Đăng vào: 12 tháng trước
Lưu thị không ngờ mình lại có tin vui, tính tính ngày thì đúng là trúng thưởng vào mấy hôm ăn tết.
Nàng ta cáu tiết lườm Trường Phú nhưng cuối cùng trong lòng vẫn nhiều phần xấu hổ và vui mừng.
Nhà Đào Tam gia lại thêm cháu vì thế vợ chồng ông vui không khép được miệng, đặc biệt là Lý thị, gặp ai cũng khen Tống Tử nương nương ở Thiên Phật Sơn linh nghiệm.
Lưu thị không ngờ con lớn đã 14 mà mình còn mang thai được vì thế dù vui mừng nhưng nàng cũng lo lắng.
Trường Phú thì vui tươi hớn hở an ủi vợ lại bị Lưu thị oán trách: “Còn không phải tại chàng sao? Qua mấy năm nữa là được ôm cháu rồi mà giờ còn sinh nữa, nói ra ai cũng cười!”
Trường Phú nghe thế thì chỉ cười ngu si và không nói thêm gì nữa.
Đại Bảo và Nhị Bảo biết Lưu thị mang thai thì đều vui mừng.
Đại Bảo nhờ người gửi chút đồ ăn và tiền công về, Nhị Bảo thì nhờ sư phụ kê mấy thang thuốc an thai gửi cho.
Lý thị liên tục khen hai đứa nhỏ hiểu chuyện, Tam Bảo nghe thế càng ghen tị vì thế hắn càng thêm cần mẫn, ngày nào cũng cướp việc mà làm.
Mỗi ngày hắn vừa giúp đỡ Lý thị nấu nước rửa rau vừa bưng cơm rót nước cho mẹ.
Nữu Nữu không chen được chân vào chỗ nào nên vui vẻ ở bên cạnh trò chuyện với Lưu thị.
Lưu thị uống mấy thang thuốc dưỡng thai thì cũng yên lòng, cả ngày mơ màng ngủ không có tinh thần lắm.
Trương thị giao Tiểu Ngọc Nhi cho Nữu Nữu trông hộ và giúp đỡ Lý thị xử lý việc nhà.
Lúc Trương thị mang thai Tiểu Ngọc Nhi thì không nghén lắm, ngoại trừ thích ăn ớt ngâm dấm ngoài ra nàng ta không ngán cái gì.
Lưu thị lại khác, phản ứng cực lớn, không ngửi được mùi tanh, không ngửi được mùi dầu, càng không ăn nổi thịt khô, chỉ có thể uống cháo trắng, ăn màn thầu.
Lý thị nhắc mãi: “Thai này tám phần lại là con gái rồi, từ trong bụng đã bắt bẻ.”
Trường Phú cười hề hề nói: “Con gái tốt, con gái thật tri kỷ.”
Lưu thị vừa ăn màn thầu vừa lườm chồng nhưng tên kia chỉ cười hề hề đáp lại.
Tiểu Ngọc Nhi bị Trương thị chiều quen nên lúc ôm cần lắc lư nếu không nàng sẽ gân cổ lên khóc.
Bảo mẫu Nữu Nữu mỗi ngày chỉ có thể ôm đứa nhỏ lắc lại lắc, lúc thì cho nàng xem Đại Hoa, lát sau lại đổi qua xem Hoàng Hoàng.
Nếu Tiểu Ngọc Nhi vui thì sẽ cười vài cái, nếu không vui sẽ khóc rống lên.
Trương thị giống như có thuận phong nhĩ, chỉ cần nghe thấy con gái khóc là bất kể đang ở góc nào trong viện nàng ta cũng sẽ hỏa tốc xuất hiện trước mặt Nữu Nữu và ôm Tiểu Ngọc Nhi dỗ dàng lắc lư sau đó vô cùng ôn nhu nói: “Ngoan nào, bé ngoan đói bụng à, để nương cho con ăn nhé!” Sau đó nàng sẽ bế con về tây phòng.
Nữu Nữu chờ bên ngoài chọc chọc Đại Hoa, trêu trêu Hoàng Hoàng chờ tới khi Trương thị đi ra nhẹ giọng nói: “Nữu Nữu, Tiểu Ngọc Nhi ngủ rồi, cháu trông ở bên ngoài, nếu con bé tỉnh thì gọi nhị thẩm nhé.”
Nữu Nữu đáp vâng rồi ngoan ngoãn canh bên ngoài.
Kỳ thật Tiểu Ngọc Nhi mà tỉnh thì căn bản không cần Nữu Nữu gọi người vì tiếng khóc rung trời kia lập tức có thể gọi Trương thị về.
Sau ba tháng tình hình ăn uống của Lưu thị được cải thiện, nhưng cả người nàng ta gầy một vòng, sắc mặt cũng vàng vọt.
Lý thị lo lắng đứa nhỏ bị ảnh hưởng nên thường để Trường Phú đi trấn trên mua chút xương cốt về hầm, gà mới ấp vào mùa xuân bà cũng không do dự mang ra làm thịt bồi bổ cho con dâu.
Đương nhiên Tiểu Ngọc Nhi cũng có phần, canh xương hầm và canh gà nấu ra nàng đều có một bát.
Sắc mặt Lưu thị dần hồng hào hơn, mà Tiểu Ngọc Nhi thì càng khoa trương hơn, cả khuôn mặt tròn vo như cục bột.
Trương thị ôm con gái mê mẩn, thói quen thích véo mặt, véo mông trước kia hoàn toàn biến mất, Lý thị thấy thế thì trêu ghẹo: “Mặt Tiểu Ngọc Nhi mềm mụp thế kia sao con không véo cho đã đi?”
Trương thị lập tức bày ra bộ dạng đau lòng nói: “Thì con đau lòng, đây là con gái ruột của con mà!”
Lý thị trợn trắng mắt hỏi: “Thế Tứ Bảo là nhặt được từ bãi rác à?”
Trương thị ngượng ngùng nói: “Nương, chuyện trước kia ngài nhắc đến làm gì?”
Nữu Nữu còn nhớ rõ lúc nhỏ bị Trương thị ôm vào lòng véo mông thế là nàng cười tủm tỉm nói: “Nhị thẩm, cháu vẫn còn nhớ rõ chuyện ngày xưa, đợi Tiểu Ngọc Nhi lớn một chút cháu cũng muốn véo mông nàng.”
Biết rõ Nữu Nữu chỉ nói đùa nhưng Trương thị vẫn đau lòng cực kỳ.
Nàng ta ôm Tiểu Ngọc Nhi lắc lắc nói: “Về sau chúng ta không ai véo mông hay véo mặt nữa nhé, chứ không nói ra người ta lại cười chê!”
Lưu thị vừa cười vừa kéo Nữu Nữu qua và nói: “Nữu Nữu, nhị thẩm nói cái gì con phải nghe, về sau không được véo mông tiểu muội muội biết không?”
Nữu Nữu chỉ cười nhưng không chịu gật đầu, vì thế Trương thị đành phải dùng đòn sát thủ.
Nàng ta cười nói: “Chờ đại tẩu sinh em bé rồi ta cũng để Tiểu Ngọc Nhi đi véo mông hắn!”
Lý thị tức quá cầm mặt giày định đánh Trương thị nhưng nàng kia đã nhanh chóng ôm Tiểu Ngọc Nhi cười hì hì chạy ra ngoài.
Lý thị vừa cười vừa mắng: “Cái đồ không đàng hoàng này, không biết trong đầu nàng nghĩ cái gì nữa!”
Nhưng Trương thị vừa nói thế thì Nữu Nữu lập tức khuất phục.
Nàng cười và nói với Trương thị: “Nhị thẩm nói lời phải giữ lời đó!”
“Đương nhiên, nhị thẩm chưa bao giờ không giữ lời cả!” Trương thị nói.
“Được, nữ tử một lời tứ mã nan truy!” Nữu Nữu nghiêm túc nói.
Mẹ chồng nàng dâu cười bò ra, Nữu Nữu thì duỗi tay sờ sờ bụng mẹ mình và cũng vui vẻ cười.
Thời tiết dần dần ấm áp hơn, cây mận trong viện nở hoa chi chít, gió vừa thổi qua là cánh hoa lập tức rơi xuống như mưa.
Hoa đào và hoa lê đã bung từng chùm trên cành cây, đây đó thấp thoáng vài chiếc lá xanh giấu dưới nụ hoa chờ thời tiết vừa lúc là sẽ bùng lên lấn át tất cả.
Quanh thôn là đồng ruộng chỉnh tề, từng luống lúa mạch xanh mượt chỉnh tề, vài ruộng rau cải nở hoa vàng xen kẽ hấp dẫn ong bướm tới hút mật.
Quanh đường ruộng mấp mô có vài ba cây đào được trồng rải rác, hiện tại chúng cũng đang hé nụ.
Những cây nào ở nơi có ánh sáng tốt thì nụ hoa đã nở rộ, cánh hoa hồng phấn điểm xuyết nhị vàng, lá xanh nhìn đẹp không thể tả xiết.
Sau lập xuân lúa mạch lên xanh mượt nhờ được bón phân tưới nước, trông cực kỳ khả quan.
Đào Tam gia mang theo con cháu ra đồng làm cỏ, có cây cải dầu mọc hoang, hành mọc hoang, rồi yến mạch hoang và nhiều thứ cỏ dại khác đều phải nhổ sạch, rau ấy có thể mang về cho heo ăn.
Rau dưa cũng đang nảy mầm, đợi một thời gian nữa là tới lúc gánh phân bón cho tụi nó.
Người nông dân thuận theo thời tiết mà gieo giống thu hoạch, từng năm từng ngày đều là những công việc tuần hoàn.
Chờ đến mùng năm tháng năm thì Đại Bảo và Nhị Bảo đã học việc được tròn một năm.
Hai đứa cao hơn, cũng khỏe mạnh cường tráng hơn, da trắng, cả người điềm đạm.
Cả nhà thấy thế thì cực kỳ vui mừng.
Lý thị lại nói chuyện với Lưu thị về chuyện đính thân của Đại Bảo nhưng tên kia nhanh chóng lấy cớ nói: “Bà nội, nhà ta còn chưa xây nhà mới, cháu cũng còn nhỏ, lại chờ mấy năm nữa cũng được.”
Lúc này Lý thị mới bừng tỉnh: “Đúng rồi, nhà ta mà xây xong nhà ngói thì càng dễ tìm vợ cho hai đứa.
Đến khi ấy chúng ta chậm rãi chọn là được.”
Lưu thị cũng đồng tình vì thế Đại Bảo nói tiếp: “Hơn nữa, tháng 10 này nương sẽ sinh, chăm sóc đứa nhỏ cũng tốn công sức.
Chuyện của cháu chờ đệ đệ và muội muội lớn hơn chút lại nói cũng không muộn!”
Lý thị và Lưu thị đều gật đầu, Đại Bảo thấy bà nội và mẹ đều bị thuyết phục thì trong lòng cũng nhẹ nhàng thở ra.
Ai biết hắn lại thấy ánh mắt mang ý cười của Nhị Bảo thế là lập tức ném cho tên kia một ánh mắt kiểu ‘đệ cứ chờ đi, sẽ sớm tới lượt đệ thôi’.
Các nữ nhân đều bị thuyết phục, chỉ có mình Đào Tam gia là cảm thấy ưu thương.
Ông vừa cảm thán thời gian trôi cực nhanh, lại cảm thán thời gian trôi quá chậm, còn phải đợi bao nhiêu năm nữa mới được ôm chắt trai đây.
(Hãy đọc thử truyện Thượng Công chúa của trang Rừng Hổ Phách) Đặc biệt là mỗi lần chơi cờ với Đào lão đại và thấy ông ta cười tủm tỉm ôm chắt trai với bộ dạng tự đắc thản nhiên là ông lại hâm mộ và ghen ghét cực kỳ.
Trước kia ông còn có thể thắng 2,3 ván nhưng hiện tại tâm tư rối loạn nên toàn thua.
Mà điều càng khiến người ta phẫn hận chính là Đào lão đại còn đưa quân cờ mình ăn được cho chắt trai chơi.
Thằng bé kia sẽ ôm lấy quân cờ tướng tròn tròn sau đó gặm cho dính đầy nước miếng.
Nếu nó không thích chơi sẽ buông tay để quân cờ lăn xuống bàn cờ làm loạn hết cả lên.
Đào Tam gia sẽ nhân cơ hội đó chơi xấu, mà Đào lão đại cũng không so đo chỉ nhẹ nhàng bâng quơ nói một câu “Làm ván khác!”
Cái phần hào phóng thanh thản này khiến Đào Tam gia hâm mộ ghen ghét đã đành nhưng thậm chí còn cáu.
Ông sẽ thở phì phì đẩy bàn cờ ra và nói: “Không chơi!”
Lúc ấy Đào Đại gia sẽ cười tủm tỉm khuyên vài câu thế là hai người lại bắt đầu ván cờ khác.
Đại Bảo nhìn biểu tình của Đào Tam gia thì cũng đoán được 7,8 phần vì thế hắn nhanh chóng chuyển đề tài: “Ông nội, nếu năm nay lại tích cóp tiền thì liệu sang năm có đủ tiền xây nhà chưa?”
Đào Tam gia tính toán một chút và nói: “Hiện tại nguồn thu chính của cả nhà đều dựa vào bán heo, bán gà.
Bây giờ thêm tiền công của hai đứa vậy tiền cũng tích nhanh hơn chút.
Ngày thường bán rau và trứng thì chỉ đủ mua đồ trong nhà dùng, chúng ta lại không bán lương thực, thi thoảng lễ tết cũng phải bỏ tiền lễ mừng.
Ta tính nếu tích cóp thêm năm sau nữa thì mới coi như miễn cưỡng đủ.
Chẳng qua xây nhà xong tiền trong nhà sẽ chẳng còn gì, nếu gặp chuyện cần tiền thì sẽ không có cái mà dùng.”
Nhị Bảo nói: “Ông nội, tới tháng 5 năm sau nữa là cháu qua 3 năm đầu rồi, khi ấy cháu sẽ được tăng tiền công, đến lúc đó cháu sẽ học tập chăm chỉ với sư phụ, tình hình nhà ta cũng sẽ chậm rãi tốt hơn.”
Đại Bảo cũng nói: “Ông nội, cháu cũng sẽ nỗ lực làm việc, tranh thủ sớm lên làm tiên sinh quản sổ sách, như thế tiền công sẽ nhiều hơn.”
Tam Bảo nói: “Ông nội quên cháu và Tứ Bảo rồi sao? Năm sau bọn cháu cũng có thể kiếm tiền, có phải không Tứ Bảo?”
Tứ Bảo gật đầu ngay còn Đào Tam gia thì vui mừng cười nói: “Ta làm việc trước giờ đều sẽ để lại đường lui, chờ ba năm nữa nhà ta sẽ xây nhà cũng không muộn.
Trong tay có dư dả tiền thì làm gì cũng thoải mái, kiên định.”.