Đăng vào: 12 tháng trước
Lại nói, sau khi chia tay bọn Tào Công Đằng, mọi người lại tiếp tục ruổi ngựa về đông, tìm đường đến Giang Nguyên cầu y.
Hôm đó, mọi người dừng chân tạm nghỉ trong một khu rừng thưa thanh nhã u tịch. Cũng như mọi khi, bọn Quan lão dựng lều nghỉ qua đêm, còn Giang Hoài Ngọc thì vẫn nghỉ ngơi bên trong cỗ xe.
Trời không trăng không sao. Đêm tối mù mịt.
Không gian tứ bề tĩnh lặng. Thỉnh thoảng nghe có tiếng côn trùng kêu rả rích, cũng như tiếng gió thổi xào xạc phá vỡ vẻ yên tĩnh của đêm đen.
Đến gần nửa đêm …
Mọi người còn đang yên giấc, bỗng đâu một tiếng thét xé tai ngân vang giữa đêm trường tĩnh mịch. Mọi người đều choàng tỉnh giấc.
Sau tiếng thét, tứ bề im lìm một lúc, rồi từ phía xa xa có tiếng quát tháo của ai đó cất lên lanh lảnh :
- Bọn rùa đen phường đốn mạt kia. Có giỏi thì ra đây cùng đại gia quyết một trận thư hùng. Lý đâu lại chui rúc trong rừng giở trò hèn hạ như thế.
Lúc này mọi người chính là đang ở trong rừng. Quan lão nghe tiếng gã kia chửi mắng, tưởng gã nói bọn lão, tức thì sôi giận, đã định chạy đi trị gã một trận. May mà Bách Lý Hạc đã kịp thời ngăn lại, nói :
- Quan lão ca. Không phải chúng nói chúng ta đâu. Có lẽ chúng bị ai đó ám toán nên mới mắng chửi như thế đấy thôi.
Quan lão hừ lạnh nói :
- Đang lúc nửa đêm mà bọn chúng lại la lối như thế, phá giấc ngủ của chúng ta, tội này không thể tha được.
Uông Triều cũng khuyên giải :
- Thôi mà. Chuyện thiên hạ can thiệp vào làm chi cho thêm phiền phức. Hãy cứ để mặc bọn chúng.
Quan lão cau mày nói :
- Được rồi. Hai người đã nói vậy rồi thì cứ để mặc bọn chúng cũng được. Nhưng nếu như bọn chúng mà còn tiếp tục già hàm la lối mắng nhiếc như thế nữa thì lão phu sẽ cho chúng một trận nên thân.
Lão vừa nói dứt lời thì ngoài kia lại có tiếng quát tháo :
- Bọn khốn kiếp chui rúc trong rừng kia. Hãy mau ra đây. Nếu không thì bọn ta sẽ nổi lửa đốt rừng.
Đã đến nước này rồi thì không thể không ra mặt. Nếu như cứ để bọn kia đốt rừng thì những người ở đây cũng sẽ bị liên lụy. Quan lão không nhịn nữa, liền động thân phóng vụt đi. Bách Lý Hạc thấy tình hình đã như vậy, cũng không khuyên ngăn, mà quay sang nói với Uông lão :
- Lão ca ở đây với Giang công tử nhé. Tiểu đệ đi xem sao.
Đoạn lão cũng động thân phóng theo. Khoảng cách tuy cũng khá xa. Nhưng cả hai đều là đại cao thủ nên chỉ trong chớp mắt là đã đến nơi. Lúc ấy, Quan lão đang đứng ở bìa rừng, quát hỏi :
- Khi nãy tên nào vừa đòi đốt rừng đó. Mau ra đây.
Ở phía đối diện với Quan lão, dưới ánh đuốc mù mờ lố nhố một bọn mấy chục tên vận áo xanh, đầu chít khăn xanh, mang vác đủ thứ khí giới khác nhau. Một tên trong bọn thẳng bước tiến ra, dõng dạc nói :
- Bọn các ngươi …
Gã chỉ mới nói được mấy tiếng là đã thấy bóng người chớp động, Quan lão đã phi thân lướt tới thộp cổ gã ta, rồi đảo bộ trở về chỗ cũ. Biến diễn xảy ra rất nhanh. Bọn kia không ai kịp có khái niệm phản kháng thì sự đã rồi.
Quan lão nắm cổ gã nọ, gằn giọng hỏi :
- Ngươi muốn chết kiểu nào đây.
Tên kia thấy đã lọt vào tay đối phương, nhắm không còn đường thoát, liền nhắm nghiền mắt lại, dõng dạc đáp :
- Chết thế nào thì cũng là chết thôi.
Đoạn hắn quát lớn :
- Các ngươi không cần quan tâm đến ta. Hãy mau xông lên đi.
Quan lão cười lạnh nói :
- Được. Tên nào giỏi thì xông lên đây.
Rồi lão trừng mắt nhìn tên tù nhân, hừ lạnh nói :
- Để lão phu rút gân lột da ngươi để ngươi biết thế nào là thủ đoạn của lão phu. Để xem gan ngươi to đến mức nào.
Khi ấy, Bách Lý Hạc đã ra đến nơi, vội nói :
- Lão ca hãy khoan. Để hỏi rõ ràng đầu đuôi đã.
Giữa lúc đó thì bọn kia cũng đã định thần lại, liền ồ ạt xông lên vừa tấn công đối phương vừa mưu tìm cách giải cứu đồng bọn. Một tay vẫn nắm cổ tên kia, Quan lão xông thẳng vào đám đông, tay kia vung lên điểm liên tục vào kẻ địch. Lão đi đến đâu là bọn địch bị điểm ngã đến đó, không ai thoát được.
Bách Lý Hạc thấy Quan lão đã động thủ, sợ lão xuất thủ quá nặng mà sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng, và cũng nghĩ đến chuyện thế nào lát nữa Giang Hoài Ngọc cũng sẽ đến đây, nếu như trông thấy tình trạng thê thảm quá thì sẽ khiến chàng thêm đau lòng. Do đó mà Bách Lý Hạc cũng lập tức xông vào trận chiến, nhưng có điều lão chỉ điểm ngã đối phương thôi chứ không hạ độc thủ.
Toàn trường náo động. Tiếng la hét vang rền tứ phía.
Cả mấy tên cầm đuốc cũng trúng phải độc thủ của Quan lão. Ánh đuốc phụt tắt khiến quang cảnh tối đen như mực. Nhưng Quan lão mắt sáng như sao, công lực thông huyền, đương nhiên có thể nhìn xuyên bóng tối, nên màn đêm đen không thể làm khó dễ được lão. Lão vẫn tiếp tục xuất thủ.
Giữa lúc ấy, quang cảnh lại bỗng sáng bừng.
Từ trong rừng bỗng đâu lại có mấy đốm lửa xông ra. Đó là mấy chục tên hắc y mông diện, đao kiếm tuốt trần lăm lăm trong tay, mà trong số đó cũng có một vài tên cầm theo ngọn đuốc. Ánh đuốc bập bùng soi vào ánh thép của đao kiếm sáng quắc khiến quang cảnh càng thêm tàn khốc.
Bọn chúng vừa xông ra là đã lao thẳng vào đám thanh y nhân mà chém giết. Hóa ra bọn này thuộc phe đối địch với bọn thanh y.
Tiếng la hét vang trời dậy đất.
Cũng giữa lúc ấy, từ trong rừng ở phía đối diện lại có một bóng người áo xám lao vút ra, hữu thủ liên tục vung lên chộp vào đám hắc y nhân che mặt. Mỗi lần người này vung tay lên là ngay như có một tên hắc y nhân thọ thương gục xuống. Tuy nhiên, thương tích của bọn chúng cũng không nặng cho lắm. Nhờ có người này xuất hiện kịp thời mà bọn thanh y nhân không đến nỗi rơi vào thảm cảnh máu đổ thịt rơi, tất nhiên là trừ những tên gặp phải tay Quan lão.
Nói về Quan lão, thấy bọn hắc y nhân thừa cơ xông ra đánh hôi, lão cũng tức mình, gặp tên nào đến gần cũng đều hạ thủ nặng tay, không hề nương nhẹ. Do đó, tình trạng của bọn hắc y nhân cũng chẳng đỡ hơn bọn thanh y nhân chút nào. Vậy là bọn chúng đã tính lầm nước cờ mất rồi.
Thấy Quan lão vẫn đang hăng hái hạ độc thủ với cả hai phe, hôi y lão giả vừa xông ra khi nãy cao giọng nói :
- Quan lão ca. Giang công tử đã đến rồi đấy.
Lão nói như vậy là có ý nhắc khéo Quan lão hãy hạ thủ lưu tình, đừng nặng tay quá. Quan lão hiểu ngay, liền đổi chưởng thành chỉ mà điểm vào mê huyệt kẻ địch. Vừa hạ thủ, lão vừa hỏi lại :
- Lão Uông. Đao kiếm vô tình. Sao lão lại đưa Giang công tử ra chốn nguy hiểm này làm gì.
Hôi y lão giả chính là Uông lão, cười đáp :
- Có mặt Quan, Bách Lý nhị vị đại hiệp ở đây, chuyện gì mà không thể giải quyết được, có gì nguy hiểm đâu.
Ba lão đồng xuất thủ nên chỉ trong thoáng chốc là cuộc chiến đã ngã ngũ. Cả hai phe bọn hắc y nhân lẫn thanh y nhân, vốn là hai phe chính của cuộc chiến tối nay, đều đã chẳng còn một ai đứng vững. Hàng trăm thân người chồng chất khắp cục trường, trong đó có đến hơn ba phần trúng độc thủ của Quan lão, phải mang thương tích rất trầm trọng. Tiếng rên rỉ ai oán khắp nơi.
Vì tất cả bọn hắc y nhân lẫn thanh y nhân đều đã ngã gục nên chẳng còn ai cầm đuốc. Cũng may Bách Lý Hạc tâm cơ linh mẫn, đã nhanh tay chộp lấy mấy bó đuốc cắm vào các thân cây quanh đấy, giữ cho ngọn lửa không tắt để cục trường khỏi chìm vào bóng tối, bởi lão nghĩ quang cảnh tăm tối sẽ khiến bọn lão càng khó chiếu cố cho Giang Hoài Ngọc một khi có bất trắc xảy ra.
Trận chiến đã kết thúc.
Không gian đã trở lại khung cảnh yên ắng ban đầu.
Từ trong rừng, Giang Hoài Ngọc chậm rãi tiến ra. Bộ y phục toàn trắng cùng với phong thái nho nhã của chàng lại càng thêm nổi bật giữa đêm trường tĩnh mịch. Bước đi khoan thai giữa vầng minh quang lấp lánh, vẻ tuấn mỹ thoát tục của chàng lại càng thêm lộ rõ, cả Tử Đô, Tống Ngọc cũng không thể sánh bằng. Cũng vì phong thái này mà bọn Quan lão đã sinh lòng thương mến, hết lòng lo lắng cho chàng.
Quan lão nhìn chàng nói :
- Những nơi như thế này công tử đến làm gì cho nhọc sức. Hãy cứ để bọn lão phu giải quyết là được rồi.
Giang Hoài Ngọc đưa ánh mắt nhìn khắp toàn trường một lượt. Chàng khe khẽ thở dài. Đúng như tiên liệu của Bách Lý Hạc khi nãy, nhìn thấy thảm cảnh máu đổ thịt rơi, chàng lại cảm thấy đau lòng. Song chàng lại nhận thấy không tiện có ý kiến đối với việc làm của Quan lão.
Quan lão cũng hiểu trong lòng chàng đang nghĩ gì, liền vội phân bua :
- Chẳng phải lão phu cố ý hạ độc thủ. Nhưng bọn này thật là quá quắt. Lão phu không thể nhịn được.
Bách Lý Hạc cũng nói :
- Công tử bất tất phải đau lòng vì chuyện này. Tất cả cũng tại bọn chúng thôi. Công tử nghĩ thử xem, nếu như để bọn chúng phóng hỏa đốt rừng thì hậu quả sẽ nghiêm trọng đến mức nào.
Giang Hoài Ngọc lại khe khẽ thở dài, và không nói gì. Lời của Bách Lý Hạc vừa nói cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Chàng lại càng không thích nhìn thấy cảnh đốt rừng, tàn hại sinh linh. Nhưng … bản tính chàng vốn nhân hậu, vì thế mà chàng dễ có cảm xúc với ngoại cảnh.
Lúc này nhìn lại mới chợt nhận thấy trong cả bọn thanh y nhân và hắc y nhân vẫn còn có một tên chưa mắc phải độc thủ, cũng như vẫn chưa bị điểm huyệt. Đó chính là tên thủ lĩnh phe thanh y nhân ban đầu đã bị Quan lão tóm cổ ngay khi lão mới ra đến nơi. Và lúc này gã ta vẫn còn đang bị Quan lão nắm cổ xách đi.
Quan lão lúc này cũng mới nhận ra, liền quẳng gã ta xuống đất. Giang Hoài Ngọc tiến đến gần gã, khẽ hỏi :
- Mọi người kéo đến đây gây nên những chuyện ồn ào thế này là vì nguyên nhân gì thế.
Tên kia lẳng lặng đứng lên, lẳng lặng nhìn chàng, rồi lại lẳng lặng phủi sạch bụi đất bám trên người mà không nói một lời nào, trong khi Giang Hoài Ngọc vẫn đang lặng lẽ đứng yên chờ nghe câu trả lời của gã. Trông thấy thái độ của gã như vậy, Quan lão sôi giận gằn giọng quát hỏi :
- Ngươi không nghe công tử hỏi gì hay sao.
Gã ta nhướng mắt nhìn Quan lão, và ngay lập tức đã nghe “bốp” một tiếng thật lớn. Gã ta đã phải nhận lấy một cái tát mạnh như trời giáng vào mặt. Kình lực của Quan lão không phải tầm thường. Gã ta bị hất bắn ra xa, nằm lăn lộn nhăn nhó trên mặt đất, một bên má sưng vù trông thật thảm não.
Không muốn để Giang Hoài Ngọc tiếp tục chứng kiến những cảnh này nữa, Bách Lý Hạc liền nói :
- Công tử. Đã khuya lắm rồi. Chúng ta về nghỉ ngơi thôi. Công tử hãy nghỉ sớm để sáng mai còn tiếp tục lên đường.
Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu nói :
- Thế cũng được. Nhưng tam vị tiên sinh cũng nên về nghỉ ngơi thôi. Chuyện này dừng lại ở đây được rồi.
Bách Lý Hạc đưa mắt nhìn Quan lão. Lão gật đầu nói :
- Được rồi. Chúng ta đi.
Mọi người rảo bước trở về chỗ cắm trại nghỉ ngơi. Uông Triều cố ý đi chậm lại phía sau, quay lại nói với bọn kia :
- Các ngươi thật may mắn đấy. Nếu không phải công tử gia bản tính nhân hậu, các ngươi dám cả gan trêu vào Sinh Tử Phán là mạng đã cùng rồi.
Vừa nghe đến ba chữ “Sinh Tử Phán”, tên thanh y nhân cả kinh thất sắc, cố nhịn đau, gắng gượng hỏi :
- Vị … vị khi nãy là … là … Sinh Tử Phán lão tiền bối ư.
Gần đây, câu chuyện Sinh Tử Phán Quan Thiên Hữu tái xuất giang hồ đã được đồn đại trong võ lâm. Danh hiệu Sinh Tử Phán làm cho một kẻ gan góc như gã mà cũng phải cả kinh thất sắc, hỏi với giọng run run. Uông lão bật cười thầm, nhưng vẫn lấy giọng lạnh lùng nói :
- Không phải lão thì là ai. Các ngươi chẳng thể lần nào cũng gặp may mắn như lần này. Hãy nhớ liệu hồn đấy.
Đoạn lão vung tay giải huyệt cho cả bọn thanh y nhân lẫn hắc y nhân, sau đó hối hả rảo bước để có thể theo kịp mọi người. Bởi Giang Hoài Ngọc không đi nhanh nên chỉ trong chốc lát là lão đã theo kịp.
Mọi người vừa ung dung dạo bước trong rừng vừa chuyện trò. Bách Lý Hạc cố ý hỏi han Giang Hoài Ngọc hết chuyện này đến chuyện khác, mong rằng sẽ khiến chàng quên đi những chuyện vừa rồi, một sự cố không vui.
Nào ngờ đâu, một sự cố khác lại đang chờ đợi bọn họ ở phía trước.
Đang đi, Quan lão bỗng giật nảy mình, rồi vội phi thân lướt đi nhanh như gió hốt. Cả Uông Triều, Bách Lý Hạc đều giật mình, chú ý lắng nghe. Có những tiếng động lạ ở ngay khu vực mọi người cắm trại nghỉ ngơi, chắc là đã có biến. Và Quan lão đang hối hả chạy về hướng đó.
Cũng như lúc nãy, Bách Lý Hạc quay sang Uông Triều nói :
- Lão ca hãy chiếu cố cho Giang công tử nhé.
Vừa nói, lão cũng vừa động thân, dùng tuyệt kỹ khinh công lao thật nhanh về hướng khu trại. Trong lòng cũng rất đỗi kinh nghi, Giang Hoài Ngọc cùng Uông lão cố rảo bước đi nhanh.
Về đến nơi, đập vào mắt mọi người là một quang cảnh lộn xộn bừa bãi. Đồ đạc bị lục tung, vương vãi khắp tứ phía. Không thấy bóng dáng bọn gian phi, mà cũng không thấy Quan lão và Bách Lý Hạc ở đâu. Có lẽ hai lão đã phát hiện ra tung tích bọn gian phi, và hiện đang đuổi theo.
Việc đầu tiên Uông lão vội làm là kiểm kê lại những thứ quan trọng, xem thử có bị mất thứ gì hay không. Cũng hãy còn may. Chắc có lẽ vì Quan lão cùng với Bách Lý Hạc đã về đến nơi kịp thời, bọn gian phi thấy nguy, phải vội vàng đào tẩu nên đã không bị mất mát thứ gì đáng kể.
Trước quang cảnh lộn xộn bừa bãi thế này, Uông lão đành phải cùng Giang Hoài Ngọc bắt tay thu dọn. Lão đã bảo cứ để lão thu dọn một mình, song Giang Hoài Ngọc lại cảm thấy áy náy khi ngồi yên nhìn lão một mình hành sự.
Hai người thu dọn xong, lại chờ thêm một lúc nữa mà vẫn chưa thấy bọn Quan lão quay lại. Giang Hoài Ngọc trong lòng lo lắng bất an, ngại rằng hai lão đã gặp bất trắc, nên cứ ngồi đứng không yên. Uông Triều an ủi :
- Công tử đừng lo. Chắc cũng chẳng có việc gì đâu. Trong võ lâm hiện nay còn có mấy người có thể đối địch được với Quan lão ca. Đằng này lại còn có thêm Bách Lý huynh đệ hỗ trợ nữa mà. Chắc là vì số lượng bọn gian phi không phải ít, việc áp giải bọn chúng không thể nhanh được.
Tuy ngoài miệng nói vậy, nhưng trong lòng lão cũng đang thầm lo lắng, tự hỏi sao bọn Quan lão lại đi lâu như thế.
Phải chờ thêm một lúc nữa mới thấy hai người bọn họ trở lại. Không như phỏng đoán của Uông lão, số lượng bọn gian phi không nhiều mà chỉ có ba tên. Quan lão đang cắp hai tên và Bách Lý Hạc xách tên còn lại.
Đưa mắt nhìn qua ba tên gian phi, Uông lão không nén được thắc mắc, hỏi :
- Sao hai người đi lâu thế. Chẳng lẽ võ công của ba tên gian tặc này lại lợi hại lắm hay sao.
Quan lão đáp :
- Làm gì có chuyện đó. Cũng chỉ là bọn trộm gà bắt chó thôi.
Vừa nói lão vừa quẳng hai tên gian phi trong tay xuống đất. Bách Lý Hạc cũng thế. Giang Hoài Ngọc ngắm nhìn bọn chúng, thấy cả ba tên đều cao lớn oai mãnh, võ công còn chưa biết thế nào song sức lực chắc chẳng thể tầm thường. Thế mà Quan lão chỉ xem bọn chúng như phường trộm gà bắt chó chắc là hãy còn có nguyên nhân khác. Trong khi đó thì Uông lão càng thêm thắc mắc, đã lại hỏi tiếp :
- Nếu vậy thì sao lão đi lâu thế.
Bách Lý Hạc vội đưa mắt nhìn Quan lão, cố ý ra hiệu bảo lão đừng nói ra nguyên nhân, song đã muộn mất. Quan lão đã lên tiếng đáp :
- Vì còn phải tra hỏi bọn này nên mất nhiều thời gian, chứ …
Đến lúc đó thì lão mới trông thấy ánh mắt ra hiệu của Bách Lý Hạc, liền vội dừng lời. Nhưng Giang Hoài Ngọc cũng đã kịp hiểu ra vấn đề. Bọn họ vì không muốn để chàng chứng kiến việc tra hỏi tù nhân, mà chắc chắn Quan lão đã thi triển những thủ đoạn kinh người của lão để buộc bọn gian phi phải cung khai, nên đã tiến hành lấy khẩu cung ngay khi bắt được bọn chúng. Bọn này chắc chắn đã phải nếm không ít khổ não. Về việc này, chàng không tiện có ý kiến gì, đành gượng hỏi :
- Bọn chúng là ai thế.
Lo Quan lão lại lỡ lời, Bách Lý Hạc liền đáp :
- Đều là bọn vô danh tiểu tốt cả thôi, có nói ra công tử cũng không biết đâu. Ngay như lão phu cũng chưa từng nghe đến tên của bọn chúng nữa mà.
Quan lão chợt nói :
- Bọn này võ công chẳng đáng kể gì, nhưng công phu chạy trốn thì thật là nhanh. Chúng ta phải đuổi một lúc mới theo kịp.
Uông Triều nói :
- Bọn trộm đạo thì đương nhiên phải sở trường môn công phu đó rồi. Nhưng điều quan trọng là tại sao giữa lúc đêm hôm tăm tối thế này bọn chúng lại có mặt tại đây. Chắc không có việc ngẫu nhiên đâu.
Bách Lý Hạc nói :
- Bọn này có mặt tại đây là do được bọn hắc y nhân ban nãy mời đến. Bọn chúng phục kín trong rừng, có ý đợi cho song phương giao chiến đến hồi kịch liệt sẽ xông ra ám toán phe thanh y. Không ngờ sự việc lại có dính dáng đến Quan lão ca. Bọn chúng thấy tình thế bất diệu, liền lẳng lặng trốn đi. Khi đến khu vực trại của chúng ta, nhìn thấy những đồ vật sang trọng của công tử, tham tâm nổi lên, bọn chúng liền mò vào đánh cắp. Vừa lúc đó thì chúng ta về đến.
Lúc này, Giang Hoài Ngọc đưa mắt nhìn cỗ xe cùng những vật dụng khác. Chàng không ngờ rằng những thứ này lại có thể khiến cho một số người sinh lòng ham muốn và hành động bất lương. Dù không phải cố ý, song chàng lại cảm thấy mình cũng có một phần lỗi trong chuyện này. Chàng khe khẽ thở dài. Bách Lý Hạc luôn là người hiểu rõ tâm sự của chàng, liền nói :
- Công tử bất tất phải áy náy. Trong chuyện này công tử chẳng có lỗi gì cả. Nếu như bọn chúng là người lương thiện thì dù cho có lòng ham muốn cũng chẳng bao giờ lại có ý nghĩ đoạt lấy những vật chẳng phải của mình. Chỉ có bọn bất lương mới hành động chẳng kể đạo lý như thế mà thôi.
Đoạn lão lại nói :
- Chỉ vì mấy tên tiểu tặc này mà đã khiến cho công tử phải mất ngủ. Công tử sức khỏe không được tốt, cần nên ngủ cho đủ giấc. Giờ hãy nghỉ ngơi. Sáng mai chúng ta còn phải lên đường nữa.
Giang Hoài Ngọc nhìn bọn gian phi, hỏi :
- Còn bọn này mọi người định xử trí thế nào.
Bách Lý Hạc nói :
- Để bọn chúng lại cũng chẳng làm gì. Thôi thì hãy buông tha quách.
Đoạn lão đưa mắt nhìn Quan lão. Quan lão gật đầu nói :
- Tha bọn chúng cũng được.
Rồi lão vung chỉ giải huyệt cho bọn chúng. Cả ba tên vừa mới ngơ ngẩn ngồi dậy thì Quan lão đã quát :
- Mau cút đi.
Câu nói này chẳng khác lệnh đại xá. Bọn chúng vốn đã được nếm thủ đoạn của lão, nên chẳng đợi nhắc đến lần thứ hai đã vội chuồn thẳng. Còn mọi người thì đi ngủ. Và sáng hôm sau lại tiếp tục cuộc hành trình.Quan đạo vắng vẻ không người.
Con đường chạy dọc bờ sông, không phải là đường cái quan nên vắng khách lữ hành. Ở cạnh bên, dòng Trường Giang hùng vĩ nhưng êm đềm vẫn ngày đêm lững lờ xuôi chảy. Cổ nhân có câu :
“Vạn đại Trường Giang thủy,
Đông lưu diệc bất nhàn.”
ngẫm kỹ cũng hữu lý. Khác với Hoàng Hà hung hãn ở phía bắc, dòng Trường Giang hiền hòa hơn nhiều, ngày đêm xuôi chảy về đông, chở nặng phù sa bồi đắp cho vùng đất Giang Nam màu mỡ, vựa lúa của cả Trung Nguyên.
Mặt trời đã ngả bóng …
Một cỗ xe lộng lẫy sang trọng đang lướt băng băng trên quan đạo, giống như dòng nước Trường Giang, cũng đang xuôi về phía đông. Mặc dù đường đất gập ghềnh mà xe vẫn êm ru như đang chạy trên đường bằng phẳng. Cỗ xe lại rất tiện nghi. Giang Hoài Ngọc ngồi trong xe cảm thấy vô cùng thoải mái. Suốt dọc đường đi, ba người bọn Quan lão lo lắng chăm sóc chàng rất chu đáo.
Xe đang chạy nhanh bỗng phải thắng gấp. Cỗ xe dừng lại đột ngột. Giang Hoài Ngọc lại bị hất tung về phía trước, cả người va vào thành xe đánh sầm một tiếng. Đã lâu rồi việc này chưa từng tái diễn. Không hiểu phía trước đang xảy ra chuyện chi. Chẳng lẽ lại có biến cố nữa sao.
Tuy trong lòng rất thắc mắc, song chàng không hỏi, vẫn tiếp tục ngồi yên trong xe. Vừa lúc đó, Quan lão đã lên tiếng càu nhàu :
- Không biết kẻ nào lại bỏ một đống củi to tướng ngay giữa đường thế này. Thật là cản trở lưu thông quá đỗi.
Lúc này, Uông Triều và Bách Lý Hạc đang ở phía sau cũng đã nhìn thấy đống củi to tướng kia. Đống củi cao hơn trượng, rộng cũng khoảng chừng ấy, đã được buộc chặt kỹ lưỡng, và để ngay giữa đường đi. Người ngựa còn có thể nép sang bên mà đi qua được, nhưng đối với cỗ xe to lớn thì vô phương.
Uông Triều và Bách Lý Hạc cùng nhảy xuống ngựa, tiến đến định dời đống củi ấy sang bên, lấy đường cho xe đi qua. Quan lão không thể đi làm việc này, bởi lão còn phải đánh xe. Nhưng … Cả hai người họ bỗng ồ lên kinh ngạc.
Khí trời vẫn đang oi bức …
Một cảnh tượng kỳ quái hiện ra trước mắt mọi người. Dưới bóng mát của đống củi to lớn kia, một lão tiều vận áo vải thô đã bạc màu vì sương gió đang ung dung nằm ngủ một cách ngon lành. Lão tiều mặt vuông tai lớn, râu ngắn bó cằm, tướng mạo quắc thước, tuổi cũng đã quá lục tuần.
Nhìn thấy hiện trạng này, ngay đến một kẻ ngu ngốc cũng thừa hiểu lão tiều kia hẳn phải là một nhân vật không tầm thường. Nếu không phải là dị nhân ẩn sĩ thì cũng là bậc phong trần quái kiệt.
Bách Lý Hạc tiến đến bên cạnh lão tiều, cao giọng gọi :
- Lão tiên sinh. Lão tiên sinh. Mau dậy đi.
Mặc cho Bách Lý Hạc kêu gọi, lão tiều chỉ trở mình mà vẫn không thức giấc, lại còn lớn tiếng ngáy pho pho. Uông lão và Bách Lý Hạc thúc thủ vô sách, đang ngẩn ngơ không biết phải nên hành động thế nào, thì Quan lão đã tức khí xung thiên, nhảy khỏi xe tiến tới xách lão tiều mang bỏ vào vệ đường.
Sau đó, Uông lão và Bách Lý Hạc hợp nhau khiêng đống củi dời sang một bên đường. Hai người còn cẩn thận để đống củi xuống đất bên cạnh lão tiều sao cho lão vẫn nằm dưới bóng mát của đống củi.
Khi đã xong việc, Quan lão nhảy lên băng ghế phía trước cỗ xe, Uông lão và Bách Lý Hạc cùng nhảy lên ngựa, định tiếp tục lên đường. Bỗng mọi người nghe có tiếng ngâm nga vọng vào tai :
“Vấn dư hà sự thê bích san,
Tiếu nhi bất đáp, tâm tự nhàn,
Đào hoa lưu thủy yểu nhiên khứ,
Biệt hữu thiên địa, phi nhân gian.”
Thanh âm không lớn, nhưng vọng vào tai mọi người nghe rõ mồn một, giống như có người đứng bên cạnh ghé sát vào tai ta mà nói chuyện. Đã biết lão tiều kia là một phong trần dị nhân, mọi người liền dừng lại, chờ xem lão còn định làm gì nữa. Giữa lúc đó, chợt lại nghe có tiếng lão lẩm bẩm :
“Đang ngủ ngon lành,
Ai đến phá ta,
Mau đến tạ tội,
Kẻo ta chẳng tha.”
Giang Hoài Ngọc liền mở cửa xe bước xuống đất, tiến đến bên cạnh lão tiều, cúi xuống khẽ hỏi :
- Lão trượng. Tiểu sinh vì có việc gấp nên đã làm lỡ giấc ngủ của lão trượng. Chẳng hay lão trượng muốn tiểu sinh phải tạ tội như thế nào.
Giọng chàng trong trẻo trầm ấm, nho nhã chân thành, khiến ai nấy cũng khó mà giận được. Lão tiều lại lẩm bẩm :
“Bụng đói muốn ăn,
Miệng khác muốn uống,
Rượu ngon thịt béo,
Việc gì cũng xong.”
Giang Hoài Ngọc liền quay lại nhìn Quan lão, nói :
- Tiên sinh. Chúng ta dừng lại nghỉ ngơi nơi đây một lúc nên chăng.
Quan lão gật đầu nói :
- Thế cũng được.
Rồi lão đánh cỗ xe vào sát vệ đường, đoạn nhảy xuống đất, lấy từ thùng xe ra một tấm gấm đoạn quý giá tinh sạch đem trải lên một khoảng đất trống dưới tàn cây râm mát. Uông Triều và Bách Lý Hạc cũng cột ngựa vào một gốc cây, rồi lấy từ trong xe ra đủ loại đồ ăn thức uống, bày la liệt trên tấm gấm.
Không cần nói đến thức ăn, chỉ riêng mùi hương của hảo tửu thượng phẩm cũng đã thơm nức mũi.
Lão tiều đang nằm ngủ, bỗng nhiên khịt mũi mấy cái. Mùi thơm của rượu và thức ăn từ xa bay đến đã làm lão không thể nào nhịn nổi, vội ngồi ngay dậy ngó lom lom. Giang Hoài Ngọc nói :
- Mời lão trượng cùng đến ăn uống với tiểu sinh cho vui.
Lão tiều mắt vẫn chăm chú nhìn đồ ăn thức uống, miệng nói :
- Đây là chú nhỏ mời lão chứ không phải lão đòi hỏi chú à nghe.
Giang Hoài Ngọc gật đầu nói :
- Vâng. Đây là do tiểu sinh mời lão trượng.
Lão tiều hớn hở đứng phắt dậy, nắm tay Giang Hoài Ngọc, kéo chàng chạy lại chỗ Quan lão. Lão ngồi sà vào bên cạnh Bách Lý Hạc, đối diện với Quan lão, rồi kéo Giang Hoài Ngọc ngồi xuống bên cạnh. Lão cười hì hì nói :
- Ngon quá. Thơm quá. Lão phu không nhịn nổi nữa rồi, muốn đánh chén ngay. Các vị không thấy phiền chứ.
Quan lão cười nói :
- Không phiền. Công tử đã mời thì lão cứ việc ăn uống tự nhiên thoải mái. Khỏi cần phải khách sáo.
Lão tiều nhìn chung rượu, chép miệng nói :
- Chung rượu gì mà nhỏ quá. Uống chẳng đã tí nào. Mà thôi. Cũng đành phải dùng tạm vậy.
Rồi lão đưa tay bốc miếng thịt, tay kia cầm lấy vò rượu rót vào chung. Lão ngửa cổ uống một hơi ra chiều khoan khoái. Đoạn lão lại rót rượu vào một chung khác, đưa cho Giang Hoài Ngọc, cười nói :
- Chú nhỏ uống với lão phu một chung nghe.
Giang Hoài Ngọc lắc đầu nói :
- Tiểu sinh không uống được rượu, chỉ uống trà thôi. Lão trượng cứ việc ăn uống tự nhiên đi.
Lão tiều trợn mắt nhìn chàng :
- Chú nhỏ không biết uống rượu à. Sao mà kém cỏi thế.
Giang Hoài Ngọc chỉ mỉm cười không đáp. Nhưng rồi lão tiều lại quay sang lo việc ăn uống, mải mê đến độ quên mất cả Giang Hoài Ngọc đang ngồi bên cạnh. Giang Hoài Ngọc ăn uống nhỏ nhẹ từ tốn, trái ngược hoàn toàn với phong cách ăn uống hùng hùng hổ hổ của lão tiều. Chàng cứ đưa mắt ngắm nhìn lão ăn uống, thỉnh thoảng lại khe khẽ mỉm cười.
Đến khi ăn uống đã no nê, lão tiều vỗ bụng đứng dậy, cười nói :
- Ăn uống đã no nê rồi. Giờ thì lão xin cáo từ đây. Chú nhỏ này. Hy vọng sau này chúng ta sẽ còn có dịp gặp lại.
Vừa nói lão vừa đi về phía đống củi. Bách Lý Hạc hỏi với theo :
- Lão tiên sinh. Chẳng hay lão tiên sinh xưng hô thế nào.
Lão tiều không nói không rằng, thẳng bước đi tới bên đống củi to tướng kia, nhấc bổng lên, vác trên vai, ghê gớm thay sức lực của lão. Lão không quay nhìn lại, ung dung bước đi, miệng ngâm nga :
“Thủy trúc vân sơn địa,
Phong vân tuyết nguyệt thiên,
Dựa gốc tùng giở ván cờ tiên,
Vầy tiệc cúc nghiêng bầu rượu thánh.
Khi thong thả nhất câu nhất vịnh,
Khách Lan đình cơn tỉnh cơn say,
Khúc cầm ca mài miệt canh chày,
Dìu dặt đủ năm cung hòa nhã.
Của ưa thích sẵn sàng nơi thôn dã,
Đủ tiêu dùng khắp xuân hạ thu đông,
Thảnh thơi gió mát trời trong,
Bức tranh sơn thủy một vùng cỏ hoa,
Thú này ai dễ hơn ta.”
Vai vác đống củi to tướng, thế mà lão tiều vẫn cứ rảo bước lướt đi băng băng, chẳng mấy chốc là đã mất dạng, chỉ còn lưu lại tiếng hát ngân nga trong gió thoảng. Bách Lý Hạc cứ tiếc là không kịp hỏi danh tính của lão tiều, mất đi cơ hội làm quen với bậc phong trần dị nhân.
Riêng Giang Hoài Ngọc, chàng đã có đôi chút ấn tượng đối với lai lịch của lão tiều. Trước khi lên đường, biểu ca chàng đã giới thiệu cho chàng biết lai lịch danh tính của một số ẩn sĩ kỳ nhân ở vùng này. Song chàng chưa thật nắm chắc nên cũng chưa tiện nói ra cho bọn Quan lão biết.
Nghỉ ngơi một chốc, rồi mọi người cũng thu dọn, tiếp tục cuộc hành trình. Cỗ xe lại lướt đi băng băng trên quan đạo.
Chiều hôm đó, đoàn xa mã đi vào một vùng sơn thủy hữu tình, phong cảnh thâm u tĩnh mịch.
Đường quan đạo quanh co. Một bên là sông nước, ba bề là cánh đồng bao la bát ngát, lúa xanh mơn mởn, một màu xanh xa tít chân trời. Ở xa xa, thỉnh thoảng lại điểm một vài vùng xanh thẫm nhô lên nổi bật giữa màu xanh của lúa non. Đó là những cánh rừng thưa nằm trên những ngọn đồi thoai thoải. Xung quanh thấp thoáng những mái nhà tranh của những xóm làng vùng quê yên tĩnh.
Giang Hoài Ngọc khẽ vén rèm ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ, bất giác ngây người. Cảnh làng quê mộc mạc bình dị, cảnh sông nước hữu tình đã khiến chàng bồi hồi trong dạ, lòng dâng lên một cảm giác khó nói bằng lời.
Uông lão lúc ấy đang cưỡi ngựa đi bên cạnh cỗ xe, nhìn thấy dáng sắc của chàng, liền tươi cười hỏi :
- Công tử thấy thế nào. Cảnh sắc thiên nhiên thật đẹp phải không.
Giang Hoài Ngọc khe khẽ gật đầu. Bách Lý Hạc cười nói :
- Nếu như công tử đã thấy thích nơi này. Hay là chúng ta hãy cứ dừng chân nghỉ ngơi tại đây đi.
Quan lão ngồi phía trước cũng nói :
- Thế cũng được. Dù gì thì trời cũng đã sắp tối rồi. Ý công tử thế nào.
Giang Hoài Ngọc nói :
- Cứ theo ý các vị tiên sinh đi. Tiểu sinh thì sao cũng được.
Quan lão liền cho xe dừng lại. Đậu xe vào sát vệ đường, đoạn lão mở thùng xe lấy tấm gấm ra trải lên trên bãi cỏ ven bờ sông, sau đó mới bày đồ ăn thức uống, chuẩn bị bữa ăn tối. Trong khi đi đường, Giang Hoài Ngọc đã mua rất nhiều vật dụng chất đầy trong thùng xe nên cuộc hành trình rất phong quang thoải mái.
Cùng lúc đó, Uông lão và Bách Lý Hạc theo lệ thường đi quanh một vòng lo việc cảnh giới, cũng như tìm chỗ dựng lều nghỉ qua đêm. Lều là để cho ba lão ngủ. Còn riêng Giang Hoài Ngọc, đương nhiên chàng ngủ bên trong cỗ xe.
Sau khi đã sửa soạn xong xuôi mọi thứ, ba lão cùng xúm lại chuẩn bị bữa ăn tối. Cả ba cũng khéo tay. Sau khi nổi lửa lên thì một lát sau là bữa ăn tối đã sẵn sàng. Giang Hoài Ngọc từ trên xe cũng bước xuống, đến ngồi chung với ba lão. Gió mát hiu hiu. Mọi người ăn uống nói cười rất vui vẻ.
Ăn uống mới được nửa chừng, mọi người chợt nghe như có tiếng hát văng vẳng từ xa đưa lại. Chú tâm lắng nghe thật kỹ, mọi người nhận ra đó là giọng ca nghêu ngao của một lão già. Thanh âm hùng tráng đầy khí phách của một đấng trượng phu đang ẩn mình nơi thôn dã :
“Rượu một bầu thịt thơm một túi,
Góp gió trăng làm bạn với núi sông,
Núi kia tạc một chữ đồng,
Trăng kia có nhớ lão này hay chăng.
Như lão đây :
Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc,
Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười,
Cái công danh là cái nợ đời,
Đường thản lý, cát nhân chi đã vội,
Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi,
Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu,
Cảnh cùng thông ai có bận chi đâu,
Mùi tiêu sái với trần gian dễ mấy.
Thơ rằng :
Hữu danh nhàn phú quý,
Vô sự tiểu thần tiên.
Đấng anh hùng yên phận lạc thiên,
So trời đất cũng nhất ban xuân ý …
Ý. Hãy xem :
Rượu ở đâu mùi hương thoang thoảng,
Khiến lão đây bụng dạ bỗng cồn cào,
Vậy thì ta … hãy đến đó mau mau,
Xin ít chén uống vào cho thỏa thích.”
Tiếng ca vừa dứt thì một lão già mặc áo vải thô, vai đeo cung tên, vác một con lợn rừng to tướng bỗng đột ngột xuất hiện như vừa ở dưới đất chui lên, đang rảo bước tiến đến chỗ mọi người. Đoán chắc lão này hẳn cũng là một bậc phong trần dị nhân, Giang Hoài Ngọc liền đứng dậy vòng tay nói :
- Lão trượng. Nếu lão trượng không chê, xin mời lại đây uống vài chén.
Lão già đi săn cười hề hề nói :
- Chú nhỏ thật là lịch sự, đáng mến. Vậy thì lão đây không từ chối đâu đấy.
Vừa nói lão vừa rảo bước tiến lại, miệng luôn cười hì hì. Phong cách nói chuyện của lão này cũng khá giống lão tiều hồi trưa, khiến Giang Hoài Ngọc chợt nghĩ đến mối liên hệ giữa bọn họ.
Lão già đã bước đến nơi. Mọi người liền ngồi sát lại nhường cho lão ta một chỗ trống. Lão ta chẳng hề khách sáo, ngồi ngay xuống, chụp lấy vò rượu, rót đầy chung, rồi đưa lên miệng ngửa cổ uống ừng ực. Lão lại uống thêm một chung nữa. Rồi lại chung nữa … chung nữa …
Lão đi săn uống liên tiếp hơn chục chung rượu. Khi ngẩn mặt lên, chợt nhận thấy Giang Hoài Ngọc đang nhìn lão mỉm cười, nụ cười trầm ấm dễ mến. Lão liền rót đầy vào hai chung, đưa một chung cho chàng, cười nói :
- Chú nhỏ hãy uống với lão một chung nhé.
Giang Hoài Ngọc lắc đầu nói :
- Tiểu sinh không uống được rượu, chỉ uống trà thôi. Lão trượng xin hãy cứ tự nhiên đi.
Lão già trợn mắt nói :
- Chú nhỏ đường đường là một đấng nam nhi mà lại không biết uống rượu ư. Sao lạ thế.
Lão đưa mắt ngắm nghía Giang Hoài Ngọc, nhìn ngang nhìn dọc một lúc, rồi lại cười hề hề nói :
- Lão xem chú nhỏ y hệt một nữ nhân đang cải dạng nam trang. Chú nhỏ là nam hay là nữ vậy hả.
Giang Hoài Ngọc chỉ mỉm cười không đáp. Hễ mà ai hỏi câu gì chàng không thể trả lời được thì chàng luôn đáp lại bằng nụ cười như thế. Lão già không hỏi nữa, quay sang chén thù chén tạc cùng ba người bọn Quan lão.
Giang Hoài Ngọc chỉ ăn được một ít là đã thôi. Bọn Quan lão đi với chàng bấy lâu, vốn đã quen với cách ăn uống nhỏ nhẹ của chàng nên không có ý kiến gì, vẫn tiếp tục đánh chén. Chỉ có lão đi săn là quay sang hỏi :
- Chú nhỏ sao ăn ít thế.
Giang Hoài Ngọc mỉm cười nói :
- Tiểu sinh đã thấy no rồi, muốn đi dạo một lát. Lão trượng hãy cứ tự nhiên cạn chung. Trong xe vẫn còn nhiều rượu lắm.
Lão đi săn tươi cười nói :
- Được được. Chú nhỏ tử tế lắm. Lão đã uống rượu của chú nhỏ thì phải có vật gì đền tạ mới được.
Giang Hoài Ngọc khẽ mỉm cười. Chàng từ từ đứng dậy, tay phe phẩy quạt, chậm rãi đi dạo dọc bờ sông. Lão đi săn cùng với Quan lão, Uông lão dường như hợp tính lắm, cùng nhau nhậu nhẹt rất say sưa. Chỉ riêng có Bách Lý Hạc là vẫn luôn chú ý quan sát tình hình xung quanh, đồng thời còn lo lắng cho Giang Hoài Ngọc.
Làn gió dịu mát từ giữa dòng thổi vào nhè nhẹ. Giang Hoài Ngọc xinh đẹp như ngọc, tà áo trắng tung bay phất phới, bạch ngọc phiến phe phẩy trên tay, phong thái thật là văn nhã cao quý.
Trên cao lá cây xào xạc, dưới sông sóng gợn lăn tăn. Bầu trời điểm mấy gợn mây. Giang Hoài Ngọc đứng bên bờ sông ngắm nhìn cảnh mênh mông sóng nước. Thi hứng chợt đến, chàng khẽ cất giọng ngâm nga :
”Thiên sơn điểu phi tuyệt,
Vạn kính nhân tung diệt,
Cô chu tọa ngư ông,
Độc điếu hàn giang tuyết.”
Chàng vừa dứt tiếng, liền có giọng ca cất lên nối tiếp :
“Thuyền câu lão đậu bến tây,
Sông dài trời rộng tháng ngày linh đinh.
Thấy rằng :
Xử thế nhược đại mộng,
Hồ vi lao kỳ sinh.
Kiếp phù sinh vinh nhục, nhục vinh,
Liếc mắt đám mây trôi mấy chốc.
Con tạo bắt bạc phơ râu tóc,
Suốt cuộc đời gánh nặng cả hai vai,
Mảnh áo tơi bao bọc lấy hình hài,
Ngoái nghìn dặm chẳng chồn chân ngựa Ký.
Thế mới hay :
Hiền ngu thiên tải tri thùy thị,
Phú quý bách niên năng kỷ hà.
Sống trên đời ai sánh được như ta.
Không âu lo, chẳng ưu phiền sự thế.
Tìm thú cũ hỏi thăm sơn thủy,
Chén hoàng hoa ngồi lắng ngọn đông phong,
Thảnh thơi một giấc trên sông,
Thả câu buông lưới ung dung một đời.”
Nối tiếp tiếng ca, giữa vùng sương khói trên sông, một chiếc thuyền câu từ từ hiện ra, lững lờ trôi trên sông vắng, và đang xuôi dòng từ từ đi đến. Trên thuyền, một lão ngư ông áo tơi nón lá đang chậm rãi buông chèo. Lão ngư hình dung quắc thước, tướng mạo thanh cao, râu tóc bạc trắng như cước, trông lão giống hệt Khương Thái Công lúc còn ngồi câu bên sông Vị.