Đăng vào: 12 tháng trước
Sau khi thăm dò được nước Kim cũng có ý muốn làm hòa, Triệu Cấu thăng Vương Luân làm Huy Du các trực học sĩ, Đề cử lễ toàn quan, làm sứ thần phụ trách đàm phán với Kim đưa linh cữu của Đạo quân Hoàng đế về. Cao Công Hội làm Hữu triều phụng đại phu, phó sứ. Mệnh hai người tới nước Kim bàn bạc về việc hòa nghị kỹ càng hơn. Một năm tiếp đó, hai bên Tống Kim nhiều lần phái sứ thần qua lại, thảo luận về từng điều khoản hòa nghị. Mà Triệu Cấu cũng rời Kiến Khang quay về Lâm An vào tháng Hai năm Thiệu Hưng thứ tám.
Triệu Cấu muốn làm hòa với Kim, thầm biết đa số các đại thần trong triều đều phản đối, có ý đồ củng cố thế lực phe chủ hòa, bởi thế muốn phong Tần Cối vẫn luôn chủ hòa làm Tể tướng, bèn xin ý kiến Triệu Đỉnh. Từ sau khi Triệu Đỉnh làm Tể tướng, Tần Cối vẫn luôn tìm đủ cách bợ đỡ lấy lòng, lúc này Triệu Đỉnh cũng đã có vài phần thiện cảm với Tần Cối, huống chi y cũng không phải người phản đối hòa nghị, mà chủ trương có nguyên tắc, không khom lưng uốn gối khi bàn hòa với người Kim, bởi thế cũng không phải đối việc Triệu Cấu để Tần Cối làm Tể tướng, chỉ nói: "Dùng ai làm tướng, đều do bệ hạ quyết định." Có lời này của y, Triệu Cấu liền phong Xu mật sứ Tần Cối làm Thượng thư hữu bộc xạ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự kiêm Xu mật sứ.
Trước khi Triệu Cấu tuyên bố quyết định nghị hòa, Triệu Đỉnh từng kiến nghị: "Rất nhiều sỹ đại phu đều cho rằng Trung Nguyên có hi vọng thu hồi lại được, nếu vì nghị hòa mà từ bỏ cơ hội tiến công, chỉ e ngày sau sẽ khó tránh khỏi dị nghị, nói triều đình đánh mất cơ hội quý giá này. Bệ hạ vẫn nên triệu chư đại tướng vào triều hỏi ý kiến bọn họ trước thì hơn."
Triệu Cấu lại đáp: "Không cần lo lắng tới những việc này. Nay linh cữu, Thái hậu và Uyên Thánh Hoàng đế đều đang còn ở Kim chưa được về, không có lý nào lại không nghị hòa để đón bọn họ quay về."
Tham tri chính sự Trần Dữ Nghĩa cũng nói: "Nếu không dùng binh thì ắt phải giết người. Nếu nghị hòa có thể đạt được mục đích, chẳng phải chính là dùng binh đó sao? Ngộ nhỡ nghị hòa không có hy vọng thành công, vậy tới lúc đó bàn tới kế khác cũng chưa muộn."
Triệu Cấu vô cùng tán thành, nghe vậy bèn gật đầu. Triệu Đỉnh thấy vậy cũng đành ngậm miệng không tranh cãi nữa.
Quyết định nghị hòa vừa được tuyên bố, quả nhiên làm dấy lên rất nhiều tiếng nói phản đối, các đại thần tranh luận gay gắt trên triều, sau khi tan triều lại viết tấu chương ào ạt dâng lên can gián Hoàng đế. Khi ấy Trương Tuấn đã bị bãi chức biếm làm Bí thư thiếu giám, Phân tư Tây Kinh chuyển tới sống tại Vĩnh Châu càng phẫn nộ vô cùng, liên tiếp dâng 50 bản tấu chương tỏ ý phản đối. Triệu Cấu triệu Hàn Thế Trung, Trương Tào, Nhạc Phi và mấy vị đại tướng khác vào triều hỏi ý kiến, cũng chỉ có mình Trương Tào bày tỏ đồng ý với việc hòa nghị, Nhạc Phi lại kiên quyết phản đối, nói: "Không thể tin tưởng lũ man di. Việc giảng hòa không thể duy trì lâu, quốc tướng mưu sự không lâu dài, chỉ e sẽ khiến người đời sau chê cười."
Đối mặt với sự phản đối của dư luận, Triệu Cấu lần nào cũng giải thích: "Thái hậu tuổi tác đã cao, trẫm ngày đêm nhớ mong, muốn sớm được gặp lại, không thể không nhún nhường cầu hòa. Thế nhưng đợi mọi sự yên ổn rồi, hiệp nghị đạt thành, tới lúc đó dụng binh cũng chưa muộn."
Tham tri chính sự Lưu Đại Trung có cùng quan điểm chính trị với Triệu Đỉnh, không muốn khom lưng uốn gối nghị hòa với người Kim, từ bỏ cơ hội chiến đấu, bởi thế thường xuyên khuyên Triệu Cấu: "Hòa nghị và chiến đấu phòng thủ không đối lập với nhau. Nếu chỉ tập trung vào cầu hòa mà bỏ bê đấu tranh, vậy chẳng phải sẽ trúng kế của kẻ địch hay sao."
Triệu Đỉnh mặc dù đồng ý nghị hòa, song lại không chịu nhượng bộ với hầu hết những điều khoản cụ thể. Tháng Bảy năm Thiệu Hưng thứ tám, Vương Luân lần nữa sang Kim bàn bạc việc xin hòa. Trước khi y đi, Triệu Đỉnh nói với y giới hạn của việc cầu hòa không thể vượt quá hai mươi lăm vạn xâu tiền, Tống Kim lấy đường cũ sông Hoàng Hà làm ranh giới, thêm đó Tống sẽ không xưng thần, tiếp nhận sách phong từ Kim.
Kim không đồng ý với những điều kiện này, nghị hòa lần lữa mãi chưa đạt thành. Tần Cối thấy Triệu Cấu nóng lòng cầu hòa bèn nhân cơ hội tìm cách loại bỏ Triệu Đỉnh và Lưu Đại Trung, đầu tiên tiến tử tâm phúc của mình là Tiêu Chấn làm Thị ngự sử, lại lệnh cho hắn mượn tội danh bất hiếu luận tội Lưu Đại Trung, khiến Triệu Cấu bãi chức y. Triệu Đỉnh dĩ nhiên cũng nhìn ra ý đồ của bọn chúng, nói với đồng liêu: "Ý của Tiêu Chấn không nằm ở Đại Trung, chẳng qua chỉ muốn mượn việc Đại Trung xuống tay mà thôi." Tiêu Chấn sau khi nghe được những lời này cũng không phủ nhận, cũng nói với những người khác: "Triệu Thừa tướng có thể nói là một người thông minh, không đợi bị vạch tội, đã tự biết suy tính đường lui rồi, há chẳng phải một kẻ sáng suốt?"
Chẳng bao lâu sau, Điện trung thị ngự sử Trương Giới luận tội Cấp sự trung Câu Đào. Câu Đào dâng sớ tự biện minh, nói Trương Giới hạch tội y sở dĩ đều do Triệu Đỉnh sai sử, đồng thời phỉ báng Triệu Đỉnh trong câu kết đài gián, ngoài liên thủ chư tướng, có ý đồ không tốt. Triệu Đỉnh trong lúc tức giận liền xưng bệnh xin từ chức, Triệu Cấu cũng không níu kéo, tháng Mười năm Thiệu Hưng thứ tám liền biếm Triệu Đỉnh làm Kiểm hiệu thiếu phó, Phụng quốc tiết độ sứ, Lưỡng Triết Đông lộ an phủ chế trí đại sứ kiêm Tri Thiệu Hưng phủ.
Ngày khởi hành, Tần Cối dẫn theo thủ hạ tới tiễn. Triệu Đỉnh đang cùng Xu mật phó sứ Vương Thứ nói vài câu, trông thấy Tần Cối lại im bặt, phất tay áo bỏ đi.
Sau khi Triệu Đỉnh rời đi, Tần Cối lại muốn xin Triệu Cấu cho độc chiếm tướng vị, nói: "Thần hay sợ bóng sợ gió, không dám bàn chuyện lớn. Nếu bệ hạ quyết tâm muốn bàn hòa, xin hãy thương lượng với một mình thần, đừng để quần thần biết được."
Triệu Cấu bèn đáp: "Nếu trẫm muốn giao chuyện lớn này cho một mình khanh thì thế nào?"
Tần Cối giả bộ thoái thác: "Thần chỉ e không được, xin bệ hạ suy xét lại!"
Ba ngày sau, Tần Cối lại hỏi ý kiến của Triệu Cấu, Triệu Cấu vẫn tỏ vẻ hoàn toàn tin tưởng hắn. Tần Cối vẫn xin y suy nghĩ kĩ càng, ba ngày sau hẵng quyết định. Ba ngày nữa, Tần Cối lại hỏi, Triệu Cấu vẫn không thay đổi quyết định ban đầu. Lúc này Tần Cối mới lấy tấu trát ra, ghi: "Đã quyết hòa nghị, quần thần không được phép can dự." Triệu Cấu thông qua, quyết định cho một mình Tần Cối làm tể tướng. Sau đó Tần Cối mặc sức đề bạt thân tín, luận tội các đại thần phe chủ chiến, chẳng bao lâu sau đã lần lượt xử lý sạch sẽ từng đại thần phản đối nghị hòa, lại tích cực đẩy mạnh công cuộc cầu hòa với Kim.
Lúc này, vũ đài chính trị nước Kim cũng đang gió mưa vần vũ. Sau khi Tông Hàn chết, Tả thừa tướng Hi Doãn có cùng lập trường với Thát Lãn, Tông Bàn cũng bị bãi tướng vào tháng Bảy mùa Thu năm Thiệu Hưng thứ bảy (năm Thiên Quyến đầu tiên tại Kim). Tháng Mười cùng năm, Kim chủ phong Đông Kinh lưu thủ Tông Tuyển làm Thượng thư tả thừa tướng kiêm Thị trung, lại ban tước Trần vương.
Tin tức về Tông Tuyển luôn được gửi về Lâm An rất nhanh, đây là yêu cầu mà Triệu Cấu đặc biệt đặt ra cho các mật thám tại nước Kim. Khi nhận được tin tức mới nhất này, Triệu Cấu biết Nhu Phúc đang cùng Triệu Viện tản bộ dạo chơi trong hoa viên hoàng cung, bèn lập tức tới hậu uyển tìm nàng. Y thích tỉ mỉ quan sát từng biểu cảm vi diệu mỗi khi nghe thấy cái tên Tông Tuyển của nàng. Tin tức về Tông Tuyển đối với y giống như một lưỡi dao, đủ sắc bén để cắt vỡ lớp vỏ bọc mà nàng dùng để cẩn thận che giấu những bí mật không thể nói ra của mình.
Nhu Phúc đang ngồi trên một phiến đá lớn bên cạnh bồn hoa cúc, trên tay cầm mấy bông cúc nở muộn, mỉm cười nhìn Triệu Viện đang vin cành lựa những chiếc lá phong đẹp cho nàng nhất dưới tán cây.
Triệu Viện mười ba tuổi, song vóc dáng đã dong dỏng thanh tú, cao hơn Nhu Phúc một chút, mặc một bộ cẩm y bào xám bạc, ung dung nhã nhã đứng dưới tán lá phong đỏ rực, toát ra cảm giác hoa lệ khó diễn tả thành lời. Cậu ngẩng đầu cẩn thận ngắm nghía từng cành cây, chọn được chiếc nào ưng ý liền lấy tay vin xuống, quay sang nhìn Nhu Phúc, gọi nàng một tiếng: "Cô cô?" Nếu thấy Nhu Phúc gật đầu, cậu sẽ ngắt nó xuống.
Trông thấy Triệu Cấu, bọn họ thoáng ngạc nhiên, song cũng lập tức hành lễ thỉnh an. Triệu Cấu nhẹ nhàng ngắt hai chiếc lá rách trên đầu Triệu Viện, ôn hòa nói với cậu: "Còn chưa tới Tư Thiện đường sao? Phạm tiên sinh đã đợi con rất lâu rồi."
Kì thực vẫn chưa hề tới giờ học, nhưng Triệu Viện cũng không cãi lại, vâng một tiếng rồi xoay người đưa lá đỏ trong tay cho Nhu Phúc, sải bước đi về phía Tư Thiện đường.
Nhu Phúc cầm hoa cúc và lá đỏ, cười cười đưa lên trước mặt Triệu Cấu: "Rất thơm phải không?"
"Hoàng đế nước Kim Hoàn Nhan Đản phong Hoàn Nhan Tông Tuyển làm Thương thư tả thừa tướng kiêm Thị trung, ban tước Trần vương." Triệu Cấu nói với nàng.
"Hôm nay mũ Tất Sa của cửu ca thật đẹp, không bằng cắm thêm một đóa hoa cúc?" Nhu Phúc dường như không nghe thấy lời y nói, cúi đầu chăm chú xem xét từng bông cúc trong tay.
"Sau khi Tông Hàn chết, Tông Bàn ngày một kiêu căng phách lối, thường xuyên xung đột với Tông Cán, thậm chí còn từng rút đao chĩa vào Tông Cán ngay trước mặt Hoàn Nhan Đản. Hoàn Nhan Đản vì thế mà đã ban bố một quy định cấm những người từ thân vương trở xuống được phép mang đao vào hoàng cung. Tông Bàn là con trai trưởng của Kim Thái Tông, từng tranh giành vị trí trữ quân với Hoàn Nhan Đản, Hoàn Nhan Đản tuy đã lợi dụng hắn để loại bỏ Tông Hàn, song sau đó vẫn cảm thấy ngựa ác khó cưỡi, nóng lòng tìm một kẻ có đủ năng lực cùng Tông Cán liên thủ lại khống chế hắn."
Nhu Phúc chọn một đóa hoa cúc, cài lên mũ Triệu Cấu ngắm nghía, lại lắc đầu: "Không đẹp. Hoa này quá thanh nhã, không hợp với cửu ca."
Triệu Cấu phớt lờ nàng, nói tiếp: "Bởi thế, Hoàn Nhan Đản liền triệu Bát hoàng thúc Tông Tuyển về kinh, phong vương bái tướng, ý đồ muốn để y cùng anh em khác mẹ Tông Cán hợp tác với nhau, kiềm chế Tông Bàn ngang ngược."
"Ôi, vẫn là lá phong đẹp hơn." Nhu Phúc rút ra một cành lá phong, cẩn thận ngắt xuống mấy phiến lá đỏ rực hoàn mỹ, cắm bên mang tai Triệu Cấu. Những chiếc lá phong đỏ tươi trên nền vải mũ đen tuyền làm nổi bật chất da trắng mịn của Triệu Cấu, quân tử nho nhã, khiến nàng không nén nổi mỉm cười: "Như vậy đi, hôm nay không được phép lấy xuống."
Triệu Cấu khoanh tay đứng đó, mặc nàng chải chuốt cho mình, vẫn chăm chú quan sát nàng thản nhiên nói tiếp: "Thế nhưng khiến Hoàn Nhan Đản kinh ngạc chính là, Tông Tuyển vào ngày thứ hai sau khi bái tướng lại lập tức tới phủ Tông Bàn, cùng Tông Bàn và Thát Lãn ngồi tiệc rượu thâu đêm suốt sáng. Mấy ngày tiếp theo, nếu trên triều có sự đối lập khi thảo luận một việc gì đó, Tông Tuyển đều đứng về phe anh họ Tông Bàn, phản đối anh trai khác mẹ của y là Tông Cán."
"Sao có thể?" Cuối cùng Nhu Phúc cũng kinh ngạc thốt lên: "Y và Tông Bàn trước nay luôn bất hòa với nhau!"
Khóe môi Triệu Cấu khẽ nhếch lên, nụ cười lạnh lùng thoáng ẩn hiện.
Nhu Phúc tự biết mình lỡ lời, cúi đầu khẽ nói: "Muội nhớ ra rồi, trước đây ở nước Kim muội cũng từng nghe nói một số chuyện liên quan tới người này."
"Phải, ngay cả muội cũng từng nghe nói y và Tông Bàn bất hòa với nhau, khó trách Hoàn Nhan Đản lại muốn dùng y khắc chế Tông Bàn." Triệu Cấu đáp: "Có điều việc người này nắm quyền đối với Đại Tống mà nói chưa chắc đã phải chuyện không tốt. Tháng Bảy năm nay, Thát Lãn vào triều, khiến nghị Kim phế vua Tề, đem đất trả lại cho Tống. Kim chủ lệnh cho quần thần tranh luận về việc này, lúc ấy Tông Tuyển đã cật lực tán đồng, khiến Hoàn Nhan Đản hạ quyết tâm, cuối cùng cũng đồng ý phế Tề đem đất cũ trả cho Đại Tống. Ta nghĩ, hẳn y cũng rất hy vọng Kim và Tống hàn gắn lại quan hệ với nhau."
"Hắn?" Nhu Phúc mím môi cười lạnh: "Sao hắn có thể có lòng tốt đem trả không đất cho chúng ta? Không thể tin tưởng lũ man di, việc hòa nghĩ sẽ không duy trì được lâu!"
"Ồ? Hình như muội hiểu rất rõ y?" Triệu Cấu cười nhạt hỏi: "Ở Kim muội còn nghe được việc gì khác liên quan tới người này nữa không? Bối cảnh, trải nghiệm, cách nhìn của y về Đại Tống, hay tỷ như nhân phẩm, tính cách, tướng mạo?"
"Không có!" Ánh mắt Nhu Phúc lướt qua vai y nhìn về phía cây phong đỏ rực: "Đối với một kẻ không liên quan, vì sao muội phải đi nghe ngóng chuyện của hắn?"
Triệu Cấu để ý thấy khi nói những lời này, bàn tay nàng vô thức vò mạnh đóa hoa cúc. Những cánh hoa trắng lả tả rơi xuống, phủ một lớp mỏng lên tà váy lụa cùng màu của nàng.