôi.



Khi ấy, Thắng Hương Lân và đội trưởng Lưu Giang Hà lại không biết nguyên nhân ẩn chứa bên trong, thấy Tư Mã Khôi thừ người đứng ở đó, Thắng Hương Lân liền hỏi: “Hình như đó là cái xác khô của bọn thổ tặc, anh phát hiện ra điểm gì đáng ngờ à?”



Tư Mã Khôi nghĩ thầm: “Có quá nhiều điểm đáng ngờ ấy chứ…” – Anh lại lấy đèn quặng soi cái xác thêm lần nữa, thì thấy lão già mặc áo khoác da kia quả nhiên đã chết, thi thể ngồi gục trên đất đã bị phong hóa hết, xung quanh cái xác khô đó còn có rất nhiều bộ xương khô khác, chuột cát đang chui ra chui vào từ hố đầu lâu, nhìn lông tóc còn sót lại giữa các khe hộp sọ, thì những cái xác đó mang đặc trưng của người da trắng khá rõ ràng.



Tư Mã Khôi bảo Lưu Giang Hà giữ cáng cho giáo sư Nông địa cầu thay mình, rồi đi hẳn vào bên trong Hắc môn, ôm khẩu súng trường; nửa ngồi nửa quỳ trên đất, chăm chú quan sát thi thể kia. Anh thấy cái xác khô mặc áo da đã bị phong hóa nghiêm trọng, tuy da thịt vẫn còn nhưng gương mặt nhìn không còn rõ ràng nữa, chỉ có điều thân hình và cách ăn mặc, đặc biệt là chuỗi bánh đả cẩu đeo trên cổ, cái nồi, tút thuốc lá cắm ngang hông thì giống hệt Triệu Lão Biệt mà anh gặp năm đó. Anh nghĩ, quá nửa tên này cũng là một “lão khách Quan Đông” biệt bảo đây.



Lúc này, Hải ngọng đang kể cho Thắng Hương Lân nghe chuyện xảy ra năm 1968 tại khu Hắc Ốc ở Trường Sa. Hương Lân nghe xong không khỏi bất ngờ, bèn lên trước nói với Tư Mã Khôi: “Nếu Triệu Lão Biệt đã chết ở cầu La Sư, thì chắc cái xác khô này là của một tên giặc đất khác rồi.”



Tư Mã Khôi đột nhiên nhớ lại Triệu Lão Biệt có sáu ngón tay, cho dù thi thể đã bị phong hóa nhưng các đặc trưng thì vẫn giữ lại nguyên xi mới phải. Anh dùng đèn quặng soi vào bàn tay, thì phát hiện tay trái của xác khô nắm thành nắm đấm rất chặt, bên rìa bàn tay thừa ra một khúc xương rất nhỏ so với người bình thường.



Tư Mã Khôi không nén được hít ngược một hơi lạnh, rồi khẳng định: “Cái xác khô này tám chín phần chính là Triệu Lão Biệt. Tôi thấy cái xác phong hóa đến mức này, chí ít cũng đã chết được ba bốn mươi năm rồi”.



Hải ngọng cảm thấy có chút mơ hồ bèn hỏi: “ Nếu cái xác này đích thị là Triệu Lão Biệt, mà lại còn chết cách đây mấy chục năm rồi, thế thì kẻ mà chúng ta gặp ở Hắc Ốc sáu năm trước chẳng lẽ lại là ma à?”



Tư Mã Khôi suy đoán: “Cậu đừng có mà vẽ rắn thêm chân, cho câu chuyên thêm phần kinh dị nữa. Trước mắt chúng ta mới chỉ tìm được một đặc điểm tướng mạo trùng hợp là bàn tay sáu ngón, cũng có thể cái xác này là tiền nhân của Triệu Lão Biệt…” Hài ngọng không đợi Tư Mã Khôi nói xong đã lắc đầu phủ nhận: “Tớ chưa nghe ai nói sáu ngón lại mang gen di truyền cả.”



Thắng Hương Lân bảo: “Hai anh đừng có phân tích lung tung, nghi thần nghi quỷ nữa, tốt hơn hết là nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao mấy người này gặp nạn. Trong Hắc Môn chôn giấu vô số châu báu của cổ quốc Lâu Lan; từ khi một nhà khảo cổ Thụy Điển phát hiện ra di chỉ này nằm ở địa cốc đến nay, thì có vô số nhà thám hiểm nước ngoài đã cấu kết với bọn thổ tặc mò đến đây săn tìm bảo vật. Dân thổ tặc – ngoại trừ bọn mã tặc trên sa mạc Tân Cương ra, còn không thiếu bọn trộm mộ khu vực Trung Nguyên, gồm hội biệt bảo ở Giang Tây hoặc Quan Đông, thậm chí còn có các nhà chuyên săn tìm bảo vật ở Thanh Hải, chúng nổi dậy như bầy ong lao đến từ khắp nơi.



Những người này, đa phần đều am hiểu phương thuật, thủ đoạn lọc lõi tích lũy từ nhiều năm, kinh nghiệm lại rất phong phú. nhưng không biết vì nguyên nhân gì, mà trước sau không một ai có thể mang đuợc số bảo vật này ra khỏi địa cốc. Dọc đường đi, chúng ta đã nhìn thấy vô số đầu lâu, hầu hết đều là của bọn thổ tặc; nhưng địa cốc này hoang vắng khác thường, ngoại trừ một số khu vực tồn tại loại vật chất nguy hiểm phân rã thành thể khí, thì không thấy bất kỳ mối hiểm họa gì khác. Cái chết của bọn thổ tặc cũng rất uẩn khúc, nếu không xác minh được nguyên nhân thực sự khiến chúng phải bỏ mạng, thì e rằng chính chúng ta sẽ phải đối mặt với kết cục tương tự như vậy thôi.”



Tư Mã Khôi thấy tư duy của Thắng Hương Lân rất tỉnh táo, nhận thức sự việc rất rõ ràng, quả nhiên là đã chỉ ra được điểm then chốt của vấn đề. Môi trường trong địa cốc rất khắc nghiệt, phía ngoài hầu như không có sinh vật tồn tại, càng tiến vào sâu trong Hắc Môn, nơi tận cùng của địa cốc, mới gặp một số con chuột cát và rắn cát gặm nhấm xác mục, xương tàn. Hơn nữa, xem ra truyền thuyết về nguồn nước nằm dưới đáy di chỉ này là có thật, vì nó khiến nồng độ cacbonic trong không khí giảm xuống, có thể duy trì sự hô hấp bình thường cho cơ thể, đồng thời cũng thể hiện rõ nguyên nhân cái chết của một số dân biệt bảo và thổ tặc không phải là do ngạt thở hay hít phải khí độc vào cơ thể, còn quan sát thi thể cũng không thấy bị nội thương, không giống nội bộ lục đục tàn sát. Nhưng suốt mấy chục năm nay, vì sao không một ai có thể mang được bảo vật của cổ quốc Lâu Lan ra khỏi địa cốc?



Tư Mã Khôi tạm thời không thể lần ra manh mối, trường hợp của Triệu Lão Biệt cũng hoàn toàn rơi vào thế bí, anh đành lục soát ba lô mà các thi thể mang theo bên mình với hy vọng tìm thấy đầu mối nào đó.



Ba người lục lọi một hồi, thì thấy cái xác khô giống Triệu Lão Biệt như đúc kia, và mấy bộ xương của người da trắng nằm xung quanh, chắc cùng một hội, vì bọn họ cùng mang kiểu ba lô giống nhau, tất cả các đồ vật đựng bên trong như lương khô, dầu hỏa, than hoa… đều là cùng một loại, có lẽ đó là đoàn thám hiểm người Pháp. Họ thuê gã biệt bảo Quan Đông này đến sa mạc Gobi khai quật bảo vật, trong ba lô còn đựng đầy bảo vật, trong đó có con dao găm bằng vàng khảm nạm đá quý, chiếc mặt nạ bằng ngọc thạch, bình rượu mã não, cùng rất nhiều báu vật khác. Rõ ràng bọn họ đã cuỗm được những thứ này và đang trên đường quay trở về, nhưng không hiểu sao lại đột nhiên gục ngã ngay trước cửa Hắc Môn.



Cái xác khô giống Triệu Lão Biệt như đúc kia có khả năng vì cổ đeo chuỗi bánh đả cẩu, đã khiến bọn chuột bọ kiến rắn không dám đến gần, nên mới dần dần bị âm phong trong địa cốc xâm nhập thành cái xác khô, trong khi đó đồng bọn của lão ta chỉ còn lại đám xương tàn trắng ởn.




Ba người càng nhìn lại càng cảm thấy kỳ lạ khó hiểu, mấy cái xác này đều không bị ngoại thương, còn nếu họ chết vì trúng độc thì hài cốt không thể có màu sắc bình thường thế này, mà chuột bọ cũng không dám bò lổm ngổm xung quanh. Nghĩ đi nghĩ lại, họ thấy chỉ còn một khả năng, xem ra có vẻ hợp lý nhất, đó là mười mấy người này tim đột ngột ngưng đập cùng một lúc.



Hải ngọng cảm thấy rất hiếu kỳ, bèn nhảy vào lượm con dao găm bằng vàng lên, cầm trong tay không muốn vứt trả lại, anh không biết kiểm định cổ vật nên chỉ học vẹt theo người khác đưa con dao lên mũi ngửi ngửi mấy hơi.



Tư Mã Khôi nghĩ thầm: “Cậu ăn no rửng mỡ đấy hả, ngửi cái đó làm gì?”, đoạn anh cau mày hỏi: “Cậu thấy nó có mùi gì không?”



Hải ngọng cũng không biết hình dung thế nào, bèn đáp: “Có mùi đồng Nhân dân tệ”.



Tư Mã Khôi nghe thế liền nảy ý định hù dọa cậu ta một trận: “Trước đây nghe người ta nói, dưới lòng sa mạc cuồn cuộn cát vàng, khắp nơi đều là thành quách vương vãi đầy vàng bạc châu báu. Những ai lạc bước vào trong đó mà lòng còn tham thú vật chất, nhặt bảo vật trong thành chiếm làm của riêng, sẽ bị ác quỷ đeo bám, rồi ngay giữa ban ngày ban mặt cũng xuất hiện cát bay đá lạc, đường vốn dĩ thẳng tắp như cán bút bỗng chốc trở thành mê cung, nó vây khốn người ta cho đến chết mới chịu thôi. Cái chết của đội thám hiểm người Pháp và gã biệt bảo này rất cổ quái, có khả năng họ gặp phải lời nguyền thần bí nào đó của cổ quốc Lâu Lan. Nếu Hải ngọng nhà cậu còn muốn sống thêm vài ngày nữa thì phải để ý một chút, đừng có tiếc của hơn tiếc mạng.”



Hải ngọng nói: “Cậu lôi đâu ra cái luận điệu chủ nghĩa duy tâm thế hả? Theo phân tích từ kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác khảo cổ của tớ thì ở sa mạc có một loại bọ, sau khi nó chết đi sẽ biến thành bọ xác khô, rồi chỉ cần hít phải hơi thở của người sống sẽ lập tức sống lại, chuyên đi ăn thịt người. Mấy gã Pháp này chắc chắn đã bị bọ xác ướp chui vào lỗ đít cắn cho đến chết đây mà”.



Thắng Hương Lân thấy hai người bắt đầu luyện võ mồm, cô chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán, khẽ thở dài thầm nghĩ: “Nếu giáo sư còn tỉnh táo, chắc chắn bác ấy sẽ phát hiện ra nguyên nhân cái chết của mấy người kia.”



Lúc này, Hải ngọng nhặt được một cái mũ chóp tròn màu xám ở dưới đất, anh phủi hết lóp bụi bám bên trên đi rồi giơ ra cho Tư Mã Khôi và Thắng Hương Lân xem: “ Loại mũ này khá lắm, còn tốt chán so với cái mũ đan bằng lá liễu vừa bí vừa nặng của chúng ta. Cuỗm cái khác không được, nhưng chắc lấy mấy cái mũ này thì không phạm phả điều cấm kỵ nào chứ hả?”



Thắng Hương Lân nghĩ thầm trong bụng: sao hai người bọn họ giống kẻ ăn mày thế nhỉ? Gặp cái gì cũng nhặt nhạnh. Cô đỡ lấy cái mũ, nhìn một hồi rồi nói: “Đây là mũ cối dạng mềm do người Pháp sáng chế. Mấy năm trước tôi thấy không ít người lao động ở nông trường Hoa Kiều đội nó.



Tư Mã Khôi bảo Hương Lân: “Cô không hiểu gì về hàng họ cả, loại mũ này gọi là Pith Helmet, của Pháp, còn gọi là mũ cối mềm hay mũ bấc mềm, ép giấy bồi thành mũ, không dùng bất cứ một đường khâu nào, tất cả các đường gân nổi lên đều dập từ một phía, gia công bằng hai khuôn âm và khuôn dương. Loại mũ này vừa nhẹ lại vừa bền, rất thoáng khí, tính năng bảo vệ lại khá ưu việt, thích hợp với mọi hoàn cảnh trong rừng rậm và sa mạc, gần giống với mũ cối bộ đội màu xanh lá cây vỏ cứng mà binh sĩ miền Bắc Việt Nam vẫn đội; năm đó bọn sĩ quan Anh đóng ở Miến Điện rất thích đội loại mũ này khi dã ngoại đi săn. Nếu lắp thêm kính chắn gió và đèn quặng, thì công năng phát huy còn tốt hơn nhiều so với loại mũ liễu tác nghiệp dưới giếng dầu.



Tư Mã Khôi thấy mấy chiếc mũ bấc mềm của người Pháp để lại được bảo quản khá tốt trong điều kiện môi trường địa cốc khô thoáng. Anh bảo Hải ngọng tìm thêm mấy cái nữa, đưa cho đội trưởng Lưu Giang Hà lau sạch, rồi phân phát cho mọi người đội thay mũ lá liễu. Anh lại nhặt nhạnh đồ trong mấy ba lô rơi bên cạnh bộ xương khô, tìm thấy hộp sắt đựng dầu hỏa và dao săn mà người Pháp dắt theo bên mình. Tư Mã Khôi cất tất cả mấy thứ đó vào ba lô của mình để đề phòng sau này cần dùng đến.



Lưu Giang Hà mặc dù cũng là người xuất thân trong quân ngũ, nhưng lại không có kĩ năng du kích như Hải ngọng và Tư Mã Khôi, anh chàng băn khoăn hỏi: “Đại ca, chúng ta dùng đồ của bọn tây… cũng không được hay lắm nhỉ?”



Hải ngọng gạt phăng bảo: “Thế mà cũng đòi là đội trưởng, trông cậu còn giống cái tải đất quê mùa hơn, ngay cả điều này cũng không hiểu à? Ngày trước Mao Chủ tịch đến Trùng Khánh đàm phán, chẳng phải cũng đội loại mũ này đấy ư? Hồi đó Hải ngọng anh đây tham gia cách mạng thế giới ở Miến Điện, chân đeo giày quân dụng hiệu Washington của Mỹ, miệng hút thuốc thơm hiệu Red của Anh. Hồi đó cà phê hộp chất cao ngất như núi, ban đầu nhiều người không quen uống cứ thấy nó đắng ngắt như thuốc bắc, nhưng anh đây chỉ cần uống một ngụm là nghiện luôn. Sau đó ngẫm nghĩ mãi, anh đây mới hiểu, thì ra trước đây ông già nhà anh lúc kháng Nhật ở Thái Hành Sơn, đã lia thẳng con dao vào mặt tên giặc Nhật khi đấu tay đôi, trên người tên Nhật đó từ đầu đến chân toàn là hàng Đông Dương.



Sau này bộ đội đổ bộ vào Quang Đông, đồn trú ở Cáp Nhĩ Tân, ông già nhà anh lại nhảy điệu khiêu vũ quốc tế với quan quân của bác Mao, tay đeo đồng hồ MYK, mình khoác áo da báo, sống ở nhà lầu kiểu Nga, ăn cơm Liên Xô, như mấy món canh rau đỏ, thịt bò hộp gì đấy, món nào ông già nhà anh cũng thưởng thức hết rồi. Xem ra gia tộc họ La nhà anh đời nọ nối tiếp đời kia được hưởng vinh quang ấy, nên bấy giờ anh mới dễ quen. Cậu đừng quên lời dạy của Mao Chủ tịch, thế này gọi là: đồ của Tây để cho người Trung Quốc dùng.”



Lưu Giang Hà nghe xong không biết phải đối đáp lại thế nào, anh chàng cũng không tìm ra lý lẽ gì để phản bác, đành răm rắp nghe theo sự phân công của Hải ngọng, tháo kính chắn gió và đèn quặng từ mũ liễu lắp sang mũ bấc.



Trong khi đó, Tư Mã Khôi móc vài món đồ lặt vặt mà cái xác khô giống y đúc Triệu Lão Biệt đang ôm trong lòng. Trước tiên là một chiếc đồng hồ cầm tay của Pháp đúc bằng vàng ròng được chạm trổ rất tinh xảo, chỉ cần lên dây cót là có thể tiếp tục sử dụng; ngoài ra còn có một ít bột màu đen đựng trong bình gốm, một chuỗi ngọc màu đỏ sậm như được làm bằng chu sa(1) trộn lẫn hùng hoàng(2) , còn có một cuộn ô bát liên, đây là tên gọi trong giới giang hồ, còn tên sách của nó là hỏa chiết tử(3). Loại này chỉ dùng cho những người hay đi đêm, nó còn có cái tên nguyên thủy là pháo tín hiệu. Cuối cùng anh tìm thấy một chiếc túi vải đen, có ba ngăn bên ngoài và ba lớp bên trong, trong túi có một cuốn sổ cũ kĩ, giấy đã ố vàng, các trang đều long gáy rách bươm.



(1) Chu sa hay thần sa, đan sa, xích đan, cống sa là các tên gọi dành cho các loại khoáng vật cinnabarit của thủy ngân sẵn có trong tự nhiên, có màu đỏ. Thành phần chính là thủy ngân sulfua (HgS)



(2) Hùng hoàng: tên thông thường của Acxen sulfua, màu vàng chói, dùng làm thuốc màu, thuốc chữa bệnh.



(3) Hỏa chiết tử: một vật thể giữ lửa, hình ống, dài khoảng một gang tay



Tư Mã Khôi muốn tìm một số đồ vật có thể chứng minh thân phận của người này, thấy cuốn sổ anh bèn vội vàng giở ra xem, các trang viết chi chít những chữ nhỏ li ti như đầu mẩu dây thừng, kèm theo tranh minh họa rất cổ quái kỳ bí. Tư Mã Khôi xem lướt qua một lượt, cũng biết nội dung ghi chép trong cuốn sổ đều là các pháp môn, phương thuật của dân biệt bảo. Đợi khi lật đến trang cuối cùng, Tư Mã Khôi cảm thấy đầu óc “ong” lên một tiếng, cả thân thể dường như bị thùng nước đá đổ ụp xuống: Thì ra thân phận lúc sinh thời của cái xác này chính là Triệu Lão Biệt chứ không phải ai khác”.