Chương 21: Bốn vua giả ngồi trong mật thất

Lục Tiểu Phụng

Đăng vào: 12 tháng trước

.



Sau Lục Tiểu Phụng phát giác ra mình đang ở trong tòa thạch thất hình lục giác.



Trên bàn đã bày sẵn hai bát rượu. Mặt bàn viết một chữ Uống rất lớn.



Lục Tiểu Phụng cười nói :



- Xem chừng người chịu nghe lời quả có chỗ tử tế.



Hoa Mãn Lâu hỏi :



- Cái gì tử tế? Mời công tử uống rượu chăng?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Đúng thế! Lần này người ta mời tại hạ uống rượu, lần sau không chừng họ còn mời ăn thịt.



Hoa Mãn Lâu nói :



- Đây đúng là rượu Lư Châu Đại Khúc. Xem chừng Diêm đại lão bản quả nhiên đã lấy ra một thứ rượu ngon.



Lục Tiểu Phụng cười đáp :



- Nhưng rượu ngon chẳng thể dùng mãi để ngửi mà phải uống mới biết. Này! Huynh đài uống một bát, tiểu đệ uống một bát.



Hoa Mãn Lâu nói :



- Thứ rượu này uống một bát sợ say quá.



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Hay lắm! Huynh đài không uống thì để tại hạ uống.



Chàng nâng bát rượu lên đổ vào miệng uống một hơi hết quá nửa bát.



Đột nhiên chàng phát giác Hoa Mãn Lâu biến đổi sắc mặt. Chàng không nhịn được dừng lại hỏi :



- Huynh đài khó ở chăng?



Hoa Mãn Lâu cả môi miệng cũng lợt lạt. Gã hét :



- Trong nhà này dường như có mùi vị đặc biệt. Công tử ngửi thấy gì không?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Tại hạ chỉ ngửi thấy mùi rượu.



Hoa Mãn Lâu tựa hồ đứng không vững. Đột nhiên gã đưa tay ra sờ đến bát rượu cũng bưng lên uống một hớp.



Nét mặt gã đã biến thành màu xám như tro tàn, lập tức trở lại có sinh khí.



Lục Tiểu Phụng đảo mắt nhìn gã cười nói :



- Té ra rượu này còn có thể dùng để chữa bệnh.



Chàng uống hết bát rượu của mình, bỗng phát giác dưới đáy bát có chữ Liệng



Chàng liền cầm bát liệng ra đánh “choang” một tiếng. Bát đụng vào vách đá vỡ tan tành.



Bỗng chàng phát giác vách đá bắt đầu chuyển động để lộ ra một khuôn cửa ngầm.



Phía sau cửa là một trái núi. Lục Tiểu Phụng chưa đi xuống đã nhìn thấy một vùng Châu quang bảo khí.



Ruột núi trống rỗng trong phạm vi mấy chục trượng vuông. Nơi đây xếp từng đống Hồng anh thương, từng bó Quỷ đầu đao. Ngoài ra còn có những rương Hoàng kim, châu báu.



Trong đời Lục Tiểu Phụng chưa bao giờ được thấy nhiều đao, thương và châu báu như ở đây. Nhưng điều khiến cho chàng kinh dị chẳng phải là đao, thương châu báu mà là bốn người. Bốn ông già.



Bốn ông già này đều sắc mặt lợt lạt. Hiển nhiên vì đã lâu năm chưa được nhìn thấy ánh dương quang. Bốn lão già toàn mặc áo bào bằng ấm thêu rồng, lưng đeo đai ngọc. Hiển nhiên phục sức như bậc đế vương.



Phía trong đặt bốn cỗ ghế chạm rồng vàng.



Một lão già ngồi trên ghế ngơ ngẩn xuất thần.



Một lão già đang cúi xuống gẩy bàn toán. Miệng lão lẩm nhẩm tựa hồ tính toán của cải trong này.



Một lão đứng trước tấm gương đồng đang đếm những sợi tóc bạc trên đầu.



Còn một lão nữa hai tay chắp sau lưng bước lui rồi lại bước tới. Lão vừa ngó thấy bọn Lục Tiểu Phụng liền ra đón, dựng mặt lên, cất tiếng nghiêm khắc hỏi :



- Các ngươi là hạng người nào? Sao chưa thông báo đã dám sấn vào tẩm cung của cô gia? Chẳng lẽ các ngươi chưa biết hành động táo bạo này là phạm tội lăng trì?



Thái độ nghiêm nghị, nét mặt trang trọng của lão quả có khí phách một bậc đế vương, chứ chẳng phải chuyện đùa.



Lục Tiểu Phụng sửng sốt. Chàng không nhịn được hỏi lại :



- Theo lời lão nhân gia thì đây là hoàng cung hay sao?



Lão già đáp :



- Cô gia là Đại Kim Bằng Vương đời thứ mười ba của Kim Bằng vương triều.



Lục Tiểu Phụng lại một phen sửng sốt. Chàng đứng ngẩn mặt ra tựa hồ không ngờ ở trong này cũng có Đại Kim Bằng Vương.



Ai mà hiểu được Đại Kim Bằng Vương ở trong này mà lại không phải chỉ có một vị.



Lão già vừa nói dứt lời, ba lão kia lập tức xông cả lại cướp lời :



- Ngươi chớ nghe lão điên khùng này hồ ngôn loạn ngữ. Cô gia mới chân chính là Đại Kim Bằng Vương. Còn lão chỉ là của giả.



Sau cả bốn vị tranh nhau lên tiếng :



- Ta mới là Đại Kim Bằng Vương chân chính còn ba lão kia đều mạo xưng.



Lúc này bốn lão tranh chấp nhau đỏ mặt tía tai. Bao nhiêu khí phách vương giả vừa rồi đều mất hết, chẳng còn ra thể thống gì nữa.



Lục Tiểu Phụng chợt phát giác ra họ toàn là người điên hay ít ra cũng mắc chứng rồ dại.



Gặp phải hạng người này biện pháp hay nhất là chuồn đi cho rảnh.



Lục Tiểu Phụng tưởng chừng dù có được hết thảy vàng bạc châu báu trên đời mà phải lưu lại trong khoảng khắc chàng cũng không ham.



Khốn nỗi lúc Lục Tiểu Phụng muốn lui ra mới phát giác cửa thạch thất đã đóng lại.



Bốn lão già bao vây chàng tới tấp tranh nhau hỏi :



- Ngươi coi bọn ta ai là Đại Kim Bằng Vương chân chính? Ngươi cứ theo lương tâm mà nói thẳng.



Bộ mặt lợt lạt, suy nhược của bốn lão già đột nhiên đều lộ vẻ điên khùng, đanh ác.



Lục Tiểu Phụng biết rằng mình trỏ bất cứ ai là Đại Kim Bằng Vương chân chính thì ba lão kia cũng lập tức liều mạng với mình.



Trong đời chàng chưa từng gặp cảnh ngộ nào đáng tức cười lại đáng sợ như bữa nay.



Giữa lúc ấy bỗng nghe ba tiếng chuông rất lọt tai. Mặt sau vách núi lộ ra một khuôn cửa.



Bốn gã thiếu niên mình mặc áo hoàng bào theo kiểu nội giám, tay mỗi người bưng một hộp thực phẩm sơn đỏ nối đuôi nhau đi ra.



Bốn lão lập tức trở về ngồi trên ghế chạm rồng, vẻ mặt lại biến thành nghiêm chỉnh trang trọng.



Bốn thiếu niên chia nhau quỳ xuống trước mặt bốn lão già. Hai tay bưng hộp thực phẩm dâng lên, miệng hô :



- Xin bệ hạ dùng ngự thiện.



Lục Tiểu Phụng càng điên đầu vì chàng nghĩ đến bể óc cũng không sao hiểu được vụ này là thế nào?



Chàng tự hỏi :



- Chẳng lẽ bốn lão này đều cũng là Đại Kim Bằng Vương cả? Không thì tại sao lại có bọn nội giám chầu hầu cơm nước cho họ.



Rồi chàng tự nhủ :



- Không thể thế được. Hiển nhiên đây là sản nghiệp riêng tư của Hoắc Hưu. Sao lại có bốn ông vua dùng chốn này làm tẩm cung?



Khuôn cửa ở vách núi mặt sau còn bỏ ngỏ. Chàng lén lút kéo áo Hoa Mãn Lâu cùng nhau chuồn qua.



Phía sau cửa lại là một đường hầm. Cuối đường hầm lại có từng cửa nữa. Hai người đẩy khuôn cửa này ra quả nhiên ngó thấy Hoắc Hưu.



Hoắc Hưu mặc xiêm áo bằng vải màu lam trải qua nhiều lần giặt giũ đã phai màu gần như áo trắng. Chân lão xỏ đôi giày rách. Lão ngồi dưới đất đang hâm rượu trong một cái bình thiếc cũ kỹ đặt trên lò lửa bằng đất nặn.



Mùi rượu thơm ngát.



Mùi thơm dàn dụa trộn lẩn vào không khí trong hầm khiến ai cũng ngửi thấy.



Cái hỏa lò bằng đất nung tuy bé nhỏ nhưng cũng đủ làm tiêu tan khí hàn lạnh để trở nên ấm áp dễ chịu.



Lục Tiểu Phụng nhẹ buông tiếng thở dài nói :



- Quả nhiên tại hạ đã tìm đúng chỗ mà đến nơi cũng vừa đúng lúc.



Hoắc Hưu cũng thở dài :



- Lão phu không sao hiểu được cha này, vì lẽ gì cứ đúng lúc mình có rượu uống là lại tìm đến.



Lão tủm tỉm cười quay đầu lại. Cặp mắt sáng lên khiến cho con người tuổi tác già nua hãy còn lộ ra sinh khí bồng bột. Lão nói tiếp :



- Công tử không sợ dơ áo thì ngồi xuống đây uống một chung.



Lục Tiểu Phụng ngó lại màu áo tươi thắm của mình, lại nhìn đến quần áo cũ kỹ phai màu trên mình Hoắc Hưu, chàng không nhịn được cười rộ :



- Giả tỷ bọn tại hạ sau này giầu có chắc cũng mặc quần áo theo kiểu lão gia.



Hoắc Hưu “Ủa” lên một tiếng.



Lục Tiểu Phụng lại nói :



- Thứ y phục này chỉ có các bậc đại phú ông mới xứng, còn bọn tại hạ chưa đáng.



Hoắc Hưu hỏi :



- Tại sao vậy?



Lục Tiểu Phụng đáp :



- Vì lẽ con người lúc có tiền thì bất luận áo nào cũng không coi vào đâu.



Hoắc Hưu mỉm cười nói :



- Đáng tiếc là ông bạn vĩnh viễn chẳng bao giờ phát tài được.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Tại sao vậy?



Hoắc Hưu đáp :



- Vì ông bạn thông minh quá. Những người quá thông minh chẳng một ai có tiền.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Lần trước chúng ta gặp nhau lão, lão nhân gia đã bảo tại hạ chẳng sớm thì muộn cũng có dịp đại phát tài kia mà?



Hoắc Hưu đáp :



- Vì lần trước lão phu chưa phát giác ra ông bạn là người thông minh.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Vậy lão nhân gia phát giác ra từ hồi nào?



Hoắc Hưu đáp :




- Vừa mới đây.



Lục Tiểu Phụng cười hề hề.



Hoắc Hưu lại nói tiếp :



- Ngoại trừ ông bạn, e rằng không còn một người thứ hai nào đến đây tìm kiếm lão phu được thuận lợi như vậy.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Phải chăng vì người khác đều không biết nghe lời như tại hạ?



Hoắc Hưu gật đầu đáp :



- Ngó thấy chữ “Đẩy” ở trên cửa, mười người ít ra có đến chín không chịu đẩy cửa.



Không đẩy cửa là không vào được. Ngó thấy chữ “Chuyển” thì lại không chuyển hướng. Bất luận là ai cũng đừng hòng ra khỏi Cửu Khúc Mê Trận của lão phu. Coi thấy chữ “Đình” mà không dừng lại thì dù chẳng bị loạn tiễn bắn trúng như lông nhím, cũng lăn vào vạc dầu trút hết lần da.



Lục Tiểu Phụng nói :



- Nhưng cái đáng sợ nhất là Mê Hồn Hương ở căn nhà bên trên. Cả Hoa Mãn Lâu suýt nữa cũng bị té xỉu. Người nghĩ ra được trong hai bát rượu chẳng những không có thuốc độc mà lại còn pha thuốc giải mới thật là hiếm.



Hoắc Hưu đáp :



- Thế mà công tử đã nghĩ tới.



Lục Tiểu Phụng cười nói :



- Tại hạ chỉ biết Hoắc tiên sinh ít ra là không muốn cho bạn hữu mắc bẫy, vì bạn hữu của tiên sinh chẳng được mấy người, chết tên nào mất tên ấy. Còn tiên sinh tử tế hay tồi bại tại hạ thật chưa rõ.



Hoắc Hưu sáng mắt lên nhìn thẳng vào mặt chàng hồi lâu, bỗng cất tiếng hỏi :



- Công tử còn biết được điều gì nữa?



Lục Tiểu Phụng cũng ngưng thần nhìn lão hồi lâu mới thủng thẳng đáp :



- Tại hạ còn biết tiên sinh không phải họ Hoắc. Đích danh tiên sinh lá Thượng Quan Mộc.



Hoắc Hưu vẫn không thay đổi sắc mặt, điềm nhiên nói :



- Đúng rồi!



Lục Tiểu Phụng nói :



- Tiên sinh cùng Diêm Thiết San, Độc Cô Nhất Hạc nguyên là trọng thần ở Kim Bằng vương triều.



Hoắc Hưu đáp :



- Phải rồi!



Thái độ lão rất bình tĩnh, không tỏ ra băn khoăn hay hối hận chút nào.



Lục Tiểu Phụng thở dài nói :



- Hồi Kim Bằng vương triều tan vỡ, các vị chịu mệnh nhà vua ủy thác tiểu vương tử, đem hết tiền của châu báu trong kho chạy vào Trung thổ...



Hoắc Hưu đáp :



- Phải rồi!



Lục Tiểu Phụng nói tiếp :



- Nhưng sau đó các vị thấy lợi quên nghĩa, nuốt hết món tiền bạc của cải này. Các vị vào Trung thổ rồi đi lánh mình một nơi, không chịu tuân theo lời ước tìm kiếm và chiếu cố cho Đại Kim Bằng Vương thứ mười ba...



Hoắc Hưu ngắt lời :



- Trật rồi.



Lục Tiểu Phụng chau mày hỏi :



- Trật ư?



Hoắc Hưu đáp :



- Chỉ trật có một điểm mà thôi.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Điểm nào?



Hoắc Hưu đáp :



- Kẻ thất ước không phải là bọn lão phu mà là Tiểu vương tử lưu vong theo Thượng Quan Cẩn.



Lục Tiểu Phụng nghe nói không khỏi ngẩn người. Chàng thật không nghĩ tới điểm này, mà chàng cũng không tin lời lão.



Hoắc Hưu nói tiếp :



- Tiểu vương tử chẳng những không đến chỗ ước hẹn với bọn lão phu mà còn muốn lánh mặt bọn lão phu nữa. Bọn lão phu tìm kiếm y mấy chục năm vẫn không tìm ra được.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Tiên sinh nói vậy thì ra Tiểu vương tử trốn lánh các vị chứ không phải các vị trốn lánh Tiểu vương tử ư?



Hoắc Hưu đáp :



- Đúng thế!



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Các vị trọng thần chịu mệnh nhà vua ủy thác cô nhi, lại đem theo một số tài nguyên rất lớn của Đại Kim Bằng Vương thì sao Tiểu vương tử lại trốn lánh các vị? Chẳng lẽ y mắc bệnh điên khùng?



Hoắc Hưu lạnh lùng đáp :



- Vì món của cải đó chẳng phải của Tiểu vương tử mà là của Kim Bằng vương triều.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Của Kim Bằng vương triều cũng là của Tiểu vương tử chứ có khác gì?



Hoắc Hưu đáp :



- Khắc hẳn, mà là sự khác biệt rất lớn.



Lục Tiểu Phụng “Ủa” một tiếng ra chiều kinh ngạc.



Hoắc Hưu nói :



- Nếu Tiểu vương tử thừa nhận món tài nguyên đó thì phải nghĩ cách lợi dụng tiền tài để đoạt lại Vương quyền mà Kim Bằng vương triều đã làm mất đi. Vụ này há phải chuyện dễ dàng? Chẳng những y phải chịu đựng bao nhiêu gian lao khổ sở mà còn không biết mất mạng lúc nào.



Lục Tiểu Phụng đồng ý về điểm con ngươi sinh vào nhà đế vương thật có lúc nguy hiểm vô cùng! Câu tục ngữ “Nguyện đời đời kiếp kiếp đừng sinh vào nhà đế vương” là câu nói cay đắng người thường không thể hiểu được.



Cặp mắt Hoắc Hưu lộ vẻ bi thương và không biết làm thế nào. Lão chậm rãi nói :



- Đáng tiếc là Tiểu vương tử của bọn lão phu không phải là con người như Hán Quan Võ.



Lục Tiểu Phụng không nhịn được hỏi :



- Y là hạng người nào?



Hoắc Hưu đáp :



- Y giống hệt Lý hậu chủ, là một thi nhân. Y còn giống Tống Huy Tôn là nhà danh họa. Từ thuở nhỏ y đã được người ta kêu là “Thi, Thư, Họa, tam tuyệt”.



Hoắc Hưu thở dài nói tiếp :



- Con người như vậy dĩ nhiên bản tính điềm đạm. Y chẳng quan tâm gì đến sự đắc thất về vương vị, chỉ mong được ngâm thơ uống rượu, tiêu dao ngày tháng cho hết đời một cách bình tĩnh. Huống chi...



Lục Tiểu Phụng hỏi ngay :



- Huống chi làm sao?



Hoắc Hưu đáp :



- Số tiền tài của Thượng Quan Cẩn đem đi đủ cho bọn họ sống một đời ung dung nhàn hạ.



Lục Tiểu Phụng không nói nữa, nhưng chàng lặng lẽ chẳng phải là tỏ ra đã tin tưởng Hoắc Hưu.



Hoắc Hưu hỏi :



- Công tử vẫn không tin chăng?



Lục Tiểu Phụng vẫn ngồi yên.



Hoắc Hưu lại nói :



- Bọn lão phu vì muốn phục hưng Kim Bằng vương triều mà chuẩn bị quân lương cùng võ khí. Chắc vừa rồi công tử đã thấy rõ.



Lục Tiểu Phụng lẩm nhẩm gật đầu.



Hoắc Hưu lại nói :



- Bọn lão phu lợi dụng tài sản của Kim Bằng vương triều thật không phải ít, việc lợi dụng này chẳng qua là để du thuyết các vị trọng thần tại triều đình quý quốc về việc mượn binh cử sự, nhưng Tiểu vương tử không hiện diện mà hành động chẳng hóa ra xuất sư vô danh ư?



Lão nói vậy khiến cho Lục Tiểu Phụng chẳng thể không tin. Chàng không nhịn được hỏi :



- Giả tỷ Tiểu vương tử thực sự lánh mặt các vị thì sao bây giờ đột nhiên lão lại muốn kiếm các vị?



Hoắc Hưu lạnh lùng đáp :



- Trước kia cũng chẳng phải không có người đến kiếm bọn lão phu.



Lục Tiểu Phụng lại “Ủa” một tiếng ra chiều kinh ngạc.



Hoắc Hưu liền hỏi :



- Hẳn các vị đã ngó thấy bốn lão ngoài kia rồi?



Lục Tiểu Phụng chợt tỉnh ngộ hỏi :



- Chẳng lẽ hết thảy mọi người đó đều mạo xưng Đại Kim Bằng Vương đến đây để mưu tranh đoạt của cải?



Hoắc Hưu gật đầu hững hờ đáp :



- Bọn họ muốn phát tài, lão phu liền cho họ được nhìn thấy vàng bạc châu báu vào một buổi tối. Bọn họ muốn mạo xưng đế vương lão phu cũng cho họ mặc áo long bào ngồi lên Vương vị. Tuy bọn họ định lừa gạt lão phu mà lão phu đối đãi với họ chẳng có điều gì khiếm khuyết.



Lục Tiểu Phụng thở dài nhăn nhó cười nói :



- Nhưng xem chừng tiên sinh cũng chẳng phải là người quân tử, vì người quân tử không khi nào dùng cách này đối đãi với họ.



Thực ra chàng không thể thừa nhận lão dùng biện pháp đó đối đãi với hạng người kia là hợp lý.



Hoắc Hưu nói :



- Vụ này là một bí mật trọng đại, ngoài bốn người bọn lão phu và Tiểu vương tử, không một ai hay biết.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Đã thế thì sao bọn họ lại biết được?



Hoắc Hưu đáp :



- Bọn họ không biết đâu.



Lục Tiểu Phụng ngẩn người ra, chàng không hiểu ý tứ câu nói của Hoắc Hưu.



Hoắc Hưu lại nói :



- Biết vụ này là một người khác. Bọn họ chẳng qua bị nhân vật đó lợi dụng để làm bù nhìn mà thôi.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Nhân vật đó là ai?



Hoắc Hưu đáp :



- Không hiểu.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Bọn họ cũng không biết ư?



Hoắc Hưu cười lạt đáp :



- Giả tỷ công tử là nhân vật đó, dĩ nhiên công tử cũng chẳng để lộ chân tướng để gặp người ta.



Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười nói :



- Tại hạ không thế đâu.



Hoắc Hưu nói :



- Bọn họ chỉ được gặp nhân vật đó cả thảy ba lần mà mỗi lần dung mạo một khác. Nếu không vì người đó chẳng thể thay đổi được thanh âm thì cũng không tin đúng là một người.



Lục Tiểu Phụng nói :



- Xem chừng nhân vật đó chẳng những kế hoạch thần bí mà còn là một tay cao thủ rất tinh thông về thuật hóa trang.



Hoa Mãn Lâu ngồi yên từ nãy tới giờ bỗng lên tiếng :



- Những tay cao thủ chân chính về thuật hóa trang có thể cải biến được cả thanh âm.



Lục Tiểu Phụng lại “Ủa” lên một tiếng.



Hoa Mãn Lâu nói :



- Thuật hóa trang tức là “nhẫn thuật” của người trên Phù Tang tam đảo ở Đông Doanh. Trong thuật này có một thứ công phu nếu luyện thành thì có thể kiềm chế được da thịt ở cổ họng khiến cho thanh âm hoàn toàn biến đổi.



Lục Tiểu Phụng hỏi :



- Biến đổi đến trình độ cả huynh đài cũng không phần biệt được ư?



Hoa Mãn Lâu đáp :



- Công phu đó luyện thành xuất thần nhập hóa thì cả tiểu đệ cũng không phân biệt nổi.