Đăng vào: 12 tháng trước
1.
Cuộc gọi đầu tiên: Hiểu lầm, vì rời khỏi phòng VIP nên bị ngắt kết nối.
Cuộc gọi thứ hai: Tiết lộ nội dung tờ báo ngày hôm sau, kết thúc bình thường.
Cuộc gọi thứ ba: Hỏa hoạn, vì rời khỏi phòng VIP nên bị ngắt kết nối.
Cuộc gọi thứ tư: Tiết lộ chuyện hỏa hoạn, vì điện thoại hết pin nên cắt ngang giữa chừng.
Cuộc gọi thứ năm: Tiết lộ tình hình thương vong, kết thúc bình thường.
…
Trình Hi đặt bút xuống, cầm cuốn vở trầm ngâm.
Nhìn đi, trừ những lần do không biết quy tắc dẫn đến vô tình ngắt kết nối, thì mọi chuyện lại tiến triển theo từng bước một, thậm chí là đều đặn có trật tự như được sắp xếp.
Cuộc gọi tiếp theo, chắc chắn sẽ là bản thân báo cho anh ta biết tin người mất tích trong vụ tai nạn đã được xác nhận tử vong.
Nhưng những chi tiết râu ria ngoài cuộc gọi khiến cô bối rối, cứ có cảm giác mình chỉ thấy được một bối cảnh, mà bức tranh rộng lớn lại rắc rối đan xen, vượt xa sức tưởng tượng.
Một lúc sau, Trình Hi cầm bút lên, viết một vài từ vào chỗ trống:
Giả danh đến lấy điện thoại – công ty kiến trúc
Cục sạc – diễn đàn – Lý Tư Tề?
Cô nhẹ nhàng đánh một dấu chấm hỏi.
Nghĩ tới đây, Trình Hi lại tiện tay mở trang web kia ra, xem bài đăng “Những điểm đáng ngờ về vụ hỏa hoạn tại số 76 đường Đàn Viên”.
Tài khoản đăng bài là một chuỗi ký tự được tạo tự động, cập nhật liên tục trong thời gian dài. Có vẻ người đó cũng không có manh mối, chỉ đưa ra câu hỏi rồi suy đoán vô căn cứ, giống cư dân mạng hóng hớt bình thường.
Hỏa hoạn do con người gây nên, đằng sau có âm mưu, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài câu đó ra vẻ thần bí. Trình Hi thất vọng, nhanh chóng lăn chuột xuống, phát hiện một đoạn văn nói về tình hình thương vong như lời Lý Tư Tề nói: Hai năm sau xảy ra vụ cháy, người nhà của người mất tích đã xin giấy chứng tử.
Đúng là bất ngờ…
Trình Hi kinh hãi, nghĩ sao lại có người nhà thế này?
Dù hy vọng quá xa vời, nhưng chỉ cần chưa có kết luận thì có ai muốn thừa nhận người thân đã mất? Chí ít người nhà cũng sẽ giữ căn phòng sạch sẽ, giữ nguyên dáng vẻ hiện có để chờ người thân quay về.
Bây giờ Tưởng Kim Minh mới 23 tuổi, lúc xin giấy chứng tử cũng chỉ mới 25 mà?
Rốt cuộc vì nguyên nhân nào mà lại sốt ruột đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của anh ta như thế?
Vì mang thai lần hai? Bất động sản? Hay tài sản?
Suy đoán có thể hơi thiên vị, nhưng Trình Hi vẫn không khỏi khó chịu, cảm thấy không đáng thay anh ta.
Không thể nghĩ về chuyện này tiếp nữa, càng nghĩ chỉ càng thấy ngột ngạt.
Dựa vào ghế lắc lư kêu kẽo kẹt, cô vỗ trán, ngộp thở và ngán ngẩm bít tắc trong họng.
Cuối cùng hét toáng lên!
Ngay sau đó, bên ngoài vọng đến tiếng bước chân ngày một gần: “Cái con bé này, làm trò gì mà cứ hét lên thế?”
Mẹ Trình đẩy cửa ra.
2.
Mẹ Tưởng đẩy cửa ra.
“Đưa đồ bẩn đây cho mẹ.”
Tưởng Kim Minh giật thót, che lại cuốn vở trên bàn.
Vào phòng mà không gõ cửa, mình hơn 20 tuổi rồi có thể có nhân quyền được không? Đã kháng nghị rất nhiều lần nhưng lần nào cũng như gió thoảng.
“… Không có đồ bẩn.”
Bà làm như không nghe, đi thẳng đến trước tủ quần áo lục lọi một hồi, lấy ra chiếc áo jacket màu xanh đậm: “Không giặt cái này à?”
“Mai con muốn mặc nó đi làm.”
“Chậc, để mẹ ủi cho. Có gì mẹ lại mua cho con hai chiếc áo kiểu này, thay đổi mặc đi làm.”
“Con tự mua được mà, con có tiền lương…”
Nói tới đây anh mới sực nhớ, toàn bộ tiền lương đã rút ra đền điện thoại cho đơn vị, thế là càng nói càng nhỏ tiếng, âm cuối gần như tắt hẳn.
“Hả?”
“Mặc nó là đủ rồi, không phải mẹ cũng mới mua chiếc áo này sao.”
Anh ngập ngừng xoay người, lại cầm bút máy lên, vừa viết vừa giơ tay che đậy, khóe mắt liếc về cửa…
Sao vẫn còn đứng đó.
“Con nói xem sao cứ phải tăng ca muộn vậy hả, mới đi làm mà có nhiều chuyện như thế kia à? Mẹ phải nói với chú Sử của con mới được, đày đọa con mệt chết thì sao?”
“Không tăng ca, buổi tối con đi xem phim với Sử Sùng.”
“Đang viết cái gì đó?”
Bà đi tới, đột nhiên chúi người tới.
Tưởng Kim Minh lật đật che lại, úp mở nói: “Ây da mẹ à, con phải đi ngủ đây.”
“Không được, cái thằng bé này…”
“Riêng tư, riêng tư, con trai mẹ đã 23 rồi mà.” Anh vơ lấy cuốn vở rồi nằm phịch xuống giường, nói rõ to, “Ngủ đây.”
“23 tuổi thì không cho mẹ giặt ủi áo quần hả.” Mẹ Tưởng càu nhàu, lại nhặt chiếc áo thun ở bên giường lên, nói, “Cởi đồ trên người ra, đưa đây mẹ giặt.”
“Con tự giặt được mà…”
“Nhanh lên!”
Anh giật mình, ngoan ngoãn chui vào chăn cởi áo len rồi đưa ra.
Chỉ chớp mắt đã bị lột sạch, thậm chí trên tay còn cảm nhận được cái lạnh.
“Đồng nghiệp của con có biết con lôi thôi thế này không hả, ở nhà cũng phải cần mẹ hầu hạ? Còn dám nói riêng tư với mẹ cơ đấy.”
Bà vừa nói vừa đi ra cửa, *cạch* một tiếng tắt đèn.
Trong bóng tối, Tưởng Kim Minh nghe thấy tiếng đóng cửa, có thể thở phào được rồi.
Anh duỗi mình, kéo đèn bàn tới đầu giường, mượn ánh sáng xem lại những gì mình vừa viết.
Thật ra cũng chẳng có gì, chỉ ghi lại mấy cuộc gọi mà thôi.
Lúc giữa trưa anh thực sự chấn động.
Nửa năm sau xảy ra hỏa hoạn, không chỉ thiêu trụi số 76 đường Đàn Viên mà còn khiến Sử Chí Dũng thiệt mạng, tin tức này đã hoàn toàn đập vỡ thế giới của anh.
Anh ngơ ngác ngồi lại viện triển lãm cả buổi chiều, đi từ tầng một lên tầng bốn, có bao nhiêu bậc thềm, mức độ mài mòn của từng viên gạch, góc độ từng tia sáng chiếu vào thế nào anh đều thuộc nằm lòng.
Anh vẫn nhớ lần đầu tiên Sử Chí Dũng dẫn anh và Sử Sùng đến đây.
Khi ấy số 76 đường Đàn Viên chưa mở cửa, trên sàn đóng bụi, mùi ẩm mốc trong phòng hại Sử Sùng hắt hơi.
Rồi có tiếng vang vọng trong nhà, như thể có rất nhiều Sử Sùng.
Bản thân thấy thật thú vị, thế là cũng hét lên.
Rồi lại có rất nhiều Tưởng Kim Minh.
Sử Chí Dũng bật cười vì hai đứa bé, lại thêm rất nhiều tiếng cười.
Trong hồi ức, đó là khung cảnh rất đẹp.
Tưởng Kim Minh duỗi tay cầm bút máy, nghĩ một hồi, lại bổ sung thêm vài dòng chữ.
Nếu trong tương lai thật sự xảy ra thảm kịch, vậy anh còn có nửa năm để thay đổi.
“Bước thứ nhất.”
Anh viết, “Tìm hiểu nguyên nhân sự việc.”
3.
Sáng sớm, Trình Hi vừa vào văn phòng thì chợt trông thấy một cái đầu chó, cô thót tim giật mình. Nhìn kỹ mới để ý hóa ra là gối ôm, nằm đối diện cửa, đặt trên ghế của Lý Tư Tề.
Dạo gần đây hoa mắt thật rồi, lá gan cũng nhỏ đi, cứ tiếp tục như vậy nữa thì sẽ suy nhược tinh thần mất, cô thở dài.
Vừa đặt túi xách xuống thì Lý Tư Tề đi vào. Hôm nay cậu ta không đeo chiếc balo kia, vẫn như mọi khi, vừa vào vừa xoay chìa khóa xe.
Là xe điện.
Cậu ta thấy Trình Hi ngồi ở chỗ mình thì vỗ vào gối ôm đầu chó: “Thấy chưa, là gối ôm mà, có lừa chị đâu.”
Trình Hi không đáp, đưa mắt nhìn màn hình máy tính, tiện tay gỡ mấy miếng giấy dán nhắc nhở mình dán tối qua, thầm nhắc nhở bản thân theo dõi thư trả lời từ trụ sở chính, về chuyện cho thuê phòng VIP.
“Ôi ôi Lý Tư Tề, gối ôm của anh hài ghê.”
Ngô Du lên tiếng, vừa uống sữa vừa lại gần xem, “Hóa ra là chó Husky, lại còn giống tên anh nữa, sau này gọi anh là Husky nhé.”*
(*Trong tiếng Trung Husky phiên âm là hàshiqí, còn tên Lý Tư Tề là lǐsīqí.)
“Cái gì chứ…”
Cậu ta cố ý nói to khích tướng, “Vì cái gối ôm này hại anh bị oan đấy, em thích thì cho em.”
“Oan cái gì?”
“Hỏi quản lý ấy.” Lý Tư Tề nhìn lướt qua Trình Hi, “Hỏi xem là ai đưa chị ấy cục sạc?”
Ngô Du ngẩn người, sau đó lập tức định thần: “Té ra là anh đưa cục sạc à.”
“Không phải anh. Mà em cũng biết chuyện cục sạc hả?”
“Em phát hiện ra mà.”
“Vậy em không thấy ai đưa à?”
“Không thấy.” Cô ấy nhún vai, sau đó bình tĩnh đứng bên cạnh Lý Tư Tề, lặng lẽ uống sữa.
Một lúc sau, Lý Tư Tề cảm thấy mất tự nhiên, bèn nghiêng đầu đi: “Em làm gì đấy?”
“Em thích nó.” Ngô Du chỉ vào đầu chó Husky.
“… Cho em đấy.”
Lý Tư Tề đưa gối qua, cậu cảm thấy khó xử, giả vờ nghịch máy tính dời ngăn kéo, âm thầm để ý đến động tác của Ngô Du.
Cô ấy ôm trong tay, vui vẻ quay về chỗ: “Cám ơn anh.”
Lý Tư Tề hừ một tiếng đáp lại.
Trình Hi nhìn hai người họ, bỗng cảm thấy nghi ngờ của mình thật thừa thãi, rõ ràng vẫn là đứa con nít, làm sao có thể có suy nghĩ sâu xa đến vậy được?
Nhưng không lý nào cục sạc lại tự dưng xuất hiện cả… Khoan đã, lẽ nào nó cũng giống điện thoại?
Sống trên đời hai mươi mấy năm, Trình Hi chưa bao giờ cảm thấy mình mất lý trí, vậy mà gần đây lại liên tục kiệt quệ. Cô không muốn nghĩ nhiều nữa, đã hơn 10 giờ rồi, có lẽ Tưởng Kim Minh đang sốt ruột chờ.
Trong tiềm thức bản thân đang trì hoãn cuộc gọi, nhưng chính cô cũng biết mình không có lựa chọn nào khác.
Trình Hi đứng dậy, nhét điện thoại vào túi rồi rời khỏi văn phòng.
4.
“Xin chào, đây là số 76 đường Đàn Viên.”
“… Chào cô, tôi đặt hẹn tham quan tập thể.”
“Đơn vị, ngày giờ, số người.”
“Rạp chiếu phim, 1 giờ rưỡi chiều, tầm… 20 người.”
“Rạp chiếu phim nào, xin cho biết rõ.”
“Rạp chiếu phim Thời Đại.” Cô bỏ đi một chữ “Tân”.
“Rạp chiếu phim Thời Đại.”
Chị Từ ở đầu dây sắp về hưu, lại không đi xem phim nên không nghi ngờ, vừa ghi lại vừa nói: “Tên họ người đặt hẹn.”
Trình Hi cứ tưởng gọi tới đây là xong, cô cầm điện thoại, vội đáp: “Họ Trình.”
“Tên đầy đủ, những thông tin này đều phải ghi lại, xin cho tôi biết tên đầy đủ.”
“… Trình Thời.”
“Được rồi, lần sau nhớ hẹn trước hai ngày, hên cho cô hôm nay ít người, không là không đặt hẹn được đâu đấy.”
“Được được.”
Cô cúp máy, vỗ trán.
Chết tiệt!
Sao mình không bịa đại cái tên Trình Phút Trình Giờ Trình Trăm Trình Ngàn nào mà lại đi báo tên của sếp chứ.
Nhưng nhắc đến rạp chiếu phim Thời Đại thì tự động nghĩ đến sếp Trình Thời. Cô không muốn để lại tên thật, thế là bất giác buột miệng.
5.
Trình Hi đang ngủ trong phòng VIP, đúng 1 giờ rưỡi chiều thì nghe được tiếng chuông Motorola.
Có vẻ như anh ta đã thấy lịch hẹn trước, hiểu được tin nhắn mình để lại.
Cô nhấn nút, ở đầu dây vọng đến giọng của Tưởng Kim Minh.
“Hóa ra cô tên Trình Thời.” Anh ta cười nói.