Đăng vào: 12 tháng trước
Thoạt đầu, Phương Nghiên còn khóc, dần dà, nước mắt cạn khô. Cô nhìn sống lưng anh thẳng tắp, cùng sợi tóc bạc thấp thoáng trên mái đầu xanh, và cả những lọ thuốc đặt trên bàn mà cô không tài nào gọi nổi tên. Đôi khi cô không cầm được suy nghĩ, có lẽ đây chính là số phận giữa mình và anh. Năm xưa, cô điên cuồng theo đuổi, bất chấp được hoặc không. Sau này cô dốc sức trả nợ, bất kể đủ thiếu thế nào.
Hôm ấy, nửa đêm choàng tỉnh, chợt thấy anh đứng đầu giường nhìn mình, bóng đêm giấu đi cơ thể, chẳng rõ cảm xúc anh ra sao. Cô không thiết động đậy, anh cũng vậy, cuộc sống này như màn đêm bất tận, không rõ điểm cuối nằm đâu. Lòng cô phút chốc não nùng khôn tả, có nỗi đắng cay từ đâu kéo nhau dâng đầy trong mắt.
Hẳn Giang Đào phải căm hận cô, căm hận cô lắm lắm.
Anh vẫn đứng đo, như một vết sẹo lạc long, kiên gan trong màn đêm. Hồi lâu mới cất tiếng, nói cùng cô:
- Dậy đi, mình ra ngoài ăn.
Sau một thoáng sững sờ, Phương Nghiên ngồi dậy, mặc quần áo, theo anh đi ra ngoài. Khung cảnh quen thuộc trên đường dần dà hiện ra trước mắt cô, bấy giờ Phương Nghiên mới sực hiểu, thì ra đích đến là tiệm bánh bao trước cổng Tây năm xưa. Khu phố thân quen không khỏi khiến cô lã chã hai hàng nước mắt.
Vẫn là cửa tiệm ấy, chóp tường quanh năm suốt tháng ám khói, giờ đã ngả màu đen kịt. Không gian chật chội, bài trí sơ sài, chỉ mấy cái bàn, cái ghế, mảng sơn màu cam tróc trên mặt bàn, để lộ khoảng đen xì. Nồi hấp án ngữ trước cửa, bánh bao chin tới tỏa hương thơm nức mũi khiến cho ai nấy cồn cào trong bụng.
Chỉ hiềm quán đã đổi chủ, không rõ cặp vợ chồng xưa kia đi đâu, mà nay chỉ thấy một nhà hai cha con. Người cha phụ trách nhào bột, nhồi nhân, kiêm chưng hấp. Người con thì kiêm thu tiền, phục vụ khách khứa. Ai làm việc người nấy, đâu ra đấy, chẳng cần nhiều lời mà vẫn ăn ý.
Sau bao nhiêu năm, anh và cô lại ngồi đối mặt nhau qua một chiếc bàn thô sơ, trong quán bánh bao trước cổng trường, dù chẳng ai mở lời với ai. Tiệm bánh bao không còn là tiệm của năm xưa, và họ cũng không còn là Giang Đào và Phương Nghiên của ngày nào. Bánh bao nóng hôi hổi được mang lên, cả hai vẫn không màng đụng đũa. Mãi sau, Giang Đào mới lấy tương và giấm, rót vào đĩa trước mặt, nhấc đũa, gắp bánh bao bỏ vào miệng. Chẳng buồn nhìn Phương Nghiên, anh ngốn nga ngốn nghiến, liên tiếp gắp bánh lên miệng với tốc độ rất nhanh, nhìn anh ăn mà cứ tưởng như một kẻ đói khát, hoặc như thể anh đang thưởng thức món ngon nhất trần đời.
Sau rồi, Phương Nghiên cũng nhấc đũa, gắp bánh bao và ăn. Mùi vị thơm ngon của nhân thịt theo dòng nước mắt trôi xuống bụng. Cuối cùng, đĩa bánh bao trước mặt cũng hết bay.
Bỗng Giang Đào cất tiếng, dù không hề nhìn cô:
- Phương Nghiên, em đi đi.
- Từ nhỏ tôi đã ăn nhờ ở đậu ở đây, tuy gia đình nhà dì đối xử với tôi rất chu đáo, nhưng tôi luôn muốn có một gia đình đúng nghĩa của riêng mình, một thứ tình cảm chỉ thuộc về mình. Em hiểu không? Ở chính nơi đây, tôi đã từng thề, tôi thề sẽ mang lại cho em cuộc sống sung túc nhất, để em được sống tự do phóng khoáng cả đời, để em được làm những gì mình thích. Tôi thề, sẽ biến em thành người phụ nữ hạnh phúc nhất trần đời. Nhưng em không tin tôi, em rời bỏ tôi. Tôi muốn báo thù, tôi muốn em phải khóc, phải đau, phải ăn năn, phải hối hận. Nhưng giờ, tôi thấy chán đến tận cổ, không muốn tiếp tục cuộc sống kiểu này nữa, em tự liệu thân mình vậy.
Nói xong, anh thoáng ngưng một chốc, đoạn chậm rãi ngẩng đầu:
- Bởi tôi sắp kết hôn rồi.
Phương Nghiên nghe bên tai có tiếng nổ rầm, tựa hồ cô không hiểu anh đang nói gì, bấy giờ mới ngỡ ngàng nhìn anh. Anh ngồi nơi ngược sáng, khiến cô không rõ biểu cảm của anh ra sao. Đôi bàn tay vô thức nắm chặt mép bàn ẩm ướt mang theo hơi giá lạnh. Một cảm giác choáng ngợp bao trùm lấy tâm trí cô, những tưởng nơi nơi trong không gian bồng bềnh câu nói “tôi sắp kết hôn” vừa thốt ra từ miệng anh, ngỡ xa mà hóa gần, cứ chờn vờn bên tai. Rồi trong cảm giác của cô, lại tưởng đâu có cơn gió buốt ào qua người, rét căm căm.
Phương Nghiên gồng mình, gắng gượng bằng mọi sức lực, song bờ môi lập cập, không thể nào thốt ra hai chữ “chúc mừng”. Cô bàng hoàng ngồi đó, không dám hé môi nửa lời, sợ một khắc hé môi, lệ sẽ buông mình tuôn xuống. Nước da cô tái mét, mặt cắt không còn giọt máu, tưởng như trong suốt, thậm chí bờ môi cũng trắng bệch. Ánh mắt thẫn thờ nhìn về phía trước, như lặng đi. Bao lâu sau, cô mới nhả ra từng tiếng:
- Giang Đào, anh và Trần Duyệt Nhiên quả là xứng đôi, em mừng cho anh.
Ánh mắt Giang Đào nhìn cô trân trối, đôi bàn tay siết chặt thành nắm đấm. Cái nhìn cay nghiệt đổ trên người cô, như thể anh đang chứng kiến cảnh cô hấp hối, chỉ hiềm những gì trong ánh mắt toát ra toàn là nỗi căm hận đến xương tủy. Thời gian không rõ lâu hay chóng, cuối cùng, Giang Đào bải hoải nhắm mắt, nói:
- Em đi đi, ngay lập tức, tôi không muốn thấy em nữa. Đời này, kiếp sau, vĩnh viễn cuộc đời tôi không muốn gặp em thêm một lần nào nữa. Thực lòng tôi mong mình chưa bao giờ quen em, Phương Nghiên.
Bước ra khỏi tiệm bánh bao, gió đêm lạnh buốt phả vào người, gió lùa tóc cô rối bời. Nhớ lại ngày đó, hoa quế thơm lừng phảng phất nơi nơi, những hàng cây cao ngút tầm mắt, rợp sân trường, cành nối cành, cây tiếp cây. Nắng tràn qua tán lá xum xuê, tỏa xuống thân họ, dát vàng long lanh. Những loài hoa nhỏ không biết tên, bung mình khoe sắc thắm nơi bãi cỏ, rung rinh khi gió về, tưởng đâu cũng là những rung động trong lồng ngực cô lúc bấy giờ.
Anh đứng đó nhìn cô, môi nở nụ cười. Giang Đào cầm tay cô, khụy một bên gối, cất giọng hỏi:
- Phương Nghiên, em bằng lòng làm vợ anh chứ?
Ánh mắt lúc ấy đầy ắp là mật ngọt yêu thương, khiến cô đắm chìm từ thuở đó.
Dường như bên tai vẫn nghe văng vẳng lời cầu hôn của anh: “Phương Nghiên, em bằng lòng làm vợ anh chứ?”. Âm thanh trầm bổng cùng khuôn mặt tuấn tú ấy như một bộ phim tua lại – từ cảnh xa đến cảnh gần, cho đến những khung hình quay chậm – đang lóe lên trong tâm trí cô. Cứ vẩn vơ nhớ để rồi nước mắt ở đâu cuồn cuộn chảy ra, khó cầm cho được. Thực ra, bao năm qua, cô đã nghiệm ra, khóc lóc quả là điều vô nghĩa nhất trần đời. Nhưng ngay lúc này, cô chẳng biết phải làm sao, ngoại trừ khóc.
Trần Duyệt Nhiên và Giang Đào gặp nhau tại buổi giao lưu của hội lưu học sinh. Do bận học, bận đi làm, nên anh không mấy rảnh rỗi để góp mặt cho những cuộc gặp gỡ, giao lưu. Ngày ấy đúng dịp tết Trung thu, lại được mấy anh em cùng trường nhiệt liệt mời gọi, anh bèn thuận tình tham gia. Đó là lần đầu tiên, Giang Đào đến dự những hành động kiểu này. Chỉ hiềm những người quen anh quá ít, đành ngồi bơ vơ nhìn người ta rôm rả chuyện trò.
- Em là Trần Duyệt Nhiên, anh tên gì? Lần đầu tiên anh tham gia giao lưu phải không? Trước kia em chưa thấy anh bao giờ.
Giang Đào và Trần Duyệt Nhiên đã quen nhau như thế. Khi buổi giao lưu kết thúc, hai người trao nhau cách thức liên lạc. Thực ra Giang Đào không mấy để tâm chuyện này, nhưng mấy ngày sau, khi Trần Duyệt Nhiên tìm đến anh, thì đó quả là điều bất ngờ quá lớn đối với anh.
- Em đợi điện thoại của anh mấy ngày liền, mà chẳng thèm gọi điện, cũng chẳng buồn viết mail cho em. Anh chẳng ga-lăng gì cả, để con gái tìm đến tận nơi.
Nhác thấy anh, Trần Duyệt Nhiên phụng phịu quở trách như thể hai người thật sự thân thiết.
Trân Duyệt Nhiên thường xuyên mang thực phẩm quê hương đến cho anh. Lần nào cô cũng nhanh nhảu cướp lời, không để Giang Đào kịp từ chối:
- Mẹ em nhờ người mang qua, em sợ béo, không dám ăn. Nói thực ra, em mang cho anh, là để anh giúp em. Người Trung Quốc chúng mình, từ hồi lên ba đã biết, lãng phí lương thực là điều vô liêm sỉ.
Và cứ thế theo từng bước chân mình, cô đã tiếp cận cuộc sống của anh, lững thững bên anh ở một chừng mực nhất định, khiến anh không cách nào từ chối cho đặng. Mà thực ra, Giang Đào hiểu rõ lắm tâm ý của Trần Duyệt Nhiên. Thoạt đầu, Giang Đào còn giả tảng không hiểu, cố gắng giữ khoảng cách với cô. Nhưng Trần Duyệt Nhiên lại vờ như không biết, bất kể anh trốn tránh ra sao, cô vẫn luôn có cách tìm ra anh. Trước mặt anh, cô vẫn thản nhiên như không, vô tư như thường.
Kể cả sau này, Giang Đào từng nói:
- Trần Duyệt Nhiên, anh hiểu tấm lòng em dành cho anh. Nhưng anh rất tiếc, anh không thể nhận nó, bởi anh đã có bạn gái rồi.
Nghe Giang Đào từ chối mình, trên gương mặt cô vẫn là nụ cười chúm chím ngày nào, nhìn chàng trai đối diện, người mà cô thầm đem lòng ngưỡng mộ:
- Em biết chứ. Nhưng cô ấy, bây giờ cô ấy đang ở đâu? Quen anh bấy lâu ma em chưa từng thấy cô ấy gọi điện, mua quà, hoặc liên lạc với anh, nhẽ nào làm vậy cũng được cho là người yêu.
Giang Đào thoáng sững sờ, rồi sực nhớ tới Phương Nghiên, anh nghe lòng mình quặn đau tê tái. Vậy mà ngoài mặt vẫn điềm nhiên:
- Có một số việc em không hiểu đâu, mà em cũng không cần hiểu. Em chỉ cần biết rằng, có những việc dẫu cố mấy thì cũng chỉ như dã tràng xe cát biển đông.
Trời cao thăm thẳm, mây lững lờ trôi bên ngoài cửa sổ, ánh mắt Trần Duyệt Nhiên dán trên người anh, gương mặt ấy vẫn bình lặng không gợn sóng. Song cô không lên tiếng, chỉ cười rồi mọi việc lại đâu vào đấy.
Mọi chuyển biến xảy ra vào đúng đêm Bình an năm ấy. Ngày đó, tuyết bay ngang trời, phủ dày trên các mái nhà, trên những tòa nhà kiến trúc châu Âu, phản chiếu mưa tuyết lất phất khắp chốn đó đây. Cửa tiệm trên phố lộng lẫy, lấp lánh cùng bao món đồ trang trí, chú tuần lộc đáng yêu trong tư thế tung vó băng băng, những ông già Noel sinh động như thật, tưởng chừng ông vừa cưỡi Husky băng qua gió tuyết.
Những vệt đèn ấm áp từ trong các khung cửa hắt ra, dòng người trên phố tuy vội vã trở về nhà, song không quên dành cho nhau câu chúc mừng, mặt mày ai nấy đều mang nét thanh thản, tươi vui. Bài ca giáng sinh len lỏi tới từng miền đất, giai điệu man mác buồn như vang vọng mãi nơi trái tim mỗi người. Vào thời khắc đó, những câu chuyện xa xưa, những con người năm nào vốn chôn sâu đáy lòng lại được đà khơi dậy trong tâm trí mỗi người.
Khi Trần Duyệt Nhiên đội tuyết tới gặp Giang Đào, anh có cảm tưởng mình gặp ảo giác. Dường như anh đã thấy hình ảnh Phương Nghiên dậm chân nơi đầu phố, chờ anh kết thúc giờ gia sư. Gương mặt đó hây hây, người phả hơi lạnh buốt, nhưng đôi mắt lại ăm ắp niềm vui thích, nụ cười tỏa ra từ chính trái tim.
Không hiểu vì đâu, có thể là không khí ngày lễ, hoặc bởi nỗi đau luôn giấu trong tim, mà Giang Đào đã đồng ý đi ăn bữa tối đón giáng sinh với Trần Duyệt Nhiên. Nhà hàng mang đậm không khí lễ lạt, phục vụ ăn vận theo hơi hướm giáng sinh, chào hỏi hai người. Cây thông nhấp nhánh ánh đèn, tuôn màu rực rỡ. Thi thoảng lại vang lên tràng cười sảng khoái của những người trẻ tuổi hội tụ xung quanh.
Chủ nhà hàng tặng mỗi bàn một phần gà quay và sâm banh. Mọi người nhất loạt đứng dậy, vừa nâng ly vừa đồng thanh chúc nhau Merry Christmas, rồi chạm ly thân mật. Hòa trong không khí náo nức ấy, bất giác hình ảnh Phương Nghiên hiện lên trong tâm trí anh, anh nhớ lắm bóng hình, nhớ lắm nụ cười cô.
Trần Duyệt Nhiên khấp khởi chạy tới bên cây đàn dương cầm nằm thu mình trong một góc nhà hàng. Cô dạo bài Jingle Bells với giai điệu khá đơn giản rất hợp thời, một bài mà ai cũng biết. Nhưng ngón đàn lại khá ở mức điêu luyện, lực ngón tay như đàn ông. Dưới ngón tay cô, giai điệu đơn giản ấy được tấu lên đầy nghệ thuật, lảnh lót vui tai, thu về bao tiếng trầm trồ than phục của khách khứa trong nhà hàng.
Giang Đào kinh ngạc hỏi cô:
- Sao em đàn hay thế?
Nghe anh hỏi, vẻ chưng hửng ít nhiều hiện trên gương mặt cô:
- Nghề của em mà, chơi đàn cũng gần hai mươi năm rồi, thế mà anh cũng không biết.
Giang Đào thoáng sượng sùng, cười trừ đáp:
- Anh chỉ biết em học âm nhạc thôi.
Hôm đó, họ ra về rất muộn, bấy giờ không khí huyên náo đã lắng xuống phần nào, trên phố chỉ lác đác đôi ba kẻ say khướt, nghêu ngao ca hát. Lúc gần đến nhà trọ, bỗng một kẻ nhảy bổ ra, tay cầm dao, chỉ loạn xạ về phía họ, đống thời hét toáng lên chi đó.
Gã rất cao, trước mặt Giang Đào mà gã cao hơn hẳn một cái đầu, vóc dáng vạm vỡ, kiểu vạm vỡ điển hình của người phương Tây. Giang Đào nói gì đó khiến gã càng thêm hoang mang, nhằm đúng anh mà phang dao. Đứng ngay gần bên, Trần Duyệt Nhiên liền hét toáng lên. Vừa thấy mũi dao phản chiếu ánh tuyết, lóe lên trước mặt mình, cô liền vươn tay, túm lấy mũi dao mà không buồn đắn đo nghĩ ngợi.
Dòng máu đào đỏ tươi, còn nguyên hơi ấm chảy ròng ròng từ bàn tay cô, đáp mình xuống tuyết trắng xóa, chói lóa đến choáng váng. Cô siết chặt lưỡi dao, miệng gọi vang tên Giang Đào. Dòng máu nóng bỏng như lửa nhỏ giọt trên người cô, nhỏ xuống đất. Cô trợn trừng mắt như một kẻ điên, tay nắm chat mũi dao, kiên quyết không buông. Đến nỗi gã cướp kia phải chùn lòng, giât lùi mấy bước, chừng như kinh hoàng, rồi quay phắt người, chạy thục mạng.
Thấy gã chạy mất hút, Trần Duyệt Nhiên mới thả lòng người, ngã phịch xuống nền tuyết, lưỡi dao vẫn lăm lăm trên tay. Máu tươi nhuốm đỏ áo quần, cùng đôi tay Giang Đào. Ôm cô trong lòng, anh nắm lấy bàn tay, tha thiết gọi tên. Bấy giờ Trần Duyệt Nhiên vẫn còn đôi chút tỉnh táo, cô nhìn anh, thì thào tên Giang Đào, lời chưa dứt, mà người đã lịm đi vì mất sức.
Trông bàn tay đầm đìa máu, lại nhìn gương mặt mê man của cô, trận vật lộn khi nãy khiến tóc tai cô rối bời, quần áo thì xộc xệch, nom dáng vẻ nhếch nhác ấy yếu đuối, mỏng manh hơn một Trần Duyệt Nhiên xinh xắn của thường ngày. Tiếng còi cấp cứu hú vang từng hồi, Giang Đào bế Trần Duyệt Nhiên giữa đám đông ồn ã. Một anh cảnh sát to cao, phương phi hỏi anh điều gì đó, một cô cảnh sát tóc vàng tính đỡ Trần Duyệt Nhiên từ lòng anh, bỗng Giang Đào gạt phăng ra, rồi ghì cô vào lòng chặt hơn.
Về sau, cánh tay của Trần Duyệt Nhiên không còn chơi đàn được nữa, ngón tay cũng không thể nào co gập tự nhiên. Trong làn nước mắt như mưa của mẹ cô, Giang Đào nhớ lại khung cảnh dưới ánh đèn ngày đó, dáng vẻ cô bên cây đàn, gương mặt mãn nguyện, yên bình, dường như đó là việc quan trọng nhất cuộc đời cô. Giang Đào cũng nhớ lại vô số biểu cảm, vô số dáng vẻ đi liền với cô, nhưng xinh xắn, thanh thản nhất phải kể đến những khi cô có cây đàn dương cầm kề bên. Nhưng bởi anh, mà Trần Duyệt Nhiên phải chia xa cây đàn. Nhìn gương mặt tái nhợt, hốc hác trên giường bệnh của Trần Duyệt Nhiên, anh tự nhủ mình nên cho cô một lời hứa, bởi anh nợ cô một lời hứa.