Chương 104: ★ Uyên Ương Mệnh Khổ ★

Năm Đó Giáp Sắt Động Đế Vương

Đăng vào: 12 tháng trước

.



Dùng lời của Nhan Pháp Cổ để nói thì, Lục Dực này, rất không có thời vận.
Ngoài mạnh trong yếu, lo trước lo sau, vất vả mãi mới hạ được quyết tâm chuẩn bị khởi binh, phong toả tin tức bốn phía, lặng yên không một tiếng động mà huy động binh mã chuẩn bị chiến tranh, đang ấp ủ một hồi mưa gió đủ để ảnh hưởng vận thế Đại Sở.
Tại thời điểm mấu chốt này, dưỡng phụ của Cố Liệt xảy ra chuyện, còn mất một Giám sát ngự sử Thục Châu.
Việc này còn phải bắt đầu nói từ phòng tiểu thiếp thứ mười ba của dưỡng phụ đại nhân.
Cô gái này nhị bát niên hoa, tiểu gia bích ngọc*, cũng có chút thanh danh mỹ mạo ở thành Phù Dung.

Sớm đã yêu thương thầm hẹn ước với biểu ca nhà mình, đúng là thanh mai trúc mã hai nhỏ vô tư, người lớn hai nhà cũng vui lòng thân càng thêm thân.

Trong lúc đang chuẩn bị bàn chuyện cưới hỏi, một bà mối vung khăn hoa, mang theo bức hoạ vong thê của dưỡng phụ đại nhân đến cửa.
*nhị bát niên hoa, tiểu gia bích ngọc: thiếu nữ mười sáu, cô con gái cưng
Thân càng thêm thân, làm sao so được với vinh hoa phú quý đây.
Cô nương náo loạn không chịu ăn cơm không chịu lên kiệu hoa, vô dụng, phụ huynh còn đang trông cậy vào chuyện dùng nữ nhi để đổi lấy dương quan đại đạo, đút rượu, đậy lên một cỗ kiệu liền đưa vào phủ.
Vài ngày trôi qua, toàn bộ người trong phủ đều biết, tính tình thập tam di nương này rất ghê gớm, vừa gặp đã chống đối lão gia, bị phạt bao nhiêu cái tát cũng không thay đổi.
Đối với vị biểu ca kia mà nói, thật sự là sét đánh giữa trời quang, ngoảnh đầu biểu muội đã gả cho người khác làm vợ, còn là một lão già sáu mươi, hận đến rơi xuống nước mắt nam nhi.

Rồi còn nghe nói biểu muội ở trong phủ chịu đủ mọi ức hiếp của lão già, nào còn lo được thi thư lễ nghĩa gì nữa, hắn cố tình trộn lẫn trong đám côn đồ quan sát ba ngày, giả vờ làm đầy tớ, trà trộn vào phủ.
Vậy mà thật đúng là làm hai người xa xa trông thấy một lần.
Uyên ương mệnh khổ gặp nhau, thê lương biết bao.
Vốn tưởng rằng đời này sẽ cứ như vậy, không ngờ còn có cơ hội xoay chuyển, Bệ hạ ngầm đồng ý cho Giám sát ngự sử Thục Châu tới, ra lệnh yêu cầu dưỡng phụ đại nhân không được cưới thêm nữa.

Dưỡng phụ đại nhân trong lòng hận nữa, trên mặt cũng chỉ có thể vâng vâng dạ dạ, còn hứa hẹn sẽ dâng một quyển sổ con thỉnh tội lên Bệ hạ.
Lúc này còn không kêu oan thì chờ khi nào? Thập tam di nương lao tới trước mặt Giám sát ngự sử quỳ xuống.
Giám sát ngự sử Thục Châu nghe xong, nếu đây là lệnh của cha mẹ lời người mai mối, còn kêu oan cái chi? Hơn nữa cho dù Bệ hạ ngầm đồng ý trách cứ, nhưng dẫu sao vẫn là dưỡng phụ của Bệ hạ, là quý nhân hạng nhất trong số những quý nhân trên đời.

Vừa không chiếm lý lại đắc tội với người khác, hắn ngược lại còn cảm thấy nữ tử này khác người, dĩ nhiên không để ý tới.
Lần này thập tam di nương làm lão gia mất mặt trước Giám sát ngự sử, có thể tưởng tượng kết cục sẽ ra sao.
Nếu không phải dung mạo nàng thật sự giống vong thê của dưỡng phụ, khả năng đến cả mạng sống cũng chẳng còn.
Vì thế Giám sát ngự sử Thục Châu nghe nói Phong Tộc có dị động, rời khỏi thành Phù Dung định chạy tới nơi tụ cư của Phong Tộc, không thể hiểu được mà bị một công tử tuổi trẻ giận dữ đỏ ngầu hai mắt bắt lấy, lao vào đánh nhau, còn song song rơi xuống sông.
Biểu ca biết bơi lội lên bờ, Giám sát ngự sử chìm đáy.
Ôi chao!
Cho nên cái chết của Ngự sử đảm nhiệm giám sát Thục Châu này, còn thật không phải là âm mưu của Tri châu Thục Châu, thuần tuý là do chưa từng học bơi lội, sơ ý.
Thập tam di nương nhận được tin tức biểu ca gửi tới, biết biểu ca gánh một mạng người, chuẩn bị tới quan phủ tự thú, nghĩ rằng kiếp này chẳng còn duyên gặp mặt, tâm như tro tàn.

Nàng dứt khoát quyết định chết cho tình yêu của mình, giả vờ dịu dàng nhỏ nhẹ trước mặt dưỡng phụ mấy ngày, nhân lúc lão ngủ say, dùng kéo sắc tỉa cành của thợ hoa trong phủ, cắt đứt nòi giống của lão.
Cái này cũng không rõ là chết vì đau, hay chết vì mất máu quá nhiều.
Dưỡng phụ vừa chết, thập tam di nương cũng nào còn đường sống.
Biểu ca của nàng tìm được thi thể đã không nhìn ra hình người từ bãi tha ma, đưa tới phần mộ tổ tiên nhà mình, đau thương uống hai vò rượu mạnh, để lại một phong di thư tự thuật bất hiếu, rồi tưới đẫm rượu mạnh lên thân cả hai, châm lửa.
Tình sâu tột cùng, thế gian hiếm thấy.
Đôi uyên ương mệnh khổ này chết rồi, cục diện rối rắm họ quậy ra, lại hố Lục Dực rất thảm.
Vốn dĩ muốn phong toả tin tức lẳng lặng chuẩn bị chiến tranh, lúc này dưỡng phụ của Bệ hạ chết, chỉ cần tin tức truyền ra ngoài, sao có thể không kinh động bên trên?
Tri châu Thục Châu Chung Đôn một nắng hai sương chạy tới thành Phù Dung, khóc lóc y như hiếu tử trước thi thể trông rất khó tả của dưỡng phụ.

Hắn là người Chung gia, lại sợ bị Bệ hạ truy cứu trách nhiệm, cũng không có khả năng bị thuyết phục cùng tạo phản, mà chỉ cần Chung Đôn ra khỏi thành Phù Dung, không quá hai ngày sổ con sẽ vào tới kinh thành.
Vì thế Lục Dực không còn cách nào khác, đành dẫn binh bao vây thành Phù Dung kín mít, tận lực tranh thủ cho mình càng nhiều thời gian.
Lục Dực chung quy đánh giá thấp mức độ chú ý của Cố Liệt đối với Thục Châu, cũng không thể nghĩ ra được chuyện Cố Liệt căn bản là trọng sinh, tin tức của thành Phù Dung chỉ mới gián đoạn hai ngày, Cố Liệt đã trực tiếp phái binh.
Vậy nên, Nhan Pháp Cổ tới Thục Châu kết nối với Cẩm y cận vệ, vuốt xuôi ngọn nguồn, lập tức thiết khẩu thần toán*, kết luận Lục Dực này không có thời vận, ông trời nhất định là không thích hắn.
*thiết khẩu thần toán: đại ý là nói đâu trúng đó, tiên đoán như thần

“Ý trời như thế,” Nhan Pháp Cổ giả thần giả quỷ nói, cao thâm khó đoán mà giục ngựa đi trước, “Từ đầu bần đạo đã tính ra lần bình định này tất sẽ đại thắng trở về.

Truyền lệnh, cùng bản tướng quân nhanh chóng lên đường, đánh xong sớm về kinh sớm.”
Hắn nhớ nhung vọng tinh đài ở Khâm Thiên Giám á!
Vô Song hí một tiếng, trợ uy cho bạn tốt.
Tả Hữu đô đốc không biết nên nói gì, ho khan một tiếng, truyền lệnh xuống, đi theo vị tướng quân nhìn có vẻ không đáng tin cậy này, gấp rút lên đường hành quân.
*
Còn thật là một hồi đại thắng.
Nhan Pháp Cổ vốn chính là một trong những tướng lãnh xuất sắc của Sở quân, chỉ là bị vỏ bọc thần côn ảnh hưởng đến phong bình*, rõ ràng có thể dựa quân công để kiếm cơm, lại cứ khăng khăng muốn mê muội với xem bói.
*phong bình: nghị luận, đánh giá về người khác thông qua sự việc
Tuy rằng đạo sĩ rởm này thường xuyên treo vẻ mặt cợt nhả, nhưng lúc đánh giặc vẫn rất đứng đắn.
Thật sự tới thời điểm binh nhung tương kiến với Lục Dực, trong lòng Nhan Pháp Cổ, là thê lương không nói nên lời.
Đã từng là đồng bào Sở quân, đã từng gọi nhau là huynh đệ, hiện giờ một người là tướng quân bình định, một người là tội nhân tạo phản.
Năm đó bắt tay lừa Địch tiểu ca đánh bài chim tước, giờ đây nhớ đến những cười đùa giận mắng ngày ấy, phảng phất như đã cách một đời, ai có thể nghĩ tới, một ngày kia người ngồi cùng bàn, lại sẽ đi đến nước này.
Thật hồ đồ!
Nhan Pháp Cổ ai thán trong lòng, đồng thời bình tĩnh bày ra sát cục.
Đạo bất đồng, bất tương vi mưu. (1)
Mấy vạn binh mã của Lục Dực, bị Nhan Pháp Cổ tiêu diệt toàn bộ bên trong biên cảnh Thục Châu, Lục Dực rốt cuộc không dám tự sát, bị thủ hạ của Nhan Pháp Cổ trói lại, giao cho Cẩm y cận vệ, đưa thẳng về kinh thành.
Nhan Pháp Cổ không ôn chuyện với hắn, cũng không từ biệt hắn.
Tiệp điệp ngự câu thượng, câu thủy đông tây lưu. (2)
Đường đều do bản thân đi nên.
Nhan Pháp Cổ tưới rượu trong ly xuống đất, coi như làm lễ truy điệu.

“Tướng quân,” Tả đô đốc đến gọi, “Bệ hạ có chỉ.”
Nhan Pháp Cổ chỉnh sửa y quan, lại là dáng vẻ vui tươi hớn hở, hắn ở lại Thục Châu xử lý hậu sự, lúc này Bệ hạ hạ chỉ, tất nhiên là làm hắn đỡ quan quách của dưỡng phụ về kinh.
Rốt cuộc có thể về Khâm Thiên Giám.
Kết quả thánh chỉ niệm xong, Nhan Pháp Cổ choáng váng.
Người ngồi ở Thục Châu, quan trên trời rơi xuống.
Cố Liệt ỷ vào hắn đang ở Thục Châu xa xôi, không thể tiếp tục khóc lóc om sòm, dùng lý do người đỡ quan nhất định phải có thân phận danh nghĩa, nhét Nhan Pháp Cổ vào Công Bộ đi làm Tả thị lang.
“Thị lang đại nhân,” Cẩm y cận vệ cung kính thi lễ, “Chúng ta dọn dẹp một chút rồi lên đường thôi.”
Nhan Pháp Cổ dùng phất trần che mặt: “…… Lên đường, tốt, lên đường.”
Ngày lành nhàn hạ đã đến hồi kết thúc.
Sao Định Quốc Hầu lại thường xuyên được rảnh rỗi ở Vị Ương Cung chứ, Bệ hạ thật là bất công.

Nhan Pháp Cổ chép miệng hai cái, đành phải thay quan bào Công bộ thị lang.
Bước vào cửa quan sâu như biển, từ đây đoán mệnh chẳng được nhàn.
*
Dưỡng phụ chết, Cố Liệt dĩ nhiên phải để tang.
Địch Kỳ Dã không có hảo cảm với ông cha nuôi này, hắn đánh giá một thân bạch y của Cố Liệt, nhịn cười nói: “Có câu ‘Nữ muốn đẹp một thân tang’ (3), hoá ra nam tử để tang, trông cũng không kém.

Nhìn mà thương.”
Dùng cái từ vớ vẩn gì, Cố Liệt bất đắc dĩ liếc hắn một cái.
Hiếu kỳ nhiều quy củ, nhưng dưỡng phụ chung quy nhiều một chữ “dưỡng”, không phải thân phụ, nên không cần quá câu nệ, huống chi hiện tại quan quách còn chưa vào kinh.
Nhưng lần sinh nhật mười một tuổi này của Cố Chiêu, lại không thể gióng trống khua chiêng mà tổ chức.
Cố Chiêu xuất thân ăn mày, không nhớ rõ ngày tháng mình sinh ra, Cố Liệt có tâm chọn một ngày lành cho nhóc, sinh nhật của Cố Liệt và Địch Kỳ Dã đều vào mùa đồng, nên hắn chọn ngày mùng bảy tháng bảy cho Cố Chiêu, đúng là ngày Thất Tịch tươi đẹp.
Vì thế Thất Tịch ngày ấy, Cố Liệt dẫn Cố Chiêu và Địch Kỳ Dã đi chơi hè ở khe núi ngoại ô kinh thành.
Phong Tộc bị tổn hại quá nhiều trong cuộc chiến phản loạn ở Thục Châu, theo Lục Dực làm phản bị nghiêm trị, không theo Lục Dực làm phản, Cố Liệt cũng ban thưởng rất nhiều đồ vật trấn an, thuận lý thành chương dời toàn bộ tộc nhân còn thừa của Phong Tộc tới kinh thành, sống hoà trộn với những con dân Đại Sở không phải Phong Tộc.
Nguyên nhân chết của Phù Nhiễm, khi ấy báo là bệnh nặng, nhưng thực chất là do một bộ phận tộc nhân Phong Tộc bất mãn với chuyện Phù Nhiễm cự tuyệt bắt tay với Lục Dực, nên đã hạ độc Phù Nhiễm.

Nhi tử Phù Nhiễm, Dung Toại, chính mắt chứng kiến mẫu thân dần dần chết đi, khắc lời dặn dò lúc lâm chung của mẫu thân trong tâm khảm.
Phản loạn vừa dẹp yên, Nhan Pháp Cổ vốn định dựa theo ý của Cố Liệt, nâng Dung Toại ngồi lên vị trí thủ lĩnh Phong Tộc, nhưng Dung Toại quỳ xuống đất dập đầu, nói trước khi chết mẫu thân muốn hắn dốc sức vì Bệ hạ, không cho phép tiếp tục ở lại Thục Châu.
Nhan Pháp Cổ thổn thức một chút, cho Dung Toại đi theo Cẩm y cận vệ về kinh trước, để Bệ hạ xem xét quyết định.
Cố Liệt hiểu rất rõ Dung Toại.

Đứa bé này năm nay cũng chỉ mới mười sáu, tính tình nội hướng thận trọng, trầm mặc ít lời, giỏi võ nghệ, đối xử với người khác thiện lương.

Bằng không Cố Liệt cũng sẽ không lựa chọn hắn kế nhiệm vị trí thủ lĩnh Phong Tộc.
Nhưng nếu là phó thác lúc lâm chung của Phù Nhiễm, Cố Liệt nghĩ nghĩ, để Dung Toại làm thư đồng cho Cố Chiêu.
Lần chơi hè này, Cố Chiêu muốn cho thư đồng trầm mặc của mình giải sầu, nên cũng dẫn cả Dung Toại đi cùng.
Bản thân Cố Chiêu xuất thân từ ăn mày, Dung Toại còn sinh hoạt giữa non nước Thục Châu, năng lực tự lập của hai đứa đều không thua kém là bao so với Cố Liệt đi theo dưỡng phụ lang bạt kỳ hồ từ bé.
Duy độc Địch Kỳ Dã cảm thấy tự nhiên vô cùng mới mẻ, số lượng thực vật hắn nhận biết quá ít.
Cố Liệt nhìn Địch Kỳ Dã đi hái nấm cùng Cố Chiêu và Dung Toại, thường thường ném một cái nấm độc vào sọt tre, hai đứa nhỏ thực bất đắc dĩ nhặt ra cho hắn.

Cố Liệt trông theo, đuôi mày khoé mắt tràn đầy ôn nhu.
Sau giờ ngọ hồi cung, ngự trù nấu một bàn tiệc nấm, bày ở Ngự Hoa Viên.
Ngự trù nấu riêng một chén mỳ trường thọ cho tiểu vương tử, một sợi mỳ thật dài, tượng trưng cho trường thọ, lúc ăn không được cắn đứt, nếu không sẽ không may mắn.
Ngự trù còn nhặt ra nốt mấy cây nấm độc làm cá lọt lưới, dùng mâm trình lên cho các chủ tử quan sát rõ ràng.
Cố Chiêu đang nghiêm túc ăn sợi mỳ, Cố Liệt xem xong, chê cười Địch Kỳ Dã: “Nhìn xem, toàn là ngươi hái.”
Địch Kỳ Dã làm bộ không nghe thấy.
Dáng vẻ rất chi là người lớn.
Cố Chiêu cảm thán trong lòng, phụ vương và tướng quân vẫn như năm ấy, không thay đổi chút nào.
Thật tốt.
—————————————————————————–
Chú thích:
(1) Đạo bất đồng, bất tương vi mưu: xuất phát từ Luận Ngữ, không cùng chí hướng thì không thể cùng mưu sự nghiệp
(2) Tiệp điệp ngự câu thượng, câu thủy đông tây lưu: ‘chậm chậm đi trên nước, nước xuôi dòng đông tây’, câu thơ trong Bạch Đầu Ngâm của Trác Văn Quân
(3) Nữ muốn đẹp một thân tang: nguyên văn là ‘nữ yếu tiếu nhất thân hiếu’, con gái muốn đẹp phải mặc đồ trắng (tương đương đồ tang).