Chương 89: Mâu thuẫn hằn sâu

Lửa Đen (Dì Ghẻ Tiền Truyện)

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Chiều hôm đó Tuấn nghỉ sớm, ghé qua chỗ Minh trên đường đi về để cảm ơn, vừa nghe tiếng pô xe là Minh biết Tuấn đến. Lau tay, Minh ngó ra ngoài, nhác thấy Tuấn, Minh cười chào:

- - Sao rồi, chạy ổn chứ...?

Tuấn đáp:

- - Cũng ổn, mà hôm nay gặp chút chuyện....Mà Minh này, ông biết gã nào tên là Bâu không..?

Minh giật mình:

- - Biết chứ, tay Bâu đầu gấu quản lý hội xe ôm ở hai bãi lớn nhất ở đây. Sao...? Ông chạy xe dưới sự bao kê của hắn à...? Nếu chạy ở khu ngoài đó thì cũng đông khách đấy, mà bọn bãi khác chở khách quá đó không dám bắt khách ở khu đó đâu. Hắn ta hình như hơn tôi với ông 1 tuổi. Trước cũng làm xe ôm thôi, nhưng sau có vụ tranh khách giữa hai bãi với nhau, bọn kia đem người sang đòi thanh toán, xong hắn cầm đầu đám xe ôm bên hắn đánh cho bọn kia chạy le kèn. Cuối cùng hắn chiếm bãi của bọn kia luôn. Từ đó hắn thu phế hàng tháng, sau có tiền hắn đầu tư thêm mấy bãi trông xe. Nói chung ở đây cũng thuộc dạng gấu mèo.

Tuấn uống nước rồi gật gù:

- - Ừm, vậy à...? Chẳng trách bọn đàn em lại lộng hành như vậy...?

Minh nhìn cánh tay của Tuấn có một vệt bầm tím, Minh hỏi:

- - Tay làm sao thế kia...? Này, đừng có nói với tôi là ông đánh nhau với người của tay Bâu ấy nhé.

Tuấn đáp:

- - Đúng rồi, tôi vừa đấm 1 thằng tự xưng là đàn em của tay Bâu đấy xong, à, đúng ra là 2 thằng nhưng để một thằng còn khiêng thằng kia về.

Minh nuốt nước bọt:

- - Trời đất ơi, ông muốn làm ăn, muốn chạy xe ôm mà ông lại đi gây gổ với gã cầm đầu cả bãi xe. Ông điên à...? Sao ông lại đánh nó...?

Tuấn thấy nét mặt của Minh khá sợ sệt, Tuấn trả lời:

- - Chúng nó đến đòi tiền bảo kê, nhưng nhiều quá, tôi không đưa...? Xong tụi nó đánh tôi trước, tôi cũng chỉ tự vệ thôi, mà có gì đâu khiến ông sợ hãi thế..?

Minh lắc đầu nguầy nguậy:

- - Chết rồi, ông mà đánh người của hắn, hắn sẽ tìm ông đấy. Lúc đánh hai thằng kia có ai nhìn thấy không..?

Tuấn chép miệng:

- - Ông buồn cười, đánh nhau ngay bãi xe thì không ai nhìn thấy sao được, cả bọn xe ôm làm ở đấy cũng thấy.

Minh hốt hoảng:

- - Vậy thì chúng nó biết mặt ông, chúng nó sẽ tìm ông đấy. Ông nghe tôi, mấy ngày nữa đừng đi đâu cả. Thôi đừng chạy xe nữa, giờ mà thấy ông ở đâu chúng nó chém ông mẻ dao luôn Tuấn ạ. Cái đội bảo kê bến bãi của chúng nó không dễ động vào đâu. Ngay đến cỡ giang hồ xịn mà muốn ăn chúng nó còn khó bởi vì chúng nó đông, lại phân bổ khắp nơi. Trời đất ơi, ông dại rồi.....Giờ chỉ còn cách này, ông anh vợ tôi cũng trông bãi xe cho tay Bâu ấy, cũng lính quèn thôi, nhưng gặp mặt mấy lần rồi. Để tôi về nhờ ông ấy, nếu được ông đến xin lỗi thành ý, nói chỉ là hiểu nhầm, muốn làm ăn, chịu nộp phế......Cũng chưa động chạm gì đến hắn nên còn cứu được.

Nghe Minh nói, Tuấn cũng thấy đúng là bây giờ muốn ở lại đây làm ăn mà suốt ngày xích mích, đánh nhau cũng không thể được. Nãy Tuấn cũng không muốn đánh người, nhưng do hai thằng kia rút vũ khí ra phang trước, đấm gãy răng một thằng là nhân nhượng, nhẹ tay lắm rồi. Việc chạy xe ôm cũng kiếm ăn, đánh nhau Tuấn không sợ, nhưng giải quyết bằng bạo lực thì không phải giải pháp, còn phải làm để lo cho cuộc sống, lo cho hai đứa con. Thôi thì nhún nhường một bước vậy, Tuấn nói:

- - Vậy trăm sự nhờ ông, ông nói tôi cũng mới biết bọn chúng ghê gớm đến vậy. Sớm cũng tưởng là mấy thằng giang hồ lặt vặt đòi tiền thôi.

Minh thở dài:

- - Mấy cái bãi xe để oto ngoài bãi biển cũng là của hắn hết đấy, giờ ông về đi, có gì tôi gọi.

Nghe lời Minh, 5 ngày sau đó Tuấn không chạy xe ôm nữa, mặc dù một vài khách quen có gọi. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, Tuấn chạy qua thăm hai đứa con, đợt rồi làm quán anh Đông phải ở lại đó cả ngày lẫn đêm, lại không có xe đi lại nên Tuấn chưa thăm được con, nay có xe máy, lại đang có chút tiền trong người, Tuấn mua bánh kẹo rồi lên xe phóng ra nhà bà ngoại Nam.

Tuấn quên hôm nay là thứ 2 nên thằng Nam đi học chưa về, ở nhà chỉ có bé Hạnh với bà ngoại. Dắt xe vào trong, Tuấn chào bà ngoại Nam rồi xin phép được thăm con. Cũng tài, con bé Hạnh từ nhỏ không biết mặt bố, nhưng mới chỉ gặp 2 lần nó lại rất quý Tuấn. Nghe bà ngoại bảo đây là bố nên nó cứ đòi bố bế rồi cưới khúc khích. Con bé ngây thơ không biết gì về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Tuấn vui đến suýt khóc luôn. Bao nhiêu năm giờ Tuấn mới được bế con, cái Hạnh nghĩ kỹ thì khổ hơn anh Nam. Nam ngày còn nhỏ được bố mẹ chăm lo chu đáo, ngày đó cưới được 1 năm thì đẻ Nam, khi ấy Tuấn đích thị la người đàn ông của gia đình. Làm đủ các công việc, nhưng những gì ngon lành, tốt đẹp nhất Tuấn đều dành cho vợ, cho con....Thằng Nam còn được bố đem hẳn tôm sú to về nấu cháo cho ăn, được bố ôm ngủ....Cái Hạnh thì khổ, sinh ra ngay lúc gia đình gặp nhiều khủng hoảng, Tuấn mới ra tù, lao vào con đường du côn, trộm cắp, đánh người. Ngày đó Tuấn đi suốt ngày, suốt đêm, có lẽ Tuấn cũng chỉ bế được cái Hạnh đôi ba lần.

Nghĩ thương con, Tuấn lại càng trách bản thân mình hơn. Tuấn xoa đầu con rồi khẽ nói:

- - Sau này bố chắc chắn sẽ đón hai đứa về để chăm sóc. Cố đợi bố thêm ít thời gian nữa nhé.

Rồi Tuấn kể cho bà ngoại Nam nghe công việc hơn 1 tháng qua của mình, bà ngoại lắc đầu tiếc rẻ:

- - Phải chi cứ làm ở cái quán đó có phải tốt không...?

Tuấn cười trả lời:

- - Không sao đâu mẹ, con chạy xe ôm cũng được lắm....Trông thế thôi nhưng chăm chỉ chút thì tiền còn hơn làm quán mẹ ạ. Trong này có 5tr, mẹ cầm giùm con để chăm lo cho hai đứa nó. Mỗi tháng con sẽ cố gắng đưa bà một chút, con cũng chưa có nên mẹ thông cảm.

Nhìn Tuấn ăn mặc quần áo cũ đến sờn cả vải, bà ngoại Nam không muốn nhận tiền của Tuấn, nhưng bà cũng không dư giả gì, lại thêm Tuấn nhất định dúi tiền, bà ngoại đáp:

- - Cảm ơn anh, nhưng anh cũng phải tích cóp mà còn lo cho bản thân mình. Bà cháu tôi bao năm nay vẫn dựa vào nhau mà sống được. Vậy thôi nhưng chuyện thức ăn thức uống thằng Nam nó cũng giỏi lắm. Đi học về là thằng bé mày mò, lặn lội, lúc đi câu, lúc đi mót, nó còn làm cả vó để cất tép nữa đấy. Còn nhỏ nhưng tháo vát, chăm chỉ phụ giúp bà lắm. Chỉ có điều, tính nó ương bướng, cái gì nó đã không nghe thì khó nói nó lắm. Từ lúc mẹ mất nó đã rất buồn, xong đến ông ngoại cũng mất nó lại càng lầm lỳ hơn. Tôi biết nó đang rất ghét anh, tôi cũng cố khuyên bảo nó, bố con sao bỏ được nhau....Nhưng thằng bé nó vẫn vậy, thôi có gì rồi từ từ khuyên nhủ.

Tuấn buồn rầu nói:

- - Vâng, con biết rồi mẹ....Lỗi là của con, làm bố mà con không chăm lo được cho cả hai đứa điều gì. Nam nó trách con cũng đúng thôi, giờ con phải làm mọi cách để bù đắp cho bọn trẻ, như vậy Vân ở trên trời mới yên lòng.

Bỗng ngoài cổng có tiếng người mở then cài, đoán Nam về nên Tuấn hồi hộp chờ đợi. Nhưng đó không phải Nam, người đến nhà bà ngoại là bác Dung, ở bên ngoài sân bác Dung đã gọi lớn:

- - Mẹ ơi, mẹ có nhà không đấy...? Ra giữ con cái xe nào...?

Bà ngoại Nam đứng dậy, bà nói:

- - Là cái Dung đấy, thôi cứ ra chào chị nó một câu.

Bà ngoại đi ra trước, bác Dung thở hổn hển:

- - Con chở sang cho mẹ 3 yến gạo, mẹ đổ vào lu mà ăn dần.

Vừa nói vừa cúi xuống dựng xe nên bác Dung không biết Tuấn đang đứng trên hiên nhà, bác Dung giật mình khi Tuấn lên tiếng:

- - Em chào chị Dung, em mới về.

" Rầm "

Bác Dung thẫn thờ buông tay khiến cả cái xe đạp lẫn bao gạo đổ xuống đất, bác Dung trợn mắt, nghiến răng nói lắp bắp:

- - Mày....là....mày.....Sao mày lại đến đây......Cút....cút khỏi nhà bố mẹ tao ngay....Cút đi thằng chó.

Tuấn chỉ biết cúi mặt xin lỗi, bà ngoại vội giải thích:

- - Kìa Dung, nó cũng biết lỗi rồi...Thằng Nam, cái Hạnh dù sao cũng là con nó. Không cho bố con nó gặp nhau sao được.

Bác Dung uất ức quá nên bật khóc luôn, bởi chỉ cần nhìn thấy mặt Tuấn là hình ảnh Tuấn đánh vợ, đánh người giữa đường lại hiện ra. Càng tin tưởng, càng quý mến nhiều thì khi thất vọng nỗi đau lại càng lớn hơn. Tuấn chính là trường hợp như vậy, cả ông Quý lẫn bác Dung ngày trước đều rất tin tưởng Tuấn. Nhưng rồi mọi thứ sụp đổ.

Bác Dung nói trong nghẹn ngào:

- - Mẹ, thằng khốn này nó không xứng đáng làm bố bọn trẻ. Bao năm qua nó đâu có nuôi con nó được ngày nào. Cái Vân....cái Vân khổ đến khi chết cũng do nó. Người ta nói cái Vân bị tai nạn chết, nhưng với con, cái Vân nó vì thằng chó má này mới phải chết đó mẹ ơi.......Em con chết không nhắm được mắt mà mẹ lại cho nó vào nhà mình. Thằng khốn giết người, mày giết em tao, giờ mày còn định hại chết cháu tao à...? Mày cút ngay, mày không đi tao gọi công an đến bắt mày bây giờ.....Cút di.

Mọi chuyện không thể giải thích trong 1-2 câu nói, hơn nữa, bác Dung bây giờ đang rất kích động. Tuấn muốn nán lại chút để nhìn thấy Nam nhưng có lẽ không được. Tuấn cúi đầu chào bà ngoại Nam cùng bác Dung rồi ra về.

Vừa bước ra đến sân thì cả bà ngoại, cả bác Dung và cả Tuấn nữa đều nhìn thấy thằng Nam đang đứng ở cổng từ lúc nào. Có lẽ nó đã nghe hết những gì bác Dung nói, nó mở cổng dắt cái xe đạp cũ của ông ngoại để lại vào trong.

Thấy con đến gần, Tuấn nói:

- - Nam....để bố nói...vài...lời...

Thằng Nam khẽ khựng lại 1s, nó ngước lên nhìn Tuấn bằng ánh mắt không thể lạnh lùng hơn, nó đáp:

- - Ông đi đi, tôi không muốn nhìn thấy mặt ông nữa.