Sau Khi Gả Cho Bạo Quân Ta Mỗi Ngày Đều Nghĩ Mình Đang Thủ Tiết
Đăng vào: 12 tháng trước
Lưu Nhân Quý nhanh chóng bị tống vào ngục chờ xử lý, từ lúc nghênh đón cho tới lúc rơi đài, chẳng qua chỉ tốn thời gian một bữa ăn.
Chu Minh Lễ khóe miệng giật giật, tầm mắt mở mang trước hiệu suất làm việc như sấm rền gió cuốn của Vệ Liễm.
Theo đúng quy trình, sau khi bắt giữ Lưu Nhân Quý xong họ còn phải thẩm vấn lấy lời khai, ký tên xác nhận, rà soát từng mục, cuối cùng mới báo lên Vĩnh Bình.
Lăn qua lộn lại, tốn không ít thời gian, mà thời gian chính là thứ họ đang thiếu nhất.
Vệ Liễm cầm kim lệnh trong tay, có quyền chém trước tâu sau, dù vậy, muốn giải quyết vấn đề nhanh chóng thì phải dứt khoát.
Chu Minh Lễ thu lại thái độ coi thường, hắn thừa nhận về phương diện chính trị, Liễm công tử chẳng hề vô dụng.
Ít nhất không chỉ tay năm ngón* như trong tưởng tượng.
(Chỉ tay năm ngón: chỉ biết sai bảo, ra lệnh cho người khác làm còn bản thân thì không biết làm)
Vệ Liễm hỏi: "Thông phán đâu?"
Thông phán là phụ tá của Tri châu. Họ từ Vĩnh Bình tới, không quen thuộc đất đai dân chúng Giang Châu, nếu tự điều tra sẽ mất rất nhiều thời gian. Để nắm giữ tình hình nhanh nhất, cần phải có một quan chức bản địa.
Hai thị vệ nhanh chóng áp giải một viên quan tới, áo quần xộc xệch, e rằng vừa bị lôi ra khỏi xúc cảm mềm mại chốn thôn quê.
"Bẩm công tử, đã mang người đến."
Tào Vũ Lương đang quấn lấy tiểu thiếp giữa ban ngày ban mặt thì bị một nhóm quan binh hung tợn cứng rắn lôi đi, đến đôi giày còn chẳng kịp xỏ, gã nghẹn một bụng tức, định chửi ầm lên.
Ở đất Giang Châu này gã dưới một người trên vạn người, kẻ nào dám ra lệnh bắt gã, chán sống rồi à?
Bị kéo vào quẳng xuống nền, ngẩng đầu lên thì thấy một công tử áo trắng trẻ tuổi tuấn mỹ, hông gài quạt xếp, hàng mi rủ xuống, trong veo tựa tranh vẽ.
Tào Vũ Lương nhìn đến ngây dại.
Tri châu yêu tiền, Thông phán háo sắc, bị dân chúng địa phương thầm phỉ báng là "Hai mối họa lớn ở đất Giang Châu". Tào Vũ Lương không kiêng kỵ nam nữ, chỉ cần dung mạo xinh đẹp sẽ bắt về đùa giỡn, ngày thường chuyên ức h.iếp nam tử chòng ghẹo nữ nhân. Thiếu niên và người thể trạng yếu ớt bị gã chơi chết không biết bao nhiêu mà kể.
Chắc chắn Vệ Liễm là người đẹp mắt nhất mà gã trông thấy, những thiếu niên mua vui trong phủ chẳng có ai xinh đẹp nhường này.
Tào Vũ Lương quên béng mọi thứ, hồn bay phách lạc nỉ non: "Tiểu mỹ nhân..."
Thị vệ tức khắc rút kiếm. Dám mơ ước người của bệ hạ, đáng chết!
Chu Minh Lễ lộ vẻ căm ghét. Nhìn dáng vẻ não đầy mỡ của tên Thông phán này, thì biết ngay cá mè một lứa với họ Lưu kia, cứ tống luôn vào ngục, sao phải thẩm vấn?
Vệ Liễm chậm rãi bước tới, nửa ngồi nửa quỳ trước mặt Tào Vũ Lương, cây quạt xếp khẽ hất cằm gã, y nhìn chăm chú vào đôi mắt già nua vẩn đục.
Tào Vũ Lương thèm thuồng cười rộ lên: "Tiểu mỹ nhân, có phải ngươi cũng coi trọng ta..." bỗng gã im bặt.
Mấy lưỡi dao sắc bén nhô ra dọc theo nan quạt cứa lên cổ gã, da bị rạch, máu rỉ ra, sâu thêm một tấc thì máu tươi sẽ phun dài ba thước.
Trán Tào Vũ Lương đổ mồ hôi lạnh.
"Lưu Nhân Quý đã chết." Vệ Liễm nói dối mặt tỉnh bơ: "Ngươi muốn lấy công chuộc tội hay muốn xuống mồ cùng gã?"
Tào Vũ Lương: "..."
Sau một nén nhang, toàn bộ tư liệu lớn bé có liên quan tới tình hình dịch bệnh ở Giang Châu trong thời gian gần đây được đặt trước mặt Vệ Liễm.
-
Khoảng nửa tháng trước, huyện Thanh Bình tại Giang Châu xuất hiện căn bệnh quái lạ. Một nam nhân góa vợ sống một mình chết gục trong nhà, xác thối rữa, thi thể hoàn toàn thay đổi, nếu hắn không mặc bộ quần áo thường ngày, thì cơ bản chẳng nhận ra đó là người.
Nam nhân góa vợ này ngày nào cũng lên núi đốn củi rồi mang vào huyện bán. Đột nhiên mấy ngày liền chẳng bước chân ra khỏi cửa, trong nhà mơ hồ bốc ra mùi hôi thối. Hàng xóm thấy lạ, bèn đẩy cửa đi vào kiểm tra, lúc trông thấy xác chết không ra hình người kia thì hoảng hốt kêu toáng lên.
Ban đầu chẳng ai báo quan, bởi họ tưởng nam nhân góa vợ nhiễm căn bệnh thông thường nào đó. Xuất phát từ tình nghĩa, họ chôn cất cho hắn. Không ngờ mấy hôm sau, một nhà ba người hàng xóm cũng lần lượt qua đời.
Cùng lúc đó, trên cơ thể những người có tiếp xúc với một nhà ba người kia liên tục xuất hiện triệu chứng khác thường.
Ngày đầu tiên người bệnh thấy cánh tay ứ đọng máu, ngứa ngáy, không ngừng gãi, nhưng càng gãi càng ngứa. Ngày thứ hai toàn bộ cánh tay bắt đầu thối rữa, thậm chí có thể cào ra cả một mảng thịt. Ngày thứ ba vùng thối rữa tràn lên mặt, hủy hoại dung mạo. Ngày thứ tư lan rộng toàn thân, lúc này người bệnh ý thức mơ hồ, giả sử có tỉnh táo mà trông thấy dáng vẻ của bản thân thì hẳn cũng bị dọa cho phát điên. Ngày thứ năm người bệnh chẳng còn sức chịu đựng, thoi thóp không khác gì một thi thể, đám quạ chờ mổ xác thối đã bay vòng vòng trên trời từ lâu. Muộn nhất tới ngày thứ sáu, người bệnh sẽ tử vong.
Chẳng ai sống đến ngày thứ bảy.
Ban đầu căn bệnh lây lan trong một khu vực nhỏ ở huyện Thanh Bình, khiến người ta bàng hoàng. Báo lên nha môn, nha môn chẳng quan tâm, lại còn thoái thác "Bị bệnh thì tìm thầy lang chứ tìm nha môn làm gì". Huyện Thanh Bình nghèo khó, chỉ có một thầy lang già, phí khám chữa bệnh rất rẻ, được dân chúng tôn vinh là bàn tay kỳ diệu.
Giai đoạn đó y quán đông như mắc cửi, người khỏe mạnh cũng sợ bản thân sẽ nhiễm bệnh nên vẫn đến khám cho yên tâm. Tới khi có người xuất hiện triệu chứng, đám đông mới nhanh chóng tản ra bốn phía, cứ như gặp phải ôn thần.
Mỗi thầy lang già không sợ, chẩn bệnh như thường lệ. Chỉ là ông chưa từng nghe qua căn bệnh quái lạ này, khám chẳng ra kết quả nên đành kê tạm vài đơn thuốc.
Mấy hôm sau, con trai của một người bệnh mang thi thể cha già tới làm ầm lên, hắn nói thầy lang đã kê đơn thuốc mà cha hắn vẫn chết. Sau đó la lối om sòm, khóc lóc lăn lộn, nước miếng tung tóe, chỉ trích thầy lang lòng dạ hiểm ác, hám tiền không màng tới sự sống chết của người bệnh, rồi đòi bồi thường.
Thầy lang già bất đắc dĩ đáp: "Chỉ mong thế gian không còn người bệnh, cho dù thuốc trên giá có phủ đầy bụi. Lão phu một đời làm nghề y, giành giật mạng sống với Diêm vương, nếu thành công thì còn gì vui bằng, chỉ là... không thể trái ý trời thay đổi vận mệnh."
Sống ở nơi thâm sơn cùng cốc nên tầm nhìn hạn hẹp, hắn chỉ biết nhất định phải có người chịu trách nhiệm cho cái chết của cha mình. Hắn muốn đánh thầy lang già, nhưng bị dân quanh đó ngăn cản, họ dồn dập chỉ trích hắn cố tình gây sự.
Có lẽ họ thực sự bất bình cho thầy lang già, có lẽ họ nghĩ... thầy lang xảy ra chuyện thì tìm đâu ra người khám bệnh giúp mình.
Người kia bị chỉ trích, xấu hổ, ảo não chạy mất. Mấy ngày sau hay tin, hắn cũng nhiễm bệnh qua đời.
Hỏng bét hơn, thầy lang già cũng bắt đầu xuất hiện triệu chứng, chẳng biết bị lây nhiễm từ người nào trong quá trình khám.
Mà những người tới y quán xem náo nhiệt, sau khi trở về cũng thi nhau đổ bệnh.
Họ vô cùng uất ức.
Rõ ràng họ cực kỳ cẩn thận, mấy ngày gần đây đóng chặt cửa chẳng dám ra đường, chỉ tới mỗi y quán, hẳn thầy lang đã truyền bệnh sang bọn họ!
Mà tin tức thầy lang nhiễm bệnh càng khiến họ tin chắc mình đoán đúng.
Được lắm, uổng công bọn họ bênh vực lão già kia, lão lại truyền bệnh cho họ! Cả đám tức giận đá văng cánh cửa y quán, thì phát hiện thầy lang già đã chết tự bao giờ.
Cơn giận không có chỗ trút, bọn họ đập phá y quán rồi châm đuốc đốt rụi. Ngày xưa khen nức nở bàn tay diệu kỳ, lỡ chẳng may lợi ích bản thân bị đụng chạm, thì buông lời thóa mạ cay nghiệt đến cực điểm.
Ôn dịch quá mức khủng khiếp, nhưng đáng sợ hơn cả vẫn là lòng người.
Thương thay thầy lang già một đời không thẹn với lòng, tới khi chết lại bị bêu danh.
Mọi người đập phá đốt sạch y quán xong, tưởng rằng đã thiêu chết ôn thần, từ nay về sau khỏi phải lo. Nhưng nào có, căn bệnh quái lạ cứ lây lan. Gia đình người bệnh cũng dần bị nhiễm, mạnh ai nấy chạy, người thì bỏ vợ con, kẻ cắt đứt mọi liên hệ.
Sau đó, một người chuyên vận chuyển rượu qua huyện Thanh Trữ giáp ranh cũng bị nhiễm bệnh. Tửu lâu huyện Thanh trữ bùng nổ ôn dịch, đầu bếp chết hết, khách từng tới đó ăn uống chẳng ai may mắn tránh thoát.
Bệnh lan sang huyện giáp ranh, rốt cục chuyện ôn dịch ở huyện Thanh Bình không giấu được, Tri huyện vội báo lên Tri châu. Tuy nhiên Lưu Nhân Quý sắp tới bước ngoặt thăng chức, vạn lần không thể mắc sai lầm, gã bàn với Thông phán, quyết định giấu nhẹm việc này.
Một truyền mười mười truyền trăm, cho tới nay, toàn bộ bảy huyện Giang Châu thì có tới sáu huyện xuất hiện ôn dịch. Trong đó huyện Thanh Bình nghiêm trọng nhất, huyện Thanh Trữ gần như thất thủ, bốn huyện còn lại tình hình khá hơn chút ít.
Huyện Thanh Thu xa nhất chưa có ai bị nhiễm, nghe đâu Tri huyện địa phương vừa có được tin tức bèn hạ lệnh phong tỏa, cấm tất cả hoạt động buôn bán, dựa vào đồ tồn kho sống qua ngày. Tri huyện Thanh Thu xin cấp trên trợ giúp, không ngờ thư cầu cứu bị Lưu Nhân Quý ém xuống, đành phái người báo thẳng lên Vĩnh Bình nhưng nửa đường bị chặn lại, bị ngầm cảnh cáo gây khó khăn một phen, hiện giờ lương thực đã cạn.
Mí mắt Chu Minh Lễ như sắp rách ra khi đọc từng tờ từng tờ văn kiện, hắn đập mạnh bàn, túm lấy cổ áo Tào Vũ Lương, mắt đỏ ngầu, nghiến răng nghiến lợi: "... Đó là cách các ngươi làm việc vì dân chúng à?"
"Đó là cách các ngươi làm quan à?"
Tào Vũ Lương sợ hãi run lẩy bẩy: "Khâm... Khâm sai đại nhân tha mạng! Tiểu nhân đã trình tất cả văn kiện lên, liệu... liệu có thể lấy công chuộc tội hay không..."
Vệ Liễm ngước mắt, cầm quạt vỗ vỗ nhẹ vào vai gã, ôn hòa nói: "Làm tốt lắm."
Tào Vũ Lương định cười, nhưng trong tích tắc gã trợn tròn mắt, gục xuống, chết không nhắm mắt.
Dòng máu đỏ sẫm chảy ra từ cổ, loang lổ nền nhà.
Vệ Liễm thu tay về, cây quạt vẫn trắng tinh, không hề thấy dù chỉ là một vệt máu.
"Đáng tiếc, tội không thể tha."
Chu Minh Lễ buông lỏng tay, cúi nhìn thi thể, rồi quay đầu về phía bóng lưng ung dung thản nhiên kia.
Liễm công tử này...
Hắn vừa trông thấy cái bóng vô hình của bệ hạ, giết người trong lúc nói cười.
-
Nắm rõ chuyện xảy ra gần đây mới biết bây giờ tình hình Giang Châu nghiêm trọng tới mức nào.
Vệ Liễm đến gặp Chu Ngu Sơn, hắn được người dẫn đi thay áo quần sạch sẽ, là một thanh niên trẻ tuổi cường tráng.
Vừa thấy y, hắn lắp bắp chào: "Công, công tử."
Mọi người đều gọi như thế.
"Muội muội ngươi nhiễm bệnh mấy hôm rồi?" Vệ Liễm hỏi.
Vừa nhắc tới, Chu Ngu Sơn đỏ vành mắt, nghẹn ngào đáp: "...Đã hai hôm."
Nhiễm căn bệnh quái lạ này không tới bảy ngày sẽ chết, em gái hắn chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa.
Vệ Liễm lại hỏi: "Mấy ngày vừa rồi muội muội ngươi tiếp xúc với những ai?"
Chu Ngu Sơn lắc đầu: "Chân tiểu muội có tật nên không thể ra cửa gặp người, đều do thảo dân và mẫu thân chăm sóc, tám hôm trước mẫu thân chết... từ lúc đó chỉ có một mình thảo dân, cơ bản không tiếp xúc với ai cả. Bây giờ nhà nào cũng cảm thấy bất an, chẳng còn ai dám ra đường."
Vệ Liễm ngẫm nghĩ.
Trước đây y đọc trong sách thì hầu hết các ca nhiễm đều tiếp xúc với người bệnh, mà người bệnh đầu tiên chết rồi, chẳng ai biết hắn đã tiếp xúc những gì.
Mẹ Chu Ngu Sơn nhiễm bệnh vào nửa tháng trước, chết đã tám ngày, em gái hắn lại nhiễm bệnh từ hai ngày trước, chênh lệch sáu ngày.
Trong sáu ngày chỉ tiếp xúc với mỗi anh trai.
Có khả năng là vì Chu Ngu Sơn khỏe mạnh.
Nếu tiếp xúc sẽ nhiễm bệnh, mà Chu Ngu Sơn từng cõng mẹ đi tìm thầy lang, vậy sao hắn không việc gì?
Vệ Liễm sắp xếp toàn bộ manh mối, xem xét số lượng người bệnh ở các huyện lần nữa, y chợt phát hiện ra một vấn đề.
Không phải ai tiếp xúc với người bệnh cũng bị nhiễm. Trong số người bệnh thì cụ già và trẻ con chiếm đa số, phụ nữ ít hơn, thanh niên trai tráng lại càng ít.
Chu Ngu Sơn là một thanh niên khỏe mạnh.
Vệ Liễm từng nghiên cứu qua cuốn sách có đề cập tới một khái niệm: trong căn bệnh luôn tồn tại mầm độc, người có khả năng chống chịu tốt thì mầm độc không thể xâm lấn, ngược lại người có khả năng chống chịu kém thì dễ sinh bệnh.
Nam tử trẻ tuổi thể chất tốt, chống chịu được mầm độc sẽ không bị nhiễm bệnh, nhưng không có nghĩa trên cơ thể họ không tồn tại mầm độc, họ vẫn có thể truyền bệnh sang người khác.
Như vậy thì khó mà phòng bị.
Đương nhiên còn một khả năng nữa, em gái Chu Ngu Sơn lây bệnh từ mẹ chứ không phải từ anh trai. Nếu vậy tức là căn bệnh này có thời kỳ ủ bệnh, kéo dài trong sáu ngày hoặc lâu hơn.
Dù bệnh không xuất hiện triệu chứng vẫn lây nhiễm hay thời kỳ ủ bệnh kéo dài, thì đều gay go như nhau.
Hoặc tệ hơn, hai khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra cùng lúc.
___o0o___