Chương 40: Hoa mai

Bộ Thiên Ca

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Hôm lập xuân gió xuân tuyết tan, văn võ bá quan trong kinh thành đều đổi quần áo đen, tể tướng và họ ngoại, cận thần đua nhau vào cung chúc mừng. Hoàng hậu Tố Doanh cũng dẫn phi tần cắt giấy ở trong cung, làm hai chữ “Nghi Xuân” trong các loại hoa văn, ban cho đám cung nhân dán chung quanh.

Lúc Tố Trầm và Tố Táp vào bái kiến, liếc mắt đã thấy trong bình hoa bên mép giường Tố Doanh có cắm mấy nhành hoa mai.

Tố Trầm cẩn thận nói: “Nương nương, con trai độc nhất của thánh thượng vừa mất, vị trí trữ quân đang trống, thực sự khó gọi là vui mừng với gia đình với đất nước. Hôm nay chư vị đại thần bái yết, không một ai vội mặc sức vui mừng. Trong cung nương nương cắm hoa mai mừng Tết, có phải là…”

Tố Doanh nói: “Vài cọng hoa mai thì có thể nói vui mừng gì chứ? Chỉ để tránh tịch mịch thôi.”

Tố Táp tìm nàng không phải để nói chuyện phiếm cho nên cười dẫn tới chủ đề: “Nương nương đã từng hứa với thần ba cành hoa mai, bây giờ ba cành hoa mai đã qua lâu rồi. Tâm nguyện của nương nương đã thành, sao lại tịch mịch?”

Tố Doanh ngắt một đóa hoa, đặt ở mũi khẽ ngửi một cái, không biết là cười vì mùi hoa hay cười vì hắn không hiểu. Nàng chậm rãi nói: “Anh ba cho rằng hoa mai của em nhuộm đỏ vì Duệ Tuân sao? Không phải vì y đâu… Nói ra thật xấu hổ, hoa mai đã nở nhưng chuyện của em chỉ mới xong một nửa.” Nàng rũ mắt, nhỏ giọng nói, “Đi theo gió xuân của người khác, mặc dù chậm hơn dự liệu nhưng may mà không có lầm lẫn ngoài dự đoán. Nhưng muốn viên mãn thì còn phải không ngừng cố gắng. Chuyện lần trước dặn các anh đã làm chưa?”

Tố Táp truyền một tờ giấy ngắn vào, nói cho Tố Doanh rằng Phượng Diệp đã phái Phi Long Vệ đên thành Tuyên, Lý Hoài Anh tuyên bố tể tướng giật dây Bạch Tín Mặc đầu độc hại chết Duệ Tuân. Tố Doanh đáp lại hãy lan truyền lời nói của Lý Hoài Anh. Tố Trầm và Tố Táp biết việc này không có lợi đối với tể tướng, không dám làm bừa.

“Ngày đó lúc tể tướng vào cung đã trách em.” Tố Doanh bình đạm nói, “Ghét bỏ em làm việc không đủ gọn gàng, nhưng mà em thật không ngờ, mỗi cơ hội tốt đều đưa cho hắn, người nhẫn tâm như hắn mà lại kéo dài đến tận bây giờ mới hiện ra cục diện em dự đoán.”

“Nương nương cần cục diện trước mắt làm gì?” Tố Táp cau mày nói, “Với thủ đoạn của tể tướng, sợ rằng mẹ con Tố Ly không thể chết già. Nương nương chỉ cần nuôi một vị hoàng tử nhanh hơn, những chuyện còn lại để người khác làm đi.”

Tố Doanh trầm mặt xuống nói: “Với thủ đoạn của tể tướng thì chúng ta có thể chết già sao? Hắn tiến cử em vào cung chẳng qua là vừa ý vì em dễ chi phối, hy vọng em lại sinh ra một đứa bé dễ bị điều khiển, cùng để hắn thao túng. Hai anh có thể vừa gánh sự chỉ trích của người đời đối với họ ngoại, vừa bị hắn quản chế sao? Vả lại sinh con dưỡng cái há là chuyện một sớm một chiều. Lỡ như thánh thượng khuất núi, em lại không con, hắn muốn tìm một đứa bé lên ngôi thì dễ dàng biết bao. Đến lúc đó, chớ nói vị trí hoàng thái hậu, chỉ sợ ngay cả cung Đan Xuyến cũng phải chắp tay nhường cho người. Đến lúc ấy hai anh có thể nén giận được không?”

Nàng lạnh lùng quan sát sắc mặt hai người anh trai, nghiêm mặt nói: “Bạch Tín Mặc của hôm nay chính là ngày mai của chúng ta – lúc nào cũng thuận theo tể tướng, chỉ cần một lần làm trái sẽ dùng cái chết để hắn hại người khác. Họ Tố Thái An chính là vết xe đổ mà nhà hoàng hậu không thể chịu nổi. Trước mắt đã có rất nhiều bài học, lẽ nào chúng ta có thể giả câm vờ điếc, được chăng hay chớ?”

Tố Trầm và Tố Táp hai mặt nhìn nhau, không khỏi hoảng sợ: “Tay nương nương có thể bẻ gãy một cành hoa mai nhưng có thể bẻ gãy một cây đại thụ ư?” Tố Doanh chăm chú nhìn mai vàng mà nàng yêu thích, nói: “Mai ở tay em nhưng bẻ mai chưa chắc là tay em.”

Tố Trầm trầm mặc không nói. Sau khi suy nghĩ một lát, Tố Táp bảo: “Một chiêu sơ suất lập tức là tự chui đầu vào rọ ngay. Đông cung, họ Tố Thái An, thậm chí nhà mình lần lượt đều vì thế mà đi vào đường cùng đấy.”

Tố Doanh vẫn cụp mắt nhìn hoa, lúc này không thay đổi tư thế, dịu dàng nói: “Cùng với chuyện ngày mồng tám tháng Chạp, tể tướng đã định giết hậu. Lẽ nào em còn có thể kỳ vọng sống lâu sao? Đời chúng ta có thể lựa chọn, không quan tâm là đào vào phần mộ của mình hay là đào vào phần mộ của người.”

Từ đầu đến cuối Tố Trầm vẫn im lặng, Tố Doanh hỏi hắn ta đang suy nghĩ gì, Tố Trầm cho hay: “Nương nương còn nhớ em gái người là con dâu của kẻ mà người muốn đối phó không?”

Bị hắn ta ôn hoà dạy dỗ một câu, Tố Doanh không lời đáp lại. Tố Táp lại nói: “Tể tướng liệu có vì nương nương là chị của con dâu hắn mà mở một mặt lưới cho nương nương không? Chỉ cần nương nương có cung Đan Xuyến, A Lan chính là em gái hoàng hậu. Dù cho thay mười tám tể tướng, chỉ cần bọn họ có con trai, A Lan muốn gả cho ai mà không được? Em thấy nó và Vân Thùy…” Hắn vốn muốn nói Tố Lan và Vân Thùy khó có thể lâu dài nhưng lời đến khóe miệng lại nuốt xuống, bảo: “Ai nặng ai nhẹ, chắc anh cả hiểu rõ.”

Môi Tố Trầm mấp máy nhưng không nói gì khác.

Không biết có phải cảnh xuân khiến lòng người xao động hay không mà một lời đồn đại tản khắp kinh thành theo gió xuân: Phế thái tử bị tể tướng hại chết.

Tố Doanh giống với tể tướng, cũng biết đạo lý kia: Chỉ cần truyền câu chuyện ra sẽ có người tin tưởng.

Nàng vẫn chưa biết: Nếu như người kể chuyện không có sức nặng như tể tướng thì đành phải mượn cái điển cố “ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật” này. Chi phí vừa thấp nhất, lại không dễ truy tìm ngọn nguồn.

Mai vàng trong cung Đan Xuyến còn chưa héo, hoàng đế nói với Tố Doanh: “Họ Tố Thái An ám sát tể tướng đã âm thầm giải quyết rồi, lưu đày, kê biên và sung công đều xử trí hoàn tất. Nhà cậu của thiên tử rơi tới mức này, quả thực làm người ta run sợ. Ta lại nghĩ tới lời đề nghị trước đó vài ngày của nàng, cảm thấy mẹ con Tố Ly cơ khổ không chỗ nương tựa, đúng là đáng thương. Chi bằng chọn ngày đưa chúng nó trở về.” Hắn không nói tới một chữ về lời đồn đại vô căn cứ trong kinh thành nhưng mà Tố Doanh biết hắn nghe không sót.

Nếu có thể nhẫn tâm bỏ Duệ Tuân thì hắn đã làm từ lâu rồi. Ý định phế Duệ Tuân đi tránh nạn ở thành Tuyên hết sức rõ ràng, nhưng tể tướng lại đuổi cùng giết tận. Cho dù là đại thần quan trọng đến cỡ nào đi chăng nữa, đầu độc hại chết hoàng tử đã vượt qua giới hạn. Không ai có thể đoán trước, một kẻ vượt quá giới hạn còn có bao nhiêu hành động nằm ngoài dự đoán nữa.

Tố Doanh nghe thấy đúng với ý nguyện, vội vã sai người thu dọn quét tước Đông cung đã lâu không náo nhiệt, chuẩn bị nghênh đón mẹ con Tố Ly trở về.

Đông cung phủ bụi vừa mới có động tĩnh thì đã có người nhanh chóng đem tin này thông báo cho tể tướng. “Cha không cảm thấy chuyện này không phù hợp sao?” Tố Lan vội vã trở về từ cung Đan Xuyến, sốt ruột kể tình trạng mình thấy cho tể tướng, “Duệ Tuân đã bị phế làm thứ dân, nay Tố Ly chỉ là một ả đàn bà. Trên đời nào có lý cho dân phụ vào Đông cung ở? Với kinh nghiệm của cha, lần này đứa bé Duệ Hâm kia trở về, liệu có phải cũng được lập thành thái tử không?”

Tể tướng đang đánh giá một chén rượu ngon, không để ý tới nàng ấy. Vợ của hắn là Phương Loan vừa bóc quả hạch đào rượu cho hắn, vừa nói với Tố Lan: “Tinh Triển phái người dùng ngựa giỏi vất vả đưa rượu ngon từ giác trường[1] tới, con đi gọi Vân Thùy cùng nếm thử đi.”

[1] giác trường: 1. thị trường buôn bán ở biên giới của quý tộc;  2. Nơi buôn bán những thứ độc quyền của triều đình như muối, rượu…

Con cả của tể tướng là Cư Tinh Triển quanh năm ở giác tràng buôn bán, thường đưa một ít đồ hiếm có về. Rượu ngon thực sự không tính là hiếm lạ. Tố Lan thấy bọn họ không muốn nghe những thứ này thì ngoan ngoãn đi tìm chồng của mình.

Phương Loan và tể tướng làm vợ chồng nhiều năm, nhìn ra được hắn uống rượu mà không yên lòng. Bà đoán được suy nghĩ của tể tướng: Nếu như Duệ Hâm được lập thành thái tử, sớm muộn gì khi đăng cơ nhất định phải truy cứu ai đã hại cha mình. Tố Ly có lý nào lại không báo thù cho họ Tố Thái An? Phương Loan nhìn trộm tể tướng, luôn cảm thấy dưới vẻ bề ngoài bình tĩnh của hắn đã nổi lên ý muốn giết hại mẹ con Tố Ly, nghĩ xong không khỏi toát mồ hôi lạnh.

“Bà cũng tới uống một chén đi.” Tể tướng nói, tự tay đưa một chén rượu. Phương Loan lại cười nói cảm ơn, nhấp một ngụm.

Rượu này vào miệng ngọt mà tinh khiết, lúc đầu không cảm thấy gì, sau một lát mới thấy choáng váng đầu. Phương Loan uống ba bốn ngụm thì thoái thác tửu lượng kém. Tể tướng vẫn lặng lẽ uống hết chén này đến chén khác.

Phương Loan biết rõ tửu lượng của hắn, âm thầm tính, cảm thấy hôm nay hắn thực sự uống quá nhiều. Lại qua một hồi, quả nhiên tể tướng hoa mắt tai nóng, nói: “Thái hậu Khang Dự dùng chín năm mới từ thành Tuyên trở về.”

“Là tám năm bảy tháng.” Phương Loan sửa lại.

“Nhất định Tố Ly không hiểu tại sao thái hậu phải ở thành Tuyên chịu khổ tám năm…” Tể tướng cúi đầu thở dài: “Lúc tất cả mọi người đều có đối thủ mới rồi, không hề lo lắng đến bà ta nữa thì mới trở về, không phải là rất tốt sao?”

“Nếu như khi đó không về được thì sao? Bị quên lãng là một chuyện rất đáng sợ.”

“Con hát mới sợ bị quên. Một khi dễ dàng đi ra, lại không ai ủng hộ. Con trai nàng ta là cháu ruột của hoàng đế, làm sao có thể nhìn nhận như con hát? Hơn nữa vị thánh thượng này của chúng ta đã bao giờ chóng quên đâu?” Tể tướng bỗng nhiên trầm giọng nói, “Thông minh như thánh thượng, để cho nàng ta trở về là có ý gì đây?”

Phương Loan nhìn kỹ đôi mắt hắn đã hơi có men say, khẽ cười nhạt: “Sợ rồi? Sớm biết hôm nay, sao lúc trước còn như thế?”

Tể tướng cười rộ lên ha hả: “Phu nhân, hai ta đều đã đi lại trong cung đình nhiều năm, sao lại nói ra lời như vậy? Trong cung ai mà không có sơ hở? Có cái gì đáng sợ đâu?”

Phương Loan liếc nhìn hắn một cái, lạnh lùng nói: “Tố Ly có thể có nhược điểm gì ở trong tay ngài?”

Tể tướng hừ một tiếng, nói: “Kẻ muốn làm hoàng thái hậu trong cung không chỉ có Tố Nhược Tinh đã chết.”

Phương Loan nghe xong không khỏi trợn mắt lên nhìn hắn, tể tướng lại không nhiều lời với bà nữa. Phương Loan không tin lời nói của tể tướng nhưng đã nghe được thì không thể bỏ mặc. Lẽ nào Tố Ly cũng có dã tâm trở thành hoàng thái hậu? Nếu tể tướng nói như vậy thì nhất định đã phát hiện đầu mối trong đó, thậm chí có chứng cứ rõ ràng. Rốt cuộc Tố Ly có gì hành động gì tùy ý nàng ấy, có thể sử dụng thủ đoạn gì, cấu kết với hạng người nào?

Giả sử hoàng đế thật sự có sơ xuất, người đầu tiên biết được điểm khác lạ nhất định là thái y. Phương Loan biết mình nên làm như thế nào. Bà trở lại phòng mình, mở cái sọt trắng vẫn buộc chặt ra. Bên trong chỉ là một quyển hoàng lịch năm nay nhưng bà lại trân trọng không gì sánh bằng. Trên hoàng lịch dùng chữ nhỏ viết ngày nào nhà ai chúc thọ, nhà ai cưới gả, mọi việc như thế nhiều không kể xiết. Phương Loan nhớ vợ Ngô thái y quyên tiền xây dựng một tòa đạo quán, đến lúc hoa mai nở rộ bà ta mời các vị phu nhân đã từng bố thí đi ngắm. Lúc trước Phương Loan không có hứng thú, khéo léo từ chối. Hôm nay vừa lật hoàng lịch thấy vẫn còn trong thời gian ngắm mai, bà lập tức sai người chuẩn bị xe ngựa đến đạo quán.

Ngô thái y trời sinh tính ngay thẳng nhưng biết rõ đạo lý, không tranh cãi trước mặt cường thần. Mặc dù như thế, vợ của ông ta vẫn lo lắng một hôm nào đó ông ta gặp chuyện không may không ai cứu, vì vậy thường ngày hết sức ân cần đối với Phương Loan. Ngày hôm đó thấy Phương Loan bất ngờ tới thì vội vội vàng vàng dẫn con dâu và cháu gái của giới thiệu với bà.

Phương Loan thấy cháu gái của bà ta dịu dàng nhã nhặn, lúc này cởi một chuỗi vòng trăm viên san hô được làm tinh xảo trên tay ra làm quà gặp mặt. Bà Ngô thấy bà cất nhắc như vậy, trong lòng không khỏi vui mừng, một trước một sau đi tới sân sau ngắm mai với Phương Loan.

Ý của Phương Loan không hề đặt ở hoa mai, vừa đi vừa nói chuyện: “Qua mấy ngày, người ở thành Tuyên sẽ trở về kinh thành, đến lúc đó thánh thượng nhất định sẽ chỉ định một thái y đáng tin bảo vệ hoàng tôn. Tôi thấy chuyện này gánh nặng đường xa, chỉ có Ngô thái y có thể đảm đương.”

Mấy ngày nay bà Ngô phiền não chính vì chuyện này:

Y thuật của hai vị thái y Ngô, Lý tương đương nhưng Lý thái y làm việc linh hoạt, là bạn đồng liêu của Ngô thái y nhiều năm, lúc nào cũng chiếm hết cơ hội. Bởi vì bệnh tình của hoàng đế cấm kỵ trung cung, Đông cung nên Ngô thái y bị Tố Ly lạnh nhạt không ít. Còn Lý thái y thì chẳng biết từ bao giờ đã bàn đến chuyện giao tình với Tố Ly. Dù sao Tố Ly cũng là mẹ đẻ hoàng tôn, sau khi hoàng đế chết, nàng ấy chính là hoàng thái hậu. Ngày đó cũng không còn xa xôi, đến lúc đó vẫn là Lý thái y vênh váo tự đắc, còn Ngô thái y lại bị Tố Ly thờ ơ. Nghĩ đến chỗ ấy, bà Ngô khó tránh khỏi phát sầu vì chồng. Trong lòng bà bất bình nên uyển chuyển kể ra với Phương Loan.

Phương Loan nghe nói Tố Ly và Lý thái y có giao tình, tự trách trước đó lại không hề phát hiện. Bà Ngô thấy bà hiếu kỳ, bèn nói: “Hôm Đông chí mở tiệc ở lầu Phi Vũ, đại nhân nhà tôi trở về tức giận nói, Lý thái y và cung nữ trong Đông cung mắt đi mày lại, không ra thể thống gì… Chẳng biết Lý thái y đã qua lại gần gũi với Đông cung như vậy từ bao giờ. Vị phu nhân ở thành Tuyên kia mà trở về, sao có thể coi trọng đại nhân nhà tôi chứ?”

“Lời tuy như vậy nhưng ở thái y viện, vẫn còn phải dựa vào y thuật.”

Ngô phu nhân thở dài xa xăm: “Sao bà lại nói như vậy? Thái y viện cũng là quan phủ, có thể không giống chỗ khác được bao nhiêu? Thật đúng là về phần lý lịch thì không kẻ bên ngoài nào có thể dao động được đại nhân nhà tôi. Nếu như thế cô lực bạc giống như Vương Thu Oánh, y thuật cao siêu thì có ích lợi gì? Trước khi rời đi hình như Lý thái y đã uy hiếp nàng… Nếu như nàng trở lại cung, sợ rằng Lý thái y là người đầu tiên không thể chứa nàng.”

“Lẽ nào Lý thái y không biết, Vương Thu Oánh hết sức quan trọng trong việc chữa bệnh cho thánh thượng? Làm sao có thể vì đố kị người tài mà làm trễ chuyện của thánh thượng?” Phương Loan vừa nói vừa trợn tròn con mắt, trong lòng thầm nghĩ: Nếu như Lý thái y đã cấu kết với Tố Ly từ lâu, mong chờ thay đổi triều đại… thì làm sao có thể giao tính mạng hoàng đế cho ông ta chứ? Việc này nhất định phải để cho hoàng đế biết.

Bà Ngô phát giác bà nói vấn đề nghiêm trọng hơn, vội vàng che giấu bảo: “Ai biết Lý thái y suy nghĩ điều gì.”

Phương Loan đã có chủ ý, tùy tiện ngắm hoa một hồi rồi đi mà cõi lòng đầy tâm sự.

Bất kể hoa chứa hương thơm lạnh cỡ nào vẫn lộ ra màu đỏ tươi giữa tuyết trắng và cành đen nhánh. Cảnh tượng phồn thịnh này trải khắp kinh thành, nhất định sẽ khiến nhiều người tới xem, đáng tiếc nó nở ở trong góc của cung Ly tại thành Tuyên, chỉ có một người ngắm nghía. Ngày trước ở nhà Phùng thị đã thích chơi hoa cỏ, thấy cây mai lớn này thì không khỏi vui mừng.

Người bên ngoài không nhàn hạ thoải mái như nàng ấy. Phi Long Vệ canh giữ ở thành Tuyên nói cho bọn họ biết công chúa Phượng Diệp nhận được tin tức, ít ngày nữa hoàng đế cho đòi bọn họ về kinh, gần như ai nấy trong cung Ly đều thu dọn đồ đạc, muốn sau một khắc liền chắp cánh bay trở lại kinh thành. Phùng thị không dám gây trở ngại cho sự bận rộn của họ, lén lút gọi Mê Nhạn, bảy rẽ tám ngoặt đi tới dưới tàng cây mai.

Mê Nhạn tức cảnh sinh tình, nói: “Tôi và bà quen biết tới nay, cảm giác sâu sắc rằng bà làm người chân thành, tôi yêu quý từ tận đáy lòng. Con gái trong cung thường kết làm chị em hạt sen, hẹn cùng chia ngọt xẻ bùi. Nếu bà không chê, hai ta kết bái ngay trước gốc hoa mai này, ngày sau cùng tiến cùng lui, không bao giờ vứt bỏ.”

Phùng thị cũng chỉ có một người bạn tri kỷ như cô ta trong cung Ly, lập tức bảo: “May nhờ lọt vào mắt xanh của chị, thật sự là may mắn của ngu phụ!”

Hai người bọn họ không có hạt sen đường phèn, dứt khoát không so đo những thứ ấy, cắm hai cành hoa mai ở trên mặt tuyết, tạm thời coi như hương nến. Mê Nhạn lớn hơn Phùng thị ba tuổi nên làm chị.

Từ đó về sau, họ biết nơi đây yên tĩnh tao nhã nên tranh thủ lúc rảnh rỗi liền hẹn ở chỗ này nói chuyện. Lúc đầu kể một vài dự định sau khi về kinh, nhưng sau khi tin tức về kinh đã truyền ra bốn năm ngày, trên đường lớn vẫn mãi không thấy xe ngựa hoàng gia tới trước đón tiếp. Họ cũng lén lút nói thầm, không biết lại làm sao.

Tố Ly dự cảm tình hình có biến, vội vã viết một phong thư, sai người gửi đến phủ Phượng Diệp.

Hai ngày đợi hồi âm vô cùng gian nan. Khó khăn lắm mới đợi được đến khi một tin tức tới, nhưng người đưa tin lại mang tới tin tức mà Tố Ly không chờ mong: Ngay sau hôm hoàng đế cho phép mẹ con Tố Ly về kinh, triều thần thấy thời cơ vừa lúc, xin lập trữ quân. Không ngờ tể tướng lại đề xuất, từ ngày Duệ Tuân bị phế thì Duệ Hâm chính là con của thứ dân, đứa trẻ vô tri, sau này khó phân biệt hiền ngu, không đáng sắc lập. Con của Ung vương là Duệ Bột tâm tư trong sáng, tư chất tuyệt vời, lòng mang hoài bão, thần thái anh tài, có thể vì tông miếu xã tắc. Trong triều bỗng ồn ào, mấy ngày liền tranh chấp không ngớt, vì vậy không thể tới nghênh đón mẹ con Tố Ly kịp thời.

Trong lòng Tố Ly có một ngọn lửa vô danh, ném thư xuống mặt đất, oán hận rằng: “Tể tướng nói ra lời mê sảng này mà thánh thượng lại không trách tội sao? Thế tử của Ung vương cho dù có tốt thì cũng là con người khác. Trên đời há lại có người thương con kẻ khác hơn cả cháu ruột mình?”

Một nữ quan bên cạnh nàng ấy bừng tỉnh ra, nói: “Hoàng hậu qua đời, Thôi Lạc Hà không chịu cùng bọn ta sẵn sàng góp sức cho nương nương, ngược lại đến phủ Ung vương dạy học, xem ra là tể tướng bày mưu tính kế, có lòng mưu lập thế tử của Ung vương đây mà!” Người còn lại nói: “Nương nương không cần phẫn hận. Hướng gió vẫn ở phe hoàng tôn. Tể tướng và Ung vương dám cả gan suy nghĩ viển vông chẳng qua là tự tìm đường chết mà thôi.”

“Hướng gió?” Tố Ly cười lạnh nói, “Tâm phúc lúc Đông cung còn sống, còn có cả thân thích nhà mẹ ta… Người có thể tập hợp thành một luồng ý kiến, kẻ thì chết, kẻ thì ly tán. Tể tướng suy nghĩ viển vông, lần nào không khiến long trời lở đất? Bây giờ chỉ còn dư mấy cựu thần cậy già lên mặt khiêu khích tể tướng, thế mà cũng gọi là “hướng gió”? Ta có thể mơ mộng ỷ lại vào bọn họ sao?”

Nàng ấy gọi người đưa tin vào bên trong phòng, thưởng hậu hĩnh rồi lại tự mình hỏi động thái trong kinh thành. Người đưa tin kia là kẻ cơ trí, nói rõ ràng tường tận từng chuyện một: “Tuy thế tử của Ung vương nhỏ tuổi nhưng nói năng chững chạc, lại giỏi đi săn. Quả thực ngài rất giống thánh thượng khi còn bé. Lần trước ngài theo Ung vương vào kinh, thánh thượng và hoàng hậu nhìn thấy ngài cũng cực kỳ ưa thích. Lần này tể tướng đột nhiên nhận Duệ Bột làm con, hình như thánh thượng đang nghiêm túc cân nhắc, chỉ là vẫn chưa có quyết định cuối cùng.”

Tố Ly càng nghe càng nhụt chí. Sứ giả nhìn ra sắc mặt nàng ấy u buồn, còn nói: “Hoàng hậu nương nương không bằng lòng lập con của Ung vương, mấy ngày nay thỉnh thoảng lại năn nỉ thánh thượng cho đòi ngài và hoàng tôn về kinh.” Gã dừng lại nhìn Tố Ly, nói chậm lại: “Nhưng mà hoàng hậu cũng có băn khoăn của mình, chỉ có thể khuyên bảo thánh thượng cho đòi mẹ con ngài trở về. Những chuyện khác thì người không tiện mở miệng.”

Gã nói ra lời này, Tố Ly biết là: Người đưa tin này tuy là do Phượng Diệp phái tới nhưng suy cho cùng vẫn là người làm của họ Tố Đông Bình.

Nàng ấy có thể đoán được đại khái suy nghĩ của Tố Doanh: Nếu như Duệ Bột được lập thì người ta có cha mẹ thủ đoạn cao thâm, lại có tể tướng làm chỗ dựa. Đến lúc đó hậu cung ngoại triều, há có chỗ cho Tố Doanh và họ Tố Đông Bình đặt chân? Về phần băn khoăn không tiện mở miệng nhất định là không muốn tham dự vào quyết sách lựa chọn thái tử của hoàng đế. Cho dù nàng nêu ý kiến lập A Thọ cũng chẳng qua là vì nhà họ Tố người ta, sau khi Tố Ly trở về có lẽ còn muốn tiếp tục đối lập với nàng. Một ngày kia Tố Ly trở thành hoàng thái hậu, lại muốn tự lập kết đảng, làm khó nàng.

Trầm mặc một hồi, Tố Ly đứng dậy đến phòng trong viết hai phong thư, nhờ sứ giả mang cho Phượng Diệp và Tố Doanh, rồi nói với sứ giả: “Có mấy lời không tiện viết trên giấy, xin ngài chuyển lại cho hoàng hậu nương nương: Tố Ly chỉ cầu hoàng tôn có thể trưởng thành bên cạnh thiên tử, ngoài ra tuyệt đối không có ý đồ không an phận. Nếu hoàng hậu nương nương có thể giúp đỡ, Tố Ly không tiếc lấy cái chết để đền đáp.”

Sứ giả lẳng lặng nhìn nàng ấy hỏi: “Lời của ngài là phát ra từ đáy lòng sao?”

Tố Ly lập tức thề nói: “Tuyệt không dối trá, bằng không trời phạt.”

Sứ giả đi rồi, đám nữ quan muốn hỏi Tố Ly viết những gì nhưng nàng ấy tuyệt không đề cập tới, lại đến bên án thư viết một phong thư, nói: “Mời thầy Lý tới đây.”

Lý Hoài Anh đi tới thành Tuyên lâu như vậy, lần đầu tiên được nàng ấy sai khiến, biết nhất định là chuyện quan trọng. Nhưng mà Tố Ly chỉ giao cho y một phong thư nói: “Xin thầy giao thư đến phủ công chúa Phượng Diệp, cần phải tự tay giao cho công chúa.”

Lý Hoài Anh biết người đưa tin mà Phượng Diệp phái tới vừa đi, buồn bực không biết nàng ấy có ý gì. Tố Ly nói: “Người đưa tin ấy không đáng nhờ cậy. Ta giao toàn bộ hy vọng vào tay thầy. Phong thư này nhất định phải đưa tới.”

Nét mặt của nàng nghiêm nghị, Lý Hoài Anh biết là chuyện quan trọng, khom người nói: “Nhất định không phụ lòng!”