Nơi Nào Củi Gạo Không Vương Khói Bếp
Đăng vào: 12 tháng trước
Canh cá đổi thành màu trắng sữa, nếm thử, hương vị vừa ăn
lắm; cà hấp mặn bốc khói thơm phức, múc ra đặt lên bàn, rắc rau thơm;
hạt thông giã nhỏ để qua một bên, rắc lên dĩa trang trí cho đẹp mắt;
trứng gà kho đổi màu đỏ au, cọng hoa tỏi non xào thịt đã xong.
Tôi vỗ vỗ tay, bốn món mặn một món canh đã xong, hoàn tất!
Nhìn thành quả to lớn, tôi vừa lòng cười tươi, cởi tạp dề, rửa tay,
cầm cuốn "Giải thích về việc bồi thường tai nạn giao thông" mới mua lên, tiếp tục triển khai phương án tác chiến.
Tan nạn giao thông xảy ra, cả hai bên cầm lái đều có lỗi, dựa theo tỉ lệ lỗi mà phân chia trách nhiệm. Tiền bồi thường thì chia 4:6 hay 3:7
đây? Nếu coi một trăm vạn là mười phần, vậy một phần là mười vạn, con số lớn như vậy chẳng lẽ chỉ dựa vào một câu của bên cảnh sát sao? Phí hộ
lý thì phải do bên tư pháp xem xét rồi công bố. Tôi đi làm hộ lý được
không nhỉ, chỉ cần tiết kiệm được ít tiền thì tôi đi làm công nhân lao
động giản đơn cũng được, mỗi ngày dọn phân và nước tiểu cho Chu Phú
Xương. Phí trị liệu do bên cảnh sát giao thông cân nhắc tình huống rồi
quyết định. Trần Dũng đúng là tốt bụng quá đáng, chưa thông qua cảnh
sát, người ta nói thiếu tiền liền vui vẻ mang tiền đi giao, tuy rằng
cũng tính vào mức bồi thường, gia đình Chu Phú Xương cũng đã viết biên
lai nhưng vẫn không phù hợp theo quy định pháp luật, không làm tốt hơn.
Phí nuôi nấng con của nạn nhân đến khi tròn 18 tuổi, Chu Phú Xương có
hai con trai, một đứa cấp 2, một đứa cấp 3... Haizz, sao anh ta không
tuân thủ quốc sách cơ bản chứ*? Tôi chống cằm, suy nghĩ phân tán liên
tục, đông nghĩ một ít, tây nghĩ một ít, nửa trên sách vở nửa ngoài thực
tế, tôi không tập trung được.
(*Ý nói việc chỉ sinh 1 con ở TQ)
"Anh về rồi". Tiếng mở cửa làm tôi giật mình, chạy tới cầm lấy áo cho anh, kinh ngạc khi thấy anh đang cười. Vui như vậy, chẳng lẽ có tin tức tốt?
"Anh Chu là công nhân máy tiện, ba năm trước bị hạ cương*, vợ anh ta cũng là công nhân bị hạ cương".
(*Hạ cương : ý chỉ công nhân bị mất việc do nhà máy đang gặp trục
trặc, không đi làm nhưng vẫn nhận một phần lương, ai nóng ruột nghỉ việc là khỏi nhận bồi thường – gần tương tự Pháp luật VN)
"Sao?".
Tôi sửng sốt một chút mới có phản ứng, viện tư pháp tối cao giải
thích : phí bồi thường thiệt hại xác định căn cứ vào thời gian làm việc
và mức lương của người bị hại. Những công nhân bị hạ cương có thu nhập
còn cao hơn CEO tập đoàn lớn, phí bồi thương đương nhiên phải ít hơn.
Mặt đang cười, tâm lại phát sầu vì cái tin tức tốt này, từ lúc nào sự
khốn khổ của quần chúng nhân dân lại trở thành lợi thế của chúng tôi
chứ, họ càng khổ chúng tôi lại càng đỡ, mâu thuẫn quan hệ điên đảo, thật làm người ta bất đắc dĩ quá. Vì sống, chúng tôi phải tàn nhẫn, không
còn cách nào khác.
"Được, kỳ khai đắc thắng* nhé, anh Dũng, chúng ta tạm gác lại chuyện này đã, đói rồi phải không, mau rửa tay chuẩn bị ăn cơm".
(*Kỳ khai đắc thắng = vừa đánh trận đã thắng ngay lập tức)
Không nên nói quá nhiều về tin tức chẳng thể vui cũng không thể buồn
đó, tôi quay lại phòng bếp dọn chén đũa, cố gắng đè nén cảm giác áy náy
lương tâm, bưng tai bịt mắt, xóa đống suy nghĩ đó ra khỏi não.
"Ân Sinh à?". Anh bước qua, quay ngược tôi lại, nhìn thẳng vào mắt. "Em có chuyện".
"Không, không có". Tôi chột dạ, mạnh miệng chối phắt, cúi đầu không dám ngẩng lên.
"Thật ư? Em thật sự không khó chịu chuyện anh Chu là công nhân hạ cương sao?".
Gì chứ? Nỗi buồn bị người ta huỵch toẹt, tôi kinh ngạc ngẩng lên, ngơ ngác hỏi. "Anh, anh biết?".
"Em đó, mềm lòng thật". Anh bật cười, ôm tôi vào lòng. "Hố lửa anh
đây em còn không sợ sứt đầu mẻ trán mà nhảy vào, cô ngốc lương thiện
này, lòng em nghĩ gì sao anh không đoán được cơ chứ?".
Mắt Trần Dũng nhìn tôi ươn ướt, chan chứa sủng nịch, giống vẻ mặt
ngày xưa anh hay nhìn tôi, rồi có gì đó rất khác ngày xưa. "Em lúc nào
cũng vậy, làm sao anh có thể...".
Anh đang nói đột ngột ngừng lại, vòng ôm buông lỏng rất nhanh, một
khắc sau đã đổi giọng. "Mau ăn cơm thôi, đừng nghĩ nữa, tới đâu hay tới
đó, mình không hại người nhưng cũng không thể để người khác bịt mắt ức
hiếp được, thật ra khi điều tra biết được điều đó anh cũng nghĩ như em
vậy, nhưng sự thật vẫn là sự thật, dù em có chấp nhận nó hay không thì
nó cứ là nó thôi".
Câu này đúng, ngẫm lại chính xác là thế, tôi có chút ngượng ngùng vì
cảm giác vừa nãy, hùa theo anh để che giấu nó. "Đúng, ăn cơm quan trọng
hơn".
Một trăm vạn bồi thường còn đây, có áy náy gấp ngàn lần đi nữa cũng không thể không nghĩ tới nó.
Thời gian sau đó rất an nhàn, chúng tôi từ tốn ăn cơm và tán gẫu, anh khen canh cá tôi nấu ngon, cà mặn tiêu chuẩn, tôi thêm cơm cho anh,
cười khuyên anh ăn nhiều một chút, tiêu diệt hết bốn mặn một canh luôn
là hay nhất. Bao lâu chúng tôi chưa ăn cơm cùng nhau rồi ấy nhỉ? Chúng
tôi cứ mải nghi kỵ nhau, phòng bị nhau, quên mất cùng ngồi ăn cơm là tư
vị gì, cho tới hôm nay mới tỉnh ngộ, thì ra hạnh phúc chỉ là thế này mà
thôi. Trước kia ở cùng nhau suốt nhưng sao không có chút cảm giác nào?
Bình thản mới là quý giá nhất.
Cơm nước xong, chúng tôi ngồi ở sofa thảo luận, hai cái đầu chụm vào
quyển "Giải thích về việc bồi thường tai nạn giao thông", cùng nghiên
cứu, cố gắng xoay quanh cách giải quyết hợp lý nhất. Nhưng đại đa số
thời gian đều là tôi nói, Trần Dũng xấu xa không chịu đọc sách nghiêm
túc, một bộ kẻ trộm rình nhà dân, nhìn chằm chằm tôi bằng cặp mắt không
thể hiểu nổi, lúc thì ôm một cái, lúc thì sờ sờ, lúc thì vuốt tóc tôi,
lúc thì nắm tay tôi...
Chán ghét, làm sao người ta chuyên tâm nghiên cứu đây! Tôi cảnh cáo
nhiều lần, chẳng ăn thua, cuối cùng anh gạt sách của tôi đi, ôm tôi vào
lòng, vấn đề nghiên cứu bị thay đổi, phần lớn thời gian sau đó chỉ mình
Trần Dũng nói chuyện.
"Ân Sinh, em nấu ăn ngày càng ngon, hẳn là không đói được".
"Ừ, cảm ơn khích lệ, mấy thứ đó nói sau được không, anh buông ra cái đã".
"Trên đường về anh đi đóng phí sưởi ấm, biên lai để ở tủ đầu giường, em nhớ cất đi nhé".
"Vậy anh buông ra đi, em đi cất".
"Gấp gì, để anh ôm chút đã. Ân Sinh à, giấy phép kinh doanh và hóa
đơn vệ sinh anh để trong ngăn kéo thu ngân nhà hàng, chìa khóa để anh đi lấy, từ nay về sau mấy thứ này do em bảo quản".
"Đưa em làm gì, để ở chỗ anh, có kiểm tra cũng tiện".
"Tài sản đương nhiên giao cho vợ giữ... Còn nữa, lâu lắm em chưa gọi
anh bằng ông xã, mau mau, gọi hai tiếng cho anh nghe được không, đi, bà
xã, được không?".
Trần Dũng lúc này như đứa bé chờ được khen ngợi, điệu bộ tội nghiệp
làm người ta không từ chối được. Tôi bó tay, mở miệng gọi. "Ông xã...".
Chưa dứt lời, thân thể anh co rúm lại, vùi đầu vào đỉnh đầu tôi, run rẩy gọi nhỏ. "Tiếp đi, tiếp đi".
Quái lạ, một tiếng 'ông xã' thôi mà, sao kích động dữ vậy?
"Ông xã, ông xã, ông xã...".
Tôi im lặng, càng lúc càng thấy có gì đó không thích hợp, biểu hiện
vừa rồi của anh, anh cười, lời anh nói, sao giống như đang dặn dò? Tôi
nóng ruột nóng gan, cố tránh khỏi anh, gần như đẩy đầu anh ngẩng dậy, để anh nhìn vào mắt tôi. "Anh Dũng, nói cho em biết".
Anh vẫn cười, đưa tay vuốt ve hai má tôi. "Định tối nay kể cho em, để em bớt lo phút nào hay phút nấy, ai ngờ Ân Sinh của anh thông minh như
vậy, phát hiện ra rồi".
"Ai da cái anh này, nói mau lên".
Gấp muốn chết mà anh còn rề rề, tôi sắp bị thiêu cháy luôn rồi.
"Ân Sinh, chiều nay bên cảnh sát gọi điện báo...".
"Như thế nào?".
"Bọn họ nói anh qua lãnh quyết định thi hành án, ở tù hành chính mười ngày, bắt đầu từ mai".
"Ở tù?!".
"Đúng, ở tù".
"...".