Chương 41: 41: Gả Mười Cô Vợ Cho Thần Là Tính Trùng Hôn Hay Gì

Cả Giới Giải Trí Đều Mong Tôi Im Miệng

Đăng vào: 12 tháng trước

.


Đột nhiên trở nên ầm ĩ như vậy, bầu không khí ăn cơm hòa thuận ngay lập tức đông cứng.
Đứa bé đang khóc nháo khoảng chừng bảy, tám tuổi, đúng là đang ở trong thời kì ngỗ nghịch.

Nó vừa khóc thì mọi người cũng không ăn nữa, ai nấy đều nhìn về phía bên này.
Người đứng bên cạnh chính là mẹ cậu bé, lúc này cô cũng đang chau mày, thấp giọng răn dạy: "Con không lo ăn cơm đàng hoàng mà nói bậy gì đó!"
Đứa bé kia hoàn toàn không nghe thấy những lời này, hai tay nó vẫn quơ quơ trong không khí, nước mắt nước mũi tèm lem trên mặt, run run chỉ tay vào một người lớn mà nó không quen biết, miệng vẫn nói: "Tìm anh ta, tìm anh ta kìa."
Theo hướng mà cậu bé vừa chỉ thì đúng là mâm mà ê-kíp ngồi, ngón tay nó lại đúng lúc chỉ vào Đường Trạch đang ngồi bên cạnh Mạnh Thiểu Du.
Mẹ cậu bé vội vàng đè tay nó lại, mắng: "Ai cho con chỉ lung tung vào người khác?! Hôm nay con ngứa da đúng không!"
"Hôm nay không đánh con một trận là không được mà!" Sau đó cậu bé bị lôi về nhà, vừa bị tóm lấy lại vừa bị răn dạy.
Điều kì quái là, sau khi đứa bé chỉ vào người khác xong thì không còn khóc lóc om sòm nữa, tuy vẫn sợ hãi vì bị mẹ tóm nhưng nó không còn quái đản như lúc đầu.
Chờ mẹ con hai người đi rồi, mọi người vẫn còn ở lại bắt đầu rơi vào im lặng.
Bên cạnh ê-kíp là mâm bị đứa bé quấy phá, khi nhìn thấy bên đó bầy nhầy và cả biểu tình hơi khó coi của dân làng, người trong đoàn liếc nhau, trong lòng ai nấy dấy lên nỗi khác thường.
Trưởng thôn lúng túng nói: "Thật ngại quá, trong thôn đứa bé này luôn nghịch ngợm, để mọi người chê cười rồi..."
Đạo diễn lấy lại tinh thần, ông nhìn thoáng xung quanh rồi cười gượng nói: "Hiểu chứ, trẻ con mà." Sau đó những người khác cũng lấy lại tinh thần cứ như bấm nút bật trên máy quay phim, thôn dân nào cũng đi đến mâm của đoàn làm phim để bày tỏ sự áy náy, dù sao thì đang ăn cơm ngon lành, không ngờ lại xuất hiện một chuyện ngoài ý muốn như vậy.
Trưởng thôn vỗ vỗ Đường Trạch, nói một cách áy náy: "Thật ngại với cậu trai này quá, đứa bé kia khiến cậu sợ rồi..."
Đường Trạch bất ngờ, nghĩ đến việc đứa bé chỉ vào mình ban nãy, cậu ta cũng không biết đã xảy ra chuyện gì, gãi gãi đầu một lúc lâu, sau đó mới nói một cách ngây ngô: "Quên đi, quên đi, bé còn nhỏ mà..."
"Cậu nói gì vậy! Sao có thể quên đi được?!" Trưởng thôn tức giận nói, "Vì nó còn nhỏ nên mới không thể bỏ mặc được! Cậu yên tâm đi, ngày mai tôi sẽ bắt nó đến xin lỗi cậu!"
Trưởng thôn nhìn Đường Trạch, tức tối nói: "Cậu đó! Đừng có nuông chiều con nít biết chưa!!"
Đường Trạch: "..."
Giờ thì biết rồi.
Đợi đến khi bữa tiệc tàn.
Người trong đoàn trở về nơi ở của mình, rốt cuộc có người không kiềm được mà nói: "Tự dưng xảy ra chuyện như vậy, thật là đáng sợ..."
Người đó vừa thốt ra câu kia thì đã có người phụ họa theo: "Đúng đó, đúng đó, việc này cũng quỷ quái quá chừng."
Bọn họ nhìn thoáng qua Đường Trạch đang ngơ ngác, nói tiếp: "May mà mọi người trong thôn rất hiểu lí lẽ, không nuôi chiều trẻ con."
Quý An liếc qua Đường Trạch, cũng bảo: "Không biết cậu nhóc đó bị sao nữa, nhưng nếu cậu gặp chuyện thì nhớ đi tìm đại sư nha!" Đoạn cuối cùng là nói với Đường Trạch.
Đương nhiên vị đại sư này chính là Mạnh Thiểu Du.
Tin tức về việc Mạnh Thiểu Du trả lời câu hỏi tại hội nghị trao đổi tôn giáo lần trước khá ầm ĩ, đương nhiên là người trong ê-kíp cũng nhìn thấy.

Mạnh Thiểu Du thấy không có gì phải giấu diếm, nên có ai tới hỏi thì cậu đều trả lời.
Bởi vậy nên cả đoàn đều biết Mạnh Thiểu Du là một đạo sĩ chân chính.
Một bên mọi người cảm thấy kinh ngạc, bên còn lại thì thấy ngày nào Mạnh Thiểu Du cũng đến cùng thầy Dư, họ không kiềm nổi tâm trạng vi diệu.
Quý An vừa mở lời thì tất cả mọi người đều tỏ vẻ đồng tình, Đường Trạch bèn gật đầu, song lại nói: "Chắc chẳng liên quan gì đâu ạ, có thể là đứa bé kia thuận miệng nói vậy thôi..."
Ai mà dám chắc chứ? Quý An vỗ vai cậu ta, lại bảo: "Cứ cẩn thận là được!"
- -
Đến sáng hôm sau.
Tất cả mọi người đều thấy Đường Trạch bước ra khỏi phòng như một du hồn.
Vì tình huống tối hôm qua nên mọi người cũng không hề thấy bất ngờ.

Sau đó họ lại thấy Đường Trạch ngồi xổm xuống một góc, dáng vẻ hồn bay phách lạc, mãi đến khi Mạnh Thiểu Du xuất hiện thì hai mắt cậu ta mới sáng lên.
Chàng trai cao mét tám rơi nước mắt lã chã, nói: "Thiểu Du, cứu tôi với!"
Đường Trạch vốn không để ý đến chuyện tối qua, suy cho cùng thì cũng chỉ là lời nói bậy của một đứa trẻ thôi, một người lớn đã chín chắn thì sao có thể xem là thật được?
Mãi đến tối cậu ta nằm mơ.
Trong giấc mơ, có một người đàn ông vạm vỡ mặc áo giáp với diện mạo không rõ, gã ghé vào lỗ tai cậu ta nhắc: "Ngươi hứa với ta rồi, ngươi hứa với ta rồi, ngươi hứa với ta rồi..."
Gã đã niệm là niệm luôn cả tối, trong giấc mơ Đường Trạch chỉ còn nghĩ được mỗi mấy câu này, đến khi tỉnh lại cậu ta chỉ cảm thấy đầu óc tiều tụy.

Sau khi Đường Trạch tỉnh lại thì cả người đều mệt mỏi, thậm chí bên tai vẫn còn vương lại câu nói của người trong mộng.
Điều quan trọng là cậu ta còn chẳng biết mình đã hứa cái gì!
Mạnh Thiểu Du bị giữ chặt, khi nghe cậu ta kể thì cậu ngẫm lại về các trường hợp mình thường gặp rồi nói: "Không phải là do cậu hứa đâu, mà là do đứa bé kia hứa hẹn rồi lại không thực hiện, cho nên tên đó mới tìm đến cậu đó."
Bất kể là trong tôn giáo hay là văn hóa dân tộc thì đều có một điều luật bất thành văn trên phương diện hứa hẹn.

Đó là sau khi đạt được ước nguyện thì phải thực hiện lời hứa.
Những nguyện vọng này hệt như vận thế mà thần linh cho mượn vậy, có mượn thì phải trả, có trả thì mới không gặp nạn.

Bởi vậy nên khi cầu nguyện với phật, nếu nguyện vọng được thực hiện thì sau đó phải trả lễ cho thần, có tiền thì đúc tượng vàng, không có tiền thì đến dâng hai nén hương.
Yêu cầu không quá nhiều, nhưng nhất định phải trả lễ.
Tình trạng của Đường Trạch kết hợp với hành vi của đứa bé ngày hôm qua, hiển nhiên là đứa nhỏ kia đã được ban nguyện vọng nào đó, kết quả là nó không chịu đáp lễ, cuối cùng còn đẩy sang người qua đường.
Đúng là một thằng bé ghê gớm!
Sau khi Mạnh Thiểu Du thuật lại tình huống, vẻ mặt Đường Trạch như đưa đám, cậu ta nói: "Không cần biết đứa bé đó hứa hẹn cái gì thì tôi cũng phải nghe theo à?"
Về mặt lí thuyết thì là vậy...
Có người không nhịn được mà nói: "Vậy nếu đứa bé kia nói sẽ gả mười cô vợ cho thần thì cũng phải giúp nó thực hiện sao?"
Câu nói kia vừa thốt ra, vẻ mặt những người còn lại đều phấn khích hẳn lên.
Nếu là vậy thật thì có được xem là trùng hôn* không?
(Trùng hôn: Phá vỡ quy ước một vợ một chồng.)

Cái này hơi lố rồi, nhìn qua tình trạng của Đường Trạch, tối hôm qua cậu ta quả thực đã bị dọa sợ, cả người có vẻ uể oải.
Thấy cậu ta như vậy, Mạnh Thiểu Du bèn nói: "Không nên trễ nải việc này, trước hết là đi tìm đứa bé kia đã, phải giải quyết sớm mới được."
Đường Trạch gật đầu lia lịa.
Dù sao đi nữa thì đứa bé này vẫn là người trong thôn, nên nó sẽ không chạy đi đâu khác.

Người trong ê-kíp tính toán một chút, đúng lúc có một khoảng nghỉ trưa nên họ có thể đi tìm đứa trẻ nọ.
Đợi đến giờ nghỉ trưa, Đường Trạch ăn cơm trưa xong thì đi ra ngoài hỏi thăm xem đứa bé kia sống ở đâu.

Cậu ta đi không được bao lâu thì gặp mẹ đứa trẻ đã thấy hôm qua, một mặt cô nắm lỗ tai đứa nhóc, mặt khác thì đẩy nó đến cửa khu nhà trọ.
"Đã nói với con bao nhiêu lần rồi! Đừng có lạy phật lạy thần linh tinh, con muốn làm mẹ tức chết đây mà!!"
"Mẹ, mẹ mẹ, đau đau đau! Lần sau con không dám nữa đâu!!"
Cậu nhóc bị mẹ kéo tai đến mức phải nhe răng trợn mắt.

Khi thấy Đường Trạch, nó cũng không dám bướng bỉnh, hoảng sợ núp phía sau mẹ mình.
Mẹ nó giận đến mức lôi nó ra, nói: "Con trốn cái gì? Không phải hồi trước lớn gan lắm hả? Mau! Xin lỗi anh nhanh lên!"
Tiếng động mà bọn họ gây ra không nhỏ, ngay cả những người trong khu trọ nghe tiếng cũng ló đầu ra.
Khi thấy là đứa bé tối qua thì ai nấy đều rất hăng hái đi hóng hớt.
Mẹ của đứa bé ngượng ngùng chà chà hai tay, vẻ mặt có lỗi nói: "Hôm qua thằng bé nhà tôi không đúng, thật ngại quá...!Cậu không xảy ra việc gì chứ?"
Đứa nhóc thở ra một câu: "Có việc gì được, con cũng đâu có hứa gả vợ cho thần đâu."
Đường Trạch: "..."
Đương nhiên mẹ nó cũng nghe thấy câu này, cô chau mày lại, túm lấy nó đánh mấy cái, vừa đánh vừa mắng: "Lén tao đi bắt cá còn chưa đủ! Còn lén tao làm mấy cái trò tào lao này nữa, tao thấy mày muốn ăn hành rồi đúng không!"
Phụ nữ nông thôn rất khỏe, huống hồ chi vừa nhìn người mẹ này là đã biết cô sẽ không nương tay, đứa nhóc nọ cứ thế khóc oà: "Mẹ! Đừng đánh mà! Con sai rồi! Con sai rồi mà! Con không dám nữa đâu!!"
Đợi đến khi mẹ nó thu tay lại, đứa bé mới thút thít đứng bên cạnh, nó nhìn Đường Trạch rồi nói: "Em xin lỗi...!Hức hức..."
Đường Trạch chưa thấy ai đối xử với con trẻ mạnh bạo như vậy bao giờ, cậu ta ngây người cả nửa buổi rồi mới lẩm bẩm: "K-không sao."
Sau đó cậu ta tỉnh táo lại, nói: "Không đúng, em nói cho anh biết em đã hứa gì cái đã!"
Tiếp đó, dưới ánh mắt đau đáu của mẹ mình, cậu bé rưng rưng kể lại mọi việc.
Thôn của bọn họ được sông nước bao quanh, có một con sông vành đai ngọc bích đi ngang qua ngôi làng, đa số người trong thôn đều dựa vào con sông này để sinh hoạt.
Nước dùng để giặt quần áo hoặc nấu cơm hằng ngày cũng vậy.
Giữa lòng sông còn có rất nhiều tôm cá, những người dân trong làng này đã quen thuộc với dòng sông như thể nó là mẹ của họ vậy.
Phần lớn tuổi thơ của những đứa trẻ trong thôn đều liên quan đến dòng sông này.


Đến mùa hè thì việc đi bắt tôm bắt cá bên bờ sông là chuyện bình thường.
Thế nhưng người lớn lại sợ trẻ con không cẩn thận rơi xuống nước, nên họ ra lệnh cấm đám trẻ đến bờ sông chơi.

Nhưng tụi nhỏ không thể xem nhẹ việc chơi đùa, nên hay lén người lớn đến bờ sông.
Thiết Đản — cũng chính là đứa bé này.
Cách đây một tháng, nó có lén mẹ đến bờ sông bắt cá với mấy đứa trẻ ở thôn bên cạnh.

Trên đường đi, thấy có một cái miếu đá nho nhỏ, nó bèn thuận miệng nói: "Nếu hôm nay bắt được nhiều cá thì tui sẽ dựng sân khấu diễn kịch cho tượng đá xem ba ngày!"
Ngày hôm đó bọn nhóc bắt cá cực kì thuận lợi.
Thế nhưng trẻ con dễ quên, vừa đảo mắt thì nó đã quên mất lời nói thuận miệng của mình.

Linh hồn trong tượng đá đợi cả tháng trời mà chưa thấy nó thực hiện lời hứa, nên gã mới đến phạt nó...
Một đứa bé thì làm sao có tiền dựng sân khấu để diễn kịch hí khúc, nên trong cơn bối rối thì nó tùy tiện chỉ vào một người qua đường.
Nói xong, Thiết Đản sợ hãi cúi gằm mặt, nói: "Em xin lỗi..."
Đường Trạch không biết trưng ra vẻ mặt gì nữa.

Thế nhưng cũng may chỉ là diễn kịch ba ngày mà thôi, nếu đứa bé này mạnh miệng nói gì đó, kiểu đúc tượng vàng này nọ, thì đó mới gọi là xui xẻo thực sự.
Tuy mẹ Thiết Đản đã từng nghe nó nói về việc này, thế nhưng đến khi nghe lại, cô vẫn không kìm lòng được mà phát cáu, liên tục xin lỗi: "Ngại quá, không cần cậu bận tâm về vở kịch này đâu, bọn tôi lo liệu là được rồi."
Cha mẹ hiểu lí lẽ như vậy, Đường Trạch cũng không nói gì nữa, sau khi đôi bên nói mấy câu khách sáo thì cũng coi như qua.
Chỉ là tiếng khóc của Thiết Đản ngày hôm đó rất lớn...
Đường Trạch quay về đoàn phim, cả người vẫn còn bần thần.
Việc này được thảo luận ngay trước khu nhà trọ, lúc đó vẫn còn người trong đoàn phim, ai cũng nghe thấy những lời mà đứa bé nói.

Trong lúc nhất thời, họ không khỏi tấm tắc.
Tại Cửu Hoa Sơn, ở hai bên đường có rất nhiều tòa miếu nhỏ, tượng đá ở ven đường kia cũng là một dạng miếu thờ.

Chỉ là không ai ngờ một tượng đá nho nhỏ mà cũng có sức ảnh hưởng to lớn đến vậy.
- -
Ê-kíp quay ở Cửu Hoa Sơn nửa tháng trời, trừ vài ngày đầu gặp phải chuyện kì lạ, mãi cho đến tận khi quay xong và kết thúc công việc thì cũng không còn phát sinh chuyện gì nữa.
Trong lòng mọi người cảm thấy thư thả hơn rất nhiều, song song đó lại có chút mất mát.
Không có cơ hội thấy đạo trưởng Mạnh ra tay rồi...
Đương nhiên cũng có một số người chỉ đơn thuần là tức giận, chuyện Mạnh Thiểu Du là đạo sĩ, thầy Dư nói đó là quyền tự do tín ngưỡng nên không ngại.

Nếu ngày nào đó thấy đạo trưởng Mạnh bắt quỷ, không biết thầy Dư sẽ có phản ứng gì đây?
Chỉ là ngẫm lại, họ không kiềm được khát vọng muốn ăn dưa...
Kết quả là trên đường chẳng thấy Mạnh Thiểu Du ra tay lần nào, ngay cả chuyện của Đường Trạch cũng vượt qua một cách nhạt nhẽo.
Bạch Diệu Tuyết biết suy nghĩ của những người trong ê-kíp thì không khỏi cười ra tiếng, đúng là thích hóng hớt mà! Cô quay đầu nói với trợ lí: "Có khi Mạnh Thiểu Du vẫn còn giấu chuyện mình biết bắt quỷ đó.

Nếu không thì hai người đã đường ai nấy đi từ lâu rồi."
Suy cho cùng thì thầy Dư là một người có tính cách bảo thủ, Bạch Diệu Tuyết nghĩ nghĩ rồi nói, "Nếu còn chưa đường ai nấy đi thì chắc là tình yêu đích thực quá!"
Sau khi trở về từ Cửu Hoa Sơn thì việc quay phim cũng đã gần kết thúc, song song đó thời tiết dần chuyển lạnh, đảo mắt đã vào đông.
Đến khi bộ phim quay xong, cả đoàn phim đều đã thay quần áo mùa đông.
"Cut —!" Đạo diễn khoác áo bành tô, ông ngồi trên ghế cao hô lên.

Rốt cục thì bộ phim này cũng đã nghênh đón việc hơ khô thẻ tre.
Một tiếng này vừa cất lên, tất cả mọi người đều trưng ra biểu cảm nhẹ nhõm.

Bạch Diệu Tuyết bước ra khỏi cảnh quay rồi vươn eo, cô nói: "Cuối cùng cũng quay xong rồi, đạo diễn à, lần nào chú cũng kéo dài lâu như vậy, đến mùa đông rồi mới quay xong, thể nào nhà đầu tư cũng hối hận vì đã tìm đến chú cho xem!"
Bạch Diệu Tuyết hay đùa, cô và đạo diễn là người quen cũ, chưa có bộ phim nào mà đạo diễn đúng tiến độ cả, nên chuyện này cũng không phải bí mật gì trong giới.
Đạo diễn cũng không để ý, ông cười ha ha nói: "Đi thôi! Tất cả mọi người vất vả rồi! Đêm nay chuẩn bị hơ khô thẻ tre, bung xõa đê!"
Sau đó là một trận hoan hô.
Nơi mà ê-kíp mở tiệc hơ khô thẻ tre cũng không phải là khách sạn năm sao gì cả, mà là một tiệm cơm nhỏ bọn họ hay đến.

Tuy hơi hẻo lánh nhưng lại rất ngon, bởi vậy nên lần này họ cũng chọn cửa hàng này như mọi khi.
Vị trí của tiệm cơm hơi khuất, so với thành điện ảnh thì còn gần vùng ngoại thành hơn.

Sau khi đoàn phim xong việc thì lái xe đến, trên đường, Bạch Diệu Tuyết ngoái đầu nhìn ngoài cửa sổ, cô nói một cách khó hiểu: "Sao ven đường có nhiều người hóa vàng mã quá vậy?"
Chỉ thấy ở ngã tư đường có mấy ánh lửa sáng lên, vài người đang ngồi vây quanh một cái bếp đồng để đốt mấy thứ.
Bạch Diệu Tuyết nheo mắt nhìn một lúc thì nhận ra thứ mà những người này ném vào bếp đồng đều là tiền giấy, hơn nữa bóng đêm còn u tối, hành vi này khiến cô không nhịn được mà sởn gai ốc.
"Sao lại hóa tiền vậy!" Bạch Diệu Tuyết nói, "Không phải quỷ tiết qua lâu rồi hả? Vả lại đã hơn nửa đêm rồi..."
Cứ thấy quái quái làm sao...
Người đi cùng cô là Thi Thi cùng đoàn, cô liếc mắt nhìn rồi nói: "Mấy ngày nữa là Lễ Áo Ấm mà, chắc là đốt quần áo trước đó ạ."
Lễ Áo Ấm là tên của một lễ hội ma, được coi là ba lễ hội ma lớn nhất cùng với Thanh Minh và Trung Nguyên.

Vì Lễ Áo Ấm đúng lúc vào đông – một mùa lạnh trong năm – cho nên người ta phải hóa tiền và quần áo cho người thân đã khuất.
Đến khi tới tiệm cơm, Mạnh Thiểu Du và Đường Trạch đi theo phía sau Dư Giang Hòa.

Mạnh Thiểu Du đang muốn đi vào cùng thầy Dư thì đột nhiên tay áo căng ra, cậu nhìn lại thì là do bị Đường Trạch kéo lấy.
Đường Trạch kéo Mạnh Thiểu Du ra đứng ngoài cửa, cậu ta nhìn trái nhìn phải rồi hạ giọng nói: "Thiểu Du à, tôi có chuyện muốn nhờ cậu giúp..."
Cậu ta còn chưa dứt lời, Dư Giang Hòa đã đi vào trong bỗng dưng vòng lại, anh đứng ở cửa, quét mắt nhìn sang hai người bọn họ rồi hỏi: "Sao không vào?".

Hết chương 41..