Đăng vào: 12 tháng trước
Phải đến năm lớp 3, bệnh của Lâm Tri mới được phát hiện.
Trước đó, cậu chỉ là một em bé ngoan hơi ngố một tẹo trong cảm nhận của phụ huynh và giáo viên.
Hồi còn nhà trẻ, bé Lâm Tri không có gì khác biệt với những đứa trẻ còn lại.
Nhảy múa, ca hát, vẽ tranh, đếm số, giáo viên dạy thế nào, thì cậu sẽ làm theo như thế.
Cha mẹ của Lâm Tri đều ưa nhìn, nên cậu càng xinh xẻo đáng yêu.
Hồi bé cậu ngoan vô cùng, cũng không hay quấy khóc, nên các cô và các bạn đều rất quý cậu.
Khi ấy, Hứa Như – mẹ của Lâm Tri làm việc trong xưởng máy móc, người bố Lâm Kiến thì đi buôn bán bên ngoài.
Cuộc sống của gia đình họ không phải sang giàu, nhưng cũng có thể coi là đủ đầy.
Về sau cậu lên tiểu học, tình hình dần thay đổi.
Ban đầu chỉ là giai đoạn học phiên âm.
A,o,e,b,p,m… Với những đứa trẻ bình thường, chúng chỉ cần đọc mấy lần là nhớ được mấy phụ âm và nguyên âm này.
Nhưng trong mắt Lâm Tri, chúng lại giống những con nòng nọc, vòng tới vòng lui, trông đều từa tựa như nhau.
Khi cả lớp viết chính tả, cậu luôn là đứa sai nhiều nhất.
Lúc các bé cùng đọc phiên âm với nhau, cậu cũng toàn đọc lộn sang âm khác.
May mà trong sách giáo khoa có rất nhiều tranh mô tả ngữ cảnh.
Hồi còn ở nhà trẻ Lâm Tri đã cực kỳ thích bôi vẽ, cậu cố gắng đối chiếu từng ký hiệu với những bức tranh hoạt họa và câu chuyện mà giáo viên kể, tốn bao nhiêu công sức, cuối cùng cũng nhớ đúng tất cả các chữ.
Sau nữa, là phải học chữ tương ứng với phiên âm.
Ban đầu, Lâm Tri vẫn theo kịp.
Chẳng phải chỉ là chuyển mớ chữ ấy thành một đống hoa văn sao? Cậu đồ lại theo chữ trong sách mấy lần, nghiêm túc đọc phiên âm, rồi cũng nhớ được.
Nhưng về sau, những chữ phải học ngày một nhiều, thì Lâm Tri phát hiện mình hơi hoa mắt váng đầu.
Tại sao các bạn xung quanh chỉ cần nhìn lướt qua là có thể đọc được hết câu ngay nhỉ? Tại sao lần đầu đọc cậu chỉ toàn thấy những đường nét hỗn loạn nhảy nhót, phải cố gắng phân biệt chúng, thì mới có thể ghép đúng được những hoa văn trong đầu với chữ Hán trên sách vở và bảng đen?
Lâm Tri không biết.
Cậu cũng không dám nói với người khác về thế giới trong mắt mình.
Ở lớp có một bạn rất dốt Toán, mỗi lần làm sai bài tập, giáo viên dạy Toán toàn bắt bạn ý xòe tay ra, vụt thước vào lòng bàn tay bạn ý.
Lâm Tri lén lấy thước ra khỏi hộp bút của mình, thử vụt lên lòng bàn tay.
Đau quá.
Cậu không muốn bị đánh.
Hơn nữa, cậu đọc chậm lại một tí, nhận mặt từng chữ, là vẫn hiểu được mà.
Chắc hẳn cậu, không ngu đâu ý?
Thế giới của con trẻ đơn giản vậy đấy.
Lâm Tri không cảm thấy đây là chuyện lớn gì.
Ông Lâm bình thường công việc bộn bề, ít khi về nhà.
Bà Lâm bận làm nội trợ, chăm vén cuộc sống cho chồng và con trai.
Cả bố và mẹ đều không chú ý đến tình hình học tập của con mình lắm, nên cứ thế, một mình Lâm Tri chăm chỉ làm theo phương pháp học tập của riêng cậu, học lên đến tận lớp 3.
Vì gặp khó khăn trong việc đọc chữ, nên lần nào làm bài Lâm Tri cũng làm rất chậm.
Bài tập bình thường còn đỡ, cậu có thể dành nhiều thời gian ở nhà để làm hơn, nhưng đến lúc thi thố, thì Lâm Tri còn chẳng thể làm xong nổi bài thi.
Dần dà, thành tích của cậu từ từ đi xuống.
Hứa Như vẫn luôn cho rằng con trai mình chỉ không nhanh nhạy bằng những đứa trẻ khác, ngốc nghếch chút thôi.
Dù gì bình thường con mình học hành làm bài vô cùng nghiêm túc, không có vẻ gì là ghét học.
Con thích làm nũng với cô, cũng hay chơi cùng tụi nhóc cùng tuổi.
Ngoài việc bé hơi trầm hơn lũ con trai tuổi ấy, thì biểu hiện của Tiểu Lâm Tri hoàn toàn không có gì khác biệt với những đứa trẻ bình thường khác.
Mãi đến lớp 3, trong một cuộc thi đọc đặc biệt, điểm của Lâm Tri đội sổ cả lớp.
Sau khi trả bài về, giáo viên Ngữ Văn gọi Lâm Tri đứng dậy, nghiêm khắc phê bình đáp án râu ông nọ cắm cằm bà kia của cậu trước lớp.
Bình thường, Lâm Tri hơi mờ nhạt trong lớp.
Thường thì giáo viên sẽ thích các em chủ động phát biểu thể hiện, có điểm số xuất sắc hơn.
Còn với những học sinh dốt điểm thấp, họ hay chú ý vào mấy đứa nghịch ngợm thích gây chuyện.
Lâm Tri chẳng liên quan gì đến hai thái cực này, điểm của cậu nằm ở tầm trung, biểu hiện bình thường, không hay lên tiếng, nhưng được cái cần cù chăm chỉ.
Trong một lớp 40-50 em, giáo viên hiếm khi điểm danh tới cậu.
Chẳng ai ngờ nổi, một lần phân tích bài thi tầm phào lại tạo ra hậu quả khôn lường và không thể khắc phục trong quá trình trưởng thành và cuộc đời sau này của một đứa trẻ.
Đoạn văn khiến Lâm Tri bị điểm 0 cũng chẳng dài.
Nó chưa đến nửa trang giấy, nội dung về một câu chuyện ngụ ngôn ngắn.
Có hai đứa trẻ, một bé thích đánh đàn, muốn làm nhạc sĩ; một bé yêu hội họa, muốn làm họa sĩ.
Không may thay, cậu bé muốn làm nhạc sĩ đột nhiên bị điếc; cậu bé muốn làm họa sĩ, bỗng nhiên bị mù.
Về sau hai em gặp được một ông lão.
Ông lão khuyên hai em rằng… Cậu bị điếc sẽ chuyển qua học vẽ tranh, cậu mắt mù thì bắt đầu đánh đàn… Rốt cuộc, cả hai đều gây dựng được thành tựu trong lĩnh vực của mình, nổi tiếng khắp năm châu.
Đoạn văn không dài, câu hỏi cuối bài cũng rất đơn giản.
Một câu là yêu cầu gạch đường lượn sóng dưới câu nói dẫn dắt hai đứa trẻ theo đuổi đam mê mới của ông lão; còn câu kia, là đặt một câu có từ “rốt cuộc”.
Ông lão chỉ nói tổng cộng hai câu trong cả đoạn văn.
Đề hỏi rất rõ ràng, ngoài Lâm Tri ra, các em khác đều trả lời đúng câu đầu tiên, chỉ mình Lâm Tri là gạch cả hai câu luôn.
“Đọc đề ấy, em không đọc đề hả? “Dẫn dắt hai đứa trẻ theo đuổi đam mê mới”, mấy chữ to thế này, để chó ăn hết hay sao?”
Giáo viên Ngữ Văn cầm bài thi của Lâm Tri, giận sôi máu, “Còn cả bài đặt câu này nữa!”
“Cả lớp đều viết “rốt cuộc”, còn em xem lại xem em viết gì? “Mỗi khi trời rét cực, mẹ đều mặc áo bông thật dày cho em”! Cô biết thời tiết bây giờ rất lạnh, nhưng em Lâm Tri à, cái từ “rốt cuộc” cô bảo em viết nó đang ở đâu?”
(Từ mà Lâm Tri phải viết là “终于” – rốt cuộc, nhưng do mắc chứng khó đọc nên ẻm đọc nhầm thành “冬天”, nghĩa là mùa Đông.
Em có sửa lại một chút cho bạn đọc dễ hình dung hơn.)
Lũ trẻ nít bé xíu, chưa hiểu “hành quyết công khai” là gì, nhưng nghe giáo viên đọc lại đáp án của Lâm Tri, cả lớp đều cười vang.
Chỉ mình Lâm Tri, đứng trước bàn học, là hoang mang bối rối siết chặt đôi tay, không biết nên trả lời thế nào.
Hóa ra, không phải là gạch chân hết những lời ông lão nói à.
Hóa ra, không phải là đặt câu với từ “rét cực” à.
“Được rồi, cô đã chỉ ra vấn đề giúp em rồi đấy.
Em Lâm Tri, em dẫn trước đi, đọc diễn cảm lại từ đầu đến cuối đoạn văn này cùng các bạn.
Sau tiết này, em tự sửa lại đáp án đúng bằng bút đỏ, rồi nộp cho giáo viên nhé.”
Giáo viên Ngữ Văn cũng không muốn chì chiết Lâm Tri quá nhiều trước lớp, nên để cơ hội cho cậu sửa lỗi.
Đoạn văn này có ngụ ý rất hay, cô muốn cho cả lớp đọc lại lần nữa, ôn bài cũ học bài mới.
Nhưng cô giáo đợi mãi, mà vẫn chưa thấy Lâm Tri mở miệng.
“Sao đấy? Sao em không bắt đầu đọc bài đi?”
Giáo viên Ngữ Văn cau mày, “Có hai đứa trẻ… Chuẩn bị, bắt đầu!”
“Có, có hai đứa trẻ, một bé thờ ích, thích…”
Lòng bàn tay Lâm Tri rịn mồ hôi.
Tầm nhìn của cậu mờ nhòe, những con chữ rối ren hỗn độn khiến người ta hoa mắt đang nhảy loạn lên nhanh hơn bất cứ lúc nào trước đây.
Cậu chỉ có thể cố gắng mở to mắt, nhận diện từng chữ cái trên tờ giấy thi.
“Một bé thích nhạc sĩ, muốn làm… người đánh đàn… Một bé, một bé yêu họa sĩ, muốn làm… nhà hội họa…”.