Chương 7: 7: Cuộc Sống Sinh Viên

Cuộc Liên Hôn Sai Lầm

Đăng vào: 12 tháng trước

.


Mấy ngày sau đó sắc mặt ba mẹ và Trúc Khanh chẳng khá hơn là mấy.

Ba người đều cho là Thụy Khanh đã giở trò gì đó mới khiến Minh Hoàng thay đổi.

Mặc cho cô giải thích hết lời, họ vẫn không nghe lọt tai.

Không khí trong nhà u ám khiến Thụy Khanh sinh tâm lý sợ hãi mỗi khi về nhà.

Cô ước có thể đi đâu thật xa, thoát khỏi hoàn cảnh sống khốn khổ này.
Tiếc là trước giờ Thụy Khanh chưa quen nổi loạn nên chẳng dám thoát kén, chỉ có thể tiếp tục chịu đựng những lời chì chiết của mẹ và em gái, kèm ánh mắt không hài lòng của ba.

Mọi người khiến cô có cảm tưởng mình đã gây lỗi lầm to lớn.

Cô bắt đầu sợ hãi phải về nhà sau giờ tan học.
Nếu có chỗ nào nhận sinh viên làm thêm, cô đều theo Hải Băng và Ngọc Linh xông pha kiếm tiền.

Nếu không có việc bán thời gian, cô cũng trốn ở phòng trọ của hai đứa nó, hoặc ở lì trong thư viện đọc sách, đợi chiều qua chỗ Vân Tú dạy kèm, rồi mới lầm lũi về nhà.
Ba mẹ bất công đến mức chỉ cần Trúc Khanh đứt tay, hai người sẽ lo sốt vó, còn cô cả ngày chạy rong ngoài đường cũng chẳng ai quan tâm.

Hải Băng và Ngọc Linh không biết gia thế của cô, cứ ngỡ cô được sinh ra trong gia đình bần hàn, nên phải vừa học vừa làm.

Vì không muốn kể xấu ba mẹ, nên hiếm khi cô nói về gia đình với hai đứa bạn.
Trước đây sau khi hết giờ học buổi sáng, Thụy Khanh sẽ về nhà ăn cơm, nghỉ trưa một chút rồi lên trường học hai tiết đầu giờ chiều, nhưng giờ về nhà chỉ rước lấy phiền phức và mệt mỏi.

Cô còn đang phân vân chưa biết nên đi đâu về đâu, thì Ngọc Linh khều vai cô rủ rê làm bậy:
"Ê trưa nay chuồn hai tiết chiều không?"
"Sao vậy?"
"Mình kiếm được việc chạy quảng cáo, nhưng nó trùng ngay giờ học của tụi mình.

Cúp không?" Hải Băng cũng mê tiền.
Thụy Khanh không muốn đồng ý.

Chỉ vì kiếm tiền mà bỏ học cô chẳng tán thành.

Xét cho cùng mục tiêu của cô là hoàn thành bốn năm đại học và sau đó tìm việc làm.

Bây giờ chỉ vì kiếm tiền trốn tiết, đây là đi ngược lại mục tiêu đã đề ra.

Nếu việc làm ảnh hưởng đến chuyện học, cô sẽ không chạy theo.

Thụy Khanh liền bày tỏ quan điểm:
"Mình nghĩ chúng ta kiếm tiền để trang trải sinh hoạt phí, mục tiêu cuối cùng là hoàn thành bốn năm đại học.

Học cho xong sau đó chúng ta có thể kiếm tiền cũng không muộn.

Bây giờ điều quan trọng nhất của ba đứa là học, không phải kiếm tiền, nên mình không muốn cúp học đâu."
Ngọc Linh nhát gan, thuận theo Thụy Khanh ngay: "Mình cũng thấy nhỏ Khanh nói đúng.

Thôi đừng cúp Băng ơi."
"Hiểu hai bồ rồi.

Thế thôi trưa nay tụi mình vẫn lên lớp." Hải Băng đành xuôi theo hai đứa bạn dù lòng có chút tiếc nuối.
Rồi con nhỏ nhìn Thụy Khanh hỏi dò: "Trưa nay bồ về nhà ăn cơm hả?"
Giờ này về nhà chỉ có rước phiền nên Thụy Khanh bảo mua bánh mì vào thư viện ăn xong rồi học, lát nữa lên giảng đường luôn.

Hải Băng vội cản lại, cô nàng sợ Thụy Khanh gặm không nổi bánh mì.

Vả lại vô thư viện sẽ không chợp mắt được, tí nữa lên giảng đường Thụy Khanh sẽ không học nổi.

Thế là Hải Băng rủ rê cô về phòng trọ ăn trưa rồi ngủ một chút, lấy sức học tiếp ca chiều.
Ba đứa cùng nhau về phòng trọ của Hải Băng và Ngọc Linh.

Thụy Khanh đã đến đây nhiều lần rồi nên hết ngại.

Kể từ năm nhất, sau lần được phân cùng nhóm thuyết trình rồi bọn cô thân nhau.

Hai nhỏ thường hay rủ cô về phòng trọ chơi.

Lúc đầu tưởng cô cũng là dân tỉnh lẻ lên thành phố trọ học, tụi nó còn muốn cô về ở cùng.
Hai đứa này quê ở Đà Lạt, học cùng lớp phổ thông rồi rủ nhau thi vào sư phạm, nên mối quan hệ rất thân thiết.

Gia đình khá giả nhưng tụi nó thích vừa học vừa kiếm tiền.

Trong ba đứa, Hải Băng lanh lẹ nhất.

Ngọc Linh hiền lành và có chút khờ giống Thụy Khanh, nên hai đứa đa phần đi theo Hải Băng.
Hải Băng có chiều cao vượt trội, khuôn mặt nửa lai kinh, nửa người dân tộc nên rất xinh xắn, cộng thêm tính cách cởi mở, nên mấy việc đi phỏng vấn làm nhân viên tiếp thị, cô nàng đa phần được chọn đầu tiên, sau đó kéo bọn cô theo.

Thụy Khanh thấy mình may mắn khi kết bạn với hai nhỏ này.

Cô là dân thành phố nhưng mười tám năm là chiếc bóng bên cạnh em gái, bởi vậy cô chẳng biết gì.
Trước giờ cô chỉ lo ăn học, chẳng va chạm ngoài xã hội nên không biết cách kiếm tiền.

Lúc mạnh miệng tuyên bố với ba mẹ không cần họ nuôi bốn năm đại học là tại rơi vào đường cùng.

Ba mẹ bắt cô phải lựa chọn giữa tự lo học phí nếu muốn làm theo ý mình, hoặc tiếp tục nhận được sự bảo bọc với điều kiện phải theo Trúc Khanh vào nhạc viện.

Thụy Khanh đã lựa chọn học con đường riêng.

Tình cảm gia đình cứ thế rạn nứt.
Thật ra ba mẹ chưa bao giờ đặt Thụy Khanh trong lòng.

Lúc đầu cô cứ nghĩ ba mẹ lo lắng cho Trúc Khanh hơn vì em ấy yếu đuối hay bệnh, nhưng tình thương dành cho hai chị em vẫn đồng đều.

Sau này nhiều chuyện xảy ra khiến cô hiểu ba mẹ chẳng có tí cảm xúc nào với cô.
Có lẽ từ nhỏ nếp nhà đã hình thành.

Lúc đầu ba mẹ chỉ lo lắng cho em gái nhiều hơn một chút, sau đó lại thấy trời bất công khi không cho em cơ thể khỏe mạnh, nên hai người yêu thương em nhiều hơn.

Rồi dần dần thói quen được hình thành, ba mẹ dành mọi điều tốt đẹp cho em và quên mất họ còn một đứa con gái khác.
"Ê Khanh, hay là bồ dọn qua ở cùng bọn mình luôn đi.

Ba đứa ở phòng này là tuyệt vời." Ngọc Linh lại rủ rê.
"Mình cũng muốn ở cùng hai bồ nhưng sợ gia đình không cho phép."
"Mình thấy ba mẹ bồ có quan tâm bồ đâu.

Tình cảm nhà bồ lợt lạt còn hơn nước lã." Hải Băng nói thẳng.
"Mình cũng không biết sao nữa.

Dù gì cũng là nhà, mình phải trở về."
"Ừa, khi nào muốn ở với bọn mình thì sang.

Lúc nào bọn mình cũng rộng cổng đón bồ."
Ba đứa bày biện nấu ăn.

Ngọc Linh nấu giỏi nhất trong ba đứa.

Thụy Khanh tệ nhất vì trước giờ cô làm gì biết bếp núc là thế nào.

Mọi chuyện trong nhà đều có người giúp việc.

Đi học có xe hơi đưa đón.

Cô còn chẳng biết tỏi và hành tím bán thế nào.
Lần đầu tiên theo hai đứa đi chợ, cô mới học cách mua 100 gram hay nửa ký, nếu muốn ít hơn thì cứ lấy hai ba củ, người ta nhẩm giá tiền cho mình.

Và còn nhiều mẹo đi chợ khác, hai đứa đều tận tình chỉ dẫn cô.

Có điều nhìn bộ mặt ngáo đá của cô, bọn nó mỗi lần chỉ dẫn đều cười cợt, còn không phúc hậu bảo cô ngốc không chịu được.
Từ ngày qua phòng hai nhỏ này, cô còn học được cách nấu ăn.

Giờ cô có thể nấu được nồi cơm, biết cách kho thịt cá.

Cô nghĩ sau này nếu ở một mình, sẽ không bị đói chết nữa rồi.

Ba đứa bọn cô một đứa vo gạo, một đứa hâm lại thức ăn ba mẹ Hải Băng vừa gửi từ Đà Lạt lên, đứa còn lại bày chén ra bàn.
Nhà Ngọc Linh thỉnh thoảng cũng gửi rau củ quả.

Nói chung chơi với hai nhỏ này cô được ăn quà Đà Lạt mệt nghỉ.

Đôi lúc cô ước mình cũng sinh ra trong gia đình nông dân bình thường như nhà nhỏ Linh thì hay biết mấy.

Họ không giàu có nhưng lại quan tâm con cái hết lòng.

"Ăn đi Khanh.

Nghĩ gì đăm chiêu vậy bồ." Hải Băng gắp thức ăn bỏ vào chén cô.
"Cám ơn bồ! Rau củ nhà bà Linh ngon thật."
"Vậy thịt nai của nhà Băng không ngon hả Khanh?" Hải Băng giả vờ ghen tị vì Thụy Khanh chỉ khen rau củ nhà Ngọc Linh.
"Ngon mà! Thịt tươi, rau củ quả sạch, cái gì cũng ngon hết.

Mình khen thật lòng đó." Thụy Khanh thành thật.
Ngọc Linh nhìn cô cười: "Con quỷ Hải Băng nó chọc bồ đó.

Kệ nó đi, lo ăn vô.

Nhìn bồ mong manh như sứ.

Da của bồ trong suốt, mình có thể thấy rõ mạch máu dưới da.

Mỗi lần nhìn bồ, mình có cảm tưởng bồ đến từ thời cổ đại, giống Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng ấy."
"Mình đâu có b3nh hoạn và xinh đẹp giống em Lâm." Thụy Khanh phản bác.
"Đúng là nhìn bồ có sức sống hơn Lâm Đại Ngọc nhưng vẫn mong manh kiểu gì ấy, khiến người ta muốn chở che." Hải Băng nhìn cô bằng ánh mắt thương cảm.
"Thôi lo ăn nhanh rồi nghỉ một chút.

Lâm Đại Ngọc hay Tiết Bảo Thoa gì cũng cần phải lên lớp trưa nay." Thụy Khanh cười cười.
"Nhỏ Băng là cô Tiết, Khanh là cô Lâm." Ngọc Linh chọc hai đứa.
"Mình có nước là dì Tiết, mẹ của Bảo Thoa ấy." Hải Băng chun mũi hài hước.
Ba đứa vừa ăn vừa chọc phá nhau.

Bữa cơm đạm bạc nhưng vui vẻ vô cùng.

Thụy Khanh nhớ đến không khí bữa cơm sơn hào hải vị ở nhà, tự nhiên trong lòng lại chua xót.

Giàu có cũng chưa chắc hạnh phúc!
Giả vờ tranh giành nhau đến hạt cơm cuối cùng với những tràng cười rộn rã vô ưu tuổi sinh viên.

Ăn xong lại oẳn tù tì xem ai xui xẻo rửa chén.

Thụy Khanh muốn rửa chén vì mình đến nhà người ta ăn, cô còn chưa vô sỉ đến mức bắt người đã nấu ăn cho mình rồi còn phải rửa chén.
Thụy Khanh nhất quyết giành rửa, nhưng bọn Hải Băng không chịu.

Thế nên lúc oẳn tù tì, cô giả vờ ra chậm hơn người ta một giây để thành công ôm nguyên đống nồi niêu, xoong chảo, chén bát xuống bếp.
Cô tiểu thư cành vàng lá ngọc từ nhỏ đến lớn chưa làm gì động móng tay, chưa bao giờ vào bếp, hai đôi tay ngọc ngà, trắng nõn chỉ để chạm phím đàn, giờ đang hòa xà phồng, nhúng tay vào thau bắt đầu quá trình rửa chén bát.

Có lẽ trước giờ chưa được trải nghiệm, giờ học cái mới Thụy Khanh thích thú vô cùng.
Thụy Khanh dùng hai tay chà xát bọt xà phòng, rửa sạch đến mức bóng loáng.

Nhìn chén bát được úp ngay ngắn gọn gàng, miệng cô mỉm cười thích thú, giống như mình vừa làm chuyện vĩ đại.

Biểu cảm của cô có chút ngây thơ dù đã hai mươi mấy tuổi đầu.
Từ nhỏ đến lớn được nuôi dạy trong lồ ng son, chẳng va chạm với đời nên Thụy Khanh vẫn còn giữ được nét trẻ con.

Chỉ tại hoàn cảnh gần đây không thoải mái, nên cô phải gồng mình làm người lớn, sự ngây thơ tạm thời bị che mờ.
Trong khi cô vui sướng thì hai nhỏ bạn nhìn đôi tay bị ngâm nước của cô lại xót: "Trời ơi, đôi tay đẹp như vầy, mai mốt không cho bồ rửa chén nữa.

Tôi là con gái mà nhìn tay bồ còn thèm, vậy mà bồ chẳng biết quý trọng.

Bọn tôi ghen tị chết mất.

Bồ phí phạm quá đi, không chịu giữ gìn gì cả."
"Giữ gìn làm gì.

Tay đẹp cũng đâu có giúp mình no đủ.

Nếu không làm việc thì tay đẹp có nuôi sống mình được đâu."
Thụy Khanh chẳng có khái niệm phải giữ gìn tay đẹp để làm gì.

Với cô bây giờ phải kiếm tiền lo đủ học phí mới là chuyện quan trọng nhất.

Mục tiêu của cô là phải tốt nghiệp sư phạm, sau đó được đi dạy và bắt đầu có thể tự nuôi bản thân.

Viễn cảnh tương lai không còn chịu sự khống chế của ba mẹ, cô thấy tâm thật an ổn.
"Nói thấy ghét.

Trong khi hai đứa tôi giữ gìn cỡ nào, tay chẳng đẹp như bồ.

Bồ có mà không biết giữ." Ngọc Linh ghen tị muốn chết.
Nhìn hai bàn tay của Thụy Khanh thon thon, ngón tay thật dài, no đủ, đầu ngón tay trắng hồng hồng, làm người ta chỉ muốn nâng niu, thế mà bị con nhỏ ngâm xà phòng nãy giờ.

Cô xót không chịu nổi, thế mà con nhỏ còn vui sướng.

Ông trời cũng bất công, người chẳng quan tâm thì lại có, kẻ thèm nhỏ dãi lại lần không ra.
"Bây giờ bình phẩm tay của mình quan trọng hay là nên nghỉ trưa để còn đối phó với Cơ Sở Văn Hóa chiều nay đây hai bồ?"
"Tất nhiên phải đi ngủ rồi.

Oải thật chớ!" Hai Băng ngáp một cái chẳng cần hình tượng.
Thụy Khanh quen nếp nhà, cô chẳng có can đảm ngáp giống con nhỏ.

Mẹ chỉ cần thấy những hành động chẳng có chút thục nữ nào, sẽ lập tức chỉnh đốn ngay.

Thế nên sự quý tộc, đoan trang, con nhà gia giáo đã ăn sâu vào máu.

Giờ cô muốn thay đổi cũng phải cần thời gian, không thể trong một sớm một chiều.
Ngọc Linh trải xuống nền gạch chiếc nệm cối có lớp gòn mỏng bên trên, lớp cối được may bên dưới.

Trước giờ Thụy Khanh chưa từng thấy loại này bao giờ.

Giường của cô trong phòng là kiểu công chúa, nệm thật dày, mềm mại, sang trọng.
Nằm trên đó chỉ cần một hạt cát cô đã có thể cảm nhận được dị vật, giống câu chuyện cổ tích của một nàng công chúa, khi bị người thử nhét hạt đậu dưới bao nhiêu lớp nệm dày, cô công chúa vẫn cảm nhận được.

Đấy là bản chất của nàng công chúa chính thống, từ nhỏ được trưởng thành trong nhung lụa nên chỉ cần một hạt sạn nhỏ cũng không dung nạp được.
Nhưng hiện tại công chúa Thụy Khanh đã thay đổi để hợp với hoàn cảnh.

Giờ cô nằm dưới đất và đang lao vào giành gối với hai đứa bạn, tâm hồn thoải mái vui sướng, chẳng cần suy tư bận tâm sắc mặt của ba mẹ.

Ba đứa đùa nhau, cù nhau, lăn qua lộn lại dưới sàn, cười điên cuồng một lúc rồi mới chịu nhắm mắt dưỡng thần.
Ba đứa nói là chỉ nhắm mắt dưỡng thần nhưng thực tế không như mong đợi.

Ăn no lượng đường lên não thế là buồn ngủ híp mặt và rủ nhau đi gặp Chu Công.

Nếu đồng hồ báo thức không réo gọi inh ỏi, chắc chắn ba đứa sẽ ngủ đến chiều.
Vì chẳng còn thời gian nên ba đứa nhốn nháo giành nhau nhà vệ sinh, cười vang cả phòng trọ rồi mới đạp xe đến trường.

Cuộc sống sinh viên đôi lúc cơ cực nhưng không có áp lực cuộc sống và bọn cô thấy bằng lòng với hiện tại.
(Còn tiếp).