Chương 68: Khi Kết Thúc Cũng Là Lúc Bắt Đầu

Kim Ngọc Kỳ Ngoại

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Biên tập: Ginny.

Ngày đại quân lên đường, khí trời quang đãng, dân chúng xếp thành hàng kéo dài tới tận cửa thành, cả nạn dân đang trú tạm ngoài thành cũng dõi mắt ngóng theo đoàn quân bắc phạt.

Cố Sâm ngồi trên lưng một con chiến mã, thần sắc lạnh nhạt không nhìn ra hỉ nộ.

Mạnh lão tướng quân quay đầu nhìn thiếu niên tuổi còn chưa đến mười ba ấy, đoạn, thả chậm tốc độ cho chiến mã đi song song với chiến mã của Cố Sâm, nhỏ giọng nói: “Thái tử điện hạ nếu hối hận, hiện tại vẫn còn kịp quay đầu, một khi qua khỏi cửa thành, có hối cũng không kịp.”

Cố Sâm nhướng mày: “Mạnh lão tướng quân sao lại nói những lời này?”

“Theo thần thấy, chuyến này điện hạ đi cũng vô ích. Chu Nguy đã phế, chỗ dựa lớn nhất của Đại hoàng tử không còn, điện hạ ở lại kinh thành thì còn có thể ngăn cản áp chế bước tiếp theo của các vị khác, so ra vẫn hữu dụng hơn là xuất chinh, ngược lại, điện hạ đến bắc cương rồi, lưỡng quân giao tranh, chuyện ngoài ý muốn gì cũng có thể xảy ra, điện hạ nếu cả mạng cũng không còn thì lấy gì để mà tranh vị?”

Cố Sâm chỉ cười không đáp.

Mạnh Đình Uy kinh ngạc hỏi: “Điện hạ cớ sao lại cười? Lẽ nào thần nói sai điều gì sao?”

Cố Sâm từ tốn nói: “Nếu là một người nào khác nói với cô mấy câu này, cô tuyệt không thấy buồn cười, nhưng mấy câu này lại xuất ra từ miệng của Mạnh tướng quân, khiến cho người ta không khỏi suy nghĩ. Nếu chuyện gì cũng phải cân nhắc lợi hại trước, vậy xin hỏi tướng quân, ở độ tuổi lục tuần của ngài, với thân xác đã quá tuổi vẫn xung phong dẫn năm vạn đại quân bắc phạt, chẳng hay có ích gì?”

Hai mắt Mạnh Đình Uy sáng ngời, ông ngẩng nhìn trời cao, ánh nắng rọi xuống quá chói mắt làm ông phải giơ tay cản bớt, lão tướng thong dong đáp: “Lão phu chinh phạt sa trường hơn nửa đời người, vì quốc vong thân, da ngựa bọc thây, đây đã là ý chí bình sinh rồi.”

Cố Sâm cười nói: “Tướng quân đại nghĩa, cô đây kém xa tướng quân, lòng cô chỉ nghĩ được một điều, giang sơn Cố Thị, nên do người họ Cố trấn thủ.”

Tay nắm dây cương của Mạnh Đình Uy run lên, ngoái đầu nhìn thiếu niên lần nữa, gương mặt thiếu niên chưa thoát hẳn nét trẻ con, nhưng đôi mắt lại đặc biệt thâm trầm sắc bén, đến cả ông cũng không cách gì nhìn thấu.

Xuyên qua gương mặt thiếu niên, Mạnh Đình Uy như vừa gặp lại Thái Tông hoàng đế thời trẻ, một người sâu không lường được, tài năng nội liễm, lại không giấu được tư thế muốn làm chủ đất trời. Vị đế vương ấy từng đứng trên đỉnh Thiên Sơn, chỉ tay xuống non sông tươi đẹp bên dưới, nói với ông rằng: “Phồn Sinh, ngươi xem, từ nay về sau, vạn dặm giang sơn này mang họ Cố.”

Mạnh Đình Uy thu lại tầm mắt, khóe môi nhuốm đủ tuế nguyệt phong sương nhấc lên nụ cười rất nhạt: “Là thần ngu muội.”

— Bệ hạ, ngài nhìn xem, hoàng tôn do đích thân ngài lựa chọn có thể gánh được nghiệp lớn của ngài.

Giữa đám người tiễn quân có một bạch diện thư sinh dắt theo một đứa trẻ cẩm y đang cố sức chen lấn, nom khá chật vật, hai người này không phải ai xa lạ, chính là Lưu Tấn Vân và Lục Tử Diên.

Lục Tử Diên cưỡi trên cổ Lưu Tấn Vân, liên tục thúc giục: “Lưu tiên sinh, cao thêm chút nữa, ta không thấy được gì hết.”

Nội tâm Lưu Tấn Vân khóc không thành tiếng, lúc trước y chắc chắn là váng đầu hoa mắt mới đồng ý với hầu gia, nhận lời làm tiên sinh dạy học cho cháu của ngài ấy, nếu biết trước sẽ thành như vậy, y thà rằng tiếp tục nương nhờ Kim Quang Tự, mặc kệ mấy tiểu sa di ở đó xem thường chế nhạo, vẫn tốt hơn là ngày nào cũng phải đấu trí đấu dũng với vị tiểu gia này.

Lưu Tấn Vân cố hết sức nhón chân, không quên nhắc nhở: “Diên tiểu ca, xem xong náo nhiệt chúng ta phải về hầu phủ ôn bài ngay đấy nhé. Nếu bị hầu gia phát hiện, hai chúng ta lâm đại nạn mất.”

Lục Tử Diên đáp: “Chờ chút, ta vẫn chưa thấy A Cẩm.”

“A Cẩm? Là vị Cẩm thiếu gia của Diệp gia ấy hả? Vị chủ tử này thân thể quý giá biết bao nhiêu, sao có thể đến mấy nơi hỗn tạp thế này góp vui được.” Câu sau Lưu Tấn Vân giấu nhẹm trong lòng, nhân gia người ta nhu thuận ngoan ngoãn, nào giống như tiểu gia ngài không dạy nổi.

Lục Tử Diên lắc đầu, tiếp tục rướn người nhìn ngó tứ phía, lầm bầm: “Thái tử điện hạ xuất chinh mà, xưa nay A Cẩm và thái tử rất thân, không thể nào không đến tiễn…”

Lưu Tấn Vân sửng sốt, vội vàng nhấc chân chạy theo đoàn đại quân phía trước, liều mạng nhìn theo đội ngũ bắc chinh: “Ngài vừa nói thái tử… thái tử theo quân xuất chinh sao? Đâu? Đâu nào?”

Lục Tử Diên giơ tay chỉ tới trước, nhỏ giọng nói: “Chứ sao, cái vị tiểu tướng mặc khôi giáp màu bạc đang đi cạnh nguyên soái đó, vị đó chính là thái tử điện hạ, ta nghe cữu cữu nói, là chính thái tử thỉnh nguyện tòng quân, hoàng thượng cũng muốn cổ vũ sĩ khí ba quân tiền tuyến nên lập tức đồng ý.”

Lưu Tấn Vân từ xa ngóng theo, đi cạnh Mạnh Đình Uy là một thiếu niên cưỡi chiến mã xích hắc, dáng người cao ngất, quanh thân như phát ra một loại khí tràng khiếp người, vừa nhìn đã thấy có sự khác biệt rõ rệt với người khác, đến cả Mạnh lão tướng quân chinh chiến nửa đời trên chiến mã khi đi cạnh người này cũng bị át mất mấy phần uy thế.

Lưu Tấn Vân không rõ vì sao cứ cảm thấy thái tử trông có chút quen mắt, nhưng càng nhiều hơn là nỗi kích động không thốt nổi thành lời, y trăm phương nghìn kế thi cử công danh là vì mong một ngày nào đó có thể phụ tá minh quân, làm một đại danh thần. Trong nhận thức của Lưu Tấn Vân, Khánh Tông đế không phải là minh quân, điểm này Lưu Tấn Vân từ lâu đã nhận rõ, cho nên mắt y dần chuyển tới mấy vị hoàng tử có khả năng kế vị.

“Thái tử điện hạ quả nhiên khí độ bất phàm…” Lưu Tấn Vân thật lòng cảm khái một câu.

Lục Tử Diên gật đầu tán thành, ngay sau đó lại lắc đầu nguầy nguậy, bây giờ thì đúng là như vậy, đáng tiếc, sau khi lên ngôi người này lại trở nên hồ đồ, tin dùng một gã hoạn quan, để cho tên gian nịnh ấy hoành hành, khiến bá quan văn võ sinh lòng bất mãn, thậm chí còn vì chuyện này mà đánh mất lòng dân.

Trên trà lâu, Diệp Trọng Huy đứng bên cửa sổ nhìn xuống đoàn quân dài như trường xà di chuyển bên dưới, nói với người phía sau: “Nếu đã tới thì qua nhìn một chút đi.”

Đứa bé phía sau vừa nâng chén trà lên, lặng thinh không đáp. Y biết nếu giờ mình ra ngoài nhìn thử, chỉ một cái liếc mắt thôi, thì hôm nay người nọ e là không đi được. Người nọ giấu y chuyện này không phải vì sợ y biết, mà sợ chính bản thân mình luyến tiếc không nỡ tách ra.

Diệp Trọng Huy đoạt chén trà trong tay Diệp Trọng Cẩm, đổ nước trà đã nguội lạnh đi, châm đầy một chén trà nóng khác, lần nữa đặt lại chén vào lòng bàn tay mềm mại của y, dịu giọng nói: “A Cẩm, đệ đừng lo nghĩ nhiều, chuyện mà đệ muốn làm đệ cứ tùy ý làm, sau lưng đệ luôn có Diệp gia chống đỡ, cho dù hôm nay…” Diệp Trọng Huy thoáng ngừng chốc lát, nói tiếp: “Cho dù hôm nay đệ muốn thái tử ở lại, cũng không phải là không thể.”

Đầu ngón tay trắng nõn của Diệp Trọng Cẩm vô thức vuốt ve quanh miệng chén, trầm ngâm đáp: “Có một chuyện A Cẩm nghĩ mãi vẫn không ra, ca ca rõ ràng rất ghét thái tử điện hạ, vì sao lại nói việc này cho A Cẩm biết, nếu ca ca không nói, đợi đến khi A Cẩm phát hiện thì thái tử đã rời kinh lâu rồi, điều này không phải càng hợp ý ca ca sao?”

Gương mặt tuấn tú bức người của Diệp Trọng Huy cứng lại, bất đắc dĩ cười cười một tiếng, đây chính là chỗ cao minh của Cố Sâm. Hôm ở Long Chỉ sơn, Cố Sâm cho hắn biết mấy ngày nữa phải đến bắc cương, hy vọng những ngày cuối cùng có thể vui vẻ ở bên A Cẩm. Ngôn từ khẩn thiết khi ấy của vị thái tử không khi nào đặt ai vào mắt này gần như đả động được lòng hắn, sau này ngẫm lại mới thấy, đây cũng là một cái bẫy rập cao minh của Cố Sâm.

Nếu hắn không nói, đợi khi Cố Sâm đi rồi, A Cẩm biết hắn biết chuyện mà lại giấu, tình cảm huynh đệ khó nói có sinh hiềm khích hay không, còn nếu nói, quả nhiên không tránh được việc phải chứng kiến cảnh A Cẩm vì thái tử mà ruột gan rối bời, lo lắng bất an. Nói hay không, chẳng có cái nào tốt cả.

Cái tên thái tử này, tự bản thân muốn đi xa, mà trước khi đi vẫn phải khiến hắn ngột ngạt khó chịu.

Diệp Trọng Huy liếc nhìn sườn mặt tinh xảo của đệ đệ mình, nhíu mày nói: “Bảo là chán ghét, chi bằng nói là ca ca đố kỵ thái tử thì đúng hơn, mỗi lần ta và thái tử cùng ở cạnh A Cẩm, ta thân làm huynh trưởng lại không khác gì người ngoài cuộc, thậm chí có nhiều lúc ta còn cảm thấy A Cẩm và thái tử giống thân nhân hơn là với người huynh trưởng này. Ca ca không muốn A Cẩm bị người khác cướp mất, nên mới đối nghịch với thái tử mọi lúc mọi nơi.”

Hắn ngừng lại cân nhắc một chốc, ngữ điệu bỗng trở nên cực kỳ nghiêm túc: “Nhưng nếu đứng ở góc độ thần tử, kỳ thật, ta rất tán thưởng thái tử điện hạ.”

Diệp Trọng Cẩm ghé môi vào miệng chén, nhẹ nhàng nhấp một hớp trà nhỏ, mím môi cười: “Thái tử điện hạ hẳn là cũng giống ca ca.”

Diệp Trọng Huy rảo bước tới cạnh cửa sổ, nhìn thiếu niên mặc khôi giáp ngân sắc phía dưới, xa xa tương vọng, hai người đồng thời ăn ý mỉm cười.

“A Cẩm, đã đến rất gần rồi, thật không muốn qua nhìn thử một chút sao?”

Bọn họ đều hiểu rõ, hôm nay nếu đứa bé phấn điêu ngọc mài kia bước tới gần cửa sổ, hô to một tiếng “Thái tử ca ca”, thì dù trước mắt có nhiều hoài bão hơn nữa, Cố Sâm vẫn sẽ dừng bước.

Thời gian tưởng như đình chỉ, tiếng hò reo huyên náo của đám đông thình lình lắng lại, cứ như chỉ còn sót lại ba người bọn họ.

Không biết qua bao lâu, ngỡ như đã trải qua tuế nguyệt, mà thực tế mọi chuyện chỉ mới dừng trong một cái chớp mắt mà thôi.

“Ca ca, huynh thay A Cẩm nhìn đi…”

Y lại hỏi: “Ngài ấy hôm nay mặc khôi giáp gì, đang cưỡi chiến mã gì, trên mặt mang thần sắc như thế nào, có uy phong không?”

Diệp Trọng Huy đáp: “Thái tử mặc một bộ khôi giáp ngân ngao hộ tâm, đầu đội mũ giáp long lân, cưỡi trên lưng xích hắc tuấn mã, nét mặc không vui không giận, cực kỳ uy phong.”

Nghe được đáp án, khóe môi Diệp Trọng Cẩm cong lên, y có thể tưởng tượng được rồi, người nọ lúc này uy phong lắm.

Làn sóng âm thanh ồn ào huyên náo của dòng người dần tĩnh lại, Diệp Trọng Huy bước đến cạnh Diệp Trọng Cẩm, nhẹ nhàng nói: “A Cẩm, về nhà thôi.”

“Vâng.”

Trên đời này, có một người, ngươi biết rõ mặt tốt của hắn, nắm rõ mặt xấu của hắn, hiểu rõ sự cường đại của hắn, nhược điểm của hắn, lúc hắn ở cạnh thì ngươi tìm mọi cách trốn tránh, cầu mong có một khoảng lặng để thở dốc, đến khi hắn thật sự muốn rời xa ngươi, ngươi lại không chịu được, lòng cứ vô cớ buồn lo, chẳng khác gì một kẻ thất hồn lạc phách.

Có lẽ, chỉ có thời gian mới có thể trả lời.

Mùa đông năm Khánh Tông thứ mười, Mạnh Đình Uy được phong làm Thiên Hạ Binh Mã Đại Nguyên Soái, suất lĩnh năm vạn binh sĩ tiến quân phương bắc, cùng lúc đó, tội tướng Chu Nguy bị áp giải hồi kinh, phe cánh Đại hoàng tử trọng thương, Khánh Tông đế ngày càng lạnh nhạt Đại hoàng tử, Tam hoàng tử Cố Hiền lập tức chớp lấy cơ hội, từng bước vững gót trong triều.

Qua hết năm, lệnh cấm túc của An Thành quận chúa cũng hết, trong ngoài vương phủ bận rộn chuẩn bị cho đại hôn sắp tới thì bỗng đùng một cái, tân nương đột nhiên mất tích, phủ Thượng thư lần nữa trở thành trò cười trong khắp các cuộc trò chuyện trà dư tửu hậu, hoàng đế vì muốn bù đắp cho La gia đã đổi lại lệnh điều quan cho con trai trưởng của La thượng thư là La Văn Thanh, cho trực tiếp nhậm chức Đại Lý Tự Thiếu Khanh.

Vốn là một quan viên lục phẩm bị điều đi xa nhậm chức, nháy mắt nhấc lên làm kinh quan ngũ phẩm [1], La gia triệt để không còn nửa câu oán hận, huống chi không cần phải rước An Thành quận chúa vào cửa, người nhà họ La chỉ hận không thể đốt pháo ăn mừng, nhưng vì ngại mặt mũi hoàng thất nên bên ngoài vẫn phải bày ra vẻ mặt tiếc hận không thôi.

[1] Kinh quan: Quan trong kinh thành, còn chức Lục phẩm của La đại công tử như dạo trước nói là bị điều đi làm huyện lệnh ở địa phương cách xa kinh thành.

Kỳ thi hội mùa xuân năm Khánh Tông thứ mười một, Lưu Tấn Vân đoạt được hội nguyên ngay lần đầu ứng thí, nghe đâu là dựa vào một bản quân pháp sách luận khiến cho Thành vương tán thưởng hết lời.

Nhắc tới vừa khéo, Thành vương chuộng võ dốt văn cả triều ai ai cũng biết, vậy mà vị trí chủ khảo hội thi chẳng hiểu sao lại rơi xuống đầu Thành vương, hóa ra là do hoàng đế tức giận cô cháu gái đào hôn nên giận lây sang cha của cháu gái, hạ lệnh chỉ định Thành vương làm Chung thẩm [2], phần nữa là vì trong lòng Khánh Tông đế vẫn còn ấp ủ hy vọng mong manh có thể mài dũa chút nào tính tình của đệ đệ mình.

[2] Chung thẩm: Người quyết định cuối cùng.

Trước khi Lưu Tấn Vân tham gia kỳ thi hội, Lục hầu gia nể tình thư sinh thời gian qua đã hết lòng dạy dỗ cháu mình, bèn mở miệng chỉ điểm một câu: “Tránh dài dòng vô nghĩa.”

Lưu Tấn Vân ghi khắc vào lòng, trong bản sách luận một câu nói thừa cũng tìm không thấy, câu nào câu nấy đánh thẳng vào trọng tâm, đâm ngay vào yếu điểm, Thành vương sợ nhất là đọc văn vẻ trau chuốt dài dòng, có mỗi một ý mà đám sĩ tử cứ vòng tới vòng lui, đột nhiên nhìn thấy một bài luận đơn giản nhưng rất rõ ràng, lại hay ở chỗ không dư cũng chẳng thiếu, hành văn lưu loát tinh tế, cộng thêm nhiều quan điểm trong bài cùng với suy nghĩ của mình không mưu mà hợp, như giữa một đống đất cát nhặt được một viên trân châu, hai mắt Thành vương phát sáng, tính sợ chữ vậy mà lại bay đâu mất, không nhịn được đọc lại bài viết thêm một lần nữa, sau đó yêu thích không nỡ rời tay, trực tiếp định luôn phách bản.

Thật ra lý luận của Lưu Tấn Vân không hay hơn người khác là bao, song vận khí thì khẳng định là tốt hơn nhiều, may mắn gặp được vị Bá Nhạc [3] Thành vương này làm chủ khảo.

[3] Bá Nhạc: Theo truyền thuyết Trung Hoa, Bá Nhạc nguyên là tên của một vị Thần cai ngựa trên Thiên đình, là bậc thầy am hiểu về ngựa, có thể xét đoán dựa vào dáng vóc. Vì vậy, tên gọi Bá Nhạc được người đời dùng để tán dương những người có tài xem tướng ngựa. Về sau, thành ngữ “Bá Nhạc tướng mã” được dựa trên câu chuyện Bá Nhạc tìm ngựa cho Chu Vương, dùng để nói về một người có thể nhận ra tài năng của người khác hoặc là một người trao cơ hội cho người khác thể hiện bản lĩnh. (*)

Lưu Tấn Vân trở thành tân hội nguyên năm nay, một mình đến Kim Quang Tự làm lễ hoàn nguyện, thứ nhất, tạ ân Lục hầu gia tương trợ chỉ điểm, thứ hai, tạ Thành vương ban ân tri ngộ, thứ ba, Tạ Lục tiểu công tử ngày ngày khó dễ, giúp y rèn tâm luyện tính. Còn một tạ nữa Lưu Tấn Vân không dám thốt ra, chỉ có thể âm thầm cảm tạ trong lòng.

Thứ tư, tạ An Thành quận chúa đã đào hôn, nếu nàng ngoan ngoãn thành thân theo thánh lệnh, sao đến phiên Thành vương vì bị giận lây mà bắt đi làm chủ khảo khoa thi đợt này.

Mơ mơ hồ hồ, tất cả nhân duyên gặp gỡ dường như đều được sắp đặt sẵn.

Nói đến đại quân bắc chinh, khi đến nơi, Dung An thành đã bị địch quân công hãm, Mạc thành và Bắc Diệp thành liên tiếp thất thủ, mấy vạn quân dân trong thành bị tàn sát gần như bằng sạch, tiếng trống vang vọng của Bắc Thát khơi dậy tinh thần chiến đấu thừa thắng xuôi nam, đã tiếp cận rất gần Trung Châu, không lâu sau Trung Châu cũng rơi vào thế bị công hãm, thủ phủ Trung Nguyên sắp sửa phơi bày ra trước ánh mắt thèm khát của địch quân, con dân Đại Khâu bắt đầu đêm không yên giấc.

Cố Sâm đứng trên cổng thành Trung Châu dõi mắt nhìn ra phương xa, hiện tại, hắn chỉ muốn triệt để trục xuất đám man di kia ra khỏi đại lục.

Đời trước bỏ lỡ, đời này hắn biết mình nên bù đắp từ đâu.

Mùa thu năm Khánh Tông thứ mười hai, tái bắc truyền về tin thắng trận, Binh Mã Đại Nguyên Soái Mạnh Đình Uy dẫn dắt tướng sĩ đoạt lại Mạc thành và Bắc Diệp thành, Bắc Thát liên tục đại bại, lui về cố thủ Dung An thành, Dung An thành dễ thủ khó công, song phương rơi vào thế giằng co không dứt.

Mùa đông năm Khánh Tông thứ mười ba, tái bắc lần nữa truyền tin thắng trận, nhờ kế sách của thái tử, đại quân bắc chinh qua một trận đánh lớn đoạt lại Dung An thành phòng thủ kiêng cố, một tiểu tướng tên Mạnh Thắng Nam lấy được thủ cấp của Kim Di đại vương tử, lập nên chiến công hiển hách, ngắn ngủi chỉ hai năm, Mạnh Thắng Nam liên tục lập công thăng lên hàm phó tướng.

Nửa tháng sau, Thành vương đích thân đến bắc cương khao thưởng tam quân, sau đó bừng bừng lửa giận quay về, đi cùng Thành vương còn có Binh Bộ Viên Ngoại Lang Lưu Tấn Vân thỉnh mệnh ở lại biên cảnh ngự địch.

Mùa xuân năm Khánh Tông thứ mười bốn, Mạnh lão tướng quân trong lúc tuần thị biên cảnh đã vĩnh viễn ngủ yên trên lưng ngựa. Mạnh Đình Uy, tự Phồn Sinh, là một trong những công thần theo chân Thái Tông hoàng đế sớm nhất, cả đời lập nên vô số chiến công, chưa từng chiến bại, Bắc Thát chỉ vừa nghe tên là biến sắc, Mạnh gia quân đi đến đâu, địch quân chạy trối chết đến đó. Tin tức vừa truyền ra, cả nước trầm giữa bi thương, Khánh Tông đế khi nhận được tin khóc ngất giữa triều.

Ngược lại ở biên quan, Bắc Thát nghe tin lập tức ngóc đầu trở lại. Bọn họ cho rằng sau Mạnh Đình Uy, Đại Khâu không còn nhân tài lĩnh binh nào nữa, lại không hề hay biết, danh tướng lịch sử của Đại Khâu chỉ vừa mở sang trang mới.

Mạnh Đình Uy qua đời báo hiệu cho một thời đại mới mở ra, nhóm tướng lĩnh trẻ tuổi bị vây dưới hào quang của Mạnh lão tướng quân bắt đầu viết nên thần thoại cho riêng mình

===========

Hết chương 68.

(*) Hàng sưu tầm

Thời Xuân Thu chiến quốc có một người tên Tôn Dương, là một bậc thầy am hiểu về ngựa, qua vóc dáng, ngoại hình là có thể tìm kiếm và biết được đâu là Thiên Lý mã – loài ngựa có sức khỏe dẻo dai, chạy xa vạn dặm, nhẹ như lông hồng, chân không in dấu, được người đời nể phục gọi là Bá Nhạc.

Tích kể rằng, có một hôm, Chu Vương yêu cầu Bá Nhạc tìm cho mình một con thiên lý mã, có thể ngày đi ngàn dặm. Bá Nhạc lặn lội khắp nơi mong tìm được ngựa quý, nhưng tìm không thấy giống ngựa như nhà vua mong muốn, mãi đến khi đi qua Kế Quốc, Bá Nhạc nhìn thấy một con ngựa đang thồ một xe chở muối đi lên dốc, nó cố kéo chiếc xe, mồ hôi ướt đẫm, đuôi thì cụp hẳn xuống. Bá Nhạc lại thấy con ngựa này thật đặc biệt bèn đến gần rồi dùng áo của mình để lau mồ hôi cho nó. Chú ngựa hí vang, đôi mắt mở to, như thể muốn nói với ông điều gì. Từ tiếng ngựa hí, Bá Nhạc nhận ra rằng đây là một con bảo mã.

Bá Nhạc mua lại ngựa và lập tức đem về cho Chu Vương. Chu Vương nhìn thấy bộ dạng gầy gò của ngựa thì hơi nghi ngờ. Bá Nhạc khẳng định đây chính là giống thiên lý mã mà nhà vua cần tìm, trong vòng nửa tháng nếu chăm sóc đầy đủ sẽ hồi phục sức lực.

Chu Vương giao nó cho người trông ngựa, dặn phải coi sóc nó cẩn thận. Quả đúng như lời Bá Nhạc, ngựa hồi sức rất nhanh, khi được nhà vua cưỡi nó có thể đi ngàn dặm mỗi ngày. Sau này bảo mã này đã lập được nhiều chiến công, khiến Chu Vương càng trọng vọng Bá Nhạc hơn nữa.

Câu chuyện này được ghi chép trong chương 7 cuốn “Hàn Thi Ngoại Truyện (韓詩外傳)”, một cuốn sách sưu tầm 360 mẫu chuyện và thơ trong thời Tây Hán (206 trước công nguyên – 23 sau công nguyên) được viết bởi Hàn Anh, một học giả đời vua Văn Đế.

Về sau, thành ngữ “Bá Nhạc tướng mã” được dựa trên câu chuyện này. Nó được dùng để nói về một người có thể nhận ra tài năng của người khác hoặc là một người trao cơ hội cho người khác thể hiện bản lĩnh.