Chương 2-11: Sóng ngầm

Nhu Phúc Đế Cơ

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Đầu tháng Giêng năm Tĩnh Khang thứ nhất, quân Kim chiếm được Tuấn Châu, vượt qua Hoàng Hà. Sau khi xác nhận được việc đi sứ sẽ do Khang vương Cấu đảm nhiệm, Triệu Cát lập tức tuyên bố muốn về Thái Thanh cung ở Hào Châu dâng hương, đồng thời cũng dẫn theo một số thân vương, đế cơ đi cùng. Triệu Hoàn không ngăn cản, thế nhưng nhanh chóng triệu Triệu Khải vào cung cùng y "bàn bạc", một mặt giam lỏng y tại Di Anh các không cho hồi vương phủ, mặt khác nói với Triệu Cát: "Tam đệ vừa mới từ chức, vẫn còn rất nhiều công việc của Hoàng thành tư chưa bàn giao xong, trẫm mấy ngày này cũng cần đệ ấy thường xuyên vào cung thương thảo những việc liên quan, chỉ e tam đệ không thể cùng Phụ hoàng đi về Hào Châu. Có điều may là Phụ hoàng chỉ tới dâng hương, ắt hẳn chẳng bao lâu sẽ quay về kinh thành, trẫm sẽ lệnh cho các vị đệ đệ khác hộ giá người lên đường."


Không những không cho Triệu Khải đi cùng, ngay tới các anh em cùng mẹ với Triệu Khải như Nhu Phúc cũng không được phép. Triệu Cát mặc dù rất tức giận, nhưng dưới tình thế nguy cấp cũng không lo nổi nhiều đến vậy, chỉ đành vội vã thu xếp, dẫn theo một số phi tần và con trai con gái chạy về phía Đông Nam.


Triệu Cát đi chuyến này không dừng chân tại Hào Châu, mà sau khi dâng hương lập tức hạ lệnh khởi hành tới Trấn Giang, có ý muốn lưu lại dài hạn ở nơi non nước hữu tình, cảnh đẹp thơ mộng, kinh tế trù phú này. Hơn nữa, lúc này quan phủ Trấn Giang lại chính là con trai của Sái Kinh Sái Thao. Còn Lộ chế trí phát vận sứ ở các nơi Giang, Hoài, Kinh, Chiết lại là Tống Hoán em vợ của Sái Du - con trai cả của Sái Kinh.


Ngay sau đó, Triệu Cát mệnh Hành cung sứ tư và Phát vận sứ tư gửi ba đạo thánh chỉ đi khắp các vùng phía Đông Nam:


1. Các tin tình báo quân đội được gửi từ Hoài Nam, Lưỡng Triết Châu về kinh thành đều phải chặn lại, không cho đi qua, phải nghe theo lệnh của Chỉ huy sứ. Quan phủ tất cả các vùng phía Đông Nam không được phép chuyển bất kỳ công văn nào cho phủ Khai Phong.


2. Quân đội của các tướng ở Hàng Châu, lưỡng Việt Châu, Giang Đông Lộ và Trục Châu bao gồm bộ binh, cung thủ,... khi chưa được lệnh của Chỉ huy sứ không được phép tụ họp. Nếu đã gửi đi quá số lượng người thì phải trả trở về. Quân đội các vùng Đông Nam không được phép tiến về Khai Phong. Ba ngàn lính phải lưu lại Trấn Giang bảo vệ Thái thượng hoàng.


3. Chỉ được tiêu dùng tại chỗ. Các nơi thuộc vùng Đông Nam không được phép vận chuyển bất kỳ vật tư nào, bao gồm cả lương thực, về Biện Kinh.


Ba đạo thánh chỉ vừa ban xuống, Triệu Hoàn đã lập tức nhận thấy đại sự không ổn. Hành động này của Phụ hoàng rõ ràng là muốn giúp vùng Đông Nam thoát li khỏi sự khống chế của triều đình, tự lập chính quyền riêng, hơn nữa cũng khiến cho kinh thành rơi vào hiểm cảnh quân lương cùng thiếu. Lại nghe nói Phụ hoàng ở Đông Nam còn tùy ý luận công khen thưởng các quan viên, thăng quan thưởng tiền, vẫn sử dụng thân phận Hoàng đế để làm việc.


Triệu Hoàn lập tức triệu các đại thần tin cậy tới bàn bạc đối sách, sau đó trước tiên lệnh cho Tống Hoán từ chức trở về Biện Kinh, lại bí mật sau người liên lạc với quan viên ở Đông Nam, nhắc nhở bọn họ phải tuân theo mệnh lệnh của Hoàng đế đang tại vị. Các quan viên ở vùng Đông Nam thấy thế cục chưa rõ, không biết nên nghe theo lời của vị Hoàng đế nào, hầu hết đều cố gắng làm vừa lòng cả hai bên, thế nhưng vào thời mấu chốt này Tri Túc Châu Lâm Trì Kỳ lại tỏ rõ thái độ ủng hộ tân quân, công khai kháng cự mệnh lệnh của Thái thượng hoàng.


Lâm Trì Kỳ đã bị Triệu Cát liên tiếp biếm quan hai lần vào năm Tuyên Hòa thứ ba và thứ tư, dĩ nhiên vô cùng oán hận Triệu Cát. Triệu Cát sau khi tới Đông Bắc liền lệnh cho các nơi phải nộp thuế và lương thực, y lại chỉ đồng ý nộp lên một phần hai mươi số lượng được yêu cầu, hơn nữa còn đem chuyện này thông báo lên cho triều đình. Triệu Hoàn hay tin lập tức mệnh Thượng thư tỉnh hạ lệnh cho Lâm Trì Kỳ "chỉ được phép nộp thuế cho triều đình, không được phép tự ý tiêu tiền", ngụ ý không cho phép y nộp thuế và lương thực cho Thái thượng hoàng.


Có được lệnh này, Lâm Trì Kỳ lại càng không nghe theo mệnh lệnh của Triệu Cát nữa. Mà các quan viên ở vùng Đông Nam thấy y bất tuân Triệu Cát cũng bó tay không làm gì được thì cũng dần trở nên khinh nhờn với Triệu Cát, những mệnh lệnh mà ông ban xuống phần lớn không tuân theo, tiền và lương thực nộp cho ông cũng ngày một ít đi. Triệu Cát chuyến này đi mức tiêu dùng vẫn xa xỉ như khi còn làm Hoàng đế ở Biện Kinh, không ngừng quấy nhiễu bá tính đòi tiền, gây nên oán thán bất mãn, vô cùng mất lòng dân. Những quan lại đi theo ông phần lớn cũng đều là hạng tiểu nhân, đã quá quen với việc tranh giành đấu đá, tới vùng Đông Bắc vẫn tiếp tục thói hư tật xấu, còn chưa đứng vững chân đã bắt đầu xâu xé lẫn nhau, nhất là Đổng Quán và Cao Cầu.


Triệu Hoàn thấy thời cơ đã chín muồi, bèn dành ra hai ngày cùng Tống Hoán đã hồi kinh nói chuyện trực tiếp, vừa đe dọa vừa dụ dỗ mệnh y khuyên bảo Thái thượng hoàng trở về Biện Kinh. Sau khi Tống Hoán đồng ý, ngày mùng Bốn tháng Ba, Triệu Hoàn lại bổ nhiệm y làm Lộ chế trí phát vận sứ ở các nơi Giang, Hoài, Kinh, Chiết, mệnh y tiến về Đông Bắc, cầu kiến Thái thượng hoàng.


Tống Hoán sau khi về đến Trấn Giang quả nhiên dốc toàn lực khuyên nhủ Triệu Cát hồi kinh, còn nói: "Hoàng thượng lệnh cho thần chuyển cáo tới Thượng hoàng: Vận vương ở kinh thành hết thảy đều tốt, chỉ là vì nhớ nhung Phụ hoàng mà hơi hao gầy, thế nhưng không đáng ngại, đợi Phụ hoàng quay về kinh rồi chắc chắn rất nhanh sẽ khôi phục, xin Phụ hoàng đừng bận lòng."


Triệu Cát vừa nghe nhắc tới Triệu Khải liền tức thì đau lòng, dĩ nhiên đã hiểu giờ đây Triệu Hoàn công khai lấy Triệu Khải ra làm con tin. Lại thấy bản thân lúc này đã bị mọi người xa lánh, đối diện với loạn trong giặc ngoài đã không còn biết phải xử lý thế nào. Huống hồ các quan viên ở Đông Nam không còn nghe lệnh mình nữa, ngay tới tiền bạc lương thực cũng dâng lên không đủ, ngày tháng càng lúc càng gian nan. Sau mấy phen cân nhắc, cuối cùng cũng đồng ý quay về kinh thành.


Nghe tin, Triệu Hoàn lập tức mệnh người thẳng tiến về Trấn Giang đón Triệu Cát hồi kinh, đồng thời sai Lý Cương tới Nam Kinh đợi. Ngày mùng Ba tháng Tư, sau khi xe chở Triệu Cát đã về tới ngoài thành Biện Kinh, Triệu Hoàn liền đích thân dẫn văn võ bá quan ra khỏi thành nghênh đón.


Triệu Hoàn vừa thấy Triệu Cát bèn quỳ xuống cung kính dập đầu thỉnh an, sau đó nước mắt lưng tròng tiến tới nắm lấy đôi tay Phụ hoàng hàn huyên, không nén được tự trách: "Nhi thần để Phụ hoàng lang bạt nơi đất khách phải chịu bao nỗi khổ, tới nay mới đón Phụ hoàng hồi kinh, thực là bất hiếu, xin Phụ hoàng trách tội."


Triệu Cát cười khan hai tiếng: "Hoàng nhi thương nhớ cha già đến vậy, liên tục phái người tới Đông Nam thăm hỏi chiếu cố, lệnh cho quan viên các nơi cẩn thận hầu hạ. Mà giờ đây ta cũng đã quay về bình an, hoàn toàn nhờ có hoàng nhi nhọc tâm sắp xếp, hoàng nhi nào có tội gì?"


Lúc này một trận gió nhẹ thổi qua. Triệu Hoàn vội vã cởi chiếc áo mình đang choàng xuống, khoác lên cho Triệu Cát, ôn hòa nói: "Gần đây Biện Kinh gió lớn, Phụ hoàng phải chú ý giữ ấm. Khi Phụ hoàng còn ở phía Nam, nhi thần ăn không ngon ngủ không yên, chỉ lo Phụ hoàng ở bên ngoài phục sức ăn uống có chỗ nào không được chăm lo chu đáo, ảnh hưởng tới sức khỏe. Hiện giờ Phụ hoàng quay về bình an, nhi thần lại có thể đích thân chăm sóc việc ăn ở của Phụ hoàng như trước kia, quả thực vui sướng vô ngần." Nói tới đây thanh âm có chút nghẹn ngào, không nén được đưa tay áo lên lau khóe mắt.


Triệu Cát lặng lẽ nhìn y, vành mắt cũng đỏ lên, kéo tay con trai nói: "Hoàng nhi hiếu thuận như vậy, lòng ta cũng được an ủi. Có đứa con trai thế này, kẻ làm cha còn cầu gì hơn!"


Triệu Hoàn thở ngắn than dài, quay đầu lại nhìn Tống Hoán đứng hầu một bên, mỉm cười nói với y: "Tống khanh chuyến này đã lập được công lớn. Phụng mệnh xuống Trấn Giang, nối liền tình phụ tử, ăn nói đúng phép, chân thành rành mạch, để hai cung cùng được yên lòng. Ngày sau trẫm nhất định sẽ trọng thưởng khanh."


Triệu Cát cũng khen ngợi: "Tống khanh vừa là hiếu tử, lại vừa là trung thần, theo lí phải thưởng."


Tống Hoán vội vã quỳ xuống tạ ơn Hoàng thượng và Thái thượng hoàng khen ngợi. Sau đó Triệu Hoàn dìu Triệu Cát lên xe cùng hồi cung. Dân chúng trong thành đổ xô ra đường nghênh đón, thấy hai cung Hoàng đế khăng khít gần gũi như thế, ai cũng cảm động, không ngừng hoan hô, tiếng khen không dứt.


Từ đó, Triệu Hoàn không còn mối lo nào nữa, trước sau lần lượt ban chết cho Sái Du, Đổng Quán và các quan lại khác thân thiết với Triệu Cát. Tống Hoán vừa là người nhà vừa là bè đảng với hai cha con Sái Kinh Sái Du cũng không thoát khỏi kiếp nạn, Triệu Hoàn lấy lý do "dùng hôn nhân để kết bè đảng, lời lẽ cuồng vọng gây chia rẽ" để cách chức y, sau lại biếm làm Đơn Châu đoàn luyện phó sứ, chuyển hẳn về Vĩnh Châu.


Triệu Hoàn lại mời Triệu Cát chuyển vào Long Đức cung, nói rằng khuôn viên xung quanh Long Đức cung có lợi cho việc tu thân dưỡng tính, rất phù hợp dưỡng sinh tuổi già, nếu không có việc gì bức thiết, Phụ hoàng xin đừng ra ngoài chịu khổ nữa. Điều này có nghĩa Triệu Cát đã bị giam lỏng ở Long Đức cung. Ngoài ra Triệu Hoàn còn điều tất cả các hoạn quan trước đây từng hầu hạ Triệu Cát tới Long Đức cung sống, không cho phép bọn họ vào cấm cung nữa, ai trái lệnh sẽ bị chém. Thêm đó, Triệu Hoàn lại mệnh người hàng này báo cáo tình hình ăn ở sinh hoạt của Thái thượng hoàng một cách tỉ mỉ, sắp xếp nội thị mới hầu hạ ở Long Đức cung, lấy lý do để chăm sóc Phụ hoàng được chu đáo hơn, thực chất là nhằm giám thị hành động của Triệu Cát.


Triệu Cát thấy có nhiều nội thị mới trong cung, biết rằng bọn họ thực tế là tai mắt mà Triệu Hoàn phái tới, lại càng muốn dùng tiền bạc mua chuộc, thường xuyên thưởng cho bọn họ chút tiền bạc, đồ chơi. Thế nhưng Triệu Hoàn sau khi biết tin liền lập tức lệnh cho Khai Phong phủ kiểm tra chặt chẽ các vật phẩm ra vào Long Đức cung. Nếu như có ai được Thượng hoàng ban thưởng phải lập tức trình báo lên.


Triệu Cát biết Triệu Hoàn đối với mình đề phòng tới cực điểm, mà giờ đây bản thân không chỉ mất đi quyền lực của hoàng đế, thậm chí ngay tới những người bên cạnh cũng bị liên lụy theo, trong lòng buồn khổ, thế nhưng lực bất tòng tâm.


Ngày mùng Mười tháng Mười năm Tĩnh Khang thứ nhất là "Thiên Ninh tiết" - lễ mừng thọ của Triệu Cát. Triệu Hoàn tới Long Đức cung chúc thọ Phụ hoàng 44 tuổi. Trong bữa tiệc, phụ tử hai người vô cùng hòa thuận, nói cười vui vẻ. Sau khi uống cạn ly rượu mà Triệu Hoàn kính, Triệu Cát đích thân rót cho con trai một ly, bảo Triệu Hoàn cũng uống.


Triệu Hoàn nâng ly toan uống, lại thấy Cảnh Nam Trung lặng lẽ tới gần, khẽ giẫm lên đôi ủng thêu rồng của Triệu Hoàn.


Triệu Hoàn lập tức hiểu ý: Cảnh Nam Trung đang ám thị y trong rượu có thể có độc, không được phép nghe lời mà uống. Việc này không hề hiếm lạ trong triều. 16 năm trước, Tri xu mật viện sứ Trương Khang Quốc bất hòa với Sái Kinh, trong một lần uống rượu được kẻ khác mời trong yến tiệc đã trúng độc mà chết. Bởi thế Triệu Hoàn bất động thanh sắc đặt ly rượu xuống, nói với Triệu Cát: "Phụ hoàng, nhi thần đêm nay còn phải về Mi Anh các nghị sự với mấy vị đại thần, không tiện uống rượu. Tâm ý của Phụ hoàng nhi thần xin nhận, đợi ngày khác không vướng chính sự nhi thần sẽ tới Long Đức cung cùng Phụ hoàng uống say."


Triệu Cát sững sờ nói: "Chỉ uổng một ly cũng không được sao?"


Triệu Hoàn đáp: "Tửu lượng của nhi thần không tốt, chỉ sợ uống nhiều sẽ làm lỡ dở việc, xin Phụ hoàng tha tội."


Triệu Cát lắc đầu tiếp tục khuyên, nhưng Triệu Hoàn vẫn dứt khoát không đồng ý. Đang thoái thác, lại nghe thấy tiếng một người tiến lên phía trước nhàn nhạt nói: "Bệ hạ đặt chính sự lên đầu, quả thực không tiện uống rượu. Thần to gan, xin bệ hạ cho phép thần thay bệ hạ uống ly rượu này của Thượng hoàng."


Triệu Hoàn Triệu Cát cùng nhìn, phát hiện ra người lên tiếng là Vận vương Khải. Ban nãy y vẫn lặng lẽ ngồi một bên tự uống rượu, thấy Triệu Hoàn thoái thác không uống ly rượu của Phụ hoàng liền đứng lên đi tới trước mặt bọn họ. Lúc này nhìn y có vẻ tiều tụy, sắc mặt hơi tái, thế nhưng ánh mắt vẫn sáng rực như cũ. Không đợi Triệu Hoàn đáp lời, y đã tự mình nâng ly rượu lên ngửa đầu uống cạn, sau đó nghiêng ly rượu đã cạn đáy về phía Triệu Hoàn tỏ ý, như cười như không nhìn Triệu Hoàn, một tia trào phúng lướt qua khóe môi.


"Phụ hoàng," Triệu Khải nhìn Triệu Hoàn, nhưng lại mở miệng nói với Triệu Cát: "Hoàng huynh bận việc quốc gia đại sự, không thể cùng Phụ hoàng uống rượu tận hứng. Nếu Phụ hoàng vẫn còn muốn uống, vậy hãy ban cho kẻ nhàn tản vô công rỗi nghề là con đi."


Triệu Cát nghe vậy liền đứng lên, che mặt bước ra khỏi điện, đi về hướng tẩm cung, cố gắng đè nén tiếng khóc.


Triệu Hoàn cũng không lưu lại nữa, phất tay áo xoay người hồi cung. Đợi y đi xa, Triệu Khải lạnh lùng nở nụ cười, quay về chỗ tự rót một ly, ngẩng đầu uống cạn.


Ngày hôm sau, Triệu Hoàn cho dựng một tấm bảng vàng trước cửa Long Đức cung: "Ai bắt được kẻ chia rẽ hai vua, thưởng tiền ba ngàn quán, tặng chức Thừa tín lang." khuyến khích những người trong cung lắng nghe cuộc trò chuyện giữa Thái thượng hoàng và những người ông tiếp xúc rồi trình báo lên, để nghiêm phạt "kẻ chia rẽ hai vua". Triệu Cát biết hành động này rõ ràng là nhắm vào Triệu Khải, bất đắc dĩ đành khuyên Triệu Khải nếu không phải việc cấp thiết thì đừng tới Long Đức cung thường xuyên nữa, tránh việc không dưng vướng vào thị phi.