Chương 016-2

Tam Quốc Diễn Nghĩa

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Huyền Đức sai ngay người đến trại Lã Bố, xin đem nộp trả ngựa rồi hai bên cùng bãi binh.

Lã Bố muốn cho, Trần Cung nói:

- Nay không giết Lưu Bị đi, ngày sau tất nó hại mình.

Bố lại nghe, không cho nữa lại càng ra riết đánh thành. Lưu Bị bàn với Tôn Càn, My Chúc, Càn nói:

- Tào Tháo giận Lã Bố. Không bằng ta bỏ thành chạy sang Hứa Đô, về với Tào Tháo, rồi mượn quân đánh Lã Bố, kế ấy là hơn cả.

Lưu Bị hỏi:

- Ai dám ra trước, phá vòng vây bây giờ?

Trương Phi xin đi.

Lưu Bị sai Trương Phi đi trước, Quan Công đi sau. Còn mình thì ở giữa, giữ gìn vợ con già trẻ, đương đêm canh ba, nhân bóng trăng sáng, ra cửa bắc chạy, gặp ngay Tống Hiến, Ngụy Tục. Hai tướng ấy bị Trương Phi đánh cho một trận phải lui.

Lưu Bị ra khỏi vòng vây.

Mặt sau Trương Liêu chạy đuổi. Quan Công đánh cho phải đứng lại.

Lã Bố thấy Lưu Bị đi rồi không đuổi theo nữa, vào thành yên dân, rồi sai Cao Thuận giữ Tiểu Bái; mình lại về Từ Châu.

Lưu Bị chạy sang Hứa Đô, đóng trại ở ngoại thành, trước hết sai Tôn Càn vào ra mắt Tào Tháo, nói rằng:

- Vì bị Lã Bố đánh, xin đến nương nhờ.

Tháo nói:

- Huyền Đức với ta như anh em.

Liền mời vào tương kiến.

Hôm sau Lưu Bị để Quan, Trương ngoài thành, dắt Tôn Càn, My Chúc vào yết kiến Tào Tháo, Tháo đãi làm bậc khách quý. Khi Lưu Bị kể hết chuyện Lã Bố, Tháo nói rằng:

- Bố là đồ vô ơn, ta với hiền đệ phải hợp sức lại để trừ nó mới được.

Lưu Bị tạ ơn. Tháo mở yến thết đãi, đến chiều tiễn ra về. Tuân Úc vào nói rằng:

- Lưu Bị là người anh hùng. Nay không trừ sớm đi, tất để lo về sau.

Tháo chẳng bảo làm sao, Úc ra, Quách Gia vào. Tháo hỏi:

- Úc xui ta giết Lưu Bị. Nên không?

Gia nói:

- Không nên, chúa công cất quân nghĩa binh, vì trăm họ trừ kẻ hung bạo, giữ điều tín nghĩa, để vời hào kiệt còn lo người ta chẳng đến, nay Huyền Đức có tiếng anh hùng, vì cùng khốn, mới về với ta, nếu lại giết đi, chẳng hóa ra mình hại người hiền. Những người chí sĩ trong thiên hạ nghe thấy sinh ngờ còn ai bước chân vào cửa chúa công nữa, chúa công cùng với ai mà định việc thiên hạ? Trừ được cái lo một người, mà làm cản trở lòng trông ngóng của bốn bể. Cái cơ yên nguy, xin chúa công phải xét mới được.

Tháo mừng nói rằng:

- Người nói chính hợp bụng ta.

Hôm sau Tháo dâng biểu tiến Lưu Bị, xin cho lĩnh chức mục Dự Châu.

Trình Dục can rằng:

- Lưu Bị về sau tất không chịu ở dưới người khác đâu, không bằng giết trước đi.

Tháo nói:

- Nay đương lúc dụng anh hùng, không nên giết một người để mất lòng thiên hạ. Ta với Quách Gia cùng một ý kiến.

Tháo không nghe lời Trình Dục, lại lấy ba nghìn quân và một vạn hộc lương, giao cho Lưu Bị, sai ra Dự Châu nhận chức, tiến quân đóng ở Tiểu Bái, chiêu tập những binh cũ của mình để rồi đánh Lã Bố.

Huyền Đức đến Dự Châu, sai người về hẹn với Tào Tháo định ngày cất quân cùng đi đánh Lã Bố. Khi Tháo sắp đi, có ngựa lưu tinh đến báo rằng:

- Trương Tế từ Quan Trung dẫn quân đến đánh Nam Dương, lỡ phải tên bay bắn chết. Nay cháu Tế là Trương Tú cầm quân, dùng Giả Hủ làm mưu sĩ, kết liên với Lưu Biểu đóng quân ở Uyển Thành, muốn đem quân lại phạm cửa Khuyết để cướp giá.

Tháo tức lắm, muốn đem binh ra đánh, lại sợ Lã Bố đến cướp Hứa Đô, mới hỏi Tuân Úc xem có kế gì.

Tuân Úc nói:

- Việc ấy thực dễ, Lã Bố là đứa vô mưu, thấy lợi thì hoa mắt lên, minh công nên sai sứ sang Từ Châu, thăng quan thưởng hậu cho nó, bắt nó phải hòa với Lưu Bị. Lã Bố được thưởng tất không nghĩ xa xôi gì nữa.

Tháo ưng ý, liền ai phụng quân đô úy là Vương Tắc đem bằng sắc cùng tờ giải hòa sang Từ Châu. Một đường thì cắt ngay mười lăm vạn quân đi đánh Trương Tú, chia quân ra làm ba đường; cho Hạ Hầu Đôn làm tiên phong, quân mã đến Vị Thủy đóng trại.

Giả Hủ thấy vậy khuyên bảo Trương Tú rằng:

- Quân Tào thế lớn lắm, ta không địch nổi. Chi bằng đem quân đầu hàng.

Tú nghe, sai Giả Hủ đến trại Tào Tháo nói trước, Tháo thấy Giả Hủ ứng đối nhanh nhảu, có bụng yêu mến, muốn dùng làm mưu sĩ. Hủ nói:

- Tôi trước theo Lý Thôi, mắc tội với thiên hạ; nay theo Trương Tú, tôi nói gì, bày kế gì Trương Tú cũng theo, nên không nỡ bỏ.

Hủ nói rồi ra về; hôm sau đưa Tú vào yết kiến Tào Tháo. Tháo tiếp đãi thực hậu. Tú dẫn binh vào đóng trong Uyển Thành, lập doanh trại liên tiếp nhau, dài hơn mười dặm. Ở được vài ngày, Tú mỗi hôm mở yến một lần mời Tháo.

Một bữa Tháo uống rượu say, vào giường ngủ, hỏi nhỏ tả hữu rằng:

- Trong thành có kĩ nữ không?

Đứa cháu, con của anh Tháo, tên là Tào An Dân, biết ý Tháo, vào thưa thầm rằng:

- Thưa chú, chiều hôm qua, cháu trông thấy ở cạnh quán sá có một người đàn bà, mười phần xinh đẹp. Cháu hỏi ra thì là vợ Trương Tế, thím Trương Tú.

Tháo nghe nói, liền An Dân đem năm mươi giáp binh ra đòi vào.

Được một lát, binh dẫn vào. Tháo trông ra quả là xinh đẹp, hỏi họ chi, thì người đàn bà thưa rằng:

- Thiếp họ Châu, vốn là vợ Trương Tế.

Tháo hỏi:

- Phu nhân có biết ta không?

- Thiếp được nghe uy danh thừa tướng đã lâu. Nay mới được bái kiến.

- Ta cho Trương Tú hàng cũng vì phu nhân đó, nếu không ta đã giết cả họ nói rồi.

Châu thị lạy tạ nói rằng:

- Thực đội ơn tái sinh của ngài.

Tháo nói:

- Hôm nay trời xui được gặp phu nhân, thực là may quá. Đêm hôm nay xin cùng chăn chiếu, rồi sẽ theo ta về kinh đô, yên hưởng giàu sang. Phu nhân có thuận không?

Châu thị lạy tạ. Đêm hôm ấy cùng ngủ trong trướng. Hôm sau Châu thị nói:

- Thiếp ở trong thành, Trương Tú tất sinh nghi, vả sợ miệng tiếng người ngoài.

Tháo nói:

- Để mai tôi xin cùng phu nhân ra ở trại ngoài thành.

Hôm sau Tháo ra nghỉ ở ngoài thành, sai Điển Vi canh giữ bên ngoài, ai vào phải báo trước, cho vào mới được vào.

Vì thế, tin tức trong ngoài không thông, Tào Tháo mỗi ngày cùng họ Châu vui thú, không tưởng gì đến về nữa.

Người nhà Trương Tú, có người mật báo với Trương Tú. Tú giận lắm nói rằng:

- Thằng giặc Tháo nó làm nhục ta quá!

Bèn mời Giả Hủ đến bàn. Hủ nói:

- Việc ấy đừng tiết lộ ra vội. Ngày mai đợi lúc Tào Tháo ra trướng bàn việc, thời nên làm thế này... thế này...

Hôm sau Tào Tháo ngồi ở trong trướng. Trương Tú vào bẩm rằng:

- Những binh lính mới hàng, nhiều đứa đi trốn, xin thừa tướng cho đem vào trung quân.

Tháo ưng thuận. Tú liền dời đồn vào, chia làm bốn trại rồi định ngày khởi sự.

Nhưng Tú còn lo Điển Vi khỏe mạnh, khó lòng gần được, bàn với thiên tướng là Hồ Xa Nhi sức đội được năm trăm cân, một ngày đi được bảy trăm dặm cũng là một người tài.

Khi ấy Tú hỏi, Hồ Xa Nhi nói:

- Điển Vi chỉ giỏi về đôi thiết kích. Ngày mai chúa công cho mời hắn đến uống rượu, cho uống thực say hãy để về. Bấy giờ tôi sẽ lộn vào đám quân sĩ đi theo hắn, lẻn vào trong phòng, ăn trộm được đôi kích thì không sợ gì nó nữa.

Tú mừng lắm, sai chuẩn bị cung tên, giáp binh, bảo trước các trại, đến hẹn sai Giả Hủ mời Điển Vi đến chơi, khẩn khoản mời rượu. Vi đến tối say về. Hồ Xa Nhi đi lẫn trong đội quân, lẻn vào trong trại.

Đêm hôm ấy, Tào Tháo cùng họ Châu đang uống rượu ở trong trướng, chợt nghe ở ngoài có tiếng xôn xao và tiếng ngựa kêu. Tháo sai người ra coi xem có việc gì, quân vào báo rằng: Quân Trương Tú đi tuần đêm.

Tháo không nghi ngờ gì nữa.

Đến canh hai ở sai trại lại có tiếng reo, rồi quân lại vào báo rằng:

- Trên những xe cỏ có lửa cháy.

Tháo truyền rằng:

- Ấy là chúng nó nhỡ đánh rơi lửa, không ai được xôn xao.

Được một hồi thì bốn mặt lửa cùng cháy cả.

Bấy giờ Tháo mới hoảng sợ, vội vàng sai gọi Điển Vi.

Điển Vi say rượu đang ngủ, trong mơ màng, chợt nghe tiếng chiêng trống và tiếng người reo hò, giật nảy mình vùng dậy, sờ đến đôi thiết kích thì không thấy đâu cả.

Ở ngoài thì giặc đã đến cửa. Vi vội vàng giật lấy dao lưng của lính canh, chạy ra, ở ngoài đã thấy vô số quân mã, cầm rặt giáo dài, đánh bừa vào trại.

Vi phải nhất sống nhì chết mà lăn xả vào đám quân ấy, chém giết một lúc chết hơn hai mươi người, quân mã ấy mới lui, lại có quân bộ kéo đến. Hai bên giáo mác tua tủa như ngọn lau, mình Vi không một mảnh giáp, trên dưới bị vài mươi nhát đâm. Vi vẫn cứ lăn xả vào đánh; dao mẻ không dùng được, Vi bỏ dao, hai tay vớ ngay lấy hai người làm khí giới, quăng dập một lúc chết tám chín người. Giặc thấy thế không dám đến gần, chỉ đứng đằng xa bắn tên lại. Tên bắn như mưa, Điển Vi vẫn liều chết giữ cửa trại, nhưng quân giặc đã kéo được vào cửa sau, Điển Vi lại bị một mũi giáo đâm trúng giữa lưng. Vi kêu to một tiếng, máu chảy đầy đất rồi chết. Hắn chết được nửa giờ rồi mà vẫn không ai dám đi qua cửa trước.

Tào Tháo nhờ có Điển Vi chẹn giữ cửa trước mới lẻn ra sau trại lên ngựa trốn thoát, chỉ có Tào An Dân đi bộ chạy theo.

Lúc chạy, ngựa Tháo bị một mũi tên, nhưng may được con ngựa tốt, ngựa Đại Uyên, càng đau càng chạy khỏe.

Chạy gần đến bờ sông Dục Thủy thì giặc đuổi kịp. An Dân bị băm nhỏ ra như bùn, Tháo vội quất ngựa qua sông mà chạy. Vừa sang đến bờ bên kia, thì giặc bắn một tên, trúng vào mắt ngựa. Ngựa ngã gục xuống đất. May đâu, giữa lúc ấy thì có con trưởng Tháo là Tào Ngang đem ngay con ngựa đang cưỡi nhường cho bố.

Tháo lên ngựa chạy. Tào Ngang bị tên lạc bắn chết. Tháo đi đường, gặp các tướng mới thu thập tàn quân.

Bấy giờ, quân Thanh Châu do Hạ Hầu Đôn quản lĩnh, thừa thế về các thôn quê cướp bóc nhân dân. Quan binh lỗ hiệu úy là Vu Cấm đem ngay quân bản hộ dẹp bắt, vỗ yên nhân dân.

Quân Thanh Châu chạy về đón Tào Tháo, khóc lóc lạy xuống đất kêu rằng:

- Vu Cấm làm phản đuổi giết quân mã Thanh Châu.

Điên Vi hai tay vớ ngay lấy hai người làm khí giới.

Tháo thất kinh. Được một hồi thì Hạ Hầu Đôn, Hứa Chử, Lý Điển, Nhạc Tiến đều đến. Tháo truyền:

- Vu Cấm làm phản, chư tướng nên đem quân ra đánh.

Vu Cấm thấy cả bọn Tào Tháo đến, đem quân ra dàn thành góc trận, đào hào cắm trại.

Có kẻ thấy vậy bảo Cấm rằng:

- Quân Thanh Châu vu cho ông làm phản; nay thừa tướng đã đến, ông chưa nói cho minh bạch, sao lại lập trại trước?

Vu Cấm nói:

- Nay giặc đuổi ở sau lưng, đã sắp đến nơi. Nếu không phòng bị trước thì lấy gì mà đối địch với giặc. Mình biện là việc nhỏ, đánh giặc là việc quan hệ hơn.

Lập trại vừa xong thì quân Trương Tú hai đường kéo đến. Vu Cấm thân ra trước nghênh địch. Tú vội lui quân. Các tướng thấy Vu Cấm xông lên trước, bèn dẫn quân vào đánh ào lên, đuổi giết hơn một trăm dặm. Quân Tú thua to.

Tú thế cùng, nhặt nhạnh tàn quân về theo Lưu Biểu.

Tào Tháo thu quân điểm tướng. Vu Cấm vào hầu, kể hết cả chuyện quân Thanh Châu đi ăn cướp, làm mất lòng dân, nên y mới phải dẹp đi. Tháo hỏi:

- Sao ngươi không nói gì với ta, mà lập trại trước là ý thế nào?

Cấm lại đem lời đã nói trước mà giải thích minh bạch để Tào Tháo nghe. Tháo khen rằng:

- Tướng quân trong lúc bối rối, thế mà nghiêm được binh, bền được lũy, mặc người gièm chê, chịu khó nhọc làm cho đang thua hóa ra được, dù danh tướng đời xưa, vị tất đã có ai hơn.

Tháo thưởng cho Vu Cấm một bộ đồ vàng, phong cho là Ích Thọ đình hầu; lại trách Hạ Hầu Đôn trị quân không nghiêm, rồi làm lễ tế Điển Vi.

Tháo thân ra cúng tế khóc than, rồi ngoảnh lại bảo các tướng rằng:

- Ta mất một con trưởng và một cháu yêu, cũng không thương là mấy, chỉ thương khóc Điển Vi mà thôi.

Các tướng ai cũng cảm thương.

Hôm sau Tháo hạ lệnh rút quân về Hứa Đô.

Nay hãy nói chuyện Vương Tắc đem chiếu đến Từ Châu.

Lã Bố mời Tắc vào phủ, mở đọc chiếu thư, thì chiếu phong cho Bố làm bình đông tướng quân, cho ấn thụ, lại đưa thư riêng của Tháo.

Vương Tắc nói đi nói lại mãi với Lã Bố rằng Tào công kính trọng. Bố mừng lắm. Chợt có người báo Viên Thuật sai người sang. Bố gọi vào hỏi, người ấy nói rằng:

- Viên công nay mai sắp lên ngôi hoàng đế, lập ngôi đông cung, sai tôi sang thúc hoàng phi về Hoài Nam.

Bố nổi giận quát rằng:

- Phản tặc sao dám thế?

Liền giết kẻ sứ của Viên Thuật và đóng gông Hàn Dận, sai Trần Đăng mang tờ tạ biểu và giải Hàn Dận cùng Vương Tắc đến Hứa Đô để tạ ân vua và đáp thư Tào Tháo, và xin thực thụ chức mục ở Từ Châu.

Tháo biết việc kết hôn Viên Thuật với Lã Bố đã nhỡ nhàng rồi, mừng lắm, đem Hàn Dận ra chém ngoài chợ.

Trần Đăng nói nhỏ với Tháo rằng:

- Lã Bố là giống sài lang, khỏe mà vô mưu, khinh đường việc lui và tới, nên sớm liệu trừ đi.

Tháo nói:

- Ta vẫn biết Lã Bố là một loài sói lòng tham, không nên nuôi lâu. Nhưng trừ phi cha con nhà ông thì không ai dò hết được tình hình nó. Ông nên cùng với ta mưu toan việc ấy.

Đăng nói:

- Thừa tướng định làm gì, tôi xin nội ứng.

Tháo mừng lắm, biểu tâu cho Trần Khuê là bố Trần Đăng ăn lộc trung nhị thiên thạch và cho Đăng làm thái thú ở Quảng Lăng.

Đăng tạ từ rồi về, Tháo cầm tay Đặng dặn rằng:

- Việc ở phương đông tôi giao phó cho ông đấy.

Đăng gật đầu xin vâng, về Từ Châu vào gặp Lã Bố. Bố hỏi chuyện. Đăng cũng kể việc Tào Tháo cho cha ăn lộc và mình được làm thái thú. Bố giận lắm nói rằng:

- Ta sai mày sang để cầu chức mục Từ Châu cho ta, ta chẳng được gì, mà bố con mày đều được hiển quý, thế là ta bị bố con mày đem bán để làm lợi cho mình.

Lã Bố nói xong rút gươm toan chém Trần Đăng. Đăng cười ha hả mà nói rằng:

- Sao tướng quân lại tối hiểu như thế?

Bố hỏi:

- Thế nào là tối hiểu?

- Tôi vào gặp Tào công, nói rằng: “Nuôi tướng quân như nuôi hổ, nên cho ăn no thịt, nếu không ăn no thì tất cắn người.” Tào công cười nói rằng: “Ta đãi Ôn hầu như nuôi chim cắt, cáo thỏ chưa trừ được chưa dám cho ăn no vội, bởi vì đói thì còn dùng được, chớ no thì bay mất.” Tôi hỏi: “Cáo thỏ là gì?” Tào công nói: “Viên Thuật ở Hoài Nam, Tôn Sách ở Giang Đông, Viên Thiệu ở Ký Châu, Lưu Biểu ở Kinh Châu, Lưu Chương ở Ích Châu, Trương Lỗ ở Hán Trung, tuyền là cáo thỏ cả.”

Bố nghe nói, ném gươm xuống đất, cười rằng:

- Tào công thực biết ta đó!

Giữa lúc ấy thì có người lại báo rằng:

- Viên Thuật đem quân đến lấy Từ Châu!

Lã Bố thất kinh.

Thế thực là:

Hôn nhân gây sự can qua,

Tưởng là Tần Tấn, hóa ra Việt Ngô.

Chưa biết rồi ra thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.