Đăng vào: 12 tháng trước
Chương 37: Vì nàng mà mở một khoảng trời.
Tác giả: Thiên Địa Linh Linh.
***
Tiếc rằng cuối cùng Thuấn Thần cũng không còn sức đi khuyên nhủ ai với ai. Cả ba vị quan lớn của triều đình đều uống tới nhũn chân. Thuấn Thần tuy còn tỉnh táo, nhưng mệt tới mức sắp không lết nổi về cung. Chu Bộ đã ngủ ngon lành trên lưng Sĩ Cố, đầu nghiêng nghiêng tựa vào vai hắn, miệng còn lầm bầm chóp chép gì đó.
Thuấn Thần nhìn mà như mắc hạt sạn trong mắt. Nhìn đi, Sĩ Cố nhà người ta kiên quyết uống ít rượu để cõng Chu Bộ về, còn nàng đã phải đỡ rượu cho Hoàng đế bệ hạ thì chớ, còn phải dìu hắn về tới tẩm cung, lâu lâu lại bị hắn lén lút sờ mó trước mặt cả đám cung nhân, khiến nàng sợ toát mồ hôi.
Chu Bộ đang ngủ như heo bỗng cựa mình, nhíu mày, đột ngột khóc tu tu, vừa rơi lệ vừa làu bàu gì đó không rõ nghĩa. Chỉ thấy Sĩ Cố đang cõng hắn thoắt cái đỏ bừng mặt, sau đó bất đắc dĩ nói:
"Đừng khóc, hiện tại ta không thể giúp ngươi lau nước mắt được."
Thuấn Thần cảm thấy hạt sạn trong mắt sắp to bằng trứng chim bồ câu rồi.
Thiên lý ở nơi đâu?
Nhận thấy ánh mắt tóe lửa của Thuấn Thần, Sĩ Cố nhếch môi quay sang: "Sao thế? Ghen tị hả?"
Thuấn Thần thở dài nhỏ giọng than một tiếng: "Chỉ thấy phiền muộn thôi. Còn chưa biết nên làm hòa thế nào."
Sĩ Cố liếc nàng: "Lẽ ra trước kia ngươi nên đề nghị Quan gia dung túng ngươi làm loạn. Vậy thì dễ giải quyết rồi."
Thuấn Thần vừa cười vừa lắc đầu: "Chàng là người có nguyên tắc, sẽ không cưng chiều ta đến vô pháp vô thiên. Ta tự biết mình tính cách ngông nghênh, nếu chẳng ở bên Quan gia, chẳng được chàng kìm hãm, chưa biết chừng sẽ tự gây họa."
Người nàng yêu đâu phải người thường, mà là người đứng đầu thiên hạ. Chàng không chỉ phải bảo vệ nàng, mà còn cả trăm ngàn con dân tin tưởng kính trọng chàng. Chàng nghiêm túc, điềm tĩnh, lại vô cùng quyết đoán, vẻ ngoài dịu dàng ôn hòa, nhưng thực tế lại rất lạnh lùng lý trí. Đó mới chính là điểm thu hút nàng nhất. Nếu chàng là người vì nàng mà không màng tất cả, mặc nàng làm loạn, chẳng quản việc nước, có khi nàng lại cảm thấy đây là một tên hôn quân vô đạo, ngày nào đó chính nghĩa trong máu nổi lên, lại xách kiếm đâm chết, giúp dân trừ hại không chừng.
Thuấn Thần hít hít một hơi. Không khí đêm khuya lành lạnh lại khoan khoái. Nàng quyết định tham khảo ý kiến:
"Nguyễn đại nhân cũng biết đấy, Quan gia không phải người có thể thốt ra lời êm tai đẹp ý. Đôi khi còn nghĩ một đằng nói một nẻo. Không biết có cách nào ép chàng nói lời thật lòng hay không?"
"Hẳn là khi Quan gia nghĩ ngươi không thể nghe được lời người đang nói. Lúc đó ép buộc, Quan gia hẳn sẽ nói lời thật lòng." Sĩ Cố nghĩ ngợi một hồi, đáp.
Đầu Thuấn Thần chảy xuống vài vạch đen: Nói năng gì trừu tượng thế?
Nàng cau mày nhéo cằm nghĩ nghĩ. Trần Thuyên bày tỏ với nàng hai lần. Một lần nàng đang say quắc cần câu, một lần là khi nàng mới sinh Quả Dưa Nhỏ, phờ phạc như sắp chết tới nơi.
Thuấn Thần ngẩng phắt lên.
Sĩ Cố nhìn sắc mặt nàng, cười khẽ: "Nghĩ ra rồi hả? Tình hình hiện tại chính là một lợi thế đấy."
***
Thuấn Thần vội vã về đến nơi, đãthấy thái giám Phúc Tử đứng chầu chực trước cửa cung: "Đoàn Mật viện sứ, ngài đi đâu suốt buổi thế? Quan gia cho mời ngài đến cung Quan Triều bàn chuyện chính sự đấy."
"Chính sự? A, phải, phải rồi. Ợ!" Nàng lỡ miệng nấc lên một cái, nhất thời phạm vi một mét xung quanh đều là mùi rượu, vội vàng đưa tay che miệng vờ ho.
Phúc Tử thấy có điểm kì lạ, hơi nghi hoặc nhưng lại gạt ra sau đầu, âu cũng vì ông đứng hơi xa, không ngửi thấy mùi rượu, hơn nữa thân mình người trước mắt vẫn vững vàng, ai mà nghĩ là mới đi uống rượu về chứ?
Thế nên Thuấn Thần cứ thế phá vỡ quy tắc tới cung Quan Triều diện kiến long nhan một cách đường hoàng.
Tuy nhiên tình trạng này để cấm quân bắt gặp thì nguy, dù sao cấm quân cũng không qua quýt như Phúc Tử, vì vậy nàng quyết định đi loanh quanh một chút để tránh mặt cấm quân đi ngang qua.
Không ngờ lại lạc đường.
Đầu đang đau, mắt hơi mờ, đường trong cung lại như mê cung, đường lát đá thì đẹp đấy, nhưng ngoằn ngoằn ngoèo ngoèo, lối rẽ nhằng nhịt. Tre hai bên cây nào cũng xanh mướt giống cây nào.
Khi mới vào cung Quan Triều, Thuấn Thần đã từng nghĩ, có khi nào đường nơi đây thiết kế như vậy để ngăn cản thích khách không? Thích khách đột nhập muốn ám sát, chỉ sợ chưa tìm được cửa cung đã bị quan quân phát hiện rồi. Trăm phần trăm là trước nay thích khách ám sát trong cung đều bất thành do lạc đường, cho nên mới phải chớp thời cơ Hoàng đế xuất cung để ra tay.
Thuấn Thần đang quanh đi quẩn lại, chưa kịp trèo lên cây tìm đường đã bị một cánh tay to khỏe kéo vào trong góc khuất, tránh khỏi đám cấm quân vừa đi ngang qua.
Nàng hốt hoảng: Không phải chứ? Sợ cái gì thì cái ấy tới, mới nghĩ đến thích khách đã bị thích khách bắt rồi?
Đúng lúc đó, ánh trăng dần xuất hiện sau đám mây đen, chiếu sáng người trước mặt nàng.
Thuấn Thần lập tức ổn định lại.
Khoảng cách giữa hai người rất gần, chàng hiển nhiên đã ngửi thấy mùi rượu trên người nàng. Đôi lông mày thanh tú lại có nét nghiêm nghị hơi nhíu, vừa giận dữ, vừa đau lòng. Phiền muộn ra ngoài cho khuây khỏa, không ngờ lại tóm được một con mèo say.
Tất nhiên chàng không biết, Thuấn Thần vẫn đang rất tỉnh táo. Khi nãy lúc bị giật mình, cả đời nàng đầu óc chưa chắc đã sáng rõ, chân tay chưa chắc đã nhanh nhẹn như lúc đó. Nếu không phải nàng kịp thời nhận ra chàng, có khả năng Hoàng đế bệ hạ đã ăn trọn một đấm.
Nhớ tới nhiệm vụ, Thuấn Thần hạ mắt cười thầm: Là chàng tự chạy vào miệng ta đấy nhé, chẳng mất công đi tìm, quả nhiên là số phận rồi ha ha ha ha ha. Say rồi mới dễ làm loạn, làm loạn xong cũng không bị phạt, nhất cử lưỡng tiện!
Mãnh hổ Thuấn Thần chậm rãi lắc lư đưa mặt tới gần con dê béo Trần Thuyên: "Khuya như vậy rồi, bệ hạ vẫn chưa nghỉ ngơi sao?"
Trần Thuyên nắm vai nàng, không để nàng cựa quậy lung tung, nghiêm túc trả lời: "Trẫm đang đợi nàng."
Thuấn Thần nhìn chàng chòng chọc một hồi, thấy nét mặt chàng vẫn chẳng giãn ra chút nào, bĩu bĩu môi bất mãn lẩm bẩm: "Hung dữ gì chứ? Rõ ràng là không muốn ta rời đi."
Trần Thuyên đỡ trán: Nàng thật sự cho rằng trẫm không nghe thấy đó hả?
Thuấn Thần đưa tay túm áo chàng, ngang ngược bắt chàng thú thật: "Mau nói, chàng không muốn xa ta."
Cái gì mà sợ nàng ở lại chờ đợi rồi hối hận chứ? Chỉ toàn lấy cớ thôi! Đúng là điển hình của loại người ngoài lạnh trong nóng, cạy miệng cũng không ra được một câu tử tế, thường xuyên nói trái lòng mình.
Nhưng biết làm sao được chứ? Tính cách này đâm thẳng vào nơi mềm mại nhất của nàng.
"Nếu trẫm không nói thì sao?" Trần Thuyên khóc dở mếu dở trêu nàng.
"Vậy thì ta sẽ hét lên."
Thuấn Thần nghiến răng cười thầm: Muốn chơi với ta hả? Chàng không có cửa!
Trần Thuyên: "..."
Chàng bất lực nghĩ thầm: Con mèo say này đánh bây đánh bạ lại trúng vào chỗ hiểm. Nếu bây giờ bị cấm quân phát hiện, một Hoàng đế một cận thần đứng dính vào nhau ở góc tối... ừm, viễn cảnh đúng là không tốt đẹp cho lắm.
Thấy chàng im lặng, Thuấn Thần mất kiên nhẫn lay lay vạt long bào giục giã: "Mau nói!"
Trần Thuyên đầu hàng, cúi đầu ghé sát tai nàng, cuối cùng cũng thốt ra lời thật lòng: "Trẫm... không muốn nói câu tạm biệt."
"Vậy đừng nói." Thuấn Thần đưa tay ôm lấy cổ chàng.
"Hử?"
"Ta theo chàng."
Nàng tựa cằm lên ngực chàng, tiếng tuy nhỏ nhưng vẫn đủ nghe rõ trong màn đêm yên tĩnh: "Xin lỗi, là do ta không để ý tới cảm nhận của chàng, mới muốn đâm đầu vào nguy hiểm, rồi lại làm loạn đòi ở lại..."
Chàng là quân, nàng là thần. Chàng đã ra lệnh, nào có ai dám cãi lại, chưa nói đến giận dỗi như nàng. Nàng như vậy, là dựa vào bản thân được chàng sủng ái.
Bình tĩnh nhìn lại, nàng mới nhận ra, mình cũng chẳng hơn gì chàng, lỡ để tình riêng xen vào việc nước. Đối với quốc gia, đây chính là đại họa. Việc như vậy, tuyệt đối không thể xảy ra thêm lần nữa.
Thuấn Thần ngẩng đầu, dưới bầu trời sao sáng rực, ánh mắt nàng lấp lánh nhìn thẳng vào chàng: "Nhưng xin chàng hãy tin ta. Không phải ta muốn thể hiện bản lĩnh hay chứng tỏ bản thân. Cũng như chàng, ta chỉ muốn làm hết khả năng của mình, để bảo vệ người mình yêu."
Trần Thuyên thấy khắp người như được một dòng nước ấm chảy qua, dịu dàng êm ái.
Chàng ôm Thuấn Thần càng chặt.
Đáng ra người cần xin lỗi là chàng. Chàng khăng khăng giữ nàng bên mình, cho rằng làm vậy mới có thể bảo vệ nàng, nhưng thực chất lại đang khiến nàng đau lòng.
Nàng đang cố gắng từng bước từng bước để tiến tới bên chàng, cùng chàng sóng vai, chàng lại vì sợ hãi mất nàng mà hèn nhát cự tuyệt, chẳng khác nào lạnh lùng đẩy nàng ra xa.
Sao chàng phải sợ một chuyện còn chưa xảy ra chứ? Nếu đã lo nàng bị Chế Chí khống chế, vậy thì chàng khiến Chế Chí không thể động đến nàng là được.
Vị trí Chiêu dụ sứ này, người đáng tin cậy và có khả năng nhất là nàng, nếu chàng giữ nàng bên mình, khác nào nhốt đại bàng trong lồng son?
Yêu là chiếm giữ, hay là thành toàn?
Vấn đề này chàng đã suy nghĩ rất lâu. Lời nàng nói khiến quyết định của chàng càng thêm chắc chắn.
Trần Thuyên vùi mặt vào hõm vai nàng sau hồi lâu suy nghĩ: "Thuấn Thần, xin lỗi. Trẫm sai rồi."
Câu trả lời vô cùng đơn giản, chàng nên là người ủng hộ nàng, tiếp thêm dũng khí cho nàng, chứ không phải là người ngăn cản nàng bay cao.
Hai người họ đều muốn bảo vệ đối phương, không ngờ lại ngốc nghếch vô tình làm thương tổn lẫn nhau.
Trần Thuyên xoa khẽ tóc Thuấn Thần, ôn tồn: "Là trẫm hồ đồ. Người thích hợp làm Thiên tử chiêu dụ sứ nhất chỉ có nàng."
Đôi mắt Thuấn Thần phút chốc còn sáng hơn cả trời sao, khóe môi không giấu được sự vui mừng hỏi: "Thật sao? Thật sao? Chàng đồng ý cho ta đi rồi?"
Trần Thuyên gật đầu: "Thực hiện tốt công việc, bảo vệ tốt bản thân, đừng phụ kì vọng của trẫm."
Chàng hôn lên trán nàng, dịu dàng dông dài: "Trẫm sẽ ở phía sau, vì nàng mà mở một khoảng trời."
***
Hừng đông, mặt trời chưa kịp ló dạng, ngước lên vẫn trông thấy được ánh sao nhạt nhòa. Không tới nửa khắc sau, vạn vật còn đang chìm trong trạng thái mơ màng chợt bất ngờ bừng tỉnh. Nương theo đường chân trời phía xa, ánh sáng rực rỡ thong thả dát vàng lên mặt biển, lấp lánh sinh động. Các thuyền buôn ngoại quốc nô nức nối đuôi nhau, chở đầy sản vật quý hiếm từ châu báu hương liệu cho tới gấm vóc lụa là, cập bến ở Vân Đồn.
Thương cảng đầu tiên của Đại Việt và sầm uất bậc nhất vùng Đông Nam Á thời bấy giờ, quả nhiên danh xứng với thực.
Lại bàn về thương nhân, đúng là thời nào cũng thế, lưỡi không xương trăm đường lắt léo, mua rẻ bán đắt, cả người sặc mùi tiền. Mà thương nhân ở cảng Vân Đồn, từ lâu đã sớm tự mình trau dồi được thêm cả kĩ năng chửi người bằng mười mấy thứ tiếng, xem toàn cầu hóa kinh tế là mục tiêu cuộc đời mà quyết tâm phấn đấu không ngừng.
Cho nên, việc trấn giữ và quản lý ngoại thương ở nơi phong ba bão táp như vậy, tất nhiên phải giao cho người gan dạ dũng cảm, am hiểu kinh doanh, không ai khác chính là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.
Mặt trời vừa lên, Khánh Dư đã ở ngoài bến cảng, nhập một lượng lớn trầm hương và ngọc trai từ Trảo Oa. Trong lúc đợi ông ta bận rộn kiểm hàng, mấy thương nhân trên thuyền sau chuyến đi dài cũng ngồi xuống nghỉ ngơi ăn sáng, dùng tiếng bản địa trò chuyện với nhau.
Bỗng có người quay sang nói với Khánh Dư: "Hết đợt hàng này có lẽ bọn ta phải nghỉ ngơi một thời gian rồi nhỉ?"
Khánh Dư đầu cũng không ngẩng, chỉ hỏi cho có lệ: "Sao thế?"
Người này nghe ông ta hỏi hơi ngạc nhiên ngẩn ra, nhưng vẫn lễ độ trả lời: "Từ Trảo Oa đến được Đại Việt, qua Chiêm Thành là con đường thuận tiện nhất. Nhưng chẳng phải Đại Việt và Chiêm Thành sắp có chiến tranh hay sao?"
"Hả?!"
"Ngài không biết ư? Lúc trước cho thuyền cập cảng ở Chiêm Thành, bọn ta nghe dân chúng nơi đó đồn đại ầm ĩ lắm. Hình như chuyện này liên quan đến cái chết của tiên đế Chiêm Thành thì phải."
Trần Khánh Dư rời mắt khỏi đống sổ sách, còn đang định hỏi rõ sự tình thì chợt thấy gia nô từ xa chạy xồng xộc đến, thở phì phò như trâu bẩm báo: "Vương, có khách quý từ kinh thành tới. Phu nhân sai con đi gọi ngài về."
***
Khi nghe Trần Thuyên nhắc đến Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, Thuấn Thần tự dưng "À" một tiếng.
Trước tiên phải phổ cập lại, Thuấn Thần là một công dân mù Lịch Sử chân chính. Chẳng qua nàng giỏi Văn, nên nói về Hưng Đạo Vương thì biết tới "Hịch tướng sĩ", nói về Phạm Ngũ Lão thì biết tới "Thuật hoài", đều thuộc vào hàng kinh điển trong sách giáo khoa cả.
Câu hỏi đặt ra, tại sao Thuấn Thần biết tới Trần Khánh Dư?
Đêm đông rét mướt nọ, hồi Thuấn Thần còn chưa bị bắt đi thử nghiệm máy thời gian, nàng từng dắt con xe ghẻ thủng lốp vì cán phải đinh, tiền và điện thoại để trong ví đã bị cướp, lết dọc trên con đường Trần Khánh Dư ở Hà Nội.
Quả là cuộc tương ngộ đi vào lòng người, Thuấn Thần đói lả da bụng dính vào da lưng nghĩ thầm: Trần Khánh Dư chắc phải lập được công trạng gì lớn lao lắm đây, con đường đặt tên ông ấy vừa rộng vừa dài vậy mà. Đi hết đường này chắc mình cũng gần đến Âm phủ rồi đấy nhỉ?
Nay hồi tưởng lại, không khỏi muốn đem một phần trí nhớ dư thừa đi thả trôi sông.
Trần Thuyên thấy Thuấn Thần không nói gì, liền quay trở về đề tài dở dang ban nãy: "Nhân Huệ Vương mạnh về thủy chiến, năm xưa trận Vân Đồn của ông ấy so với trận Bạch Đằng của Hưng Đạo Vương cũng chẳng thua kém gì. Trẫm thấy đây là người phù hợp nhất."
Sĩ Cố vốn im lặng nãy giờ chợt lên tiếng: "Nhân Huệ Vương tuy có tài cầm quân nhưng lại ham danh hám lợi, Quan gia nên hết sức cẩn thận. Thần vẫn còn nhớ rõ khi xưa ngài ấy đứng trước mặt người đã nói ra những lời thế nào."
"Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì lạ?"
Năm ấy Trần Thuyên mới lên ngôi chưa được bao lâu, vì câu nói kia mà nổi trận lôi đình. Từ đó, trừ những dịp đặc biệt thì không thấy Trần Khánh Dư quay về kinh thành nữa.
Sau này suy nghĩ kĩ càng, khi ấy nhiều người chỉ trích Trần Khánh Dư thân làm vương tôn quý tộc lại đi ham thích nghề buôn bán hèn mọn, ông ta có lẽ chỉ là nhất thời phẫn nộ nên mới không kiểm soát được lời nói mà thôi.
Trần Thuyên bình tĩnh đáp lời: "Hùng ưng suy cho cùng vẫn là loài chim ác. Nhân Huệ Vương tự nhận như vậy, xem ra cũng biết bản thân có lỗi. Nay vận nước rối ren, trẫm phải nhanh chóng mang tham quan có tài này đi chuộc lỗi với nhân dân mới được."
Có miệng vàng lời ngọc của Trần Thuyên, sáng sớm hôm sau, Thuấn Thần cùng Chu Bộ ngay lập tức khăn gói lên đường đến Vân Đồn.
***
Khánh Dư từ thương cảng trở về vừa kịp bữa trưa. Cơm nước đều đã dọn lên, ông ta vào phòng rửa chân tay mặt mũi cho sạch rồi mới tới sảnh chính chào khách. Tuy nhiên, đến khi yên ổn ngồi trước một bàn đầy sơn hào hải vị, Khánh Dư liếc mắt nhìn hai gương mặt xanh mét của Thuấn Thần và Chu Bộ, trong lòng thầm thắc mắc nhưng vẫn khách sáo nói: "Đường đột quá nên cơm nước chuẩn bị có phần sơ sài, mong chư vị bỏ qua cho."
Đối diện, Chu Bộ vội vàng xua tay, Thuấn Thần gượng gạo cười hờ hờ hai tiếng.
Trần Khánh Dư không phải khách sáo, mà là rất cực kì vô cùng khách sáo. Một bữa cơm này nhà ông ta mời khách cũng phải bằng người nghèo chắt bóp ăn nửa năm. Vị phu nhân đứng hầu bên cạnh Trần Khánh Dư cuối cùng không nhịn được nữa, quay đầu giơ khăn tay che miệng cười trộm.
"Vương, nay nhà đón khách quý, thiếp có sai người ra chợ mua mồi, lúc đem về gặp hai vị quan lớn. Thiếp bèn giải thích mồi là đặc sản vùng này, trên kinh thành hay gọi bằng cái tên sá sùng, đắt hơn cả vàng ròng. Có lẽ hai vị đây bị vẻ ngoài của chúng làm cho kinh sợ."
Khánh Dư nghe phu nhân nhà mình giải thích thì cười: "Hai vị, đám sá sùng này tuy chẳng đẹp mắt lắm, nhưng hương vị thật sự không tồi, hàng năm đều được đem lên kinh thành cống tiến Quan gia."
Sau đó, ông ta rướn người lên phía trước, nói nhỏ: "Hơn nữa, sá sùng còn có tác dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực nam giới."
Từ khoảnh khắc nhìn thấy đám giun đất phiên bản to tổ bố màu hồng hồng tím tím bò lúc nhúc trong rá, lòng mề ruột gan Thuấn Thần như chết đi một nửa. Đến khi nghe lời dụ dỗ vô cùng mê hoặc cánh đàn ông này, nửa phần nội tạng còn lại cũng đã sớm hóa đá hoàn toàn.
Khánh Dư tự dưng nhiệt tình hẳn lên, chủ động múc cho mỗi người một bát canh sá sùng tươi roi rói: "Nào, ăn đi khi còn nóng."
Thân làm khách, chê bai đặc sản địa phương thì còn ra thể thống gì? Nghĩ vậy, hai người Thuấn Thần và Chu Bộ như bị thôi miên cầm bát lên, vẻ mặt liều chết há mồm dự định nuốt chửng một phát cho xong.
Thuấn Thần còn tự trấn an bản thân: Cái mình ăn nhất định không phải giun, nghe bảo là vàng ròng, là đồ cống tiến cho vua cơ đấy. Đặc sản nhiều người ăn được, chẳng có lý do gì mình lại không ăn được. Nhắc mới nhớ, chắc Trần Thuyên mấy năm qua cũng ăn không ít? Chẳng biết đến lúc nhìn thấy hình dạng nguyên bản của sá sùng sẽ có phát biểu long trọng gì đây?
Tuy nhiên, tâm trạng như đã quyên sinh của Thuấn Thần và Chu Bộ khi miếng ăn đến đầu lưỡi lại biến thành đội mồ sống dậy.
Hai người nhìn nhau sửng sốt: Cái vị này... béo ngậy ngòn ngọt, được chế biến cẩn thận nên đã chẳng còn mùi tanh của hải sản. Nếu không bàn đến hình dạng mất thẩm mỹ ban đầu thì đây thật sự xứng đáng là đặc sản cống vua đấy chứ!
Suốt một thời gian dài sau đó, khi trở về Kinh thành, câu cửa miệng của Đoàn viện sứ và Chu hộ vệ nhanh chóng được đổi thành: "Ê, đã ăn sá sùng bao giờ chưa?"
Vất vả qua bữa cơm, cuối cùng cũng bắt đầu nói vào chuyện chính. Trần Khánh Dư ngồi bên bàn trà, nghe Thuấn Thần giải trình hồi lâu mới nói:
"Tóm lại mật thám của chúng ta thăm dò được thế này: Vụ ám sát Tiên đế Chiêm Thành vốn giậm chân tại chỗ lâu nay, nhưng giờ Chiêm đế lại đột nhiên đưa ra bằng chứng, nói Đại Việt ta mới thật sự là chủ mưu. Vậy nên để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp nổ ra, Quan gia mới lệnh cho ngài đến đây, phải không?"
Thuấn Thần gật đầu, nghĩ nghĩ bèn hỏi: "Sao ngài không thắc mắc rằng, liệu Trần triều có thật sự vô tội hay chăng?"
Khánh Dư đặt tay lên ghế, đủng đỉnh đáp lời: "Sao cứ phải luận đàm đúng sai, phàm là việc đem lại lợi ích cho quốc gia dân tộc, chỉ cần Quan gia ban lệnh, ta nhất định sẽ dốc sức hoàn thành."
Thuấn Thần thấy lòng mình hơi lạnh đi. Vị "anh hùng kiệt xuất" trong lịch sử này, may mắn thay đều gặp được những Hoàng đế tốt, hơn nữa còn rất trung thành. Nếu sinh vào thời hôn quân vô đạo, cá tính lạnh lùng tàn nhẫn này, có khi lại là hiểm họa khôn lường.
Tuy vậy, nàng vẫn nói rõ ràng: "Hạ quan cho rằng, Chiêm đế từ lâu đã mang dã tâm với Đại Việt, nhưng dường như bản thân cũng tự thấy được thực lực còn yếu. Hơn nữa, nếu chiến tranh nổ ra thì phía Chiêm Thành không phải bên kháng chiến mà là phe xâm lược, bá quan sẽ khó lòng thuận theo. Do vậy, dù sự việc xảy ra đã lâu, đến giờ Chiêm đế mới công bố tìm thấy dấu vết của Đại Việt để lại ở hiện trường vụ cháy năm ấy trước mặt văn võ bá quan."
Thuấn Thần nghỉ một lát uống nước lấy hơi rồi tiếp tục: "Cuối cùng, Chiêm đế lại nói thực lòng đã phát hiện chuyện này từ ngày đó, nhưng lo cho đất nước non trẻ nên chẳng dám vì tình riêng mà gây hiềm khích. Lời vừa thốt ra, kích động trăm quan, tất cả đều đồng lòng khai chiến. Có lẽ đây mới là chân tướng."
Trần Khánh Dư sớm đã chẳng nghe nổi những lời này nữa, đột nhiên cất tiếng cười mỉa mai. Không biết năm xưa là kẻ nào nài nỉ Hoàng đế Đại Việt kết đồng minh đánh Hung Nô (*), lại là kẻ nào dựa vào xương máu của quân dân Đại Việt để giữ vững chủ quyền đất nước.
(*) Hung Nô: chỉ giặc Nguyên.
Thuấn Thần cảm thấy chẳng cần tiếp tục dông dài, bèn bình tĩnh kết luận tình hình hiện tại: "Sau đó bọn chúng bày kế gây chiến, dung túng cho thương buôn bắt dân ta làm nô lệ, ép chúng ta không thể không xuất binh."
Giang sơn đổi chủ, người mất cảnh còn. Trong dòng thời gian vô tình trôi chảy, lặng yên nghe tiếng thở dài của cố nhân.
- Hết chương 37 -