Đăng vào: 12 tháng trước
(*) Santa Lucia là một trong những bài hát nổi tiếng của dòng nhạc Neapolitan, là thể loại nhạc hát bằng ngôn ngữ của vùng Napoli, Ý, thường do một giọng nam hát solo. Đây là bài hát ca ngợi thành phố Napoli và vùng Santa Lucia ở vịnh Napoli. Bài hát này cũng được dùng phổ biến trong ngày lễ thánh Lucy vào ngày 13/12 hàng năm tại các nước Bắc u như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Latvia, Estonia, Ý… Trong ngày lễ này một cô gái sẽ được chọn làm biểu tượng của thánh Lucy. Cô mặc váy trắng dài với dải băng màu đỏ và đội mũ vương miện bằng nến. Đi sau cô là những người phụ nữ, mỗi người cầm một cây nến thể hiện ngọn lửa đã khước từ lấy đi sự sống của thánh Lucy khi bà bị trừng phạt và buộc phải chết thiêu. Họ cất vang bài hát Santa Lucia khi bước vào làm lễ nhà thờ. (Nguồn: TUAN89TRAN)
Chắc vì tối qua được trải nghiệm cảnh ngập lụt và mưa lớn, hôm nay Ôn Hoài Miểu vô cùng lưu luyến ánh mặt trời.
Trong lúc chờ Giorgio, cô ngồi trước căn nhà sơn cam có ba bậc thềm trắng, được nắng sưởi ấm rất dễ chịu.
Mùa xuân thường đi liền với mùa mưa.
Trong kẽ nứt bậc thềm nhú lên một mảng xanh mơn mởn.
Đối diện là căn nhà hai tầng sơn màu thiên thanh, ga giường phơi trên lan can sắt bay lững lờ, tựa như đám mây trôi nơi cuối chân trời.
Đám đông tụ họp rồi tan tác như thủy triều rút, chắc vì lịch trình các đoàn lữ hành đều cố định.
Chỉ còn lác đác vài du khách, chủ yếu là người nước ngoài.
Họ bỏ lại khung cảnh đồ sộ, giúp Ôn Hoài Miểu may mắn được chiêm ngưỡng trọn vẹn.
Trên thực tế, màu xem tận mắt dịu nhẹ hơn qua máy ảnh, có nhà đã ngả màu sơn, nhìn kỹ còn thấy không đều, cực kỳ giống như quét bừa.
Cô giơ tay nâng vành mũ, vành mũ rơm của cô vừa rộng vừa thấp, đón ánh sáng dìu dịu.
Nắng sắp tắt.
Đám đông đã tản.
Bảng màu đã rơi.
Người dần đi xa.
Còn anh đã trở lại.
Một lần nữa, Giorgio đứng trước mặt cô, cất giọng ngờ ngợ, “Ms. Wen?”
Ôn Hoài Miểu nheo mắt ngẩng đầu, cô thấy một vòng sáng phủ xuống người anh.
“Là tôi.”
Giorgio thở phào, duỗi tay kéo cô dậy.
Anh mặc bộ đồ bồi bàn, sơ mi trắng, áo gile đen chật căng người.
Anh hỏi, “Cô vẫn ổn chứ?”
Nhìn Ôn Hoài Miểu đứng lên, mặt cô không hề ủ dột vì mất tiền.
Anh biết trộm cắp nhiều, nhưng anh chỉ phụ trách việc nhận trả phòng, khách dẫu bị trộm cũng không nhờ anh giúp đỡ.
Ôn Hoài Miểu buông tay, “Không sao, chỉ là tôi không có tiền trả vé tàu về.”
Cô thấy rất có lỗi, “Phiền anh quá, khi về tôi sẽ trả anh tiền.”
Giorgio mở miệng, “Cô thấy kẻ trộm không?”
Ôn Hoài Miểu thoáng do dự, “Tôi thì không, nhưng một người Trung Quốc khác bị trộm bảo là hai cô gái Digan.”
Nét mặt Giorgio hơi đổi, “Cô bị trộm bao nhiêu?”
Ôn Hoài Miểu lắc đầu, “Không nhiều lắm, chừng 100 euro.”
Không biết anh đang nghĩ gì mà cằm bạnh lại, rãnh cằm rịn đầy mồ hôi, không khó nhận ra anh vừa chạy tới.
Ôn Hoài Miểu không nói chuyện, lẳng lặng chờ anh.
Dường như anh đã hạ quyết tâm, “Cô ở đây chờ tôi một lát.”
Ôn Hoài Miểu giữ chặt anh định xoay người đi, anh đã xắn sơ mi lên khuỷu tay, thì ra cánh tay cũng đầy mồ hôi.
“Anh đi đâu vậy?”
Giorgio mấp máy môi, “Có lẽ tôi biết ai trộm.”
Sở dĩ Ôn Hoài Miểu bình tĩnh như bây giờ chính vì cô không định tìm lại đồ.
Nghĩ đến lời của đoàn khách vừa nãy, những tên trộm này đều móc nối với hướng dẫn viên du lịch.
Dân bản xứ biết không có gì lạ nhưng Giorgio giúp cô, ắt sẽ đụng chạm lợi ích.
Cảnh tượng trong phim điện ảnh Bố Già* hiện trong tâm trí cô.
(*) Bố Già (tiếng Anh: The Godfather) là một bộ phim hình sự sản xuất năm 1972 dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo và do Francis Ford Coppola đạo diễn. Bộ phim được coi là một trong những phim hay nhất của lịch sử điện ảnh, nó luôn xếp ở các vị trí dẫn đầu trong các bảng xếp hạng phim hay uy tín. (Nguồn: Wikipedia)
Cô lắc đầu khuyên anh: “Bỏ đi.” Cô bịa lý do, “Có khi tôi quên mang ví cũng không chừng.”
Lúc này, Giorgio lắc đầu kiên định, “Không.”
“Vấn đề không phải là cô bị trộm.” Tiếng Anh của anh bắt đầu ngắc ngứ, dừng mấy lần mới nói hết câu, “Các em ấy không thể làm vậy, như thế là không đúng.”
Ôn Hoài Miểu thu tay, “Together.”
Giorgio nhìn cô, trong đôi mắt cô ánh lên sự quan tâm và lo lắng, con người được nắng rọi vào giống màu nâu nhạt, trong veo chẳng hề giả tạo.
Ma xui quỷ khiến anh đồng ý rồi.
Nhà cầu vồng cách chỗ tàu cập bờ không xa, rất nhiều người đều bỏ qua nó.
Họ họ men theo bờ kênh, băng qua những căn nhà xinh xắn, sâu bên trong không còn ngay ngắn mà lộ ra cảm giác lụn bại.
Đi qua một chiếc thuyền đánh cá bỏ lại rẽ tiếp.
Giorgio đứng trước một căn nhà cũ, gõ chiếc cửa gỗ màu lam, cửa kẽo kẹt…, hé ra một khe nhỏ. Một bé gái tóc thẳng da hơi ngăm thấy anh, đôi mắt nâu lộ vẻ mừng rỡ, cô bé nhào vào trong lòng anh.
Ôn Hoài Miểu: “…”
Giorgio nhanh chóng buông bé gái ra, hai người trao đổi đôi ba câu bằng ngôn ngữ Ôn Hoài Miểu nghe không hiểu.
Nghe không giống tiếng Ý.
Giọng anh nghiêm nghị, nói hai câu bèn bảo bé gái mở rộng cửa.
Bé gái chừng bảy tám tuổi, Ôn Hoài Miểu đứng sau Giorgio, tầm mắt cô bé dường như bị chặn hoàn toàn.
Bây giờ cô bé mới thấy Ôn Hoài Miểu, sắc mặt lập tức thay đổi, xoay người chạy vào trong nhà nhưng bị Giorgio túm chặt, anh cau mày, ngữ điệu trở nên nghiêm khắc.
Giọng bé gái the thé, bắt đầu kêu gào, vừa nhìn Ôn Hoài Miểu đầy bất mãn vừa chửi mắng, đều là lời cô không hiểu.
Chẳng mấy chốc, có một bé gái sinh đôi nhưng lớn hơn từ trong phòng chạy ra. Quần áo cũ rách, làn da và mái tóc đều đen nhưng không giống người da đen cũng chẳng giống người da trắng.
Giúp đỡ bé gái vừa rồi, cắn xuống cánh tay Giorgio.
Cánh tay Giorgio rắn chắc, sức trẻ con vốn không đáng kể.
Nhưng bé gái ít tuổi lăn lộn khiến trọng tâm bất ổn, ngã trên nền đất đầy cát và đá, Giorgio không kịp giữ chặt cô bé.
Anh lập tức buông tay kia của bé gái ra, vẻ mặt thoáng xót xa.
Bé gái ngồi bệt dưới đất bắt đầu vừa khóc vừa chỉ vào Ôn Hoài Miểu, dùng ngôn ngữ xa lạ quát mắng, sắc mặt cô bé còn lại cũng không tốt.
Giorgio thở dài, ngăn Ôn Hoài Miểu phía sau, nhẹ nhàng khuyên bảo hai bé gái vài câu.
Anh có phần bất đắc dĩ, xoay người nói thầm với Ôn Hoài Miểu: “Thành thật xin lỗi.”
“Tôi…” Anh cũng không biết giải thích thế nào, bèn nửa đẩy Ôn Hoài Miểu đi xa, “Cô ở chỗ này chờ tôi được không?”
Anh đi hai bước rồi ngoảnh đầu lại, đôi mắt màu lam tràn ngập kiên định, “Hãy tin tôi.”
Hai bé gái đã vào trong nhà, đóng cửa.
Một mình anh tiến lên đi gõ cửa, khoảng cách quá xa nên Ôn Hoài Miểu không nghe được tiếng của anh, chỉ thấy anh sốt ruột chống cửa, tựa đồ đang trao đổi với người bên trong.
Không lâu sau, cô bé vừa rồi hé cửa, cảnh giác thăm dò xung quanh mới kéo Giorgio vào nhà.
Mới một lát thôi, bầu trời rực nắng đã hóa hoàng hôn.
Con đường nhỏ này hẻo lánh gồ ghề, mặt đất đầy cát và sỏi đá, thậm chí có thể bắt gặp vỏ sò vỏ hến.
Ở nơi không ai lui tới để ý, một cơn gió thổi qua, Ôn Hoài Miểu khép chặt vạt áo khoác mỏng.
Cô cúi đầu đi tới đi lui, giày trắng đá cát.
Chẳng biết đếm bao nhiêu lần 100, có lẽ cũng không quá lâu.
Một đôi giày dừng trước mặt cô, một giây sau cổ tay cô bị nắm lấy.
Trong ánh mắt lam của Giorgio ngập hình bóng cô.
Một lát không gặp, con người anh đã nhiễm nét buồn, cùng với thái độ Ôn Hoài Miểu không hiểu.
Giọng anh hơi uể oải, “Đi theo tôi.”
Ôn Hoài Miểu ngoan ngoãn mặc anh kéo về phía căn nhà.
Cửa đóng, Giorgio buông tay cô, gọi vọng vào trong.
Cô bé lớn hơn đỏ hoe mắt, tay giấu sau lưng bước ra.
Đi tới trước mặt Ôn Hoài Miểu, ngập ngừng hồi lâu mới run run xòe bàn tay.
Là một cuộn tiền euro.
Hóa ra cô bé biết tiếng Anh, “Em không nhớ cái nào là của chị, đại khái là chừng này.”
Vốn dĩ là đồ mất mà tìm được, Ôn Hoài Miểu không để ý nhiều.
“Cảm ơn.”
Cô bé định quay đi, Giorgio lẩm bẩm một tiếng, có vẻ là đang gọi tên bé gái, liếc mắt ra hiệu.
Một lần nữa, cô bé trở lại trước mặt Ôn Hoài Miểu, vẻ mặt không tình nguyện, “Sorry.”
Giorgio nhìn Ôn Hoài Miểu, “Chờ tôi một chút.”
Anh nói gì đó với bé gái, cô bé lập tức nhào vào lòng anh, bé gái nhỏ hơn ở trong nhà nãy giờ cũng chạy đến.
Anh bèn ngồi xổm xuống, ôm hai bé vào trong ngực, chạm đầu với họ.
Tuy Ôn Hoài Miểu không hiểu anh nói gì nhưng từ vẻ mặt cũng có thể nhận ra, anh nghiêm khắc lại săn sóc, lo lắng mà thương tiếc.
Cuối cùng anh dịu dàng vuốt tóc hai cô bé, đứng dậy rời đi.
Hai chị em nước mắt lưng tròng kéo tay anh.
Giorgio nhoẻn cười, an ủi vài câu.
Hai cô bé buông tay, vẫy tay tạm biệt anh.
Ôn Hoài Miểu và Giorgio hướng về bến tàu, bóng hai người bị nắng chiều kéo thật dài.
Cô phát hiện bản thân đã động chạm việc riêng tư của anh, đó thậm chí còn là việc riêng mang theo đau đớn.
Một đường im lặng ngoài ý muốn.
Giorgio mua giúp vé tàu, Ôn Hoài Miểu mới nhớ lấy tiền lẻ từ cuộn tiền euro trả anh.
Giorgio không từ chối.
Khóe mắt anh cay cay, con ngươi màu lam có vẻ kiên định.
“Xin lỗi cô.” Anh thoáng dừng một chút, “Tôi không biết các em ấy lại bắt đầu trộm đồ.”
Ôn Hoài Miểu nhìn ra nỗi khó xử của anh, làm động tác xua tay.
“Tôi tin hai em ấy cũng giống như anh.”
Nụ cười của cô có ma lực trấn an lòng người, “Đều là người tốt.”
Cô vỗ nhẹ bờ vai anh, “Tôi còn muốn cảm ơn anh.”
Giorgio sửng sốt nhìn cô, không biết tiêu cự mắt anh dừng ở đôi mắt cô hay biển cả sau lưng cô.
Cuối cùng lắc đầu định mở miệng, rồi lại không nói gì.
Trên đường về, sắc trời nhanh tối hẳn.
Đàn bồ câu trên quảng trường San Marco* tìm thức ăn, rồi giương cánh bay vòng quanh đỉnh nhà thờ.
(*) Quảng trường San Marco (tiếng Ý: Piazza di San Marco) là quảng trường quan trọng nhất và nổi tiếng nhất của thành phố Venezia. Quảng trường dài 175m, rộng 82m và cùng với Piazzale Roma và Piazza di Rialto là ba quảng trường duy nhất trong thành phố được gọi là piazza. Các quảng trường khác của Venice được gọi một cách khiêm nhường hơn: campo. Vì không cao hơn mực nước biển bao nhiêu nên quảng trường rất hay bị ngập lụt mỗi khi có bão cuốn theo nước ập vào từ mặt nhìn ra Kênh Lớn (Canal Grande) là khoảng không gian trống. “Đại sảnh lễ hội đẹp nhất châu u” này, như Napoléon đã từng gọi, bao giờ cũng tràn ngập du khách, nhiếp ảnh gia và chim bồ câu. (Nguồn: Wikipedia)
Giorgio ngoảnh đầu nhìn nhìn Ôn Hoài Miểu, cô cho rằng anh muốn tạm biệt.
Không ngờ anh rất chuyên nghiệp, quảng cáo thay ông chủ, ngỏ lời mời, “Tôi phải đi làm rồi, ở nhà hàng, món mì đen* của nhà hàng chúng tôi ăn rất ngon, cô muốn thử không?”
(*) mì đen hay mì sốt mực đen (tiếng Ý: pasta al nero di seppia) là món mì Ý được chế biến hoàn toàn thủ công từ chính mực của con mực. Món mì này thường được nấu kết hợp với các nguyên liệu hải sản. Mì Ý mực đen thường dai và dậy mùi hơn so với mỳ Ý màu vàng thông thường.
Ôn Hoài Miểu: “…”
Nhìn đôi mắt lam chân thành ấy, cô không nỡ từ chối.
Giờ này, thực khách như thoi đưa, nhà hàng cũng mở tại đoạn đường sầm uất, đường tắt nhỏ hẹp mang nét độc đáo có một không hai, nhưng ngặt nỗi bị người đi đường đổ ra chật như nêm cối.
Nhìn gondola bên cạnh lướt xa mà đám người không hề nhúc nhích.
Người đi đường không vội, phải ngó trái nghiêng, ăn kem ngắm tủ kính bày hàng, nghe người bán hàng đẩy mạnh tiêu thụ thủy tinh.
Vành mũ của Ôn Hoài Miểu rất rộng, suýt nữa quệt phải que kem trên tay một đứa bé.
Giorgio vô thức túm vai cô kéo về phía sau.
Hai người chưa kịp nhận ra sự xấu hổ, đã nghe thấy một hồi chuông lanh lảnh đằng xa.
Giorgio buông Ôn Hoài Miểu chưa kịp hoàn hồn, tức khắc có vẻ ảo não.
Cúi đầu rũ tay áo xuống.
Anh lẩm bẩm, “6 giờ rồi.”
Ôn Hoài Miểu nhìn di động, quả nhiên không lệch một phút.
Chắc là giờ anh hay đi làm buổi tối.
May thay không cần đi quá xa, họ dừng trước một nhà hàng ven biển. Bởi vì hôm nay không mưa, bàn ăn đều xếp ngoài trời, hai bên chính là mặt biển mênh mông, còn neo một chiếc vaporetto.
Ở trung tâm những chiếc bàn kính dựng một sân khấu nhỏ, có người đang biểu diễn.
Giorgio đi trước, tìm một bàn tròn nhỏ mời cô ngồi xuống.
Ôn Hoài Miểu ngồi theo.
Có nhân viên bồi bàn ăn mặc giống Giorgio đi tới, giúp cô thắp cốc nến thủy tinh và đưa cô một quyển menu.
Cô nhớ Giorgio nhắc đến mì đen, bèn gọi mì đen kèm nước chanh.
Nhà hàng ở Venice, đa số là café & restaurant & bar.
Xung quanh rất nhiều cặp tình nhân tóc vàng mắt xanh, họ gọi một ly rượu và nước trái cây, tận hưởng gió biển mơn man, lắng nghe khúc dân ca Ý du dương.
Lời trò chuyện giữa họ đã không còn quan trọng, tất cả đều thu trong ánh mắt.
Rất nhanh Giorgio đã quay lại, anh còn nhét thêm chiếc khăn tay rực rỡ trong túi áo gile.
Anh bưng một khay đựng đầy những ly nước chanh, mời các thực khách khác, cuối cùng mới đến Ôn Hoài Miểu.
Có lẽ là do đặc thù công việc, cộng thêm buổi chiều hai người quen thuộc hơn đôi chút, anh không còn mím môi, kiệm lời như trước.
Có điều chưa nói được hai câu, người đứng ở cửa nhà hàng đã gọi anh.
Ôn Hoài Miểu ra hiệu cho anh nếu bận cứ đi nên anh vội vã chạy qua.
Món mì đen của Ôn Hoài Miểu chẳng mấy được bưng lên.
Cô vốn cho rằng ‘ăn ngon’ của người nước ngoài thua xa tiêu chuẩn ‘ăn ngon’ thật sự, nào ngờ hương vị rất ổn.
Lúc cô dùng bữa xong, sắc trời đã tối đen.
Mỗi cốc nến trên bàn tựa như một vì sao tỏa ánh sáng ấm áp, trông như ánh đèn đường phản chiếu dưới dòng nước.
Cô thích ý duỗi chân, ngả người ra phía sau.
Khoảng thời gian thư thái, bầu không khí dễ chịu như vậy thật hiếm có.
Không ai hớt hải ngược xuôi, không ai bàn chuyện trên bàn ăn, không ai chúi vào di động xử lý công việc.
Người yêu tâm tình là chuyện rất đỗi bình thường, không phải điều gì quá xa xỉ.
Trừ ban đầu nói được một câu, về sau Giorgio bận tối mày tối mặt.
Có vẻ anh bận rộn bên trong nhà hàng, thỉnh thoảng mới ra ngoài nhưng cũng chỉ bưng rượu và nước chanh.
Ôn Hoài Miểu không để ý anh, song cô có thể cảm nhận được mỗi lần đi vào anh đều liếc cô một cái.
Sự ăn ý này khiến cô cảm thấy mới lạ.
Cô quan sát những chiếc thuyền lui tới, biến ánh đèn trong nước thành từng mảnh nhỏ.
Chờ thuyền đi rồi, mặt nước dần phẳng lặng, vụn ánh đèn chậm rãi ngưng tụ.
Chẳng qua lại có một con thuyền khác lướt qua nhanh hơn.
Cô nhìn sóng nước xao động không ngừng, bất giác thấy mệt mỏi.
Khi Giorgio hơi rảnh, khách khứa đã rời đi gần hết.
Chỉ còn mấy người nâng ly cạn chén.
Anh nhìn về phía Ôn Hoài Miểu.
Cô đã dựa vào ghế ngủ thiếp đi.
Mũ sụp xuống, che bớt nửa gương mặt.
Chỉ còn chiếc cằm mảnh và cánh môi có vẻ mờ ảo dưới ánh nến.
Làn váy trắng rất dài, bởi vì cô nghiêng mình, một bên rủ xuống đất.
Dưới lớp vải ren, ngực cô nhấp nhô theo từng nhịp thở.
Giorgio nghĩ nghĩ, quay ra ôm tấm chăn bạc, đắp cho cô.
Nào ngờ cô rất thính ngủ, tay túm chăn theo phản xạ, nhấc vành mũ lên xem.
Thấy là anh, Ôn Hoài Miểu cười cười.
Ánh mắt cô ra hiệu cho anh, “Ngồi xuống nhé?”
Giorgio nhìn quanh một vòng, không phát hiện vị khách nào cần phục vụ.
Sau khi ngồi xuống, áo sơmi căng ra, anh tiện tay cởi khuy cổ áo rồi thở phào.
Ôn Hoài Miểu nghiêng đầu hỏi anh, “Mệt sao?”
Giorgio lắc đầu, “Công việc.”
Anh giải thích, “Tối nay không có khách cần đón ở homestay, vừa vặn buổi chiều tôi đã làm thủ tục check in cho một vị khách mới có thời gian tới tìm cô.”
Ôn Hoài Miểu sực nhớ lúc đón cô tối qua, anh đã mặc T-shirt.
“Vậy còn tối qua?”
“Tối qua mưa to nên không buôn bán, ông chủ bảo tôi đón cô xong là có thể tan tầm.”
Ôn Hoài Miểu hơi áy náy, “Thành thật xin lỗi.”
Giorgio vẫn bộc trực như thế, anh không bảo cô đừng bận tâm: “Cô đã nói xin lỗi rồi.”
Nếu không phải vẻ mặt anh ôn hòa, cô còn tưởng đó là câu trách cứ.
Hai người lại im lặng.
Cuối cùng, Giorgio cũng có tự giác của nhân viên phục vụ, anh mở lời hỏi cô, “Ăn ngon không?”
Ôn Hoài Miểu định đáp ăn ngon thì chợt nhớ đến nhận xét của Giorgio về món mì Ý cô làm.
Chân thành lại thẳng thắn.
Lời đến cửa miệng lại nuốt về, cô hỏi đùa, “Anh làm à?”
Nào ngờ Giorgio gật đầu nghiêm túc, anh hỏi lại cô, “Sao cô biết?”
Ôn Hoài Miểu: “…”
Ôn Hoài Miểu nín lặng.
Cô không trả lời được.
Lại thấy Giorgio cười khẽ, “Tôi đùa thôi.”
Hình như anh rất kiềm chế, hoặc giả là do sắc mặt nghiêm túc, ngay cả vui đùa cũng khiến người ta cảm giác anh cười thật hàm súc.
Chỉ có ý cười trong đôi mắt xanh rõ nét.
Hơn nữa Ôn Hoài Miểu vốn không ngờ anh sẽ đùa như thế.
Giống như người rành chuyện trai gái.
Một giây sau, vẻ mặt anh lại nghiêm túc, “Nhưng nước chanh đúng là do tôi pha.”
Y hệt đứa bé muốn được khen ngợi.
Mái tóc xoăn nâu khẽ lay động vì gió đêm.
Lúc này, Ôn Hoài Miểu chợt nhìn ra nét tương tự giữa anh và hai bé gái cô gặp buổi chiều rồi.
Tóc nâu và làn da rám nắng, vậy mà không giống người da đen.
Chẳng qua ngũ quan Giorgio mang nhiều đặc điểm của người da trắng, còn có đôi mắt xanh sẫm, hốc mắt sâu.
Ôn Hoài Miểu buột miệng hỏi một vấn đề cô vẫn luôn tò mò.
“Anh bao nhiêu tuổi rồi?”
Giorgio lấy làm lạ, “Age?”
Tựa hồ chính bản thân mình cũng không thể lập tức nhớ ra, anh bấm ngón tay song cũng không quá chắc chắn đáp án.
“Chắc là 20 tuổi.”
Anh không hỏi lý do Ôn Hoài Miểu hỏi như thế.
Cúi đầu nhìn di động, anh ra lệnh trục khách, “Đã 8 rưỡi rồi, cô cần phải trở về, muộn thêm chút nữa, đường về sẽ lại bị ngập nước.”
Ôn Hoài Miểu ngẫm nghĩ, “Có thể bói cho tôi không?”
“Bằng Tarot?”
“Ừ, mất bao lâu?”
“Nhanh thôi.”
“Tôi xem bói xong rồi đi, được chứ?”
Giorgio gật đầu, quả nhiên bộ bài là vật bất ly thân, anh dọn cốc nến và ly nước qua một bên, đặt bộ bài giữa mặt bàn.
Anh nhìn về phía Ôn Hoài Miểu, “Cô muốn dùng cách nào?”
Ôn Hoài Miểu lắc đầu, “Tùy anh.”
Anh đưa bộ bài cho Ôn Hoài Miểu, “Cô cần tráo bài.”
Ôn Hoài Miểu gật đầu, đang định bắt đầu thì bị anh ngăn lại.
Đôi mắt xanh sáng ngời nhìn cô, “Cô cần đủ thành kính, đừng nghĩ chuyện khác.”
“Không, ý tôi không phải vậy.” Anh cảm thấy mình biểu đạt không rõ, “Tráo bài là lúc nghĩ chuyện muốn hỏi, như vậy thần Tarot mới có thể trả lời vấn đề của cô. Không thể nghĩ chuyện khác.”
“Rồi nghe theo âm thanh trong đầu cô, quyết định tay cô.”
“Phải tráo bài theo vòng tròn.”
Ôn Hoài Miểu nghi hoặc, “Vòng tròn?”
Giorgio gật đầu, tiếng Anh của anh ngay lúc này không hoàn chỉnh, không thể hiện được ý anh muốn biểu đạt.
Anh giải thích thêm vài câu, Ôn Hoài Miểu cố gắng làm theo bằng cách hiểu của mình.
Giorgio khẽ lắc đầu, “No no no.”
Ôn Hoài Miểu nhìn anh, anh cầm tay cô, dạy cô cách xếp bài thành thành vòng tròn, tráo bài đúng hướng.
Tối qua, hai người cũng nắm tay tại nơi tối om, chẳng hề cảm thấy bầu không khí quái lạ.
Trong ấn tượng của Ôn Hoài Miểu chỉ có giọng ngái ngủ của anh và vầng trán nhớp mồ hôi của cô, bàn tay lạnh lẽo được anh nắm chặt, không còn cảm giác sợ hãi.
Giờ đây thì khác, đôi mắt màu lam hệt như lốc xoáy, bên trong là tia sáng thành kính.
Anh mấp máy môi, lòng bàn tay nóng bỏng dạy cô tập trung sự chú ý, lắng nghe bản thân nghĩ gì, muốn hỏi điều gì.
Cô có thể cảm giác được anh rất thành tâm, muốn dẫn cô đi hỏi thần Tarot.
Tiến vào thế giới của anh.
Tiếp xúc do tâm linh tương thông thường mang theo điện.
Cô càng muốn gạt bỏ suy nghĩ vẩn vơ, nhìn chòng chọc vào mắt anh để hoàn thành lượt bói, trong đầu càng hiện rõ hàng mi cong vút, ánh mắt xanh thẳm, rãnh môi trũng sâu, chỉ cằm thấp thoáng của anh.
Cô không nghe được âm thanh trong đầu mình, chỉ nghe thấy giọng trầm khàn xen lẫn bối rối của Giorgio.
Cô tráo bài rất lâu mới lên tiếng, “Khi nào có thể ngừng?”
Giorgio rời mắt khỏi gương mặt cô, cúi đầu quan sát tay cô và bộ bài.
“Tùy cô.”
Anh vừa nói, “Bước tiếp theo…”
Còn chưa dứt câu, bả vai đã bị một nhân viên bồi bàn vỗ nhẹ, người này nói tiếng Anh, có lẽ không phải dân Ý.
Anh ta cười nhạo, “Cô gái váy đỏ bên kia cho tiền boa, mời cậu lên hát.”
Ánh mắt Giorgio và Ôn Hoài Miểu đều nhìn theo hướng anh ta chỉ.
Cô gái tóc vàng mặc váy đỏ, cười chào Giorgio một tiếng.
Giorgio có ấn tượng, vừa rồi anh có mang qua một lý nước.
Anh đã làm việc ở nhà hàng một thời gian dài, những chuyện kiểu này rất đỗi bình thường.
Có đôi khi thực khách chỉ muốn bày tỏ thiện ý và thưởng thức cái đẹp.
Anh nhìn Ôn Hoài Miểu đầy áy náy, “Sorry.”
Ôn Hoài Miểu cười buông tay, tỏ ý không sao.
Anh thu bài, cất kỹ mới đứng dậy.
Khi đi còn đùa giỡn với nhân viên bồi bàn khác, hai người đập vai nhau.
Anh lúc này giống như một thiếu niên mới lớn.
m nhạc trước đó chẳng qua chỉ là nhạc đệm, Giorgio đi qua, cầm lấy micro.
Cúi đầu cất giọng.
“Sul mare luccica l’astro d’argento.
Placida è l’onda, prospero è il vento.”
Ôn Hoài Miểu cảm thấy giai điệu quen thuộc, bèn vẫy nhân viên bồi bàn đứng xem gần đó.
“Đây là bài gì?”
“Santa Lucia.” Anh ta cười, “Giorgio chỉ biết bài này thôi, lần nào cậu ấy cũng hát nó.”
Ôn Hoài Miểu nhoẻn cười.
Người chèo gondola đi qua nghe thấy, ‘hey’ một tiếng với Giorgio.
Rồi hòa giọng cùng anh.
“Venite all’agile barchetta mia.
Santa Lucia! Santa Lucia!”
Thực khách ngồi phía ngoài nhà hàng cũng vỗ tay cổ vũ họ.
Giorgio hơi xấu hổ, vén mái tóc xoăn cúi đầu hát.
Giọng anh rất dễ nghe, trầm khàn lộ vẻ biếng nhác.
Vừa có nét ngây ngô của thiếu niên.
Khi anh ngẩng đầu lên lần nữa, chỗ ngồi của Ôn Hoài Miểu chỉ còn dư lại một tấm chăn.