Chương 20: 20: Tết Nguyên Tiêu

Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Đăng vào: 12 tháng trước

.

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.



Ngày tết Nguyên Tiêu, đèn hoa rực rỡ rọi sáng bầu trời đêm.

Ngày ấy thành Trường An rộn ràng tiếng trống, bó đuốc cháy bừng chiếu khắp mặt đất.

Nhiều con phố dựng nhà rạp cao cao, dưới rạp đào kép xướng ca, những màn xiếc nhào lộn bắt mắt, ẩm thực đa dạng chỗ nào cũng có.

Bất luận là trai gái giàu hay nghèo, đều khoác lên mình bộ xiêm y lóa mắt, son phấn trang sức, xe đẹp bảo mã, kéo bạn kéo bè ra ngắm pháo hoa.
Đoàn Cẩn Kha bồng cô em gái nhỏ Yên Thù mới bốn tuổi, đi bên cạnh xe của mẹ và bà nội, cùng dạo chơi hội đèn lồng.

Đi tới chỗ rạp lớn, du khách đông nghịt, xe ngựa tắc nghẽn, chỉ đành dẫn theo gia đinh xuống dưới cuốc bộ.

Yên Thù hiếm khi nào chứng kiến cảnh tượng náo nhiệt đến vậy, cô bé hào hứng mua nào thỏ nào chim, mứt quả rồi cây liễu tuyết và cả thịt viên*, nhét đầy ứ vào hai tay gia đinh phía sau mình.

"Anh Hai." Chiếc áo lông nhung đỏ thẫm bọc lấy người Yên Thù, cô bé cất giọng non nớt, "Anh Hai, đằng trước có bán kẹo sư tử*, em muốn ăn kẹo sư tử."
"Hôm trước em chẳng than răng đau còn gì, nay lại đòi ăn kẹo nữa à." Con nít đứa nào không ham đồ ngọt, nhưng cũng nên hạn chế ăn, sợ hỏng răng rồi thì không xinh nữa, "Không sợ mẹ Hai mắng hử?"
"Kẹo anh Hai mua mà, mẹ không mắng em Thù đâu." Yên Thù cười tít mắt, nhỏ giọng thì thầm vào tai Đoàn Cẩn Kha, "Mẹ và mẹ Cả đi đằng trước ngắm đèn, làm sao thấy em ăn kẹo được chứ."
Yên Thù xách chiếc đèn da dê ngũ sắc, ôm cổ Đoàn Cẩn Kha lắc lắc làm nũng: "Anh Hai, kẹo sư tử nha."
Nhất thời Đoàn Cẩn Kha bồng cô bé không vững, vai ngả nghiêng.

Chiếc đèn lồng năm màu của Yên Thù lướt qua đầu một nhóm sĩ nữ gấm vóc lụa hoa, tua rua móc phải cành liễu tuyết xe sợi vàng gài trên đầu một cô gái dáng mảnh mai lả lướt, cô ấy còn trùm tấm vải lụa vân.

Bấy giờ, cả liễu tuyết lẫn lụa đều trượt xuống đầu vai, để lộ mái tóc nhạt màu, Đoàn Cẩn Kha chỉ nghe thấy cô gái kia nắm lấy búi tóc mình, nhẹ nhàng "a" một tiếng.

Hai người mặt đối mặt, Đoàn Cẩn Kha nhìn đôi mắt như làn nước động lòng người ấy mà không khỏi sững sờ: "Là cô."
Khuôn mặt hoàn mỹ tựa ngọc, ngọn đèn hai bên rạp lớn soi vào mặt cô ấy như trong suốt, mắt sâu mũi cao, đồng tử xanh biếc.

Hóa ra chính là nàng hồ cơ Áp Đát không rõ danh tính kia.

Thoạt đầu khi trông thấy Đoàn Cẩn Kha, hồ cơ cũng giật mình, rồi sau đó kéo tấm lụa lên, vội vàng đuổi theo chúng bạn.

"Cô nương, cô nương hồ cơ." Đoàn Cẩn Kha nhặt cây liễu tuyết rơi dưới đất của cô ấy lên, ôm Yên Thù đuổi theo.

Từ biệt nhau ở thành Cam Châu, ngay cả tên của hồ cơ y cũng không biết, nào đoán được thiên hạ bao la rộng lớn, vậy mà lại cho y gặp lại cô ấy ở Trường An.

"Anh Hai, chị gái kia trông lạ quá...!Anh Hai..."
Sĩ nữ du khách đi chật kín con đường, đâu đâu cũng là oanh oanh yến yến.

Đoàn Cẩn Kha len lỏi trong dòng người đuổi một đoạn, chỗ rẽ du khách thưa thớt dần, nhưng bóng dáng hồ cơ đã chẳng còn thấy đâu.

Người biến mất tăm, Đoàn Cẩn Kha cầm món trang sức người ấy bỏ quên, bế Yên Thù lững thững bước trên đường.

"Anh Hai, anh quen chị đó ạ?"
"Không quen."
"Vậy hay là anh thấy chị ấy lạ quá, nên mới đuổi theo người ta hả anh?"
Đoàn Cẩn Kha cười bảo: "Không phải chị ấy lạ, chị gái đó là người dân tộc khác, nên vẻ ngoài mới có phần khác biệt với chúng ta."
"Chị ấy không phải người Hán à, thế chị ấy là người ở đâu, nhà ở đâu thế anh?"
Đoàn Cẩn Kha cười lắc đầu.

Đoàn phu nhân chớp mắt đã không thấy con trai con gái đâu, bèn sai gia đinh đi tìm.

Ngụy Lâm thấy hai vị chủ tử nhà mình thì lao tới nhanh như chớp: "Trời ơi, ông trẻ bà trẻ của tôi, hai người chạy đi chơi chỗ nào mà chả nói với tiểu nhân một tiếng gì cả."
"Đi ngay gần đây mà." Đoàn Cẩn Kha nói, "Về thôi."
Đoàn người di chuyển đến dưới lầu Phong Lạc, lầu Phong Lạc là tửu lầu lớn nhất Trường An, hôm nay cũng giăng đèn kết hoa, trang trí mới lạ.

Một người trung niên mặt trắng không cọng râu, người khoác bào xanh chân xỏ ủng mềm, đi lại gần Đoàn Cẩn Kha chào hỏi: "Khéo quá, Đoàn công tử, gia nhà ta mời cậu lên trên ngồi một lát."
Mắt Đoàn Cẩn Kha sáng ngời, y biết người này, chính là Đường Tam Tỉnh theo hầu bên cạnh Tĩnh vương, tức khắc y mỉm cười gật đầu: "Hóa ra là Đường huynh."
Y xoay người giao Yên Thù cho gia đinh, dặn dò vài câu, rồi theo Đường Tam Tỉnh lên lầu.

Trong gian phòng riêng Bồng Lai Các trên lầu, Tĩnh vương đang uống rượu nói cười.

Có vị công tử trẻ tuổi tựa vào cửa sổ ngắm cảnh đèn ngập đầy phố xá, mắt đẹp mày sáng, phong thái thanh liêm cao quý, nụ cười khiến người ta có cảm giác được gột rửa trong gió xuân, toát lên sự uy nghi khiến kẻ khác run rẩy không dám ngẩng mặt.

Đoàn Cẩn Kha sửng sốt, tiến nhanh tới hành đại lễ: "Đệ tử Đoàn Cẩn Kha bái kiến Tĩnh vương đại nhân và...!thái tử thiên tuế..." Đoàn Cẩn Kha không có chức trong triều, chỉ là dân thường, nhưng mấy năm gần đây Đoàn gia có qua lại với Tĩnh vương, Tĩnh vương cũng quen thuộc với đám con cháu Đoàn gia.

"Đứng lên đứng lên, gặp riêng một bữa thôi, cần gì phải hành đại lễ chứ." Tĩnh vương chống gối ngồi dậy, dáng vẻ cởi mở thoải mái, "Đúng lúc trông thấy cậu đi dưới lầu, nên mới mời cậu lên đây uống một chén."
Con người Tĩnh vương, thực sự vô cùng hiền hòa thân thiết.

Thái tử Dương Chinh mỉm cười, thong thả bước qua: "Ta chưa gặp ngươi bao giờ, tại sao ngươi lại nhận ra được ta?"
"Tháng giêng điện hạ có dẫn bách quan đến cổng Minh Đức tế trời, đệ tử đứng dưới thành trông thấy phong nghi của điện hạ ở phía xa xa." Đoàn Cẩn Kha chắp tay nói, "Một cái liếc mắt của điện hạ đường bệ trang nghiêm, người bình thường không thể sánh bằng."
"Có vẻ giống huynh trưởng ngươi đấy." Thái tử cười cười, hàng mày giãn ra, "Nghe Tĩnh vương nói công tử đây từ Lũng Hữu về, chuyện trải qua trên đường hết sức thú vị.

Tuy rằng ta kiêm vị trí đại tổng quản Hà Tây, hướng tới phong thổ nhân tình nơi biên tái, ấy nhưng mà chưa từng bước chân ra khỏi thành Trường An, lòng dâng tò mò, muốn nghe thử xem những điều ngươi mắt thấy tai nghe."
Tĩnh vương tự tay rót rượu cho thái tử, gắp mấy miếng đồ nhắm, lại sai ca cơ ngoài mành đánh đàn: "Thế thì chọn ngay một ít phong thổ nhân tình cho thái tử điện hạ đã ghiền."
Đoàn Cẩn Kha gật gật đầu, bắt đầu kể về hành trình từ Trường An đến thành Toái Diệp, có vài chuyện trong đó đã từng kể với Tĩnh vương.

Tĩnh vương gật gù, ngồi bên cạnh chêm thêm vài câu.

Thái tử chăm chú lắng nghe, hỏi cũng rất kỹ, nào là danh mục thuế giao dịch vật phẩm, đặt phiếu thuế chỗ nào, trạm đốt lửa báo động ven đường, số lượng thương nhân đi lại, độ lớn nhỏ của bao hàng, toàn là những vấn đề lặt vặt, nhiều khi Đoàn Cẩn Kha cũng không biết hết.

Về phấn những biến động nhỏ, thái tử có tin tức cả, không phải hỏi Đoàn Cẩn Kha.


Cuối cùng đề cập tới chuyện ở Hồng Nhai Câu, mấy hôm trước Đoàn Cẩn Kha lại nhận được hồi âm từ Hà Tây, thư do Lý Vị viết, nói đại khái về lời kể của Xuân Thiên, đám dân du mục nói tiếng Hồ mang theo trường đao, thương nhân giọng vùng Quan Trung và lá trà có mùi đậm nồng*.

Thế là y thuật lại sự việc cụ thể tỉ mỉ từ đầu đến cuối cho thái tử, sắc mặt thái tử hơi lúng túng, Tĩnh vương nói: "Chưa bàn chuyện khác, hàng bị chặn, mấy tháng liền không có người nào trong thương đội báo quan, sớm đã cho tra xét châu nha bên đường, không hề giữ lại biên bản vượt qua kiểm tra của thương đội, thực là kỳ lạ."
(*Cho ai đã quên thì chi tiết này được Xuân Thiên kể ở chương 10)
"E rằng có người trong thương đội chột dạ, không dám tiếp xúc với quan phủ." Thái tử cười bảo, "Dấu gót sắt của mã phỉ rất lạ, không phải thợ thủ công Trung Nguyên làm ra, mà lại giống như do người Thiết Lặc rèn."
Người Thiết Lặc là một nhánh của mười bộ tộc Đột Quyết.

Người Đột Quyết là thợ rèn của người Nhu Nhiên, am hiểu nhất là rèn sắt, tay nghề rèn sắt tốt nhất trong số đó phải gọi tên người Thiết Lặc.

Người Thiết Lặc chế tạo binh khí, khôi giáp, phụ kiện ngựa, rồi bán cho bộ tộc khác trên thảo nguyên để đổi lấy bò dê đồng cỏ, vậy nên họ luôn chiếm được một chỗ đứng nhất định trên thảo nguyên.

Thái tử lấy từ tay áo ra một tờ giấy với phép vẽ bạch miêu, đưa cho Đoàn Cẩn Kha, "Đoàn công tử, có phải dấu móng chân như này không?"
Đoàn Cẩn Kha nhận lấy xem, nghiêm mặt đáp: "Đúng vậy."
Thái tử lại nói, "Ta nghe bảo ở Lương Châu có mấy hộ nhà kiếm sống bằng nghề trồng đại hoàng, năm nay báo cáo lên quan phủ tổng sản xuất là năm nghìn gánh đại hoàng, quan phủ thu một nghìn gánh, phần còn lại phân phát cho các đại lý và cửa hàng thuốc ở Trung Nguyên.

Nhưng cứ sau mỗi đợt bán là lại có hơn năm trăm gánh đại hoàng chẳng biết tung tích.

Không chỉ có một, ngay cả đại hoàng của Hà Châu, Tứ Xuyên cũng gặp tình trạng tương tự, số đại hoàng ấy rốt cuộc đã bán đi đâu?"
"Ý điện hạ là...!có thương đội đại hoàng xuất quan, bán cho...!người Hồ."
Khi con đường kinh doanh hàng hóa đang vào thời điểm đông đúc, đội lạc đà chỉ đi ra từ Ngọc Môn Quan, mỗi một nghìn bao hàng thì gần như chiếm một phần ba đã là đại hoàng Trung Nguyên.

Ở phương Tây, đây là loại dược liệu Trung Quốc quý hơn cả lá trà.

Các ngoại tộc Tây Vực, Chiêu Vũ chín Hồ*, thậm chí là Ba Tư, Đại Thực, Bắc Địch, Thổ Hỏa La, hay nơi cực Tây xa tít mù khơi, đều cần đại hoàng.

*Chỗ này mình không rõ là tác giả viết nhầm hay có ý nào khác, tra trên mạng thì mình chỉ tìm thấy Chiêu Vũ chín họ (phiên âm của Hồ là Hu, còn họ là Xing, khác nhau hoàn toàn nên mình mới băn khoăn).

Đại khái thì Chiêu Vũ chín họ là tộc người Nguyệt Thị, bị người Hung Nô truy đuổi phải di cư về phía Tây, sau đó dần phân thành chín nước, quân vương chín nước đều thêm "Chiêu Vũ" trước họ của mình để dòng họ không bị mất gốc (tham khảo bút ký Con đường tơ lụa - Nguyễn Phố dịch)
Vì gió ở đất Hồ hanh khô, dân bản xứ suốt ngày ăn thịt dê bò, khiến nóng ruột và dạ dày, phải dùng đại hoàng làm thuốc nhuận tràng bổ tì.

Thời kỳ dịch bệnh hoành hành, đại hoàng cũng có thể trị bệnh dịch.

Ngoài ra, loại dược liệu này cần được bảo quản khô ráo, nếu vận chuyển bằng thuyền biển, phần lớn sẽ mục thối giữa đường.

Nên tất cả đại hoàng vận chuyển tới đất Hồ đều ra ngoài qua con đường Ngọc Môn quan, Đôn Hoàng.

Mấy năm trước tuy triều đình đại chiến với Đột Quyết, thu về đường Y Ngô, nhưng suy cho cùng vẫn chưa tổn hại gì gốc rễ của Đột Quyết, cùng lắm là dọa cho sợ tí thôi.


Một hai năm nay vùng Hà Tây Bắc Đình liên tiếp báo rằng Đột Quyết phá rối thôn trang thương đội, nói vậy, đại chiến lần nữa là điều không thể tránh khỏi.

Triều đình thiếu tiền, binh lực Hà Tây Bắc Đình không đủ chống đỡ, trong cơn nóng giận, thánh nhân đã thắt chặt quản lý việc vận chuyển đại hoàng ra ngoài, mượn đó để tiệt nguồn cung ứng đại hoàng cho Đột Quyết.

Nếu song phương phải chiến với nhau, nếu chiến sự này kéo dài lâu một chút, xét về thế, Trung Nguyên cũng có cơ hội chiến thắng cao hơn.

Hễ là đại hoàng vận chuyển qua Ngọc Môn và Dương quan, bán đến thành nào, đều phải ghi chép vào hồ sơ.

Đường đi có quân sĩ kiểm tra, lại bị áp thuế nặng, bởi vậy thứ nhất là nhóm thương nhân không muốn bán nhiều, người Hồ oán hờn dậy đất; thứ hai lãi nặng tất có dũng phu, người lén bán đại hoàng cấm không hết.

"Nếu như là...!có một nhánh người Đột Quyết dịch dung cải trang ẩn náu ở Hà Tây...!đang theo dõi một thương đội buôn lậu đại hoàng."
"Thật sự là người Đột Quyết ư? Hay là người của dân tộc Thổ Phiên, dân tộc Hồi Hột?" Tĩnh vương nhìn về phía ngoài cửa sổ, nơi từng chùm pháo hoa lộng lẫy bay vọt lên không trung, "Cho dù là ai, thì cũng là rắc rối cả..."
Hai năm nay quốc khố cạn kiệt trầm trọng, chi phí nuôi quân của Hà Tây và Bắc Đình hơn nửa là từ tiền riêng trong quan.

Nếu lại phải khai chiến, trong khoảng thời gian ngắn xoay sở đâu ra nhiều quân nhu và lương bổng như vậy.

Phủ Cam Châu cách xa mấy nghìn dặm có lẽ không có nhiều vấn đề lôi thôi đến thế.

Ngoài thành quỷ hạn hán của núi Yên Chi còn đang say ngủ dưới lớp băng tuyết, trong thành vạn nhà nghìn hẻm thắp đèn sáng như ban ngày, tiếng cười tràn ngập.

Ở Hà Tây người Hồ - Hán cộng cư, phong tục dân gian phóng khoáng hơn, rạp lớn bên đường diễn kịch Hồ, múa điệu múa người Hồ, cùng với rất nhiều trò chơi bắn tên đánh bạc linh tinh khác.

Đám con nít thích xem những màn xiếc như đập vỡ tảng đá trên ngực, hay nuốt kiếm phun lửa.

Phụ nữ thì mỏi mắt ngưỡng mộ những hồ cơ duyên dáng thướt tha múa điệu Hồ tuyền*.

Nhóm đại gia tụ tập lại thành vòng tròn, uống rượu mua vui, đặt tiền cá cược.

(*Hồ tuyền là một điệu ca múa điêu luyện của người Hồ ở phương Bắc Trung Quốc - theo thivien)
Tinh thần Lục Minh Nguyệt uể oải, ở nhà nằm trên giường mấy ngày, hôm nay thật sự bị Gia Ngôn làm ầm ĩ mà chỉ biết bó tay, đành phải đưa cậu ra ngoài ngắm đèn.

Gia Ngôn sợ người đông không ngắm được cảnh tưng bừng, lại nghĩ dạo này mẹ không la rầy, thế là cậu nhóc nhào vào Hách Liên Quảng, nhảy lên lưng chú mình.

"Chú Quảng, đằng trước có biểu diễn, mình đi xem đi."
"Bám cho chắc đấy." Một tay Hách Liên Quảng nâng mông cậu, một tay cầm băng đăng, trên khuôn mặt lạnh lùng hiện lên nét dịu dàng hiếm thấy.

Gia Ngôn thích ồn ào, chốc lại reo hò hoan hô trò trên sân khấu, chốc lại chu môi huýt sáo, chốc thì nhảy xuống bắn cung, chốc thì chạy tới chạy lui trong đám người.

Trước kia Lục Minh Nguyệt sao có thể buông thả cho cậu như thế được, chẳng qua là do bản thân cả ngày lẩn thẩn, chả hiểu lý do gì, ngay cả Đông Tây Nam Bắc, ăn uống mặc đồ cũng quên tất.

Hách Liên Quảng dẫn Gia Ngôn đi phía trước, thỉnh thoảng lại ngoảnh đầu nhìn chị.

Đôi mắt hắn lúc nào cũng phản chiếu hình ảnh của chị, ngang là chị, dọc cũng là chị, ánh sáng là chị, bóng cũng là chị.

Đôi con ngươi nhạt màu, khuôn mặt thuộc về dị tộc kia, bất chợt cứ thế ùa vào đáy lòng, chẳng biết là hận, là ghét, là oán, hay là khổ.

Nhưng đêm sâu, chị sẽ phải đối mặt với một hắn chỉ có dũng mãnh và hung ác.

Thể xác và linh hồn chị bị vò nát, nếm trải cơn đau đớn vô cùng vô tận trong mùi tanh của máu.

Mà nỗi đau đó lại thoát ra khỏi nguyên hình, trở thành một loại khoái cảm sung sướng tưởng chết.

Chị không hề nhớ gì về cơn đau ấy, chuyện cũ khắc cốt khi xưa, giống như kẽ hở nhỏ hẹp bị đẩy ra, để lộ tia sáng chói lòa giúp chị được hít thở.

Gia Ngôn nô đùa hồi lâu, cuối cùng thiếp đi trên tấm lưng dày rộng của Hách Liên Quảng.

Hắn xách cả đống đồ chơi của đứa nhỏ, cùng chị một trước một sau đi về nhà.

Cách nhau quãng xa, hắn sẽ dừng lại chờ chị.

Thái độ chị vẫn lạnh lùng, không muốn đứng quá gần, lúc đó hắn sẽ im lặng đứng chờ.

Đèn lồng tuyết trên tay hãy còn cháy, quầng sáng ở bàn tay hắn tỏa chiếu, cái bóng mơ hồ của hai người hắt xuống đất, bị gió lạnh thổi, hòa quyện vào làm một.

Chị mất sạch kiên nhẫn, không giằng co nữa, vội vàng rời khỏi ánh nhìn trầm mặc của hắn, hắn lại bước từng bước thong thả bắt kịp chị.

"Nàng muốn ta chết." Giọng hắn rất nhẹ rất nhẹ, sợ đánh thức đứa nhỏ, "Nhưng ta không thể chết...!ta muốn ở cùng nàng."

Vì hôm đó Lý nương tử nổi hứng muốn ra ngoài, nên Lý Vị đã đặc biệt thuê xe ngựa, đặt bếp than trong thùng xe, lót gối mềm lên chỗ ngồi, đưa Lý nương tử và Trường Lưu ra ngoài ngắm pháo hoa.

Hôm đó Trường Lưu cực kỳ vui, cha và mẹ cùng cậu cưỡi con ngựa lùn, thu về tay được một nghiên mực, một chiếc đèn kéo quân.

Cuối cùng người một nhà dưới một gian hàng bày đầy băng đăng, cùng nhau ăn chén bánh trôi hoa quế.

Lý nương tử cũng thấm mệt, ôm Trường Lưu đã ngủ say ngồi dựa vào thành xe.

Lý Vị ngồi ngoài xe, tiếng vó ngựa đập xuống gạch đá kêu lộc cộc, âm thanh vô cùng êm ái.

Xuân Thiên và Triệu đại nương, Tiên Tiên ngắm hoa đăng xong thì về nhà, thấy xe ngựa Lý Vị thuê đỗ trong sân, còn Lý Vị bế Trường Lưu vào phòng ngủ rồi.

"Nương tử đã mệt mỏi cả buổi tối, đi nghỉ sớm đi." Triệu đại nương đỡ cô ấy ngồi xuống ghế, "Tôi đi múc nước cho nương tử rửa mặt."
Không ai để ý rằng sắc mặt Lý nương tử đã hơi xấu đi, mồ hôi đầu chảy ròng ròng, gió rét lùa qua, vừa nóng vừa lạnh.

Lý nương tử túm lấy tay Triệu đại nương, vừa định mở miệng nói thì lại nôn hết số bánh trôi buổi tối mới ăn ra, lẫn trong đó còn thấy có cả máu đỏ đậm.

Bấy giờ, cô ấy không cảm thấy khó chịu ở đâu, rồi sau đó ngực nhói lên, một ngụm máu tuôn ra từ cổ họng.

"Nương tử!"
Lý Vị vội vã chạy tới, thấy máu dưới đất, lòng như lửa đốt, luôn miệng kêu: "Mời thầy thuốc, mau đi mời thầy thuốc."
(còn tiếp)
*Chú thích:
.