Đăng vào: 12 tháng trước
Đèn phòng khách phát ra những tia sáng màu vàng ấm áp. Chén súp trước mặt ông cụ Hồ đã sắp nguội rồi, ông nhìn sang hai cha con nhà nọ đang chuẩn bị cãi nhau vì chuyện chạy bộ.
Ông cụ Hồ chỉ do dự vài giây rồi quyết định không nhúng tay vào. Ông nhanh nhẹn lấy điện thoại ra, mở phần ghi chú, sau đó yên lặng quan sát. Thân là một người cha thất bại, ông rất muốn xem xem một người cha thành công như Kim Sân sẽ làm thế nào để xử lý một đứa trẻ khăng khăng làm theo ý mình.
Mặt bà cụ Hồ vẫn tràn ngập về hưng phấn, mắt đã bắt đầu phát sáng, giống như mình vừa nghĩ ra một ý tưởng rất hay vậy. Bà đứng trước mặt ba, nắm chặt tay, quả quyết lặp lại một lần nữa: “Ba ơi, từ ngày mai con sẽ bắt đầu chạy bộ. Phải chạy thật nhanh, thật nhanh cơ.”
Kim Sân nghe một lần là hiểu ngay, thái dương giật thật mạnh. Anh quá hiểu con mình, mỗi khi con bé dùng giọng điệu này để nói chuyện tức là nhất định phải làm.
Anh nghĩ hiện nay con gái đi bộ thôi cũng đã loạng choạng, anh và con rể phải dắt tay thì mới yên tâm được. Gần đây đường bắt đầu có tuyết tan, trơn đến nỗi thiếu niên mười mấy tuổi còn đi không vững nữa là con gái ở tuổi này. Bình thường đi học họ đều phải đi xe.
Biết tính cách đã nghĩ là phải làm của con gái, Kim Sân vẫn muốn thương lượng thêm. Anh nhìn vào mắt con, nhẹ nhàng nói: “Bé cưng, mỗi ngày con phải mặc rất nhiều áo, không thể chạy bộ được đâu.”
Trước nay bà cụ Hồ vẫn cảm thấy mình đi đường chậm chạp là do mặc quá nhiều, nhưng không mặc dày thì sẽ bị cảm lạnh, cảm lạnh thì sẽ phải tiêm thuốc… Bà chìm trong suy tư của mình, các nếp nhăn trên mặt cũng đùn lại nhưng sau đó, chúng nhanh chóng giãn ra, bà nở một nụ cười tươi tắn.
Bà cảm thấy sao mà mình thông minh quá nên hồ hởi nói: “Ba ơi, vậy thì tốt mà. Mặc dày khi chạy có té ngã cũng sẽ không bị đau.”
Bà vui quá là vui, không kìm nén được bèn vừa mặc chiếc áo khoác hình con thỏ, mang đôi dép lê hình con thỏ chạy tới chạy lui trong phòng khách, nói: “Ba ơi, ba nhìn xem. Con chạy thế này này!”
Bà lão chạy giống như trẻ con vừa tập đi vậy, bước ngăn ngắn, loạng choạng lảo đảo, nghiêng bên này bên kia. Bà cảm thấy mình chạy rất nhanh nhưng trên thực tế thì không khác con vịt chạy lạch bạch là bao.
Kim Sân chỉ nhìn thôi mà thấy hãi hùng. Anh nhìn sang con rể bên cạnh thì thấy con rể đang tập trung tinh thần nhìn hai cha con anh, ánh mắt ấy như đang đợi một đáp án chính xác.
Kim Sân chưa cho con rể một nhát là vì tình cha bao la. Thế là anh đành một mình đối mặt với thử thách lớn nhất trong kiếp sống gà trống nuôi con của mình.
Trong quãng đời làm cha, Kim Sân chưa từng gặp phải thử thách nào khó khăn như vậy. Lúc nhỏ con gái hoạt bát hiếu động nhưng cũng chỉ là khiêu vũ, đàn piano hoặc vẽ tranh… là những sở thích trang nhã như một tiểu công chúa, ai ngờ đến tuổi này con gái anh lại đột nhiên muốn đi chạy bộ.
Thế là mới 6 giờ sáng, lãnh đạo của trường đã gọi các công nhân đến.
Lúc Hồ Đào nhận được cuộc gọi, chuẩn bị ra ngoài thì nghe mẹ vợ oán trách: “Mới sáng sớm mà đã không để ai yên!”
Dạo này, em vợ của Hồ Đào về sống chung. Căn nhà vốn đã không rộng rãi bây giờ càng chật chội hơn. Mỗi ngày Hồ Đào đi làm vất vả, về đến nhà đã rất mệt nên đặt lưng xuống là ngủ ngay, không làm việc nhà, quần áo bẩn chất thành đống khiến mẹ vợ tức tối mắng này mắng kia.
Hồ Đào vốn muốn dọn ra ngoài nhưng vợ anh không đồng ý. Chị ta muốn tiết kiệm tiền thuê phòng để mua nhà.
Trước kia họ có biệt thự, có xe, chồng có việc làm đàng hoàng nên chị ta khá hãnh diện với bạn bè. Bây giờ thế này nên chị vợ không muốn gặp bạn bè, chỉ muốn ra sức kiếm tiền.
Hồ Đào đành nhẫn nhịn. Đối mặt với những lời cay nghiệt của mẹ vợ, anh cũng đành nhẫn nhịn.
Lúc Hồ Đào bắt xe tới nơi thì thấy bên ngoài đã có hai chiếc xe tải lớn, những người đàn ông gần đó đang khiêng gì từ trên xe xuống. Hiệu phó của trường đi tới, chân thành nói: “Vất vả cho mọi người quá, tháng này trả lương gấp đôi nhé.”
Mọi người nghe vậy, thoắt cái là sức lực dồi dào, kể cả Hồ Đào cũng làm việc chăm chỉ hơn. Trước kia anh không nhận ra, bây giờ mới ý thức được tiền là thứ quan trọng thế nào.
Đội trưởng thấy anh đã đến bèn cùng anh dỡ những tấm đệm chống trượt xuống. Vì thế Hồ Đào nhanh chóng biết nguyên do là vì con gái của hiệu trưởng muốn chạy bộ nên ông ta bèn thay toàn bộ những cái đệm chống trượt trước đó bằng loại đệm vừa nhập khẩu, đắt tiền hơn, cũng an toàn hơn.
Đội trưởng cười bảo: “Chúng ta chỉ thay đệm bên trong trường, coi như là công việc nhẹ nhàng rồi, chỉ cần dỡ đệm cũ lên, thay bằng đệm mới là được. Nghe nói sáng sớm nay còn có một đội khác đi trải hết vỉa hè từ trường về đến nhà họ, chắc mai sẽ lên báo đó.”
Đội trưởng nói không sai. Ngày hôm sau, những người đi qua con đường này đều ngạc nhiên. Người miền nam vốn không có kinh nghiệm ứng phó với những con đường có tuyết tan nên té ngang té ngửa là chuyện bình thường. Ai ngờ hôm nay vừa bước ra đường đã thấy vỉa hè trải kín loại đệm chống trượt đầy màu sắc, đúng là một kỳ quan. Họ đồng loạt đăng bài lên mạng xã hội. Nếu không phải đi học, đi làm, chắc chắn họ sẽ đi dọc hết con đường này xem nó dẫn đến đâu.
Đương nhiên cũng có những người nắm được tin nội bộ.
“Tôi có người anh họ, hôm qua anh ấy đăng status nói là bạn mình và cả đội thi công đã trải đệm chống trượt suốt cả đêm qua. Hình như là con gái của một tỷ phú bị té ngã nên ông ta lập tức cho trải đệm chống trượt trên con đường mà con gái ông ta sẽ đi qua.”
“Đây chính là sự khác nhau giữa có tiền và không tiền đấy. Con nhà nghèo té ngã một cái, người lớn chỉ biết giẫm chân dọa đất, còn người giàu thì bắt đầu sử dụng sức mạnh của đồng tiền.”
Rồi lập tức có người biết nội tình đứng ra tiết lộ, chỉ là đệm chống trượt thôi mà, đừng có ngạc nhiên lắm thế. Người ta còn xây cho con gái một ngôi trường dành cho người già để con gái vui chơi trong đó nữa kìa.
“Trường dành cho người già?”
“Nghe nói con gái ông ta đã bày tám chục tuổi rồi. Đúng là còn cha còn mẹ thì được nâng niu như báu vật, có cha mẹ giàu thì lại là kim cương.”
“Thật hâm mộ cuộc sống của người giàu, tôi cũng muốn được sống lâu như vậy, khi con gái bảy tám chục tuổi vẫn có thể cho nó cuộc sống của một công chúa.”
Chuyện này lập tức tạo nên sự chú ý của công chúng, nhưng sự chú ý này cũng giới hạn trong những cuộc trò chuyện của cư dân mạng mà thôi, hoàn toàn không có sự xuất hiện của truyền thông vì Kim Sân không cho phép, thậm chí ngoại trừ những nhân viên làm việc tiếp xúc gần với các ông bà lão, những người khác đều không biết rốt cuộc bà cụ Hồ này trông thế nào.
Thân là trung tâm của mọi cuộc bàn tán, bà cụ Hồ không hề biết điều này. Sáng sớm bà thức dậy, không chịu mặc váy nữa. Bà nhìn chiếc váy ngắn bằng nhung, hơi luyến tiếc nhưng sau đó vẫn nói với ba mình: “Mặc váy không tiện chạy bộ. Hôm nay con sẽ mặc quần.”
Kim Sân bị dáng vẻ nghiêm túc của con gái chọc cười. “Con biết nhiều thế nhỉ.” Ngay cả váy mà cũng không chịu mặc, lần này đúng là nghiêm túc thật rồi.
Ông cụ Hồ vốn tưởng cách cha vợ đối phó với đứa trẻ bướng bỉnh sẽ là mặc kệ, ai dè khi ba người bước ra khỏi cổng biệt thự bèn nhìn thấy những tấm đệm chống trượt được trải thành dải cầu vồng, đưa mắt nhìn cũng không thấy điểm cuối, quả là một con đường cầu vồng huyền ảo.
Ông cụ Hồ không cần đoán cũng biết đây là kiệt tác của ai. Thì ra đây là phương pháp dạy con của cha vợ ông.
Mắt bà cụ Hồ lập tức sáng rực lên, bà hưng phấn reo vui: “Ba ơi ba, cầu vồng kìa!”
Kim Sân thấy con gái vui vẻ như thế cũng nở nụ cười. “Đúng vậy, là con đường cầu vồng dành riêng cho công chúa.”
Bà cụ Hồ vô cùng vui vẻ, không ngừng nhảy nhót trên con đường cầu vồng, nhìn bên này ngó bên kia, đến đâu cũng thấy thích.
Nhưng rồi bà bỗng nhiên chạy ngược lại, nói với ba mình: “Ba ơi ba, bạn nhỏ bên kia nói đi theo con đường này là có thể đến cung điện của công chúa. Ba ơi, chúng ta đến xem cung điện của công chúa đi!”
Bà hoàn toàn không ý thức được rằng cung điện của công chúa mà em bé vừa rồi nói chính là tòa lâu đài màu hồng của họ.
Trong mắt bà cụ, nơi đó chính là nhà. Ấn tượng về “nhà” sâu sắc đến nỗi đã vượt qua ấn tượng về “lâu đài công chúa”, đến nỗi bà chỉ nhớ đó là nhà chứ không nhớ đó là cũng lâu đài công chúa.
Kim Sân đưa tay sửa lại chiếc mũ của con gái cho ngay ngắn. Anh không nói với con chuyện này, chỉ nói: “Vậy chúng ta tiếp tục đi theo con đường cầu vồng này đi.”
Bà cụ Hồ gật đầu thật mạnh. Những người cũng đi trên con đường này hoặc là vội bắt xe, hoặc là phải rẽ qua con đường khác nên không thể không rời khỏi vỉa hè xinh đẹp này.
Bà cụ Hồ vô cùng vui vẻ vì trong tất cả những người mình gặp trên đường, chỉ có bà là đi hết con đường này.
Còn có một bạn nhỏ khóc lóc không chịu rời khỏi con đường.
Đi mãi đi mãi, bà cụ Hồ phát hiện con đường cầu vồng dẫn đến cổng trường họ, sau đó không còn nữa.
Bà cụ Hồ nhìn quanh quất cũng chỉ thấy trường học nên hơi thất vọng, nói: “Ba ơi ba, không có lâu đài của công chúa.”
“Đây chính là lâu đài của công chúa thật sự, bởi vì công chúa đích thực sẽ chăm chỉ học tập ở đây.”
Bà cụ Hồ đỏ mặt, ngại ngùng hỏi: “Mỗi ngày con đều chăm chỉ học tập, vậy con là công chúa đích thực sao?”
Kim Sân ngồi xuống, sửa lại khăn quàng cổ cho con gái, nhìn đôi mắt sáng như mắt trẻ con của bà, nói với giọng khẳng định: “Con đương nhiên là công chúa đích thực rồi.”
Bà cụ Hồ nghe xong rất vui vẻ, lập tức đeo chiếc cặp ba đưa, đi vào trong. “Ba ơi ba, hôm nay con sẽ học tập thật chăm chỉ.”
Lúc hai ông bà đi vào trong bèn nhìn thấy Hồ Đào vừa làm việc xong. Hồ Đào nhìn ba mẹ mình, ngẩn ra một lát. Khoảng thời gian này anh biết ba mẹ mình cũng ở đây nhưng nơi làm việc của anh cách khu sinh hoạt của các ông bà lão khá xa, mỗi khi anh tan ca là bên này đã tan học, lúc đi làm thì bên này còn chưa đến giờ học, thời gian nghỉ ngơi sau khi ăn trưa ăn chiều đều không cho phép họ đến khu sinh hoạt của các ông bà nên anh chưa từng gặp cha mẹ.
Hồ Đào bất ngờ nhìn mẹ mình. Bà vẫn đeo chiếc balo cũ ấy, chiếc mũ len màu đỏ rượu đội trên mái tóc bạc, trên người mặc áo choàng màu trắng kem, trông cực kỳ vui vẻ, đang nói chuyện với cha anh.
Hồ Đào hoảng hốt. Lúc này đội trưởng gọi: “Chúng ta phải đi thôi.”
Hồ Đào vốn định bước tới nhưng nghe thấy tiếng gọi bèn dừng lại.
Công việc hiện nay của anh không nhẹ nhàng như trước. Trước kia ngồi phòng máy lạnh, bây giờ làm việc tay chân nhưng môi trường làm việc khá tốt, những người làm chung rất nể trọng anh vì học vấn cao và câu chuyện anh mất việc do phải chăm mẹ già.
Các đồng nghiệp đều mẹ sống chung với anh, ma xui quỷ khiến anh cũng không giải thích hiểu lầm này. nếu bị họ biết người này là mẹ mình, Hồ Đào không dám nghĩ tiếp.
Vì thế anh cắn răng, đi theo đội trưởng.
Nhưng vừa đi được vài bước, anh nghe có một giọng nói hiền từ gọi mình lại. “Chú ơi, chú rơi đồ này.”
Hồ Đào không dám quay đầu lại. Đội trưởng quay lại nhìn nhưng anh ta không biết con gái của hiệu trưởng, thấy bà cụ Hồ mặt mũi hiền lành, thân thiện gần gũi nên tưởng bà chỉ là một bà lão bình thường.
Bà cụ Hồ bước tới, đưa chiếc mũ nhặt được cho ông chú này.
Hồ Đào quay đầu lại bèn nhìn thấy ánh mắt hiền hòa của mẹ. “Chú ơi, mũ của chú này.”
Ông cụ Hồ ở bên cạnh không nói tiếng nào.
Hồ Đào lúng túng nhận lấy chiếc mũ, lòng nghẹn ngào.
Bà cụ Hồ không nhớ ông chú này chính là người mình từng ở nhờ trong nhà một thời gian, chỉ cảm thấy chú ấy sắp khóc. Bà không biết tại sao chú ấy lại buồn như vậy nhưng lạ thay bà có cảm giác rất thân thiết với người này. Bà nghĩ ngợi rồi bèn lấy từ trong túi ra một cái bánh quy không đường đưa cho Hồ Đào. “Cháu mời chú ăn bánh nha. Đừng có buồn nữa.”
Hồ Đào bỗng nhớ ra sau khi bị bệnh, mẹ anh thường sợ sệt, nhút nhát đứng bên bàn làm việc của anh, đưa cho anh chiếc bánh quy, lần nào cũng nói: “Chú đừng buồn nữa, cháu mời chú ăn bánh.”
Anh chưa bao giờ nhận lấy.
Lúc đó, hay bất kỳ lúc nào khác, mẹ anh đều sợ sệt rụt vai lại, giống như là e ngại toàn bộ thế giới với. Hồ Đào tưởng đó là do bà bị bệnh.
Nhưng bây giờ, mẹ anh rất vui vẻ, hệt như trên đời này không thứ gì có thể làm hại đến bà, mà rõ ràng bà vẫn đang bệnh.
Đội trưởng có vẻ ngạc nhiên trước biểu hiện của Hồ Đào nhưng vẫn vội vã nhận lấy bánh quy, nói: “Cháu cảm ơn.”
Đội trưởng sợ thái độ lạnh lùng này của Hồ Đào làm phật ý bà nên vội vàng kéo anh đi chỗ khác.
Bà cụ Hồ quay lại bên cạnh anh Thừa Khiếu, nói: “Anh Thừa Khiếu, chú này nhìn quen quá.”
Ông cụ Hồ thầm thở dài một hơi. Con mình nuôi lớn như thế, giờ thấy nó sống không tốt ông cũng rất đau lòng. Nhưng ông không muốn sự đau lòng này được xây dựng dựa trên sự đau buồn của vợ nên bèn bảo: “Em Chúc Chúc, em nhìn đi, hôm nay ông cảnh sát không chạy bộ nữa.”
Trước kia hình ảnh đầu tiên họ nhìn thấy khi đi vào trường là cảnh ông lão cảnh sát chạy bộ quanh trường. Bà cụ Hồ nhìn trái nhìn phải, đúng là không thấy ông lão cảnh sát thật. Bà vội vàng đi vào phòng học, vừa đi vừa gọi: “Lý Phong, hôm nay bạn không chạy bộ à? Mình muốn chạy bộ với bạn.”