Đăng vào: 12 tháng trước
Trước trung thu một ngày mưa phùn cũng tạnh, nhưng không trung vẫn âm u, giống như có thể mưa bất kỳ lúc nào.
Trường Phú và Trường Quý cõng trứng gà đi trấn trên bán, buổi tối lại mang theo đường đỏ và thịt heo cùng mấy cân xương về.
Bọn nhỏ đã hưng phấn tới độ mấy ngày không ngủ ngon.
Tụi nó ngóng trông trung thu, ngóng trông bánh trung thu, ngóng trông đồ ăn ngon.
Tới hôm nay chính là trung thu, gà còn chưa gáy cả đám đã tỉnh dậy và nằm trong ổ chăn bấm ngón tay tính xem mình sẽ ăn mấy cái bánh trung thu.
Lý thị và con dâu vẫn rời giường lúc gà gáy để thu dọn việc nhà và nấu cơm.
Cơm sáng vẫn là khoai lang đỏ chưng đơn giản ăn với cháo ngũ cốc, cơm trưa càng đơn giản hơn ngày thường, mọi đồ ăn ngon đều để dành cho buổi tối.
Ngày hội hôm nay bận rộn hơn hẳn ngày thường.
Cả ngày hôm nay Lý thị đều bận bịu trong bếp, đậu phộng, hạch đào và vừng đều phải rang lên, đậu đỏ phải nghiền thành bột.
Lưu thị vội vàng nhào bột còn Trương thị thì phụ trách nhóm lửa.
Đại Bảo mang theo mấy đứa em chui vào nhà bếp thế là Lý thị cho mỗi đứa một nắm đậu phộng rang.
Lúc này đậu phộng vẫn còn nóng, bỏ trong túi áo đứa nào đứa nấy căng phồng.
Tụi nhỏ cẩn thận che chở túi áo, cảm giác giống như đang sưởi ấm.
“Đi ra ngoài ăn đi, đừng ở đây vướng chân!” Lý thị nói.
Bọn nhỏ vui vẻ che đậu phộng và đi tới sân trước ngồi dưới mái hiên ngoan ngoãn ăn.
Đậu phộng còn hơi nóng, Đại Bảo và Nhị Bảo chờ nguội mới ăn, còn Tam Bảo và Tứ Bảo không nhịn được nhón một hạt bỏ vào miệng rồi lại nhanh chóng nhổ ra vì nóng.
Tụi nó dùng tay đảo qua đảo lại giống như làm xiếc, hạt đậu phộng cứ thế tung bay.
Tam Bảo kỹ thuật thành thạo nên đợi đậu phộng nguội hắn lập tức bỏ vào miệng nhai rắc rắc.
Tứ Bảo thì tay ngắn lại béo nên vụng về hơn, hắn không đón được hạt đậu phộng nên nó lăn xuống đất bị Hoàng Hoàng đoạt mất.
Tứ Bảo tức quá đuổi theo Hoàng Hoàng, trong lúc chạy đậu phộng trong túi áo hắn rơi ra mấy hạt.
Hắn vội vàng cúi người nhặt, ai biết vừa cong người thì đậu phộng trong túi lại rơi ra hơn nửa.
Tứ Bảo nóng nảy, một tay vội vàng nhặt đậu phộng, một cái tay khác che chắn túi áo, mông lại dẩu lên đề phòng Hoàng Hoàng tới gần.
Hắn luống cuống thật lâu mới nhặt xong đậu phộng.
Đại Bảo, Nhị Bảo và Tam Bảo cười thấy răng không thấy mắt, Nữu Nữu cũng cười khanh khách.
Nữu Nữu dùng hai tay che túi đậu phộng, cảm nhận hơi ấm từ đó.
Cô nhóc này hoàn toàn coi đậu phộng thành lò sưởi, vui vẻ ủ ấm tay.
Đại Bảo đút cho Nữu Nữu một hạt đậu phộng thế là đứa nhỏ vui vẻ nhai, mắt cười híp lại.
Nhị Bảo lại đút cho nàng một hạt thế là Nữu Nữu vừa che chắn đậu phộng của mình vừa ăn đậu phộng của anh trai, đầu nhỏ thích ý lắc lư.
Lý thị bỏ đậu phộng, hạch đào và hạt vừng vào cối đá xay thành mảnh vụn.
Trường Phú mua về hai cân mật mía nên bà cắt một khối rồi thái nhỏ trộn chung với đống hạt vừa xay thế là xong nhân hạt khô.
Tiếp theo là làm nhân đậu, cái này thì đơn giản, chỉ cần nghiền đậu đỏ đã nấu chín thành bột rồi quấy thêm đường là xong.
Lưu thị nhào bột, trong đó thêm mỡ và đường sau đó bỏ qua một bên cho bột nghỉ.
Lý thị tìm nồi nướng bỏ lên bếp, trong đó có cái giá.
Trương thị đốt lửa to hơn khiến nồi nhanh chóng được đun nóng.
Lý thị cùng Lưu thị vội vàng nặn bột, ở giữa có thêm nhân hạt khô và mật mía, sau đó bao lại thành hình tròn nhẹ nén một cái là thành cái bánh dẹt dẹt.
Lý thị bỏ bánh lên giá sắt trong nồi chậm rãi nướng.
Kỹ thuật nhóm bếp của Trương thị đúng là đỉnh, nhiệt độ trong nồi ngày càng cao và bởi vì trong đó không có nước nên cả cái nồi đã bị nung đỏ lên.
Trương thị cứ duy trì nhiệt độ như thế đến khi bánh trong nồi chậm rãi chín.
Lý thị dùng kẹp sắt gắp bánh trung thu trong nồi ra để nguội rồi lại tiếp tục bỏ bánh vào nồi.
Bởi vì nồi không lớn nên mỗi lần chỉ có thể để được 6,7 cái bánh.
Lý thị và Lưu thị canh giữ ở bên cạnh vừa làm vừa chờ mới làm xong 10 nồi, mãi tới khi hết nhân quả khô mới bắt đầu làm nhân đậu đỏ nghiền.
Mỗi năm vào tiết trung thu Lý thị đều làm hai loại bánh nhân hạt khô và nhân đậu, đều là thứ người nhà thích ăn.
Bánh trung thu nướng trong nồi có màu vàng ruộm, bày trên hai mâm lớn tỏa mùi hương mê người.
Bọn nhỏ trộm vào ngó vài lần lại bị Lý thị đuổi ra ngoài.
Đây không phải bánh bột ngô ngày thường mà có thể tùy tiện đưa cho tụi nó ăn trước.
Bánh này phải chờ cúng trước rồi mới có thể ăn, giống bánh màn thầu làm lúc thu hoạch lúa mạch hoặc cơm khô và cháo khi thu hoạch lúa nước.
Trước tiên phải để ông trời hưởng dụng đã, tế bái xong mới có thể ăn.
Làm xong bánh trung thu lại phải vội vàng làm cơm triều.
Tết Trung Thu người một nhà đoàn tụ, cơm chiều phải nấu phong phú hơn bình thường.
Mùa thu không có rau dưa phong phú như mùa hạ, trong vườn chỉ có ít củ cải trắng thế nên Lý thị rút chút củ cải trắng về hầm với xương, lại làm cải trắng bóp dấm.
Cây đậu đũa phơi khô lúc trước cũng được lấy ra nấu chín, lại xào với thịt khô.
Trường Phú mua ba cân thịt ba chỉ nửa nạc nửa mỡ về, Lý thị vẫn chia làm ba phần để nấu.
Khoai lang đỏ mới thu hoạch được chưng chín và nghiền thành bột, xoa thành viên nhỏ làm khoai lang viên, thêm chút đường, củ cải đỏ thái sợi làm rau trộn.
Lý thị ở trong bếp vội vàng xào rau, Trương thị phụ trách củi lửa, còn Lưu thị ở bên cạnh làm bánh dày.
Giã mười cân gạo nếp thì không thể ăn trong một bữa được, Lưu thị chỉ lấy ra bốn cân pha với một cân gạo ngâm nước.
Ngâm một đêm là đủ mềm để làm bánh dày.
Lưu thị vớt gạo để ráo và bỏ vào nồi chưng lên.
Phải chưng vừa đủ, không thể nấu quá lâu, Lưu thị căn thời gian thấy đã ổn thế là mở nắp nồi nhìn nhìn gạo nếp thấy còn phải đun thêm chút.
Nàng ta lại đậy nắp nồi và chờ một lát mới múc gạo nếp bỏ vào một cái âu sứ.
Nhân lúc gạo nếp còn nóng hổi mềm mại Lưu thị dùng gậy cán bột ngoáy cho nó nát ra, tới khi dính lại với nhau mới coi như hoàn thành.
Đào Tam gia và mấy đứa cháu đã dọn xong bàn ăn và đang ngồi chờ ăn cơm.
Đồ ăn đều đã chuẩn bị đầy đủ hết, Lý thị và con dâu nhân lúc đồ còn nóng vội bưng lên.
Cứ mỗi khi thấy một món mới lên bàn là bọn nhỏ lại vỗ tay hoan hô, Đào Tam gia thấy bọn nhỏ vui vẻ thì cũng thấy không khí ăn tết quả là náo nhiệt.
Trường Quý rót một bầu rượu cao lương, ba cha con dọn xong chén chuẩn bị uống với nhau một hồi.
Đồ ăn được bưng lên hết, bánh dày cũng cắt thành hai đĩa để hai đầu, một đĩa rải đường trắng, một đĩa rải đậu phộng, hạch đào và hạt vừng đã giã thành mảnh nhỏ.
Lý thị cũng nhặt một mâm bánh trung thu đủ hai loại nhân mang lên để trên bàn gỗ ở sân trước.
Đêm nay không trăng.
Sương mù đã bao phủ toàn bộ Đào gia thôn, bầu trời đêm đen nhánh chẳng nhìn thấy gì nhưng Đào Tam gia vẫn mang theo cả nhà vái lạy bầu trời và cúng bánh trung thu cùng đồ ăn các loại.
“Ông nội, có trăng đâu mà cúng bái làm gì?” Tứ Bảo hỏi.
“Hô hô! Ánh trăng bị mây trên trời che khuất, tuy không nhìn thấy nhưng nó vẫn sáng tỏ trong lòng!” Đào Tam gia vui tươi hớn hở nói, “Cúng xong rồi thì vào nhà thôi!”
Lý thị bưng bánh trung thu vào nhà ăn, Trường Phú cũng giúp dọn cái bàn nhỏ vào nhà rồi mới ngồi xuống ăn cơm.
Đào Tam gia đã rót đầy rượu sau đó giơ chén lên nói: “Tết Trung Thu hàng năm đều có, ánh trăng trung thu năm nào cũng tròn, nhà chúng ta cũng hòa thuận, con cháu mãn đường.
Ta chỉ ngóng trông những ngày tháng thuận lợi này cứ kéo dài mãi, nhìn cháu trai cháu gái đều trưởng thành là ta đã thấy đủ rồi!”
“Cha, con cũng uống một chén!” Trường Phú nâng chén lên nói.
Trường Quý cũng nâng chén chạm một chút sau đó ba người đều uống một hơi cạn chén.
“Ăn thôi!” Đào Tam gia buông chén rượu rồi hạ lệnh.
Trường Quý thì cầm lấy bầu rượu rót đầy cho mọi người.
Lưu thị gắp cho Nữu Nữu một miếng bánh dày đường mềm mại, lại dùng đũa cắt bánh thành miếng nhỏ.
Nữu Nữu cười tủm tỉm cầm lấy cái thìa tự múc bỏ vào miệng rồi phình má để nhai.
Lưu thị lại gắp cho nàng mấy miếng thịt, thêm một bát canh xương hầm.
Tam Bảo tâm tâm niệm niệm chỉ có bánh trung thu thế nên hắn chỉ vào bánh trung thu và năn nỉ Lý thị: “Bà nội, cho cháu một cái bánh trung thu đi!”
“Không được, ăn bánh trung thu rồi sẽ no, trên bàn nhiều đồ ăn như thế con không ăn nữa thì mọi người cũng không ăn hết đâu!” Nói xong bà gắp cho hắn một miếng thịt mỡ.
Tam Bảo đành phải thôi, tay gắp thịt mỡ nhét vào miệng ăn đến độ miệng bóng nhẫy.
Ăn xong hắn lại gắp ít bánh dày thịt khô bỏ vào bát của mình.
(Hãy đọc thử truyện Người bên lầu tựa ngọc của trang Rừng Hổ Phách) Tứ Bảo gặm một cái xương thật to, trên xương không có bao nhiêu thịt nhưng hắn vẫn gặm rất cẩn thận, cái miệng nhỏ ngậm xương để mút tủy.
Đợi hắn gặm xong sẽ ném cho Hoàng Hoàng dưới gầm bàn, con chó kia lập tức vui sướng vẫy đuôi, hai cái chân ôm lấy khúc xương tiếp tục gặm.
Cơm no rượu say rồi Lý thị mang theo con dâu tới nhà bếp thu dọn chén bát, Đào Tam gia thì mỹ mãn hút thuốc, bọn nhỏ thì vây quanh ông nội ồn áo muốn nghe kể chuyện xưa.
Cái chuyện Thường Nga trốn lên cung trăng này Đào Tam gia kể đến ngán ra rồi nhưng đám nhỏ nguyện ý nghe thì ông cũng không phiền mà kể lại lần nữa.
“Ông nội, nghe Thường Nga bôn nguyệt nhất định phải ăn bánh trung thu, ông chờ cháu đi lấy bánh tới rồi hẵng kể.” Tam Bảo vẫn nhớ mãi không quên bánh trung thu.
Đào Tam gia cười mắng: “Thằng nhóc thối này chỉ nghĩ đến bánh trung thu thôi!” Ông lại nói với Trường Phú: “Mang bánh trung thu tới đây đi, cho bọn nhỏ mỗi đứa một cái!”
Rốt cuộc Tam Bảo cũng có thể ôm bánh trung thu yêu dấu và thỏa mãn dán bên cạnh ông nội nghe chuyện xưa..