Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm
Đăng vào: 12 tháng trước
Sau khi bước vào tháng ba, ánh nắng mặt trời đã tăng lên đáng kể mỗi ngày. Nhưng trong rừng vẫn thường xuyên có tuyết rơi, và đôi khi tuyết sẽ rơi liên tục trong vài ngày.
Đối với Dịch Huyền, kiểu thời tiết như thế này sao mà kỳ lạ quá thể, nhưng Hà Điền đã nói với anh rằng, từ bây giờ cho đến tháng tư, thỉnh thoảng trời vẫn sẽ có tuyết rơi.
Mùa xuân trong rừng bắt đầu vào tháng năm.
Có lẽ các loài động vật trong rừng cũng cảm thấy rằng mùa đông lạnh giá sắp kết thúc, mùa xuân đang càng lúc càng gần. Bộ lông của chồn, cáo và thỏ rừng đã dần chuyển màu. Mặc dù có một số thợ săn chưa bắt được đủ con mồi trong mùa đông vẫn muốn săn tiếp, nhưng lông thú lúc này đã không thể bán được giá nữa.
Nhiệt độ cũng dần dần tăng lên, đến trưa thì nhiệt độ ngoài trời chỉ còn khoảng âm 16, 17 độ.
Khi xuân phân đang đến gần, chiếc cầu dây do Dịch Huyền và Hà Điền chế tạo đã gần như hoàn thiện.
Ngày trước ông bà của Hà Điền đã thật sự quyết tâm xây dựng một cây cầu. Họ đã thu thập được cả một nhà kho dây leo dài.
Sau khi chắc chắn việc xây dựng cây cầu, hai người đã đi đến vách đá vài lần, đo chiều rộng thực tế của sông và khoảng cách giữa các mỏm đá ở hai bên sông.
Họ trèo lên những mỏm đá hai bên vách núi để xem trên đỉnh vách đá có cây cối hay đá nào có thể dùng làm trụ cầu hay không.
Có một lần, trong lúc họ đang nói chuyện và cười đùa trên đỉnh vách đá ở một bên, thì nhìn thấy hai anh em nhà họ Phổ xuất hiện trên vách đá ở phía bên kia.
Hà Điền và Dịch Huyền ngay lập tức ngừng nói chuyện, giơ vũ khí lên.
Nhưng không ngờ là hai anh em nhà kia lại không hề tỏ ra ác ý, có thể coi là khách sáo chào hỏi. Sau đó rời đi ngay lập tức.
Có vẻ như đây là một cuộc gặp gỡ tình cờ.
Hai anh em đang ở trong rừng cây đối diện, nghe thấy có người nói chuyện nên tò mò chạy ra xem thử.
Hà Điền kinh ngạc: “Tại sao bọn họ lại đột nhiên khách sáo với tôi như vậy?”
Dịch Huyền khẽ hừ một tiếng.
Trên đường về nhà, Hà Điền ngồi trên xe trượt, bỗng nhiên thở dài.
Dịch Huyền đang ngồi sau lưng Hà Điền, nghe thấy tiếng thở dài của cô thì thấp giọng nói: “Đừng lo lắng.”
“Hả?” Hà Điền quay đầu lại: “Lo lắng cái gì?
Dịch Huyền cười nói: “Không có gì. Tại nghe thấy tiếng cô thở dài.”
Hà Điền lắc đầu: “Tôi chỉ là đang cảm thấy có hơi đói bụng.”
Dịch Huyền cho rằng Hà Điền đang lo lắng chuyện sau khi anh rời đi thì nhà họ Phổ sẽ lại tìm đến gây chuyện với cô.
Sau khi cây cầu được xây dựng, họ có thể dễ dàng đi qua đi lại, vậy thì những người khác cũng có thể dễ dàng đi qua đi lại.
Dịch Huyền không định nói với Hà Điền rằng, khi anh rời đi, anh nhất định sẽ loại bỏ gia đình kia.
Nghĩ đến việc Hà Điền sống một mình trong căn nhà nhỏ trong rừng, ngày nào cũng tự nấu ăn, buổi tối cũng ngủ một mình, những gì cô nói cả ngày có lẽ chỉ là câu “chúc ngủ ngon” tạm biệt Gạo trước khi đi ngủ, không có ai trả lời lại cô cả… Dịch Huyền cũng thở dài.
Vừa mới thở dài xong, Hà Điền đã quay đầu lại cười với anh: “Xem ra cô cũng đói bụng rồi.”
Dịch Huyền nhìn đôi mắt như biết cười của Hà Điền, biết khóe miệng mình đang không tự chủ được mà nhếch lên. Anh cưỡng lại ý muốn hôn lên mắt cô, khẽ “ừ” một tiếng: “Tôi cũng đói rồi.”
“Vậy thì mau về nhà thôi. Nào, ôm chặt tôi vào! Chúng ta tăng tốc!” Hà Điền nói xong, cả hai tay vung dây cương, Gạo ngay lập tức chạy nhanh hơn, tuyết bắn tung tóe lên hai bên thành xe trượt.
Dịch Huyền do dự, duỗi tay ra ôm lấy eo và bụng của Hà Điền, lại do dự thêm một lúc rồi ngả đầu lên sau vai trái của cô.
Hà Điền đang mặc một chiếc áo khoác lông hươu dày, khi khuôn mặt của Dịch Huyền áp vào nó, những sợi lông hươu bị gió thổi bay lướt qua mặt anh. Anh khẽ nhắm mắt lại, mùi cơ thể của Hà Điền xộc vào mũi.
Trong vài tháng qua, mùi hương đặc biệt này đã trở thành biểu tượng của sự ấm áp, an toàn và thoải mái trong trái tim Dịch Huyền.
Sau khi về đến nhà, Dịch Huyền nhảy xuống xe trượt, đột nhiên nói với Hà Điền: “Tôi muốn cho cô một cuộc sống thật tốt.”
Hà Điền sững người một lúc rồi mỉm cười, nói: “Cô yên tâm, tôi sẽ luôn sống thật tốt.”
Hai người nhìn nhau một lúc, không hẹn mà cùng quay mặt đi.
Đêm đó, Hà Điền lấy ra một số bản khảo sát ghi chép số liệu, và cả chiếc bảng cát mà cô từng học viết chữ khi còn nhỏ, cô cầm một cành cây lên liên tục vẽ rồi lau đi, một lúc sau, cô lại trèo lên gác kho lục tung lên, tìm ra một quyển sách.
Ban đầu Dịch Huyền rất thích thú khi nhìn thấy vẻ ngoài nghiêm túc của Hà Điền, nhưng khi đi ngang qua cô, anh đã rất ngạc nhiên khi thấy trên bảng cát được viết giống như một hàm cosin hyperbol.
Anh đứng sau Hà Điền và quan sát kỹ hơn, phát hiện cô thật sự đang sử dụng công thức hyperbol để tính chiều dài của dây thừng.
Sau nhiều lần thảo luận và tính toán, xem xét mùa khô (tức là thời kỳ đóng băng) và khoảng cách từ chân cầu đến mặt nước khi mực nước lên cao nhất, chiều cao của cây cối và đá trên các mỏm đá hai bên bờ có thể làm tháp cầu, và khoảng cách đến mép vách đá, cuối cùng Hà Điền quyết định xây dựng một cây cầu dây với chiều dài 5,8 mét và rộng 0,8 mét.
Cầu được làm bằng sáu sợi dây thừng, trong đó có hai sợi dưới đáy, trên đó đặt những tấm ván nằm ngang, trên ván được kê một vài cọc tre làm bề mặt cầu. Dưới vách núi có một rừng tre lớn, chẻ tre thành dải dài sẽ dễ dàng hơn nhiều so với xẻ gỗ. Bốn dây thừng còn lại thì được lắp hai bên cầu để làm tay vịn.
Mỗi sợi dây thừng phải dài ít nhất 8,4 mét. Ngoài ra, cần thêm một số sợi dây thừng nhỏ để làm tay vịn hình chữ X hai bên, sẽ an toàn hơn và cũng có thể tăng cường độ chắc chắn cho ray cầu.
Vị trí mố cầu ở hai bên rất thích hợp, một bên vách núi có hai cây sồi thô to, bên còn lại thì có thể dễ dàng cố định dây thừng dưới vách núi.
Hiện tại bọn họ dư lại khá nhiều dây thừng. Ông bà cô thật sự đã dành rất nhiều thời gian để thu thập dây leo để xây cầu.
Khi sắp đến ngày xuân phân, Hà Điền lại làm một lần nhang khác.
Thời tiết của ngày xuân phân rất giống với thời tiết ở ngày đông chí, bão tuyết cũng đến một cách đột ngột và không có dấu hiệu dừng lại.
Nhưng lần này, chỉ trong ba ngày là tuyết đã ngừng rơi.
Sau khi tuyết ngừng rơi, Hà Điền và Dịch Huyền đã chuẩn bị xong tất cả mọi thứ.
Vào ngày xây cầu, trước khi đi ra ngoài, Hà Điền đặt một dĩa gốm đựng cát trên bàn, cùng Dịch Huyền đứng song song với nhau ở sau cái bàn, dùng một cành bách thấp nhang lên, yên lặng cầu khấn.
Lời cầu khấn kết thúc, cả hai nhìn nhau mỉm cười.
Họ dắt theo Gạo, mang theo lều vải, than củi và thức ăn, dựng trại trong rừng cây dưới vách đá, tạm thời ở lại đó, dự định sau khi dựng xong cầu thì sẽ về nhà.
Lúc rạng sáng, Dịch Huyền nghe được một tiếng “cạch” phát ra từ trong rừng trúc bên ngoài lều, liền tỉnh ngủ. Anh biết có một con mồi nào đó đã giẫm phải bẫy do Hà Điền đặt.
Anh xoay đầu lại, mượn chút ánh sáng của lửa trại bên ngoài lều nhìn kỹ Hà Điền đang nằm ở bên cạnh.
Sau đó, anh duỗi tay phải ra đặt ở mép chăn, do dự một lúc, cổ tay đã tê dại vì lạnh cử động, nhanh chóng vươn ngón tay nhẹ nhàng lướt dọc theo lông mày của Hà Điền hai lần. Từ đỉnh chân mày cong nhất và cao nhất cho đến phần đuôi mảnh. Sau đó trượt từ đỉnh chân mày đến cuối chân mày, dừng lại ở phần nhạt nhất. Bên ngoài chăn bông lạnh lẽo, mày của Hà Điền vô thức nhíu lại.
Đầu ngón tay của anh dừng ở đuôi lông mày của Hà Điền, ánh mắt không khỏi nhìn vào môi cô.
Môi của Hà Điền rất đầy đặn nhưng miệng lại rất nhỏ, khi cô chìm vào giấc ngủ, đôi môi có hơi chúm lại, nhìn từ một bên, trong cô cứ như đang hôn một bông hoa vô hình.
Lại giống như một quả anh đào.
Một quả anh đào nhúng mật.
Để ngăn đôi môi nứt nẻ, Hà Điền bôi một loại thuốc mỡ lên môi vào mỗi buổi sáng và tối, giúp đôi môi căng và sáng bóng. Cô còn đưa cho anh một hộp để anh mang theo, bất cứ lúc nào cũng có thể lấy ra bôi.
Thuốc mỡ được đựng trong một chiếc hộp phẳng làm bằng ống tre mỏng cỡ hai ngón tay, nắp cũng bằng tre, phần mép nắp buộc một dây da mỏng, có thể đóng chặt lại.
Dù tay có bị gai gỗ hay gai tre đâm vào, bị dao cắt hay vô tình bị bỏng, lập tức bôi thuốc mỡ này lên; từ bên ngoài trở về, rửa chén, nhóm lửa và sau khi rửa tay cũng bôi thuốc một lần. Ngay cả bụng đầy hơi, bôi thuốc mỡ lên xoa vài cái, sẽ đỡ ngay lập tức.
Theo như lời của Hà Điền thì loại thuốc mỡ này có thể điều trị tất cả các loại vết thương nhỏ, như vết cắt và vết bỏng, vết bầm tím, ngoài ra nó cũng có thể giúp cho làn da khỏe mạnh, tránh bị viêm khớp khi về già.
Không biết khi còn bé bà cô đã nói với cô như thế nào, có vẻ như Hà Điền rất tin tưởng loại thuốc mỡ này. Nhưng thành phần trong đó chỉ là mỡ rái cá, sáp ong và một ít thảo dược. Anh ngửi được có mùi của bạc hà và mật ong.
Lúc này, lông mi Hà Điền run lên, Dịch Huyền vội vàng trở lại trong chăn, nhắm mắt lại giả vờ ngủ.
Anh nghe thấy Hà Điền trở mình và lầm bầm điều gì đó.
Sau rạng đông, Hà Điền vui mừng phát hiện ra một con gà tuyết đã bị mắc vào bẫy được đặt vào tối hôm qua.
Những con gà này rất nhút nhát và chỉ di chuyển vào ban đêm. Ngoài ra, thịt của chúng rất ngon.
Hà Điền xem xét các loại thực phẩm mà mình mang theo, cuối cùng chọn một củ cải trắng lớn. Cô sẽ làm một món ăn đặc biệt.
Sau khi ăn sáng, Dịch Huyền nhấc chiếc giỏ mây đầy dây thừng lên xe trượt, để Gạo kéo đến dòng sông đóng băng.
Bây giờ, họ sẽ đặt dây thừng trên các vách đá ở cả hai bên.
Họ buộc dây da vào hai bên dây thừng, rồi lại buộc một viên đá vào dây da.
Hà Điền trèo lên một vách đá, Dịch Huyền nối hai cọc tre dài lại với nhau rồi buộc dây da vào đó, nâng lên, đưa nó cho Hà Điền.
Hà Điền cố định dây da xong, Dịch Huyền leo lên vách đá cùng cô kéo dây thừng nặng nề lên. Đầu tiên, anh buộc lỏng dây da vào hai cây sồi đã chọn, sau đó leo sang phía bên kia của vách đá lặp lại quá trình này, kéo dây thừng lên cố định chúng trên tảng đá sẽ làm trụ.
Sau đó, cả hai quay trở lại gốc cây sồi và thắt chặt dây thừng lại.
Họ cũng làm một cái bàn tời đơn giản dưới gốc cây sồi, để Gạo dùng sức kéo, bàn tời chuyển động, dây thừng càng thêm siết chặt.
Sau khi tất cả sáu sợi dây thừng đều đã được cố định và thắt chặt, mặt trời cũng đã nghiêng về phía tây.
Nhưng trong lòng Hà Điền lúc này lại vô cùng rạng rỡ, cô nhìn chiếc cầu treo thô sơ sừng sững trên vách núi, hét vào khu rừng bên bờ đối diện: “A-a-“
Chiến công này xứng đáng được ăn mừng.
Trước đó Hà Điền đã hỏi Dịch Huyền, biết rằng chỗ của anh cũng ăn mì, vì vậy cô đã lên kế hoạch khi nào đó sẽ làm món này.
Trở lại khu cắm trại dưới núi, Hà Điền để Dịch Huyền đun sôi nước trước, còn cô thì trộn bột mì mà mình mang theo với nước ấm trong bình nước, nhào, nắm bột đập nhiều lần lên thành chậu sắt, sau đó dùng khăn ẩm phủ lên trên, để bột nghỉ ngơi.
Lúc này, nước cũng đã sôi.
Hà Điền nhổ lông và rửa sạch gà tuyết, mổ lấy nội tạng, cắt lấy phần ức gà và một phần mỡ vàng nhỏ gần nội tạng.
Sau đó, cô lấy một củ cải trắng lớn, gọt vỏ, cắt nhỏ, rắc một thìa muối và ngâm trong chậu một lúc, đợi cho muối thấm đều, sau mười phút, nước trong củ cải sẽ được muối đẩy hết ra ngoài.
Chắt bỏ nước, bọc củ cải đã cắt nhỏ vào khăn vải để vắt hết nước còn lại, cho thịt ức gà và mỡ đã băm nhuyễn vào, thêm chút bột năng, khuấy đều thành hỗn hợp sền sệt.
Ngồi bên nồi nước sôi, Hà Điền dùng muỗng nhỏ múc một thìa thịt gà củ cải, nhẹ nhàng thả vào nước sôi, nó biến thành một viên tròn, viên tròn rất nhanh đã nổi lên, đã được nấu chín.
Một chậu thịt đều được vo hết thành viên, một phần được để riêng ra, để lần sau lấy ra dùng.
Lúc này bột mì trong chậu cũng đã dậy mùi.
Dịch Huyền nhào bột lần nữa rồi đưa cho Hà Điền.
Cô ngồi trước nồi nước sôi, lấy một miếng bột, vo tròn, kéo mỏng, kéo dài cho đến khi sợi mì dài nhất, khi sợi mì bị đứt thì cho vào nước sôi, rồi lại tiếp tục kéo số bột còn lại giống như vậy.
Cô đưa cho Dịch Huyền một cục bột mì: “Cô cũng thử đi!”
Hai người vừa làm vừa chơi, làm ra một nồi mì, sau đó cho những viên thịt gà củ cải vào, ăn cùng với một ít củ cải khô.
Ăn xong tô mì này, cả người họ đều ấm cả lên.
Những viên thịt gà còn lại được đặt trong một hộp gỗ, đã sớm đông cứng lại.
“Lần sau lấy ra nấu lẩu.” Hà Điền cười nói.
Phần bột còn lại được cán thành từng lát mỏng rồi cắt thành từng dải dài bằng ngón tay, gộp ba hoặc năm dải lại cùng nhau, vo thành sợi rồi để đông lạnh. Tất nhiên, món mì kéo bằng tay này cũng có thể được cho vào nồi lẩu, Dịch Huyền nói, sau khi ăn hết rau và thịt trong nồi, cuối cùng nhấn mì xuống trong nồi nước lẩu, sợi mì sẽ hấp thụ các thành phần đã chần trong nồi trước đó. Ăn một chén mì được nấu theo cách này thì mới có thể được tính là trọn vẹn.
Sau một lần ăn cá nhúng, Dịch Huyền đã kể cho Hà Điền nghe nhiều hơn về món lẩu này.
Trong rừng không có bò và cừu, nhưng có cá và gà, sau khi băng tan, sông lại chảy, các ao đầm giữa rừng lại trở thành nơi giàu lương thực. Các loài chim di cư lại bay về kiếm ăn, ve vãn, đẻ trứng quanh ao, lúc này chim trời, vịt trời, chim nhạn, ngỗng rừng…, tôm cá trong sông cũng nhiều hơn.
Tôm sông có thể dùng làm chả tôm, nhiều loại nấm, rau rừng, cũng có thể làm nguyên liệu nấu lẩu.
Họ thảo luận đủ mọi thứ về cách chế biến món ăn ngon hơn. Mặc dù bên ngoài lều vẫn còn là thế giới băng tuyết, nhưng bên trong lều, hơi thở của mùa xuân đã phảng phất đâu đây rồi.