Kim Giác Quái Đàm Tập 3: Âm Phụng Hoàn Sào
Đăng vào: 12 tháng trước
Một trận gió mát thổi tới.
Sườn núi tối tăm lại dần dần hiện lên một tầng ánh trăng.
Thiên cẩu thôn trăng kết thúc rồi.
Tôi đem năm cái bài vị đặt bên mộ tổ nhà họ Điêu, dùng lửa đốt, gỗ trong đống lửa phát ra tiếng nổ lốp bốp, còn có tiếng phụ nữ thét dài.
Tôi vẫn còn trần mông, nhìn đám phụ nữ kia, nhớ đến thân thế bi thảm của họ, không khỏi có chút đau thương.
Đốt gần hết, bài vị bốc ra khói trắng dày đặc.
Trong sương khói xuất hiện năm cô gái trẻ, mỉm cười khom người vái Lý Lão Tứ, rồi biến mất không thấy nữa.
Chỉ còn lại Thu Ca.
Trong nháy mắt đó, Thu Ca khôi phục lại bộ dạng trước kia.
Vẫn là Thu Ca đó, nhoẻn miệng cười, mặt mày mang theo sự quật cường.
Tôi sợ đến mức vội vàng định chạy.
Lý Lão Tứ nói:
"Chạy cái gì? Trước đó cậu trông thấy đều là nhà họ Điêu làm ra để hại cậu, lần này mới là thật.”
Tôi chạy không phải vì sợ cô ấy, mà là sợ cô ấy thấy bộ dạng kỳ cục bây giờ của mình.
Tôi kẹp chặt chân ngồi xổm têân mặt đất, quay lưng về phía Thu Ca.
Thật sự không ngờ được, cuối cùng lại lấy phương thức này mà từ giã cô ấy.
Lý Lão Tứ cởi áo trong, quấn lên người tôi.
Sau đó nói với Thu Ca:
"Có chuyện gì thì mau nói, giờ Tý sắp sửa qua rồi.”
Thu Ca cười cười, há miệng, nhưng không có âm thành.
Lúc này tôi mới nhớ ra, lưỡi của cô ấy còn ở trong bài vị của nhà họ Điêu.
Trong ngọn lửa lại đôm đốp vang lên vài tiếng, cuối cùng miệng Thu Ca cũng phát ra âm thanh.
“Anh ơi…”
Vừa xuất khẩu, nước mắt lập tức chảy xuống, chỉ khóc.
Lý Lão Tứ ở bên cạnh nhắc nhở:
"Có chuyện thì mau nói, sắp đóng cửa rồi."
Thu Ca nhếch miệng, cười vẫy vẫy tay với tôi.
"Anh à, em không thể đi cùng anh được rồi, anh đi học cho giỏi nhé, em đi đây!”
Cổ họng tôi nghẹn lại, nhất thời không biết nên nói gì cho phải.
Một trận gió thổi qua, Thu Ca đã biến mất.
Tôi buồn vu vơ nhìn bia mộ của Thu Ca.
"Một cô gái tốt như vậy, tại sao còn phải về Quỷ Môn Quan?”
Lý Lão Tứ nói:
"Chuyện gì cũng phải có quá trình chứ, vừa từ quỷ đói thăng lên quỷ đã là tiến bộ rồi, sinh thời đứa bé này đáng thương, sau khi chết ta cũng không thể để nó thiệt thòi nữa. Đám vàng mà con bé đã nuốt ấy, ta đều để nó mang theo, kiếp sau không phải lo ăn lo uống.”
Tôi có hơi bất mãn:
"Đừng luôn nói kiếp sau kiếp sau nữa, ai cũng không nhớ rõ chuyện kiếp trước, kiếp sau có tốt hay không, thì có liên quan gì?”
Đột nhiên tôi có chút hận.
"Báo ứng nếu là thật linh, thì nên xuất hiện ở kiếp này mới đúng.”
…
Mười lăm tháng bảy đêm đó, trong thôn xảy ra hai chuyện lớn.
Chuyện đầu tiên là: Lò luộc đầu heo của nhà họ Điêu phát nổ.
Chuyện thứ hai là: Nhà Điêu Lai Ngân náo quỷ trừ tà, vừa thắp hương vừa hóa vàng mã, nhưng đột nhiên một trận gió lạ thổi đến, hất một đám giấy bạc đang cháy ra ngoài.
Hỏa thiêu quá tà tính, nháy mắt liền đốt cháy cả đại viện của nhà họ Điêu.
Cả nhà Điêu Lai Nhân đều bị thiêu chết bên trong, không ai trốn thoát được.
Chỉ có Điêu Lai Kim sống tiếp.
Sau đó có người tới phân tích hiện trường, bọn họ liều mạng mở cửa nhưng cửa lại không mở được. Có người giải thích là cửa bị thiêu đến biến dạng, nhưng khe cửa ở nông thôn rất lớn, căn bản không có khả năng bị kẹt không mở ra được.
Lúc trong thôn đến thanh lý hiện trường, lại phát hiện không ít tiền tài, liên lụy cả ra việc Điêu Lai Kim tham ô, ngay trong tháng cũng bắt giữ luôn lão.
Về sau nghe nói lão ở trong tù phát điên một trận, rồi chết.
Tôi dần dần hơi hiểu được lời Lý Lão Tứ từng nói, thần cũng được, quỷ cũng được, đều là từ tâm niệm con người sinh ra.
Chuyện rằm tháng bảy còn chưa qua mấy ngày, Lý Lão Tứ đã nhờ người nhắn lời hộ, nói muốn giới thiệu cháu gái mình cho tôi làm quen.
Tôi đáp được, cứ quen thử xem.
…
Sau khi gặp Thái Tú hai lần, chúng tôi đã đính hôn.
…
Sau khi nghỉ hè kết thúc, tôi về trường đi học tiếp.
Về sau tôi thành giảng viên đại học, đón con trai từ trong thôn vào thành đi học, sống cuộc sống hoàn toàn khác biệt với những người quê cũ.
Nhiều năm sau tôi mới chân chính ý thức được, cuộc thi đại học năm đó, là một cơ hội cho người Trung Quốc thay đổi vận mệnh của mình.
Loại cơ hội này, cả một đời khó gặp được mấy lần.
Bắt được thì có được, bỏ qua chính là bỏ mất.
Tôi từng hỏi Tứ thúc, rốt cuộc cái gì là vận mệnh?
Tứ thúc nói, ta giảng huyền hoặc quá, sinh viên như cậu chắc chắn không thích nghe, nên chỉ giảng đơn giản thôi:
Có một số việc đã xuất hiện rồi, cậu không làm không được, đây chính là mệnh của cậu, có thể làm thành hay không, thì là vận của cậu.
Cậu đuổi kịp kỳ thi đại học khôi phục lại, là mệnh. Mà thi đậu, là vận.
Tôi cảm khái tầm nhìn của mẹ, cũng cảm khái con người đứng trước biến đổi to lớn rồi mới bất giác hiểu được.
"Vậy phong thủy của tổ tiên thì sao?” Tôi hỏi.
Lý Lão Tứ nói:
Những thứ này không phải cậu đều đã thấy rồi sao?
Dưới một phần mộ tổ, tử tôn không giống nhau.
Tác dụng mang tính quyết định, vẫn là tâm của cậu.
Năm đó cậu sao được bộ “Sổ Tay Tự Học Toán Lý Hóa” kia, lại chia cho tám người khác nữa, nên đã thi đậu.
Tôi nói: Ngài biết việc này ạ?
Lý Lão Tứ nói: Cũng bởi vì điều này, mà Thái Tú mới coi trọng cậu, vì Thái Tú coi trọng cậu nên mới đưa cho cậu cái que kia, cậu mới có thể sống tiếp được.
Nói xong lại thở dài:
Nhìn độ khó của kỳ thi kia, chép tám lần cũng có thể đậu mà.
Giờ trẻ con khổ quá, nếu dựa theo tiêu chuẩn năm đó, chắc hơn phân nửa đều thi đậu Thanh Hoa rồi.
Nhưng giờ tìm một công việc tử tế còn khó nữa, chớ nói chi là được chia phòng ở.
Các ngươi là gặp đúng thời điểm tốt mà!
…
Bên trên, là câu chuyện thi đại học mà bố kể cho tôi nghe.
Năm 2002, tôi đi thi đại học.
Bố tôi còn căng thẳng hơn cả tôi.
Bởi vì ông là người đầu tiên trong thôn đi học đại học, sự kiện này được trực tiếp ghi lại trong lịch sử huyện, biến thành Phượng Hoàng nam danh phù kỳ thực.
Bố tôi vốn tự cao, cho rằng tôi có thể kế thừa sự nghiệp của ông, trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí viện sĩ đầu tiên trong thôn.
Nhưng tôi lại thích vẽ bùa niệm chú, đả tọa luyện đan, càng lúc càng giống một đạo sĩ.
Điều đó khiến một người xuất thân ngành hóa như bố tôi rất là sụp đổ, không chỉ một lần hoài nghi tôi có phải con ruột không.
Lo tôi thi trượt thì huyết mạch thông minh trên người ông sẽ đoạn tuyệt thế gian.
Về sau tôi nửa đường chuyển qua học vẽ, dựa vào bút pháp vẽ bùa luyện thành, thế mà cũng có thể thi đậu khoa thiết kế của trường đại học.
Trái tim treo lơ lửng hơn mười năm của bố tôi cuối cùng cũng hạ xuống, mua cho tôi một cái áo phông màu đỏ, dẫn tôi về quê cũ vinh quy, áo gấm về làng.
Thậm chí còn chuyên môn bày mấy bàn trong sân, mời mọi người ăn cơm.
Nói là để cho tôi hưởng thụ cảm giác, cái gì gọi là mười năm gian khổ học tập không ai hỏi, nhất cử thành danh toàn thôn hay.
Người trong thôn cũng đều nói, đừng trông Kim Giác từ nhỏ có vẻ ngốc, thật ra cũng giống cha nó có bản lĩnh đọc sách đấy.
Lại nghe nói tôi học là mỹ thuật, một đám góa vợ góa chồng đều lấy ảnh chụp bạn đời trước kia ra, muốn tôi giúp họ vẽ di ảnh, bố tôi vội xua họ đi, nói con nhà ông là làm thiết kết, không phải vẽ tranh kiếm tiền.
Tôi cũng cảm thấy có chút xấu hổ. Với cả cũng không thích bố tôi làm giá ở đây.
Thời đó sinh viên đã bắt đầu bị giảm giá trị rồi, trong thôn hàng năm đều có không ít sinh viên, tôi không rõ cái này có gì đáng khoe khoang.
Bà nội tôi nói, tôi không biết năm đó thi đại học khó thế nào đâu. Bố tôi đã mang tôi vào thành, sau này tôi phải tiến thêm một bước, chạy về phía thành phố lớn, sau này sinh con, thì cho nó xuất ngoại du học, đời này qua đời khác, cứ thế thay đổi.
Tôi không biết chuyện bố tôi thi đại học năm đó, bèn đi hỏi bố.
Bố tôi đã uống say, vừa nghe đến cái này, thì lại có tinh thần.
Trong đêm hè mang theo hơi lạnh ấy, bố tôi cầm bình rượu, kể cho tôi nghe năm đó ông thi đại học, đã gặp phải tà sự như thế nào.
(End)