Đăng vào: 12 tháng trước
Như Lai đi dự yến tiệc bàn đào của Tây Vương Mẫu. Ăn xong đào, đọc xong kinh, Vương Mẫu đã chuẩn bị bên Quỳnh Trì một cành đào phấn rồi hỏi: "Chắc là đã xong rồi nhỉ?"
Đôi lông mày của Như Lai hạ xuống, giọng nói vẫn giống như mọi ngày, mang dáng vẻ ung dung nhà Phật.
“Đều là ý trời cả”.
"Aiz, cũng nên chấm dứt thôi.” Tây Vương Mẫu thở dài, "…Dù hắn không cam không muốn, cũng phải kết thúc đi thôi.”
Con rùa đen nhỏ của tiên sinh dạy học ở thôn Tây đã chết rồi, tiên sinh cực kì không vui, cũng không muốn đến học đường nữa, học trò ngoan chạy tới gọi nàng cũng phất tay đuổi đi, nói là nghỉ ba ngày, để thương tiếc cho con rùa nhỏ.
Điều này khiến cho một đám trẻ chuyên đi đào trứng chim chọc chó trong thôn vui mừng. Một đám chạy ra khỏi học đường, leo lên sườn núi phá phách, dáng vẻ vui mừng đó như kiểu hận không thể chạy ra núi lớn lao thẳng tới bảng niêm yết ở kinh thành mà ăn mừng với muôn nơi.
Trẻ con thôn Đông là nơi phồn hoa náo nhiệt, một đám nhỏ chạy qua gào to, thuận tay bứt mấy cây đường mía hồng sơn trà mà lão Trương gia vừa mới đổ ra, mỗi người một cây, mỗi người một ngụm, vẫn còn mềm còn nóng. Vợ Trương gia cầm chổi đuổi đi, giọng hét vang từ cánh cửa đầu thôn đến cuối thôn: “…..Đám trẻ phá phách kia, ai ya ai ya! Đứa nào đầu têu? Không sợ đường dính răng dán miệng à!”
Con dâu Lý gia cũng đi ra, bột mì trên tay còn chưa lau sạch, miệng rêu rao lên: “Lý Tiểu Nhị đâu rồi? Không lo học hành cho lão nương, lại trốn học phải không? Xem đêm nay cha mày trừng trị mày thế nào?”
“Gà mẹ đẻ trứng đâu rồi, li biệt từ đây...".
“Tôn Mập Tử con đứng lại cho ta...”
Sáng sớm, trong ngõ nhỏ không nhìn thấy bóng dáng của một đứa trẻ nào, rồi không biết trẻ em từ nơi nào đồng thanh chạy tới.
“Con rùa nhỏ nhà tiên sinh chết rồi, tiên sinh đang rất buồn, ba ngày không lên lớp.”
Có người nghe thấy thì nói thầm: “Con rùa chết rồi sao? Đang tốt mà, sao lại chết rồi?”
“Con rùa nhà tiên sinh chết rồi?” Lại có người giật mình trợn mắt, cao giọng:”Con rùa đó mỗi ngày đều phơi nắng với tiên sinh đó. Haiz, không phải chỉ là một con rùa chết thôi sao…ngày mai ta xuống sông bắt cho tiên sinh con khác... dưới sông nhiều lắm...”
Buổi trưa trôi qua, tất cả mọi người trong thôn đều biết con rùa của tiên sinh dạy học chết rồi.
Hiểu thì hiểu, cũng không có ai tận tâm chạy tới thôn tây xem tiên sinh đau buồn thế nào, chỉ có con rùa chết thì có gì ghê gớm?
Trong thôn này vẫn hay bắt cá bắt thỏ, giết heo giết gà, đối với sinh mệnh của con vật cũng không buồn luyến tiếc. Người tri thức là thế, rất khác người.
Người tưới phân thì lên sườn núi tưới phân, người săn bắt thì lên núi săn bắt, người sửa quần áo thì cứ sửa quần áo, người xuống núi thì nên xuống núi, cuộc sống vẫn bình thường, trật tự không hề đảo lộn.
Tô Tiểu Mập chơi đùa đến khi đầu đầy mồ hôi, lúc mặt trời lên đến đỉnh đầu thì mới chạy về nhà ăn cơm. Cầm cái bầu hồ lô với vào trong chum múc một muôi nước rồi uống mấy ngụm lớn ừng ực, đôi mắt nhỏ lướt qua, phát hiện trong chum nước có hai con ba ba, một con lớn, một con bé, nằm rụt đầu trong góc không nhúc nhích. Cậu bé gọi: "Cha ơi, sao cha bắt hai con ba ba này?”
“Bắt cho tiên sinh của nhà con đó! Ăn cơm xong đem tới cho tiên sinh đi, hỏi xem nàng ấy chọn con nào.”
“Vâng ạ”.
Vừa nói cậu vừa đi lại bàn ăn cơm, nhìn chằm chằm mấy miếng thịt kho tàu váng mỡ rồi nuốt nước miếng, “Mẹ ơi, mẹ nhanh lên, con đói!”
Căn nhà nào cũng có mùi thơm cơm nước nhẹ nhàng tỏa ra, từ thôn đông liên tục bay tới thôn tây. Trong một hàng rào sân nhỏ của một nhà ở thôn tây, yên ắng và tĩnh mịch, không vương mùi vị, trong phòng bếp củi lửa chất thành hai đống, bếp lò không tỏa khói, có lẽ hôm nay sẽ không đỏ lửa. ngoài sân có một người đang ngồi, một thân quần áo đen, mái tóc dài buông xuống trên mặt đất, buộc bằng một cây trâm đơn giản, chiếc trâm được làm từ gỗ, giống như tùy tiện gọt một khúc từ trong đống củi. Nàng từ từ nhắm mắt, chiếc ghế dựa sư gia chậm rãi đong đưa, khóe miệng như không cười.
Cũng không biết nàng đong đưa bao lâu, bên chân nàng có một con rùa nhỏ, bị váy đen che mất, nếu như không có gió thổi váy lên, không ai nhìn thấy được. Con rùa nhỏ thụt lại trong thân, không thấy đầu hay chân trước chân sau, cũng không nhìn ra đuôi của nó, giống như một nửa trái bóng tròn nằm ở đó, không nhúc nhích. Gió thổi qua, phất làn váy sang phủ lên mình con rùa nhỏ, vẫn không hề động tĩnh. Cảm giác yên tĩnh đó khiến cho người ta cảm thấy nó như biến thành hòn đá. Người trên ghế dựa cũng không quan tâm, váy bị thổi tung theo gió cũng không buồn ngăn cản, người và rùa cùng nhau phơi nắng, đong đưa, đong đưa, như đang ngủ.
Không biết qua bao lâu, hô hấp của người trên ghế dựa dần chậm lại, chiếc ghế dựa đang lay trở nên bất động, có mấy con chim sẻ bay tới, mổ mổ quả anh đào chưa chín tới, lắc lắc đầu như vất đi phiền phức khó chịu, cổ quay sang bên kia, rồi lại nhảy đến một cành cây khác. Nàng ngủ thật say. Nếu không, nàng mà biết cây anh đào mình trông coi hơn nửa tháng bị chim chóc tha đi chắc sẽ tức chết mất.
Mặt trời về tây, đỏ rực cả một góc trời, ánh sáng mạ vàng trên nóc nhà, từ xa nhìn lại như căn nhà bằng vàng nguyên, người trên ghế dựa run lên một chút, như thể bị lạnh mà tỉnh dậy, lại giống như là bị giật mình, nhưng chỉ run lên một thoáng, ngay cả mí mắt cũng không mở ra, ghế dựa lại chậm rãi đong đưa, nửa hình tròn bên chân nàng vẫn không nhúc nhích.
Xa xa là tiếng mấy đứa nhỏ vui đùa ầm ĩ vang vọng tới: “…tiên sinh…..tiên sinh….” .Nghe thấy tiếng bước chân lộn xộn kia, chắc là phải đến một đám trẻ con.
Chưa đầy một lát sau, quả thật có một đám trẻ con choai choai đi vào. Trên tay Tôn Tiểu Mập là hai con ba ba, mặt nhỏ từng giọt mồ hôi, vừa nhìn đã biết cậu chơi đùa tới giữa trưa mới nghỉ.
“Tiên sinh, sáng hôm nay cha con ra sông bắt được, tiên sinh giữ lại một con đi?”
Cách một hồi lâu nữ tử mới mở mắt ra, vẻ mặt như chưa tỉnh ngủ, mờ mịt một lúc, ánh mắt dần dần trong veo, nàng nhìn hai con rùa sức sống tràn trề trên đất, nở nụ cười: “Ừm, giữ lại đi.”
Tôn Tiểu Mập thấy nàng muốn, trong lòng vui mừng hẳn lên, hỏi vội:” Tiên sinh còn buồn không?”
“Không buồn nữa”.
“Vậy…..” Đôi mắt nhỏ lóe lên, “Ngày mai có lên lớp không ạ?”
Nàng quay lại trợn mắt, nhìn hết vẻ mặt của cậu bé kia, ánh mắt buông xuống: “Không lên”.
Đôi mắt sáng trong suốt vui mừng kia giờ như sắp chảy ra nước mắt.
“Hai ngày sau phải học thuộc lòng Ân Kì Lôi, không qua thì chép phạt.”
Một đám trẻ đau khổ nhìn nàng, khóe miệng người trên ghế dựa cong lên một chút, mắt nhắm lại rồi bắt đầu đong đưa ghế: “Quay về đi, về nhà trước khi mặt trời xuống núi.”
Vì thế, một đám trẻ mang theo con rùa nhỏ không được chọn rời khỏi sân. Con rùa lớn nằm trên mặt đất thò đầu và chân từ trong vỏ ra, chậm rãi bò bò. Gió thổi qua, nó lập tức rụt vào trong vỏ, im lặng nằm một đống.
Ngoài hàng rào trong sân không biết từ khi nào có một người đang đứng, một bộ quần áo màu trắng sạch, nhìn người trên ghế dựa trong sân, mỉm cười, ánh mắt sâu thẳm không nhìn rõ. Hắn đẩy cửa ra, tiếng cửa vang lên “két kẹt”, rõ ràng nàng đã nghe thấy, nhưng người trên ghế vẫn không muốn mở mắt ra, cái ghế dựa đong đưa lại càng tao nhã nhẹ nhàng.
Nam tử đứng ở trước người nàng, cúi người xuống, bàn tay muốn vỗ nhẹ lên khuôn mặt kia nhưng lại dừng, tay phất lên một cái, bên cạnh xuất hiện thêm một cái ghế sư gia, hắn nằm lên đó, mỉm cười nhắm mắt, cũng từ từ đong đưa.
Từ lúc ráng chiều đến khi trăng lên đầu ngọn, từ lúc sao lên đầy trời đến khi mặt trời đỏ rực mọc ở đằng đông, từ lúc chân trời rạng đông đến khi ánh nắng chói chang rực rỡ, từ khi mặt trời trên đỉnh đến lúc ngả về tây, hai người không ai mở mắt, một ngày cứ thế lặng lẽ đong đưa.
Nàng vuốt cánh tay, đập đập cái chân cứng nhắc, nhìn mây trên bầu trời đầy màu sắc, rồi hỏi: “Huynh là ai?”
“Là người trả nợ.”
Nầng gật gật đầu, ánh mắt vẫn luôn nhìn lên bầu trời: “Ta không cần huynh trả, huynh đi đi.”
Ghế dựa bên cạnh vẫn đong đưa chầm chậm, không hề dừng lại.
“Không trả thì sẽ chết”.
“Ta sao?”
“Không, là ta”.
“Thế thì có liên quan gì đến ta đâu".
Hắn cười, gió thình lình nổi lên, tay người kia vươn tới, ôm người bên cạnh vào lòng, ghế dựa đỡ lấy trọng lượng của hai người, đung đưa kịch liệt.
Người áo đen cũng không giãy dụa, nằm trên người hắn, tỉ mỉ quan sát, rồi hỏi tiếp: "Huynh là yêu quái à?”
Nam tử cười:” Ừ”.
“Mấy ngày trước ta có thả một con cá, là huynh phải không?”
“Ừ”.
Nữ tử vẫn gật đầu, không hề nhìn hắn, nhỏ giọng lầm bầm: "…..Gia cảnh cũng không thể là người xấu được…”
Nàng đứng dậy khỏi người hắn, hắn cũng không ngăn cản, sửa sang lại quần áo xong, nàng nhìn người kia: “Nếu đã như vậy, huynh báo ân rồi đi đi. Trong phòng này không có chỗ cho nam nhân, huynh đừng phá thanh danh của ta. Sau này ta còn phải xuất giá nữa.”
“Huynh tên gì?” Nàng lại hỏi.
“Kỳ Hoa.”
“Không có họ à?”
“Ừ”.
“Ta là Thanh Ương, cũng không có họ, rất thuận tiện.” Nói xong nàng liền cúi người bắt con rùa lớn đang chậm chạp bò qua.
“Ta đói rồi, tối nay hầm con ba ba này uống, huynh có ăn không?”
“Được”. Hắn đứng dậy, đi theo phía sau nàng cùng nhau vào phòng bếp. Một người đãi gạo thái rau, một người đun củi nhóm lửa, không ai nói chuyện. Trời dần dần xẩm tối, ánh trăng lưỡi liềm vắt vẻo ngọn cây, ngọn đèn dầu trong phòng lập lòe lay động. Trong sân, bên cạnh chiếc ghế dựa, nửa hình tròn kia vẫn nằm nguyên tại chỗ, không biết muốn ngủ đến bao giờ.
Rửa con ba ba hai lần nước, lột lớp da mỏng mặt ngoài, cho vào trong chén, bỏ thêm nấm rơm, thái gừng, băm hành, thêm nước suối, cho gia vị vào, muối ăn, dầu, bột tiêu, rồi đậy vung lên nồi, lửa lớn cho nước bốc hơi, sau nửa canh giờ thì lửa nhỏ, hai khắc sau thì bưng lên bàn. Chóp mũi bị hơi nước hong làm cho nổi lên một tầng mồ hôi, tay áo nàng đưa lên lau lau, mũi hồng ửng đỏ.
Nam tử tựa vào đống rơm, thỉnh thoảng cho vào thêm hai thanh củi, ánh mắt vẫn luôn dõi theo chuyển động của nàng. Ánh lửa in trên mặt hắn, lấp lánh chói lòa, một sắc màu ấm áp khiến khuôn mặt đó càng trở nên dễ nhìn hơn.
Rõ ràng hắn cách đống lửa gần như vậy nhưng lại không ra chút mồ hôi nào. Khô mát dễ chịu như thể đang tựa lên ghế dựa bên ngoài. Cổ tay hắn khẽ động, mấy vết chai vì hằng năm nấu cơm trên tay nữ tử lặng lẽ biến mất, trắng trẻo lại như lúc ban đầu.
“Ân kì lôi, tại nam sơn chi dương, hà tư vi tư? Mạc cảm hoặc hoàng, chân chân quân tử, quy tai quy tai…”. Tiếng ca nhè nhàng lanh lảnh, giống như tiếng thì thầm ngâm nga, từ một nơi rất sâu rất xa truyền tới.
Người trên đống lửa nghe thấy thì cứng đờ cả người, cành củi định đưa vào lò cũng “rắc” một tiếng bị người kia bẻ gãy. Thanh Ương nghiêng đầu nhìn xem, khớp xương tay rõ ràng của nam tử dưới ánh lửa càng thêm nổi bật, hai đoạn củi bị ném vào đống lửa, như chẳng có chuyện khác thường.
Phải nhìn sát mới thấy được, trên bàn tay hắn có một vết cắt nhỏ sắc nhọn, không đâm đến lòng bàn tay, da thịt trắng bệch cả ra. Lúc máu sắp chảy xuống, vết cắt trên lòng bàn tay không hiểu sao liền khép lại, giống như chưa xảy ra chuyện gì. Tiếng hát đứt quãng của nữ tử vẫn còn tiếp tục, nam tử không nói gì, chỉ im lặng nằm nghe. Cơm nước thu dọn xong, một người đi phía nam, một người đi phía tây, trong sân chỉ còn tiếng gió và tiếng một loài côn trùng nào đó kêu trong bụi cỏ.Canh ba, hắn xuất hiện ở trong phòng Thanh Ương, lên giường, ôm lấy người nàng nằm ngủ. Giọng mát lạnh cố ý hạ xuống thật trầm, tình tứ mê người:” Ân kì lôi, tại nam sơn chi trắc, hà tư vi tư? Mạc cảm hoàng tức… chân chân quân tử, quy tai quy tai…”
Sáng sớm ngày thứ hai, khi Thanh Ương vén rèm buồng trong lên, nhìn thấy nam tử đó ngồi ở trong sân đong đưa đong đưa, nàng đi đến bên cạnh nhìn hắn, vài năm trước nàng có đào một cái hồ nhỏ, bây giờ bên cạnh đó có một tấm bia mộ: Huyền Sắc chi mộ. Con rùa nhỏ bên ghế dựa không còn nữa.
“Nó tên là Huyền Sắc à?” Nàng hỏi, cũng không để ý người trên ghế dựa có trả lời hay không, nàng khẽ nói: “A, thật là một cái tên hay. Ta chưa từng thấy con rùa nào đen sì như nó….Lúc vừa nhặt nó về còn tưởng đứa trẻ nhà ai chơi xấu đổ khiên mực lên mình, chải nhiều lần vẫn không thấy mất màu…”
Người trên ghế dựa nở nụ cười.
“… cả đời này của nàng đều thua trên tay ngài rồi…”Có tiếng nói không thể nghe thấy, Thanh Ương không nghe được, cũng không hỏi gì, nàng vào nhà mang một chén rượu nhỏ ra, đặt bên bia mộ.
“Cũng không sợ mày ngủ say nữa, sau này mày có thể ngủ rồi. Từ từ uống đi.”
Con rùa nhỏ có một sở thích, đó là lúc nàng uống rượu nó sẽ cọ vào gót chân nàng, uống một ngụm rồi mới chịu yên. Rồi lại hết lần này đến lần khác, nào có được một ngụm, nó chỉ dính một giọt đã say, bốn chân mềm nhũn nghiêng đầu nằm trên đất, thẳng cẳng một ngày.
Nàng cũng dần cai rượu, rất nhiều năm không đào rừng trúc nữa.
“Nó là con đực?”
Đột nhiên nàng lại hào hứng.
"Là cái.”
“Nàng cũng là yêu quái à?”
“Không hẳn”.
“Cũng là tới báo ân hả?”
“Ừ”.
“Ta đã cứu con rùa đó sao?” Nữ tử mệt mỏi ngồi xổm xuống, làn váy lướt nhẹ qua, ngồi trên đất, nàng nghiêng đầu nghiêm túc nghĩ: “Không có đâu, nếu ta bắt được, nhất định sẽ đem hầm rồi…”
Người trên ghế dựa tiếp tục đong đưa, khóe miệng cong lên hài lòng, giọng nói thật trầm:”Không phải nàng cứu nó đời này, mà là đời trước.”
“Kiếp trước? Chuyện của đời trước sao phải nhớ đến đời này…Người đã chết ân ân oán oán đều bỏ qua, con rùa nhỏ cứ nhớ tới quá khứ như vậy, làm lỡ một đời này vô ích rồi.”
“Không nên nhớ kĩ sao?”
“Ừ, không nên.”
“Còn hận thì sao?”
“Cũng không nên.”
“Còn yêu?”
“Không nên.”
Không ai nói chuyện nữa. Một khi đã như vậy, nàng cần gì phải nhớ.
“Huynh phải làm gì mới tính là báo xong ân vậy?”
“Một mạng đền một mạng”.
“Nếu mạng sống của ta có nguy hiểm, huynh sẽ cứu ta là được sao?”
“Ừ.”
“Vậy khó rồi.” Thanh Ương nghĩ tới cuộc sống mỗi ngày của bản thân, bắt đầu từ giờ thìn canh ba nàng đều tới học đường, thôn tây đi tới thôn đông, đứng trước cửa nhà mình có thể nhìn thấy con sư tử đá ở học đường, dọc theo đường đi đều là nhà người dân trong thôn, lúc nàng đi qua ai cũng mở cửa ra chào đón. Dạy học tới buổi trưa thì theo đường cũ trở về, ăn cơm xong lại đi tiếp, canh ba buổi chiều là về đến nhà, đọc sách trên ghế dựa, đong đưa đong đưa, ăn cơm, tắt đèn, thế là hết một ngày.
Trong thôn này không có người xấu, đời này qua đời khác đều là người quen biết. Lương thực nhà ai thu hoạch tốt, người trong thôn cũng được hưởng theo, đất trồng rau nhà ai bị heo rừng chạy phá, ngày hôm sau sẽ có mấy rổ rau xanh và bắp ngô trước cửa, không cần phải báo ai. Thôn trang này, nếu như có thể làm cho tính mạng mình gặp nguy hiểm, quả là chuyện khó khăn rồi.
Nếu muốn có nguy hiểm thì nàng phải vào sâu trong núi, có lang sói hổ báo thì mới mất mạng được. Nhưng mà nàng là nữ tử, vai không đỡ được, tay không xách được, đi vào trong núi để làm gì? Muốn gì thôn đông cũng có, củi gạo dầu muối, đồ may mặc son phấn, tiền tiêu vặt hàng tháng dựa vào việc nàng dạy học cũng có thừa.
“Nếu ân này không báo được thì sao?” Nàng hỏi.
“Kiếp sau báo tiếp”.
“Uống canh Mạnh Bà, qua cầu Nại Hà, chuyện cũ trước kia cũng quên hết, vậy thì báo thế nào?”
Người trên ghế dựa không đong đưa nữa, hắn ngồi dậy, cúi người nhìn người trên mặt đất: “Vậy đó là lựa chọn của nàng?” Trong mắt như có gì đó rất nặng nề, nàng nhìn không hiểu.
“Tóm lại phải quên đi.” Nàng nói.
“Huynh cũng đừng nhớ lâu quá, đời này nếu không có cơ hội báo đáp, ta cũng không kéo huynh cùng đầu thai đâu…xem ta….” Nữ tử như nghĩ tới cái gì, “Ta quên mất huynh là yêu quái, yêu quái không thể chết, phải không?”
“….”
“Kiếp sau cũng đừng tìm ta, đừng ngốc như con rùa nhỏ đó, nếu ta lá rụng về cội, huynh cứ quên ta đi. Thả huynh cũng không phải là có lòng đâu, đúng lúc bắt được hai con cá, một người ăn không hết, không thả huynh thì thả nó…cần gì phải nhớ kỹ…”
Người trên ghế dựa không nói gì, yên tĩnh như đã ngủ, nàng cũng không giải thích nữa, lại cầm ra Kinh thi, nhẹ nhàng ngâm nga….
"Ân kì lôi, tại nam sơn chi dương, hà tư vi tư, mặc cảm hoặc hoàng, chấn chấn quân tử, quy tai quy tai! Ân kì lôi, tại nam sơm chi dương, hà tư vi tư, mặc cảm hoặc hoàng, chấn chấn quân tử, quy tai quy tai! Ân kì lôi, tại nam sơn chi dương, hà tư vi tư, mặc cảm hoặc hoàng, chấn chấn quân tử, quy tai quy tai!"
“Nàng thích à?” Người trên ghế hỏi.
"Ừ thích”.
“Vì sao?”
“Lời bài hát này xướng lên rất dễ nghe”.
“Thái cát cũng rất hay”.
“Aiz, không biết, chỉ là thích thôi”. Đường cong trên khóe miệng người trên ghế dựa càng thêm nhu hòa, hai người ngồi trên ghế, một ngày lại trôi qua.
Lúc trời tối đổ mưa, mưa xuân trơn bóng như dầu, phất phơ như hơi nước. Thanh Ương từ bé đã rất thích nước, lúc trời mưa nàng thích nhất là ngồi trên ghế sư gia, đong đưa giữa cơn mưa, mặc cho mưa to mưa nhỏ.
Lúc mưa bắt đầu rơi, người bên cạnh mới mở to mắt ra: “Mưa rồi”.
Nàng “Ừ” một tiếng rồi không nói tiếp. Sân nhỏ lại yên lặng như trước, hai người nằm đó trong màn nước, đong đưa khi có khi không.
Nước trên mái hiên theo góc mái ngói rơi xuống, nhỏ giọt trên bàn đá, vang lên “tí tách” “tí tách”, những giọt nước trên đầu nhọn lá cây anh đào rơi vào trong hồ nhỏ, nước bắn lên tung tóe, xa xa, chim trong tổ ríu rít không biết đang kêu cái gì, mấy loài côn trùng trú trong ổ ấm khô ráo thỉnh thoảng cũng kêu to một tiếng.
Không biết qua bao lâu, Thanh Ương nói: “…Ta đói rồi.”
“Muốn ăn gì?”
“Tùy thôi.”
Ẩm ướt trên mặt đã không còn nữa, mùi cá nướng phảng phất vào cánh mũi. Thanh Ương mở mắt ra, rõ ràng trời còn đang mưa, mượn ánh trăng và ánh lửa ngay bên cạnh, nàng có thể nhìn thấy mưa phùn nhè nhẹ bay lả tả giữa không trung, nhưng kì lạ là, không có giọt mưa nào rơi trên người nàng cả, ngọn lửa kia cũng bốc cháy trong mưa rất tự nhiên, hai cành cây đâm xuyên qua con cá nhỏ “tách tách” bốc nước lên.
Nàng cầm lấy một cành, cười tủm tỉm bắt đầu nướng cá, ý cười bên miệng đẹp đến mức khiến cho ánh trăng lay động.
“Làm yêu quái thật tốt”.
Nữ tử ngồi trên vũng bùn trên mặt đất, váy màu đen bị nhuốm một ít màu vàng nâu của bùn, hơi nhếch nhác, mái tóc thật dài thả vào trong nước, nàng cũng không buồn quan tâm, chỉ tập trung một lòng một dạ nhìn con cá trên ngọn lửa, trở cá vô cùng đều đặn.
“Có thể rắc muối rồi”. Có người đưa tới.
"Ớt”.
“Tiêu”.
“Hành”. Một con cá nướng thêm đủ đồ gia vị trong bếp. Nàng nướng lần nữa rồi mới ngẩng đầu lên: “Cho huynh.”
Người kia cũng đưa qua một cái đĩa nhỏ, trên dĩa thịt cá được xếp cẩn thận từng miếng, không còn xương lớn hay vảy nhỏ, tất cả được lọc ra hoàn toàn, chỉ còn thịt tươi ngon bóng nhẫy, bột ớt đỏ rực hấp dẫn người ta phải chảy nước miếng.
“Ăn đi, nàng ăn cá vẫn hay không cẩn thận.”
Thanh Ương nhận lấy, cầm tay ăn. Bên ngoài giòn giòn, bên trong lại rất mềm, hương thơm tươi mới cay tê, ngon đến mức ngay cả đầu lưỡi đều muốn nuốt xuống. Ăn ngấu nghiến hết đĩa này lại có đĩa khác đưa qua, Thanh Ương không nhận: "Huynh ăn đi”
“Ta là yêu quái, không cần ăn gì đâu.”
“Không đói sao?”
“Không đói”. Thanh Ương nhận lấy, lấy một ít đưa đến bên miệng hắn: “Thử mùi vị thôi”. Hơi thở của nam tử phảng phất trên tay nàng, hắn không mở miệng.
Thanh Ương nhìn hắn, kiên quyết không thu tay lại.
Sau một lúc, miệng hắn động đậy, thử một chút, ngay cả tay nàng cũng chưa đụng tới. Hai con cá lót bụng cũng tính là no rồi.
Hai người đứng dậy từng người trơ về phòng. Thanh Ương nấu nước nóng, tắm rửa gội đầu, Khi đứng dậy, trên chiếc bàn thấp một đen một trắng, hai bộ y phục kiểu dáng giống nhau.
Nàng mặc bộ màu đen, cất bộ màu trắng vào trong tủ quần áo, vì sao người đó đưa cho nàng hai bộ y phục hai màu, nàng không hiểu.