Đăng vào: 12 tháng trước
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Mặt sau tờ giấy cũng có nét mực, có thể thấy lờ mờ.
Văn Thời lật mặt giấy trông thấy một vệt mực lớn. Chắc là tiểu thiếu gia Thẩm Mạn Thăng đã viết một đoạn văn biện giải đáp lại lời phê bằng bút đỏ của Lý tiên sinh. Nhưng không biết vì sao lại xóa đi.
Mức độ nhiều ít của vệt mực này không giống nhau, phải soi dưới ánh sáng mới miễn cưỡng nhìn ra được bản gốc lúc đầu———
“Con không….” Hạ Tiều lật đi lật lại tờ giấy, sau khi thử nghiệm mấy lần mới nói: “Em cố gắng lắm rồi, đằng sau thật sự nhìn không rõ, chỉ có thể đọc được hai chữ này thôi.”
Thế nhưng, con không làm sao?
Con không làm thế? Con không thay đổi? Hay là con không nên làm thế?
Sau khi xóa những chữ kia đi, Thẩm Mạn Thăng viết một câu ở bên cạnh xem như câu trả lời cuối cùng dành cho Lý tiên sinh.
Nó viết: Con biết rồi, thưa tiên sinh.
Hạ Tiều nhìn chằm chằm tờ giấy kia, biểu cảm vô cùng có trách nhiệm, xen lẫn với suy tư và khó hiểu: “Hiện tại em rất mông lung, cảm giác như bắt được gì đó nhưng lại vô cùng mơ hồ.”
Cậu nhíu chặt mày lẩm bẩm: “Em phải gỡ rối một chút…..vậy là vị tiểu thiếu gia nhà họ Thẩm này cố tình bắt chước chữ của anh Tuấn?”
Trò đùa của trẻ con thường khiến người ta nghĩ không thấu, dù là vô tình hay cố ý thì cũng không thể phân biệt rõ ràng. Hạ Tiều nhớ khi còn bé, phố đối diện có một thằng nhóc nói lắp, thế là những đứa trẻ khác kéo đàn kéo lũ bắt chước nó, biến thành 7-8 đứa nói lắp, sau đó chúng nó bị phụ huynh tẩn cho một trận, rất lâu sau mới sửa lại được.
Mục đích ban đầu học nói lắp của mấy đứa bé kia rất khó xác định, có đứa là cảm thấy vui, có đứa lại làm thế nhằm chế nhạo.
“Nếu như vì chế nhạo, vậy thì đúng là xấu xa. Nhưng nó lại rất ngoan ngoãn nói bản thân biết rồi.” Hạ Tiều luôn cảm thấy hình tượng của vị tiểu thiếu gia họ Thẩm này tràn ngập mâu thuẫn khiến cho người ta rối rắm, “Cũng không biết sau này sửa được chưa——“
“Rất rõ ràng là không đổi, hoặc là không đổi được nữa.” Tạ Vấn nói.
Anh ta nói chắc như đinh đóng cột, Hạ Tiều không kịp phản ứng, vô cùng thắc mắc: “Sao anh biết?”
Tạ Vấn chỉ cái rương sách kia nói: “Chữ đều ở kia, không lẽ cậu đọc ngược à?”
Hạ Tiều sửng sốt một chút, bỗng nhiên đỏ mặt. Cậu nhận ra bản thân đã phạm phải sai lầm cấp thấp nhất——-
Chữ trong rương xếp chồng từng tờ lên nhau, tờ ở dưới cùng được viết sớm nhất. Nói theo cách khác chính là sau khi Lý tiên sinh phê bình ‘Đừng bắt chước chữ A Tuấn nữa’, chữ của Thẩm Mạn Thăng vẫn không có thay đổi lớn. Từ ngày này qua tháng nọ, chữ viết ‘bắt chước A Tuấn’ đã chất đầy một rương.
Mà Lý tiên sinh cũng không nói gì thêm, lời phê chỉ có một dấu chấm, có lẽ bó tay hết cách với vị thiếu gia này, cũng có khi là lười chẳng thèm quản nữa.
Bảo sao Tạ Vấn nói như vậy.
Viết như thế suốt một thời gian dài, cho dù Thẩm Mạn Thăng muốn thay đổi thì cũng không thể đổi được nữa. Bất kể lý do gì, chữ viết mà nó học được đã chậm rãi biến thành chữ của bản thân.
Hạ Tiều chậm rãi nói: “Cho nên chữ của Thẩm Mạn Thăng và anh Tuấn rất có thể tương tự nhau?”
Văn Thời: “Khác biệt không nhiều.”
Hạ Tiều mở to hai mắt nhìn: “Nếu như vậy….”
Chữ trong quyển nhật ký bỗng chứa đựng hai hàm ý: Đó là chữ của Thẩm Mạn Thăng, cũng là chữ của anh Tuấn.
Nếu như nhật ký thật sự là bản thân Thẩm Mạn Thăng viết thì đành thôi. Còn nếu có một phần là do A Tuấn viết thì sao? Thậm chí….tất cả vốn đều là do A Tuấn viết?
Từ trước cho đến bây giờ Văn Thời chưa từng đưa ra kết luận xấu nào về tiểu thiếu gia Thẩm Mạn Thăng. Bởi vì chiếc giường trong phòng ngủ, cũng vì cuốn nhật ký kia.
Hắn luôn cảm thấy một đứa bé không muốn để cho người khác ngủ trên chiếc giường dành cho người hầu thô sơ, đồng ý san sẻ một nửa giường của mình cho người ta, dù có thế nào cũng không thể bẻ gập người chị mình nhét vào trong sô pha chỉ vì cô bé thích cười và hay ồn ào đâu.
Mà cuốn nhật ký kia luôn nhắc tới anh Tuấn——–Thẩm Mạn Di thường lôi kéo anh Tuấn chơi cùng vào những lúc không hợp thời nên rất đáng ghét. Lý tiên sinh thường chê chữ anh Tuấn, vì lẽ đó mà rất hà khắc.
Văn Thời cảm giác cuốn nhật ký bị cắt rất là kỳ quái, như ngay đây—–vì nhân quả của mỗi cá nhân, mỗi chuyện trong nhật ký đều không liên quan đến bản thân tiểu thiếu gia.
Mà nội dung thường có mâu thuẫn, lúc thì nói ‘Thẩm Mạn Di lôi kéo bé gái chơi trò cô dâu thật giả thì cũng đành thôi, còn hay kéo theo cả anh Tuấn’, lúc lại nói ‘Thẩm Mạn Di còn thích bắt mình đoán cô dâu thật giả’.
Trước đó Văn Thời cứ tưởng trạng thái của người viết nhật ký không ổn, để lộ sự điên cuồng bị đè nén, cho nên nội dung mới có chút mất trật tự.
Nhưng bây giờ, khi tập trung tất cả những điểm này lại, mọi thứ bỗng nhiên trở nên rõ ràng.
Nếu chữ trong nhật ký là A Tuấn; nếu như câu chuyện trong nhật ký là A Tuấn mượn lời tiểu thiếu gia kể khổ cho mình; nếu như chữ ‘Anh Tuấn’ và ‘mình’ để chỉ cùng một người, như vậy thì tất cả mọi chuyện sẽ liên kết với nhau.
Chỉ còn một vấn đề……
Vóc người A Tuấn và Thẩm Mạn Thăng xêm xêm nhau, đều nhỏ hơn một chút so với Thẩm Mạn Di. Chuyện Thẩm Mạn Thăng không làm được, vì sao cậu ta lại làm được?
…..
Văn Thời trầm ngâm suy nghĩ.
Chớp mắt ấy, hắn cảm giác bản thân đã nghĩ ra điều gì đó, nhưng còn chưa kịp bắt được thì bị tiếng rạch da thịt của Lý tiên sinh cắt ngang mạch suy nghĩ.
Lý tiên sinh chấm ngòi bút vào máu, định cố chấp viết lại chữ ‘Thẩm’, nhưng bị Văn Thời ngăn cản.
“Đợi đã.” Văn Thời nhìn vào hốc mắt trống rỗng của gã hỏi, “Có phải anh đã nói hoặc làm chuyện gì đó khác thường không?”
Nếu không thì sao ‘tiểu thiếu gia’ lại viết ‘Lý tiên sinh phát hiện ra rồi’ trong nhật ký, còn vội vàng giết gã.
Động tác của Lý tiên sinh cứng đờ, giọt máu dính trên ngòi bút nhỏ xuống mặt giấy hóa thành một vệt màu đỏ. Gã nắm chặt cổ tay mình, mãi sau mới dùng sức viết ba chữ lên giấy:
Tới tìm tôi.
“Anh không phải ở đây à?” Hạ Tiều khó hiểu hỏi.
Nói xong cậu mới nhận ra, ở đây chỉ là ‘Lý tiên sinh’ quay về lúc đêm khuya, Lý tiên sinh thật sự sẽ bị nhốt trong một nơi nào đó không thấy ánh mặt trời như Thẩm Mạn Di trong ghế sô pha.
“Vậy anh ở đâu?” Hạ Tiều vội hỏi.
“Không hỏi ra được.” Tạ Vấn đóng rương sách, đứng thẳng người. Anh ta cầm tờ giấy luyện chữ trên bàn, gấp gọn gàng, chỉ vào cửa nói với Văn Thời: “Đi thôi, đi tìm anh ta.”
Bọn họ hiểu rất rõ về kiểu tồn tại này của Lý tiên sinh. Mọi người có thể hỏi gã rất nhiều chuyện, gã sẽ cố gắng nói tất cả dưới tình huống phối hợp. Duy chỉ có nơi gã chết là điều cấm kỵ.
Giống hệt như Thẩm Mạn Di khi trước, không muốn nhìn thấy và không muốn nhắc tới.
Quả nhiên Hạ Tiều trông thấy Lý tiên sinh nắm chặt bút không nói lời nào, một giây sau đầu chiếc bút máy gãy ‘cạch’, máu nhỏ xuôi xuống, nháy mắt chảy đầy cả bàn sách.
Hạ Tiều quay đầu nhìn, anh cậu và ông chủ Tạ một trước một sau ra cửa từ bao giờ. Trong phòng chỉ có cậu và hai con ‘quỷ’ mắt lớn trừng mắt nhỏ, cậu ngay cả thét lên cũng quên mất, nhanh chân bỏ chạy.
Kết quả Thẩm Mạn Di và Lý tiên sinh phi còn nhanh hơn cậu.
Văn Thời đứng trong hành lang giật nhẹ dây rối, kéo xong mới nhớ mình giật thừa một sợi——
Sợi dây buộc hai con rối là Thẩm Mạn Di và Lý tiên sinh bay nhè nhẹ, nháy mắt xuất hiện trước mặt hắn. Còn sợi thứ ba….
Cái sợi thứ ba va vào sau lưng, vịn nhẹ vào vai hắn mới đứng vững được bước chân, dở khóc dở cười hỏi một câu: “Cậu giật dứt khoát như vậy, có phải quên mất còn có một người bị buộc trên dây không?”
Phải…..
Nhưng Văn Thời sẽ thừa nhận à?
Còn lâu.
Hắn lên tiếng bác bỏ, trầm giọng bảo: “Có chuyện.”
Tạ Vấn gật nhẹ đầu, buông thõng tay tỏ vẻ rửa tai lắng nghe: “Chuyện gì mà cách ba năm bước không nói được, nói tôi nghe xem nào.”
“…..”
Văn Thời không bịa được, dứt khoát từ bỏ. Hắn quay đầu nói với Lý tiên sinh: “Tìm khắp nơi sẽ tốn thời gian, cho nên….”
Nói xong, một tay Văn Thời quấn dây rối, một tay túm bả vai Lý tiên sinh đẩy gã tiến một bước lần lượt về các hướng đông tây nam bắc.
Mặt mũi Lý tiên sinh tràn đầy mờ mịt, Văn Thời bảo gã đi thế nào thì gã đi thế đó, duy chỉ có lúc nhắm hướng đông mới hơi chần chừ một chút. Dường như có sự kháng cự với hướng kia.
Gã định lùi về phía sau, nhưng Văn Thời đã cản đường lui.
Đối phương đi ngược lại con đường cũ, đẩy gã tiến một bước về hướng gã sợ nhất, nói nhỏ: “Tiếp tục đi, đừng dừng lại.”
Lúc Hạ Tiều đuổi tới, cậu thấy anh mình vừa đi vừa điều chỉnh phương hướng theo phản ứng của Lý tiên sinh. Hệt như khi cậu mở app chỉ đường rồi dò đường về phía trước theo hướng mũi tên chỉ.
“Thế mà cũng được???”
Hạ Tiều phục sát đất, ngoan ngoãn đi theo sau lưng Văn Thời và Tạ Vấn, vừa đi vừa ngó nghiêng bốn phía, từ trần nhà tới khe hở của thảm trải sàn, thậm chí vách ngăn thủy tinh cũng không bỏ sót.
“Khỏi cần nhìn trái ngó phải.” Tạ Vấn khẽ nhắc nhở.
Hạ Tiều khẽ hỏi: “Vậy nhìn ở đâu?”
“Chỗ có xà ngang, có thể buộc dây thừng, nơi có nước.” Văn Thời không quay đầu trả lời. Hắn xác định được rõ mục tiêu, ánh mắt chưa từng lơ là cho nên lướt mắt rất nhanh.
“Nhà tắm, mái hiên, xà nhà gần cửa sổ, hoặc là——“ Hắn nói được một nửa, bỗng dừng bước im bặt.
“Sao thế anh?” Hạ Tiều hỏi.
Nhưng một giây sau liền nhận ra nguyên nhân anh mình dừng lại, bởi vì lúc Lý tiên sinh tới gần cửa sân sau, gã đột nhiên co rúm, điên cuồng muốn lùi về sau.
Văn Thời nhanh tay lẹ mắt quấn một vòng dây mới kịp thời ổn định gã.
Sân sau?
Văn Thời nhíu mày.
Hắn dứt khoát mở cửa, bật đèn hiên ở sân sau.
Vừa bước vào liền ngửi thấy một mùi khô héo nồng đậm. Cả sân toàn là hoa giống như lời Thẩm Mạn Di từng kể, xung quanh khung xích đu có một khóm hoa màu vàng nhạt, những bông hóa đó trông như tai thỏ dựng thẳng đứng, cũng giống nơ con bướm thon dài.
Chẳng hiểu vì sao, Văn Thời chợt nhớ tới dưới chân núi Tùng Vân cũng từng có loại hoa này, hoa màu trắng, sạch sẽ như tuyết trên đỉnh núi, còn sinh động và đầy sức sống hơn cả tuyết.
Hắn vẫn nhớ loại hoa này tên là hoa anh thảo.[1]
[1] Tên khác: tiên khách lai, hoa tai thỏ ….
“Tai thỏ!” Thẩm Mạn Di kêu lên định nhào qua. Lâu lắm rồi cô bé không thấy khu vườn này nữa, nhưng vừa mới bước một chân vào, cô bé đột nhiên rụt mạnh về như bị bỏng.
Sau đó cô bé ngồi xổm cạnh cửa không nói năng gì.
Khu vườn này tươi sáng sặc sỡ đủ sắc màu, lại không hiểu vì sao mà tràn ngập sự chết chóc.
Trong sân rõ ràng có gió thổi, chiếc xích đu khẽ đung đưa, nhưng những bông hoa màu vàng nhạt và dây leo cỏ dại lại không hề lay động, dù một chút cũng không có.
Văn Thời quét mắt một vòng, cả sân ngoại trừ xích đu và giàn nho ra thì không có chỗ nào cao hơn người. Cho dù muốn treo Lý tiên sinh lên xích đu thì cũng không tìm được điểm tựa.
Nhưng Lý tiên sinh đã sợ đến mức không đi nổi nữa.
Gã luống cuống tay chân, không biết nên ôm cổ hay là che mắt trước, chạy trối chết tới một góc trong sân.
Văn Thời tiến về trước một bước, gã càng hoảng loạn hơn.
Trong lúc bồn chồn, âm thanh kẽo kẹt kia lại xuất hiện, vang vọng trong đêm tối tĩnh mịch, như sợi dây thừng quấn quanh cột gỗ chông chênh, vật nặng trĩu xuống, đong đưa từ bên này sang bên kia.
Lý tiên sinh co rúm bên tường, ngửa mặt nhìn lên đỉnh đầu, dường như nhìn thấy một chiếc dây thừng không hề tồn tại.
Tạ Vấn đứng ở bên cạnh, cúi đầu nhìn Lý tiên sinh một hồi rồi ngẩng đầu lên. Văn Thời tưởng anh ta biết được điều gì bèn liếc về phía anh, lại phát hiện anh ta đang ngắm trăng.
Phía chân trời có một vầng trăng tròn, đường viền không rõ ràng, áng sương mù che khuất ánh trăng, âm u vô hồn hệt như mấy bông hoa trong sân, lại như một cái lỗ hổng được thợ thủ công kỹ năng vụng về bổ sung thêm vào.
Văn Thời nhìn chằm chằm cái ‘lỗ’ kia, đột nhiên sắc mặt hắn thay đổi.
Hắn nghĩ tới một nơi.
Có khúc gỗ, có thể buộc dây thừng, không cần cao và không cần dùng quá nhiều sức, vẫn dễ dàng treo cổ được người———
“Là giếng nước.”
Hắn nói rồi sải bước băng qua sân sau. Tìm được một miệng giếng cách xích đu không xa.
Giếng này bỏ hoang đã lâu, xà ngang bắc trên miệng giếng bị gãy rơi dưới đất. Trên miệng giếng còn đè một tảng đá. Nó được bao phủ bởi cỏ dại mọc um tùm, nếu không chú ý thì không thể nhìn ra.
Văn Thời quỳ một chân, vươn tay nhấc tảng đá lên, một mùi thối nồng nặc phả vào mặt.
Hạ Tiều chậm hơn Tạ Vấn nửa bước vội vàng chạy tới, bị mùi hương kia xông cho ngã ngồi bên cạnh giếng. Cậu nín thở thò đầu vào nhìn, mặt cắt không còn một giọt máu——–
Miệng giếng này vẫn chưa cạn, còn đọng một vũng nước, vị tiên sinh dạy học gầy nhom kia đang nằm trong vũng nước.
Gã ngồi dưới đáy giếng, trên cổ là dây thừng mục nát, khuôn mặt bị ngâm trương phồng trắng bợt đã không còn nguyên dạng đang ngẩng đầu lên. Tóc bồng bềnh trong nước như rong bèo, xoắn bện với rêu xanh trên thành giếng.
Gã cứ nhìn đỉnh đầu như vậy thì tất nhiên là không thể yên nghỉ rồi. Cũng không biết đã ngồi bao lâu mới đợi được người tới.
Văn Thời vịn mép giếng, im lặng không nói gì.
Hắn nhíu mày, cụp mắt bình tĩnh nhìn xuống đáy giếng.
Sau một lúc lâu, có người dùng ngón tay nhẹ nhàng vỗ gáy hắn. Văn Thời quay đầu, trông thấy có người đứng sau lưng mình. Tạ Vấn cúi đầu nói: “Có tôi che chắn rồi, anh ta không thấy đâu, đón người lên đây đi.”
Anh dùng từ ‘đón’, một từ rất đơn giản nhưng lại khác xa với rất nhiều người.
Văn Thời nhìn Tạ Vấn, ánh mắt lay động. Lúc ấy hắn dường như muốn nói gì đó, nhưng cuối cùng chỉ ừ một tiếng rồi dời mắt nhìn xuống đáy giếng lần nữa.
Hắn thả sợi dây rối cuốn lấy người mềm như bông dưới giếng.
“Che kín chút.” Hắn không quay đầu nói.
“Ừ.” Tạ Vấn đáp lại.
Thi thể được đặt trên mặt đất được cỏ dại mọc um tùm và hoa lá che khuất, đứng xa một chút thì sẽ chẳng nhìn thấy cái gì. Nhưng nhờ có sự liên kết từ sợi dây rối, Văn Thời vẫn có thể cảm nhận được Lý tiên sinh co rúm gần cửa sân sau đang run rẩy.
Hễ cứ là người nóng tính một chút thì oán khí có thể lật tung cả khu vực sân sau. Nhưng đám sương đen kia chỉ ùa ra liên tục từ người Lý tiên sinh tựa như dòng nước trong hốc mắt gã, vừa dữ dội lại vừa im ắng.
“Anh ơi, trong giếng hình như còn thứ gì đó.” Hạ Tiều đột nhiên thì thào.
Văn Thời nhìn thử, quả nhiên thấy có thứ gì đó bị ánh trăng rọi thành màu xanh đỏ như vết gỉ sắt trong lớp bùn dưới đáy giếng.
Đó là một chiếc hộp nhỏ bằng đồng, lớp vỏ mỏng, được bịt kín. Có lẽ do bị gỉ, cũng có thể do bùn lắng bao phủ. Văn Thời vớt nó lên, dùng sức cạy mở, phát hiện đồ bên trong không bị hư hỏng quá nhiều.
Đó là một tập thư.
Văn Thời nhìn qua thì thấy phong bì viết gọn gàng thông tin người nhận và người gửi, có dán tem và đóng dấu. Đa số đều là Lý tiên sinh nhận được, những lá thư kia được cùng một người tên là Từ Nhã Dung gửi.
Bức thư trên cùng thì ngược lại, người gửi là Lý tiên sinh và người nhận là Từ Nhã Dung, nó cũng được dán tem, nhưng không rõ vì sao lại bị trả về.
Rõ ràng đây là hộp thư của Lý tiên sinh. Không biết vì sao lại rơi dưới đáy giếng với gã.
Có thể vì Lý tiên sinh phát hiện ra chân tướng về việc mất tích của Thẩm Mạn Di nên đã làm hoặc chuẩn bị làm gì đó, sau đó định mang theo hộp thư rời khỏi nhà họ Thẩm?
Trực giác mách bảo Văn Thời rằng trong thư sẽ có nhiều manh mối quan trọng, nếu không thì Lý tiên sinh sẽ không làm trái bản năng của mình, cố gắng viết chữ ‘Tới tìm tôi’ cho hắn.
Hắn chọn bức thư mà Lý tiên sinh không thể gửi và mở nó ra trước.
Nét chữ văn nhã của tiên sinh dạy học chiếm đầy trang giấy, khác hẳn với chữ ‘Thẩm’ xiêu xiêu vẹo vẹo, vừa nhìn đã biết được luyện tập từ nhỏ, mang đầy khí chất văn chương.
***
Nhã Dung vợ anh, thấy chữ như thấy người.
Bức thư lần trước em gửi có nói mình bị cảm lạnh, đã hơn nửa tháng trôi qua mà vẫn chưa thấy khỏi hẳn, anh lo đến mức đầu lưỡi nhiệt loét hai chỗ. Không biết lần này nhận được thư, cơ thể em đã khỏe hơn chưa, nếu như tình trạng vẫn không tiến triển rõ rệt thì nhất định phải tới Nam Phong tìm Tăng đại phu, để anh ta khám rồi kê đơn thuốc cho em. Đừng tìm mấy tên lang băm.
Tháng này anh không về được, tiên sinh và phu nhân nhà họ Thẩm vẫn chưa về, điện tín gửi đi cũng không thấy hồi âm, thực sự đi không được. Ngày 19 là giỗ chị Thái, từ giờ tới lúc đó cũng chẳng còn bao lâu, anh không thể bỏ mặc lũ trẻ được. Em cũng biết đó, anh từng kể với em rồi, ngày chị Thái mất, Mạn Di bị dọa tới nỗi đổ bệnh, mấy năm nay tình trạng của nó vẫn không khá hơn, đợi tới ngày 19, sợ là nó sẽ lại quậy phá một trận cho xem.
Lần trước em gửi thư bảo anh gửi kèm cho em một bức ảnh. Hôm nọ anh cắt tóc, còn tới tiệm chụp ảnh để chụp một tấm hẳn hoi kẹp vào thư, không biết trông có già hơn năm ngoái không.
Anh không gửi ảnh chụp của những người khác nữa. Ảnh chụp gia đình nhà họ Thẩm lần trước là lúc chị Thái vẫn còn sống, anh vốn định rửa một tấm rồi gửi cho em xem, nhưng trong ảnh cũng thiếu người, Thẩm tiên sinh và phu nhân vẫn chưa về, bà vú chuyên nấu cơm họ Đậu cho rằng chụp ảnh sẽ khiến người ta mất hồn giảm thọ nên không chịu chụp cùng.
Nhắc tới bà Đậu, bà ấy thấy bọn anh khăng khăng đòi chụp ảnh liền tốt bụng dâng cúng cho mỗi người một chiếc đèn trường minh phúc thọ, thường niệm kinh văn và tra thêm dầu, nói rằng muốn bảo vệ linh hồn và tuổi thọ của bọn anh. Ai ngờ chẳng bao lâu sau chị Thái treo cổ. Ngọn đèn trường minh của chị ấy vẫn được cúng bái như trước.
Tinh thần bà Đậu vẫn chưa khá hơn, hôm trước lúc đi ngang qua căn phòng nhỏ còn hơi thổn thức sụt sịt.
Lúc vừa mới dán ảnh, thằng con A Tuấn của chị Thái đến nộp bài tập, anh tạm gác bút xuống một lát nên mực hơi khô, em xem tạm nhé.
Nói đến A Tuấn….nghe nói chị Thái cũng từng là tiểu thư có cuộc sống đài các, sau này gia đình sa sút lụn bại, người chết người bỏ đi, ăn cơm để sống cũng trở thành một vấn đề, cho nên mới tới nhà họ Thẩm, bảo sao chị ấy luôn sầu não uất ức.
Thằng nhóc A Tuấn này vốn phải có mệnh thiếu gia, mấy năm nay mới theo anh học vài con chữ, miễn cưỡng đọc hiểu được văn chương. Nhiều khi nghĩ tới cũng khiến người ta thổn thức không thôi.
Mỗi tội anh không thích tính nó lắm, vô cùng hẹp hòi.
…..
Sau đó Lý tiên sinh lại viết mấy chuyện vặt vãnh thường ngày, không liên quan đến nhà họ Thẩm mấy. Văn Thời lướt tới cuối cùng nhanh như gió, ánh mắt dán chặt lên phần kí tên.
Nơi đó có ngày tháng Lý tiên sinh viết bức thư này——mùng 5 tháng 5 năm 1918.