Chương 24: Ngoại truyện 4

Phố Nha Hương

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Khi Trần Phùng Sinh lên bốn, cũng như đại đa số những đứa trẻ khác, cô bé nói chuyện liên mồm, hơn nữa hễ mở miệng là lại đặt câu hỏi. Hồi đó, cô bé từng hỏi bố Trần Tắc của mình rằng: “Bố ơi, mẹ con đâu?”

Bố cô bé đáp, “Bố sẽ kể cho con nghe một câu chuyện.”

Bố kể cho bé nghe câu chuyện về một con khỉ thành tinh nhảy ra từ hòn đá rồi trở thành Tề Thiên Đại Thánh, đại náo Thiên Cung. Cô bé thích câu chuyện này đến nỗi quên khuấy luôn cả câu hỏi ban đầu.

Lần thứ hai, bé lại nhớ tới tất cả những đứa trẻ trong trường mẫu giáo đều có mẹ, nhưng cô bé lại chẳng thấy mẹ của mình đâu. Chỉ có một người bố và một người ba, vì vậy cô nhóc đã hỏi ba Ngô Đình Phương của mình: “Ba ơi, mẹ của con đâu?”

Bố và ba của bé nhìn nhau. Bố Trần Tắc ngồi xổm xuống, nhìn bé và nói: “Bố sẽ kể cho con nghe một câu chuyện.”

Sau đó, bố lại kể câu chuyện về hầu tinh. Lần này kể đến đoạn hầu tinh bị đè dưới núi Ngũ Chỉ.

“Sau này có phải hầu tinh được người máy cứu ra không ạ?” Trần Phùng Sinh hỏi.

Ba Ngô Đình Phương trả lời: “Không, nó được một hòa thượng cứu.”

“Hòa thượng là gì ạ?”

Ba Ngô Đình Phương nói: “Đó là người cực kỳ giỏi, gần giống với bố của con ấy.”

“Liệu bố có trở thành siêu nhân không ạ?”

Ba bối rối nói: “Có chứ, nhưng tốt hơn là đừng làm siêu nhân, bởi vì phải mặc quần sịp ở ngoài đó.”

Trần Phùng Sinh nhoẻn miệng cười: “Hì hì, mặc quần sịp ở ngoài, quần sịp màu đỏ!” Chìm đắm trong niềm hứng khởi với quần sịp màu đỏ của siêu nhân, cô bé lại một lần nữa quên khuấy đi mất câu hỏi của mình.

Cho đến một hôm, Trần Phùng Sinh đột nhiên hỏi bố bé: “Bố ơi bố, con không có mẹ, có phải con đã nhảy ra từ tảng đá như con khỉ đó không?”

Bố đáp: “Ừ.” 

“Tại sao vậy ạ?”

“Con đoán xem?”

“Bởi vì những người nhảy ra từ tảng đá đều rất ngầu. Con là một người cực kỳ cực kỳ ngầu. Con là một phi hành gia!”

Ba Ngô Đình Phương cạn lời: “Tại sao lại là một phi hành gia?” 

“Tất cả phi hành gia đều nhảy ra từ tảng đá, giỏi đến mức có thể bay lên trời!” 

Trần Tắc: “Ừ.”

Thế là Ngô Đình Phương mới phát hiện,Trần Tắc nói gì với Trần Phùng Sinh mặt cũng không đổi sắc. Nhân lúc Phùng Sinh đã ngủ say, anh nói với Trần Tắc: “Mình nói dối con bé thế không ổn lắm đâu?”

“Tôi đâu có nói dối con bé.”

“Mình nói nó từ tảng đá chui ra mà.” 

“Tôi chỉ nói ‘ừm’ với ‘con đoán xem’ thôi.”

“??” Ngô Đình Phương đột nhiên nhớ lại hồi trước Trần Tắc từng nói “Tôi không xem chuẩn được cho bác sĩ Ngô, có một vài người không xem chuẩn được.” bằng vẻ mặt rất đỗi thản nhiên. Hắn quả thực không nói dối. 

Trần Tắc cười cười nhìn anh. Ngô Đình Phương nói, “Nếu con bé lại hỏi về mẹ lần nữa thì sao?” 

“Con bé sẽ hỏi lại sao? Nó đã tự thấy rằng mình chui ra từ tảng đá rồi.”

“Con bé sẽ không thấy vậy mãi đâu.”

“Đến lúc đó hẵng tính.”

Một ngày nọ, ba của Trần Phùng Sinh lặng lẽ hỏi cô nhóc: “Phùng Sinh, con đến từ đâu?”

“Từ trong đá chui ra ạ!”

“Có phải những người từ trong đá ra đều rất giỏi không? Khi lớn lên có thể trở thành phi hành gia phải không?”

“Đúng vậy ạ.”

“Vậy nên, con không được nói với ai. Lỡ mà kẻ xấu phát hiện rằng con từ tảng đá chui ra, bọn chúng sẽ không để con trở thành phi hành gia đâu.”

“Tại sao vậy ạ?”

“Vì kẻ xấu rất sợ phi hành gia, phi hành gia có thể bay mà!”

“Siêu nhân cũng có thể bay.” Trần Phùng Sinh gật đầu, “Vậy nên những kẻ xấu đều rất sợ.”

“Đúng vậy, thế nên con đừng bao giờ nói cho ai biết con đến từ đâu, được chứ?”

“Vâng ạ!”

Trần Phùng Sinh đã giữ bí mật đến tận khi cô hoàn toàn quên bẵng đi mất. Đương nhiên, khi cô dần có hiểu biết, có lập trường, bắt đầu đọc tiểu thuyết, lặn lội trên diễn đàn, tất nhiên cô liền hiểu ra ngọn nguồn mọi chuyện: Bố và ba là bạn đời đồng giới. Mặc dù trên danh nghĩa thì họ là thầy trò, và với sự sùng bái của dân địa phương đối với bố cô là Trần Tắc, thì không một ai nghi ngờ điều này cả. Cô đã thề rằng sẽ giữ kín như bưng bí mật quan trọng này. Còn về gốc gác của mình, cô bé không hề tò mò, có lẽ cô đã được bọn họ nhặt ở đâu đó.

Khi Trần Phùng Sinh trưởng thành, Ngô Đình Phương và Trần Tắc bảo cô bé ngồi xuống trước mặt họ, kể cô nghe về thân thế của mình, đồng thời nói cho cô biết tên và số chứng minh thư của mẹ cô mười tám năm trước.

Trần Phùng Sinh nói: “Con sẽ không đi tìm bà ấy đâu.”

Trần Tắc nói: “Tùy con cả thôi.”

Cô bé vừa quay đầu đi liền khóc rưng rức cả một buổi chiều. Bởi mình không phải chui ra từ tảng đá, bởi mình sinh ra mà không được chào đón. Sau, cô bé nhận được một tin nhắn từ ba Ngô Đình Phương: “Dù con có chui ra từ đâu đi chăng nữa, chúng ta sẽ mãi luôn yêu con, công chúa nhỏ của ba.”

Tiếng yêu này ấy vậy mà lại phát ra từ miệng người ba chưa từng thổ lộ những điều như vậy của cô.

Cô không có ý định đi tìm mẹ mình. Cô cảm thấy xuất thân của mình khốn đốn cùng cực đến vậy, có lẽ là quá khứ mà người mang danh là mẹ ấy đã phải cực lực để quên đi. Có lẽ bà ấy đã kết hôn, đã có gia đình, nhưng chưa bao giờ đề cập đến chuyện này với chồng mình. Còn những người biết chuyện năm ấy, chắc hẳn họ cho rằng cô đã chết trong thùng rác rồi.

Phùng Sinh Phùng Sinh, bố cô đã nghĩ gì khi đặt tên cho cô như vậy? Gặp đường sống trong cõi chết chăng? Lúc chào đời, cô đã từng chết một lần, vừa sinh ra đã suýt bị những kẻ mang danh người thân giết chêt. Bố và ba rõ ràng biết rằng cô có khả năng bị bại não, nhưng vẫn nhận nuôi cô, cho cô một thân phận, nuôi cô khôn lớn.

Đôi tay của ba đã đón đỡ không biết bao nhiêu sinh mệnh, ấy vậy mà chỉ có cô trở thành con gái của ba.

Cô bé lần lượt nhắn lại cho bố và ba rằng: Con cũng yêu ba, hai ba của con, cảm ơn hai người.

Trần Phùng Sinh là một người lạc quan, cô lại chợt nghĩ rằng: Nếu hồi đó không bị bỏ rơi, có lẽ cô đã trở thành một người phụ nữ giống như mẹ cô, cam chịu ở dưới đáy cùng xã hội lấy lòng đàn ông, chỉ để đổi lấy thứ tình yêu hèn mọn và miếng cơm sống qua ngày.

Năm đó, Trần Phùng Sinh có thành tích học tập vô cùng xuất sắc, đã báo danh vào trường Y. Cô nói với ba mình rằng, “Con muốn trở thành bác sĩ khoa sản.”

Ngô Đình Phương không can ngăn cô bé mà chỉ hỏi: “Bác sĩ khoa sản không chỉ phải giúp người ta đỡ đẻ, mà còn phải giúp người ta phá thai. Con đã nghĩ kỹ chưa?” 

“Con nghĩ kỹ rồi.”

Phùng Sinh nghĩ: Nếu sinh ra không được chào đón, chẳng thà không hay biết gì bị phá đi còn hạnh phúc hơn. Nhưng cô bé không nói ra miệng.

Bởi lẽ, cô chưa bao giờ hối hận vì mình được sinh ra trên đời.