Chương 25: Không giống bình thường, giành thắng lợi bất ngờ

Mưu Trí Thời Tần Hán

Đăng vào: 12 tháng trước

.


Tiêu Tiến khởi binh ở Hồ Nam, mới được 5 ngày đã quy phục được mấy vạn người. Vì thế ông đã tự xưng làm hoàng đế định đô ở Giang Lăng (Giang Lăng, Hồ Bắc ngày nay). Đến năm đầu Đường Vũ Đức (năm 618 sau Công nguyên) đã có đến hơn 40 vạn binh, chiếm cứ cả một vùng rộng lớn, phía nam từ Giao Chỉ, phía bắc đến Hán Thủy, phía tây đến Tam Hiệp, phía đông đến Cửu Giang. Lúc đó nhà Đường đang mưu lược Hà Đông, Trung Nguyên, Tiêu Tiến cũng có ý muốn giữ lại, không muốn tiến về phía bắc vì nhà Đường chủ yếu dựa vào phòng thủ. Năm thứ tư Vũ Đức (năm 621 sau Công nguyên), Lý Thế Dân tiêu diệt được Đậu Kiến Đức và Vương Thế Sung ở ngoài thành Lạc Dương, Lý Uyên bèn lệnh cho Lý Hiếu Cung và Lý Tịnh dẫn binh mã Ba Thục tiến công Tiêu Tiến.
Tháng 9 cũng đúng vào mùa lũ, nước sông Trường Giang dâng cao, sóng to cuồn cuộn. Các tướng sĩ đều cho rằng lúc này không thể dùng thuyền được, chỉ có thể đợi cơn lũ tạm lắng mới tiến quân được. Lý Tịnh lại khuyên Lý Hiếu Cung lập tức tiến quân. Các tướng đều rất bất mãn, không ngờ Lý Tịnh hầm hầm biến sắc nói: "Việc dùng binh quan trọng nhất là khác thường và bất ngờ. Nay quân ta mới tập trung, Tiêu Tiến còn chưa biết, mà cho dù có biết thì ông ta cũng sẽ kết luận như những người bình thường khác là khi nước sông lan tràn như vậy thì không thể tiến quân. Chúng ta cứ lợi dụng mùa lũ, tiến công hết tốc lực, Tiêu Tiến chắc chắn không kịp phòng bị, tất sẽ bị quân ta bắt".
Lý Hiếu Cung đã chọn cách của Lý Tịnh, đích thân dẫn hơn 2000 chiến hạm cùng với Lý Tịnh tiến công ngay trong ngày hôm đó. Phòng tuyến dọc sông của Tiêu Tiến tuy có mà cũng như không, ngay lập tức bị quân Đường đập tan, thu được hơn 300 chiến hạm. Tiêu Tiến thấy mùa lũ đến nên đã giải tán quân để đi lo việc nông vụ ở các nơi, lúc đó thấy quân Đường đột nhiên xuất hiện trước mắt thì ngay lập tức sao có thể tập trung quân được? Vì thế đành phải dùng các binh sĩ già bày trận nghênh chiến.
Lý Hiếu Cung thấy kế sách của Lý Tịnh ngay từ đầu đã thuận lợi nên nóng lòng muốn tiến đánh. Các tướng sĩ cũng nhao nhao xin đánh. Lý Tịnh lại nói với Lý Hiếu Cung: "Nhất thiết không thể giống như các tướng sĩ có thái độ khinh địch như vậy mà xuất chiến. Lúc này Tiêu Tiến gọi quân đến để cứu viện, tất sẽ thắng, quân ta cứ cho thuyền neo ở bờ Nam, kiên quyết không có động tĩnh gì, khí thế quyết một trận tử chiến của quân địch sẽ tiêu tan trong chốc lát. Đợi đến khi quân địch đều nghĩ rằng chúng ta không dám quyết chiến cùng chúng, rải binh khắp nơi, không giữ chắc được bờ Bắc thì quân ta mới khởi binh, lý nào lại không thắng được?".
Lý Hiếu Cung cố tình nghe theo lời thỉnh cầu quyết chiến của các tướng sĩ, để Lý Tịnh lại giữ doanh trại còn mình thì đem theo các tướng sĩ giỏi xuất chiến. Không ngờ quân địch lấy một chọi mười, đánh cho quân Đường thất bại thảm hại. Lý Hiếu Cung đành phải quay lại giữ bờ Nam.
Quân địch giành được đại thắng đó thì như mở cờ trong bụng đua nhau chèo thuyền ra giữa sông thu nhặt chiến lợi phẩm mà quân Đường vứt lại. Các tướng sĩ nhà Đường vẫn còn sợ hãi không dám nhìn thẳng. Lý Tịnh được sự đồng ý của Lý Hiếu Cung lại cấp xông ra để giết. Các binh tướng của quân địch còn đang đắc ý vênh váo nên không ngờ rằng quân Đường đến đánh, chỉ lo nhanh chóng thoát thân chứ không nghĩ đến việc đánh trả. Quân của Lý Tịnh thả sức truy đuổi, quân địch bị giết vô số, bị đuổi đến tận dưới chân đô thành của Tiêu Tiến, sau đó chia quân đi thu nhặt được vô số chiến hạm.
Lúc này lại đến lượt quân Đường vui mừng, mọi người đều cảm thấy những chiến hạm quý báu khác thường như vậy mà dùng để đánh địch thì chỉ có đánh đâu thắng đấy. Không ngờ Lý Tịnh lại chẳng tỏ ra vui mừng gì, hạ lệnh thả tất cả các chiến hạm thu được đó cho chúng trôi tự do. Các tướng sĩ đương nhiên là cứ nghi hoặc mãi, Lý Tịnh mới giải thích rằng. "Lãnh địa của quân địch phía nam vượt qua Linh Biểu, phía đông là sông, quân ta lại phải tiến sâu vào. Nếu không thể công phá được Giang Lăng ngay lập tức, thì viện binh của địch đã tập trung được ở dọc sông, lúc đó trong ngoài đều có địch, tiến thoái lưỡng nan, dù có chiến hạm tốt đi chăng nữa cũng chằng có tác dụng gì. Không khó để thấy rằng theo cách nghĩ thông thường của viện binh nếu phát hiện thấy ở hạ du hàng loạt chiến hạm của quân Tiêu mà không có người để hỏi thăm thì tất sẽ hiểu lầm rằng đô thành Giang Lăng đã bị quân ta đánh hạ, vì thế mà không dám tuỳ tiện tiến thêm. Do đó chúng ta phải dùng cách đi ngược lại với suy nghĩ thông thường càng thấy thành khó hạ thì càng phải thả số thuyền đó xuống sông để làm cho viện binh của địch nghi hoặc mà dừng lại. Viện binh đến chậm thì Giang Lăng đã là của chúng ta rồi".
Viện binh của Tiêu Tiến thấy dọc sông đều là thuyền bè thì quả nhiên suy đoán một cách sai lầm rằng quân Đường đã đánh hạ được Giang Lăng vì thế mà hoài nghi không tiến thêm nữa. Một số viên quan địa phương vào Giang Lăng triều kiến thấy Giang Lăng đã bị vây chặt thì sợ hãi ùn ùn kéo đến lạy chầu quân lệnh của nhà Đường. Tiêu Tiến chờ mãi chẳng thấy mưu thần lẫn viện binh đâu thì chẳng bao lâu sau đã phải mở cổng thành xin hàng.

Tướng sĩ nhà Đường hùng dũng vào thành, ngang ngược cướp bóc. Các tướng lại còn hùng hồn nói "Tướng địch không chủ động đến hàng, chết còn là may chán, lẽ ra còn phải tịch thu hết gia sản để thưởng cho quân sĩ". Lý Tịnh lại nói với Lý Hiếu Cung khác hẳn mọi người "Vương sư vào thành nên để tiếng nghĩa bay xa, những người sẵn sàng chết vì chủ, thực là trung thần thì sao lại cho là phản nghịch! Nếu quân ta ưu đãi các "trung thần" thì nhà Đường chẳng mất tí công sức nào vẫn được hàng loạt "trung thần" chắp tay đến xin hàng .
Lý Hiếu Cung lại chọn kế sách của Lý Tịnh, ra quân lệnh nghiêm cấm việc cướp giết. Vì thế mà các châu huyện ở phía nam nghe tin đều đến quy phục. Hơn 10 vạn viện binh cũng cởi giáp xin hàng, tranh làm "trung thần". Nhà Đường đã bình định được phía nam một cách dễ dàng.
Thế nào là "kỳ"? Tức là không giống bình thường. Vì sao phải khác thường? Chính là nằm ngoài dự liệu, đánh vào chỗ hở của chúng. Lý Tịnh bất ngờ tiêu diệt Tiêu Tiến, mất ít sức mà vẫn giành được hiệu quả cao, điều kỳ diệu là ở chỗ khác thường, hành sự khác với suy nghĩ của người bình thường. Trong đấu tranh quân sự cần phải dựa vào sự khác thường để giành thắng lợi, trong kinh doanh thương mại cũng kỵ nhất là việc gây ồn ào như ong vỡ tổ mà đòi hỏi phải một mình mở một lối đi riêng, dựa vào sự khác lạ để hấp dẫn người khác, dựa vào sự hiếm hoi để làm họ dao động, dựa vào một điểm độc đáo để tung hoành thế giới.
Năm 1990 để ủng hộ cho Thế vận hội châu á, nhân dân cả nước đã sôi nổi quyên góp tiền hàng. Không ít doanh nghiệp cũng đứng vào đội ngũ những người quyên hiến đó, đồng thời không tiếc tiền của để các bản tin làm quảng cáo. Nhà máy rượu Nghi Tâm Hồng Lâu Mộng cũng muốn làm một chút gì đó cho Thế vận hội, đồng thời cũng muốn thông qua Thế vận hội để làm một việc gì đó cho chính mình.
Mọi người chắc đều nghĩ đến việc nhà máy rượu đó sẽ quyên góp mấy trăm hoặc mấy ngàn chai rượu Hồng Lâu Mộng? Không, nhà máy rượu không hề làm theo phong trào như thế mà họ tổ chức một nghi thức hiến rượu "Tráng hành tửu" long trọng, nghiêm túc, hùng tráng mang màu sắc cổ tích khác hẳn phong cách bình thường.
Các tướng sĩ thời xưa trước khi ra trận đều phải uống một chút rượu trắng pha máu gà, lấy uy của tráng sĩ để có được niềm tin tất thắng. Nghi thức "tráng hành" rất phù hợp với tâm lý văn hóa dân tộc đương nhiên là thể hiện một cách thích đáng nhất mong ước nóng bỏng của toàn dân Trung Hoa đối với Thế vận hội. Các phóng viên ra sức bấm máy, quay phim cái cảnh rất xúc động này, ngay tối hôm đó đài truyền hình trung ương, đài truyền hình Bắc Kinh đã cho phát ngay bản tin gây xôn xao dư luận ấy, hôm sau hơn 40 tờ báo trong nước đã đăng tin về sự kiện độc đáo đó.
Nhà máy rượu Hồng Lâu Mộng tuy chỉ quyên tặng 500 chai rượu giá chưa đến 1 vạn nhưng từ đó trở đi, nhãn hiệu Tráng hành đã vang khắp nơi, luôn đi cùng với những thành tích nổi trội của Thế vận hội, dường như trong mỗi chiếc huy chương vàng chúng ta đều ngửi thấy mùi rượu Tráng hành, dường như mỗi khi đến phần trao thưởng đều là một cao trào gây xúc động lòng người trong nghi thức Tráng hành.
Tháng 11 năm 1990, trong hội nghị đặt hàng ở Thạch Gia Trang, 3600 vạn bình rượu Tráng hành đều bán hết. Giám đốc nhà máy rượu Hồng Lâu Mộng nói "Đây là lần đầu tiên kể từ khi tôi làm nhà doanh nghiệp đến nay chỉ cần tốn ít tiền nhất mà thu được hiệu quả lớn nhất".