Chương 29: Tùy Dượng Đế hai viện xem hoa, Chúng phi tần một thuyền chơi biển.

Tùy Đường Diễn Nghĩa

Đăng vào: 12 tháng trước

.



Từ rằng:
Buồn vừa dứt, vui tiếp ngay
Nhà trời sớm đã khéo bày trò chơi
Đào đào lý lý sắc tài
Giải phiền một chén, u hoài vơi chưa?
Đá Bắc Hải, liễu Ngũ Hồ
Xa trông trời nước nào bờ bến đâu?
Gối tiên chợt tỉnh chiêm bao
Tựa hồng dựa biếc thì thào riêng tây.
Theo điệu "Đạp sa hành"
Con người ta trong chuyện tiền tài, sắc dục, khó ai có một cái nhìn thật sáng suốt, huống chi bậc thiên tử, tột cùng của sự phú quý, giàu có bốn biển, không ai sánh nổi sự xa hoa, thì trong sự hoang dâm thanh sắc, ai là người đứng ra ngăn cản, cho nên Dượng Đế lại càng mặc sức, mặc lòng. Dù điềm trời có thể hiện ở cây cỏ, ở muôn vật nữa, thì tai như không nghe, mắt như không thấy, cho nên chuyện quốc phá, thân vong là điều không thể tránh khỏi vậy.
° ° °
Lại quay lại chuyện Dượng Đế đã bắt Hứa Đình Phủ tự vận trong ngục, nhưng vẫn chưa quên ngay được chuyện Hầu phu nhân, mọi người trong cung hết sức khuyên giải, nhưng Dượng Đế vẫn rầu rĩ không nguôi. Tiêu Hậu giảng giải:
- Người chết chẳng bao giờ có thể sống lại. Có nghĩ ngợi lắm cũng chẳng ích gì. Ví như sau khi Tuyên Hoa phu nhân mất, lại có một loạt phu nhân thay thế. Nay biết đâu ở hậu cung vẫn còn nhiều bậc tài sắc, mà bệ hạ chưa biết đến cũng nên?
Dượng Đế đáp:
- Hoàng hậu nói có lý lắm!
Liền truyền chỉ cho các cung, không kể tài nhân, mỹ nhân, tần phi, thái nữ, ai có sắc có tài, giỏi hát giỏi đàn, hoặc các tài khác lạ, cứ việc tâu tên họ rồi đến Hiển Nhân cung thi tài ngay trước mặt vua cùng hoàng hậu.
Chỉ ban ra, hết ngày này sang ngày khác, có kẻ giỏi vẽ, kẻ hay hát, đàn hay, đều kéo đến Hiển Nhân cung thi tài. Dượng Đế vui mừng bày tiệc rượu ra ngay điện lớn của Hiển Nhân cung, mời Tiêu Hậu cùng mười sáu phu nhân ở mười sáu viện tới, để cùng lựa chọn. Dượng Đế cùng Tiêu Hậu ngồi trên long sàng, chúng phu nhân ngồi thành hai hàng tả hữu. Lúc xem vẽ vời, lúc nghe thơ phú, rồi lại nghe nhạc, xem múa, nghe đàn, xem các xảo thuật linh tinh. Thôi thì tha hồ cho bút mực tung hoành, âm nhạc du dương, châu ngọc rộn ràng, loan phượng tề minh. Dượng Đế thấy toàn những tài năng, những nhan sắc khác thường, lòng lấy làm vui vẻ, phán rằng:
- Lần tuyển lựa này, nhất định ta sẽ không còn sót một viên ngọc quý nào nữa. Chỉ thương cho Hầu phu nhân, không sống lại được để mà dự.
Rồi thưởng cho tất cả mỗi người ba chén rượu, ghi tên họ vào các hạng mục rõ ràng, kẻ thì được phong mỹ nhân, người được thăng tài nhân, cộng tất cả là hơn một trăm người, đều nhất loạt được đưa vào Tây Uyển. Mọi người đã được phân chia đâu đó, vẫn còn một cung nữ chẳng thấy thi thơ văn, cũng chẳng trổ tài họa tranh, viết chữ, chẳng ca, chẳng múa, chỉ đứng một bên. Dượng Đế nhìn kỹ, thì thấy:
Quả là:
Vẻ phong lưu, dáng kỳ dị
Thần thanh tuấn, tướng cao quý
Không son chẳng phấn khác người
Thiên tư hiếm có cõi thế
Dượng Đế vội vàng hỏi:
- Khanh tên họ là gì? Ai nấy đều trổ tài văn thơ, họa viết, thi khéo thi khôn. Sao khanh vẫn chưa nói năng gì cả, mà lại vẫn đứng ở đây?
Cung nữ vẫn không hề hoảng hốt, bước lên thong thả thưa:
- Tâu chúa thượng, thiếp họ Viên, người ở Quý Khê, thuộc Giang Tây, tiểu tự là Tử Yên. Từ ngày, nhập cung đến giờ, chưa từng được thấy thiên nhan. Nay mới được dự tuyển, cũng liều chết để thưa cùng chúa thượng.
Dượng Đế hỏi:
- Khanh đã đến đây gặp trẫm rồi, có tài năng cao thấp thế nào, khanh cứ nói xem sao?
Tử Yên thưa:
- Thiếp tuy có tài mọn, nhưng lại không thuộc loại múa hay, hát giỏi, mà lại có thể làm người khác không chịu nổi nữa kia!
Dượng Đế lại hỏi:
- Nếu không phải tài ca, giỏi múa, thì còn là tài gì nữa kia?
Tử Yên thưa:
- Thiếp từ nhỏ đã học được phép xem thiên văn. Cho nên tất cả những việc nữ công, gia chánh đều bỏ không nhìn tới. Nay vẫn chẳng biết gì chuyện đó, chỉ biết xem sao, nhìn trời đất, khí tượng, đoán rõ ngũ hành, tính được vận mạng của bậc thiên tử, của quốc gia mà thôi!
Dượng Đế vô cùng kinh ngạc:
- Đó chính là môn học của các bậc thánh nhân. Khanh là hạng đàn bà, tuổi ít, thì làm sao hiểu thấu những chuyện cao siêu huyền bí được?
Tử Yên thưa:
- Thiếp lúc nhỏ, may gặp một ni cô già, nói thiếp có đôi mắt ánh sáng khác lạ, có thể nhìn được bầu trời, tinh tú, vì vậy được ni cô dạy xem thiên văn, nào là chuyển cơ, nào là ngọc hạnh đều được xem qua, kể cả ngũ vĩ, thất chính đều được ni cô giảng giải tường tận. Lại luôn luôn khuyến khích thiếp, hãy gắng mà học cho giỏi, mai kia có thể làm thầy bậc đế vương, vì vậy thiếp ngày đêm ra công cũng biết được một đôi điều.
Dượng Đế phán:
- Trẫm thuở nhỏ, không sách nào là không xem. Chỉ tiếc rằng các loại sách thiên văn, không được học kỹ càng. Nay các đài quan, ngày ngày trình điềm họa phúc, kể tượng đất trời, tinh tú, trẫm cũng chẳng hiểu gì lắm. Nay mà khanh lại biết được những điếu này, thì trẫm sẽ cho xây ngay đàn trong cung này, rồi phong khanh làm quý nhân, kiêm chức nữ tư thiên giám, chuyên trông coi việc đất trời, cai quản nội tư thiên giám vậy. Như thế thì trẫm lúc nào cũng được ngửa trông thiên tượng, cũng là một việc thích ý vậy.
Tử Yên vội vàng lạy tạ, Dượng Đế liền cho phép ngồi sau hàng chúng phu nhân. Tiêu Hậu chúc mừng:
- Lần tuyển chọn này, không những được rất nhiều người tài kẻ sắc lại được cả Viên Quý nhân, biết xem thiên văn, giúp sáng mệnh trời, thật bởi phúc lớn của bệ hạ nên vậy.
Dượng Đế vui vẻ vô cùng, cùng với các phu nhân uống rượu mãi tới khi trăng lên rồi chẳng chờ cho đến khi đắp được thiên đàn, cùng Viên Quý nhân lên nguyệt đài, sai cung nhân lấy rất nhiều bàn lớn, sập rộng, chất thành một đài cao. Dượng Đế kéo Tử Yên lên, cùng nhau xem bầu trời, hai hàng cung nữ đứng hầu phía dưới. Thoạt tiên, Tử Yên chỉ cho Dượng Đế thấy tam đàn, cùng phân giới của nhị thập bát tú. Dượng Đế hỏi:
- Những gì thì gọi là tam đàn?
Tử Yên đáp:
- Tam đàn là gồm: Tử vi đàn, Thái vi đàn, cùng Thiên thị đàn. Tử vi thì ứng cung khuyết với kinh đô của lộc tiên tử, thái vi thì ứng những chính lệnh của thiên tử với các nước chư hầu, Thiên thị chính là thể hiện quyền hành của bậc thiên tử ở các thành thị, nơi đô hội.
sao rõ , khí sáng là điềm quốc gia hòa yên, phúc lộc. Sao Tuệ 1 rực rỡ chiếm xâm giới phận khác, là lúc quốc gia gặp phải hồi ly loạn, chiến tranh.
Dượng Đế lại hỏi:
- Hai mươi tám vì sao giăng kín bầu trời, chia rõ cương phận ứng với các phần đất, biết thế nào là xấu là tốt được?
Tử Yên thưa:
- Giá như Ngũ tinh phạm vào Hà phận, thì biết ngay vùng Hà có hỏa tai, hoặc binh đao, việc táng thất, hoặc thủy tai. Những điểm này đều được biểu hiện bằng màu sắc thanh, hoàng, xích, hắc, bạch, gồm năm màu để phân biệt.
Dượng Đế lại hỏi:
- Thế còn vì sao nào thì ứng với bậc đế vương?
Tử Yên đưa tay chỉ về phía bắc:
- Trong Tử vi đàn kia, có năm ngôi sao làm thành một dãy liền, ngôi đầu tiên là chỉ về phía mặt trăng, về Thái tử, ngôi thứ hai chỉ về mặt trời, vừa có đủ màu đỏ, vừa lớn nhất, chính là sao đế vị đấy!
Dượng Đế giương mắt nhìn theo:
- Làm sao mà đế tinh lại nhấp nhánh thế kia hở khanh?
Tử Yên thưa:
- Sao đế dao động, không ổn định, là có ý nói chúa thượng thích đi lại nay đây mai đó.
Dượng Đế cười đáp:
- Trẫm quả thích ngao du đây đó thật, đó chi là việc rất nhỏ, tại sao các vì sao đó cũng ứng được những chuyện như vậy.
Tử Yên đáp:
- Thiên tử là người đứng chủ thiên hạ, nhất cử nhất động đều ứng với tượng trời đất. Vì vậy các bậc vua chúa xưa nay, không bao giờ tự tiện dám làm điều xằng bậy, phóng túng, chính là vì sợ mệnh trời vậy.
Dượng Đế lại nhìn ngó cẫn thận một hồi nữa rồi lại hỏi Tử Yên:
- Trong khu Tử vi đàn tại sao xem ra khí tượng không được sáng rõ?
Tử Yên thưa:
- Thiếp quả không dám nói!
Dượng Đế phán:
- Thiên tượng thế nào, đã bày cả ra đó. Khanh không chịu nói rõ cho trẫm, chính là khanh đã mắc tội khi quân vậy. Huống chi chuyện hưng vong đều là chuyện mệnh số, khanh có nói cũng chẳng hại gì cả?
Tử Yên thưa:
- Tử vi mờ tối, chỉ sợ vận nước không được lâu dài cho lắm!
Dượng Đế trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi mới cất tiếng hỏi tiếp:
- Việc này liệu có cách nào để cứu vớt được chăng?
Tử Yên đáp:
- Tử vi tuy có mờ tối, nhưng may mà minh đường vẫn thấy còn sáng tỏ, thái gia 2 đều là một. Phương chi chí thành thì có thể thay được mệnh trời. Nếu thánh thượng lo sửa đức lớn, thì có thể sửa được cả tượng trời, có gì phải lo rằng không cứu vớt được thiên mệnh.
Dượng Đế phán:
- Nếu còn có cơ vãn hồi được, thì chẳng có điều gì đáng lo cả!
Hai người xuống đài, trông thấy từ góc tây bắc, một luồng khí đỏ như vẩy rồng thành một đám đài lớn, bốc lên ngùn ngụt. Tử Yên vội giương mắt nhìn theo, không giấu nổi vẻ kinh hoàng, vội vàng thưa:
- Đó chính là khí thiên tử vậy, làm sao lại ở chỗ ấy cho được?
Dượng Đế vội quay lại nhìn quả nhiên sắc đỏ bừng bừng, hiện đủ năm màu, che khắp nửa bầu trời, thật mười phần kỳ lạ. Dượng Đế bất giác cũng sợ hãi, mới hỏi:
- Tại sao khanh lại biết đó là khí thiên tử?
Tử Yên thưa :
- Hiện đủ năm màu, có hình dáng như rồng như phượng, làm sao mà không phải cho được. Ở nơi khí bốc lên như thế, nhất định là có bậc khác thường.
Dượng Đế lại hỏi:
- Đám khí này ứng với địa phận nào?
Tử Yên lại giơ tay chỉ:
- Đây chính là phận Sâm Tĩnh, cũng chẳng đâu xa, có lẽ ở vùng Thái Nguyên chăng?
Dượng Đế phán:
- Thái Nguyên ở Tây Kinh không xa. Ngày mai trẫm sai người đến lặng lẽ tìm khắp nơi, nếu thấy kẻ nào ra vẻ dị tướng, dị nhân, giết quách đi, thì họa này cũng hết hẳn, chẳng còn sợ gì nữa phải không?
Tử Yên thưa:
- Đây chính là ý trời, chỉ sợ sức người không trừ diệt nổi. Chỉ xin bệ hạ giữ gìn cẩn thận, nêu cao đức sáng, thì may ra điềm họa có thể tự tiêu. Nhớ lúc trước, ni cô già có truyền cho thiếp ba câu kệ ngăn sau đây:
Đuôi trâu, đầu cọp
Binh đao loạn lạc
Ai sẽ làm vua, con người thợ mộc.
Nếu lấy chữ "mộc" với chữ "tử" là con mà đặt chữ "mộc" trên, "tử" dưới thì là chữ "Lý". Nhưng ý trời huyền diệu, thật khó mà suy đoán cho cùng.
Dượng Đế phán:

- Ý trời đã định, có lo âu sầu não cũng chẳng xong. Đêm nay đẹp thế này, hãy cùng khanh kịp thời hành lạc đã.
Rồi xuống đài, cùng với Tiêu Hậu và chúng phu nhân uống thêm mấy chén rượu. Tiêu Hậu dẫn chúng phu nhân ra về, Dượng Đế ở lại Hiển Nhân cung với Tử Yên đêm ấy.
Sáng hôm sau, khi Dượng Đế trở dậy rửa mặt chải đầu, bỗng thấy Dương phu nhân ở viện Minh Hà sai một nội giám lại thưa:
- Thưa chúa thượng, dạo trước huyện Toan Tảo có dâng cây ngọc lý, từ bấy đến nay, chưa một lần có hoa. Đêm qua bỗng hoa nở đầy cây trắng cả một vùng lớn, khắp viện tỏa hương thơm ngát, thật là điềm phúc lớn, xin chúa thượng hãy tới thưởng ngoạn.
Đêm qua Tử Yên nói đến "con thợ mộc", họ "Lý" nay lại thấy nội giám trình như vậy, Dượng Đế trong lòng có phần không vui, trầm ngâm hồi lâu, rồi hỏi:
- Cây ngọc lý ấy lâu nay không nở hoa, làm sao nay lại bỗng có hoa. Nhất định có điều gì khác thường chăng?
Nội giám thưa:
- Quả thật là có chuyện khác thường, thưa bệ hạ. Đêm qua tất cả mọi người trong viện Minh Hà, đều nghe có tiếng thần nhân hàng nghìn người, đứng ở dưới gốc cây ngọc lý mà nói rằng: "Con thợ mộc" đang lúc thịnh thời, chúng ta nên ra tay phù trợ. Chúng con đều không dám tin, không ngờ sáng mai ra, mới thấy hoa lá đầy cành, mười phần tươi tốt. Thế này thì đúng là chúa thượng phúc lớn ngang trời mới sinh ra điềm quý như thế này.
Dượng Đế nghe thế, lại càng thêm nghĩ ngợi, phân vân không định, thì lại thấy một thái giám tới tâu rằng:
- Kẻ hèn mọn này được Chu phu nhân ở viện Thần Quang sai tới trình bệ hạ. Số hoa dương mai, dạo trước chuyển ở Tây Kinh về, đêm hôm qua bỗng nở đầy cây, mười phần rực rỡ. Xin mời bệ hạ hãy tới ngự lãm.
Dượng Đế thấy tâu dương mai cũng thịnh khai, cây này chính hợp với Dương của nhà Tùy mình, mới thấy trong lòng vui vẻ ít nhiều:
- Dương mai cũng nở rộ, hay lắm, hay lắm!
Bèn hỏi thái giám:
- Làm sao chỉ trong một đêm mà lại nở rộ như vậy?
Thái giám thưa:
- Đêm qua ở dưới cây hoa, thấy có rất nhiều thần nhân trò chuyện rằng: "Hoa này đã tới lúc khí vận cực điểm, hãy để nở cho kỳ hết". Sáng ra xem, chẳng cây nào là cây không có hoa rực rỡ.
Dượng Đế phán:
- Dương mai nở hoa nhiều như thế, so với ngọc lý ở viện Minh Hà thì thế nào?
Thái giám thưa:
- Kẻ hèn mọn này chưa thấy hoa ngọc lý.
Tử Yên đứng bên cạnh thưa:
- Cả hai loài hoa cùng lúc nở rộ, đúng là có quan hệ đến vận mạng của quốc gia. Sao bệ hạ không tới tận nơi xem sao?
Dượng Đế nghe lời, liền phán:
- Trẫm cùng khanh tới vậy!
Rồi lên xe rồng, có Tử Yên đi theo, đến Tây Uyển, đã thấy Dương phu nhân và Chu phu nhân chờ sẵn, Dượng Đế hỏi:
- Dương mai đưa ở Tây Kinh về, vốn là những cây lâu đời, nên ra hoa nhiều cũng còn có lý. Còn ngọc lý do huyện ngoài biên mới dâng, bất quá cũng chỉ mới quen đất lạ, sao lại cũng nở rộ cho được.
Hai phu nhân thưa:
- Xin thánh thượng tự tới xem sẽ rõ.
Chẳng mấy chốc đã tới Minh Hà viện, Dương phu nhân mời Dượng Đế ra xem ngọc lý. Dượng Đế không chịu xuống xe rồng mà rằng:
- Trước tiên hãy tới xem dương mai đã, ngọc lý xem sau.
Dương phu nhân không dám nài, đành theo xe rồng đi tiếp viện Thần Quang. Dượng Đế vào viện, đến gần dãy dương mai, thì thấy đầy cành hoa gấm, chi chít khắp từ gốc tới ngọn. Dượng Đế cả mừng mà rằng:
- Đúng là rực rỡ ít thấy. Vận quốc gia đến hồi thịnh vượng, chẳng cần bói toán cũng có thể thấy rõ ràng.
Chẳng mấy chốc, phu nhân cung nữ các viện nghe nói hai viện nở hoa đầy cành, đều kẻo tới xem, ai nấy đều hết lời ca ngợi. Dượng Đế mười phần hoan hỉ, bèn sai bày tiệc rượu thưởng hoa. Chúng phu nhân do không rõ ý riêng của Dượng Đế đều tâu rằng:
- Tâu bệ hạ, nghe nói ngọc lý cũng nở hoa rất đẹp, sao bệ hạ không tới ngự lãm?
Dượng Đế phán:
- Có lẽ không thể bằng dương mai được?
Chúng phu nhân thưa:
- Bằng hoặc hơn có gì khác nhau. Tất cả đều thử đến xem thế nào?
Dượng Đế bị chúng phu nhân thúc giục, không thể chối được, đành phải cùng đến viện Minh Hà. Vào tới viện, đã thấy hương thơm kỳ lạ xộc vào mũi, hoa lạ đầy cành, nhụy phô lấp lánh. Chẳng khác gì được làm bằng châu ngọc trắng trong, soi sáng cả một vùng Tây Uyển, đúng là phải có bàn tay của quỷ thần phù trợ mới được như thế vậy thật không giống gì với những gốc dương mai.
Có bài từ "Đạp sa hành" để làm chứng sau đây:
Mây trắng xuôi, mây xanh kéo ngược
Hạt mưa rơi đọng ngọc trên hoa
Một đêm nở rộ sáng lòa
Chẳng phiền xuân gọi, chẳng qua xuân mài
Được trời đất tài bồi khéo léo
Lại quỉ thần toan liệu tinh sao
Đông hoàng trói buộc được nào

Hương thiêng chợt thoảng đưa cao hóa rồng
Hoa hèn đâu dám tranh hùng.
Dượng Đế thấy hoa ngọc lý mười phần sáng lạn huy hoàng, chẳng giống các loài cây tầm thường mà khác gì cây ngọc cây ngà, cây quỳnh cành dao vậy, thì mắt trừng, miệng cứng, một hồi lâu không thốt ra lời. Chúng phu nhân chẳng rõ nguồn cơn, lại chỉ thi nhau ngợi ca ngọc lý. Bọn nội giám cũng thế, hết lời này khen đẹp, tiếng khác khen thơm, thi nhau ngợi tán sự kỳ lạ. Dượng Đế bỗng lớn tiếng quát:
- Cái cây ty tiện này, bỗng nhiên nở hoa như vậy, nhất định là do yêu thuật, tà ma, để giống này chỉ mang họa.
Rồi sai tả hữu, dùng búa chặt tận gốc. Chúng phu nhân vô cùng kinh sợ, thưa:
- Hoa nở đầy cành, đúng là diễm phúc của quốc gia, làm sao lại là yêu nghiệt, cúi xin bệ hạ nghĩ lại.
Dượng Đế vẫn phán:
- Các khanh không thể hiểu được đâu. Chỉ có thể chặt đi là tốt hơn cả thôi.
Chúng phu nhân khuyên giải trăm đường, nhưng Dượng Đế đời nào chịu nghe. Chỉ có Tử Yên là hiểu rõ đầu đuôi, liền thưa với Dượng Đế:
- Hoa này tuy nở rất rực rỡ. Nhưng càng nở lắm thì càng chóng tàn, nên chỉ sợ không được lâu đâu. Nay xin bệ hạ hãy lấy rượu mà tưới vào thì yêu nghiệt cũng hết, mà trở nên điềm lành vậy.
Bọn nội giám đang đứng chờ, chưa nỡ ra tay, thì thấy báo hoàng hậu tới. Nguyên là Tiêu Hậu cũng được tin hai viện hoa nở, nên cũng tới xem. Chúng phu nhân nhất tề ra đón, rồi thưa:
- Hoa đẹp như vậy, nhưng chúa thượng cho là loài yêu nghiệt, bắt đem chặt đi, xin hoàng hậu khuyên giải cho.
Tiêu Hậu lạy chào Dượng Đế, rồi ra xem kỹ ngọc lý, thì đúng quả như lời mọi người, Tiêu Hậu trầm ngâm lúc lâu rồi hỏi Dượng Đế:
- Tại sao bệ hạ lại truyền chặt cây hoa này?
Dượng Đế đáp:
- Hoàng hậu là người thông minh, sao lại còn hỏi câu này?
Tiêu Hậu nói:
- Đây chính là ý trời, chẳng phải yêu nghiệt gì đâu. Có chặt cũng chẳng có ích gì. Bệ hạ nếu uy đức chưa đủ, thì hãy lấy cái uy đức của cái cây quý này mà thêm vào cho đủ vậy.
Dượng Đế đáp:
- Hoàng hậu phân xử thật sáng suốt, nhưng hãy cùng trẫm tới xem dương mai thì hơn.
Rồi không bắt chặt ngọc lý nữa, cùng với Tiêu Hậu và các phu nhân quay sang viện Thần Quang xem dương mai.
Tiêu Hậu thấy dương mai cũng rất rạng rỡ, tuy vẫn không sánh nổi ngọc lý, nhưng ít nhiều hiểu được tâm trạng cửa Dượng Đế, nên cũng lựa lời tâu:
- Dương mai hương thanh, sắc đẹp, hấp dẫn được chính khí của đất trời. Ngọc lý chẳng qua chỉ được vẻ yêu kiều. Cứ theo như ý thiếp, thì dương mai đáng được xếp trên ngọc lý.
Dượng Đế mới cười nói:
- Hoàng hậu thật có mắt nhìn hơn người.
Rồi sai bày lại tiệc rượu thưởng hoa, ai nấy cùng nâng chén mừng. Uống được vài chén, nhưng rượu chẳng làm nên chuyện, trong lòng mọi người đều không thư thái. Dượng Đế cũng thấy thế, nhìn chung quanh một hồi, rồi đứng ngay dậy mà truyền:
- Cảnh xuân đẹp đẽ nhường nào, chỗ nào cũng như thơ như phú, sao lại ngồi giữa gốc cây này mà uống rượu cho được!
Tiêu Hậu tiếp lời:
- Bệ hạ phán đúng quá. Chi bằng đến quách Ngũ Hồ mà ngồi vậy.
Dượng Đế lại tiếp:
- Ta ra hẳn Bắc Hải một chuyến, cho tầm mắt được mở rộng nhìn trời đất.
Chúng phu nhân nghe thế, liền sai nội giám cung nữ đưa mọi thứ lên thuyền rồng, xong xuôi đâu đó, Dượng Đế cùng Tiêu Hậu, các phu nhân lên thuyền. Thuyền liền rời bến ra Bắc Hải, trời trong, gió thuận, mây nước một màu, so với cảnh trong viện thì khác hẳn.
Vườn ngự gió đông mượt
Thổi xuân đầy mặt ngời .
Rợp bờ hoa đỏ chạy
Quét mái liễu xanh trôi
Bóng núi dựa cây đứng
Tiếng oanh theo nước xuôi
Sáng nay trời đẹp thế
Dong buồm Bắc Hải chơi.
Dượng Đế, Tiêu Hậu cùng chúng phu nhân trên thuyền rồng cuốn tất cả các rèm gấm lên, nhìn cho rõ ràng cảnh đẹp thần tiên bốn phía, chưa gì đã ra khỏi Bắc Hải, tới gần một trong ba đảo thần tiên, cả bọn kéo nhau lên bờ. Đang lúc trèo lên, nghe một tiếng quẫy mạnh, trên mặt biển thấy một con cá lớn, những cánh vây dương rộng, vẩy sáng lấp lánh trên mặt sóng bạc, bơi đi bơi lại gần bờ đảo, trông thấy Dượng Đế như nhận ra người quen. Dượng Đế định thần nhìn kỹ, thì ra là một con cá chép lớn, dài tới một trượng ba bốn thước gì đấy. Toàn thân là những vẩy vàng đỏ sáng ngời dưới ánh nắng mặt trời, như những đốm sáng lân tinh vậy. Ở trán như có thấp thoáng nét chữ son, lúc tỏ, lúc mờ, trông như chữ "giác", Dượng Đế mới sực nhớ ra buột miệng.
- Thì ra là con cá này?
Tiêu Hậu vội hỏi:
Con cá nào thế? Thưa bệ hạ!
Dượng Đế đáp:
- Hoàng hậu không biết được đâu. Dạo trước trẫm cùng Dương Tố câu cá ở Thái Dịch hồ, có một người đánh cá ở sông Lạc Thủy, bắt được một con cá chép vàng đem tới dâng, trẫm thấy cá có tướng lạ, mới lấy bút son, viết hai chữ "giải sinh" ở trán cá, rồi thả xuống hồ. Về sau, Ngu Thế Cơ đào hồ lớn làm nước lưu thông cả với Thái Dịch hồ. Nên chẳng biết từ bao giờ con cá này ra được đây, mà giờ đã lớn đến thế. Nay nhìn kỹ, thì chữ "sinh" đã bị nước rửa sạch, chỉ còn lại nửa chữ giải là chữ "giác" mà thôi 3. Không phải con cá ấy thì còn con cá nào nữa?
Tiêu Hậu thưa:
- Cá chép có sừng, thì không phải vật tầm thường!
Tử Yên cũng thưa:
- Hãy nhân lúc nó chưa hóa được thành rồng, xin bệ hạ trừ đi, may ra có thể trừ được họa gió mưa sau này chăng?
Dượng Đế đáp:
- Khanh nói có lý lắm.
Rồi gọi cận thần mang ngay cung tên đến. Dượng Đế cầm cung tên, vén tay áo bào, đặt tên vào mũi dây cung, nhằm thẳng vào bụng cá phóng mũi tên ra. Bỗng trên mặt nước, một trận gió lớn nổi lên, làn sóng nổi cao cuồn cuộn, ngập tràn bốn phía, chẳng khác gì có hàng vạn con cá hóa rồng đang nhào lộn giữa sóng; nước tràn sâu vào bờ đảo, đến nỗi Dượng Đế, Tiêu Hậu cùng chúng phu nhân đều bị ướt cả xiêm y. Cả bọn hoảng kinh, hồn bay phách lạc. Tiêu Hậu cùng chúng phu nhân vội tìm chỗ tránh. Dượng Đế cũng sợ hãi, chân đứng không vững, Viên Tử Yên vội chạy lại bên Dượng Đế trấn an:
- Bệ hạ đứng cho vững. Đã có thiếp đây?
Dượng Đế hoảng sợ định níu lấy Tử Yên, thì thấy Tử Yên lấy trong tay áo ra một vật trông tròn như quả trứng bằng gỗ, tay trái lôi ra một cuộn dây ngũ sắc bằng lụa, xâu sợi dây vào quả trứng gỗ xong. Tử Yên giang tay phải ném mạnh ra phía biển, gần chỗ con cá. Cá trông thấy, quay đầu lặn biến mất.
Tử Yên thu lại sợi dây, gỡ quả trứng gỗ ra, lúc này Dượng Đế cũng đã trở lại bình tĩnh, lại gần Tử Yên, cầm quả trứng gỗ xem xét. Thì ra đó là một viên ngọc lấp lánh đủ năm màu. Dượng Đế hỏi:
- Viên ngọc này dùng làm gì, làm sao mà thủy quái cũng phải sợ được?
Tử Yên thưa:
- Vật này cũng chính do ni cô già ngày xưa cho thiếp. Dặn thiếp đây là quả cầu "Thái Dịch hỗn thiên", mà lúc còn ít tuổi ni cô đã luyện được, có thể kỵ tà khí, trừ được các loài thủy quái, lúc nào thiếp cũng đem bên mình, để phòng sự bất trắc.
Đang nói thì Tiêu Hậu cùng chúng phu nhân kéo tới. Dượng Đế thấy tình cảnh mọi người thì vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi, chả còn hứng thú lên núi chơi nữa. Tất cả lại lên thuyền rồng, trở về Bắc
Hải.
Mới lên đến bờ nam, đã thấy trung môn sứ Đoàn Đạt, quỳ dưới đất chờ sẵn, hai tay dâng một tờ tấu chương, tâu rằng:
- Ở ngoài biên ải có văn thư khẩn cấp, thần không dám trễ nải, xin trình chúa thượng xem tường để còn định đoạt cho kịp.
Dượng Đế cười phán:
- Hiện nay bốn biển thanh bình, vạn phương đều đến triều cống, thì có việc gì khẩn cấp, mà các ngươi phải vội vàng tất tưởi đến thế!
Tả hữu vội vàng vâng lệnh cầm tờ tấu dâng lên Dượng Đế mở ra xem, thì thấy trên viết rằng:
"Biên ải tâu việc: Từ quận Hoằng Hóa cho chí vùng Quan Tả, mấy năm liền hạn hán, mất mùa. Giặc cướp nổi dậy như ong. Quận huyện không thể trừ nổi, xin sai tướng giỏi, lùng bắt kỳ hết, giữ yên dân tình."
Dượng Đế xem xong liền phán:
- Đây là bọn quan lại ở các quận huyện, giả dối bày đặt những chuyện này. Mai kia lại tâu rằng đã dẹp yên để lĩnh thưởng đây mà.
Tiêu Hậu bàn:
- Những việc như thế này, không thể tin hoàn toàn, cũng không thể không tin. Bệ hạ chỉ cần phái một viên tướng giỏi đến đó, là yên mọi chuyện thôi mà?
Dượng Đế lại cầm tờ biểu thứ hai xem sao. Thì ra là hai bộ, bộ lại và bộ binh, tâu rõ về công việc vùng biên ải:
"Lại, Binh hai bộ, hiệp sức tâu trình rõ thêm về công việc ngoại biên: mười ba quận vùng Quan Tả, lâu nay trộm cướp phát sinh. Quận huyện đều có văn thư xin tướng giỏi. Chúng thần xin tiến cử Vệ úy thiếu khanh Lý Uyên, thao lược hơn người, đảm đương được công việc giữ yên biên ải, đang giữ chức Lưu thú Hoằng Hóa, cất binh đánh dẹp các đám giặc này. Cúi xin thánh chỉ định đoạt. "
Dượng Đế xem xong, liền cấm bút ngự phê như sau:
"Lý Uyên nếu có thực tài như vậy, cho xung chức Lưu thú Hoằng Hóa, Tổng quản binh mã mười ba đạo vùng Quan Tả, tiễu trừ cho kỳ hết giặc cướp, trấn an trăm họ. Chờ có công sẽ ban thưởng. Các bộ phải biết thế!"
Phê xong, Dượng Đế lại đưa cho Đoàn Đạt. Đoàn Đạt cũng vì việc vùng biên giới gấp rút, không dám trù trừ, lập tức vái lạy đi ra để kịp chuyển cho hai bộ Binh, bộ Lại. Lúc này Dượng Đế mới sực nhớ đến Lý Uyên, thuở xưa lúc đánh dẹp nhà Trần, đã tìm cách giết hại Trương Lệ Hoa như thế nào, hơn nữa là người mang họ Lý, chỉ sợ lại ứng với điềm trời với lời kệ, như thế thì sao lại giao binh quyền cho Lý Uyên. Đắn đo mãi trong lòng cũng muốn đòi lại thánh chỉ vừa đưa cho Đoàn Đạt, nhưng thấy thánh chỉ đã truyền, dẫu có thay người khác, cũng chưa tìm đâu ngay tướng giỏi.
Âu đây cũng là ý trời vậy. Giữa lúc Dượng Đế do dự, Đoàn Đạt lại mang thêm một tờ biểu mới vào trình. Dượng Đế mở xem, thì ra là vùng Trường An dâng mỹ nhân. Dượng Đế xem ra, trong lòng khoan khoái, quên ngay chuyện phong chức Lưu thú Hoằng Hóa cho Lý Uyên, bèn hỏi ngay Đoàn Đạt:
- Nếu đã có biểu dâng đây, thì mỹ nhân hiện đang ở đâu?
Đoàn Đạt tâu:
- Tâu bệ hạ, mỹ nhân hiện ngoài cửa ngự uyển, bởi chưa có thánh chỉ, không dám thiện tiện vào.
Dượng Đế bèn sai gọi vào. Chẳng bao lâu, nội thị dẫn mỹ nhân vào. Thấy Dượng Đế cùng Tiêu Hậu, mỹ nhân hoảng hốt quỳ lạy, lưng ong uốn éo, mặt hoa khẽ cúi. Dượng Đế nhìn kỹ, thì đúng là mười phần yểu điệu thướt tha, dáng dấp thanh cao.
Có thơ làm chứng sau đây:
Dáng tuyết hình mày vẻ diễm kiều
Mười lăm, mười bảy đoán ra sao?
Trăng non nhàn nhạt mày cong nhẹ
Ráng sớm long lanh tóc uốn cao
Đào kém tươi son môi chúm chím
Lệ thua trong trắng, ngọc xiêu xiêu
Ấy ai e lệ ngây thơ mấy
Hớp cả hồn ai chuyện ghét yêu.
Dượng Đế thấy mỹ nhân mười phần xinh đẹp, trong lòng hoan hĩ, lấy tay nâng dậy hỏi:
- Khanh năm nay bao nhiêu tuổi, tên là gì?
Mỹ nhân thưa:
- Thiếp họ Viên, tiểu tự Bảo Nhi, tuổi vừa mười lăm. Phụ mẫu thiếp nghe nói chúa thượng kén ngự xa nữ 4, nên đem tiện thiếp tiến chúa thượng, xin chúa thượng thu nạp.
Dượng Đế cười đáp:
- Khanh hãy yên tâm, yên tâm, nhất định không phải trả về đâu!
Rồi cùng Tiêu Hậu dẫn Bảo Nhi đến mười sáu viện. Mọi người thấy Dượng Đế vừa có thêm Bảo Nhi, vội vàng bày rượu chúc mừng, uống mãi tới nửa đêm. Tiễn Tiêu Hậu về cung, đêm ấy Bảo Nhi ngủ lại ở viện Thúy Hoa.
Sáng ngày hôm sau, Dượng Đế ban cho Bảo Nhi làm mỹ nhân, từ đó về sau đi đâu cũng mang Bảo Nhi theo, mười phần yêu dấu. Bảo Nhi không vì được vua yêu mà kiêu ngạo, trái lại vẫn rất nhu mì, lúc nào cũng cười đùa vui vẻ, vì vậy Dượng Đế lại càng thích ý. Phu nhân các viện đều có thiện cảm tính tình Bảo Nhi, tận tình dạy Bảo Nhi ca hát, nhảy múa đi đứng. Bảo Nhi lại thông minh, nên chỉ dạy qua là thuộc.
Một hôm, trong viện, Dượng Đế ngủ trưa, Bảo Nhi từ trong viện đi ra tìm Chu Quý Nhi, Hàn Tuấn Nga, Hạnh Nương, Thỏa Nương tới. Hạnh Nương nói:
- Ngày xuân như thế này, trăm hoa đua nở, chúng ta hãy cùng nhau chơi đấu cỏ gà có nên chăng?
Thỏa Nương đáp:
- Đấu cỏ gà, mà bốn bên đều toàn hoa cả, liệu kiếm đâu ra. Không được đâu, chi bằng hãy đi chơi đu tiên, lại được một trận cười khoái ý.
Hàn Tuấn Nga cãi:
- Không đâu! Không đâu! Chơi đu tiên sợ lắm. Tuấn Nga chẳng đi đâu!
Chu Quý Nhi cất tiếng:
- Chơi đu tiên đã đành không nên rồi. Chi bằng chúng ta kéo ra cầu Xích Lan câu cá là hay hơn cả.
Viên Bảo Nhi nói:
- Không đi được dâu, chẳng khi chúa thượng tỉnh giấc, gọi chúng ta, thì biết làm thế nào? Chi bằng ra hiên sau ca múa một hồi là hay nhất.
Tất cả bằng lòng:
- Thế thì hay hơn cả !
Rồi kéo nhau ra hiên sau, mở toang các cửa ra vào, cửa sổ, kéo rèm cửa lên, nhìn ra bên ngoài, muôn hồng nghìn tía.
Ríu rít én về, rèm động bóng
Ì ồm ếch gọi, cỏ thơm hồ.--------------------------------
1Sao Tuệ, Sao Bột, đều chỉ sao chổi, loại sao ngày xưa cho là điềm chiến tranh, đói kém! 2Minh đường: tên sao, gồm ba ngôi, chủ về thiên tử. (Đừng nhầm với "minh đường" ở cuối hồi thứ hai mươi tập 1, là nhà lớn đẹp, để thiên tử tuyên giảng đạo đức, đón tiếp chư hầu hoặc tế tự). Thái Giai: đồng nghĩa với từ "tam đàn" ở trên (Nguyên là tam viên, Từ Hải) 3Chữ "giác" gồm các chữ "giác" ở bên trái, bên phải là chữ "đạo" dưới chữ "ngưu", phần bên phải này cũng bị mờ với chữ "sinh" ngay bên, chữ "giác" còn lại này lại có nghĩa là sừng. Cá chép nguyên chữ Hán là "lý ngư". Chữ "lý", lại đồng âm với Lý là họ Lý. Nên Dượng Đế với Tử Yên mới lo sợ. Cá chép là tượng trưng cho họ Lý, cá chép hóa rồng, cá chép có sừng! 4Ngự xa nữ: người con gái đánh xe rồng cho vua, hoàng hậu, một cách nói nhún nhường chăng?