Đăng vào: 11 tháng trước
Từ sau khi bước vào thế kỷ hai mươi đến nay, một biến động dữ dội chưa từng có trước đây đã diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, thời kỳ này chính là niên đại tràn ngập mâu thuẫn, xung đột và cải cách, đồng thời cũng là niên đại hủy hoại nền văn minh xã hội nghiêm trọng nhất.
Chỉ trong thời gian mười mấy năm ngắn ngủi, đã liên tiếp diễn ra hai cuộc đại chiến thế giới, tổng số người chết lên tới con số trăm triệu; dư âm của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và chiến tranh lần thứ tư ở Trung Đông vẫn chưa kết thúc. Đối với thế giới mà nói, năm 1974 vẫn là một năm tanh nồng mùi máu.
Đầu thu năm ấy, Tư Mã Khôi và Hải ngọng cùng giáo sư Nông địa cầu bước chân vào dải đất ven triền tây của đại sa mạc. Sa mạc Lopnor mênh mông rộng trên hai trăm cây số vuông, nằm kẹp giữa bồn địa Tháp Lý Mộc và sa mạc Gobi, tỉnh Cam Túc, phía bắc giáp với sa mạc Kuruktag, phía nam giáp với núi A-erh-chin. Nơi đây từng là yết hầu trọng yếu của con đường tơ lụa nổi tiếng một thời, trong lòng nó từng tồn tại cổ quốc Lâu Lan phồn thịnh bậc nhất trong các nước Tây Vực. Bây giờ bóng dáng của đoàn lạc đà đã dần dần xa khuất, tiếng chuông lảnh lót rung theo từng bước chân lạc đà đều bị cuồng phong thổi tan tác, tất cả chỉ còn lại một miền cằn khô hoang tàn với dải cát vàng trải dài miên man.
Phía đông bắc sông Khổng Tước từng là cơ sở thực nghiệm “kinh thiên động địa”(1), vì đại bộ phận khu vực đông bắc hoang mạc, bao gồm cả thành cổ Lâu Lan thời đó đều bị quy hoạch thành khu cấm địa quân sự, không ai được tự tiện lui tới, nếu chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Phía cực nam xa xôi của sa mạc là đường viên của biển cát Kumtag, do chịu ảnh hưởng của những nhân tố có lợi như nước tuyết tan chảy trên núi A-erh-chin, nên khu vực lân cận vẫn tồn tại một vài vùng hỗn hợp trồng trọt hoặc chăn nuôi du mục. Trạm bổ xung cuối cùng trước lai phân đội trắc họa tiến vào sa mạc, chính là nông trường khai hoang số 34, đó là vùng đất nằm nhô ra ở giữa Nhược Khương và Baxkorgan.
(1) Thực nghiệm kinh thiên động địa: chỉ cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1964.
Năm đó, bộ đội giải phóng Tân Cương là quân dã hiến Tây Bắc, cũng chính là quân đoàn dã chiến số 1, sau khi các cuộc chiến tranh với quy mô lớn nối tiếp nhau kết thúc dưới lời kêu gọi của các vị lãnh đạo quốc gia, khu vưc này được phục hồi, phát triển và kiến thiết sản xuất để trở thành vùng trọng điểm. Đến tận bây giờ, những nơi này vẫn để lại rất nhiều nông trường đặt tên theo phiên hiệu của đơn vị bộ đội khai hoang. Nông trường khai hoang số 34 được xây dựng ở Baxkorgan là một trong số đó. Khu vực tiếp giáp gần nó nhất là sườn tây nông trường Thắng Lợi của huyện Nhược Khương, hai bên cách nhau khoảng 180 km theo đường chim bay.
Tuy Nông trường khai hoang số 34 được gắn mác đoàn thể, nhưng vì khu vực này có xu hướng sa mạc hóa ngày càng nghiêm trọng, nên khi mới bắt đầu thì còn nhìn thấy chút hy vọng, nhưng sau nhiều năm đấu tranh không ngừng nghỉ với gió và cát, cuối cùng mọi người cũng phải thừa nhận nơi này không phù hợp để khai khẩn nông điền, thế là hàng loạt nông trường viên lũ lượt rút xuống phía đây chỉ còn sót lại mấy chục hầm cát(2) sơ sài, già trẻ gái trai cộng lại không đến trăm khẩu quy mô của nó cùng lắm cũng chỉ tương đương với đơn vị xây dựng chế độ liên cấp – cấp trực thuộc của chế độ xây dựng kiến thiết binh đoàn.
(2) Hầm cát: là nơi ở đơn giản trong khu vực bị sa mạc hóa. Người ta đào một hố sâu chừng một mét trên mặt đất, xây tường thấp bao quanh, trên nóc để đất quải hạt và tán lá che đỉnh. Phần lớn các bộ đội công trình Tân Cương ở vùng ven sa mạc đều cư ngụ trong hầm cát này.
Thành viên chủ yếu ở Nông trường số 34 là thanh niên trí thức và gia quyến của các quân nhân đến khai khẩn và định cư lâu dài. Công việc hàng ngày của họ chủ yếu là sửa chữa và bảo vệ trạm bơm. Căn nhà hai tầng nho nhỏ phía trước chính là trạm bơm số 9, đó là căn phòng tử tế duy nhất ở Nông trường khai hoang số 34, đồng thời cũng là công trình kiến trúc tiêu biểu ở vùng ven sa mạc này.
Kết cấu địa chất ở đây không phù hợp để đào kênh ngầm như ở các bồn địa ven vùng thường thấy, nhưng nhờ có trạm bơm cũng có thể hút được mạch nước ngầm nằm rất sâu dưới lòng đất, chất lượng nước tốt ngoài sức tưởng tượng, uống vào ngọt mát thanh khiết, trong những ngày hạn hán thiếu nước, dân du mục bản địa chẳng quản đường xá xa xôi vất vả, vẫn đến đây lấy nước.
Từ nơi cao nhất trên nóc trạm bơm số 9, nơi có cắm một lá cờ đỏ, vươn tầm mắt nhìn về hướng nam sẽ những dãy núi trọc trải dài đến tận chân trời, và màu tuyết trắng chấm phá trên những ngọn núi cao. về hướng bắc sa mạc Kumtag rộng mênh mông vô tận, phía đông toàn là bãi hoang sa mạc, địa mạo xen kẽ phức hợp theo chiều sâu bao gồm sa mạc, hoang mạc, câu cốc, hồ muối. Tên cổ của dải địa mạo này là Hắc Long Đôi, hay còn gọi Đại Sa Bản. Khu vực này quanh năm bị gió lạnh miền bắc sa mạc hoành hành, thiên tai liên tục xảy ra, nên trong vòng vài trăm cây số không hề tồn tại bất kỳ dấu tích nào của sự sống. Ngay từ thời Hán Đường xa xưa, người ta chỉ có thể sử dụng lạc đà làm phương tiện di chuyển chủ yếu, và khó có thể đi xuyên qua biển cát tử thần rộng mênh mông đó. Bởi thế từ trước đến nay con đường ấy được coi là con đường kinh hoàng, không ai dám lui tới. Trong ‘Đường thư’(3), người xưa còn gọi nó là “vùng đất gió độc quỷ ác”.
(3) Đường thư: sử ký thời Đường
Trên đường đến Tân Cương, Tư Mã Khôi từng nhiều lần hỏi bác Nông địa cầu về những chuyện có liên quan đến thành cổ của vua Chăm Pa và Nấm mồ xanh, nhưng giáo sư luôn luôn né tránh trả lời. Sau khi các thành viên khác đều tới Nông trường khai hoang số 34, giáo sư bèn bảo mọi người tập trung ở trạm bơm số 9 để họp bàn bí mật.
Cấp dưới của giáo sư chỉ có bốn người, ngoài Tư Mã Khôi và Hải ngọng ra, còn có đội trưởng liên lạc phụ trach nối máy điện đàm không dây, tên là Lưu Giang Hà. Anh ta là một quân nhân trẻ tuổi mắt to mày rậm, vốn là trẻ mồ côi, con của một liệt sĩ thuộc Lữ đoàn 359 tiến quân vào Tân Cương, sau đó được cặp vợ chồng trong đội lạc đà nhận nuôi dưỡng và mang về Baxkorgan. Từ nhỏ anh ta đã cùng cha mẹ nuôi đến khu du mục Ba Châu, Mông Cổ cắt lông cừu kiếm sống. Anh ta cũng biết cưỡi ngựa săn bắn, giàu kinh nghiệm hành quân trên sa mac và hiểu rất rõ về địa hình và khí hậu ở khu phụ cận sa mạc Kumtag.
Người còn lại là thành viên đội trắc họa, tên là Thắng Hương Lân. Cô nàng tuy còn khá trẻ nhưng kiến thức và lòng dũng cảm đều hơn người, trước đây đã từng theo đoàn khảo cổ ba lần vào sâu trong sa mạc Tengger ở Nội Mông, hoàn thành nhiệm vụ trắc họa địa hình đặc biệt. Tư Mã Khôi và Hải ngọng đều thấy Thắng Hương Lân rất quen mắt, dường như đã gặp ở đâu rồi thì phải, sau này qua giáo sư Nông giới thiệu, mới vỡ lẽ cô gái trước mặt chính là con gái của giáo sư Thắng Thiên Viễn, cũng là em họ của Thắng Ngọc, trách gì ánh mắt, thần thái có nét hao hao giống nhau, chỉ có điều Thắng Hương Lân xuất thân tù gia đình trí thức cao cấp nên thiếu đi chút di-gan, nhưng lại thêm vào phần thân thiện, còn khí chất can trường, cùng sự tinh nhanh thì không hề thua kém Thắng Ngọc.
Hồi đó, có bà con họ hàng ở nước ngoài thì không phải chuyện gì vẻ vang cho lắm, bởi vậy nên Tư Mã Khôi không kể về Ngọc Phi Yến cho Thắng Hương Lân nghe còn Thắng Hương Lân căn bản cũng không biết mình còn có một người chị họ ở mãi tận nước Anh xa xôi. Cô mất bố từ nhỏ, nên ký ức về người cha rất nhạt nhòa. Tuy không tiếp tục theo nghề khảo cổ của bố, do bị mẹ ngăn cấm nhưng vẫn có thể coi cô vừa là học sinh vừa là trợ thủ đắc lực của bác Nông địa cầu.
Tư Mã Khôi cảm thấy việc này có gì đó không ổn, bèn hỏi giáo sư Nông: tôi thấy tổ chức phân đội trắc họa của chúng ta chỉ là đội quân nhiều thành phần, lại tập trung tạm thời, người thì là phần tử trí thức, người là nhân viên kỹ thuật, người là quân nhân, tất cả cũng chỉ có năm người, với lực lượng này mà xông pha vào sa mạc liệu có mỏng quá không?
Bác Nông địa cầu gật đầu xác nhận: “Bây giờ nhân lực trong nhóm chúng ta đúng là có hơi thiếu thật, nhưng trước khi vào sa mạc, chúng ta còn đón thêm mấy phân đội khoan thăm dò điều từ Karamay, Tân Cương đến, tổng cộng tất cả cũng đến vài chục đầu người. Có điều, tôi phải nhấn mạnh lần nữa với các cậu, lần hành động này sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ngoài dự liệu, thậm chí còn nguy hiểm đến cả tính mạng, nếu bây giờ có người muốn rút chân ra khỏi đoàn thì vẫn còn kịp, tôi tuyệt đối không ngăn cản.
Ông đợi một hồi, không thấy ai lên tiếng, bèn kể tình hình thật sự:
Căn cứ vào địa lý cổ mô tả, vòm trời được chia ra làm bốn cực, đại khái muốn nói ngoại trừ hai cực Nam, Bắc trên thế giới ra, còn có hai cực trên và dưới; điểm cực trên là đỉnh Chomolungma còn vực sâu giống như hắc động nằm bên dưới sa mạc Lopnor chính là cực dưới lòng đất. Nó tồn tại trong sự lặng lẽ bất diệt của vạn cổ từ khi xuất hiện đất trời vạn vật, nhật nguyệt chưa bao giờ chiếu đến được nơi đó. Tháng 4 năm 1901, nhà thám hiểm lừng danh người Thụy Điển – Sven Anders Hedin, đã phát hiện ra một tòa Phật tháp nằm sâu dưới lòng sa mạc, người ta khai quật được một cuốn kinh cổ, trong đó có nhắc đến “cực vực”. Kinh văn viết bằng tiếng Phạn, đã mô tả cực vực là một cơn ác mộng bất tận, nhưng đáng tiếc thay, vị trí cụ thể của nó thế nào thì cho đến tận ngày nay vẫn chưa ai khảo chứng được.
Khi giáo sư Thắng Thiên Viễn theo đuổi công tác khảo cổ thám hiểm ở các nơi như bán đảo Đông Dương, ông đã phát hiện thấy một số manh mối cụ thể liên quan đến cực vực. Năm 1953, khi trở về tổ quốc, giáo sư đã báo cáo thực trạng vấn đề phát hiện được. Một phân đội trắc họa, căn cứ vào những manh mối do giáo sư cung cấp quả nhiên đã tìm thấy một huyệt động nguyên sinh được hình thành vào thời kỳ đá đông kết dưới một vùng nào đó ở phía tây nam sa mạc.
Đến năm 1955, Liên Xô đưa đoàn chuyên hàng loạt thiết bị khoan thăm dò hạng nặng sang Trung Quốc. Miệt mài suốt ba năm, cuối cùng nhờ vào kết cấu thiên nhiên của huyệt động nguyên sinh, họ đã đào được một đường ngầm dài gần mười ngàn mét, trực tiếp thông sâu xuống lòng đất. Người Liên Xô quen hình dung vực sâu dưới lòng đất là kính viễn vọng địa cầu, ý muốn nói đường hầm này giống như chiếc kính thiên văn giúp con người nhìn xuyên thấu mọi vật chất nằm trong tâm Trái Đất bởi vậy con đường ngầm dẫn đến cực vực, được đặt tên là “kính viễn vọng Lopnor”.
Cuối năm 1958, việc đào kính viễn vọng Lopnor cuối cùng cũng được hoàn thành, lúc đó có một đội khảo sát liên hợp Liên Trung bất ngờ mất tích trong lúc đi xuyên qua đường ngầm để tiến hành công tác thăm dò. Sau khi mọi liên lạc bị cắt đứt, mãi đến tận bây giờ, người ta vẫn không tìm thấy bất kỳ thi thể nào của thành viên trong đội, nên chỉ có thể phỏng đoán họ đã không may gặp nạn. Sau đó, môi quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô bắt đầu rạn nứt, trước khi đoàn chuyên gia Liên Xô rút lui, họ kiếm cớ cố tình dùng thuốc nổ phá hủy đường hầm, đồng thời tiêu hủy một lượng lớn các tài liệu và số liệu quý giá. Mọi bí mật mà người Liên Xô phát hiện được dưới lòng bị vĩnh viễn vùi sâu dưới cực vực kính viễn vọng Lopnor; trong khi đó, với năng lực và trang thiết bị của chúng ta thi không thể tiến hành khoan thăm dò khai quật ở độ sâu như vậy được; giờ đây đống đổ nát nằm sâu dưới lòng đất kia đã sớm bị gió cát nuốt chửng.
Năm đó giáo sư Thắng Thiên Viễn không được phê chuẩn tham gia lần hành động ấy, nhưng ông vẫn không từ bỏ, mà dốc sức tìm lại manh mối, đồng thời dự đoán có khả năng cực vực Lopnor còn có một lối vào khác Vì muốn điều tra rõ nguyên nhân việc đội khảo sát liên hợp Liên Trung lại gặp nạn năm đó, nên cấp trên đã đồng ý cho giáo sư dẫn đoàn tiến vào sa mạc. Nhưng năm 1963 đội khảo cổ do giáo sư dẫn đầu đã không may gặp nạn trên không, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi khí hậu khắc nghiệt, nên lần hành động này lại buộc phải ngừng lại. Đến lúc chết, giáo sư Thắng Thiên Viễn vẫn không thể tự mình tìm ra lời giải cho ẩn số kính viễn vọng Lopnor, nên đành lặng lẽ ghi chép lại toàn bộ dữ liệu vào cuốn sổ công tác cá nhân. Rồi trước lúc lâm chung, ông nhờ Lưu sư phụ trao cho giáo sư Nông địa cầu bảo quản. Căn cứ vào các quy định có liên quan, thì hành vi này vi phạm rất nghiêm trọng đến kỷ luật tổ chức, nên giáo sư Nông địa cầu đành phải thiêu hủy nó ngay khi xem xong.
Nhưng nhiêu năm sau, đại Cách mạng Văn hóa bung nổ, thiên hạ đại loạn, nơi nơi đều xảy ra phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân, công trình kính viên vọng Lopnor cũng mau chóng bị lôi ra ngoài ánh sáng, và những thành viên có tham dự vào kê hoạch này cũng đều bị vu oan là nội gián Liên Xô. Có điều, vì cấp trên của giáo sư Nông địa cầu khá tin tưởng ông, nên trong lúc nước sôi lửa bỏng đã bố trí cho ông xuống vùng nông thôn xa xôi, lấy cớ đưa đi cải tạo lao động để ngầm bảo vệ ông.
Mãi đến năm nay, bác Nông địa cầu mới được phục hồi chức vụ, thủ trưởng ra chỉ thị cho ông tiếp tục công việc của giáo sư Thắng Thiên Viễn, dẫn đoàn tiến vào sa mạc Gobi, khám phá mọi bí mật đang ẩn kín dưới kính viễn vọng Lopnor, đồng thời tìm kiếm tung tích các thành viên bị mất tích trong đội khảo sát liên họp Liên Trung năm đó. Thế nhưng do trở ngại về địa hình, nên mọi dữ liệu và điều kiện cung cấp cho chuyến hành động này đều vô cùng hạn hẹp, nên đành tiến hành công việc giống như mọi công việc khảo cổ hoặc trắc họa bình thường khác.
Bác Nông địa cầu còn nói rõ: “Điều kiện hạn hẹp cũng không đáng lo lắm, nhưng việc đặc biệt phải làm theo cách đặc biệt. Tổ chức đã cho phép tôi dẫn đoàn chứng tỏ cũng rất tin tưởng tôi, các thành viên trong đội thám hiểm tât cả đều do tự tay tôi lựa chọn, thà thiếu nhân lực cũng nhất quyết không cho kẻ ngoại đạo tham gia, nếu M^gthì thà tôi quay về ngồi nhà đá còn hơn. Nếu lỡ xảy ra vấn đề gì trong quá trình hành động, thì Tống Tuyển Nông tôi xin đứng ra lãnh mọi trách nhiệm”.
Tuy cấp trên đã phê chuẩn đề nghị của giáo sư, nhưng nhân sự ở các đơn vị sau Cách mạng Văn hóa đều bị điều động liên tục, rất nhiều các ban ngành rơi vào tình trạng kẻ ngoài ngành quản lý người trong ngành, thậm chí một số đơn vị còn không có người quản lý, bởi vậy giáo sư không thể tìm được người thích hợp, đúng lúc đó thì Tư Mã Khôi và Hải ngọng tình nguyện đi thay Lưu Hoai Thủy. Giáo sư Nông nhận thấy Tư Mã Khôi thông hiểu cổ thuật, đó chính là kế sách thần kỳ giúp họ hộ mệnh hồi thiên; hơn nữa, anh và Hải ngọng từng nhiều năm chiến đấu ở Miến Điện, lại có kinh nghiệm trinh sát, thân thủ nhanh nhẹn, hành sự quyết đoán, đúng là một người có thể địch mười người, nhưng điều quan trọng nhất là cả hai đều rất tháo vát linh hoạt, biết tùy cơ ứng biến, được sự trợ giúp của họ còn đáng tin cậy hơn nhiều lão Lưu Hoại Thủy của đội khai quật khảo cổ, bởi thế giáo sư đặc biệt kỳ vọng vào họ.
Giáo sư Nông địa cầu cũng nghe họ kể qua về lý do hai người gia nhập đội khảo cổ, có điều kiến thức về lịch sử Miến Điện hay Campuchia của ông đều có hạn, và ông cũng không đi sâu nghiên cứu thành cổ vua Chăm Pa, nên không thể giúp gì cho họ được.
Trước mắt, tất cả thông tin mà giáo sư có thể tiết lộ cho mọi người chỉ đến chừng ấy, những việc còn lại đều thuộc phạm trù bảo mật, chỉ khi cả đoàn vượt sông tiến vào cực vực Lopnor, thì ông mới có thể nói rõ việc bố trí bước tiếp theo như thế nào được.
Thắng Hương Lân cũng biết trước đôi chút nội tình, cô nàng tỏ ý nhất quyết đi theo đội thám hiểm đển cùng, anh chàng Lưu Giang Hà cũng thể hiện rõ quyêt tâm: “Cấp trên đã sắp xếp để tôi làm nhân viên liên lạc và hướng đạo cho đội thám hiểm, nghĩa là rất tin tưởng vào tôi. Huống hồ ngoại trừ mấy vị bô lão sống ở vùng du mục, thì chỉ có tôi từng đi qua Đại Sa Bản. Tôi khá thông thuộc tình hình khu vực này, hành quân trong sa mạc sợ nhất là lạc đường, tiếp đến là sợ gió cát, thứ ba là sợ mất nguồn nước, những vấn đề này tôi đều có thể ứng phó, không có tôi dẫn đường, chắc chắn đội thám hiểm không thể đến được địa điểm quy định, vả lại tiểu đội ta cũng không thể thiếu nhân viên thông tin được.”
Tư Mã Khôi lại nghĩ sự việc không đơn giản như thế, trước đây khi còn ở Miến Điện, anh từng nghe kể về “kế hoạch kính viễn vọng địa cầu”, cái gọi là “kính viễn vọng địa cầu” thực ra là chỉ một huyệt động sâu hàng chục ngàn mét, gần như vực không đáy, nếu đem khe núi Dã Nhân sâu hơn hai ngàn mét ra mà so sánh với độ sâu của vực thì chẳng khác nào lấy trứng chọi đá, chẳng trách lão Lưu Hoại Thủy chưa gì đã vội đánh trống thu quân; thì ra lão giáo sư hói này muốn tổ chức một đội cảm tử đi sâu xuống thế giới dưới lòng đất, không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là cuộc hành trình xuống địa ngục đi tìm thần chết